Thứ Bảy, 16 Tháng Sáu, 2012

Cơn Mưa Chiều Nay

Tháng sáu Sàigòn hay có những cơn mưa bất chợt rồi tạnh, nhưng cũng có những cơn mưa dai dẳng âm ỉ, như cơn mưa chiều nay.
Tôi đứng dưới hiên một căn nhà nhỏ chỉ đủ chỗ trú mưa cho ba người. Tôi nhìn trời lo lắng, nếu hôm nay không phải đi mua sách, tôi sẽ không trễ chuyến xe buýt trước, và như vậy sẽ không trúng phải cơn mưa này. Cũng tại tôi thôi, sáng nay trước khi đi, mẹ đã nhắc:
- Nhớ mang áo mưa nghe con, mùa này hay mưa bất chợt lắm, trúng mưa dễ bị cảm đấy.
Tôi dạ dạ rồi lại quên luôn, bây giờ mắc mưa rồi, về thế nào cũng bị mẹ la cho coi.
Mưa cứ rỉ rỉ, rả rả, lúc to, lúc nhỏ không ngừng, tôi ôm cái cặp táp sát vào người cho đỡ lạnh. Con đường này lâu lâu mới có một chuyến xe buýt chứ không như những tuyến đường trên Chợ Lớn, hết chuyến này tới chuyến khác, liền liền nhau. Đứng chờ lâu vừa lạnh, vừa buồn, lại thấy chỉ có mình mình, tôi ư ử hát nhỏ trong miệng:
- Tháng Sáu trời mưa, trời mưa không dứt, trời không mưa, anh cố lạy trời mưa…. Ờ trời đang mưa mà, lạy gì nữa, phải hát là trời đang mưa, con lạy trời ngừng mưa mới phải chứ.
Tôi đang tủm tỉm cười một mình, thì ào một bóng người phóng đến bên cạnh. Đó là một anh lính, vừa yên chỗ, anh ta phủi phủi những hạt mưa dính trên người bắn cả sang tôi. Chợt thấy tôi nhích nhẹ ra xa, biết mình vô ý, anh vội vàng xin lỗi:
- Xin lỗi cô nhé, tại mưa to quá, tôi chạy nhanh thế mà vẫn bị ướt.
- Dạ, không sao.
Thấy tôi yên lặng không nói gì thêm, anh gạ chuyện:
- Cô chờ xe lâu chưa?
- Dạ, lâu rồi.
- Đường này ít xe lắm, lần nào cũng phải chờ thật lâu mới có một chuyến. Cô học ở gần đây hả?
- Dạ.
- Ngày nào cũng chờ ở đây như vậy sao?
- Dạ.
- Cực nhỉ? Sao không mua xe gắn máy mà đi, đỡ phải chờ?
Ơ, cái ông này hay nhỉ, người ta nghèo nên mới phải đi xe buýt, đang lạnh lại đói nữa mà còn bị hỏi vớ vẩn, móc lò thế này, tôi quay lại trả đũa:
- Thế, sao anh không mua xe mà đi, lại đi xe buýt giống tôi?
Anh bật cười khi thấy cái vẻ cong cớn của tôi:
- Cũng gớm đấy, hôm nay xe tôi bị hư, đưa sửa, nên mới phải đi xe buýt và gặp được một cô bé đanh đá như thế này chứ.
Quê quá, tôi quay mặt đi hứ nhẹ một tiếng.
- Thôi xin lỗi, cô bé này dễ giận quá.
Thấy được xin lỗi, cái tự ái trong tôi đã thỏa mãn, tôi quay lại:
- Giận chứ sao không, anh nghĩ mà coi, bất cứ một người con gái nào bị cho là đanh đá, cũng đều khó chịu thôi, hơn nữa tôi đâu có nói gì quá đáng mà anh lại bảo tôi đanh đá, ai mà chả giận.
- Tôi xin lỗi rồi mà.
- Thôi bỏ qua đi, anh là lính tiền đồn được về phép hả?
- Không, tôi làm tại thành phố.
- À, lính kiểng.
- Cái gì lính kiểng?
Giọng anh chợt đanh lại:
- Cô gọi tôi là lính kiểng? Miệt thị đấy, chạm tự ái đấy! Lính tiền đồn hay lính thành phố đều phải làm việc như nhau, đều phục vụ tổ quốc như nhau. Ai cũng phải bỏ công sức ra cả, chỉ có điều những người lính ngoài biên cương thì sự nguy hiểm nhiều hơn, nói như vậy không phải là lính thành phố không có những hiểm nguy đâu nhé, cô bé.
