Thứ Bảy, 16 Tháng Sáu, 2012

Thử Tìm Hiểu Thế Nào Là Một Bài Thơ Hay

Người ta đã bàn luận nhiều về đề tài:”Thế nào là một bài Thơ hay ?”. Người thích bài này, kẻ ưa bài kia, thật khó mà định nghĩa thế nào là một bài Thơ hay, nhưng hầu như tất cả mọi người đều đồng ý Thơ là tuyệt đỉnh của Văn chương, Thơ ít chữ nhưng nói nhiều hơn văn xuôi và vì vậy không phải ai cũng làm được một bài thơ hay, dù có nhiều kẻ suốt đời nặng lòng với Thơ.

Người viết bài này hoan nghênh tất cả các bài Thơ do nhiều tác giả khổ công sáng tác, chỉ không hoan nghênh những bài Thơ dùng từ rất kêu nhưng xét giá trị từng câu, toàn bài thấy vô nghĩa.

Vâng, nó vô nghĩa! Có nghĩa là người đọc không hiểu tác giả bài Thơ muốn nói lên cái gì, ám chỉ cái gì, hoặc gởi gấm cái gì trong những hàng chữ kia. Có thể những ông, bà tác giả đó nguỵ biện rằng người đọc không đủ trình độ hiểu Thơ của họ. Nói như thế với một em bé trình độ tiểu học thì có thể chứ với những người đã có trình độ Ðại học VN hoặc đã có làm Thơ thì đúng là nguỵ biện và quá cao ngạo, kiêu căng.

Ðể  tôi kể bạn nghe một  giai thoại về Thơ. Có một ông nhà thơ ở miền Nam trước 1975, sau đó sang hải ngoại, làm được một số bài thơ và được bè bạn cũng có, tự ông ta cũng có,  dùng ống đu đủ thổi lên như hàng Thi vương, Thi bá, độc nhất vô nhị.

Có một người quen ông ta, một bữa  lấy 4 câu thơ  của ông ta ở mấy chỗ khác nhau, cho một cái tựa và đặt liền vào nhau như một bài thơ. Người này , nhân lúc trà dư tửu hậu đem ra , nói là thơ mới làm, nhờ ông ta nhuận sắc dùm.

Ông ta đọc xong bài thơ, hét toáng lên rằng:”Thơ gì vô nghĩa thế này ? Tao không biết mày định nói cái gì ? Vứt thùng rác cho rồi !” Người bạn lúc đó mới ôn tồn nói:”Thưa thi hào, chính là thơ của đại gia đấy !”Nhà thơ vẫn không tin và người bạn phải lấy cuốn Thơ của ông ta xuất bản ra chỉ vào những câu ông đã trích. “Ðại thi hào” ngồi ngẩn tò te ra, mắc cở . Vậy mà lâu nay có ai nói cho ông ta biết đâu  hoặc có nói, ông ta cũng không chịu nhìn nhận một sự thực.

Về định nghĩa thế nào là một bài thơ hay. Nếu trả lời cho đầy đủ kèm theo những dẫn chứng thì phải vài cuốn sách mới đủ. Nhưng  tôi chỉ sơ lược mấy điểm chính để  các bạn chưa từng làm Thơ hoặc có ý định sẽ vào làng Thơ, nắm được thế nào là một bài thơ  hoặc câu thơ hay.

1-                  LỜI  HAY, Ý ÐẸP, TRUYỀN CẢM

Lời thơ trong sáng, tự nhiên, không cố ý gọt dũa, hoặc có gọt dũa, nhưng người đọc không thấy, ta gọi tắt là lời hay.

Ý thơ hàm súc, dồi dào, gọi tắt là ý đẹp.

Ðọc lên thấy xúc động, nao nao, xao xuyến trong tâm hồn, tức là  thơ có sức truyền cảm.

Ðó là thơ tả tình. Thí dụ: (trích truyện Kiều)

            Một mình nàng, ngọn đèn khuya

            Áo dầm giọt lệ, tóc se mái sầu

Hoặc         Cũng liều nhắm mắt đưa chân

                   Thử xem con tạo xoay vần đến dâu!

     Ðến như thơ tả cảnh thì đọc câu thơ lên thấy như vẽ trước mắt ta phong cảnh tác giả muốn phô diễn. Thí dụ:

           Chim hôm thoi thót về rừng

           Ðoá trà mi đã ngậm trăng nửa vành

 Hoặc:          Cỏ  non  xanh tận chân trời

                      Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

 

Chỉ có một ngọn đèn khuya , chiếc áo nàng đang mặc đẫm nước mắt và mái tóc bù rối của nàng mà người đọc tưởng tượng ra được một thiếu phụ đang trải qua những đau thương , cay đắng của cuộc đời. Chỉ có 14 chữ mà nói lên được cái tâm sự dằng dặc cả mấy trang nếu phải viết bằng văn xuôi.

Hai câu sau tả cảnh cũng thế. Một buổi chiều hiu hắt, u buồn, chim lặng lẽ về tổ, đoá trà mi cô đơn dưới ánh trăng thượng tuần.  Vẫn có hoa và trăng nhưng hoa và trăng nhuốm vẻ tiêu điều như lòng người. Cái buồn của nhân vật như lây sang ta, đó  chính  là truyền cảm.

Hai câu chót là bức tranh của Claude Monet hoặc của Vincent van Gogh đưa tầm mắt ta ra xa đến tận chân trời, toàn mầu xanh tươi, chỉ điểm vài cánh lê trắng muốt.

Thật tài tình. Và thật thơ.

Không chỉ trong những đọan tả cảnh, tả tình mà còn là những đoạn Mượn Cảnh Tả Tình, có nghĩa người đọc chỉ cần chú ý vào không gian, thời gian, sự vật xung quanh nhân vật mà thấy rõ được tâm sự nhân vật, cái rất khó tả cho đúng. Chúng ta hãy đọc lại đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích” sau đây sẽ nhận ra điều đó:

               Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân

               Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung

               Bốn bề bát ngát xa trông

               Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia

               Bẽ bàng mây sớm, đèn khuya

              Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng!

              Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

              Tin sương luống những rày mong mai chờ

              Bên trời góc bể bơ vơ

             Tấm son gột rửa bao giờ cho phai?

             Nhớ người tựa cửa hôm mai

             Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ

             Sân Lai cách mấy nắng mưa

            Có khi gốc tử đã vừa người ôm

            Buồn trông cửa bể chiều hôm

            Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa

            Buồn trông ngọn nước mới sa

            Hoa trôi man mác biết là về đâu

            Buồn trông ngọn cỏ rầu rầu

            Chân mây mặt nước một mầu xanh xanh

            Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

            Ầm ầm tiếng sóng kêu  quanh ghế ngồi.

    

Bình giải sơ lược: Sáu câu đầu tác giả tả nàng Kiều trong hoàn cảnh tồi tệ nhất là ở “thanh lâu” (thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần), Kiều bẽ bàng cho thân phận ngay cả khi ngắm áng mây buổi sớm, nhìn ngọn đèn leo lét ban tối. Cảnh ấy, tình này làm cho lòng nàng đòi đoạn, đứt ruột (như chia tấm lòng).

Bốn câu kế, Kiều nhớ đến Kim Trọng, người yêu đầu đời và trọn đời. Nhớ đến đêm trăng sáng năm xưa cùng chàng thề thốt, nay biệt vô âm tín mà tấm thân nhơ nhuốc này biết bao giờ gột rửa để trở nên trong sạch, xứng đáng với chàng?

Bốn câu kế:”Nhớ người tựa cửa...” Kiều nhớ cha mẹ. Không biết giờ này lấy ai thay mình phụng dưỡng song thân? Như ông Lão Lai ngày xưa, thấy cha mẹ buồn liền ra sân múa hát, làm trò hề cho cha mẹ vui cười lên mà khuây khoả tuổi già. Quay đi quay lại, ấy vậy mà cha mẹ trăm tuổi lúc nào không hay (có khi gốc tử đã vừa người ôm).

Tám câu sau cùng tả cảnh nhưng là cảnh có tâm hồn người hàm chứa  trong đó: cửa bể, con thuyền, ngọn nước, hoa trôi, bèo dạt... trong khi tạo vật vẫn vô tình với nỗi buồn của con người:” Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”

        Hoặc như trong  “Cung Oán Ngâm khúc”:

        Cầu Thệ thủy ngồi trơ cổ độ

        Quán Thu phong đứng rũ tà huy

        Phong trần đến cả sơn khê

        Tang thương đến cả hoa kia, cỏ này!

            Tuồng huyễn hoá đã bày ra đấy

        Kiếp phù sinh trông thấy mà đau

        Trăm năm còn có gì đâu

        Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì!

     

Nơi bến đò xưa, cây cầu bắc trên dòng nước chảy không ngừng vẫn “trơ mặt với phong sương”, cũng như cạnh đó, quán trống, trong nắng chiều yếu ớt, gió thu lạnh lẽo hun hút thổi làm cảnh trí càng thêm tiêu sơ. Nàng cung nữ, vì nhớ đến thân phận hẩm hiu của mình, nhìn hoa cỏ, núi sông đều thấy một mầu tang thương. Tất cả do “Tạo hóa đành hanh quá ngán” bày ra và rốt cuộc kiếp người trôi nổi chỉ còn lại một nấm cỏ khâu xanh rì!

2-                  ÂM ĐIỆU, TIẾT TẤU

Nhiều  nhà ngôn ngữ học quốc tế sau khi nghiên cứu về tiếng Việt đã cho rằng tiếng Việt khi nói có âm điệu như hát (singing language).

Sở dĩ có được kết luận đó vì tiếng Việt có các thanh bằng, trắc khác nhau nên khi nói, các từ ngữ lên xuống theo các thanh cho âm điệu và tiết tấu.

