Thứ Tư, 29 Tháng Tám, 2012

Nhân đọc cuốn sách về cuộc chiến 1946-1954, tài liệu của Trung Quốc

Nhân đọc cuốn sách về cuộc chiến 1946-1954, tài liệu của Trung Quốc

Đây là một tài liệu rất quan trọng do những cố vấn Trung Quốc viết ra như một thứ Hồi Ký của những người trong cuộc. Một tài liệu chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc Bắc Kinh, xuất bản vào năm 2002.

Nhưng phải đợi đến năm 2009 mới được các ông Trần Hữu Nghĩa và Dương Danh Dy dịch và hiệu đính và phát tán trên mạng Internet. Mặc dầu đề bên ngoài là “Tài liệu nội bộ”. Đã hẳn, phải có lệnh trên nên tài liệu mới được tung ra ngoài như vậy? Nhà báo Trần Giao Thủy cũng đặt nghi vấn về vấn đề này. Ông Dương Danh Di là một viên chức ngoại giao kỳ cựu làm ở tòa đại sứ Việt Nam dân chủ cộng hòa trong vai trò bí thư thứ nhất. Ông có đủ thế giá khi dịch bản tài liệu này torn mức độ khách quan và trung thực.

Tập Hồi Ký này đã được cơ sở Truyền Thông in và xuất bản, tại Montréal, Canada. Công việc làm của cơ sở Truyền Thông từ trước đến nay với rất nhiều chủ đề như Toàn Cầu Hóa, Hà Nội dâng đất, dâng biển, Thảm sát Mậu Thân, Hồi ức và suy nghĩ của cán bộ xây dựng Xã Hội chủ nghĩa và tập sách tài liệu quý giá này thật đáng trân trọng. Người chủ trương cơ sở Truyền Thông này hễ ai đã có dịp đọc tờ Truyền Thông đều biết mà bởi bản tính khiêm tốn nên tôi không tiện nói tên ra đây.

Nhà báo Trần Giao Thủy đã có công sưu tầm chừng 200 hình ảnh tài liệu với rất nhiều chú giải, minh họa giúp người đọc dễ hiểu hơn. Và ông đã đưa ra một lời kết luận gợi những điểm nhìn khác, từ nhiều phía trong một thái độ chuẩn mực và thận trọng trí thức, không truy chụp, không kết án vu vơ. Ông viết: “Chắc chắn không ai hiểu người-anh-em-đồng chí cộng sản Việt Nam. Cuốn Bạch thư Sự Thật về quan hệ Việt Nam Trung Quốc trong 30 năm qua, do nhà xuất bản Sự Thật ấn hành tháng 10 năm 1979, tại Hà Nội là bằng cớ không thể tranh cãi.

Đã thế, tại sao đảng cộng sản Việt Nam để mãi đến 2009 mới cho phép dịch Hồi ký sang tiếng Việt để “ lưu hành nội bộ”?

Đọc ký sự do cả hai bên ghi lại chuyện xảy ra 55 năm trước giữa những người-anh-em-đồng chí có “ Mẫu mực sáng ngời của chủ nghĩa Quốc tế vô sản” không dễ. Người đọc cần phải có thái độ thận trọng dè dặt như, hay hơn cả khi đọc sách Annam chí lược của Lê Tắc.

Âu đây cũng là một bài học lịch sử quý giá cho tất cả mọi người Việt quan tâm đến vận mệnh dân tộc “ {Trích dẫn sách trên, Trần Giao Thủy trang 16}

Đây là một công trình làm việc rất có ý nghĩa, nhằm đưa ra những tài liệu chính thức về phía Trung Quốc cho thấy vai trò của Trung Quốc trong chiến thắng Điện Biên Phủ không thể bị gạt ra một bên.

Việc công khai hóa tài liệu.

C.I. A Mỹ đã công khai hóa nhiều tài liệu trong những ngày gần đây. Thật ra, ngay từ năm 1971, nhà thơ Diễm Châu, một thành viên chính của tờ báo Trình Bày đã dịch và phổ biển đều đều “ Hồ sơ mật của lầu năm góc về chiến tranh Việt Nam kể từ số báo Trình Bày 26 trở đi{Theo nguyên văn đã được công bố trên Nữu Ước thời báo}

