Cô bạn Nguyễn thị Cỏ May vừa gởi bài viết về tin vừa đọc được trên báo Ép-phê Paris Paris với cái tít giựt gân rằng: “Việt kiều Pháp mất quyền tỵ nạn vì về Việt Nam!”. Và hỏi rằng bồ nghĩ sao?
Bài viết của ký giả Xuân Mai trên báo áp phê số 4 tại Paris như sau:
“Ông Nguyễn Văn Tuyền, 59 tuổi đến định cư tại Pháp năm 1980. Với lá đơn thống thiết như sau: “Nếu tôi ở lại, nhà cầm quyền CSVN sẽ bắt giam, đánh đập và bỏ tù không có ngày ra. Vì lý do nhân đạo, tôi trân trọng thỉnh cầu nước Pháp, vui lòng chấp thuận cho tôi được tỵ nạn chính trị, sống tạm dung trên mảnh đất tự do nầy, và tôi chỉ trở về quê cũ khi nào quê hương tôi không còn chế độ độc tài Cộng Sản.”
Nhưng ông Tuyền đã phản bội tư cách tỵ nạn của ông đến 7 lần từ năm 1995 đến năm 2000. (Theo tài liệu của OFPRA = Office Francais de Protection des Réfugiés et Apatride - Cơ quan Bảo vệ Người Tỵ nạn và Vô Tổ quốc)
Ngày 27-6-2000, ông Tuyền và 544 Việt kiều Pháp bị OFPRA gởi thơ thông báo rút lại thẻ tỵ nạn, với lý do trở về quê cũ khi còn chế độ độc tài Cộng Sản.
“Chiếu theo điều 1, khoản 2A của Hiệp Định Genève ngày 28-7-1951, chúng tôi thu hồi thẻ tỵ nạn. Đồng thời cũng trình lên Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ, kể từ nay, OFPRA không còn chịu trách nhiệm với ông, về tình trạng cư trú, xin việc làm, hưởng trợ cấp xã hội theo diện người tỵ nạn chính trị”.
Được biết, từ năm 1988 đến năm 2000, tổng số người Việt ở Pháp bị truất bỏ quyền tỵ nạn và quyền lợi, với con số là 22,417.
Bài viết ghi như sau: “Chính phủ Việt Cộng qua các đại sứ từ Võ Văn Sung, Mai Văn Bộ, Trịnh Ngọc Thái đến Nguyễn Chiến Thắng đã coi người Việt Nam là thành phần cực kỳ phản động, cần phải triệt hạ, hoặc áp dụng chính sách gậy ông đập lưng ông. Đó là, dễ giãi trong việc cấp chiếu khán cho họ, để họ bị OFPRA cắt quyền tỵ nạn và trợ cấp xã hội.
Sau khi cấp chiếu khán, tòa đại sứ thông báo danh sách cho Bộ Nội vụ Pháp biết tên họ của những người vi phạm luật tỵ nạn. Một khi mất thẻ tỵ nạn, thì mất luôn thẻ thường trú (Carte de Séjour) nên không xin được việc làm. Trường hợp đó, muốn sống ở Pháp trên 3 năm, thì phải có Passport của chính phủ CSVN, để trở thành công dân Việt Cộng cho đến mãn kiếp.”
Và Nhà báo kết luận: “Cái thâm độc của VC là như thế!”.
Người viết chúng tôi xin phép quý độc giả trích nguyên văn bài viết của báo Ép-Phê Paris là tờ báo việt ngữ duy nhứt được phát không ở các thương hiệu và chợ Á đông ở Paris và nhở vậy được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng người Việt tại Paris và vùng lân cận. Dĩ nhiên với điện thoại, người Việt tỵ nạn phe ta sẽ thông báo cho bà con toàn xứ Pháp biết.
