Chủ Nhật, 11 Tháng Tám, 2024

Trong tôi, Tân Định mãi là nhớ thương

Trong tôi, Tân Định mãi là nhớ thương - 1

Tân Định mãi là nhớ thương. (Hình: Tác giả cung cấp)

 

Nói đến Tân Định là người ta nghĩ ngay đến một vùng đất hiền hoà và bình yên của Sài Gòn, Gia Định và Chợ lớn. Giờ đây, tôi đang ở xa hơn nửa vòng trái đất. Nhưng Tân Định trong tôi thời thơ ấu vẫn là một nỗi nhớ khôn nguôi. Làm sao tôi có thể quên đi một đoạn đường đã cho tôi rất nhiều kỷ niệm của những tháng ngày xa xưa. Đó là đoạn đường Hai Bà Trưng (Paul Blancy) từ dưới chân Cầu Kiệu ra đến ngã tư đường Hiền Vương (Mayer), nay là Võ Thị Sáu.

 

Tôi xin viết lại về đoạn đường này, mà những gì còn đọng lại trong ký ức. Mong được thông cảm, nếu như có những sai sót…

Xin được kính tặng đến bà con Tân Định và những ai đã từng có kỷ niệm với nơi đây.
 

Xin được bắt đầu từ dưới chân cầu Kiệu,

Phía tay phải, khi vừa xuống dốc chân cầu Kiệu vài thước có sáu căn nhà nằm thấp dưới chân cầu và có nhạc sĩ chơi đàn Accordion chuyện nghiệp tên Hải. Anh cũng phục vụ trong ban nhạc Tâm Lý Chiến KQ. Quẹo mặt là gặp ngay hẻm 475 HBT, tên là xóm Vựa Gạo, trong xóm có vựa bán cát, vật liệu xây dựng, có nhà của Họa Sĩ nổi tiếng Lê Trung ở gần đầu hẻm. Ông vẽ phụ nữ ba miền với tà áo dài thướt tha mà không có hoạ sĩ nào vẽ đẹp bằng. Hình bìa tập học sinh, lịch vào dịp năm mới thời đó đều có in hình ba thiếu nữ tượng trưng cho ba miền Bắc, Trung, Nam. Ông đã đoạt nhiều giải thưởng lớn về hội hoạ.

Ngày xưa, xóm Vựa Gạo tấp nập ghe thuyền từ dưới tỉnh xuống gạo nơi đây. Sau đó gạo sẽ được phân phối đến các chợ đầu mối trong thành phố. Đi thêm vài bước là phòng mạch của Bác Sĩ Kính, chuyên khám và giải phẫu mắt. Rồi đến tiệm thuốc Bắc của ông Lang Sách. Ông chẩn đoán mạch và chữa trị theo phương pháp Đông Y.

Cách đó vài căn là tiệm bán bông cườm cho đám tang, kế bên số 459 là nhà của Ca Sĩ TV Chi Bảo Phương Hồng Quế, cô nổi tiếng với nhiều ca khúc viết về lính, xuất thân từ lò dạy nhạc Nguyễn Đức. Có lẽ cô là ca sĩ còn sót lại của lò này trong sinh hoạt tân nhạc ở hải ngoại. Rối đến tiệm bán đồ điện Ngọc Sơn. Bên cạnh là một ngõ hẻm nhỏ thường gọi là hẻm cô Hai Kim số 451 HBT. Cô chuyên trị cắt, lể, giác hơi, cạo gió, bán thuốc tễ và có nhà của dịch giả nổi tiếng tên Từ Khánh Phụng chuyên dịch các truyện kiếm hiệp Trung Hoa như: Hoá Long Thần Kiếm, Trảm Lư Bảo Kiếm, Song Nữ Hiệp Hồng, Võ Lâm Tam Tuyệt, Quái Khách Muôn Mặt.

Ngoài ngõ là tiệm sửa xe Mô Tô của ông Bảy Mập, kế bên tiệm là thuốc Cam Hàng Bạc hay còn có tên là Nhân Phong Đường số 447 HBT… Trên tủ kính ngay trước cửa nhà phía bên trái có trưng bày một con nai bằng gỗ quý trông tưởng như thật, nhiều chai lọ đựng các loại bột đủ màu, được quảng cáo là thuốc gia truyền trị được bá bệnh tứ thời cảm mạo, cam thảo thuốc cam hàng bạc cũng rất ngon. Ông chủ có nhiều con, nhưng gia đạo luôn luôn trên thuận, dưới hoà và êm ấm, không bao giờ có chuyện lục đục, gấu ó lẫn nhau. Ông có thú đam mê chơi đồ cổ, nên đã bỏ nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để sưu tầm. Trong số các món đồ cổ, ông thích nhất là con sáo bằng ngọc vì thuộc loại quý hiếm và vô giá.

Tiếp theo, cà phê Hải Nàm của người Hoa. Khách hàng thuộc giới bình dân gồm nhiều thành phần như: xích lô, ba bánh, thổ mộ, lao động chân tay… tụ họp từ sáng đến chiều. Họ thường ngồi chồm hổm để hai chân trên ghế, gọi là ngồi kiểu nước lụt. Miệng phì phèo điếu thuốc Bastos xanh, Ruby Queen, Cotab hay quấn thuốc rê Gò Vấp, lâu lâu cầm ly cà phê xây chừng được pha bằng vợt đưa lên miệng nhâm nhi, rồi bàn mọi chuyện trên trời, dưới đất, giá cả sinh hoạt hàng ngày, chính chị, chính em, xe cán chó, chó cán xe, chuyện xảy ra trong xóm, chuyện nhà có con gái chữa hoang, con trai du đãng, mượn khai sanh giả lớn tuổi hơn để tình nguyện vào lính được tiền thưởng đầu quân, chuyện bốn mươi con số đề sẽ sổ vào buổi chiều trong ngày và các con ngựa đua được mang tên các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng của Sài gòn như: Út Bạch Lan, Mỹ Châu, Lệ Thủy,Thanh Kim Huệ, Ngọc Giàu thường chạy thắng giải ở trường đua Phú Thọ vào hai ngày cuối tuần.

Bước qua đường Yên Đổ (nay là Lý Chính Thắng) gặp một Villa cổ với những hòn non bộ trước sân và cây cảnh um tùm, trong đó có một cây sung già cho trái rất nhiều. Trái sung màu nâu, ăn có vị ngọt, chát và nhiều hột. Tuy nhiên, trẻ con thường lén hái trộm hay bắn ná thun, liệng dép… Nếu chủ nhà xuất hiện thì cả đám vừa chạy, vừa la inh ỏi.

Có lúc được dùng làm trường Tư Thục Vạn Hạnh do Thầy Thích Đức Nghiệp làm Hiệu Trưởng. Về sau biến thành cư xá cho quân đội Mỹ thuê. Trước nhà luôn luôn có một MP Mỹ cao lớn, trang bị súng trường AR-15 đứng gác, bên ngoài được ngăn cản bằng một hàng rào bao cát với những thùng phuy chứa xi măng làm chướng ngại vật đã gây trở ngại, phiền phức cho bà con đi ngang qua đây. Họ phải đi bộ lấn xuống lề đường.