Ơ hay, lỡ miệng có chút xíu mà bị lên lớp như thế này. Tôi đang tính cãi lại, thì anh đã dịu giọng xuống:
- Chắc gia đình cô có người đi lính đánh giặc, phải không?
- Dạ!
- Binh chủng nào?
- Dạ, Biệt Động Quân.
- Ồ, cọp ba đầu rằn, thứ dữ đấy, thảo nào.
Thấy anh đứng im không nói, tôi nhỏ nhẹ
- Xin lỗi anh, tôi không cố ý, tại nghe người ta gọi thế thì tôi gọi theo thôi, anh đừng giận nhe.
Anh bật cười:
- Giận dỗi gì, tôi là lính mà.
Chờ mãi cũng chả thấy bóng dáng chiếc xe buýt đâu, tôi cứ nhóng nhóng người ngó ra đầu phố, bỗng thấy mình bị đẩy sang một bên, tôi quay nhìn lại, thì ra là một cậu bé con, gầy gò, khoảng 11,12 tuổi, vai đeo một bình kem to gần bằng người, vừa chạy đến chỗ chúng tôi. Em len vào giữa tôi và anh lính. Miếng nilon màu xanh lá cây đã bạc màu, bé síu được cột trên cổ không đủ che cho cả cậu bé lẫn bình kem, áo cũng như quần đều vá chằng, vá đụp, phong phanh đến tội nghiệp. Cả người run cầm cập, em ngó lên trời với vẻ mặt lo lắng, rồi bỗng nhiên em òa khóc. Tôi còn đang ngơ ngác thì anh lính đã cúi xuống ôm bờ vai em hỏi nhỏ:
- Sao vậy em, sao khóc vậy?
Em nức nở trả lời:
- Tại trời mưa…
- Trời mưa thì sao?
- Con đi bán kem, trời mưa thế này không ai mua kem hết, làm sao con có tiền chiều nay mang về cho má để mua thuốc cho em con đây. Chú ơi, em con nó ốm mấy bữa rày rồi, con phải làm sao hở chú?
Anh ngồi xuống, mở bình kem ra coi, những cây kem mầu xanh, đỏ, vàng, nâu xếp xen kẽ nhau còn trên nửa bình. Anh đậy nắp bình lại rồi đứng lên móc bóp lấy ra 50$ đưa cho em:
- Cất đi, chút nữa, ráng bán được đồng nào hay đồng nấy em ạ.
Tôi cũng móc cặp lấy ra chỗ tiền lẻ mà sáng nay mẹ cho mua sách còn thừa, dúi cả vào tay em.
Thằng bé lí nhí:
- Cám ơn chú, cám ơn chị...
Rồi đeo bình kem lên vai định bước đi. Bỗng anh nắm vai nó giữ lại:
- Xe buýt tới kia rồi, theo anh!
Nói xong anh nắm tay thằng bé kéo lên xe. Tôi cũng theo chân hai người. Lên tới xe, anh đẩy thằng bé lên gần chổ anh tài xế, rồi khi xe vừa chạy, anh quay lại phía hành khách nói lớn:
- Thưa quý bà con, cô bác, xin lỗi cho tôi nói vài câu. Tôi biết bà con, cô bác đi xe buýt không phải là những người giàu có nhưng tôi chắc quý vị sẽ rất giàu lòng nhân ái. Xin quý vị hãy giúp đỡ cho em bé này, cháu đi bán kem, nhưng hôm nay trời mưa, cháu không bán được bao nhiêu, mà em cháu đang ốm nằm nhà, mẹ cháu mong cháu bán được hàng mang tiền về mua thuốc cho em. Tôi mong quý ông bà, cô bác mua dùm cháu mổi người một cây kem, chỉ một đồng thôi, quý vị sẽ giúp cháu có tiền mua thuốc cho em cháu, xin bà con hãy giúp cháu.
Anh vừa dứt lời, mọi người đã nhao nhao lên:
- Được thôi.
- Này cưng cho anh một cây.
- Cho dì một cây luôn….
Thằng bé lúng túng mở bình kem, đưa kem cho khách mà quên cả lấy tiền, thấy vậy anh lại kế bên nó, giúp thằng bé bán hàng. Một ông cụ ngồi ngay hàng ghế đầu kéo em lại:
- Nào lại đây.