Nhưng theo điều tra và hiểu biết của chúng tôi thì cho đến ngày hôm nay bản tin giựt gân nầy của báo Ép-phế hổng có Ép-phê tí nào. Người Việt tỵ nạn vẫn về Việt Nam đều đều, vì từ năm 2000 trở về nay, phe ta vào quốc tịch Pháp đông hơn.
1/ Quy chế tỵ nạn chánh trị ở Pháp:
Nhắc sơ đến quý độc giả hải ngoại rằng từ ngày 30 tháng tư 1975 trở đi. Người Việt Nam đến ở Pháp có thể xin phép ở lại thường trú với quy chế là người tỵ nạn chánh trị. Quy chế tỵ nạn chánh trị được chứng minh bằng tư cách vượt biên trốn chạy ra khỏi biên giới nước Việt Nam của mình, …vượt biên bằng đường bộ, đường biển, vượt biển được tàu buôn vớt, hay vượt biên đến một trại tỵ nạn…Nhưng khi đến nước Pháp, nghĩa là khi được nước Pháp nhận rước vào, việc đầu tiên là làm đơn xin tỵ nạn, kể lể thống thiết nỗi khổ khi phải sống dưới chế độ Cộng sản và tuyên thệ không trở về quê cũ, nói rằng (hù dọa rằng) khi mình trở về nước mình, thì sẽ lãnh cái búa của Việt Cộng. Và cơ quan bảo vệ người tỵ nạn, ( tức là OFFRA – Office Français des Réfugiés et des Apatrides) sau khi mình tuyên thệ và ký tên hứa hổng về Việt Nam nữa, sẽ cấp cho cái thẻ tỵ nạn, gọi là thẻ OFFRA. Với cái thẻ nầy, người mang thẻ được chứng minh là người réfugié, tức là người tỵ nạn, và từ nay réfugié cũng là người apatride luôn, nghĩa là mình mất luôn cái quyền có một đất nước, có một tổ quốc, mình hết còn là người Việt Nam Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa nữa ( mà mình đã trốn chạy thục mạng thì cũng đâu cần có quốc tịch ấy làm gì! Mình chỉ còn giữ cái (chủng) tộc Việt, cái Văn hóa, cái tập tục của người Dziệt mình đó thôi! Từ nay mình nhận nhau, gọi nhau là người mình.
Từ ngữ tây Apatride là vô tổ quốc. Từ ngữ họp bởi tiếp ngữ đầu a = không, phi, hổng có, mậu, (thí dụ apolitique = phi chánh trị). patrie = tổ quốc. a-patride = mậu tổ quốc, phi tổ quốc, hổng có tổ quốc.
Từ nay, khi đã vượt biên rồi, người gốc gác miền Nam Việt Nam ta, vì mất cái thẻ căn cước Việt Nam Cộng hòa ( mà dù có, cũng không ai nhìn nhận, vì Việt Nam Cộng hòa đã chết sau ngày 30 tháng tư năm 1975 rồi) và cũng chẳng có, hay chưa có cái chứng mình nhơn dân Việt Cộng nên khi đến Pháp. Sau vài ngày ói mữa, thoát chết, khát nước, bị hải tặc, lêng đêng sóng nước lưng trời, giữa biển cả hãi hùng …, sau một cuộc sống vài tháng, chen chúc nóng nực, chen lấn chầu chực phờ người…. ở một Pilau nào đó ở Mãlai, hay một trại kiểu Songkla ở Thái lan, hay trại gì gì đó… hoặc được tàu Đảo Ánh sáng rước, hoặc theo quy chế đoàn tụ gia đình kiểu tây giấy, tây thiệt, tây giả, tây dỏm … gì cũng được, nhưng khi làm thủ tục với Offra, lãnh giấy réfugié đều mất quy chế công dân Việt Nam và thành người apatride hết trọi.