Kề bên có một bảo sanh viện của người Hoa mang tên chủ nhân là Lương Kim Vi, số 431 Hai Bà Trưng. Bà con còn gọi tên thân quen nhà thương cô Mụ Lé. Có lẽ vì mắt cô bị bị lé? Anh em tôi được ra đời tại bảo sanh viện này và hầu hết bà bầu vùng Đa Kao, Tân Định và nhiều nơi khác thường đến đây để khai hoa, nở nhụy. Người ta khen cô mụ Lé mát tay. Bà đỡ đẻ chưa bao giờ xảy ra chuyện đáng tiếc, hay nguy hiểm cho sản phụ và thai nhi. Bao giờ cũng mẹ tròn, con vuông và dễ nuôi. Sau khi về nhà, các sản phụ thường mang quà đến biếu cô để đền ơn.

Tiếp đến là một hẻm lớn, có khoảng mười căn nhà, kế bên là tiệm uốn tóc Tân Hồng Kông. Thợ ở đây đa số là đàn ông, nhưng tướng đi thì õng a, õng ẹo, nhún nha, nhún nhảy như đang nhảy Ba Dô Đốp. Hai bàn tay móng để thật dài. Mỗi khi gội đầu, bới tóc cho mấy bà, mấy cô làm cho khách cảm thấy lâng lâng chiều hôm, khoái hết biết trời trăng, mây nước,

Rồi đến hiệu thuốc con Gà, chuyên bán thuốc cảm, cúm, ho, dầu gió, dầu Nhị Thiên Đường, dầu Khuynh Diệp Bác Sĩ Tín, dầu nóng Ấn Độ, dầu cù là Mát Su, thuốc dán hiệu con Rắn, thuốc lác Ông Tiên, Ký ninh, thuốc xổ Nhành Mai, Tam Tinh Hải Cẩu Bổ Thận Hoàn Võ Văn Vân, thuốc trị hết sâu răng, thuốc trị cảm nóng con nít Euquinol của Dược Sư Nguyễn Chí Nhiều, Thuốc Đỏ của Dược Sư La Thành Nghệ… Tiếp đến là tiệm chụp hình Chí Mỹ, chuyên chụp hình học sinh, tài tử giai nhân. Trước nhà cạnh bên luôn luôn có vài chiếc xe ba bánh đậu. Đó là tiệm bán than đước Cà Mau tên Tân Hồng Yến. Bà chủ có cô con gái học Regina Pacis rất xinh xinh. Lâu lâu em ra phụ má tính tiền. làm ai cũng muốn đến mua than mỗi ngày. Con trai bà tên K… cũng thuộc dân chơi cầu ba cẳng vùng Tân Định. Kế bên tiệm than là Nhà Thuốc Tây Trần Ngọc Tiếng, nằm ngay góc Nguyễn Văn Mai và Hai bà Trưng do Dược Sư Trần Ngọc Tiếng làm chủ. Các sinh viên Đại Học Dược Khoa năm cuối thường đến đây thực tập trước khi chuẩn bị thi tốt nghiệp ra trường. Phu nhân của ông cũng là một trí thức và thuộc dòng dõi khoa bảng họ Dương nổi tiếng ở Sài gòn.

Bước qua đường Nguyễn Văn Mai là Pháp Hoa Ngân Hàng, rồi tới tiệm may Thái Lai chuyên may Âu phục, Veston cho nam giới. Bên cạnh là tiệm thuốc Bắc của ông Thần Bút mà hai bàn tay của ông để các móng dài cả tấc, nhìn giống như rễ tre. Trẻ con trong vùng thường đi lượm vỏ quýt đem phơi khô gọi là Trần Bì đem bán lại để ông làm thuốc, được vài đồng cả đám kéo nhau đi ăn kem Kinh Thành hay Hoàn Kiếm. Bên cạnh là phòng mạch của Giáo Sư Bác Sĩ Y khoa nổi tiếng Trần Ngọc Ninh chuyên về xương. Đi thêm vài thước là tiệm bán đồ điện. Cạnh bên có một hẻm nhỏ có nhà của võ sư nhu đạo Nguyễn Hữu Khánh, nguyên huấn luyện viên võ thuật cho Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia. Võ Sư Khánh mất năm 1977 tại Móng Cái.

Cách nhà ông vài căn là nhà thầy Tổng Giám Thị trường Trung Học Công Lập Trần Lục. Bây giờ các cựu học sinh Trần Lục khi nhắc đến ông vẫn không quên. Phía trước hẻm, ban ngày bán cà phê bình dân, ban đêm có xe hủ tíu mì, hoành thánh, bánh tôm chiên của người Hoa lúc nào cũng đông khách đi chơi khuya, xem đại nhạc hội, nhảy đầm dừng xe ghé thưởng thức. Bên cạnh là tiệm bán nước sinh tố trái cây và rạp hát Tân Đô, số 387 HBT. Vài tháng sau đổi tên là Trưng Vương, sau đó đổi tiếp một lần nữa là Kinh Thành. Rạp thường chiếu các phim tình cảm Ấn Độ, phim Việt Nam giá vé rất bình dân, và cũng là chỗ cho các đoàn cải lương đến trình diễn sau khi đã đi lưu diễn ở các tỉnh xa về. Một vở tuồng cải lương mà tôi xem lúc nhỏ “Khi Hoa Anh Đào Nở” do nghệ sĩ Thành Được đóng vai chính mà cho đến bây giờ tôi vẫn không quên. Phải nói thêm cà rem Kinh Thành cũng nổi tiếng, ngon và rẻ.

Cách rạp hát khoảng mười mét là tiệm cơm gà Tân Định Mì Gia, sau chủ mới đổi thành Hồng Phát, tiệm bán quân phục và huy hiệu quân đội Nam Nhi. Sau đó là một con hẻm số 381 HBT có khoảng mười căn. Hẻm này cũng là cổng sau trường nữ tiểu học Đồ Chiểu học vào buổi sáng. Buổi trưa là trường trung học Công Lập Trần Lục mượn khi di cư vào Nam, và cũng là cổng sau của trường nam tiểu học Tân Định. Trong trường Đồ Chiểu có một sân quần vợt.

Cuối tuần các công chức, thầy giáo thường đến đây tập dượt. Đôi khi cáp độ cà phê, cà pháo cho vui. Sân trường có nhiều cây Phượng Vĩ cho bóng mát. Vào mùa hè Hoa Phượng nở đỏ rực với tiếng ve sầu kêu inh ỏi. Trong trường có khoảng mười căn nhà bằng gạch dành cho giáo viên: Thầy Xuân Trần, Thầy Ký dạy trường Nam Tiểu Học Tân Định, Cô Hoa, cô Cúc dạy trường Nữ Tiểu Học Đồ Chiểu. Thầy Móc làm giám thị trường Trần Lục mà học sinh rất sợ oai thầy. Và thêm nhà ông lao công Sáu Già lo vệ sinh trường ốc. Ông có hai con trai tên Hoà và Tâm. Vào cuối tuần hai anh em lượm banh Tennis kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình. Lúc sân trống không có ai chơi, hai anh em có cơ hội tập chơi quần vợt. Coi như hai anh em may mắn, vì môn thể thao này đối với con nhà nghèo, dù có mơ cũng không thể với tới.

