Thứ Bảy, 16 Tháng Sáu, 2012

Bức Tường Đen

Không biết tự bao giờ, mỗi lần đi ngang qua nghĩa trang, nhà quàn, hay những nơi làm lễ an táng hỏa thiêu, tôi đều có cảm giác như đi vào khuôn viên của một thế giới vô hình, nhưng sống động. Không gian tưởng như yên tĩnh câm nín ấy, đối với tôi, như có sự sống, một sự sống nhẫn nhục, đợi chờ đến lượt mình, bước lên chuyến tàu để sang một kiếp khác, với một bộ quần áo khác và chẳng người thân nào nhận ra nhau.

Tôi còn nhớ một buổi tối cách đây mấy năm, cả nhà đang họp mặt, thì nhận được hung tin anh Duy, một người bạn rất thân của gia đình bị tử thương vì tai nạn khi đi làm xa. Thốt nhiên một mùi hương hoa đặc biệt lan tỏa trong không gian, mùi áo quan, mùi nhà quàn, mùi nến, mùi hương trầm... quyện vào nhau, mùi của thế giới mà anh Duy vừa mới bước vào. Năm ngoái, trong buổi lễ truy điệu các anh hùng dân tộc đã hy sinh trên bước đường giải phóng Tổ Quốc, mùi hương hoa ấy cũng hiện diện quanh tôi, khiến tôi như gần gũi với những người trong di ảnh, tôi chia xẻ với họ những cảm nghĩ của tôi: đất nước mà chúng ta nguyện hy sinh giành lại; lý tưởng tự do dân chủ mà chúng ta hằng mưu cầu; đang vẫn được người cùng giống nòi thực hiện; các anh đi hàng trước, xin hãy yên tâm, cho dẫu có phải trở thành người của thế giới khác. Và cuộc đời mà chúng ta vừa cùng có, cũng rất vô thường, chẳng nên vướng bận, hãy thanh thản đến chốn vĩnh hằng, nếu tin rằng có nơi chốn ấy.

...Lần này, tôi đến Sacramento, thủ phủ của tiểu bang California như một cơ duyên, một an bài trân trọng. Thành phố bé nhỏ, đìu hiu, đi dăm phút đã về chốn cũ. Nhưng phố phường thật ấm áp với những hàng thông, những rặng Trúc Đào, khóm trà hoa nữ và những bụi hồng. Vừa chớm hè, nên trời vẫn còn có những buổi chiều chợt trở gió, cái lạnh cái gió mùa hè của Sacramento giống y như thời tiết của Đà Nẵng năm xưa, chỉ cần chiếc áo len mỏng có màu thật đẹp là đủ ấm. Như hôm nay, gió se sắt, mây trắng đục, không gian ướt sũng như có điều gì xôn xao bất ổn. Một người bạn trẻ hỏi tôi: ''Ở góc đường bên kia có trưng bày bức tường đen, chị có muốn đi thăm không? Tôi không hiểu hỏi lại:'' Bức tường đen nào? Có gì ở đấy? ''Bức tường đen ghi tên mấy chục ngàn chiến binh Mỹ hy sinh tại Việt Nam, họ chỉ lưu lại đây có 3 ngày''.

...Khoảng sân trong khuôn viên nhà quàn khá rộng, men theo ven bờ của những lối đi quanh co là những bia mộ nhỏ nhắn, nằm im và sát trên mặt cỏ với những chậu hoa xinh xắn đủ màu sắc. Người đi bộ, kẻ đi xe, thận trọng, từ tốn bước vào khoảng sân bên phải nhà quàn, nơi trưng bày bức tường đen. Bất giác mùi hương hoa quen thuộc ùa ra như chào đón tôi. Bức tường đen đồ sộ sừng sững giữa khu vườn. Bức tường được làm bằng những tấm mica nhẹ, có màu đen tuyền của đá hoa cương. Bức tường được rập khuôn y hệt Bức Tường Đen nổi tiếng ở Arlington - Hoa Thịnh Đốn, nơi ghi tên hơn 58 ngàn quân nhân Hoa Kỳ đã hy sinh, hay mất tích trong trận chiến Việt Nam. Tên người dày đặc hết hàng này đến hàng khác, cứ nối tiếp nhau ngang dọc choáng ngợp. Dọc theo chân tường là những lá cờ, những bó hoa, lon bia, bao thuốc lá, bức thư... Tôi lẩm nhẩm đọc những tên khắc trên bảng, từng khuôn mặt của từng người lính trẻ chợt ẩn hiện trước mắt tôi, cứ mỗi một tên lại có một hình bóng mới, cứ thế chập chùng như muốn làm quen. Tôi thì thầm: Chào các anh, các anh thế nào, khỏe không?... chợt thấy mình vô ý quá, khỏe không? Nghĩa là thế nào? Tôi sửa lại lời chào hỏi: ''Chào các anh, chúng tôi luôn nhớ đến các anh, những anh hùng của dân tộc Hoa Kỳ và Việt Nam... chúng tôi mất tất cả, chắc các anh đã biết rồi phải không? Mất các anh, mất những người lính VNCH, và cả xứ xở... nhưng cuộc chiến đâu đã chấm dứt, phải không?".

