Thứ Bảy, 16 Tháng Sáu, 2012

Tuổi Thơ Quê Nội

Hễ nói về mùa xuân, tự nhiên người ta nghĩ ngay đến bướm lượn cùng bông hoa đua nở, khoe sắc muôn màu, tỏa hương thơm dưới làn gió nhè nhẹ mát, chim chóc vui hót ríu rít trên những cành cây, vừa mới đâm chồi, nẫy lộc, dưới bầu trời trong xanh,mà xuân thanh bình là điều trong chúng ta ai ai cũng hằng mơ ước. Bình Xuân, đó là tên gọi của làng tôi.

Cũng như những làng quê khác," làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh, có sông sâu lơ lửng vờn quanh". Ðây không phải là nơi chôn nhau cắt rún cua tôi, vì Bà Mụ Năm đã bỏ rún của tôi ở một nơi nào, đâu đó, ở làng Bình Thạnh Ðông, còn gọi là Cầu Nổi, hay Mỹ Lợi. Nhưng làng Bình Xuân là quê cha, Bình Xuân là đất mẹ và cũng là nơi tôi đã gởi lại một phần tuổi thơ với muôn ngàn kỷ niệm đáng nhớ...
Làng Bình Xuân đã nghèo, mà ấp 5 quê nội của tôi lại càng nghèo hơn. Ðúng vậy " Ðồng chua nước mặn, nắng cháy thấy sao" đất đai cằn cỗi, nứt nẻ và nước có nhiều phèn đến nổi vàng móng tay, móng chân,vàng cả lai quần, chéo áo. Lưa thưa những căn nhà lá,kiểu nhà gần giống nhau, nằm dọc theo bờ sông cái, với nhiều đám cây bần, cây mắm, nhiều buội ô rô, cốc kèn, mái dầm, những cây dẹt có rễ lòng thòng chấm mặt nước.Nhà nào cũng có cây rơm ở góc sân trước hoặc sân sau nhà, và hàng rào trồng bằng cây xương rồng, trổ bông nho nhỏ..., thuở còn bé,tôi thường hái làm bông tai hay kết xâu bằng chỉ để đeo cổ. Trước nhà có bàn thiên ( bàn thông thiên), chỉ với miếng ván hình chữ nhựt, đóng cứng trên trụ gổ, vừa đủ để cái lon sữa bò cũ xám bóng, đầy chân và tàn nhang, thêm bốn cái chung nhỏ, một ít trái cây tùy mùa, vài nhánh bông trang, bông điệp...sắc đỏ, sắc vàng,chỉ đơn sơ vậy thôi, người dân ở đây hiền lành chơn chất, đã chân thành gửi cả tấm lòng kính trọng và tin tưởng vào việc lễ cúng hàng ngàỵ..Mỗi sáng, mỗi tối, đốt vài cây nhang, cầu bình an cho bá tánh và " Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày", với những ước mơ thật giản dị, cuộc đời của họ hầu như phó thác vào thiên nhiên, sinh hoạt hàng ngày, tùy thuộc vào tạo hóa, bìm bịp kêụ..nước lớn đây rồi, nhìn sao trên trời họ biết được chuyện mưa nắng, để lo che, phơi, đậy. Tiếng gà từng canh gáy là chiếc đồng hồ báo thức thiên tạo, giúp nhà nông thức dậy, bắt đầu cho một ngày dãi nắng hay dầm mưạ..Kể cả vệt nắng xuyên qua mái nhà, in dấu xuống sân, cũng được dùng như đơn vị thời gian không số, riêng cho mỗi nhà...