Bước ra khỏi hẻm có tiệm thuốc Đông Y Vạn Thọ Đường của người Hoa. Các con gái ông chủ đều tốt tướng, phì nhiêu. Rồi đến Pharmacy Trí Việt, tiệm bán dụng cụ học sinh Tiến Hưng. Bên cạnh là đại lý bia, nước ngọt Hồ Văn. Ông chủ có nước da ngăm đen, dáng dong dỏng cao và là một đấu thủ quần vợt có hạng ở sân trường Đồ Chiểu. Khi thua độ hay bị chọc quê, ông thường quăng vợt xuống sân xi măng. Đi tới, đi lui miệng lẩm bẩm. Tuần sau lại thấy ông cầm cây vợt mới.

Bây giờ, băng qua đường Nguyễn Đình Chiểu (nay là Trần Quốc Toản.) Ở hai bên đầu đường là hai quán cà phê bình dân của người Hoa. Cách khoảng hai chục thước phía tay trái, nằm đối diện cổng trước của trường Đồ Chiểu là tiệm thuốc Bắc tên Đại Cồ Việt. Ông có nhiều con, nhưng một cô tên Mẫn đang là sinh viên Đại Học Văn Khoa Sài Gòn được bà con khen rất nhiều về tài xem bói bài Tây. Ngoài ra, cô có dáng cao, cặp mắt đẹp, nét hơi lai và nói chuyện rất có duyên. Muốn được cô xem phải lấy số thứ tự trước.

Tôi nhớ lại lúc vừa thuyên chuyển từ Sơn Trà về Saigon mới mấy ngày. Một Niên Trưởng dự định làm bi si nét về xuất nhập cảng vải vóc, tơ lụa đã rủ tôi cùng đi xem với anh. Tôi không tin lắm, nhưng vẫn cứ đi theo. Một phần tò mò, một phần muốn thử xem thiên hạ đồn cô có bói đúng hay không?

Niên trưởng tôi được mời xem trước. Theo các lá bài mà đàn anh tôi vừa bắt đưa cho cô đoán. Cô trầm ngâm một lúc, rồi khuyên anh hãy an phận chờ thời, đừng nên phiêu lưu trong lúc này sẽ không được cơm cháo gì mà còn bị tiền mất, tật mang. Chưa kể có thể dính dáng vào vòng lao lý làm ảnh hưởng đến đường quan lộ. Nghe cô nói xong, mặt anh đượm vẻ buồn buồn, suy tư và bỏ ý định mạo hiểm vì anh rất tin tưởng những gì cô Mẫn nói.

Bây giờ đến phiên tôi. Cô nhìn mặt tôi và nói “Nếu anh tin thì hãy nhờ tôi coi. Còn như không tin thì đừng đụng các lá bài, tốn thời giờ vô ích.”
Tôi vội vàng trả lời, vì tin, nên mới đến đây nhờ cô xem giúp.Thế là, cô trao cho tôi một xấp bài gồm ba mươi hai lá và biểu tôi vừa xào bài, vừa khấn nguyện những gì mà tôi ước muốn. Sau khi xào bài xong, tôi trao lại cho cô. Ngay tức thì, cô xoè bài thành hình cây quạt rất nhanh như biểu diễn ảo thuật.

Cô nói như ra lệnh “Anh hãy bốc mỗi bên tay một lá; tay trái trước, tay mặt sau “Nam tả, Nữ hữu.” Cô để hai lá bài, mà tôi vừa bốc vào trong xấp bài. Sau đó cô xào đi, xào lại nhiều lần. Kế tiếp cô xếp các lá bài theo ba hàng dọc. Sau vài phút trầm ngâm với các lá bài trước mặt. Cô nhìn tôi, rồi cho biết “Quẻ bài này sao tui thấy rất ngồ ngộ!” Theo trong quẻ bài cho biết thì anh sắp phải đi xa khỏi Sài Gòn trong một thời gian ngắn.

Nghe xong, Tôi hơi ngạc nhiên. Tôi nói với cô “Làm gì có chuyện đó xảy ra!” Tôi mới thuyên chuyển về Sài gòn chưa tới một tuần thì làm sao có thể bị đổi đi đâu dễ dàng vậy? Cô trả lời “Quẻ bài lên sao, thì tôi nói vậy, chứ không phải do tôi tự động chế ra. Còn tin hay không là tùy anh.”

Sau đó tôi cố gắng giữ bình tĩnh hỏi thêm “Nếu chẳng may vì lý do nào đó mà tôi bị đi xa như cô cho biết thì tôi có gặp chuyện xấu hay bất lợi gì không? Cô trao xấp bài lại cho tôi và bảo tôi xào bảy lần. Sau đó tay trái, tay mặt bốc một lá và trao lại cho cô. Lần này cô xếp bài theo hai hàng dọc. Trầm ngâm một phút, cô nhìn tôi như thôi miên. Rồi cô nói tiếp “Theo quẻ bài lần này thì nhiều người gặp nạn, nhưng anh may mắn thoát hiểm trong đường tơ, kẽ tóc. Anh sẽ không bị hề hấn gì hết!

Cô dùng ngón trỏ chỉ vào ba lá bài nằm liên tiếp nhau: Già chuồn, Già cơ và Già rô. Cô nói “Anh rất may mắn.” Một lúc mà anh được ba ông Thần độ mạng, phù hộ và giúp đỡ. Tôi tin chắc là sẽ không xảy ra gì nguy khốn đến tính mạng đâu! Tiếp theo, cô nhìn và hỏi tôi có còn thắc mắc gì nữa không? Tôi trả lời “Không” và vui vẻ móc bóp lấy tiền ra đặt quẻ cho cô và không quên cảm ơn đã xem bói cho tôi.

Bước chân ra về mà trong lòng cứ lo ngay ngáy. Phải chi đừng đi coi bói, để khỏi phiền phức, hoang mang, nhức đầu. Tôi nói thầm trong miệng “Bói ra ma. Quét nhà ra rác. Chuyện tào lao thiên hạ, ôm vào mình chẳng ích lợi gì! Nhưng trong lòng cũng hơi rung, vẫn cầu mong không phải là sự thật.”

Mấy hôm sau, đơn vị tôi mới vừa đổi về. Theo nhu cầu huấn luyện, phải tăng phái một sĩ quan có khả năng về hướng dẫn nghênh cản đề hướng dẫn thực tập bằng máy T2 và T4 về Nghênh Cản Giả Tạo cho các Sĩ Quan Điều Không (Air Weapons Controller) thuộc Đài Kiểm Báo 921 tức Peacock, Pleiku. Một Sĩ Quan khoá đàn anh thâm niên hơn tôi được chọn trong chuyến công tác này.

Nhưng hôm sau, Th/Tá HTĐ là Trưởng Phòng Hành Quân Trung Tâm 1 Kiểm Báo, còn có tện là Paris, mời tôi lên phòng làm việc của ông và trao cho tôi Sự Vụ Lệnh đặc biệt lên đường đi thăm “Em Pleiku má đỏ, môi hồng. Ở đây buổi chiều, quanh năm mùa Đông”. Ông báo cho tôi biết.Tôi được hân hạnh đi thay thế đàn anh, vì giờ chót niên trưởng của tôi, vào cuối tuần đi ăn cưới trúng độc phải nhập bệnh viện. Tôi vui vẻ, không thắc mắc hay khiếu nại và nhận sự vụ lệnh bước ra khỏi phòng. Tôi nghĩ mình mới đổi về, vừa mới chân ướt, chân ráo, chưa có dây mơ, rễ má bị chỉ định đi thay, thì đâu có gì là oan uổng, hay đáng ngạc nhiên. Dù trong lòng cũng vươn lên một chút buồn man mác cho thân phận kẻ thế cô.