Mà apatride ngon lắm, apatride và réfugié, là được giấy tạm trú nè (Carte de séjour temporaire), với giấy tạm trú nhận được giấy đi làm (Carte du travail). Có carte du travail, cũng như có thẻ xanh bên Mỹ, là có quyền tự kiếm ăn sanh sống, tự lập, tự chủ đời sống mình rồi!. Đi làm! có quyền đi làm! mà bên Tây nầy, có quyền đi làm là có trợ cấp Bảo hiểm Xã hôi (Sécurité Sociale), do ông chủ đóng tiền, do mình đóng tiền, (chút chút thôi),… do Nhà nước Chánh phủ Tây tổ chức: đi Bác sĩ gần như miễn phí (75 % chí phí được hoàn lại), nằm Nhà thương cũng gần như miễn phí (75 %), sản phụ sanh con, thì chắc chắc free rồi (100%), còn thuê nhà không trả nỗi thì có trợ cấp nhà, APL (Allocation Pour le Logement = một loại tiền housing kiểu Mỹ). Chưa kể một lô trợ cấp khác: trợ cấp con nhiều con ít, trợ cấp mẹ đơn chiếc không chồng mà phải nuôi con, đẻ con cho con bú thì trợ cấp cho con bú - allocation d'allaitement, không có sữa, hay sợ xệ vú không cho con bú mà phải đi mua sữa bò hay sữa bột (hiệu Guigoz chẳng hạn) thì có trợ cấp mua sữa...Nói tóm lại khi đã có giấy tỵ nạn tạm trú rồi thì cũng như thằng tây dân local địa phương nó đẻ ở đây dzậy! Nó hưởng cái gì mình hưỏng cái đó. Có thẻ đi làm, có nghĩa là không phải bắt buộc phải đi làm. Tiếng Tây ba xí ba tú, chưa thông? Tây cho đi học, thế là kể như đi làm, trợ cấp dzô đầy mâm. Hổng biết nghề vì hồi bên Việt Nam, chuyên ra Chợ cũ chạp áp-phe, bây giờ phải đi học nghề, Tây cho đi học. Mà đi học, thì kể như đi làm. Réfugié mới đến có quy chế đi học nghề, đi tìm nghề, chưa làm việc ngày nào cũng lãnh tiền đi học, ngang bằng tiền thất nghiệp. Thằng Tấy nó làm thụt con mắt, điếc con ráy, mới được lãnh thất nghiệp, đây mình chưn ướt chưn ráo, ba xí ba tú, có tiền đi học tiếng Tây, học nghề học nghiệp vẫn lãnh tiền khỏe re! Còn muốn đi du lịch, no problem, có cái giấy Thông hành – Titre de Voyage. Thẻ Du lịch, nghĩa Thẻ đi chơi ( Vì quyền du lịch đi lại là một Nhơn quyền). Quốc gia nào cần visa thì ta mua visa, quốc gia nào tư do đi lại như các quốc láng giềng Pháp ở Tây Âu là cứ đi thả giàn: Ý, Đức, Hòa Lan, Bỉ, Toà Thánh Roma, Đức mẹ Lộ Đức, Fatima, hành hương, du lịch chụp hình tự do….
Chỉ có một cái cấm: dù sao mình cũng là người tỵ nạn mà, là cấm đi du lịch ở các quốc gia gần Việt Nam, nơi mình bỏ xứ ra đi vì “nạn Cộng sản” Lào, Miên và Thái và dỉ nhiên là không đi về Việt Nam, vì mình đã khai là “hổng dìa khi còn bóng dáng Cộng sản là kẻ đã hành hạ mình” để nhận cái căn cước người vô tổ quốc và tỵ nạn
Nói tóm lại, apatride, réfugié, tỵ nạn có tất cả quyền lợi như người bản địa, trừ một điểm là không phải công dân Pháp, không có quyền ứng cử, bầu cử thôi! Nhưng thật sự phe ta cũng lè phè, sống theo Tây, bắt chước Tây thích ăn bánh mì Tây, nhưng thích ăn cái cùi ( hay bánh mì thịt), thích ra la cà các tiệm cà-phê Tây nhưng để đánh lô tô và cá ngựa. Phần còn lại đời sống xã hội Tây, mặc kệ nó.