Thi sĩ tiếng Việt khi làm thơ lại càng cần phải để ý đến các thanh bằng trắc này để cho bài thơ có âm điệu tiết tấu hay, dễ đọc và quyến rũ. Chính bởi thế thơ có niêm luật, niêm là dính, luật là những chữ phải bằng hay phải trắc hay phải hợp vận.Thí dụ hai câu lục bát:

            Bằng bằng trắc trắc bằng bằng (vần)

            Bằng bằng trắc trắc bằng bằng (vần) trắc bằng

            Thành Tây có cảnh Bích câu

            Cỏ hoa họp lại một bầu xinh sao

            Đua chen thu cúc, xuân đào

            Lựu phun lửa hạ, mai chào gió đông!

Những chữ 1,3,5 (nhất, tam, ngũ) bất luận, luật là bằng nhưng có thể trắc, và ngược lại.(Vì bài này không chủ trương dạy cách làm thơ, quí bạn đọc muốn nghiên cứu tường tận hơn về niêm, luật bằng trắc, vận có thể đọc trong sách Việt Nam Văn học sử yếu của GS Dương quảng Hàm hoặc các sách Văn học sử khác.).

Người làm thơ cần đặc biệt chú ý đến vần vì nếu thơ không có vần (hợp vận), sẽ không được gọi là thơ, sẽ chỉ như văn xuôi được cắt ra những đoạn 6 hoặc 7, 8 chữ v.v.... Có người đã ví một cách ngộ nghĩnh là thơ không vần như mặc quần không áo, nó thiếu phần quan trọng để thành những câu thơ như tác giả của nó mong muốn. Hơn nữa, vần dùng tài tình cho người đọc thơ thấy tài của tác giả mà không phải ai cũng có thể làm được. Những bài thơ nổi tiếng thường là những bài thơ vần được sử dụng chặt chẽ, khít khao và tài tình.

Thí dụ: Bản dịch “Lầu Hòang Hạc” của Tản Đà tiên sinh từ nguyên tác Hòang Hạc lâu của Thôi Hiệu:

            Hạc vàng ai cỡi đi đâu

            Mà nay Hòang Hạc riêng lầu còn trơ

            Hạc vàng đi mất từ xưa

            Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay

            Hán Dương sông tạnh, cây bày

            Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non

            Quê hương khuất bóng hòang hôn

            Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai!

 

Thơ tự do không bắt buộc phải có vần nhưng cũng cần vần khi có thể để cho câu thơ nổi nang hơn, có chất thơ hơn. Còn thơ mới, vần chữ cuối câu hay cước vận, bắt buộc phải có vận, hợp vận

Thí dụ:

Nào còn đâu những đêm vàng bên bờ suối

Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan

Đâu những chiều mưa chuyển động bốn phương ngàn

Ta lặng ngắm cảnh giang sơn ta đổi mới.

Đâu những bình minh cây xanh nắng gội

Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng

Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng...

(Hổ nhớ rừng - Thế Lữ)

Hoặc hai đọan đầu trong bài “Nắng Quê Hương” của tác giả bài này:

            Em sang đây mang giùm anh chút nắng

            Nắng Sàigòn - Hànội - Nắng Quê Hương

            Nắng ngày xưa em nhặt ở sân trường

            Đem hong gió Thu vàng hay ép sách!

 

            Em cũng nhớ mang vầng trăng nguyệt bạch

            Giải mây hồng uốn éo nét thanh tân

            Hái giùm anh vài chục nụ tầm xuân

            để làm quà cho người thân, bạn hữu...(tđn)

   

TÓM TẮT

Một bài Thơ hay phải hội đủ ba yếu tố: Lời hay, Ý đẹp, và Truyền cảm. Có cả ba yếu tố thiết yếu này, người ta gọi tắt là một bài thơ hay, một bài thơ có hồn. Khi thi sĩ cảm hứng, tứ thơ tuôn tràn, hồn thơ lai láng. Chính kẻ viết bài này, có nhiều lần bút không kịp ghi tứ thơ trên giấy, phải dùng những chữ viết tắt mà chính tác giả mới đọc được, ghi vội ra vì nếu để giây phút đó qua đi, sẽ không thể hoặc khó có thể làm được bài đã định. Sau giây phút “xuất thần” đó, bây giờ mới thong thả coi lại bài thơ từ đầu tới cuối và  chỉnh những từ không vừa ý. Thường chỉ chỉnh sơ sài, dăm ba từ bị thay thế cho thích hợp, nhưng cái cốt lõi đầu tiên, cái khung, cái hồn của bài thơ thì không bao giờ thay đổi, bởi nó đã hay hoặc vừa ý (với chính nhà thơ.)

Thi sĩ phải có hứng sáng tác, thơ mới hay. Hứng là cái sáo diều  hoặc sợi dây đàn treo trong không gian, một làn gió nhẹ thổi qua đủ làm nó phát ra thanh âm. Tâm hồn thi sĩ cũng ví như cái sáo hoặc sợi dây đàn đó, một ý tưởng mới, một cảm nghĩ mới, một sự việc mới xảy ra trước mắt khiến nhà thơ muốn dùng bút ghi lại sự việc hoặc những cảm nghỉ của mình trong khi người không có tâm hồn thi sĩ, không để ý tới sự việc xảy ra, cũng không có những cảm nghĩ mà nhà thơ có. Ðó chính là “Cái sáo hoặc sợi dây đàn” của thi sĩ. Nó vô cùng bén nhạy nên thi sĩ mới có hứng thơ. Với nhà văn, hứng viết văn  cũng tương tự thế. Do đó, chúng ta phân biệt hai loại, nếu ghi thường: văn xuôi; nếu  ghi có vần điệu tiết tấu: Thơ. Cả hai đều là văn chương, tuy co những nét đặc thù khác hẳn nhau.

Ðể làm rõ nét cái hứng của thi nhân, chúng tôi xin đưa ra trường hợp Thi sĩ Ôn như  hầu Nguyễn gia Thiều.

Tất cả chúng ta nhìn các cung nữ thời xưa, lúc son trẻ được nhà vua vời vào cung làm cung phi đều là chuyện bình thường bởi vua có quyền sinh sát toàn dân. Vua muốn là Trời muốn vì vua là Thiên tử, con Trời. Riêng tác giả “Cung oán ngâm khúc” lại có cái nhìn khác. Thi nhân nghĩ chỉ vì phải phục vụ cho những sắc dục tham lam, bất chính của nhà vua mà các cung nữ này bị giam trong cung cấm, uổng phí cả một đời thanh xuân khi nhà vua chỉ dùng các nàng cho một đêm vui rồi không bao giờ đoái hoài tới nữa làm nhiều cung phi chết già trong cung cấm. Nhà vua, sau khi thoả mãn, ân ái một đêm, lại đi tìm những bông hoa hương sắc khác để tủi hổ, bẽ bàng, đau khổ cho hàng trăm, hàng ngàn cung phi mà họ không biết kêu cứu vào đâu được.(Ngán thay cái én ba nghìn). Từ đó thi nhân viết cuốn “Cung oán ngâm khúc” để thay cho các cung phi nói lên nỗi lòng đòi đoạn nơi cung cấm, may ra tiếng nói có thấu đến cửu trùng, các nàng được giải thoát khỏi cuộc sống tối tăm, chết dần, chết mòn, được trở về nơi thôn dã sống với gia đình và biết đâu lại có được một tấm chồng để nương tựa suốt cuộc đời còn lại.

Vì đặt mình vào hoàn cảnh các cung phi bị thất sủng, thi nhân đã cực tả được những đau xót của các cung phi:

                             Trải vách quế gió vàng hiu hắt

                               Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng

                           Oán chi những khách tiêu phòng

                      Mà xui phận bạc nằm trong má đào...     

 

Trở lại ý hướng mượn cảnh tả tình của thi nhân, chúng ta hãy đọc lại hai bài thơ (Đường luật) sau đây, của Bà huyện Thanh Quan và Cụ Nguyễn Khuyến:

         CHIỀU HÔM NHỚ NHÀ 

Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn             

Tiếng ốc xa đưa lẫn trống dồn                         

Gác mái ngư ông về viễn phố                        

Gõ sừng mục tử lại cô thôn                              

   Ngàn mai gió cuốn chim baymỏi                        

   Dặm liễu sương         sa         khách             bước            dồn                

    Kẻ chốn chương đài, người lữ thứ                             

Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn !                             

 

                   THU ÐIẾU

 

     Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

     Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

     Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

     Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo

     Từng mây lơ lửng trời  xanh ngắt

     Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

     Tựa gối ôm cần lâu chẳng được

     Cá đâu đớp động  dưới chân bèo.

    

Hai bài thơ này cùng làm theo thể Ðường luật, thơ bảy chữ tám câu, rất phổ thông từ đầu thế kỷ thứ XIX. Nữ sĩ Hồ xuân Hương cũng là một trong những nhà thơ sử dụng thể thơ này nhiều nhất.

Bài “Chiều hôm nhớ nhà” có dăm tiếng Hán -Việt như: hoàng hôn, ngư ông, viễn phố, mục tử, chương đài, lữ thứ nhưng không phải là những chữ quá khó. Sáu câu đầu tả cảnh để làm nền cho hai câu cuối tả tình. Bạn để ý cặp câu:”Gác mái... và Gõ sừng...”; cặp “Ngàn mai... và  Dặm liễu...”, (động tự đối với động tự, danh tự đối với danh tự) làm theo thể biền ngẫu nghĩa là mỗi chữ đối nhau, nét đặc thù của thơ Ðường luật. Ðọc xong bài thơ ta thấy tâm hồn ta cũng chìm lắng vào nỗi buồn của “kẻ chốn chương đài, người lữ thứ” một nỗi buồn nhẹ nhàng nhưng thấm thía của hai tâm hồn xa nhau.

Như bài Thu Ðiếu, hay Mùa Thu câu cá, cặp câu “thực” và “luận”: “Sóng biếc...” đối với “Lá vàng...” và “Từng mây...” đối với “Ngõ trúc...”.Toàn bài không có một chữ Hán, một điển cố,  vẽ ra bức tranh thu êm đềm, tịch mịch trong đó chỉ có một động vật duy nhất là nhà thơ đang thả hồn vào thiên nhiên với lá vàng rơi rụng, với từng mây xanh ngắt, với ngõ trúc quanh co. Tất cả đã toát ra mùi vị Thiền và bức tranh:” Vạn vật đồng nhất thể” vô cùng sâu sắc.