Cầm Sự Vụ Lệnh trên tay vừa đi, vừa hát khe khẽ bài Tàu Đêm Năm Cũ của nhạc sĩ Trúc Phương “Lòng buồn dạt dào, nhớ hôm nào.” Bây giờ, tôi bắt đầu khâm phục tài bói bài của cô Mẫn. Sao cô bói đúng và linh ứng quá!

Và thêm một chuyện khác làm tôi lại càng thán phục tài bói bài của cô hơn.

Khi lên đến Pleiku công tác khoảng hơn nửa tháng. Vào ngày cuối tuần của đầu Tháng Tư,1973. Tôi gặp khó khăn về tài chánh. Số tiền mang theo sắp cạn, nhưng không muốn hỏi mượn bạn bè. Vì thế tôi theo trực thăng của Phi Đoàn 229 Lạc Long do Tr/úy PHB và LVS lái đưa nhân viên của phi đoàn và một số SVSQ/KQ vừa mãn khoá đi phép về Sài gòn. Trong lúc phi hành đoàn đang làm các thủ tục tiền phi. Tình cờ! Tôi gặp một anh bạn cùng khoá là Tr/úy Lý. Ch…thuộc Phi Đoàn 235 Sơn Dương. Anh Lý. Ch là em ruột của Thiếu Tá Lý B. Người đã tạo một kỳ tích có một không hai, khi đáp chiếc L-19 an toàn xuống Hàng Không Mẫu Hạm USS Midway trong cuộc đi tản 30 tháng 04, năm 1975. Trên phi cơ chở vợ và 5 con còn nhỏ.

Anh Lý Ch.. đang đi lại một chiếc trực thăng đậu gần bên. Anh Ch… cho biết sẽ đi Nha Trang công tác. Anh rủ tôi đi theo cho vui và dịp này sẽ giới thiệu cho tôi biết căn nhà của ba má anh ở Thành, cách Thành Phố Nha Trang khoảng hơn mười cây số. Tôi thú thiệt với anh là tôi “Mậu Lúi,” phải về Sài gòn xin gia đình tiếp viện thì làm sao mà có thể đi theo anh được! Anh Ch… nói “Bạn đừng lo, có gì tui cân hết cho.” Nghĩ tình đồng khoá và tình cảm quý mến anh dành cho tôi từ lâu, nên tôi bèn xuống phi cơ của Tr/uy B, chạy sang phi cơ của anh. Cùng lúc đó, một anh bạn cùng khoá khác của tôi là Tr/Úy VĐQ, tướng cao ráo, đẹp trai, hai má lúm đồng tiền, gốc Thiếu Sinh Quân, Sĩ Quan Vũ Khí SĐ6/KQ, vội nhảy lên chiếc trực thăng của Tr/úy B thế chỗ tôi, để về thi Luật ở Sài gòn cho kịp ngày Thứ Hai hôm sau.

Khi trực thăng do Tr/úy Ch… lái, đang bay trên không phận tỉnh Phú Bổn thì nghe trên tần số báo nguy Emergency 243.0 cho biết có một phi cơ trực thăng vừa bị rớt ở Ban Mê Thuột. Anh Ch… quay cổ lại nói với tôi “Đó là chiếc trực thăng do Tr/úy PHB và LVS lái, mà lúc nãy ở phi trường Cù Hanh, tôi đã bước xuống để sang phi cơ của anh.”

Chiếc phi cơ lâm nạn bị cháy, phát nổ tan tành. Tất cả phi hành đoàn, cùng hành khách trên phi cơ không một ai sống sót. Ngồi trên trực thăng đang ở trên độ cao mấy ngàn bộ, mây trắng bay lãng đãng, thời tiết rất lạnh, thế mà mồ hôi trong người tôi cứ tuôn ra như tắm.

Tôi bàng hoàng, chấp tay lâm râm khấn Trời Phật, Tổ Tiên, Ông Bà khuất mày, khuất mặt đã che chở cho tôi được an toàn tính mạng. Quả là quẻ bài cô Mẫn đoán không sai chút nào!

“Dù gặp hiểm nguy, nhưng vẫn hoàn toàn bình yên vô sự và tai qua nạn khỏi.”

Bây giờ, đi thêm vài chục thước là tiệm phở Hoà Bình, Sài Gòn Ấn Quán, hớt tóc Hoàng Thơ, một con hẻm ra được đường Pasteur, Hiền Vương còn gọi là hẻm Nhà Thờ. Kế bên là tiệm sửa xe đạp Long Hải, có ban kích động nhạc gia đình tên Teen Sounds do người cha tên Thượng làm Bầu Show. Các con ông có thể chơi được nhiều loại nhạc khí và được hướng dẫn bởi người con lớn tên NCL là cựu học sinh Trường Trung Học Tư Thục Văn Lang, vào Sĩ Quan Bộ Bình Thủ Đức, ra trường về Đơn Vị 101. Ban nhạc thường đi trình diễn cho Đại Nhạc Hội và các câu lạc bộ của quân đội Hoa Kỳ. Sau đó là Billiards Văn Minh, tiệm bán Áo Dài và Đồ Cưới Dễ Thương, rồi tiếp đến một cái mả bằng đá ong nằm bên trái góc đường Pasteur và Nguyễn Đình Chiểu. Nằm đối diện là Trường Anh Văn Khải Minh. Đây là một trong những trường dạy tiếng Anh đầu tiên của Sài gòn. Lúc đó phong trào làm sở Mỹ đang nổi lên rầm rộ, nên số học viên ghi tên học rất đông. Hiện nay là một cư xá gồm nhiều gia đình đang ở đã bị hư hại rất trầm trọng vì không được trùng tu, sửa chữa. Có lẽ sẽ sụp đổ trong một tương lai rất gần mà thôi!.

Cũng cần kể thêm nhà ông chủ hãng Sơn Mài Thành Lễ nằm trên khoảng đường này, mà một trong các con trai của ông tên NTT là Phi Công lái Phản Lực F5E thuộc một phi đoàn trú đóng ở Sư Đoàn 3 KQ/Biên Hoà và hãng xe đò của ông Phạm Hoè mang tên Cosara, với những chiếc xe buýt sơn màu xanh da trời có một không hai ở Sài gòn. Vượt qua khỏi đường Công Lý khoảng hai trăm thước là cô nhi viện An Lạc phía bên tay phải. Đường Nguyễn Đình Chiểu chấm dứt, khi gặp đường Trương Minh Giảng.