(Tây cũng có trò chơi tên là Kéno - người viết biết tên nhưng hổng biết chơi ra sao – ai biết viết lên báo chỉ dùm. Cá nhơn người viết có một cái ngu rất lớn là hổng biết luật lệ cờ bạc gì cả: hổng biết cờ tướng vì khó quá toàn chữ Tàu đã đành, hổng biết cờ échec của Tây, hổng biết cờ dame đánh sao ăn thua sao Tứ sắc không biết, xập xám cũng không, belote cũng chịu, bridge cũng no, biết đánh croix-zéro, làm chữ thập với vòng tròn chơi lúc thuở học trò thôi. Bạn dắt đi viếng Casino, ở Úc, ở Monaco, ở Las Vegas nhìn vào như nhìn trận đồ bát quái chẳng hiểu gì cả. Poker, phé nghe dzậy OK nghe cũng không hiều ra sao. Chắc bửa nào phải tìm một anh bạn chỉ giáo vài chiêu để nói chuyện với đời. Quê quá!)
2/ Việt Kiều:
Báo Ép phê khi đang cái tựa dùng từ “Việt kiều Pháp” là sai, và láo.
Người tỵ nạn ở Pháp gốc Việt Nam không phải là Việt kiều. Vì đã là tỵ nạn là chúng ta đã là apatride rồi, chúng ta không có quốc tịch Việt Nam nữa. Chúng ta là người Việt, chứ chúng ta không phải là công dân Việt Nam, nghĩa là chúng ta không phải là người của nước Việt Nam.
Từ ngữ Việt kiều ( les resortissants vietnamiens) nên dùng để gọi những người quốc tịch của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, với Thông hành Việt Nam (từ Việt cộng gọi là Hộ chiếu). Việt kiều là người quốc tịch Việt cư ngụ tại Pháp và như vậy có giấy tạm trú của Pháp. Nhưng muốn được tạm trú, phải có giấy chứng nhận của Lãnh sự quán Việt Nam, chứng nhận họ là công dân Việt Nam, quốc tịch Việt Nam, thông hành Việt Nam, phải hoặc là sanh viên ( có ghi danh ở đại học đóng tiền hoặc có học bổng) hoặc làm việc ở một cơ quan Việt Nam thuộc ngoại giao đoàn, hay có hợp đồng làm việc với một công ty địa phương (Pháp) hay ngoại quốc nhưng có địa chỉ tại địa phương (Pháp) và như vậy được cấp thẻ làm việc của Pháp, và đóng thuế lợi tức cho nước mình cư ngụ và làm việc làm nước Pháp.. Người có quốc tịch Việt Nam đi du lịch ba tháng qua Pháp, cũng không được gọi là Việt kiều, nên gọi là người Việt đi du lịch thôi. (les touristes vietnamiens).
3/ Thẻ tạm trú, thể đi làm, thông hành:
Thẻ tạm trú (carte de séjour temporaire) hạn định một năm, gia hạn ba lần, sau ba lần được thẻ thường trú hạn định ba năm (carte de résident), sau hai lần có thể xin carte de résident permanente - thẻ cư ngụ vĩnh viễn, thẻ này 10 năm xin lại một lần. Có thẻ nầy rồi, với quy chế nầy rồi, khỏi phải vô dân Tây làm gì cho mệt! Nếu không phải Việt kiều, vì Việt kiều có thông hành (hộ chiếu Việt Cộng) đi về Việt Nam, dân tỵ nạn có một cái nhức đầu là làm sao dìa Việt Nam chơi đây bây? Lỡ đưa tay thề với thằng Tây là đến Tết Congo, còn thằng Việt Cộng là ta hổng dìa. Nhưng nhớ đồng nhớ ruộng, nhớ mắm con ba khía, nhớ con cá nướng trui, nhớ làng nhớ xóm…làm sao đây bây?