Vì vậy, việc công khai hóa tài liệu chính thức của Trung Quốc đã đến lúc cần được đánh giá và nhìn nhận đúng mức. Mặc dầu họ đã im lặng không lên tiếng gì trong suốt mấy chục năm qua. Trong khi đó, phía Việt Nam cộng sản, hồ sơ lưu trữ vẫn dấu kín, nhưng mặt khác lại tuyên truyền một cách quá lộ liễu về chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như cá nhân đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Phía người Pháp, kẻ bại trận cũng đã công khai hóa các hồ sơ lưu trữ cho công chúng biết như chúng tôi sẽ xử dụng trong bài viết này. Chẳng hạn trong cuộc Hội Thảo ở Paris, 2004, bác sỹ J.J Arzalier đã đưa ra một bản thống kê đầy đủ về số binh lính Pháp chết và bị thương đồng thời chỉ rõ số số binh lính bị bắt làm tù binh mà số phận họ không biết ra sao? Con số tù binh Pháp ấy lên đến gần 10 ngàn người. Người Pháp muốn Việt Nam bạch hóa số phận những tù binh này. Tác giả Jean Pierre Bernier còn quyết liệt hơn lên tiếng tố giác về số phận tù binh Pháp đã bị bắt, bị bỏ đói, uống nước ao, bệnh tật, không thuốc men, bị cầm tù, bị tra tấn mà chết dần mòn.

Sự tố cáo này là có tthật khi một số tù binh Pháp được thả ra đã là những nhân chứng kể lại

Hà Nội đã không chính thức lên tiếng về số phận những tù binh Pháp chết trong chiến tranh. Họ im lặng.

Vì vậy, cuộc chiến tranh này còn rất nhiều ẩn số mà chúng tôi mong đợi Hà Nội tháo khoán công khai. Hàng ngàn tài liệu cần được giải mật. Nhưng khó mà hy vọng Hà Nội giải mật vì làm như thế là tự tố cáo chính mình. Ý nghĩa cuộc chiến tranh được tuyên truyền đánh bóng trong bấy lâu nay sẽ mất hết.

Im lặng và bảo mật là điều mà Hà Nội phải làm trong lúc này. Nhưng họ sẽ bảo mật được bao lâu ? Khi đến lượt Liên Xô tung ra những tài liệu về phía họ

Ở đây chỉ xin nêu ra một bằng chứng cần được giải mật. Đó là những lá thư của ông Hồ Chí Minh viết cho Tổng Thống Mỹ Truman trước đây. Chúng ta đều biết, cơ quan OSS, cơ quan phản gián của Mỹ, tiền thân của C.I.A có liên lạc với nhóm Việt Minh và thả dù võ khí cũng như huấn luyện các bộ đội Cộng Sản.Truyện đó ai ai cũng biết. Nhưng nội dung những lá thư gửi cho TT Truman đã hẳn không có gì phải dấu thì dấu làm gì? Xin ghi lại tài liệu CIA nói về vấn đề này như sau: “Thế nhưng, chính quyền Truman lại cũng hất hủi những lời kêu gọi của Hồ Chí Minh. Vào tháng tám và tháng chín 1945, bản thuật ký kể lại, trong lúc các lực lượng của Hồ Chí Minh kiểm soát Hà Nội, ông đã gửi tới tổng thống Truman một lời thỉnh nguyện qua Văn phòng Dịch vụ chiến thuật OSS, cơ quan đi trước CIA, yêu cầu chấp thuận cho Việt Nam một quy chế như Phi Luật Tân trong một giai đoạn giám hộ trong khi chờ đợi độc lập. Từ tháng 10-1945 cho tới tháng hai năm sau, bản thuật ký tiếp, Hồ Chí Minh đã viết ít nhất là 8 lá thư cho TT Truman hoặc cho Bộ Trưởng ngoại giao, chính thức kêu gọi Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc can thiệp chống lại thực dân Pháp” {Trích Hồ sơ mật của lầu năm góc, tập san Trình Bày, trang 52}.

Giả dụ TT Truman chấp thuận cho Việt Nam một quy chế bảo hộ như đã từng làm ở Phi Luật Tân thì tương lai chế độ thuộc địa của người Pháp sẽ ra sao? Và rồi tương lai chính trị của đảng cộng sản Việt Nam sẽ như thế nào?

Đã đến lúc còn hàng ngàn, hàng ngàn tài liệu khác cần được giải mật giữa Việt Nam và Pháp, Trung Hoa và Liên Xô. Chính quyền Hà Nội không thể dấu kín mãi được.

Stanley Karnov, một tác giả thường ngả về phía cộng sản đã phải thú nhận rằng khi làm film tài liệu Viet Nam, A Television History, ông có yêu cầu được phỏng vấn ba người, nhưng bị từ chối. Đó là các ông Robert Mac Namara, Lê Đức Thọ và Nguyễn Văn Thiệu.