 

Hai  bài thơ trên, cùng một số bài thơ khác của hai tác giả này và nhiều tác giả khác như Nguyễn công Trứ, Cao bá Quát, Hồ xuân Hương v.v…đã được đa số chúng ta học thuộc lòng từ hồi còn ngồi lớp 8, lớp 9 trong phần Cổ văn.

Tuy nhiên, vì thơ Đường luật phải tuân theo niêm, luật, vần và biền ngẫu như thế  nên từ thế hệ 1932, các nhà thơ đã than là thể thơ này quá khó so với những thể thơ lục bát, song thất lục bát, nhất là thơ mới và thơ tự do ra đời trong khỏang thời gian đó. Các cụ nói:” Khó cho thiên hạ đến bao giờ...” để nói về thể thơ Đường luật này. Hơn nữa, khi phải diễn tả một tình cảm phức tạp, dài dòng, thơ Đường không đáp ứng nổi như song thất lục bát và lục bát.Và cũng kể từ đó, các thể thơ  tự do, thơ mới 8, 9  chữ (cước vận, như bài Nắng Quê Hương ở trên) hay thơ 7 chữ, mỗi đọan bốn câu, gồm nhiều đọan, vần cuối ở các câu 1, 2, và 4 rất được thịnh hành.

Thể thơ Đường chỉ còn thấy thưa thớt nơi các cụ đồ hoặc các nhà thơ lớn tuổi, nặng lòng với cổ thi khi xưa và những tác giả không thích thơ mới (hoặc không thể làm thơ mới. Một thi hữu bạn tôi chuyên làm thơ theo thể Đường luật, tôi hỏi ông sao không dùng nhiều thể khác, ông nói hễ cầm bút là nó ra thơ Đường, không cách gì thay đổi!).

Cũng nên lưu ý, thơ mới có âm điệu, tiết tấu và cách diễn tả hùng mạnh mà thơ Đường luật không thể. Thơ mới muốn làm bao nhiêu đoạn cũng được không gò bó như thơ Đường luật. Thơ tự do cho người làm thơ diễn đạt ý tưởng không giới hạn nhưng cũng cần vần điệu và không phải dễ để sáng tác một bài thơ tự do hay.

Đây là một bài thơ làm theo thể thơ mới của cụ Phan Khôi (1887-1956), người đã khởi đầu cho nền thơ của nước ta hoàn toàn cách mạng, bỏ hết lối biền ngẫu, niêm luật cũ gò bó người thơ không thể diễn đạt những ý tưởng của mình một cách thoải mái và trung thực.

Bài này được đăng trên báo Phụ Nữ Tân Văn ngày 10-3-1932, khởi đầu thơ mới. Riêng cá nhân tôi, tôi rất thích và thường dùng thể thơ này để diễn tả. 

 

 

TÌNH GIÀ 

Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa

Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, Hai mái đầu xanh kề nhau than thở.

Ôi đôi  ta tình thương thì vẫn nặng,mà lấy nhau hẳn là không đặng ;

Ðể đến rồi tình trước phụ sau , chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau

Hay ! Nói mới bạc làm sao chớ !Buông nhau làm sao cho nở ?

Thương được chừng nào hay chừng nấy,chẳng qua ông trời bắt đôi ta phải vậy !

Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng  ,mà tính việc thủy chung ?

Hai mươi bốn năm sau, tình cờ nơi đầt khách gặp nhau !

Ðôi mái đầu đều bạc.Nếu chẳng quen lung, đố nhìn ra được!

Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi ! con mắt còn có đuôi 

Với cái nhìn đại cương và xuyên suốt, ta thấy nguyên tắc chung cho hầu hết các  môn khoa học là: hợp lý = dễ hiểu = dễ nhớ, dù là toán học hay nhân văn. Để hiểu những bài thơ cổ cũng như để sáng tác thơ Việt, chúng ta cần một ít chữ Hán-Việt, hiểu nghĩa và cách sử dụng chúng mới dễ quay trở khi làm thơ.

 

 A--THƠ HAY RẤT DỄ THUỘC DỄ NHỚ

 

Từ đó ta thấy, thơ hay là thơ có thể học thuộc lòng một cách dễ dàng. Một học sinh có trí nhớ trung bình chỉ cần ngâm nga hai bài thơ của cụ Nguyễn Khuyến và bà huyện Thanh Quan nói ở trên vài lần là thuộc lòng. Thơ đọc trúc trắc, khó hiểu, vô nghĩa, không dễ dàng học thuộc, chắc chắn không phải thơ hay. Cũng nên lưu ý, thơ đọc trúc trắc chính vì tác giả của nó không am tường luật bằng trắc hoặc không sử dụng đúng qui luật bằng, trắc và vần.

Ðể kiểm chứng điều này, quí bạn đọc thử nhớ tên một nhà thơ, ông A, bà B v.v…cố nhớ lấy một bài thơ hay vài câu thơ của họ mà quí vị đã đọc, xem có thuộc được bài nào không, câu nào không. Không có, ấy là thơ ra sao quí vị  đã  biết. Nhưng có nhiều tác giả thời nay lại nghĩ cứ làm thơ khó hiểu, tối nghĩa hay vô nghĩa, cao kỳ, dùng những từ cho kêu là được quần chúng ái mộ.  Sự thực không phải thế. Thơ kêu nhưng rỗng thì không khác một cái thùng phuy, càng rỗng càng kêu to.

Trước đây, rất nhiều người, ngay cả ở nông thôn Việt nam, đã học thuộc lòng Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Lục Vân Tiên, Nhị Ðộ Mai, Cung oán ngâm khúc, Tì bà hành, Trinh thử, Trê cóc, Ngư tiều vấn đáp, Lục súc tranh công, Bích câu kỳ ngộ v.v…lúc rảnh rang, đọc vanh vách cho nhau nghe dù có nhiều người  không có sách hoặc không biết chữ, chỉ học lóm bạn bè. Sở dĩ họ thích, họ say mê vì lời Thơ gần gũi với họ, tả cái tâm lý chung của họ hay người xung quanh họ như Jacques Prévert, một  Thi sĩ Pháp có viết:” Ðọc Thơ lại  thấy có mình ở trong” cũng là ý nghĩa đó. Người nông dân  học  thuộc lòng dễ dàng như vậy vì những câu Thơ này giản dị, dễ hiểu, hợp lý, vần vò. Chính bởi thế, nguời ta còn gọi Thơ là văn vần để phân biệt với văn xuôi.  

Trước 4-1975, ở miền Nam Việt Nam, có một số tác giả làm Thơ đăng trên các báo, tạp chí, nguyệt san, cả những nguyệt san được coi là thời thượng, nổi tiếng lúc đó mà nguời viết không tiện hài tên, bạn bè những tác giả này cũng ca tụng họ hết mình như hàng thi bá (một nhược điểm của giới làm Văn học Nghệ thuật cận và hiện đại, hay dở gì khen bừa); nhưng bây giờ hỏi còn ai nhớ được một bài Thơ của họ hoặc ít nhất là tinh thần những bài thơ đó không ? Chúng nói lên cái gì? Chúng ca tụng hay đả phá cái gì thì chắc có nhiều người không trả lời được. Ðủ biết Thơ phải gần gũi với dân gian mới có thể tồn tại với thời gian và thơ càng dễ hiểu càng phổ quát. Thơ xa rời thực tế là chỉ để trang điểm nhất thời, dù  Thơ bác học (Hán văn), cao xa đi nữa. Loại thơ Hán Văn rất “kén khách” vì càng ngày càng ít người hiểu được nghĩa chữ Hán.

 

B-PHẢI GÂY ÐƯỢC SỰ XÚC ÐỘNG 

Thơ là văn xuôi đã gạn lọc, cô đọng lấy phần tinh tuý sâu sắc của văn chương nên Thơ phải súc tích và truyền cảm nghĩa là gây được sự xúc động, xao xuyến từ tác giả sang người đọc.

Người đọc phải có được sự rung động của tác giả , dù cường độ kém hơn, mới được gọi là thơ hay. Thơ đọc lên trơ trơ trích trích, không chuyển động được một “thớ thịt đường gân” nào của người đọc, đó là Thơ kém giá trị. Ngưòi ta đọc Chinh phụ ngâm mà tưởng rằng mình là người chinh phụ, có chồng sắp ra ngoài quan ải đánh giặc, giữ nước. Người ta đọc Cung Oán mà cứ ngỡ mình là người cung phi bị thất sủng, nhà vua không đoái hoài tới.

 Ðó là sự thành công của tác giả.

 

C-THƠ PHẢI NÓI LÊN MỌI KHÍA CẠNH CỦA ÐỜI SỐNG

Ðành rằng Thơ tình ái là loại Thơ nhiều người làm, nhiều người đọc nhất  và cũng dễ làm hơn nhiều loại khác, nhưng một tác giả cả đời chỉ viết được những bài thơ tình ái hoặc ca tụng đàn bà như nhà thơ Ðinh Hùng là một (Ðường vào Tình sử, chính ông thú nhận), thì chưa thể gọi được là đã quán xuyến về Thơ.

Hầu hết những bài Thơ hay của những tác giả như Nguyễn bỉnh Khiêm, Nguyễn công Trứ, Trần tế Xương, Cao bá Quát, Bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Du, Tản Ðà, Nguyễn Trãi v.v…đều là Thơ về Quê hương, về Thiền, Thơ yếm thế, luận bàn thế sự, nhân tình thế thái, Thơ đạo lý, triết lý cuộc đời, thơ nhàn v.v… mà rất ít hoặc không có Thơ tình. Hướng đi đặc biệt trong thơ “ý tại ngôn ngoại” của Nữ sĩ Hồ xuân Hương lại là một phương diện khác, không phải thơ “ái tình dang dở” như phần nhiều thơ thời nay.