Còn xóm làng, đơn giản lắm, xóm trong, xóm ngoài, xóm trên, xóm dướị..nối liền nhau bằng những bờ ruộng, mùa mưa trơn trợt, mười đầu ngón chân quấu chặc, vẫn không sao tránh khỏi cảnh " chụp ếch". Ðến mùa nước ngập, những buội lát mọc ven bờ, chỉ còn nhìn thấy lờ mờ dưới nước, phải lần chân mà đi, ướt cả quần, ỉ cả áo, lại còn sợ đỉa đeo. Một vài chiếc " cầu tre lắt lẻo" vắt ngang qua mấy con rạch nhỏ, ngày ngày giúp người qua lại, chịu đựng nắng mưa, cầu dựng cũng được nhiều năm, nhưng thân tre vẫn còn dẽo, bền như lòng người dân quê giản dị chặc lòng...
Làng tôi không có" trăng mờ bên suối" để mộng mơ, chỉ có sông, rạch, ao, đìa và những dấu chân trâu, còn đọng nước sau mùa mưa, hồi nhỏ, tôi và các bạn ra đó để bắt cá, hớt tôm, hay chơi chập chũm, để bùn sình phủ dầy mình trần , trông như pho tượng đất biết đi...
Làng tôi không lẫy lừng, với những lăng tẩm ngàn năm lịch sử, chỉ có nhiều chòm mả đất, mà ngày đó, tôi sợ quíu cả chân, mỗi lần đi ngang qua; cái miểu nhỏ, đầy vẻ linh thiêng, dưới gốc cây đa, cạnh ao làng, ao nước trong veo, dân ở đây còn nhớ nhiều huyền thoại về ma cỏ, kể nghe rợn người, ngày thơ bé, mỗi lần nghe kể chuyện ma, tôi nằm nghe mà không dám thò chân ra khỏi mền, nên mỗi lần phải đi ngang qua miểu, tôi lấm lét, cong đầu chạy thật mau, càng chạy lại nghe như có tiếng người chạy đuỗi rượt thình thịch, chạy toát mồ hôi mà tuyệt nhiên không bao giờ dám ngoái cổ nhìn lại...
Làng tôi không có " Áo gấm về làng" hay " võng anh đi trước, kiệu nàng theo sau" duy nhất chỉ có một ngôi trường sơ cấp ở ấp ba, nơi tôi đã được hân hạnh vào học từ lớp vỡ lòng. Dân trí trong làng, phần đông chỉ biết đọc, biết viết; có người chỉ học được chữ ký tên, cho tiện việc làng xã...
Làng tôi không có trái ngọt, cây lành, không có hoa thơm, cỏ lạ, chỉ đơn sơ bông ô môi, bông màu tim tím mộng mơ, hường hường nho nhỏ bông khế dễ thương, bông dừa mộc mạc trắng ngà, bông bần tua tủa nhụy trắng, trông dịu như tơ, bông dưa leo vàng tươi sắc thắm... Làng tôi cũng còn nhiều thứ cây, tuy mọc nơi chốn sình lấy nước đọng, nhưng trong văn thơ miền Nam vẫn thường hay nhắc nhở đến.. nhựrặng mù u với rặng trăm bầu, nhiều tác giả lấy làm bối cảnh cho nhiều chuyện tình thôn dã, rất nên thơ mà cũng không kém phần lãng mạn...