Nhưng khó khăn nhất vẫn là các tài liệu phía cộng sản miền Bắc đã không cách nào có thể tiếp cận, tra cứu, ông viết:“ But above, the military, political, social, economic, and human dimensions of the conflict were too big for any single individual to encompass as the struglle unfolded. In particular, it was extremely difficult to report on the communist side during the war, since captured documents, propaganda, and interrogations of prisoners or defectors furnished only part of the story. I believe that North Vietnamse and Viet Cộng leaders made a serious error in denying access to the Western news media” {Trích Viet Nam. A historỵ.The first Complete Account of Viet Nam at war, Stanley Karnow, trang 706}.

Vì các tài liệu miền Bắc còn giấu kín nên tôi thiết nghĩ rằng phần lớn các tác giả người Pháp viết về Điện Biên Phủ đều thiếu xót, vì không được cung cấp đầy đủ tài liệu từ nhiều phía như Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam. Những tác giả như Paul Mus, Jean Chesneaux,Jean Lacouture, Claude de Groulat, Joseph Buttinger, Philippe Devillers, Jean Sainteny, đại tướng Paul Ely, Joseph Laniel, đại tướng Henri Navarre, Bảo Đại ngay cả Bernard Fall nữa. Nhất là trường họp Jean Lacouture, sách của ông nay phải nói là không có chút giá trị lịch sử gì để đọc nữa.

Cùng lắm, họ chỉ biết và viết được nửa sự thật.

Vì thế, tôi rất khó chịu khi phải đọc lại những gì Paul Mus, Jean Lacouturẹ Jean Chesneaux, Claude de Groulat hay Jean Sainteny viết. Họ viết thiếu tư liệu, viết vì cảm tình riêng với Hồ Chí Minh. Họ bị lừa do cái khéo léo đóng kịch của Hồ Chí Minh. Họ đánh lừa chúng ta một lần nữa một cách dại khờ.

Trong số ấy không thiếu những người cầm bút trên trở thành đạo quân đánh mướn không công cho cộng sản. {Chữ dùng của tác giả Minh Võ trong Hồ Chí Minh, nhận định tổng hợp, trang 279}

Phần lớn sách họ viết đều nghèo nàn về tài liệu chưa được giải mật. Bao lâu Hà Nội không tháo khoán ra những tài liệu mật, việc viết về cuộc chiến tranh Việt Pháp không thể hoàn hảo được.

Lịch sử cuộc chiến tranh ấy vẫn có phần khuyết sử.

Cho nên, tài liệu ghi chép về viện trợ quân sự của Trung Quốc vẫn là những dữ kiện lịch sử góp phần làm rõ nét bộ mặt thật của cuộc chiến tranh 1946-1954. Những chiêu bài giải phóng dân tộc tự nó không còn ý nghĩa gì nữa.

Đọc tài liệu về phía Trung Quốc, chúng ta cảm thấy chúng ta bị lừa.

Đó là cảm giác trung thực nhất sau khi đọc tài liệu này.

Cảm tưởng của một số người sau khi đọc tài liệu của Trung Quốc.

Tôi được đọc tài liệu này cũng đã lâu do một sử gia “nghiệp dư” gửi cho. Nghiệp dư mà xem ra còn hơn nhiều tiến sĩ nghiệp thật.

Cảm tưởng đến với tôi một cách thuyết phục đây là tài liệu thật.

Cảm tưởng thứ hai là những cố vấn Trung Quốc viết với một thái độ khách quan, chân thành, không có giọng điệu thù oán Việt Nam, không tuyên truyền .. Người nào đã đọc đều cảm nhận được một phần sự trung thực ấy. Tôi đã bị cuốn hút vào trong những ghi chép ấy mà không lúc nào trong đầu gợi lên ý tưởng thực hay giả. Nhiều sự kiện được nhắc lại nhiều lần vì do nhiều tác giả viết ra, nhưng vẫn có tính nhất quán trong nội dung. Không có cảnh ông nói gà bà nói vịt.

Sự thực được viết ra một cách tự nhiên mà không cần biện giải.

Cái biến cố làm thay đổi cục diện thế giới lúc bấy giờ là Mao Trạch Đông loại đượcTrưởng Giới Thạch và thống lĩnh nước Tầu. Nam Kinh bị mất. Wouhan mất ngày 16-5, một tháng sau đến lượt Changhai vào ngày 27-5-1949. Trưởng Giới Thạch chạy xuống Trùng Khánh rồi Chengtou, rồi cứ thế đến Kouanchou, đảo Hải Nam rồi cuối cùng chạy sang Đài Loan ngày 9-12-1949.

Nhưng ngay từ đầu tháng 10-1949, tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh trước hàng triệu người, Mao Trạch Đông tuyên bố: dân tộc Trung Hoa đã đứng dậy.. Từ nay, sẽ không còn ai sẽ có thể khinh miệt chúng ta nữa.

