Thứ Tư, 19 Tháng Mười, 2022

Chí Hòa, ngôi Thánh đường trăm năm của Gia Định xưa

Chí Hòa, ngôi Thánh đường trăm năm của Gia Định xưa - 1
Nhà thờ Chí Hòa mùa hoa sao rụng – Nguồn ảnh Giáo xứ Chí Hòa
 

Nhà thờ Chí Hòa là ngôi thánh đường không chỉ dân Ông Tạ mà nhiều người ở Sài Gòn – Gia Định xưa đều biết này có “anh em, bà con ruột thịt” với ba ngôi thánh đường Sài Gòn xưa nổi tiếng: Chợ Quán, Tân Định, Chợ Đũi (tức Huyện Sỹ). Thậm chí Chí Hòa còn như “anh em song sinh” với nhà thờ Huyện Sỹ.

Lược sử giáo xứ Chí Hòa ghi: “Họ Chí Hòa khởi đầu là họ nhánh của họ Chợ Quán (1771-1890) được Đức Giám mục Phêrô Bá Đa Lộc quy tụ, sau đó là họ nhánh của họ Tân Định”.

Có lẽ cơ duyên “Đức Giám mục Phêrô Bá Đa Lộc quy tụ” là do khi đến khu vực Chí Hòa, nay là Lăng Cha Cả, lúc ấy thuộc làng Tân Sơn Nhứt, ngài đã gặp một số giáo dân ở đây. Tuy nhiên, không rõ khi là họ nhánh của Chợ Quán, khu vực này có nhà thờ chưa?

 

Có lẽ chưa. Kỷ yếu họ đạo Tân Định năm 2001 ghi: “Địa bàn An Hòa (phạm vi của nhà thờ Tân Định) lúc này rất rộng, gồm có những làng: Tân Định, Hiệp Hòa, Đất Hộ (Đa Kao), Phú Nhuận, Chí Hòa và Tân Sơn. Tại Chí Hòa có lăng Đức Cha Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine), thường gọi là Lăng Cha Cả. Cha Le Mée thỉnh thoảng đến đó dâng lễ cho các bổn đạo chung quanh tới dự, vì họ sống xa nhà thờ chánh”.

Nghĩa là trước đó giáo dân xung quanh Chí Hòa, bao gồm Thạnh Hòa, dự lễ tại Lăng Cha Cả.

Chỉ biết khi trở thành họ nhánh của họ Tân Định thì sau khi xây xong nhà thờ Tân Định (khánh thành ngày 16-12-1876; đến 16-12-2021 là 145 năm, trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn bốn năm), 14 năm sau, 1890, ngôi nhà thờ đầu tiên trên đất Ông Tạ có mặt ở khu vực nay là chợ Phạm Văn Hai.

Nhà thờ lúc ấy mang tên Thạnh Hòa do nằm trên đất Thạnh Hòa, một thôn của làng Tân Sơn Nhứt với khuôn viên khá rộng. Tư liệu họ đạo Tân Định cho biết đất thánh (nghĩa trang) Tân Định có từ năm 1905, tức sau hai năm nhà thờ Thạnh Hòa dời về ngôi nhà thờ mang tên Chí Hòa hiện nay. Nghĩa trang họ Tân Định này tồn tại đến giữa thập niên 1980 với hơn 4,000 mộ; có hàng rào xây bao bọc xung quanh.

Đất thánh này đến giữa thập niên 1980 vẫn là đất của giáo xứ Tân Định, không thuộc giáo xứ Chí Hòa.

Chí Hòa, ngôi Thánh đường trăm năm của Gia Định xưa - 2
Nhà thờ Chí Hòa – Nguồn ảnh cursillosaigon.org


NHÀ THỜ MỚI, HỌ ĐẠO MỚI

Trước năm 2000, có một con đường ở giáo xứ Nghĩa Hòa (nay là phường 7, quận Tân Bình) mang tên Lê Phát Đạt, gần nhà thờ Chí Hòa (nay là đường Đặng Lộ). Không phải ngẫu nhiên. Tất cả tư liệu hiện nay trong xã hội, sách báo lẫn văn bản của các giáo xứ, văn khố của Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn đều ghi nhận: Đất đai, nhà thờ Thạnh Hòa do ông Huyện Sỹ Lê Phát Đạt dâng cúng. Cụ thể là 600 hecta đất và ngôi nhà thờ xây xong năm 1903. Lý do: Họ nhánh Thạnh Hòa lúc ấy là một họ đạo nghèo với khoảng 100 giáo dân.