Chỉ có vậy thôi, Bình Xuân của tôi đơn sơ lắm phải không? Nhưng sao tôi vẫn yêu Bình Xuân thật nhiều, tôi yêu từ lúc tuổi hãy còn rất nhỏ. hằng năm, cứ mỗi lần Tết đến hay hè về, tôi năn nỉ má tôi xin được về quê nội cho bằng được...Tôi sẵn sàng bỏ lại cuộc vui chơi ở chợ, chịu xa cách bạn bè, mà mới hôm bải trường, cũng bịn rịn, ướt mắt chia tay, để rồi những ngày đầu mới về, tôi nhớ má và em thật nhiều, khi chiều xuống ở thôn quê, với tiếng côn trùng, ếch, nháị..làm nỗi nhớ nhà càng thêm thấm đậm trong vài buổi tối đầu tiên.Vậy mà tôi không bỏ năm nào, vì tôi biết ở đó, thằng Mực, thằng Khoe, thằng Ðực, tóc hoe hoe khô vàng, quần sà lỏn đen, ở trần đi chân không, đang chờ những cái nút khoén coca cola, bia 33, xá xị con cọp, nước cam vàng Phương Toàn hoặc những bao đựng thuốc lá Capstan, Ruby, Cotab, Bastos...Mấy cục kè màu, tôi đã góp xin của đứa em trai trong nhiều ngày. Còn tụi con Khế, con Mừng, con Phấn, con Khỏe, ẵm mấy đứa em, chỉ đủ áo mặc, ẵm chai cả nách, tụi nó đang chờ mấy cái kẹp ba lá, mấy cây sẹt bông mai, tôi kết từ những miếng vải vụn màu, tôi lấy ở tiệm may của má tôi, mỗi đứa sẽ được một vòng đeo tay, bằng những cọng ny lon màu, tôi học thắt từ các bạn trong lớp, và chùm dây thun thắt 5 dầy cộm, sẽ được chia đều. Nhứt là con Khỏe, nó mừng lắm, khi được tôi uốn tóc bằng cây sắt nóng, cây sắt mà cô út tôi dùng để đẩy rơm chụm bếp, hên thì tóc quăn xoắn như người Phi Châu, còn không xoăn thì cũng thơm thơm mùi tóc khét. Ngược lại, tụi nó cũng để dành hột rau quế ngâm nước làm hột é, lá sương sâm vò phơi nắng...để cùng tôi chơi làm đám giổ...
Nội cũng chờ bộ tranh Tứ Thời để treo lên vách, cho có vẻ ba ngày tết, có năm thì Thoại Khanh Châu Tuấn, Mục Liên Thanh Ðề, có năm thì Phạm Công Cúc Hoa hay Tấm Cám. Ðặc biệt, phần xông đất, nội dành cho cô cháu gái có nụ cười tươi. Tội nghiệp, vậy mà nội vẫn cứ nghèo...
Phải công nhận hồi nhỏ, tôi liến lắc như con trai,cũng bắn kè, chơi tạt lon, đánh trổng,thả diềụ..,bất cứ trò chơi nào cũng có mặt tôi,câu rê cá lú mú bằng ruột vịt, dỡ vó, bắt còng, đều không vắng bóng tôi,buổi chiều mưa, đêm tạnh, tôi theo anh Ba, người anh họ dẫn đi soi ếch,. Bởi vậy, "lổ mũi ăn trầu, cái đầu xĩa thuốc", với tôi là chuyện thường...Mỗi khi nội rầy - Bây phá quá đa, năm sau đừng có về nữa. Nghe nội rầy là tôi sợ lắm,- Dạ dạ ...nôi ơi! Con không dám phá nữa đâụÐã không biết bao nhiêu lần thất hứa với nội, rồi chứng nào tôi vẫn tật nấỵ..Rổ may, khai trầu, cũng không được để yên,nắp xoong, lọ nồi, bao nhang, chổi lông gà,tôi đem ra chơi hát bội và tướt lá chuối làm râu, đến cái khăn the, nội dùng đội đi xóm, cũng bị tôi lấy cột ngang lưng, dắt súng làm bằng sóng lá chuối.... May mắn thay, nhờ những trò chơi thời thơ ấu, nên tôi có nhiều kỷ niệm dễ thương,, để nhớ, để chia xẽ; mỗi khi nhắc lại chuyện thời thơ ấu, tôi không khỏi mỉm cười, hồi nhỏ mình phá dữ thiệt.!