Trở lại Hai Bà Trưng. Nằm đối diện chợ Tân Định là các tiệm tạp hoá của người Hoa, bán đủ thứ từ mỹ phẩm đến mọi đồ dùng trong nhà. Ngoài ra có cả phòng trám, trồng răng vàng, răng bạc, nhổ răng không đau. Sau đó là nhà thuốc Kim Tân, bán thuốc cải lão hoàn đồng, có bày một tủ kính một chàng lực sĩ vai u, thịt bắp đang cung tay gồng mình. Đầu ngõ hẻm Kim Tân có một chiếc xe nhỏ với tủ kính bán dây nịt da, viết Bic, viết máy Parker, Calo, hộp quẹt Zippo và nhiều thứ linh tinh khác. Đi thêm vài bước là tiệm bán văn phòng phẩm Mỹ Thịnh, rồi đến trường Thiên Phước số 295 đường Hai bà Trưng, với các nữ sinh đồng phục áo đầm màu hồng. Đến giờ vào lớp và tan học, xe Jeep của quân đội, xe du lịch, xe đưa đón học sinh gây trở ngại lưu thông làm tắt nghẻn cả khúc đường Hai Bà Trưng.Thế mà! Không bao giờ thấy bóng dáng cảnh sát công lộ hay chính quyền địa phương có mặt để giữ gìn trật tự giao thông.

Sau đó tới Nhà Thờ Tân Định được quét vôi màu đỏ gạch cua số 289 HBT, nguy nga, tráng lệ đã tô điểm cho Tân Định thêm nét hoành tráng. Trước năm 1975 có cha Tr.. là thần tượng của giới trẻ. Hôm nào cha giảng thì nam thanh nữ tú đến nghe rất đông. Cũng phải kể thêm cha TL, nhà trong hẻm 146 Bis, nằm sát bên trường La San Đức Minh. Cha TL là một trưởng Hướng Đạo Việt Nam kỳ cựu. Cha sáng tác nhiều bài hát dùng trong sinh hoạt Hướng Đạo, trong số đó có “Anh Em Ta Về” luôn luôn được hát trong các buổi họp mặt Hướng Đạo ở bất cứ nơi đâu.

Anh Em Ta Về cùng nhau ta quây quần
Một, hai, ba, bốn, năm.
Anh em ta về cùng nhau ta sum họp
Năm, bốn, ba, hai, một
Một – đều chân bước nhé!
Hai – quay nhìn nhau đi!
Ba – cầm tay chắc nhé!
Không muốn ai chia lìa!
Bốn – nhớ rằng: chúng ta bốn bể anh em một nhà!
Năm – nhớ mãi tình này trong câu ca.(la,la,la)

Cha TL cũng còn có biệt tài thổi kèn Harmonica rất chuyên nghiệp.

Bên trong nhà thờ Tân Định có một cổng sắt thường đóng, chỉ để hở đủ cho một người len qua. Khi nào có lễ lớn thì cửa mới mở lớn ra. Đi qua cổng này sẽ gặp trường LaSan Đức Minh, cũng như đường Hiền Vương, đường Pasteur và đường Huỳnh Tịnh Của.

Trở ra nhà thờ Tân Định, đi thêm khoảng mười thước nữa là cà phê Thu Hương, mà mỗi khi có ai viết về cà phê Sài gòn đều luôn luôn nhắc đến tên, kèm theo vài hàng nói về ông chủ rất khó tính. Gương mặt ông lúc nào cũng khó đăm đăm. Khách uống cà phê phin, không được tự tiện châm nước sôi vào tách mà phải do chính tự tay ông châm vào, khi ông thấy cà phê đã chảy hết phin thì ông mới chịu. Tuy nhiên, ông rất hiền và dễ mến. Riêng tôi, mỗi khi đến quán Thu Hương, tôi chỉ gọi nước chanh rum hay dùng chè đậu xanh với đá bào nhuyễn.

Gần cuối đường là tiệm may khá nổi tiếng Đô Hội hay Paris Mode có hai người con trai tên Bảo và Toàn. Cả hai đến trường lúc nào quần áo bảnh bao, à la mốt, được nhiều nữ sinh để ý dành nhiều thiện cảm.Tín Nghĩa Ngân Hàng của Ông Nguyễn Tấn Đời nằm ngay góc Hai Bà Trưng và Hiền Vương. Nhìn sang bên kia đường là quán Bar Châu Thới, kế bên có một lò bánh mì Poitou và Trường Tư Thục Nguyễn Công Trứ.

Một đường nhỏ tên Trần Tấn Phát mà cuối đường là đường Phan Thanh Giản có tiệm may Lển của một Việt Kiều chạy nạn “ cáp duồn”từ Nam Vang về. Nhìn sang bên kia đường có một con hẻm nhỏ đi thông ra được đường Hai Bà Trưng. Con hẻm này có bánh mì Lý Toét hay bánh mì Cụ Lý. Dù tuổi cụ chưa tới 40. Trang bị hành nghề của Cụ là 1 chiếc xe đạp cũ, phía sau chở 1 cái thúng đựng bánh mì, chả lụa và mấy chai nước mắm. Cụ chỉ bán duy nhất “bánh mì chả lụa xịt nước mắm.” Đa số khách là dân lao động và đông nhất là học sinh. Em nào mũm mĩm, dễ thương thường được cụ bán đặc biệt hơn các em khác.

Giữa đường Trần Tấn Phát có một con hẻm đi ra được đường Duy Tân. Trong hẻm này có nhà Cố Thiếu Tá NXS, Tiểu Đoàn Trưởng Tiều Đoàn 5 ND và đối diện là nhà của võ sĩ Quyền Anh VĐ. Trên đường Duy Tân có nhà Người Đẹp Bình Dương – Nữ Minh Tinh TTH. Cô cũng là cựu học sinh Trường Trung Học Tư Thục Huỳnh Thị Ngà. Ngay góc ngã ba Duy Tân có tiệm may Âu Phục tên Mậu. Chủ nhân là thân phụ của nữ ca sĩ TV chi bảo PHQ.

Tới đây, sang phía tay trái đoạn đường dễ thương.

Đoạn đường này cũng buôn bán ì xèo, sầm uất. Vừa xuống dốc cầu Kiệu, quẹo trái là một hẻm nhỏ quanh co, chằng chịt, số 478 HBT. Nơi đây chuyên bán thịt chó, đi kèm theo là một đơn vị săn trộm chó chuyên nghiệp, để cung cấp cho các cửa hàng bán cờ tây. Đội quân này chỉ xuất hiện về đêm, hoặc đi xa về phía ngoại ô. Em chó nào sút dây cột, chạy tung tăng, hớn hở mừng được “ át bài ca tự do” là các chàng săn bắt chó canh me, dùng một ống nước với thòng lọng làm bằng dây thắng xe giựt lẹ làng trong tích tắc, bỏ “chiến lợi phẩm” ngay vào trong bao bố có đựng tro cầm sẵn trên tay làm cho các em không kịp ú ớ, kêu la cầu cứu.

Nếu em chó nào may mắn xinh đẹp, có giá trị thì họ chụp hình, bỏ vào Album và giữ lại, để các chủ mất chó có thể đến đây xem Album nhận diện và xin được chuộc cục cưng lại theo luật giang hồ. Còn nhờ chính quyền địa phương can thiệp giúp đỡ cũng không giải quyết được gì hết! Nếu để chậm vài ngày mà chưa đến chuộc thì các em cũng sẽ biến thành Rựa Mận, Chả Chìa và Cẩu bảy món.