Bắc Kinh nay được chọn làm thủ đô của nước Trung Hoa vào tháng 9-1945.

Khi tuyên bố như trên, lúc này Mao Trạch Đông mới 54 tuổi và sự nghiệp của ông mới thực sự bắt đầu.{Xem thêm Le déluge du matin, Han suyn, từ trang 533-535}

Trước những biến chuyển chính trị quan trọng đang xảy ra ở Trung Hoa, Bảo Đại là người cảm thấy bất an vì cuộc chiến tranh ở Việt Nam sẽ thay đổi, một khi Mao Trạch Đông lãnh đạo nước Trung Hoa.

Cũng vậy, trước những đe dọa tương lai từ phương Bắc, người Pháp vội vã trao trả độc lập cho chính phủ Quốc Gia –một nền độc lập tạm thời và khập khễnh được coi là giải pháp Bảo Đại- {solution Bao Đại} vào ngày 8-3-1949 thông qua Hiệp Định Élysées.

Không có biến cố tháng 10-1949, Thiên An Môn, chắc chắn cục diện chiến tranh Đông Dương đã không kết thúc một cách bi thảm như thế. Chính quyền cộng sản cũng như dư luận thế giới phải thẳng thắn nhìn nhận sự thật này

Sự can thiệp của Trung Quốc vào Việt Nam sau khi đã thống nhất Trung Hoa là điều có thực, không chối cãi được và là một mối đe dọa khiến Mỹ nghĩ tới những biện pháp phải đối đầu trực diện với Trung Quốc.

Pháp và Mỹ đều sợ Trung Hoa chứ không phải cộng sản Bắc Việt.

Xin ghi lại đây trích tài liệu Ngũ Giác Đài : “ Chiếu theo hoàn cảnh khẩn yếu đương thời và tùy thuộc vào sự ước lượng kết quả các chiến dịch đã khai diễn theo các tiểu đoạn a và b ở trên, chuẩn bị sẵn sàng có những hành động thêm nữa chống lại Trung Hoa cộng sản để giảm thiểu khả năng tiến hành chiến tranh của Trung Cộng như:

• Hủy diệt thêm những mục tiêu quân sự chọn lọc. Liên hệ với những mục tiêu mới này, một hành động như vậy đòi hỏi một cuộc tấn công bằng nguyên tử mở rộng, nhưng hết sức chọn lọc cộng thêm với những cuộc tấn công sử dụng các hệ thống vũ khí khác.

• Phong tỏa bờ biển Trung Hoa. Việc này có thể khởi công dần dà từ ngoài khơi.

• Chiếm giữ hoặc vô hiệu hóa đảo Hải Nam.

• Hoạt động chống lại Hoa lục bằng các lực lượng Trung Hoa Quốc Gia {Trích Trình Bày, Diễm Châu, số 29. trang 58, tháng 10/1971}

Cho nên, sách vở tài liêu phía cộng sản thường cố tình dấu diếm truyện này, đặc biệt là các tác phẩm của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Phải chăng đã đến lúc điều này cần được viết lại, viết đầy đủ, viết trung thực.

Tôi cũng đã hỏi một số người đã đọc qua tập tài liệu này thì không một người nào nghi ngờ về tính xác thực của nội dung các bản ghi chép này. Nhiều người đọc xong cảm thấy bị sốc, vì từ trước tới nay bị tuyên truyền, che đậy. Nhiều người cảm thấy nhục và cho thấy cấp lãnh đạo cộng sản còn thua cả một Lê Chiêu Thống. Có người đi xa hơn hiểu ra tại sao có truyện “ dạy cho Việt Nam một bài học”.

Riêng nhà báo Trần Giao Thủy, người biên tập và chú giải tập sách này thì trả lời dứt khoát: Tài liệu là thật. Và ông cũng đã khẳng định điều này trong phần chú giải cuốn sách .

Nói chung, mọi người đã có dịp đọc tập tài liệu này đều thấy được một phần tính xác thực của tập tài liệu. Mặc dầu cũng thừa biết rằng, Trung Quốc cũng dùng những phần sử liệu này trong việc tuyên truyền nhằm hạ uy tín của Việt Nam trong trận Điện Biên Phủ. Như nhà báo Trần Giao Thủy cho biết, đây chỉ là một phần tài liệu mà thôi. Trong đó, phần tài liệu của tướng Trần Canh nay cũng được “tháo khoán” cho ra luôn. Trong đó Trần Canh đánh giá con người tướng Võ Nguyên Giáp chẳng ra gì. Võ Nguyên Giáp là người “quay quắt, không chính trực và không lương thiện lắm” {Slippery and not very upright and honest}. Theo Trần Canh, có lần Giáp phàn nàn với Trần Canh về những phê bình của Lá Quý Ba về Giáp, nhưng khi Lã Quý Ba có mặt thì Giáp lại luôn luôn tỏ vẻ chân tình và nồng nhiệt. Trần Canh viết : “Khuyết điểm lớn nhất của người cộng sản Việt Nam là lo ngại, người khác biết được chỗ yếu của mình. Họ không có tinh thần tự phê của người Bôn Sơ Vích” {Trích Truyền Thông, Trần Giao Thủy trang 15}.