Nguyễn Du tả Kiều trong thanh lâu, Kiều tiếp khách, Kiều tắm… vì  Kim Vân Kiều là một cuốn tiểu thuyết Nguyễn Du phỏng theo cốt truyện của tác giả Trung hoa (Thanh Tâm tài nhân) trước tác ra và đặt tên là Ðoạn trường Tân Thanh. Là tiểu thuyết, vả lại trung thành với nguyên tác, Ðoạn trường Tân Thanh  cần phải có đủ tình tiết, hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục, người đọc mới thấy hết được những khiá cạnh của nhân vật chính trong truyện. Chứ không phải ông có ý tả chân để khiêu dâm như  một số người đã gán cho ông (Huỳnh thúc Kháng, Ngô đức Kế: ai, dâm, sầu oán, đạo, dục, tăng, bi hay như Nguyễn công Trứ: “Bán mình trong mấy mươi năm, Ðố đem chữ hiếu mà lầm được ai.”)

Quan niệm coi Kim Vân Kiều là một cuốn tiểu thuyết dâm ô đã quá lỗi thời. Trái lại người ta có thể tìm trong đó những vần thơ bất hủ được lưu truyền mãi mãi. Chúng ta chỉ nên coi Kiều là một tác phẩm văn chương mà thôi. Càng không nên đưa Kiều ra làm mẫu mực về đạo đức, luân lý, gọi Truyện Kiều là Kinh Thi Việt Nam như có tác giả đã làm,  mặc dù nhân vật Kiều rất nhân bản, chứa đựng đầy đủ tâm lý của con người bình thường.

        Theo thiển ý, chỉ có một điều đáng tiếc: Nguyễn Du không sáng tác ra một câu truyện Việt Nam mà nhờ vào một cốt truyện Tàu, dĩ nhiên thuộc thời đại vua Tàu,  nhân vật Tàu, phong tục, văn hóa Tàu..., tuy cũng tương cận với chúng ta nhưng không thể bằng tất cả đều là Việt Nam, Kiều ở thời đại Đinh, Lê, Lý, Trần nào đó.

 

D- CUỘC ÐỜI: ÐỀ TÀI VÔ TẬN CHO THI NHÂN

Cõi nhân sinh này còn rất nhiều điều cần đến nhà thơ, nhà văn ghé mắt đến. Nào là tôn giáo, gia đình, xã hội, đất nước, quê hương, dân tộc, tự do, dân chủ, bình đẳng, nào là công bằng, bác ái, vị tha, hi sinh cứu giúp kẻ khốn cùng… Ngay như thiên nhiên, cây cỏ, thú vật, chim muông, gia cầm, gia súc cũng là những đề tài vô tận.

Học giả Phạm Quỳnh trong báo Nam Phong xuất bản năm 1921 có viết:

“...Làm một bộ tiểu thuyết, cốt là đặt cho hay, viết cho khéo, cho người đọc có hứng thú, ...có lẽ ở những nước văn minh có thể nghĩ như thế được; nhưng ở những dân còn bán khai như dân ta thời văn chương rất là quan hệ cho đời lắm, nhà làm văn có cái trách nhiệm duy trì cho xã hội, dìu dắt cho quốc dân, nếu làm sai trách nhiệm ấy thời dẫu văn chương hay đến đâu cũng có tội với quốc gia, với danh giáo vậy. Các nhà tiểu thuyết ta há không nên cẩn thận lắm ru?” (Ngưng trích) 

Tác giả  Tô  Hoài thời tiền chiến  chỉ  tả mấy con dế mèn phiêu lưu mà cũng được học sinh đua nhau đọc, nổi tiếng một thời. Vậy không phải chỉ Thơ tình ái mới ăn khách. Yêu đương, nhớ nhung, dang dở, chia phôi, đành đoạn …rất hay nhưng nếu nhai đi nhai lại chỉ bấy nhiêu,  không phải lúc nào độc giả cũng “tiêu hoá “được. Viết lắm sẽ nhàm.  Cứ một loại Thơ đó chỉ chứng tỏ  tác giả  không thể viết và nghĩ đa dạng mà thôi. Có nghĩa là  tác giả  không đủ tài. Mà cuộc đời hiện đại lại quá đa dạng, đa phương. Sự biến hoá của cuộc đời làm  ta chóng mặt. Một vị Tổng Thống  Mỹ, ông Franklin Roosevelt bảo với mọi người, trước khi ông đọc diễn văn trước quốc dân:

“Vỗ tay nhiều không có nghĩa là diễn văn  hay”

Ta cũng có thể  lấy câu đó áp dụng cho một số tác giả  trước đây ở miền Nam và ngày nay ở hải ngoại, thơ, văn rất nghèo nàn nhưng bè bạn, theo cái mốt, dùng ống đu đủ thổi phồng và vỗ tay quá lố. Và đó cũng là lý do làm mất niềm tin của đa số độc giả có trình độ.

 

Đ-LÀM THƠ PHẢI TUÂN THEO NIÊM LUẬT, BẰNG TRẮC

Ngoại trừ Thơ tự do, không cần vần, không niêm luật bằng trắc, không giới hạn số câu, số chữ trong câu (Xin đọc bài Thương tiếc Columbia của người viết bài này),  còn các  thể  thơ khác như lục bát, song thất lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn (Ðường luật), Thơ Mới … đều phải theo luật Thơ  (vần, bằng trắc) Thơ mới hay. Vần dùng gượng ép, mất hay một phần. Chữ đúng ra phải vần mà không vần, không hay.

 Ngoài ra, cũng để nhắc lại, cách dùng chữ, gieo vần thật  quan trọng. Có nhiều từ kép, cụm từ có thể dùng xuôi ngược sao cũng cùng nghĩa. TD: đớn đau hay đau đớn, trôi nổi hay nổi trôi, phiền muộn hay muộn phiền, nghĩa đều như nhau. Nhưng không thể viết xa xót thay vì xót xa, loài lạc thay vì lạc loài, nhiên tự thay vì tự nhiên v.v... Những chữ bị đảo ngược như vậy hoặc có nghĩa khác hoặc vô nghĩa. Cần nhất là tránh làm Thơ vô nghĩa hoặc tối nghĩa dù đọc lên đầy hán tự có vẻ bác học. Ở bài sau, tôi sẽ cống hiến quý bạn một số bài thơ vô nghĩa, ngay của vài nhà thơ có tiếng.

 

E-Ý QUAN TRỌNG HƠN LỜI

Ðiều chót, dù còn nhiều điều chưa nói do giới hạn của bài này. Nếu ta không thể thoả mãn được cả hai phương diện hiệp vận (vần) và ý thì nên dùng chữ nào cho rõ ý còn hơn là dùng chữ hiệp được vần mà ý sai lạc hoặc vô nghĩa. TD: Bốn câu của cụ Yên Ðổ.

                      Cũng có lúc chơi nơi dặm khách

                      Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo

                      Có khi từng gác cheo leo

                      Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang

Tất cả đều hiệp vận ngoại trừ   “leo” và “chiều”. Tuy nhiên, “chiều” mới đúng nghĩa. Nếu dùng “chèo” thì hiệp vận nhưng sai nghĩa.

       Thí dụ khác: Bốn câu Thơ dịch của người viết  bài này:

              Xuân sang ngoạn cảnh xem hoa

              Hè về hóng mát tà tà ao sen

             Vào Thu rượu cúc êm êm

             Ðông coi tuyết phủ, nối vần Nàng Thơ(TÐN)

Tất cả đều hiệp vận, ngoại trừ “êm” và “vần” , nhưng đúng ý nghĩa. Giả sử thay hai chữ “nối vần”  bằng hai chữ “êm đềm” cho vần với câu trên thì trước nhất bị điệp ngữ êm, thứ hai “êm đềm Nàng Thơ” lại có nghĩa khác, không nói được cái thú ngâm Thơ, sáng tác Thơ của tác giả. (Ðông ngâm bạch tuyết thi). Bài thơ trên dịch từ bài thơ chữ Hán:

            Xuân du phương thảo địa

            Hạ thưởng lục hà trì

            Thu ẩm hoàng hoa tửu

            Ðông ngâm bạch tuyết thi

Ý nghĩa của một câu Thơ, một bài Thơ là quan trọng như vậy.

Một bài Thơ hay, một câu Thơ hay rất dễ nhìn ra y như một bông hoa đẹp. Ðâu cần phải phân tích cánh hoa làm sao, đài hoa, sắc hoa thế nào, ta mới biết là bông hoa đẹp.

Tiền nhân xưa sáng tác Thơ, vào hội Thơ, ngâm Thơ như một cái thú của đời người, nhất là khi về già. Không gì bằng có bạn Thơ, có giấy bút, có rượu, dù chỉ thanh đạm, cùng làm Thơ, cùng bàn luận về văn chương, về những hào khí của người xưa. Tổ tiên ta dùng Thơ để nói về mình, về người, dạy đời, mỉa mai (hoặc chửi) những thói rởm của đời, tôn vinh những thú vui thanh quí, cao nhã “an bần lạc đạo” mà Thơ chính là một dụng cụ sắc bén và đắc dụng nhất cho các mục tiêu đó. Ta thử đọc lại một bài thơ của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm:

 

                            THƠ NHÀN                      

                     Một mai, một cuốc, một cần câu

                     Thơ thẩn dù ai vui thú nào

                     Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ

                    Người khôn, người đến chốn lao xao

                    Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

                    Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao

                    Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp

                   Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao!

 

       Bài sau đây của thi hào Tản Ðà Nguyễn khắc Hiếu, làm cho vở chèo Thiên thai. Ðây là cảnh hai tiên nữ tiễn Lưu Thần, Nguyễn Triệu về trần:

                                               

     TỐNG BIỆT

   Lá đào rơi rằc lối Thiên thai

   Suối tiễn, oanh đưa những ngậm ngùi!

   Nửa năm tiên cảnh

   Một bước trần ai

   Ước cũ, duyên thừa có thế thôi!

   Ðá mòn, rêu nhạt

  Nước chảy, huê trôi,

  Cái hạc bay lên vút tận trời

  Trời đất từ đây xa cách mãi

  Cửa động,

  Ðầu non,

  Ðường lối cũ,

  Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi!