Đi thêm vài bước là tiệm bán gạo Ngọc Anh, tăm tre Việt Nam, tiệm làm nón nỉ, cây xăng Hai Bà Trưng, hiệu trà Phật Tổ bán các loại trà đặc biệt cho những ai ghiền uống trà, tiệm điện Thành Mỹ. Thêm khoảng mười thước là tiệm sơn Mậu Ký, hiệu buôn xe đạp có tên là Đoàn Văn Thẩm chuyên bán phụ tùng và lắp ráp xe đạp nhập cảng của Pháp và Ý. Các cua rơ xe đạp nhà nghề: Lưu Quần, Lê Thành Các, Ngô Thành Liêm, Bùi văn Hoàng, Huỳnh Văn Nên, Nguyễn Văn Châu, Trần Gia Thu, Trần Gia Châu…là khách hàng thường xuyên của tiệm này. Tiệm cũng có thể giúp các cua rơ đặt hàng ở ngoại quốc theo yêu cầu. Ngay góc Hai Bà Trưng và Trần Quang Khải là phòng mạch của Bác Sĩ Nhi Khoa tên Hạnh

Vừa qua khỏi đường Trần Quang Khải là quán cơm bình dân cây Điệp. Kế bên là nhà may Bích Hùng, rồi đến hãng gạch bông Vân Sơn, chuyên sản xuất và bán gạch bông. Các cô con gái của ông bà rất dễ thương. Sau này ông bà khuếch trương thêm về Billiards, cũng mang tên Vân Sơn. Nơi tụ tập của học sinh cúp cua đến đây để thụt giò gà và mắt kiếng. Hôm nào kẹt tiền, các em đem sách học đi cầm hoặc bán để chơi tiếp. Tôi cũng là một thân chủ của Billiards Vân Sơn. Tuy nhiên, khi không có tiền, tôi cố nhịn, không dám đem sách vở đi cầm vì sợ bị đòn. Trước tiệm Vân Sơn vào buổi sáng sớm có bà Bắc di cư bán xôi bắp Bắc, nay con gái bà nối nghiệp. Nằm sát bên gạch bông Vân Sơn, cũng có tiệm bán xe đạp mang tên chủ nhân là Trần Xuân Cường. Thêm vài bước nữa là bánh cuốn Xuân Hiệp, thuốc lào Vĩnh Bảo, Vĩnh Giang, rồi tiệm nhuộm bảo đảm màu sắc không phai Tô Châu.

Bây giờ, phải kể thêm tiệm chụp hình Văn Hoa đã có mặt đầu tiên ở vùng Tân Định. Trong hẻm tiệm hình Văn Hoa, số 392 HBT có nhà của cua rơ vô địch nước rút Nguyễn Văn Châu. Anh đã làm rạng danh nền đua xe đạp nước nhà, mà cho đến nay chưa có bất cứ một cua rơ xe đạp Việt Nam nào lập được thành tích vô tiền, khoáng hậu như anh và cũng có thể là mãi mãi khó mà có cua rơ Việt Nam nào tạo nên kỳ tích này.. Trong cùng năm 1961. Anh đã đoạt một lúc hai giải thưởng lớn: Vô địch nước rút xe đạp Á Châu tại Tokyo và Đông Nam Á tại Miến Điện. Hiện, anh đã ngoài 80 tuổi, đang phụ con trai có tiệm ăn đặc sản miền Nam số 459B đường Hai Bà Trưng, dưới chân dốc cầu Kiệu.Tiệm chuyên bán hủ tíu Mỹ Tho, Nam Vang, bún nước lèo, bánh bèo bì, bánh canh giò heo. Khách đến ủng hộ rất đông vì muốn gặp lại thần tượng môn đua xe đạp một thời, cũng như được nghe anh kể thời vàng son của môn đua xe đạp VNCH mà không bao giờ xảy ra lần thứ hai. Ngoài ra, thức ăn nơi đây cũng ngon và giá cả cũng tương đối bình dân.

Trong hẻm tiệm hình cũng có nhà Vũ Sư Nguyễn Thống là vua nhảy Thiết Hài (Claquette, Tape Dance) và Nhạc Sĩ Nguyễn Ánh 9 nổi tiếng với ca khúc Buồn ơi!Ta Xin Chào Mi và Đêm Nay Ai Đưa Em Về.

Cạnh hẻm tiệm hình Văn Hoa là Hớt Tóc Nghệ Thuật do ông Tư Râu làm chủ với một giàn thợ hớt tóc chuyên nghiệp.Tiệm lúc nào cũng đông khách ngồi chờ. Billiards và Phở cùng mang tên Vạn Lợi nằm liền với nhau. Kế bên là một con hẻm cụt, có một cây Đa nhiều tuổi. Đầu hẻm có ông thợ chuyên môn sửa giày dép và cạc táp giá rất bình dân. Thỉnh thoảng, ông biểu diễn một màn giật gân. Ông ghim cây kim vào lưng bàn tay hay cắm phía trên lông mày, trong lúc tay vẫn kéo chỉ. Sau đó là hiệu kem Hoàn Kiếm, số 378 HBT với hai loại kem đậu xanh và sầu riêng độc đáo không nơi nào sánh bằng.

Tiếp theo, tiệm chụp hình Mỹ Quang do hai anh em ruột cùng làm chủ. Trước tiệm có một tủ kính khoe hình các người đẹp ăn ảnh. Trong đó có hình cô nữ sinh lớp Đệ Tứ Trường Tư Thục Huỳnh Thị Ngà dáng liêu trai, với mái tóc buông xoã dài như nữ ca sĩ Thanh Thúy. Lúc đó chúng tôi còn ở lứa tuổi học trò thò lò mũi xanh, ăn chưa no, lo chưa tới, mà đứa nào cũng ngắm nghé nhào vô tìm cách gõ cửa trái tim cô. Mỗi ngày đi học ngang qua, tụi tôi đều dừng lại vài phút để chiêm ngưỡng người tình có chân dung này.

Thế rồi! Vào một buổi trưa tan trường nắng đẹp, nàng e ấp chiếc cặp da trên ngực, như đang đứng chờ ai trước cổng trường.Thình lình từ xa có một chiếc Vespa chạy trờ tới, thắng gấp, ngừng lại mời nàng lên xe. Đó là một chàng Phi Công hào hoa, phong nhã, danh tiếng muôn đời, đeo cây Rouleau P38 với cái báng inox xề xệ và kính Rayban gọng vàng quay lại nói nho nhỏ bên tai nàng, chắc là xin lỗi đã đến trễ vì vừa mới thi hành xong phi vụ cần phải làm một số thủ tục sau khi bay. Nhìn cảnh này chúng tôi thất vọng ê chề vì “Trái tim không ngủ yên của nàng.” đã có người đánh thức. Khoảng vài năm sau được tin cô theo chồng bỏ cuộc chơi rất sớm. Ba Má cô an tâm, không còn sợ cô bị ong vờn, bướm lượn mà chỉ một phút yếu lòng sẽ tiêu tan cuộc đời. Cô đã vâng lời ba má bước xuống thuyền rồng ra khơi. Bỏ đi những cuộc tình thời hoa mộng với nhiều kỷ niệm của tuổi học trò thường buồn vu vơ,

Tôi cũng kể thêm Garage Chín Lê, nơi sửa chữa xe hơi nổi tiếng, có con hẻm nhỏ thông ra được đường Trần Quang Khải. Nếu nhìn sang bên kia đường sẽ thấy xe nước mía của chị Hai, số nhà 186B Trần Quang Khải. Xe nước mía thu hút nhiều học sinh, nhất là học sinh trường Trung Học Tư Thục Huỳnh Thị Ngà. Chị Hai có biệt tài nhớ từng tên các thân chủ và cá tính của từng em. Chị luôn luôn nhắc nhở, khuyên nhủ các em phải cố gắng chăm học để khỏi phụ lòng cha mẹ hàng ngày bận lo tìm sinh kế cho mình ăn học. Khi đông khách chị trở tay không kịp đã có nhiều em tình nguyện dọn dẹp và rửa ly giùm chị.