Dễ lắm: dễ ợt. Tòa Đại sứ Việt Nam Công sản ở Paris bèn tổ chức rất điệu nghệ. Mặc dù hồi đó, tụi bây bỏ tao ra đi theo tiếng gọi tư bản nhưng ngày nay tao cũng ráng thương tụi bây vì tình nghĩa khúc ruột ngàn dặm tha hương. Dễ lắm, tụi bây ráng dzô Hội Việt Kiều Đoàn kết (cựu Liên Hiệp Việt Kiều, cựu Việt Kiều Yêu nước Chống Mỹ Ngụy Cứu nước ). Vô Hôi Đoàn kết xong, vì Hôi có Travel Agency - Agence de Voyage của Hôi, Hội sẽ bán giấy đi du lịch Mã lai. Đến Mã lai, Toà Đại sứ CHXHCN Việt Nam sẽ cầp cho một cái giấy rời xuất cảng nhập cảng Mã lai/ Việt Nam/ Mã lai Aller Retour, Khứ hồi Round trip, giá phải chăng. Về Việt Nam incognito, chẳng ai biết, khi về Pháp cũng chẳng thằng Tây nào biết, mình đi du lịch Mã lai mà, báo hại mấy năm đó sao mà thông kê Mã lai thấy sao nhiều khách du lịch ở Pháp tới đông quá vậy? nhưng sao các khách sạn hổng có khách phương Tây vãng lai? Thế là dân tỵ nạn phe ta quên hết tất cả lời thề Kinh kha, “một ra đi không bao giờ trở lại”, thiên hạ ùn ùn rủ nhau về Việt Nam. Người Việt tây giấy về đã đành, người tỵ nạn càng về đông hơn. Thoạt đầu còn mắc cở với đám bạn bè chống cộng, lén lén lút lút về …chơi tí, thăm má, thăm tía nay đã già. riết rồi cũng chả thành mắc cở gì nữa, bây giờ tranh nhau xem thằng nào về nhiều hơn thằng nào. Riết rồi, nếu lở tía má có mất, thì về xây mồ, sửa mả. Riết rồi … kẹt quá …ở lại hổng xong với bà xã, bỏ về thì nhớ …con nhỏ vừa mới quen. Rồi bắt đầu trong cộng đồng có những chuyện nho nhỏ “wánh ghen wánh tương” …! Vài gia đình thôi, hổng bao nhiêu, một thiểu số mà!. Thiệt tình! quý vị nghĩ coi, đi tù Cộng sản, học tập cải tạo tù đày gia đình không bể, ngon lành; đi kinh tế mới cũng hổng bể, vượt biên cũng ngon lành hổng bể, qua Tây làm cu-li cực như con chó cũng hổng… Nay mới về Việt nam chợi có một hai chiến gì đó, thằng chả gặp con nhỏ, cà chớn, thế là gia đình bể.
Và một buổi đẹp trời,Việt cộng nó chơi cú xí mứn! Nó đưa các danh sách những người tỵ nạn Việt Nam đi lậu về Việt Nam. Ô thôi bỏ mạng sa trường, thằng hành chánh Tây nó thật thà, thôi kệ tụi tỵ nạn, nó nhớ nhà, nostalgie… mà! Nhưng Cơ quan Offra, nó đâu có chịu vậy, các anh đã hứa mà, … “Có Việt Cộng là tui hổng dìa”. Nhưng nay cac anh dìa. Mất mặt bầu cua, Offra cúp, không cấp thẻ tỵ nạn nữa!. Thế là mất cả, chì chài, ghe thuyền…mất quy chế tỵ nạn là hết đi làm, hết tạm trú, thường trú… Chỉ còn một cách hoặc về Việt Nam, hoặc vô quốc tịch Việt Nam (Cộng sản). Làm Công dân Công sản Việt Nam tại quốc nội hay làm Việt kiều tại Pháp. To be or not to be.. that is the question!