Tuy đã xa rồi, gần nửa thế kỷ, lòng tôi vẫn xao xuyến nhớ, nặng lòng thương Bình Xuân mến yêu... Làm sao không thương được, người dân quê, tay lấm chân bùn,mà lòng họ trong sạch,thật thà, tuy ít chữ nhưng tinh thần cao thượng có dư,và tuyệt đối, tôi không có thiện cảm với những ai lợi dụng sự mộc mạc của người miền quê, để làm trò cười lố bịch, hạ cấp. Ai ai trong chúng ta cũng có quyền mơ ước những điều mơ ước; vậy mà đối với họ, chỉ cần " ăn ba hột cơm" hay " Nhờ trời thương đủ ăn". Tội nghiệp lắm, nhiều người chưa một lần đụng tới đôi giày, hay xỏ chân vào đôi dép, họa hoằn lắm, mới có được đôi guốc vông, guốc được cất kỷ, chỉ xỏ chân vào khi đi đám giổ, ngoài ra chỉ chà chà, phủi phủị..rồi lên giường ngủ...
Tôi rất nhớ nội, nhớ bàn chân giao chỉ, nhớ miệng nội móm mém ăn trầu, nhớ mái tóc bạc khô, nhớ tô canh bột nấu với cá cửng rỉa thịt, ngọt đậm đà, nồi mắm kho quẹt, mặn mà ngon cơm, nhớ nồi canh chua còng nấu với lá me non, ăn no muốn bể bụng, nhớ tô nước cơm chắt, nấu bằng gạo mới, nước quyện xệt, thêm lát đường tán cạo, âm ấm uống ấm lòng, nhớ nồi xông, nội tỉ mỉ, hái từng lá ổi, lá xã, lá gừng..., trùm mền, xông đổ mồ hôi, giải cảm. Phải chi được như bây giờ, tôi sẽ giúp nội được nhiều việc hơn.Hồi còn nhỏ, mỗi lần về, tôi chỉ biết phá phách, tôi làm nội buồn, tôi leo trèo, chạy nhảy, làm cho nội phải lo, tôi mê chơi về trể, làm nội sợ tôi bị ma da bắt, hay nội sợ tôi bị "Ông Bà" khuất mặt quở mỗi khi trời chạng vạng tối ...
Tôi thương dòng sông cái, nước đục lờ phía sau nhà nội, dù nước lớn hay ròng, cũng cố mang nhiều phù sa, bồi đấp cho thảm mạ thêm xanh, cho lúa vàng thêm trĩu hột, mang lại thật nhiều cá, tôm ...nuôi sống dân lành...
Tôi rất nhớ những buổi chiều tà thơ mộng, mặt sông thật đầy, trời yên lặng gió, nhìn bầy cá lìm kìm nối đuôi nhau, như giàn hỏa tiển nhỏ, tưởng chừng như dễ vớt bắt, tôi theo cô Út ra sàn nước, thò chân xuống, đá mạnh vào nhau, nước tung tóe, văng ướt cả mặt, tôi cười vang...Có nhiều khi tôi làm gan, tập bơi ngang qua ụ ghe bằng bặp dừa, tuy tôi đã cho chuồn chuồn cắn rún không ít lần, vậy mà cho mãi tới bây giờ, tôi hãy còn sợ nước.Xa xa bên kia bờ sông, thỉnh thoảng văng vẳng có tiếng ca vọng cổ, âm vang thật muồi của ngư dân đóng đáy, hòa lẫn tiếng tù và của ghe chỡ khẩm nước đổị..âm vang mang điệu buồn man mát làm gợn sóng mặt sông...Xa khỏi bờ, theo dòng nước chảy, vài khóm lục bình nhỏ, lớn, lững lờ trôi, xanh màu lá, tím nhẹ màu bông trên nền vân thủy đục trong, trôi không biết về đâu và trôi từ đâu tớị..Mặt trời xuống thấp sau những rặng cây, chim từng đàn, với đội hình chữ V...bay về tổ ở phương trời nào?? Hoàng hôn đã thực sự xuống.....