Bên cạnh hẻm Chín Lê là tiệm thịt bò Thành Thể với cậu ấm tên N.., biệt danh là N..Thịt Bò thuộc loại con cưng, được cha mẹ thương sắm cho một xế nổ hai bánh để đến trường, trong khi bạn bè cùng trang lứa chỉ dùng lô ca chân hay xe đạp là cao cấp nhất rồi!. Anh chàng này võ nghệ đầy mình, đệ tử trung thành của Võ Sư người Nhật tên Watanabe, một Sĩ Quan trong Quân Đội Thiên Hoàng ở lại VN lập nghiệp bằng nghề dạy võ Nhu Đạo. Môn sinh của ông rất đông và đã đoạt nhiều giải thưởng trong các giải thi đấu. N.. được các người làm công của tiệm, chân tay vạm vỡ, bắp thịt cuồn cuộn và mạnh khoẻ thường xuyên săn sóc lấy điểm với ông chủ nhỏ. Họ sẵn sàng bảo vệ cậu ấm mỗi khi lâm chiến với các đấng giang hồ trong vùng đến hỏi thăm sức khoẻ.

Sau này, nghe nói N. làm cận vệ cho một sếp lớn trong ngành An Ninh Không Quân VNCH. Cũng nói thêm cạnh thịt bò Thành Thể có một tiệm thịt bò khác là Đình Thể, tiệm vàng Hữu Thành, nhà thuốc Đông Y Đức Nguyên, số 350 HBT của Đông Y Sĩ Chánh Ký. Tuy nhiên, tiệm vàng Mỹ Thịnh ở sát bên là có vẻ đặc biệt, vì ông bà chủ đã cùng nhau hợp tác tăng gia sản xuất gần một tiểu đội toàn là công chúa.

Có lẽ nhờ khấn nguyện hay đi đến các chùa, đền, miếu, nhà thờ cầu xin. Nên ông bà kiếm được thêm một hoàng nam? Các con gái của ông bà đều tướng cao nghều nghệu, dong dỏng, hầu hết đều học trường Đầm.

Qua khỏi đường Bà Lê Chân là Y Viện miễn phí Tân Định, số 338 HBT, chuyên chữa bệnh cho người nghèo. Cạnh bên là chợ Tân Định, một ngôi chợ cũng thuộc loại tầm cỡ ở Sài gòn. Chợ đúng là của nhà giàu vì hàng ngày xe hơi láng coóng đưa các bà, các cô đến đây mua thịt cá, hoa quả, vải vóc toàn là các thứ tuyển chọn. Trước chợ có những sạp trái cây trưng bày rất đẹp mắt với những trái vú sữa màu tím chín mọng, sầu riêng thơm ngát, chôm chôm, xoài, bòn bon, lê, táo, dâu, bưởi, ổi xá lị. mận sọc…Mùa nào, quả nấy. Chính giữa mặt tiền của chợ, phía trên cao là chiếc đồng hồ tròn, đường kính rất to, càng tô điểm cho chợ Tân Định thêm một hình ảnh uy nghi, bề thế.

Buổi chiều bên hông chợ, nằm trên đường Trần Văn Thạch. Đầu ngã ba góc Hai Bà Trưng là Quán Bar Bình Viện bán la de, rượu đế, củ kiệu, tôm khô, các món nhậu. Ngoài ông chủ, còn có các con gái, nhìn thì hiền lành, nhưng khách cà giựt là sẽ thấy các cô ra tay. Thỉnh thoảng cũng xảy ra những trận thư hùng, bàn ghế bay tứ lung tung, chai lọ bể nát nằm ngổn ngang trên lối đi, vì các đệ tử lưu linh quá chén, lời qua tiếng lại, hay không còn kiểm soát được mình. Chính quyền địa phương phải can thiệp. Ai lỗ đầu sứt trán có Y Viện Tân Định kế bên lo giùm. Còn lại thì được mời về chi cuộc Cảnh Sát Tân Định lập biên bản vi phạm phá rối trật tự nơi công cộng.

Ngoài ra, có thêm các xe hủ tíu, mì hoành thánh, khô mực, bắp nướng mỡ hành, hột vịt lộn, ốc gạo, ốc hương, ốc len xào dừa, cháo hột vịt muối, nem nướng, bánh ướt, sâm bổ lượng với món hột gà nấu với nước trà, có lẽ không thể nào tìm thấy ở bất cứ nơi đâu? Sinh hoạt buôn bán sầm uất đã tạo nên hoạt cảnh ồn ào, náo nhiệt cho đến nửa đêm về sáng. Xe nào ngang qua cũng bị các các em nhỏ chạy ra chặn lại mời mọc. Đôi khi lời qua tiếng lại làm phiền người qua đường. Đặc biệt, khoảng 9 giờ tối có hai anh Thương Phế Binh: người mù hai mắt, người mất một chân đến từng bàn mời khách mua vé số. Một anh chơi đàn Guitar, còn anh kia vừa hát,vừa nhịp Tamborine những bản nhạc lính nổi tiếng và thịnh hành của các nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, Hoàng thi Thơ, Lam Phương, Trúc Phương, Lê Minh Bằng …vào những thập niên 60s,70s như: Rừng Lá Thấp, Hai Mươi Bốn Giờ Phép, Trên Bốn Vùng Chiến Thuật, Thành Phố Buồn, Tình Thư Của Lính, Chiều Mưa Biên Giới, Bức Tâm Thư, Vọng Gác Đêm Sương, Tàu Đêm Năm Cũ, Nửa Đêm Ngoài Phố, Tâm Sự Người Lính Trẻ, Nỗi Lòng Người Đi, Chuyến Tàu Hoàng Hôn, Về Đâu Mái Tóc Người Thương, Duyên Kiếp, Đường Về Khuya, Hoa Nở Về Đêm, Vọng Gác Đêm Sương…Thực khách thường mua ủng hộ. Có người không mua, nhưng biếu tiền, các anh từ chối, nói là mình chỉ bán vé số và cảm ơn người đã có lòng hảo tâm.

Nhìn sang bên kia đường là tiệm trà Mậu Ký lấy hình con chuột làm biểu tượng. Bước sang đường Trần Văn Thạch (nay là Nguyễn hữu Cầu) là một tiệm sản xuất bánh mì, ngõ hẻm kế bên số 302 HBT là lò luyện ca sĩ mầm non của ba nhạc sĩ Lê Minh Bằng gồm: Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng. Nhạc sĩ Lê Dinh đã mất ở Canada, nhạc sĩ Anh Bằng mất ở Nam Cali khoảng hơn hai năm, còn nhạc sĩ Minh Kỳ kẹt lại VN sau 30/04/1975 đã chết trong trại tù Suối Máu vào năm 1976.

