Thứ Ba, 22 Tháng Mười Một, 2022

Người Pháp biến Sài Gòn thành “Hòn ngọc Viễn Đông” như thế nào?

Năm 1859 khi người Pháp đánh chiếm Gia Định, các công trình ở đây chủ yếu phục vụ cho việc cai quản và phòng thủ, chứ chưa có các công trình tiện nghi công cộng, giáo dục, chăm sức sức khỏe, hay vui chơi giải trí. Nhìn ra tiềm lực kinh tế to lớn của Sài Gòn, người Pháp đã xúc tiến quy hoạch vùng đất này với đầy đủ các chức năng hành chính, quân sự, kinh tế, cảng, v.v., đưa Sài Gòn trở thành đô thị sầm uất, thành trung tâm hành chính khai thác Nam kỳ, “Hòn ngọc Viễn Đông”.

Quy hoạch

Ngày 11/4/1861, Phó đô đốc Léonard Charner ra nghị định xác định địa giới Sài Gòn (ville de Saigon): Phía đông là sông Sài Gòn, phía bắc là rạch Thị Nghè, phía nam là rạch Bến Nghé, phía tây là từ chùa Cây Mai đến đồn Kỳ Hòa, diện tích khoảng 25km2.

Ngày 30/4/1864, Coffyn lập dự án quy hoạch nổi tiếng mang tên “Thành phố Sài Gòn 500.000 dân” (Saigon ville de 500.000 âmes), quy hoạch này đựa vào quy hoạch phòng thủ của Nguyễn Cửu Đàm đưa ra trước đó 90 năm. Tuy nhiên Nguyễn Cửu Đàm đưa ra quy hoạch chỉ cho 100.000 dân. Do quy hoạch của Coffyn quá lớn, người Pháp cũng muốn đảm bảo trị an, nên đã quyết định quy hoạch thành phố nhỏ hơn.

Năm 1865, Thống đốc Nam Kỳ, Chuẩn đô đốc Pierre Rose ban hành nghị định quy hoạch lại Sài Gòn với diện tích chỉ 3km2 nằm ở trung tâm quận 1 ngày nay.

Nhận thấy thời điểm này khu Chợ Lớn của người Hoa phát triển nhanh chóng, người Pháp quyết định tách Chợ Lớn ra để khu vực này chuyên về phát triển thương nghiệp.

Người Pháp cũng bán rẻ đất hoang cho những ai muốn làm ruộng vườn. Một khi đất hoang có người cư trú, giá đất Sài Gòn cũng sẽ được nâng lên, tốc độ đô thị hóa cũng tăng theo.

Cải tạo mặt bằng

Địa hình Sài Gòn ở phía bắc cao, trũng về phía nam. Người Pháp cho làm nhiều kênh ở vùng trũng thấp phía nam, để nước từ trên cao chảy xuống làm sạch các vùng đầm lầy đồng thời giúp thông đường thủy giao thông bằng ghe thuyền thuận lợi, lại lấp được các vùng trũng khác.

Khu vực đường Nguyễn Huệ, đường Lê Lợi, đường vào cổng chính ở Ba Son trước đây là những con kênh vùng trũng. Người Pháp cho san bằng những vùng đồi phía bắc, lấy đất lấp những con kênh này.

Xây dựng hệ thống giao thông

Về đường bộ, sau 2 năm cải tạo mặt bằng, vùng trũng gồ ghề đã được lấp với những công trình mới, có được không gian thoáng đãng, các con đường được hình thành và trải nhựa, có vỉa hè hai bên với hàng cây thẳng tắp.

Đường thủy Sài Gòn có thể vươn đến các tỉnh miền tây và sang tận Cao Miên, trở thành một trong những thương cảng quan trọng ở khu vực Viễn Đông.

Giao thông thời kỳ này phát triển mạnh, đặc biệt là giao thông đường thủy với nhiều hệ thống kênh rạch. Thương cảng Sài Gòn (tiền thân của cảng Sài Gòn sau này) đi vào hoạt động với 3 bến lớn là Bến Nhà Rồng (428 m), Bến Khánh Hội (1.264 m), Bến Tân Thuận (866 m).

Sau khi xây dựng xong các công trình hạ tầng cho bộ máy hành chính, năm 1874, Tổng thống Pháp ký sắc lệnh chính thức thành lập thành phố Sài Gòn. Từ đó Sài Gòn không ngừng phát triển và mở rộng dần dần.