Ông Huyện Sỹ Lê Phát Đạt là ông ngoại của Nam Phương hoàng hậu, vị hoàng hậu cuối cùng của Nhà Nguyễn, vợ vua Bảo Đại. Ông là người giàu nhất Sài Gòn xưa, thuở Pháp mới vô. “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”.

600 hecta ông Huyện Sỹ dâng cúng để giúp cho giáo họ làm đường sinh nhai: Cho nông dân, giáo dân thuê đất trồng trọt. Tài liệu đánh máy lưu trong văn khố của Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn chép: “Năm 1903 việc xây cất xong. Đức cha Mão ra lịnh dời số bổn đạo từ nhà thờ Thạnh Hòa sang nhà thờ mới này để lo bề khai thác đất đai lấy huê lợi nuôi dưỡng các cha về hưu”.

Tức những giáo dân đầu tiên của họ đạo (sau này là Chí Hòa) này vốn ở khu vực chợ Phạm Văn Hai. (Hiện nay, trên đường Bùi Thị Xuân gần chợ Phạm Văn Hai vẫn còn một số gia đình người Nam cố cựu sinh sống). Đến 1954, một số đất ở Nghĩa Hòa, Nam Hòa là do hai cộng đoàn này sang nhượng lại từ một số gia đình nông dân này – vốn chuyển từ đất cũ trước chợ Phạm Văn Hai hiện nay sang, sau khi nhà thờ mới xây dựng xong.

Số đất và chi phí xây dựng nhà thờ Thạnh Hòa mới, chắc chắn được dâng cúng trước khi ông Lê Phát Đạt qua đời 1900. Ông Lê Phát Đạt cũng là người dâng cúng đất đai, chi phí xây dựng nhà thờ Chợ Đũi (tức nhà thờ Huyện Sỹ).

Các tài liệu ghi nhận việc xây dựng này thống nhất: Khi chuẩn bị xây dựng nhà thờ Huyện Sỹ, nghe thông tin nhà thờ Thạnh Hòa xuống cấp mà họ nhánh Thạnh Hòa này nghèo quá, không làm gì được, ông Lê Phát Đạt quyết định giảm quy mô thiết kế ban đầu của nhà thờ Huyện Sỹ từ năm gian, cắt bớt một gian còn bốn gian và dùng số tiền dư ra để xây nhà thờ Chí Hòa.

Nhà thờ Huyện Sỹ khá phức tạp, cầu kỳ nên mãi năm 1905 mới khánh thành. Trong khi đó, tính cấp bách lẫn đơn giản của ngôi nhà thờ mới khiến trước đó hai năm, năm 1903, nhà thờ Thạnh Hòa đã xây dựng xong. Hai bản tài liệu đánh máy trong văn khố lưu ở Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn có ghi rõ điều này.

Chí Hòa, ngôi Thánh đường trăm năm của Gia Định xưa - 3
Khuôn viên bên ngoài nhà thờ Chí Hòa – Nguồn ảnh cursillosaigon.org


Thực tế nhà thờ Huyện Sỹ khởi công năm 1902, vậy khó có thể hình dung nhà thờ Chí Hòa hiện nay xây xong trước đó 12 năm: 1890 – như hầu hết các thông tin hiện nay về năm xây dựng xong nhà thờ Chí Hòa.

Tư liệu trong văn khố của Tòa Tổng giám mục Sài Gòn ghi: “Nhà thờ mới này xây theo kiểu nhà thờ trong nhà thương Đồn Đất, bây giờ là bệnh viện Nhi Đồng 2, quận 1. Sở phí xây cất lên tới 30,000 đồng, lấy bớt ra trong số tiền xây cất nhà thờ Chợ Đũi, vì thế nhà thờ này mất đi một căn. Nhà thờ Chí Hòa có diện tích ngang 18m, dài 40m, cao 18m”.

Và vị trí ngôi nhà thờ mới này, dù vẫn tên Thạnh Hòa nhưng đã không ở thôn Thạnh Hòa thuộc làng Tân Sơn Nhứt mà thuộc làng Phú Thọ Hòa.

Về tổng thể, nhà thờ Chí Hòa không hoành tráng, cầu kỳ như một số nhà thờ xưa của Sài Gòn cùng thế hệ; cũng phong cách kiến trúc Gothic Pháp như nhà thờ Huyện Sỹ, nhà thờ Tân Định… nhưng đã được giản lược nhiều. Dễ hiểu thôi, sở phí xây dựng nhà thờ Chí Hòa chỉ bằng 1/10 sở phí xây dựng nhà thờ Huyện Sỹ (hơn 300,000 đồng bạc Đông Dương).

