Thứ Tư, 13 Tháng Sáu, 2012

Ngậm ngùi quê ngoại Trà Ôn

....Người ở bên kia sông cách trở,
Ngó về Chiêm Quốc nhớ Huyền Trân.
.... (?)
        Tôi thuộc hai câu thơ trên từ cuối thập niên '50, lâu quá quên mất tên tác giả. Thuộc thơ, một phần vì rất cảm kích tấm lòng hiếu thảo, vì nước quên tình, của một nàng công chúa; nhưng phần khác vì tâm trạng... ngậm ngùi của một đứa trẻ có rất nhiều kỷ niệm suốt thời thơ ấu bên một ... bờ sông! 
        "...Bên kia sông cách trở", nếu ai chưa sống bên một bờ sông thì 5 chữ trên đây chỉ mang âm hưởng thi vị trang trí cho câu thơ thêm vần, thêm điệu mà thôi nhưng nếu có lần, đã đứng bên nầy sông, bất lực nhìn sang bên kia sông, cách nhau chỉ một dòng nước chảy thì mới... thắm thía! 

* * *

        Quê Nội tôi ở Cái Côn, quê Ngoại ở Trà Ôn, nghĩa là Ba Má tôi, lúc thiếu thời, ở cách nhau chỉ có một dòng sông. Dòng sông nầy, trong ký ức nhạt nhòa của tôi, lại là một cái... biển mênh mông! 
S        ông Cửu Long hùng vĩ bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, chảy qua ba nước Thái, Lào và Cam Pu Chia. Khi đến miền Nam Việt Nam, sông chia thành hai nhánh: nhánh Sông Tiền và nhánh Sông Hậu! Cả hai nhánh trên đường mang phù sa ra biển tạo thành vô số "cù-lao" lớn có, nhỏ có. Nhỏ thì chỉ như một cồn cát, nước ròng "nổi", nước lớn "chìm"; lớn thì có khi tạo thành một dãy đất mênh mông, lập nên Làng, nên Tổng. 
        Cù lao Mây là một cù lao loại lớn nầy! Chiều dài của nó khoảng 15 km, bắt đầu từ cách Cần Thơ 5 km, về phía hạ nguồn, chạy dài tới vàm Cái Trâm, qua khỏi Cái Côn-Trà Ôn,khoảng trên 5 km. Chiều ngang, chỗ ngăn cách hai thị trấn Cái Côn và Trà Ôn, khoảng 7 cây số khiến nên ở bờ thị trấn bên nầy không thể nhìn thấy bờ bên kia! 
        Chiều rộng của dòng sông Hậu, bên phía Cái Côn, khoảng 3 cây số, lớn gấp đôi bên phía Trà Ôn. Do đó, tính chung khoảng cách "hai bờ" chưa tới 12 cây số. Mười hai cây số đổi thành mile chỉ hơn 7 mile, nghĩa là một khoảng cách chẳng có nghĩa lý gì so với một số người ở Mỹ nầy: sáng "vác ô-(tô) đi", chiều "vác ô-(tô) về", sơ sơ chừng bảy, tám chục... miles! Vậy mà, trong trí nhớ mơ hồ chắt chiu còn lại trong tiềm thức tôi, khoảng cách "đôi bờ" thật là nhiêu khê, thật là trắc trở! 
        Mỗi năm, chính thức thì, anh em chúng tôi được về thăm Ngoại hai lần: một vào Tết Nguyên Đán, một vào Tiết Đoan Ngọ. 
        Mỗi chuyến đi như vậy, Má tôi chuẩn bị thật vất vả: chuẩn bị cho công việc ở nhà, lúc Má đi vắng và cho thời gian đi đường, thời gian lưu trú bên Ngoại, như là một chuyến du lịch xa! Nhưng thật ra, khoảng cách chỉ có một... dòng sông! Đoạn đường gian truân nhất của chuyến đi, lại cũng là vượt qua sông... "Cái", tức vượt ngang sông từ Cái Côn sang cù lao Mây với khoảng cách chỉ chừng 3 cây số. 
        Tết là mùa gió Bấc, có hôm gió thổi rất mạnh, sóng rất to. Vì lũ chúng tôi còn nhỏ, Ba Má tôi lần nào cũng dùng ghe lớn, có mui với hai tay chèo (phương tiện duy nhất đẩy thuyền đi thời bấy giờ, trước khi có máy "đuôi tôm"). Ghe lớn an toàn nhưng nặng tay chèo. Hai anh chèo thuyền ì-ạch vật lộn với chiếc ghe từ lúc trời mới vừa "đâm mây ngang"! Trời chưa sáng, gió còn nhẹ, nếu mọi chuyện đúng giờ, đúng dự tính, thì khi mặt trời lấp ló ở rặng cây xa, ghe đã sang được bờ phía cù lao Mây! Bằng trái lại, nếu có khâu nào trục trặc như về phương tiện hoặc về con người, nhất là mấy con người "nhóc" chúng tôi, mê ngủ không thức, đòi ăn, đòi uống, đòi làm... xấu, khiến cho giờ khởi hành bị chậm trễ, trời sáng hẳn, gió bắt đầu thổi.... Những lần như vậy, hai anh chèo rất vất vả, không điều khiển hữu hiệu được ghe. Có lần ghe bị gió thổi "bạt" xuống gần cù lao Heo, một "phá" rất lớn mà theo lời đồn, chỗ nầy có cặp Ngỗng thần, mỗi lần Ngỗng nổi lên mặt nước là sẽ có trận cuồng phong nhận chìm ghe thuyền qua lại cho nên ít ai dám đi ngang phá nầy. Họ thà đi vòng (lên trên, hoặc xuống dưới hạ lưu một chút), xa hơn nhưng "an tâm" hơn.