 

Dù là một huyền thoại, người đọc Thơ không khỏi bùi ngùi cho cuộc chia tay giữa người tiên, kẻ tục sau một thời gian ngắn chung sống. Chữ dùng rất thanh thoát thích hợp với cảnh tiên: lá đào, Thiên thai, đá mòn, rêu nhạt... cái hạc, cửa động, đầu non ... và kết thúc bằng ánh trăng mơ hồ huyền ảo muôn đời soi bóng. Một bài Thơ tuyệt đẹp. Từ đó chúng ta suy ra Thơ là thơ thẩn, là mơ hồ, đôi khi xa rời thực tế. Như nhà thơ Xuân Diệu đã viết:

   Là thi sĩ nghĩa là ru với gió

   Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây...

Thơ là kết tụ của tình yêu, tình yêu nam nữ, vợ chồng,  tình yêu thiên nhiên, tình yêu con người. Thơ là tự do, phóng khoáng, là sắc sắc không không của nhà Phật, là Vô vi, Thiền quán như Lão tử thực hành  và đôi khi cũng cần phải yếm thế, chán cái đời sống đầy tục lụy này như Cao bá Quát, hay châm biếm những thói rởm, tật xấu của người đời như Trần tế Xương... Thơ thực quá, thô sơ quá,  thơ không hay, không thoát. Nhiều bài không thể gọi được là Thơ mà chỉ là những bài vè dân quê truyền tụng ở nông thôn. Hoặc có những bài, cắt những câu văn xuôi ra thành 6, 7 chữ, 8 chữ đặt vào rồi gọi là Thơ. 

Thơ lục bát tuy vậy rất khó làm, dễ trở thành bài vè ít giá trị. Làm được Thơ lục bát như truyện Kiều là một tuyệt tác.

Có nhiều bạn đọc viết thư cho người viết hỏi họ có thể sáng tác Thơ, có thể thành nhà thơ được không? Tiện đây, xin trả lời chung như thế này:

Ai cũng có thể sáng tác và trở thành thi sĩ, nếu:

a-       Yêu thơ, đọc nhiều thơ,  học thuộc thơ kiểu mẫu, thơ hay, chất Thơ ngấm vào trí óc giống như chất bổ ngấm vào thân thể, chúng giúp cho nhà thơ rất nhiều. Tuy vậy xưa kia đã có những người thuộc lòng cả cuốn truyện Kiều, cả cuốn Nhị độ Mai hay  Bích câu kỳ ngộ nhưng vẫn không thể sáng tác Thơ.

b-      Có thiên khiếu về Thơ. Có sự rung cảm, xúc động sâu xa như sợi dây đàn hoặc cái sáo trong không gian như đã nói ở trên.

c-       Có vốn liếng nhiều về từ ngữ để sử dụng khi cần diễn dịch một ý tưởng thành lời nói, chữ viết, nhất là thành Thơ. Thơ tiếng Việt rất cần danh từ Hán - Việt.

d-      Nắm vững các niêm, luật (bằng, trắc, vần) và các thể Thơ. Dùng chúng như những cái chìa khóa dẫn đường vào việc sáng  tác Thơ.

e-       Tuân theo các niêm, luật đó ngoại trừ Thơ tự do. Tuy nhiên, dù là Thơ tự do, nó vẫn không phải văn xuôi, vẫn cần một sự sắp xếp ý, lời và vẫn cần vần khi có thể cho câu thơ nhịp nhàng, cân đối.

f-       Theo định nghĩa, Nhà thơ, Nhà Văn, những kẻ cầm viết tức kẻ sĩ, có trí thức, biết phân biệt thời bình với thời chiến, biết lúc nào phải suy nghĩ và sáng tác như thế nào, chứ không thể ”Sao con đàn hát vẫn say sưa” (Nguyễn Khuyến) khi giặc vào đến ngõ .

Thời bình, như cụ Nguyễn công Trứ trong bài “Kẻ sĩ”:

Bấy giờ sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch

Dăm ba chú tiểu đồng lếch thếch

Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì

Trong thời chiến, cụ có được phép hưởng thụ như thế, bỏ mặc dân gian cho giặc giã cướp bóc, hãm hiếp, sống trong đói khổ nhục nhằn không? Quyết là không!

Như miền Nam Việt Nam, trước 30-4-1975, trong khi quan tài của các chiến sĩ xông pha trận mạc để giữ từng tấc đất với CS đưa về nghĩa trang hàng chục, hàng trăm cái mỗi ngày thì các nhà văn, nhà thơ vẫn bình chân như vại, ra sức viết Cậu Chó (Lê Xuyên), Vòng tay học trò (Nguyễn thị Hoàng), Mười đêm ngà ngọc (Mai Thảo) Yêu nhau bằng mồm (HHT) v.v...nếu kể phải một danh sách dài. Còn thơ toàn những câu như:”Sao xa nhau mà không bảo gì nhau” của Nguyên Sa, Cung trầm Tưởng, Thanh tâm Tuyền, Du tử Lê, Tô thuỳ Yên v.v... Văn nghệ sa đoạ ấy phải đi đến mất nước là lẽ đương nhiên. Cũng cùng thời gian, ở ngoài Bắc thì đám văn nô, thi nô như Tố Hữu, Chế lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận hết lòng cúc cung những trùm đô hộ:”Xít ta Lin đời đời cây đại thụ, Thương cha thương mẹ, thương chồng, Thương mình thương một, thương ông thương mười”. Chưa từng thấy thời nào Văn nghệ sĩ hai miền sa đoạ và lòn trôn mất hết phẩm giá như thế! Sau này con cháu đọc lại ắt sẽ phải xấu hổ chúng đã có những cha, anh, ông bà như vậy!

Trở lại với đề tài, để bạn đọc hiểu thêm, xin nói như thế này. Có những nhà văn viết văn khá hay, nổi tiếng nhưng chính những nhà văn đó nói họ không thể sáng tác Thơ mặc dù chữ nghĩa đầy đầu.

Ngược lại, có những thi sĩ không thể viết truyện, viết bình luận, nghĩa là văn xuôi.

Bởi như đã nói, tuy cùng là văn chương nhưng chúng  hoàn toàn khác biệt về phương diện sáng tác. Lại cũng khác biệt về phương diện thưởng thức. Cũng cần nói thêm, khi đã không có trình độ thưởng thức thì bài nào cũng như bài nào, vàng thau lẫn lộn, bị đánh giá như nhau. Trình độ thưởng thức chính là những kiến thức thu thập được trong lãnh vực Thơ, nó chính là những bước căn bản đầu tiên đưa đến sự sáng tác Thơ nếu có hứng sáng tác.

Điều rất quan trọng khác, khi tham chiếu thơ của tác giả nào, ta phải viết rõ ràng bài hoặc câu thơ là của tác giả đó, chớ mập mờ đánh lận con đen để người đọc hiểu lầm là ta đạo thơ của người khác. Một nhà tu Phật rất nổi tiếng, từ đã lâu, lấy bài thơ khóc mẹ của thi sĩ Thâm Tâm (Năm tôi mới lên mười, Thì mẹ tôi qua đời...) in vào bài, vào sách của ông ta nhưng không để tên tác giả làm nhiều người cứ nghĩ rằng bài thơ ấy là của ông!

Nhân tiện cũng xin nói luôn, hơn nửa thế kỷ nay, biết bao người cứ thắc mắc về thi sĩ T.T.Kh. Cá nhân tôi, mấy bài thơ này vào loại trung bình, một người đàn bà đã có chồng luôn luôn nhớ đến người tình (người ấy thường hay vuốt tóc tôi) mà chê ông chồng “ái ân lạt lẽo”. Bỏ ngoài chuyện luân lý, nó không có gì quá xuất sắc, đọc để biết vậy, xong thôi. Nó có giá trị lịch sử vì thời đó người làm thơ còn quá ít, dân trí chưa cao như ngày nay. Nhưng không phải vì thế mà “ca” nó lên tới mây xanh, cả tấn giấy, cả chum mực viết đi viết lại về Hai sắc hoa ti-gôn, hoa tim vỡ “Anh tưởng tình ta cũng thế thôi!” nhai đi nhai lại giống như năm nào Tết đến cũng lôi bài “Ông đồ” ra, thực chán ngấy!.

Nay ngã ngũ thế này, thi hữu Quốc Nam mới viết bài nói những câu thơ của TTKh là do thi sĩ Thâm Tâm, thất tình một cô tên Khánh, anh ta bèn làm vài bài thơ để tên TTKh. cho đỡ buồn. Sự thực là thế, không có gì đáng phải đào sâu, “théc méc”.

Cũng như bài thơ “Ông đồ” của Vũ đình Liên. Bài thơ hay nhưng ở trong phạm vi nào đó. Tác giả “Ông đồ” cả đời chỉ làm được một bài thơ này, đã xứng danh là nhà thơ chưa và văn học VN không lẽ những bài thơ bình thường như thế này mà tâng lên như những tác phẩm vĩ đại sao?

Bài thơ “Lá diêu bông “ của Hoàng Cầm mà Phạm Duy phổ nhạc là bài tôi chưa thấy bài thơ nào dở thế! Bài nổi tiếng của ông “Bên kia sông Đuống” cũng bình thường không thể bằng vài bài thơ của Quang Dũng! Đã đành mỗi người mỗi ý thích nhưng ta nên thận trọng khi phát biểu với cảm tính, luôn luôn nó không trung thực.

Có những người, thấy người ta khen, mình cũng phải khen, sợ quần chúng chê là không biết. Có những truyện ngắn quốc tế, những bài thơ v.v... nhiều người khen nức khen nở, có khi lại được giải Nobel văn chương, nhưng khi đọc chẳng thấy cái hay đâu, chỉ là một cốt chuyện hay bài thơ bình thường! Lại có những tác giả quá rỗi rảnh, cứ moi móc bạn bè, thân hữu ra bình thơ văn, chê một tí nhưng khen nhiều, lấy làm mãn nguyện lắm. Cái cách tự phong làm quan Ngự sử đó, nay không thích hợp nữa!