Chí Hòa, ngôi Thánh đường trăm năm của Gia Định xưa - 4
Nhà nguyện trong bệnh viện Đồn Đất (nay là bệnh viện Nhi Đồng 2), nguyên mẫu của nhà thờ Chí Hòa – Nguồn ảnh: Nguyễn Thanh Gia Huy


Tuy nhiên, cũng như nhà thờ Huyện Sỹ, khuôn viên nhà thờ Thạnh Hòa rất rộng. Xung quanh nhà thờ còn là 600 hecta đất thuộc sở hữu nhà thờ. Số giáo dân tăng mạnh, từ 100 lên 700 người, do giáo dân xung quanh tìm đến. Và giáo họ Thạnh Hòa chính thức tách ra khỏi giáo họ Tân Định từ năm 1910 với việc đổi tên thành nhà thờ Chí Hòa (cho tới nay).

Linh mục Phêrô Nguyễn Thông Lý (1910-1911) nhận bài sai (quyết định bổ nhiệm) làm linh mục Chánh xứ tiên khởi của giáo họ mới này. Ban quới chức (ban chức việc) của giáo họ Chí Hòa với các ông trùm (đứng đầu ban quới chức), câu (phụ tá của ông trùm, lo đốc xuất công việc), biện (người đứng đầu một địa sở, một sở biện, một khu vực trong giáo họ; tương đương giáo khu) đa số là những gương mặt giáo dân từ Thạnh Hòa (cũ) sang.

Nhà thờ Chí Hòa còn gọi là Chí Hòa Nam, như một khẳng định sinh hoạt, lề lối tôn giáo theo phong cách miền Nam, cho tới nay vẫn là cách hành lễ, đọc kinh, sinh hoạt tôn giáo… rất riêng, rất Nam bộ, rất Sài Gòn – dù từ 1954, hàng loạt cộng đoàn giáo dân Bắc 54 tràn ngập khu vực. Thậm chí hàng ngàn giáo dân của giáo xứ Chí Hòa là dân Bắc 54. Và những giáo dân Bắc 54 này hoàn toàn hòa nhập một cách vui vẻ, thoải mái với cách hành lễ rất Nam bộ, Sài Gòn này, tận hôm nay. Nhà thờ cách trường tiểu học Mai Khôi tôi học hồi đầu thập niên 1970 dăm chục mét. Cứ sau giờ học, đám học trò chúng tôi lại kéo nhau vào đây chơi, Noel thì rủ nhau đi ngắm hang đá bên hông nhà thờ…

Chí Hòa, ngôi Thánh đường trăm năm của Gia Định xưa - 5
Tượng ông Huyện Sỹ tại nhà thờ Huyện Sỹ, quận 1 ngày nay. Nguồn ảnh: bianvn.com


ÔNG BÀ HUYỆN SỸ VÀ CHA MẸ, CON CÁI ĐƯỢC CHÔN CẤT, DỰNG TƯỢNG, TƯỞNG NIỆM TRONG NHIỀU NHÀ THỜ

Con trai ông Huyện Sỹ là Lê Phát An cũng là người người dâng cúng đất, và toàn bộ chi phí xây dựng cùng bàn ghế, vật dụng trong nhà thờ Hạnh Thông Tây (1921). Để nhớ ơn, các giáo xứ Huyện Sỹ, Hạnh Thông Tây, Chí Hòa đều có chôn gia đình, thân nhân ông Huyện Sỹ ngay ở gian cung Thánh nhà thờ.

Nhà thờ Huyện Sỹ chôn cất vợ chồng ông Huyện Sỹ (1841-1900) phía sau gian cung Thánh, với hai bức tượng điêu khắc tinh xảo trên mộ. Tượng toàn thân ông Huyện Sỹ kê đầu trên hai chiếc gối bằng đá cẩm thạch, đầu đội khăn đóng quay về cung Thánh nhà thờ, mình mặc áo dài gấm hoa văn tinh xảo, hai tay đan vào nhau trước ngực, chân đi giày. Đối diện bên kia là tượng vợ ông, bà Huỳnh Thị Tài (1845-1920), tóc búi, cũng dựa trên hai chiếc gối, hai tay nắm trước ngực, mặc áo dài gấm, chân mang hài.

Qua cổng sắt nhỏ là hai bức tượng bán thân bằng thạch cao của hai ông bà đặt trên vách đối diện nhau. Phía trong cùng là hai tượng bán thân bằng thạch cao của vợ chồng người con trai ông Huyện Sỹ là Jean Baptiste Lê Phát Thanh (1864 – 1948) và vợ là Anna Đỗ Thị Thao (1865-1922). Vợ chồng người con ông Huyện Sỹ được đặt tượng ở đây do dâng cúng hai quả chuông đồng (trong số bốn quả chuông trong nhà thờ này), đặt đúc bên Pháp.