Tôi trân quý tình bằng hữu ở thôn quê, các bạn thân thương của tôi rất thật thà, nên ít lời, nhưng nhìn qua ánh mắt, cử chỉ, tôi biết chắc tụi nó chân thành lắm, và cũng đậm tình thân ái lắm, chúng tôi chia cho nhau từng trái ổi sẻ, trái bần chua, chùm ruột với chén muối ớt đỏ tươi xít xoa cay, nhản lồng chín đỏ, trái me keo tây có vị ngọt... đơn sơ như vậy mà ngon vô cùng." Vè vè", âm thanh phát ra từ mấy chú ong bầu đen tròn, được bắt đựng trong ve keọ.."lụp cụp, lụp cụp" mấy anh bửa củi nằm ngủa trên thùng thiếc úp ngược; các nàng quýt tàu, bị xỏ chỉ vào cánh, lấp lánh màu xanh lục bay baỵ..vậy mà tụi tôi khúc khít cười rất hồn nhiên. các bạn của tôi, đời sống của họ lam lủ từ thuở nhỏ, thể hiện qua câu hát ru em.." Má ơi! Ðừng đánh con đau- Ðể con bắt ốc, hái rau má nhờ..."Câu hát ru em nghe sao dễ thương, tội nghiệp quá. Họ nghèo lắm, cơm ăn không đủ no, mặc chỉ vừa đủ ấm, thì còn nói chi đến đồ chơi, giải trí. Ðồ chơi thường được nặn từ những cục đất sét lấy từ bờ ao bờ ruộng, những con trâu, con chim sẻ, con cóc bằng đất, trông rất mỹ thuật, những con cào cào thắt bằng lá dừa nước mọc ven sông, hay những thằng hình nộm bện bằng cọng rơm, cọng rạ sau mùa gặt lúa...
Tôi rất nhớ một ngày, ngày đó lâu lắm rồi, ngày tôi phải từ giã miền quê để trở về nhà, trở lại trường. Sau khi từ giã, người đi, kẻ ở " chúc nhau mạnh giỏi"và hẹn gặp lại năm sau. Những đôi mắt ngây thơ, nhìn theo chiếc đò máy, như thèm được muốn đi cùng tôi ...đi cho biết chợ Gò. Vì chiến tranh, làm tôi thất hứa, tại chiến tranh làm tôi lỗi hẹn, không những không có lần sau, mà chưa có lần nào tôi được gặp lại những gương mặt thân thương ấy...
Bây giờ chắc các bạn của tôi cũng tay ẵm cháu nội, tay bồng cháu ngoạị..Nghe đâu cũng có vài người đã chết tức tửi vì súng đạn hai bên hay vì không tiền thiếu thuốc men chạy chửa mà phải xuôi tay nhắm mắt..Cũng có người lấy chồng ở làng bên cạnh hay tận bên Cần Ðước...Vậy mà cứ nghe như cách xa ngàn dặm..
Tình yêu quê hương đã tăng dần theo tuổi, theo thời gian. Bây giờ ở đó, họ hàng tôi biết được, đã lần lượt ra đi, hầu như gần hết, bạn bè nhiều khi nhớ tên, quên mặt...Nền nhà nội tôi, bây giờ, không còn một chút nào dấu tích...Nơi đó, tôi thực sự không còn cảnh cũ.Tuy tôi cũng đã có một lần về thăm lại, nhưng sao lòng tôi thấy bỡ ngỡ quá, xa lạ quá...Tôi giống như là một du khách ghé ngang thăm một làng xóm nào đó, chứ không phải là người làng trở về thăm lại chốn cũ; trong tôi, sự hoài niệm lại càng thắm thiết hơn, mãnh liệt hơn. Bình Xuân của riêng tôi, ngôi làng thân thương đã in sâu vào tiềm thức, đã khắc đậm vào tâm não... và tình cảm nầy cũng sẽ cùng tôi đi hết quảng đường còn lại. Thương nhớ quá Bình Xuân ơi! Bình Xuân. Tôi yêu quê tôi, yêu mãi, bây giờ càng yêu...

Nguyễn Thu Hường

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art