Một cụ già đứng gần đó, gật đầu chào tôi, ông ấy tự giới thiệu là cựu chiến binh Việt Nam. Tự dưng nỗi xúc động tràn dâng, tôi bắt tay ông, cảm ơn ông đã đến Việt Nam trong sứ mạng cao cả, và rằng, hôm nay ông đứng đây hay chen chúc cùng đồng đội trên bức tường đen, thì cuộc hội ngộ của chúng ta vẫn có nguyên một ý nghĩa và ông cũng như đồng đội của ông, cùng nhận chung lời cảm ơn chân thành nhất của người Việt Nam.

Tôi gặp bà trưởng ban tổ chức, tôi ngỏ lời tri ân sự hy sinh to tát của nhân dân Hoa Kỳ đã dành cho dân tộc tôi. Chúng tôi nói về giá trị của tự do, về niềm tự hào của loài người đã sáng suốt chiêm nghiệm được tự do và quyết tâm bảo vệ nó. Câu chuyện miên man từ những cái chết anh hùng ngoài chiến trường để bảo vệ tự do, đến những cái chết âm thầm tức tưởi trong các lao tù cộng sản cũng vì tự do. Chúng tôi nhắc đến cuốn sách ''We were soldiers once... when we're young'' và cuốn phim có cùng tên vừa được trình chiếu. Hình ảnh những chiến binh Hoa Kỳ lìa xa quê nhà, gia đình, để đến Việt Nam chiến đấu cho Tự Do, vì Tự Do, và trong chiến trận, thân xác họ tung lên bởi bom đạn, thịt xương máu huyết trộn lẫn với đất đá...

Ở cuối vườn, một sân khấu lộ thiên dành cho buổi cầu nguyện. Một cựu chiến binh đang xướng danh những anh hùng tử sĩ, từng tên, từng tên một, như được cuốn hút trong gió, vang vang trong thinh không. Tôi có cảm tưởng hơn 58 ngàn chiến binh Hoa Kỳ đang vừa nghe ngóng câu chuyện của tôi, vừa chờ tên của mình được xướng lên, để có thể thoát ra khỏi bức tường đen, hít thở không khí thanh bình của đất nước họ... Tan chiến chinh con về như mẹ hằng mong... câu thơ tôi nhớ hoài trong bài thơ của một kháng chiến quân Việt Nam.

Nơi đây, hôm nay, người dân Hoa Kỳ ghi khắc tên những anh hùng của họ để tưởng nhớ, để vinh danh, thế còn danh tính vong linh của hàng trăm ngàn người lính VNCH đã tan thịt nát xương giữa chiến trường cho nền tự do của miền Nam, cho sự an lành của hậu phương miền Nam, giờ đang ở đâu? Nghĩa trang Biên Hòa, nơi yên nghỉ cuối cùng của người lính VNCH với đồng đội, đã bị cộng sản Việt Nam phá hủy cày xới, bức tượng Tiếc Thương, sợi dây ân tình của hậu phương với tiền tuyến, gạch nối giữa miền có mùi hương hoa và trần thế đã bị cộng sản Việt Nam giật sập tan tành. Đã hơn 25 năm qua, sao không ai nghĩ ra những bức tường đen bằng vật liệu nhẹ như của Hoa Kỳ đang trưng bày nơi đây, có khắc tên của đầy đủ những anh hùng Việt Nam đã vị quốc vong thân, để người Việt tha phương tưởng nhớ vinh danh. Tên của người đã khuất, không chỉ là cái tên đơn giản, mà là hiển linh của giống nòi. Nhắc đến Nguyễn Thái Học, Phạm Hồng Thái, Phạm Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam... là nhắc đến linh hồn của dân tộc Việt Nam.

Trời vẫn còn gió lắm, tên của từng chiến binh Hoa Kỳ trên bức tường đen vẫn tiếp tục được xướng lên, người vào thăm và tìm tên người thân cũng bắt đầu thưa thớt, tôi cũng phải về... tôi muốn một nơi yên tĩnh, để nhớ đến những người bạn của tôi đã nằm xuống ngoài chiến trường khi còn thanh xuân và cả những người chiến sĩ VNCH tôi không quen biết.

Nguyễn Thị Xuân Lộc (VNN)

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art