Đừng quên, giữa đám đông, có lần Lê Duẩn gọi tướng Võ Nguyên Giáp là tướng hèn.

Tôi chỉ có thể nói rằng họ biết nhau quá mà. Khi mà Hồ Chí Minh khẩn khoản cho bằng được phải có Trần Canh bên cạnh ông thì vị tất đã là sự thật. Đôi khi chỉ là mánh khóe lấy lòng Trung Quốc mà thôi. Cuối cùng thì đại tướng Võ Nguyên Giáp là người phải lãnh thẹo vì cái khéo léo của Hồ Chí Minh.

Phần tôi khi đọc xong tập tài liệu, ý kiến và cảm tưởng của tôi không khác chi lắm với ý kiến của các vị nêu trên . Nhưng tôi nghĩ răng :

• Tập tài liêu đã có thể có trước khi những xng đột giữa hai nước .

• Ngay cả sau chiến tranh 1979, phía Việt Nam đã đưa ra cuốn Bạch Thư mà lời lẽ như tố cáo, chửi bới như kẻ thù đối với kẻ thù. Tập sách vẫn chưa được đưa ra .

• Trong suốt những năm từ 1954 cho đến 1975, ta say men chiến thắng, ta tự đề cao, ta tự công kênh nhau biến hai cuộc chiến thành những huyền thoại anh hùng cách mang, không một chữ nhắc đến ho, không một lời mời ngoại giao trong những ngày lề lớn ấy. Tập tài liệu vẫn được giữ kín.

• Lời lẽ văn từ trong tập tài liệu rất là ôn nhù, tình nghĩa. Không một lời chê trách phê phán trực tiếp ông Hồ hay Võ Nguyên Giáp vô ơn bạc nghĩa.

• Những dữ kiện, những con số được đưa ra đều chừng mực, chính xác, khách quan, không có tác dụng tuyên truyền một phía. Những kế sách đều có họp bàn, có dân chủ, có tôn trọng chủ nhà trước khi quyết định đánh hay tấn công địch.

• Tập tài liệu cũng chỉ cho thấy mối giao hảo giữa các lãnh đạo như Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Chu Ân Lai, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp thật là đầm ấm trong trong cái tình huynh đệ quốc tế vô sản, giúp nhau vô điều kiện. Chỉ trừ trường hợp Võ Nguyên Giáp có những mối bất đồng về chiến lược hay chiến thuật với các cố vấn như Trần Canh, Lã Quý Ba vv…

• Tinh tnần trách nhiệm của các cố vấn rất là cao, sự hiểu biết kinh nghiệm chiến đấu, kỹ thuật hay tổ chức quân đội so ra vượt xa các cấp chỉ huy Việt Nam nhiều.

• Nhưng điều tôi cho là quan trọng nhất là khi đọc xong tập tài liệu, tôi cảm thức và chia xẻ được những điều họ viết và độ xác thực là rõ ràng, không ác ý, không bôi bác khinh chê.

• Tôi và một số bạn đọc không phải là những người dễ tính, ngây thơ đến độ không phân biệt đượcchân giả. Họ không thể qua mặt chúng ta dễ dàng nếu thực sự họ không viết chân thực.

• Cuối cùng thì tôi đã bị tập tài liệu thuyết phục để viết ra những dòng này.

Phải chăng đó chính là sự thành công của tập tài liệu này do cơ sở Truyền Thông xuất bản và nhà báo Trần Giao Thủy biên tập, chú giải một cách trách nhiệm, công bằng mà không thiếu nghiêm nghị.

Xin nhận cho một lời khen này.

Truyền thống của sự giả dối.

Tựa đề này tôi lấy từ một chương trong cuốn sách Sortir du socialisme {Lối thoát ra khỏi chủ nghĩa xã hội} của Guy Sorman, ở trang 49. Trong chương này, tác giả chứng minh rằng ở bên Nga, từ thời Staline đã có thói quen thổi phồng hoặc che đậy một số sự thật. Tỉ dụ, kinh tế gia Nicolas Chmelev đã cho thấy những con số thống kê ở Nga Sô đã được thổi phồng lên 10 lần sự thật. Chẳng hạn sản xuất kỹ nghệ tăng 9& mỗi năm, nông nghiệp tăng 10%/năm. Nhưng thực sự, họ không bao giờ cho biết 9%, 10% của cái gì? Trước chiến tranh thứ hai, Staline đã thanh trừng những kẻ thù của chế độ cộng sản cộng thêm với nạn đói kém đã làm hàng chục triệu người dân Nga chết. Để lấp đầy khỏang trống số nạn nhân đã chết, Staline đã thổi phồng tổng dân số Nga đã tăng hơn 30 triệu để che dấu tội ác của ông ta.