Ông cụ đặt vào tay thằng bé tờ 10$, nó lúi húi kiếm tiền trả lại thì ông cụ đã ra dấu không cần, ông không ăn kem, thằng bé cúi đầu cám ơn thật lễ phép. Trên xe ai nấy cũng đều ủng hộ, nên chả mấy chốc thùng kem chỉ còn lại hai ba cây kem vỡ. Thằng bé cám ơn mọi người rồi xuống xe với khuôn măt rạng rỡ. Trong xe mọi người còn đang nhấm nháp dở những cây kem. Dù trời mưa, cây kem lạnh, mà sao ai cũng nghe lòng mình thật ngọt ngào như vị ngọt cây kem.
Anh đi xuống cuối xe chỗ tôi đứng, chưa kịp yên chỗ, thì mấy bà bán hàng về chợ đã lên tiếng khen anh rối rít:
- Thiếu uý tốt quá, giúp thằng nhỏ bán hết bình kem luôn.
- Tình quân nhân cá nước mà!
- Thiếu uý tốt bụng như vậy, cô nào mà làm vợ thiếu úy chắc là có phước lắm đó.
- Thiếu úy có vợ chưa? một bà lên tiếng chọc anh, có cần không tôi làm mai cho.
Mọi người cười làm anh đỏ mặt, anh lúng túng nhìn tôi:
- Có gì đâu, tại thấy thằng bé tội quá thì con giúp thôi. Cám ơn mấy dì khen. Con là lính thành phố bị chê là lính kiểng thì ai mà thèm ưng.
- Lính kiểng thì cũng tốt, cũng giỏi thôi sao lại chê?
Anh thấy tôi ngó ra ngoài cười cười, anh kéo nhẹ cái cặp táp của tôi cho tôi quay lại:
- Nè nghe mấy dì ấy nói không, lính kiểng cũng tốt vậy.
- Dạ, biết rồi, thưa thiếu úy.
- Bây giờ cô đã biết lính kiểng cũng hữu dụng không thua gì lính đánh giặc chứ? Hy vọng cô cũng như mọi người có cái nhìn đúng về chúng tôi, những người lính thành phố.
- Đã nói biết rồi mà. Sao thiếu úy lên lớp hoài vậy.
Rồi nhân câu chuyện cậu bé bán kem, tôi cũng kể cho anh nghe một trường hợp tương tự mà người xử lý câu chuyện này lại chính là mẹ tôi. Hôm đó cũng vào một đêm trời mưa, có một bà bán bánh chưng, bánh giò đi qua cửa, mẹ gọi vào để đãi bố con tôi một bữa quà tối, giờ đó mà được ăn cái bánh giò nóng sẽ thú vị biết bao nhiêu. Mẹ đang tính tiền trả cho bà bán bánh, đột nhiên bà lăn ra kêu đau bụng, thì ra bà đã đến ngày sanh, mẹ vội bảo chúng tôi bê rổ bánh của bà vào nhà, còn mẹ thì đích thân đưa bà đến bệnh viện Từ Dũ, ở đó đến sáng mai sau khi biết bà bán bán giò mẹ tròn con vuông, mẹ mới về. Báo hại, lần đó mấy chị em tôi phải ăn bánh chưng, bánh giò hai ngày mới hết, bây giờ cứ trông thấy loại bánh này lại sợ.
- Ờ, nếu gặp trường hợp đó thì cô làm sao?
- Thì chắc cũng làm như mẹ tôi làm thôi.
- Có biết làm không đó, hay sợ quá rồi… khóc nhè
Tôi lườm anh một lườm dài tít tắp:
- Không thèm nói với anh nữa…
Anh nhìn tôi cười, cái nhìn của anh… sao mà lạ lạ, kỳ kỳ ấy!
Tới trạm, tôi sửa soạn xuống xe, thì nghe anh thì thầm bên tai:
- Mai gặp lại nhé, cô bé… ơ cô tên gì?
Tôi cúi mặt, bước nhanh xuống giấu nụ cười sau cặp táp, không trả lời anh, và nghĩ thầm: Mai gặp, chắc không có đâu, ngày mai xe anh đã sửa xong rồi, anh đâu còn đi xe buýt mà hẹn hò gì nữa! Thôi bỏ đi, anh lính kiểng ơi!
Tháng sáu, Sàigòn, trời cứ mưa, mưa mãi để một người nhớ hoài bài hát:
“Tháng sáu trời mưa trời mưa không dứt
Trời không mưa anh cố lạy trời mưa.”
Và nghĩ mãi đến một ngày mưa tháng sáu, mưa dầm dề, mưa dai dẳng để chẳng nghe lòng mình lạnh, mà lại thấy ấm áp thật nhiều….


Tường Thúy Tucson – AZ - 2010

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art