Bài thơ “Mầu tím hoa sim” của Hữu Loan, nó cũng ở vào một mức độ vừa phải nào đó chứ không phải như ông Hữu Loan tuyên bố nó là tuyệt tác, không còn bài thơ nào hay hơn, nó đứng đầu Văn học. “Nàng có ba người anh, đi bộ đội lâu rồi! Nàng có hai người em, những em chưa biết nói” v.v...Khi ông HL sáng tác bài thơ này, kháng chiến chống Pháp lên cao điểm, nàng có 3 người anh mà người nào cũng xung phong đi bộ đội “cụ Hồ” diệt Pháp cứu nước. Quý quá chứ, đi chết giùm cho cụ và đảng của cụ, vì thế bài thơ được lan truyền rộng khắp. Nhưng kết cấu là cái gì? “Nhưng không chết người trai khói lửa mà chết người em gái hậu phương” Cứ xung phong giết giặc đi, không chết đâu, ngồi nhà như em gái (vợ tôi) hậu phương mà vẫn chết lăn ra đấy.”Tôi về không gặp nàng...Chiếc bình hoa ngày cưới đã thành chiếc bình hương...”

Tất cả ý nghĩa chỉ có thế, còn lời thơ bình thường. Một bài thơ diễn tả được trạng thái éo le của sinh tử trong chiến tranh: người tưởng dễ chết sống nhăn, người tưởng sống thọ bỗng chết đột ngột. Dù quân vụ bận bịu, tôi cũng cố về thắp cho người vợ bạc phước một nén nhang. Chấm hết.

Làm sao có thể nói bài thơ là đại diện cho dòng thơ Việt và Văn học Việt Nam chỉ quy vào có vài bài thơ khóc lóc ảo não đó, nhất là được phổ nhạc nghe như những tiếng thét não lòng!

Dù là tác giả, ta cũng nên công bình nhận xét chứ?

Cũng tương tự, “Lửa từ bi” của Vũ hoàng Chương là một nhận định sai lầm về thời cuộc, những kẻ được lợi vì bài thơ không khỏi cười vào mũi ông thi sĩ. Chính ông bị chết về những cái ông ca tụng vì ít lâu sau ông phải đi tù cải tạo và chết trong tù.

Tác giả Hoài Thanh, Hoài Chân để tựa cuốn sách:”Thi nhân Việt Nam” chắc ông nghĩ thi nhân VN chỉ có đến lúc ông viết cuốn sách ấy thôi, sau này không còn ai nữa!

Nếu những lỗi nhỏ, có thể bỏ qua, nhưng là tựa cuốn sách, một điều quan trọng.     

Luận bàn về Thơ, chục pho sách cũng không đủ nói hết.  Ðể kết thúc bài mạn đàm thiếu sót về Thơ này, xin mời quí bạn đọc một bài Thơ lục bát của tác giả bài này, bài “Chiều Ba Mươi”, thơ vui Tết  và bài “Nói với Bút” cả hai đã đăng trên nhiều báo từ năm 1978 và 1992.  Bài sau tác giả  mượn cây bút để nói lên nỗi lòng của mình.

 

                 CHIỀU BA MƯƠI

                 Vòng tay nhật nguyệt luân hồi

                 Đem Xuân trở lại nét môi diễm kiều

                 Lược gương từ giã cô liêu

                 Nâng niu mái tóc đây chiều ba mươi

                 Trẻ thơ tươi tắn nụ cười

                 Ðầu xanh, đầu bạc người người vui lây

                 Gió ngoài song, lạnh hiên tây

                 Chiều Xuân thi hứng lúc đầy, lúc vơi

                 Trong bình đào thắm, mai tươi

                 Nhìn em muốn hỏi Xuân cười lúc nao?

                 Giang tay bồng nhẹ Xuân vào

                 Môi son má phấn: Mai, Ðào hay em?

 

                 

 

    NÓI VỚI BÚT

           Bút ơi ! Yêu bút thiết tha

           Bút theo ta chạy ta bà khắp nơi

           Mùa Xuân rừng núi rong chơi

           Miền quê,  thành thị khắp nơi ra vào

           Hạ về bút lắm xôn xao

           Biển giông bão nổi ào ào chớm Thu

           Mùa Ðông bút có sương mù

           Có đôi chim gáy gật gù sớm mai

           Ðường đời lắm nẻo chông gai

           Bút cùng ta luận một vài điều hay

           Cường quyền bút chẳng run tay

           Bút mong Dân tộc những ngày sáng tươi

           Chán đời vẫn hé môi cười

           Ta cùng với bút một đời bên nhau

           Vì ta bút trải tình sâu

           Vì ta nên bút giãi dầu nắng mưa

           Lòng ta bút hiểu hay chưa ?

(Trích Như Áng Mây Trôi II xuất bản 1999)

 

Thơ là tuyệt đỉnh, tuyệt đích của văn chương. Sáng tác Thơ khó khăn hơn chơi Lan, chơi Bonsai, đánh cờ tướng, uống trà v.v... vì nghề Thơ cũng lắm công phu, không phải chỉ thích Thơ rồi nhảy vào làm Thơ mà Thơ hay được.  Tuy nhiên, nếu đã có hồn Thơ tức dễ xúc động trước những biến đổi, nghịch cảnh của cuộc đời, rồi trau dồi kỹ năng về Thơ, làm nhiều bài Thơ, nghe ý kiến trung thực của bạn đọc và thân hữu, nhất là những người sành Thơ thì việc sáng tác Thơ cũng tiến bộ vậy.

 

California, ngày  8  tháng 11   năm 2007

Các bạn trẻ quí mến,

Sau khi đọc bài:” Thế nào là một bài thơ hay” nhiều bạn trẻ đã gửi thư cho tôi nêu ra nhiều câu hỏi. Trong những câu hỏi đó, có những thắc mắc sau đây:

- Cho thí dụ về một câu thơ và một câu văn vô nghĩa.

- Muốn làm thơ, trước hết phải học cái gì?

- Những điều phải tránh khi làm thơ.

- Làm thế nào để định giá trị một bài thơ cho đúng?

- Cá nhân Nhà thơ đã làm khoảng bao nhiêu bài thơ?

- Nhà Văn Xuân Vũ viết “Đường đi không đến” trùng bút danh với Nhà Văn Trần Đình Ngọc sao?

Đây là những câu hỏi rất hay.

Tôi xin lần lượt trả lời những vấn nạn trên.

 

1- THƠ, VĂN VÔ NGHĨA

Đã một thời, người ta đua nhau làm Thơ vô nghĩa nhưng sau đó, vì bị chỉ trích nhiều và cũng bởi ít người đọc hưởng ứng, Thơ, Văn vô nghĩa đã đi vào quên lãng.

Thực ra, nó phải như thế vì nó vô giá trị ngoài việc đọc lên trơn tru nhờ có vần có điệu và có vẻ vui vui.

Đây là một câu Văn vô nghĩa:

- Chiu xung dn trên ngn núi nm phơi gan g đá, ù lì dăm n tượng li thông xanh, chàng cúi xung bi hi rong rêu phc nht nhoà cao ti đnh tri mây gió vút lưa thưa đ không còn vết cũ m xa cõi lòng tê tái, hi chuông nào ph d mãi hng đêm chong đèn vào mng m.

Đọc lên, chữ nghĩa dồi dào, có mầu sắc, có góc cạnh không gian nhưng nếu chúng ta hỏi câu đó nói cái gì thì không ai giải thích được vì nó vô nghĩa.

Khi còn ở Sàigòn, tôi có quen biết nhà thơ Bùi Giáng và khi đi dạy học, tôi có gặp ông ở nhiều trường. Người ta kể ông rất điên; có lần đang dạy học ông cởi bỏ quần áo nhông nhông chạy ra ngoài đường. Những năm sau cùng đời ông, ông thành ra một kẻ vô gia cư, lây lất đầu đường xó chợ. Thực ra cái kiểu cách đó không giúp gì ông xây dựng văn học dù ông là một người có tài về chữ nghĩa.

Bùi Giáng là một Giáo sư Trung học chuyên dạy Việt văn. Ông mê thơ lục bát của cụ Nguyễn Du và làm thơ rất nhiều. Có lẽ ông là “tổ sư” của thơ vô nghĩa, sau đó có một số bạn trẻ cũng như nhà thơ “bắt chước” làm thơ vô nghĩa. Đây là một bài thơ của Bùi Giáng trong tập thơ “Ngàn thu rớt hột” mà tôi thường nói đùa với tác giả là “Ngàn thơ rớt hụt” bởi Thơ chưa ra Thơ.

Lạc về đầu rú khe truông

vốc năm ngón nhỏ gieo buồn rã riêng

Tuổi xanh nhiếp dẫn sai miền

đổ xiêu phấn bướm phi tuyền vọng âm

Tuần trăng quẩy gánh đau ngầm

Cõi bờ phôi dựng gió nhầm tin hoa

Em về rắc cỏ tháng ba

Xuống trang hồng hạnh tin già in rêu(BG)

Như trên đã trình bày, thơ vô nghĩa thì chính tác giả của nó cũng không hiểu ý nghĩa ra sao. Ngay câu thứ hai, vốc năm ngón nhỏ: hiểu được, nhưng gieo buồn rã riêng: không ai hiểu là cái gì. “nhiếp dẫn sai miền” cũng chưa từng nghe, từng dùng, chỉ có hướng dẫn, dắt dẫn, chỉ dẫn, đưa dẫn, chứ chưa thấy ai dùng nhiếp dẫn, phi tuyền vọng âm cũng chẳng ai hiểu là cái gì v.v...