Ngày ngày, các em ôm mộng làm ca sĩ đến đây học nhạc lý, luyện giọng để hy vọng trở thành ca sĩ được trình diễn ở phòng trà, đại nhạc hội, đài phát thanh, đài truyền hình.. Không nghe nói có ca sĩ nào thành danh xuất thân từ lò luyện này? Kể tới là nhà thuốc Đông Y Kim Khuê có con cọp nhồi bông làm Logo rất uy nghi được bày trong tủ kính trước tiệm. Tiệm này không hề dính dáng bà con đến tiệm Kim Tân nằm đối diện phía bên kia đường,

Tiếp đến một tiệm chụp hình nữa cũng khá nổi tiếng là Luyến Photo, trường dạy đánh máy chữ Lectason. Cách đó vài căn là hiệu bán kính đeo mắt Kính Tiên số 274 Hai Bà Trưng, phía trước bày biện các hủ keo lớn đựng cà phê hạt đủ loại, đủ hiệu để xay cho khách mua mang về nhà.Tiệm nằm ngay góc Đinh Công Tráng và Hai Bà Trưng. Kế bên là tiệm chụp hình Duy Hy số 76 ĐCT. Cũng trên con đường ĐCT này phải kể thêm bánh xèo ĐCT, bảo sanh viện An Kỳ, Trường Tân Thịnh sau đổi tên thành Les Lauriers, hẻm Cảnh sát vì đa số cư ngụ ở đây phục vụ trong ngành cảnh sát, hay còn gọi là hẻm Tùng Lâm vì có nhà danh hài Tùng lâm. Nếu đi hết xóm sẽ gặp đường Trần Văn Thạch, bên kia đường là rạp hát Moderne, nhà sách Yểm Yểm Thư Quán, tiệm may áo dài Lê Châu, hẻm ông Sáu Hộ, vựa chuối, nhà dân biểu Trần Văn Văn, lò bánh mì, tiệm buôn Thế Giới, nhà may Tụ Bảo, số 16 Trần Văn Thạch (nay là Nguyễn Hữu Cầu.)

Đi bộ qua đường Đinh Công Tráng là tiệm hòm Vạn Thọ, tiệm giày Trinh Shoes. Có lẽ con gái chủ tiệm có tên Trinh? Các tay chơi thường thích đến đây để đóng những đôi giày theo ý thích của mình hay sắm các đôi giày nhập cảng từ Ý Đại Lợi, tiệm bán đèn trang trí trong nhà Bùi Huy Mông. Tiếp đến tiệm ảnh Công Thắng số 256/HBT. Chủ nhân là em ruột của Nhiếp Ảnh Gia nổi tiếng Nguyễn Mạnh Đan. Người đã từng đoạt nhiều phần thưởng cao quý và danh dư về nhiếp ảnh, tiệm vàng Kim Phụng, tiệm sách Việt Trí và thuốc Lào 888.

Kế tiếp là Bưu Điện Tân Định số 230 HBT, bên hông có một con hẻm nhỏ là cư xá của các nhân viên đang làm cho Bưu Điện. Hẻm này đi ra được đường Hiền Vương, gặp một con hẻm khác có một khoảng đất rộng như lòng chảo với mấy cây me già rất sai trái. Con nít các nơi thường kéo đến hái me, đá banh, chơi năm mười, u bắt mọi, tạt lon, đánh đáo hay bắn đạn.

Đặc biệt, đầu hẻm phải kể thêm tiệm hòm tên Tobia nối tiếng hơn một chút, vì có quý tử tên H…, biệt danh H…Tobia, cựu SVSQ/KQ giải ngũ vì bị tai nạn khi đáp ở trường bay. Công tử H… là tay chơi có hạng ở Sài gòn lúc bấy giờ. Nay, chàng đã già và gác kiếm quy hàng, không còn là dân chơi cầu ba cẳng nữa! Anh chuyển sang vui thú điền viên với chim, hoa, cá, cảnh và chăn nuôi bốn mươi con thú. Chiều chiều mở Radio chờ nghe kết quả công bố cũng đủ lãng quên đời lúc tuổi hoàng hôn.

Cuối cùng, là tiệm làm cửa sắt, máng xối và hàn gió đá của nhà hai anh em cua rơ xe đạp đội Quân Vận nổi tiếng một thời: Trần Gia Thu và Trần Gia Châu. Vài ngày trước mỗi lần có tổ chức cuộc đua, cả hai anh em thường đem xe đạp của mình ra kiểm soát lại tất cả: dây sên, đạn, líp, thắng, vỏ, ruột… và vô dầu mỡ rất kỹ lưỡng. Sau đó, đạp thử vài vòng.

Nhích thêm vài mét là ngõ hẻm số 218 HBT, đi ra được đường Hiền Vương. Nếu quẹo phải gặp trường dạy lái xe hơi Hiền Vương hay Mayer của ông Giáp Văn Thập, tức ông Nghị Còi Ô Tô. Cạnh bên là nhà của nghệ sĩ hài Mỹ Trinh số 110 HV, có lúc cô mở cà phê tên Giáng Châu rất đông khách, nhà số 114 HV là tiệm cơm tấm Hiền Vương, hay cơm tấm Mayer với món bì, sườn nướng, chả trứng, xíu mại độc đáo và nước mắm đặc biệt không nơi nào ngon bằng! Nếu như quẹo trái, đi thêm hơn hai mươi mét là trường Mẫu Giáo Michelet. Nhìn sang bên kia đường là ngang hông Nghĩa Trang Mạc Đĩnh Chi.

Tóm lại, chỉ một đoạn đường không dài lắm mà biết bao nhiêu điều để viết, để tả và để hoài niệm. Hiện nay, các nhà ở, cửa tiệm ngoài mặt đường đã thay đổi gần hết. Những người muôn năm cũ còn lại rất ít, một số đã theo Trời, theo Phật, theo Ông, theo Bà về với tổ tiên. Một số khác đang tha phương cầu thực nơi xa tít, mù khơi. Thay vào đó là những người xa lạ từ đâu đến.

May ra, Nhà Thờ Tân Định, Cầu Kiệu, Y Viện Tân Định (nay là Bệnh Viện Quận 1), Bưu Điện Tân Định và Chợ Tân Định… có thể vẫn hiện diện, xem như còn một chút để làm biểu tượng cho vùng Tân Định.

Ôi! Tân Định của tôi và những ai có cảm tình với Tân Định. Dù bất cứ không gian, thời gian và ở chân trời góc bể nào vẫn mãi mãi trong ký ức về tuổi thơ ấu, khó có thể nào quên được!

Trần Đình Phước
(San José, California)

Bài viết khác

Kinh Lạy Nữ Vương

Kinh Lạy Nữ Vương

02/09/2024

Thưa cha, tại sao trong kinh Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành... mà lúc thì gọi Mẹ Maria là Mẹ, lúc thì gọi là Bà? Có ý nghĩa gì và tại sao?

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art