Chúng tôi đã nghe câu chuyện Việt Cộng chơi cú xí mứn nầy một lần vào năm 1988 rồi. Danh sách lúc ấy vào khoảng đô chưa đến 2000 người? Nhưng lúc bấy giờ, Offra chơi đẹp, lờ đi và nói rằng từ nay, nếu có những chuyện cần thiết, tang ma, hôn lễ gì gì đó thì được phép về, nhưng phải xin phép và phải chứng minh đàng hoàng. Nhưng phe ta ngon lắm! chả nhẽ đi sợ thằng Tây. Vả lại Việt Cộng cần tiền mình mà, cần mình về du lịch, chơi đâu cũng dzậy, chơi đây cho em nhờ. Mình hằng năm về ào ào, nó đâu có dại gì mà nó giết con gà đẻ trứng vàng. Nhưng than ôi, cũng tại vì tin cái thằng Bàng Quyên mà ngày hôm nay Tôn Tẩn què giò. Và Việt công chơi luôn một cú thứ hai, rồi cú thứ ba …và từ năm 1988 đến năm 2000, chơi tới luôn bác Tài: trên 22 ngàn tên tỵ nạn bị rút thẻ tỵ nạn.
Và kết quả của ngày nay, Việt kiều càng ngày càng đông vì vô dân Việt Công để ở lại làm ăn ở Pháp ( bắt buộc, vì kẹt giỏ, Có thề ở lại như thường trú nhờ có việc làm, với quy chế immigrant/di cư nhưng vẫn apatride). Và cũng nhờ vậy, người tỵ nạn gốc Việt cũng dzô dân Pháp ào ào cho nó phẻ. Bây giờ mỏa français rồi, mỏa dìa Dziệt Nam vã cẳng (vacances), mỏa hổng sợ chết thằng Tây nào cả. Ngày nay không biết mấy ai còn thẻ tỵ nạn Offra nữa không? và chuyện dài carte de séjour temporaire chắc cũng chẳng mấy ai kể lể nữa.
4/ Người Việt tỵ nạn / Việt Kiều:
Nếu ai cắt cớ hỏi, ở Pháp có bao nhiêu người Việt Nam, chúng tôi đành chịu thua, không làm sao biết được, thứ nhứt là vì chánh sách Pháp đối với người ngoại quốc nhập tịch không có thống kê theo cộng đồng. Khi một người ngoại quốc đã nhập Pháp tịch, người ấy vào thống kê người Pháp và phía người ngoại quốc giảm đi một đơn vị. Vì không có thống kê kiểu cộng đồng nên không thể biết cộng đồng Việt Nam bao nhiêu người, còn muốn biết thành phần cộng đồng người Việt Quốc gia tỵ nạn Cộng sản sau năm 1975 trở đi thì càng khó nữa vì rất nhiều người vào Pháp tịch, thêm hồi tịch nữa (những thành phần sanh ở Nam kỳ trước 1954). Chỉ biết chung chung người gốc Việt Nam chúng ta khá đông, ở nhiều xung quanh các thành phố lớn như Paris và vủng phụ cận, gọi chung là Ỵle de France – tên đặc biệt của vùng phụ cận Paris, đừng dịch, đừng tìm hiểu. Ile de France là Ile de France, hổng phải Đảo Tây Đảo France gì cả. nó gồm Paris (tỉnh Seine số 75) rồi các tỉnh phụ cận, 77,78, 92,93,95, chúng tôi có dịp sẽ nói đến - Người Việt cũng có mặt ở Marseille rất sớm, hồi thời đệ nhứt thế chiến lận, Montpellier, Toulouse, Bordeaux, Lyon… Người Việt hội nhập rất tốt với dân bản xứ. Các thế hệ 2,3 có mặt đầy ở tất cả các nghề nghiệp. Nhưng rất ít người gốc Việt tham gia vào các đoàn thể chánh trị. Vì pour vivre heureux, vivons cachés( Muốn sống hạnh phúc ta nên sống kín đáo). Trái với cộng đồng người Việt ở Mỹ, người Việt ở Pháp sống rất kín đáo.