Nhà thờ Hạnh Thông Tây chôn vợ chồng ông Lê Phát An ở hai bên cánh nhà thờ. Cả hai pho tượng điêu khắc kỳ công, đậm chất “Nam bộ”. Trước mộ ông Denis Lê Phát An là tượng người vợ mặc áo dài Nam bộ, cầm bó hoa quỳ gối ôm choàng bia mộ. Ngược lại, trước mộ của bà Anna Trần Thị Thơ có tượng người chồng đang quỳ cầu nguyện và thương tiếc. Cả hai bức tượng đều được điêu khắc sống động, chi tiết trên đá cẩm thạch trắng. Riêng bia mộ bằng đá hoa cương. Trên bia mộ ghi tên hai người thực hiện: Kiến trúc sư người Pháp Paul Ducuing (cũng là người thực hiện hai pho tượng ở lăng vua Khải Định ở Huế) và và nhà điêu khắc người Pháp A. Contenay.

Chí Hòa, ngôi Thánh đường trăm năm của Gia Định xưa - 6
Tượng ông bà Lê Phát An tại nhà thờ Hạnh Thông Tây, Gò Vấp. Nguồn ảnh: thanhnien.vn của nhà báo Hà Đình Nguyên


Trong nhà thờ Chí Hoà có hai ngôi mộ hai bên cung Thánh: Mộ bà Maria Phạm Thị Tin, mẹ ông Huyện Sỹ, mất năm 1905, hưởng thọ 72 tuổi và mộ cô Anê Lê Thị Hoà, con gái thứ sáu của ông Huyện Sỹ, mất năm 1891 (10 tuổi).

Theo bạn Nguyễn Thanh Gia Huy, một giáo dân trẻ khá am hiểu giáo xứ Chí Hòa, ở nhà thờ Tân Triều (Biên Hòa) có mộ của ông Phêrô Lê Văn Nghi là ông nội ông Huyện Sỹ. Nhà thờ Thủ Đức có bia tưởng niệm cha vợ và mộ mẹ vợ ông Huyện Sỹ, tức cha mẹ bà Agnes Huỳnh Thị Tài: ông Gioan Baotixita Huỳnh Văn Tư, tử vì đạo khi lưu đày ở Bắc Kỳ năm 1861 (55) tuổi và bà Agatha Nguyễn Thị Tứ, qua đời năm 1879 (72 tuổi).

LẠM BÀN CHÚT XÍU: 600 HECTA ÔNG HUYỆN SỸ DÂNG CÚNG NHÀ THỜ THẠNH HÒA GIỜ Ở ĐÂU?

Đất đai của nhà thờ, của Tòa Tổng giám mục Sài Gòn thì nhà thờ, Tòa Tổng giám mục Sài Gòn nắm rõ và tôi nghĩ là có giấy tờ hẳn hoi là ở đâu, chỗ nào. Tuy nhiên, từ việc Đại sứ quán Mỹ bồi thường hàng trăm hecta đất rừng cao su Phú Thọ sau khi giải tỏa năm 1965, đất Tổng giám mục Sài Gòn cấp ban đầu cho một số giáo xứ khu Ông Tạ… hồi 1954, tôi mạo muội phỏng đoán:

Số đất này bao bọc khu vực đại đồn Chí Hòa cũ (khoảng 3km2 = 300 hecta) tức từ khu Bắc Hải lên tới Tân Việt hiện nay (chẳng hạn ba hecta ban đầu của giáo xứ Tân Việt là do Tòa Tổng giám mục Sài Gòn cấp năm 1954), ăn lan sang phía Phú Thọ, lấn sang cư xá Bắc Hải, công viên Lê Thị Riêng hiện nay… Đó là khu vực chiến trường xưa khi Pháp tấn công đại đồn Chí Hòa. Ngay khu vực ngã ba Ông Tạ, đối diện khu nhà thờ Nam Thái trước 1985 còn là nghĩa địa thuộc giáo xứ Chí Hòa.

Qua bao thay đổi thời cuộc, nhiều chính quyền… qua cả thế kỷ, sở đất ấy mất dần, may còn khuôn viên thoáng đãng của nhà thờ Chí Hòa ngập cánh hoa sao mùa sao rụng, Nhà hưu dưỡng các linh mục Giáo phận Sài Gòn (trong con hẻm sau nhà thờ Chí Hòa) và nghĩa trang các linh mục Chí Hòa (có từ 1910) trên đường Bành Văn Trân, cách nhà thờ Chí Hòa ít bước chân…

saigonnhonews.com/

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art