Và để thực hiện được những điều dối trá ấy, Staline dùng các tổ chức intelligentsia trong việc cài người, đe dọa, khủng bố, bắt tù đầy, tra tấn, hướng dẫn dư luận, tuyên truyền ngụy tạo đi đến một thứ chủ nghĩa Lê nin, chủ nghĩa Staline như m.i người đều biết.

Staline rất sợ sự thật, vì thế để phòng hờ, ông ra lệnh thủ tiêu những kẻ nào nói lên sự thật hoặc khai trừ những nhà thống kê.

Vì thế đến thời Gorbachev mới nói đến perestroika.

Người cộng sản là như thế. Cộng sản Nga dối trá như thế nào, cộng sản Việt Nam là một bản photopie gốc.

Vậy thì chúng ta sẽ nghĩ gì khi đọc một tài liệu về cuộc chiến 1946-1954 “Ghi chép thực về đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp” Hồi ký của những người trong cuộc ghi chép. Nhưng như tôi vừa trình bày ở trên, tài liệu do cộng sản Trung Quốc xuất bản có đủ độ khả tín, khả năng thuyết phục cao về những sự việc họ nêu ra không ? Và nếu giả dụ tài liệu này chứa đựng nhiều sự thực thì phải chăng phía cộng sản Hà Nội đã cố tình che đậy, nói dối?

Theo ông Bùi Tín, một nhà báo chuyên nghiệp, trong kỳ Hội Thảo tại Paris, 2004 đã cho biết: “Tôi từng một thời gian là người phát ngôn chính thức của QDND. Tôi cũng làm báo quân sự trong chiến tranh. Hồi ấy, chúng tôi được lệnh giữ kín tổn thất của ta và nhân lên tổn thất của đối phương. Ví dụ theop công bố trên báo QDND thì chúng tôi đã hạ đến gần 7000 máy bay Mỹ, nhưng thật ra số đó là 3600 . Số lính Mỹ chết và bị thương ở miền Nam đăng trên báo cộng lại thì lên đến 500 ngàn, mà thật ra số chết là 51 ngàn. {Thật ra con số chính thức là 58.000 người}. “{Trích Hội Thảo Paris về 50 năm Điện Biên Phủ, PV Jeanne Mai, Paris 23-11-2003}.

Sự dối trá này hiểu được trong thời chiến, nhưng bây giờ thì dối trá để làm gì?

Vì thế, đọc bất cứ cuốn sách nào do đại tướng Võ Nguyên Giáp viết, ông cố tình tránh né những con số chính xác về những tổn thất của binh đội Bắc Việt. Thường ông chỉ dùng những chữ rất tổng quát, không định lượng như bên ta tổn thất nhẹ, hoặc trong trận này, binh đội ta bị thiệt hại nặng. Nặng hay nhẹ ở đây không nói lên được điều gì.

Đó là một cách che đậy vụng về tương đương với dối trá. Và thiếu nhân bản, thiếu tình đồng đội.

Trong khi đó, nếu địch thua thì ta chỉ rõ bằng con số rất chi ly và đầy đủ. Chẳng hạn trong chiến dịch Việt Bắc, 22-12-1947, địch thua đau và để lại: 3300 quân Pháp chết tại trận, hàng trăm tên ra hàng, 18 máy bay bị bắn rơi, 33 ca nô và 16 tàu chiến bị bắn chìm, 255 xe cơ giới bị phá hủy. Ta thu 8000 súng đủ loại.

Còn chiến dịch Hòa Bình, 1951, thời của tướng De Lattre de Tassigny. Sau 3 tháng, ta đã diệt được 22.000 binh sĩ địch {Gấp 5 lần số binh sĩ Pháp chết tại trận Điên Biên Phủ}, phá hủy 213 xe các lọai, 23 canô, 13 máy bay, 9 đầu máy xe lửa, thu 6.948 súng đủ loại, 116 tấn đạn, 129 máy vô tuyến điên.

Trận trước, ta chỉ giết được hơn 3000 quân địch, nhưng ta tịch thu được 8000 khẩu súng. Nhưng trong trận này, ta tiêu diệt hơn 22.000 quân địch, chỉ tịch thu được 6948 khẩu ? Phải chăng chúng dấu đi trước khi chết ? Chắc lại cần đến phép tính của Bùi Tín để trừ hao đi là vừa.