Câu vô nghĩa như vậy nên nếu ta thay thế một chữ của tác giả bằng chữ của ta thì có khi tác giả đọc không biết, tất nhiên bạn đọc không ai biết chứ thơ có ý nghĩa thì chỉ thay thế một chữ “kém” vào là biết ngay. Thí dụ câu:

Em về rắc cỏ tháng ba

Xuống trang hồng hạnh tin già in rêu

Có thể đổi thành:

Em về rắc cỏ vườn hoa

Xuống trang lối hạnh tin nhà in rêu

Tờ báo Hương Quê số tháng 6-7 năm 2007 ở Na Uy đã “xóc” chữ bài thơ này làm thành 2 bài thơ khác cũng vô nghĩa y thế (theo tác giả Lâm Chương):

1

Khe về rú lạc đầu truông

Gieo năm ngón nhỏ vóc buồn rã riêng

Dẫn xanh sai nhiếp tuổi miền

Bướm xiêu phấn đổ vọng tuyền phi âm

Gánh đau trẩy xuống trăng ngầm

bờ phôi tin gió đụng nhầm cõi hoa

Cỏ em về rắc tháng ba

Hồng in tin hạnh trăng già xuống rêu

 

2

Rú đầu khe lạc về truông

Vốc năm ngón rã gieo buồn nhỏ riêng

Nhiếp sai dẫn tuổi xanh miền

phấn xiêu phi bướm vọng tuyền đổ âm

trăng đau tuần quẩy gánh ngầm

dựng bờ tin gió cõi nhầm phôi hoa

Rắc em về cỏ tháng ba

xuống in trang hạnh hồng già tin rêu   

Ta có thể làm thêm vài bài nữa miễn là ta giữ được các vần: truông, buồn, riêng, miền, tuyền, âm, ngầm, nhầm, hoa, ba, già bởi xóc thế nào thì cũng phải giữ những vần của các câu thơ lục bát đó, nguyên tắc hàng đầu của thơ lục bát.

Nhưng chúng ta không làm Thơ kiểu dở hơi này, thơ này làm để bạn bè đọc chơi rồi bỏ, ai giữ lại cho phí giấy, phí memory. Nó lộn lạo, ngược xuôi, nếu muốn học thuộc lòng cũng không học thuộc được. Như tôi đã viết trong bài trước: Thơ hay = Dễ thuộc, dễ nhớ. Thơ ngược ngạo, trúc trắc ấy là khó thuộc. Thơ khó thuộc thì chẳng ai nhớ thành ra thơ kém giá trị.

Để tôi biểu diễn một bài thơ vô nghĩa khác, các bạn đọc chơi cho vui. Bài này viết ra ngay, không phải nghĩ, tìm tứ Thơ, nghĩa là nó rất dễ dàng:

NHỦ LÒNG

Nhủ lòng lần lữa chia sầu

Đầu non người đã tìm  đâu trăng già

Tâm thành quyện ý cội hoa

Đài trang thanh sắc, cũng hoà hài nguyên

Ơi em, mỏng phận thiên  tiên

Trăm năm phong nguyệt xe duyên lặng lờ

Tư duy trạng thái vẩn vơ

Có chăng phong nhuỵ một tờ thư xanh?

Ta “xóc” chữ cho nó thành ra một bài Thơ khác:

Chia lòng nhủ lữa lần sầu

Non đầu người đã tìm đâu trăng già

Quyện thành tâm ý cội hoa

Cũng đài trang sắc thanh hoà hài nguyên

Phận ơi em, mỏng thiên tiên

Lặng trăm năm nguyệt phong duyên xe lờ

Trạng tư duy thái vẩn  vơ

Chăng phong nhuỵ có một tờ thư xanh!

Các bạn thấy, đọc lên nghe rõ kêu, rõ hay nhưng không có ý nghĩa gì. Thơ vô nghĩa!

Chúng ta tránh hết sức không bao giờ viết câu Văn hoặc câu Thơ vô nghĩa! Và ta xác quyết thi sĩ làm thơ vô nghĩa là thi sĩ chưa đúng với danh hiệu, một thi sĩ kém tài! Ở đây, tôi không nói thi sĩ Bùi Giáng kém tài, tuy nhiên ông muốn cái lạ, cái mới, cái vui để giải trí cho ông và bạn bè. Ông nghĩ làm đọc chơi rồi bỏ! Nếu bảo thơ ông hay thì nó hay ở những bài nào kia chứ không phải là những bài vô nghĩa này. Như câu:

Gặp nhau ở giữa con đường

Mùa xuân phía trước miên trường phía sau!

Theo tôi, hai câu này chưa nói lên cái gì. Nếu thay hai chữ miên trường bằng hai chữ đoạn trường thì có lý hơn vì mùa xuân tượng trưng cho hạnh phúc, đoạn trường tượng trưng cho đau khổ; ý muốn nói hết bĩ cực, tới hồi thái lai; chứ miên trường, (giấc ngủ dài phải là trường miên), nào có ý nghĩa gì cho cả hai câu? (Hán Việt từ điển, Đào duy Anh, không có từ miên trường). Nhưng nhiều người đọc không hiểu nghĩa chữ Hán-Việt lấy làm thích thú với câu thơ. Nó chính là vô nghĩa đấy. Bùi Giáng cũng thích thơ tục:

            Thu Ba âu yếm Thu bồn

Thu Bồn hứng chí sờ...Thu Ba!

Ông quê ở Quảng Đà, Thu Bồn là con sông chảy qua vùng ông, còn Thu Ba là tên người con gái nào đó.

Thi nghiệp một tác giả phải là thế nào chứ đâu có kể những câu thơ lẻ tẻ, vô nghĩa làm chơi cho đỡ buồn đó! Nào chúng có giá trị gì!

Cũng có những người không muốn làm thơ vô nghĩa nhưng bí vận, bí chữ phải dùng đại một vài từ thành ra câu thơ vô nghĩa.

Thơ có nhiều cách đi, cách viết. Nếu đi lối này không được thì ta tìm lối khác, miễn từ chính xác và hay. Xoay xở để tìm ra vần, ra từ là nghệ thuật của Nhà thơ, không phải kém bản lãnh mà làm được. Và đó chính là cái Thi sĩ hơn người chỉ biết đọc thơ.

 

2- ĐIỀU CẦN HỌC TRƯỚC KHI LÀM THƠ

Như tôi đã viết trong bài trước “Thế nào là một bài thơ hay”, ai cũng có thể trở thành Nhà Thơ sáng tác được nhiều bài thơ giá trị, nếu:

-  Yêu Thơ, có duyên nợ với Thơ, sính Thơ, tốt nhất là có thiên bẩm sáng tác Thơ.

-  Chịu đọc Thơ, nhất là những bài Thơ hay, Thơ tiêu biểu. Nghiên cứu về Văn học sử trong có nhiều tác giả Thơ.

-  Nếu có thể, học thuộc lòng một số bài Thơ mẫu, Thơ hay. Biết nhiều tiếng Hán-Việt.

- Học cho thấu đáo niêm, luật, vần, bằng, trắc các thể Thơ từ lục bát, song thất lục bát, Thơ Mới (8, 9 chữ), Thơ Tự do (không giới hạn chữ, câu), ngũ ngôn, tứ tuyệt. Nhìn một bài thơ lạ, ta đã biết ngay tác giả sử dụng thể Thơ nào, phải hiệp vận ở những đâu, bằng trắc ra sao vì bằng trắc trong Thơ tiếng Việt rất quan trọng. Nếu không tuân theo luật này thì câu Thơ đọc lên trúc trắc khó nghe dù ý nghĩa cao xa đến mấy.

 

-        Luôn luôn nhớ điều này khi ta chưa thấu đáo về luật Thơ, thể Thơ, luật bằng trắc, cách hiệp vận v.v...thì ta đừng làm những bài Thơ (con cóc) gửi đi. Nó làm tốn thì giờ của ta và của Toà Soạn và những vụ thử như vậy, dù có được đăng trên báo, chắc chắn nó không làm cho Thơ ta hay lên được. Mục tiêu của ta là Thơ phải hay hoặc trung bình nghĩa là coi được (sạch nước cản). Nếu thơ dở thì có làm ra một nghìn bài, Thơ vẫn dở như thường. Học, đọc nhiều hơn viết vẫn là thái độ khôn ngoan.

 

-        Làm thử vài bài Thơ xong nhờ một Nhà Thơ giỏi (thực sự) coi lại dùm và cho lời khuyên về ý Thơ, chữ dùng, vần, điệu, bằng trắc v.v... Miệt mài với Thơ nhiều ắt có ngày Thơ sẽ khá.

 

-        Khi nghe phê bình đứng đắn không buồn lòng nhưng tìm cách sửa những khuyết điểm và học hỏi thêm.

 

-        Nhà Thơ được ví như một người đầu bếp. Anh ta phải nấu những món ăn ngon đưa lên bàn phục vụ thực khách. Như vậy anh ta phải có cá, thịt, rau, trái và gia vị trong bếp để nấu nướng thì thức ăn mới ngon. Nếu anh ta có rất ít nguyên liệu, làm thế nào anh ta có thể nấu ra những món lạ và ngon?

 

Nhà Thơ cũng thế, nguyên liệu của Nhà Thơ là từ (ngôn từ). Kém ngôn từ, nhà Thơ không thể xoay xở được. Thí dụ viết về miền Bắc, phải có những từ dùng nơi miền Bắc; viết về trong Nam, hay Trung phải có những từ thông dụng trong Nam hay Trung. Có thể bài thơ chưa cần sử dụng tới nhưng vẫn cần có sẵn để khi cần là có ngay. Có nghĩa Nhà Thơ cần học nhiều, biết nhiều các từ ngữ  từng địa phương như thế mới có đủ khi cần dùng. Nhà Thơ yếu ngôn từ cũng ví như người đầu bếp quá ít nguyên liệu nấu ăn.

-        Người ta nói Nhà Thơ phải có thiên bẩm tức   chịu ảnh hưởng khí huyết (gene) từ cha mẹ, ông bà; không phải ai cũng có “căn” làm Thơ, viết văn. Điều ấy cũng đúng tuy nhiên nếu ta chịu miệt mài với Thơ thì cũng có ngày ta có được một khả năng dệt những vần Thơ, hay hay không còn tuỳ vào cái vốn liếng về Thơ mà ta có.