Nhưng người tỵ nạn Cộng sản? nhưng tại sao có cái tin của báo Ép phê?
Người Việt tỵ nạn Cộng sản với các tin giựt gân của tờ báo Ép phê cho biết là một sự thật. Người Việt tỵ nạn Cộng sản ở Pháp phần đông không phải tỵ nạn chánh trị, họ chỉ là những người tỵ nạn kinh tế. Vì vậy khi làm ăn thoải mái ở Pháp rồi thì phải về khoe của với bà con bên nhà. Quyền lợi công dân bên Pháp rất bảo đảm. Người Việt Nam quen tằn tiện, 150 grammes thịt bò xào củ hành cả nhà ăn với cơm và nước mắm. Tây mỗi người một miếng bít tết 250 grammes, đủ so sánh rồi. dành dụm tậu nhà tậu cửa. Gia đình con cái lớn vẫn còn ở với cha mẹ. Con cái Tây 18 tuổi là nói đi ra khỏi nhà rồi.
Thiệt tình, theo kinh tế mà nói, thì người Việt phe ta hổng đem lợi nhuận gì cho Tây cả, ăn thì đi chợ Tàu ( nói chợ Việt nam cho đở tủi thân chứ thật sự hàng hóa Tàu nhiều hơn). Người Việt Nam mình ít tiêu thụ, hàng ăn uống thì á đông, sách báo thì cũng á đông, vừa xin, vừa photocopie, tranh ảnh trên tường trang trí thì lịch tàu lịch tây xin về, treo lẫn với hình chụp đi du lịch. Ít thấy nhà một người Việt nam nào có các tranh thật các họa sĩ, có chăng cũng copies căt từ báo. Đi làm, ăn tiền ông chủ Pháp, ăn tiền chánh phủ Phủ, bệnh hoạn có bảo hiểm xã hội Tây lo, đi Bác sĩ miễn phí,uống thuốc pharmacie Tây miễn phí, (lâu lâu cũng gặp người ghiền cạo gió bằng dầu cù là con cọp phải gời mua tận Mã lai hay Singapore, nhưng đó là trường hợp rất hiếm hoi, hi hữu).
Vậy thì sắm xế? Xế thì có tiền đi xế xịn Mercedès. Xế ít tiền, đi xế Toyota, hay Hyundai, nói tóm lại cũng không mua xe Tây. Vây dư tiền làm gì? dạ thưa, về chơi Việt Nam. Chơi đâu cũng vậy, chơi đây em nhờ. Giờ đây về Việt Nam, ở Hôtel 5 sao, ở Tây ở Mỹ sức mấy mà vào được những Palace 5 sao ấy. Sức mấy mà có bồi bếp phục vụ. Về Việt Nam có cả. Nào Mũi Né, nào Nha Trang… Người Việt ở Pháp, suốt một năm làm thợ, nghỉ hè, nghỉ Tết, về Việt Nam một tháng làm thầy, thôi cũng đặng!
Chỉ tôi nghiệp cho những người còn tâm huyết ký tên thỉnh nguyện với chánh phủ Mỹ, chánh phủ Úc xin hãy đặt điều kiện Nhơn quyền với chánh phủ Việt Nam. Người Việt tỵ nạn chúng ta có ai đặt điều kiện Nhơn quyền với Hà nôi không? khi hằng năm gởi về 10 tỷ, khi hằng năm trở về du hý, du lịch? Mình không thể nhờ người ta đấu tranh Nhơn quyền, cho Dân chủ cho Tự do của dân tộc mình khi mình hổng làm gì hết!
Ít hàng tâm sự cùng quý vị, có đụng chạm phật lòng ai, xin mở lòng tha thứ cho người viết.
Phan Văn Song
Tháng sáu 2012