Tôi xin mạn phép không đề rõ xuất xứ tài liệu lấy ở đâu, vì lấy ở đâu cũng thế thôi. Cùng lắm cứ cho là tôi phịa ra cũng được. Mà chắc là phịa vì làm sao tin được những con số như thế. Tôi hy sinh danh dự để giữ thế giá cho đảng.

Tôi cũng xin trích dần một tài liệu khác, rất uy tín do lãnh dạo viết : “Trong tết mậu thân, chủ yếu từ đêm 30 tháng 1 đến cuối tháng 2, năm 1968, ta đã diệt và làm tan rã từng mảng lớn quân ngụy, diệt 147.000 tên, có 43.000 tên Mỹ”

{Trích Thư vào Nam, Lê Duẩn, trang 42}.

Trích bắt đầu từ dòng thứ 15 cho dến dòng thứ 19. Sách dẫn trên.

Cũng vậy, trong dịp Hội Thảo ở Paris, kỷ niệm 50 năm Điện Biên Phủ vào tháng 12/2004, ông Ngô Đăng Trí, viện khoa học xã hội đã chính thức đưa ra con số bộ đội vừa bị thương và vừa bị chết là 10 ngàn người. Nếu tính tỉ lệ trung bình cứ một chết, ba bị thương thì số bộ đội chết là 2500 người, còn lại 7500 người bị thương ? Những con số ấy đưa đến những nghi ngờ có gian trá bên trong. Và muốn biết được một con số gần sát thực hơn, người ta phải đi những con đường vòng, nhặt nhạnh trong các bài hồi ký, các phỏng vấn để tới một kết quả sát thực tế hơn. Tôi đọc một bài ký cho thấy có 4, 5 nghĩa trang chôn tử sĩ tại các đồi như nghĩa trang đồi Him Lam, đồi Độc Lập, Đồi A1 vv..Chỉ riêng nghĩa trang đồi Độc Lập đã có tới 2000 mộ liệt sĩ. Ấy là chưa kể theo như lời ông Trương Hữu Thêm kể: “ khi đi thăm đồi A1, công nhân xây dựng vô tình đào trúng mấy chục bộ hài cốt bộ đội Việt Nam đang ngồi trong tư thế ngắm bắn. Dưới lòng đất Điện Biên Phủ nay hẳn còn nhiều bộ hài cốt như thế.{Trích bài ký của ông Dương Thuấn trên Talawas, 2004}.

Điều đó cho thấy rằng, chiến trận xong, họ không có thì giờ và công sức thu dọn chiến trường. Hằng mấy chục xác chết trong giao thông hào không thể không trông thấy. Và còn hằng trăm, hàng ngàn xác chết như thế nữa? Có thể xác chết đã sình thối.

Họ mặc kệ để cho thiên nhiên cho mưa nắng làm công việc kết thúc cuối cùng thay cho họ.

Tôi cũng đưa ra thêm bằng cớ cho thấy bộ đội cộng sản chết nhiều vô số kể, chết như rạ, nhưng vẫn bị che đậy dối trá. Trong bài viết Prisonnier des Francais à Dien Bien Phu, đăng trong tờ Le Monde, ngày 22/4/2004, tướng Nguyễn Chương bị Pháp bắt làm tù binh đã thuật lại trận đánh vào cứ điểm Elianne II như sau: “ Vous rendez-vous compte, poursuit-il, que pendant les derniers jours de la bataille, nous avons perdu tant d’hommes pour prendre la seule position Eliane II…Pas moins de 22 attaques et contre-attaque pour quelques mètres de terrain; pour l’emporter, il a fallu creuser un tunnel sous la position francaise et y fait exploser une tonne d’explosifs. “ Le cimetìère militaire qui se trouve aujourdh’ui au pied de la colline avec huit cents de nos morts à Eliane II, dit Chuong “. Ông nói tiếp, các ông biết đấy trong những ngày cuối cùng của trận đánh, chúng tôi đã mất bao nhiêu là người để có thế chỉ chiếm được cứ điểm Eliane II… Không ít 22 lần tấn công và phản tấn công để tranh dành nhau từng thước đất, để thắng được, chúng tôi đã phải đào một địa đạo chạy ngầm dưới vị trí đóng quân của người Pháp và cho nổ hàng tấn thuốc nổ. Nghĩa trang quân đội bây giờ nằm dưới chân đồi là nơi 800 người chúng tôi đã để xác lại, Chương đã nói như thế.