Các công trình kiến trúc

Nhiều công trình cổ kính mà sang trọng mọc lên làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt thành phố như Bến Nhà Rồng, Xưởng đóng tàu Ba Son, Tòa Soái phủ Nam Kỳ (nay là Bảo tàng thành phố), Thư viện Sài Gòn, dinh Xã Tây (nay là Trụ sở UBND thành phố)…

Người Pháp biến Sài Gòn thành “Hòn ngọc Viễn Đông” như thế nào? - 1
Sài Gòn năm 1930 cổ kính mà sang trọng. (Ảnh: Manhhai, Flickr)

Các công trình kiến trúc cổ kính sau đây đã làm nên bộ mặt của “Hòn ngọc viễn đông”:

– Dinh Thống Đốc (nay là Bảo tàng thành phố): Được xây dựng xong vào năm 1864, phỏng theo kiến trúc của Bảo tàng hội họa Munich do kiến trúc sư Foulhou thiết kế.

Người Pháp biến Sài Gòn thành “Hòn ngọc Viễn Đông” như thế nào? - 2
Dinh Thống Đốc Nam Kỳ năn 1936. (Ảnh: Manhhai, Flickr)

– Dinh Toàn quyền (nay là Hội trường thống nhất): Khởi công xây dựng từ tháng 2/1868, hoàn thành vào năm 1873 do kiến trúc sư Hermitte thiết kế.

Người Pháp biến Sài Gòn thành “Hòn ngọc Viễn Đông” như thế nào? - 3
Dinh Toàn Quyền. (Ảnh: Manhhai, Flickr)

– Dinh Xã Tây (nay là UBND TP): Khởi công xây dựng từ năm 1898, khánh thành năm 1909, do kiến trúc sư P.Gardès thiết kế.

– Nhà hát Tây (nay là Nhà hát thành phố): Xây dựng năm 1898, khánh thành vào ngày 1/1/1900, do kiến trúc sư Berger thiết kế.

Người Pháp biến Sài Gòn thành “Hòn ngọc Viễn Đông” như thế nào? - 4
Nhà Hát thành phố những năm 1920s. (Ảnh: Manhhai, Flickr)

– Bưu điện Sài Gòn: Khởi công xây dựng năm 1886 và hoàn thành vào năm 1891, đây là dịch vụ rất lạ đối với người Việt vào lúc đó.

Người Pháp biến Sài Gòn thành “Hòn ngọc Viễn Đông” như thế nào? - 5
Bưu điện Sài Gòn. (Ảnh: Manhhai, Flickr)

– Nhà Thờ Đức Bà: Khởi công năm 1877 và khánh thành vào năm 1880, kinh phí xây dựng là 2,5 triệu franc, đây là số tiền rất lớn vào lúc đó. Đến năm 1895 thì xây thêm 2 tháp chuông nhọn.

Người Pháp biến Sài Gòn thành “Hòn ngọc Viễn Đông” như thế nào? - 6
Nhà Thờ Đức Bà. (Ảnh: Manhhai, Flickr)

– Chợ Bến Thành: Xây dựng vào năm 1912, đến năm 1914 thì khánh thành, đây là chợ trung tâm thành phố, nổi tiếng đến ngày nay.

Người Pháp biến Sài Gòn thành “Hòn ngọc Viễn Đông” như thế nào? - 7
Chợ Bến Thành. (Ảnh: Manhhai, Flickr)

– Các tuyến đường Catinat (Đồng Khởi), Bonard (Lê Lợi), Charner (Nguyễn Huệ), De La Somme (Hàm Nghi) là những con đường tiêu biểu với các các kiến trúc cổ kính, tô điểm cho bộ mặt thành phố Sài Gòn. Trong đó Catinat là con đường của giới thượng lưu, nổi tiếng thanh lịch.

Người Pháp biến Sài Gòn thành “Hòn ngọc Viễn Đông” như thế nào? - 8
Đường Catinat xưa kia. (Ảnh: Manhhai, Flickr)


Thời đó người ta xem Sài Gòn là “Perle de l’Orient” tức là “Hòn ngọc Viễn Đông”.


Trần Hưng

 

Bài viết khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art