 

3- NHỮNG ĐIỀU PHẢI TRÁNH KHI LÀM  THƠ

-        Thơ, Văn quí ở chỗ sáng tạo. Câu thơ, bài văn cho đến bút danh (pen name), bút hiệu không cóp nhặt của người, bắt chước người. Nếu ý của ta trùng với ý của người thì ta tìm cách biểu diễn sao cho khác hẳn cách đã trình bày của một tác giả khác. Nếu ta cần dùng một vài câu thơ của người khác thì phải ghi chú là của tác giả nào ở bên dưới và câu đó phải đóng ngoặc kép hoặc dùng chữ nghiêng. Thơ, Văn là tài sản tinh thần của mỗi tác giả y như của cải, tiền bạc, không thể cứ dùng tự nhiên (quên không trả) hoặc lại nhận vơ là của mình. Những kẻ đạo văn, đạo thơ bị người đời khi dể.

-        Ý đã nói rồi, không nhắc lại. Ý của bài Thơ chính là linh hồn bài Thơ; vần điệu, niêm, luật bằng trắc cũng quan trọng nhưng  xếp sau ý.

-        Làm một bài Thơ tức là nói về một vấn đề. Phải nghiên cứu tường tận vấn đề đó cho thấu đáo rồi mới đặt bút viết. Ý trước, ý sau, phải sắp xếp để khỏi lộn xộn.

-        Thường bài thơ cũng như bài văn: có mở bài, thân bài và kết luận. Ta phải tôn trọng nguyên tắc đó.

-        Chữ, câu vô nghĩa hay trái nghĩa phải bỏ đi ngay, không thương tiếc. Có người vì “thích” một vài từ dễ thương, giữ câu Thơ lại, nó cho phản nghĩa với những gì Nhà Thơ đang viết và nhắm tới.

-        Viết đúng chính tả, chữ nào nghi ngờ thì dùng từ điển (có cuốn dùng được, có cuốn không).

-        Cũng nên hiểu làm thơ phải có sự linh động. Có những bài thơ kém niêm luật nhưng rất hay; trái lại có những bài thơ giữ rất kỹ niêm luật nhưng khô khan, vô cảm, ngôn từ cứng nhắc. Vì vậy, làm được một bài thơ vừa đúng niêm luật vừa hay là một điều khó. Bài thơ “Thăng Long thành hoài cổ” của bà huyện Thanh Quan, loại thơ Đường, vừa hay vừa chỉnh về niêm luật. Luật bằng trắc phải cố giữ để câu thơ đọc lên không trúc trắc, khó đọc sinh ra kém hay. Nhà thơ phải biết xoay xở trong nghệ thuật dùng “từ” thì thơ mới hay được.

 

THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ

 Tạo hóa gây chi cuộc hí trường

Đến nay thấm thoát mấy tinh sương

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt

Nước còn cau mặt với tang thương

Ngàn năm gương cũ soi kim cổ

Cảnh ấy người đây luống đoạn trường!

Bà huyện Thanh Quan

- Nhiều bạn nghĩ thơ lục bát dễ làm. Thực tế trái lại. Nếu cách sử dụng ngôn từ của chúng ta trong lục bát không tinh vi, sắc bén, hình ảnh kém ấy là bài thơ kém, đọc lên biết ngay do một người mới biết hay chưa biết làm thơ.

Hai bài lục bát sau đây tôi làm rất nhanh, mỗi bài chỉ trong vài, ba phút là xong. Xong rồi cũng cần chỉnh lại vài ba từ cho được ưng ý.

 

Hỏi Nhà

Nhà anh, em  hỏi làm chi?

Cầu vồng dẫn tới lối đi Ngân Hà

Cổng vào chạm khắc ngọc ngà

Mái đúc vàng khối, cột là kim cương!

Liễu, hồng  trồng rất dễ thương

Phòng dành hai đứa mầu hường đào xuân.

Mời em ghé thử một lần!

Cam đoan em sẽ nhiều lần tới thăm

Mùa Hè rất sẵn trăng rằm

Thu về vàng tím mây chăng lưng trời

Xuân sang sóng bước dạo chơi!

Cuộc đời nhàn tản kiếp người cõi tiên!

Quên đi hết mọi ưu phiền

Bồng lai tiên cảnh chỉ riêng chúng mình!

Duyên giai ngẫu, nợ ba sinh

Sống cho  vẹn  nghĩa, trọn  tình yêu thương!(tđn)

 

Hỏi Nhà

 

Bài 2

Nhà em? Anh hỏi làm chi?

Đường lên Phú Thọ, lối đi đền Hùng!

Cổng vào xanh biếc bách tùng

Mái gồi vàng óng, trúc xung quanh vườn!

Mai, đào trồng rất dễ thương

Thư phòng đọc sách mầu hường đào xuân

Đường về Hà Nội cũng gần

Lối lên Bản Giốc, Hải Vân cận kề

Mùa Đông cho chí mùa Hè

Tiết trời ấm áp, hoa khoe sắc mầu

Thu về trăng rụng bên cầu

Xuân sang đào cúc một mầu xinh tươi

Ghé đây anh thấy nụ cười

Ưu phiền quên hết, người người thân thương

Nhà em anh đã biết đường

Mẹ cha đã thuận, anh thường ghé thăm!(tđn)

 

4- LÀM THẾ NÀO ĐỂ LƯỢNG GIÁ MỘT BÀI      THƠ CHO ĐÚNG ?

Đây không phải là một việc dễ. Tuy nhiên, bằng vào kinh nghiệm lâu ngày đọc Thơ, nhận xét Thơ của ta cộng với:

-        giữ sự vô tư, khách quan, không có hảo cảm hay ác cảm về sáng tác và tên của tác giả.

-        Đặt bài Thơ vào bối cảnh xã hội lúc tác giả viết nó để xem tác giả muốn gửi gấm cái gì? Như Đoạn Trường Tân Thanh trong đó Tố Như tiên sinh muốn nêu lên thuyết tài mệnh tương đố và ví cuộc đời của mình cũng lận đận, ba chìm bảy nổi như cuộc đời cô Kiều.

Bài Thăng Long thành hoài cổ của Bà huyện Thanh Quan là một nỗi u hoài vọng về nhà Lê với thời đại hoàng kim của nhà vua, nay đã không còn nữa mà chỉ còn là những tang thương, biến đổi với tiêu điều!

Nếu ta có đôi mắt của một người chơi đá quí 30 năm hoặc người thợ kim hoàn đã nhìn thấy kim cương hàng ngày trong nhiều năm, ta mới có nhãn lực phân biệt được đâu là viên kim cương thiệt, đâu là viên kim cương giả (cubic zeconia). Thời nay, có những tác giả khen thơ, văn của bạn một tấc đến trời (Mặc áo thụng vái nhau) ta chớ nên tin vào những dòng chữ khen gượng ấy nhưng khi thấy bài thơ hoặc văn hay, ta không tiếc lời khen ngợi (miễn đúng) vì đó cũng là cách khích lệ để nền Văn học thăng tiến.

Chúc các bạn trẻ nhiều may mắn và nghị lực trong việc tạo cho mình một khả năng thơ, văn! Nó tô điểm đời ta và làm cho đời đẹp thêm!

 

5- Số bài  thơ đã làm của cá nhân người viết

Chỉ khi xuất bản sách, viết Mục lục cho bạn đọc dễ tìm một bài thơ, bất đắc dĩ mới phải đếm nhưng cả cuộc đời làm thơ của tôi, cả thơ chính trị, cũng trên ngàn bài hoặc hơn. Hai cuốn Như Áng Mây Trôi I và Như Áng Mây Trôi II cũng khoảng hơn 400 bài.

Tôi làm thơ rất nhanh, khi có đề tài, có hứng, tôi chỉ vẩy bút trong năm, mười phút là xong một bài. Nhưng nếu không có hai yếu tố trên, thơ làm gượng ép khó ra lắm, không hay và lâu!

Chúc các bạn yêu Thơ và muốn trở thành Nhà thơ sớm đạt thành ước nguyện!

 

6- Tôi bắt đầu viết văn từ năm 1958 cho nhiều nhật báo ở Sàigòn như Tự Do, Chính Luận, Xây Dựng, Hoà Bình, Bút Thép... Tạp chí Thời Nay, các tạp chí sinh viên nhiều Đại học, Tổng thư Ký Toà soạn Bán Nguyệt San Tinh Thần/ Nha Tuyên Uý Công giáo QLVNCH từ 1959 và sau đó là Chủ bút BNS này, khi tôi vào Hạ Nghị Viện và Chủ tịch Uỷ Ban Phát Triển Nông Thôn, thỉnh thoảng tôi vẫn gửi bài đăng nhiều tờ báo, viết về nhiều vấn đề.

Mãi tới năm 1968 hay 1969 văn hữu Bùi quang Triết mới ra chiêu hồi với cấp bậc Đại tá. Ông bắt đầu viết về những gì tai nghe mắt thấy ở ngoài Bắc, dưới chế độ Cộng sản. Ông lấy bút danh là Xuân Vũ, có lẽ ông chưa đọc được những bài của tôi trên báo nên ông thích cái bút danh này, ông dùng nó. Có mấy người bạn của tôi nói gọi ĐT cho ông Bùi quang Triết, đề nghị ông lấy bút danh khác kẻo trùng nhưng tôi nghĩ, thôi kệ ông, Xuân Vũ Bùi quang Triết với Xuân Vũ Trần Đình Ngọc khác nhau chứ? Người Mỹ có cả triệu tên John thì sao? Tôi còn nhiều bút hiệu khác như Bút Xuân, Đan Tâm, An nhiên, Trần Công Tử v.v...và tên cha mẹ đặt Trần Đình Ngọc, đâu có cứ là phải Xuân Vũ! Cho là tên giống nhau nhưng văn phong mỗi người mỗi khác, hướng đi mỗi người mỗi khác, không ai giống ai, đó là cái đẹp của Văn học Nghệ Thuật! Gần thời gian ông Triết qua đời, tôi và ông là hai cây viết cho tạp chí Đoàn Kết-Austin, TX, chúng tôi đã thương tiếc ông  nhiều. Hôm nay tôi vẫn còn viết thường xuyên cho tờ tạp chí đã cộng tác 17 năm nay (3-16-09).  

Nhà Văn Bút Xuân TRẦN ĐÌNH NGỌC

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art