Có thể tướng Chương đã quên không nhắc đến chiến thuật đào hàng trăm kilô mét giao thông hào và nhất là địa đạo ăn thông vào thẳng trại lính Pháp là chiến thuật do ai mách bảo và đã được thể nghiệm ở chiến trường nào trước đó?

Nhắc lại những trận đánh khủng khiếp này, tướng Chương ứa nước mắt và không bao giờ muốn nhắc lại nữa. Nó quá khủng khiếp đối với con người. Tôi tự hỏi, có bao giờ tướng Võ Nguyên Giáp nghĩ đến số phận những người lính dưới quyền ông ?

Không, sách nào của ông viết cũng bàng bạc ám ảnh chiến thắng. Phải thắng, thắng bằng bất cứ giá nào, bât kể sự hy sinh vô bơ bến của binh đội cộng sản

Ông càng được vinh danh với đủ thứ tên gọi có thể, tôi càng thấm thía được giá phải trả của những người lính.

Một điều mà tôi cảm thức sâu xa được khi đọc những cuốn sách do tướng Võ Nguyên Giáp viết là ông có thể là một vị tướng tài. Nhưng là một tướng sát thủ lạnh tanh mà mỗi chiến thắng làm bằng xương máu người khác.

Chỉ cần nhắc lại trong chiến dịch đồng bằng sông Hồng tháng 01-1951, đặc biệt trận đánh Vĩnh Phúc Yên ở cách Hà Nội 37 dặm. Tiếp theo là những trận Mao Khê rồi Phủ Lý, Ninh Bình. Trận đánh ở Vĩnh Phúc Yên tưởng kết thúc trong chiến thắng sau những hy sinh lớn lao về tổn thất sinh mạng, không ngờ tướng De Lattre de Tassigny đã cho dội bom napalm làm cho hàng ngàn cán binh cộng sản đang tập trung ở đấy bị thảm sát trở thành những cây đuốc sống tìm chỗ ẩn náu.

Cảnh trận đánh này phải quay thành film mới thấy hết được sự bạo tàn của chiến tranh. Đó là bữa Barbecue cuối cùng của vị tướng tài danh nước Pháp trước khi chết .

Chiến dịch sông Hồng là một thất bại nặng nề riêng của tướng Giáp về chiến lược. Vậy mà trong Hồi ký: Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử, xuất bản năm 2000 ông đã viết gì?

Theo tài liệu của Ngũ Giác Đài có ghi lại như sau về số phận những người bộ đội đã chết trong hai cuộc chiến tranh vừa qua là: “Trong phần lớn 20 năm qua, một cách trực tiếp hay do ủy quyền. Hoa Kỳ đã lao vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Bốn mươi lăm ngàn người Mỳ đã chết trong cuộc giao tranh, 95.000 người thuộc các quốc tịch khác nhau trong đạo quân thuộc địa Pháp cũ. Và không ai rõ là có bao nhiêu người Đông Dương thiệt mạng nữa . Số phỏng đoán là từ một tới hai triệu ngươi.{Trích Hồ sơ mật của lầu năm góc, tạp chí Trình Bày, trang 35}

Đã chết rồi mà cũng chưa xong, xác chết còn bị xử dụng như võ khí tuyên truyền cho chiến thắng ấy.

Nhiều lúc tôi tự hỏi chết thêm một người hay bớt đi một người thì có thay đổi gì về ý nghĩa cuộc chiến? Vậy mà họ vẫn phải nói dối.

Nhưng còn có những điều dối trá, lừa bịp người chết lẫn người sống một cách trắng trợn hơn nữa. Sau chiến trận Điện Biên Phủ, nhiều xác chết đã rữa mục không được thu dọn, chôn cất hẳn hoi như trường hợp người ta đào được mấy chục xác chết bộ đội chết trong vị trí chiến đấu. Nhưng sau này để vinh danh họ- những bộ đội đã chết thảm khốc- họ thiết lập nghĩa trang quân đội với những ngôi mộ với bia mộ, ghi tên tuổi đàng hoàng. Chỉ có điều đó là những ngôi mộ không có xác chết. Có nhiều chỗ, họ dựng cả một khu mộ liệt sĩ, xây cất lăng tẩm, có nến hương, có khấn vái .. Nhưng bên trong lòng mộ rỗng tuếch. Tại sao không đơn giản dựng một tấm bia kỷ niệm ? Tại sao phải đánh lừa như thế?

Sự Thực về viện trợ quân sự của Trung Quốc cho Việt Nam chống Pháp

Nếu chúng ta chịu khó xếp 6,7 tác phẩm của tướng Võ Nguyên Giáp một bên, bên kia tài liệu về phía Trung Quốc. Đọc và so sánh. Chúng ta sẽ biết sự thực nằm về phía nào?

© Nguyễn Văn Lục

Bài viết khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art