        Qua được "phá Cái Côn" rồi thì kể như đoạn đường nguy hiểm nhất đã vượt qua! Ghe vào Kinh Xáng, từ xa, đã nhìn thấy hình dáng cái trại cưa có lầu ngoài vàm sông, đối diện chơ. Trà Ôn! Nếu thuận nước, ghe đi rất nhanh, chừng hơn tiếng đồng hồ đã tới vàm Kinh Xáng. Từ đây sang chơ. Trà Ôn chỉ vượt con sông Cái bề ngang hơn 1 cây số! Nhưng nếu vì trễ nãi, bị nước ngược, có thể mất trên 3 tiếng đồng hồ, ba tiếng đồng hồ chỉ để qua được một đoạn cù lao! 
        Cù lao, ngoài hình dáng bao la, trù phú, còn mang tính bồi đấp, cho nên, trong thi văn Trung Quốc, Cù Lao tượng trưng cho công ơn sinh thành dưỡng dục: 
Mẫu hề sanh ngã, Phụ hề cúc ngã,
Ai... ai... phụ mẫu sanh ngã cù lao!
        Lúc nhỏ không kể, lớn lên, mỗi lần nhìn dòng sông mênh mong, không đò dọc, chẳng đò ngang; đoạn cù lao, hai dòng nước đổ*, tôi không thể hiểu, duyên số thế nào mà từ vùng đất liền, người đông, gái đẹp, Ba tôi lại vượt qua hai cái "phá", một cù lao, để cưới má tôi? 
        Trong những dịp hôn lễ của các con, Má tôi thường nhắc lại "chuyện xưa": hồi nhỏ, má không phải là người con gái nhan sắc. Má chỉ là một cô gái quê bình thường, trong khi Ba con lại là một người con trai ăn học ở thị thành, hào hoa, thanh lịch. Lương duyên của Ba Má hoàn toàn do mẹ cha định đoạt! 
        Khi Ba tụi con bắt đầu "coi mắt" Má thì ông Ngoại còn sanh tiền, khỏe mạnh. Lễ, lộc lớn nhỏ chưa kịp giao nạp gì cả thì bất ngờ, nhà Ngoại bị cướp, cướp có súng và ông Ngoại có chống cự nên chúng đánh ông bằng búa. Ông bị bệnh gần một năm sau thì qua đời. Mọi nghi thức hỏi cưới đều bị đình hoãn, trong thời tang chế. Thật ra, lúc đó cũng chưa có lễ lạc, chưa có hứa hẹn gì ràng buộc, mỗi bên đều có quyền tự do. Ba tụi con rất muốn... tự do vì ông có quá nhiều "đối tượng" để theo đuổi nhưng ông Nội các con thì... không! Nội quyết định chờ, Nội quyết định phải làm "sui" cho được với Ngoại, người mà lúc sanh tiền, Nội rất cảm kích tấm lòng thuần lương nhân hậu và hiếu thảo, đặc biệt là hiếu thảo, của Ngoại đối với Bà Cố!... Số là, ông Ngoại hồi ấy đã hơn bốn mươi, đã làm "sui" và là một ông Chủ, tức là người chỉ đứng sau có ông Cả trong làng, theo cách tổ chức làng xã thời Tây; nhưng đối với Bà Cố, Ngoại rất cung kính, hiếu thảo, tự coi mình như một đứa trẻ trước mẹ! Rất nhiều lần, Nội chứng kiến, mỗi sáng trước khi ra "Nhà Việc", Ngoại đều chấp tay xá Bà Cố và nói: Thưa Má, con đi làm! Buổi chiều về, Ngoại lột chiếc khăn "đóng" trên đầu xuống, đến trước Bà Cố, khoanh tay: Thưa Má con về tới! 
        Vì cảm kích tấm lòng hiếu thảo đó mà Nội con đã quyết đeo đuổi làm sui cho được với Ngoại. Nội bắt Ba phải chờ tới hơn hai năm, sau khi Má mãn tang Ngoại, để làm đám cưới! Trong cuộc hôn nhân nầy, ông Nội con không đi cưới dâu mà "cưới" lòng hiếu thảo của ông Ngoại, còn Ba và Má thì... Nội, Ngoại đặt đâu là ngồi yên đó! Má hoàn toàn không có ý kiến gì. Còn Ba các con, có lẽ, lúc đầu, ổng không hài lòng lắm. Nhưng Ba tụi con lại giống ông...Ngoại, giống ở tấm lòng rất hiếu thảo! Cho nên... 
        Má tôi nhả bã trầu vào ống nhổ và mĩm cười, kết thúc câu chuyện "xưa", mang trọn lời giáo huấn: 
- Vậy mà,... "tao với Ba tụi bây vẫn ở với nhau đến giờ... nầy, có sao đâu!" 
"Tên họ" không đổi thay, nhưng đất đai bị cắt ráp! 
        Trong các Quận lỵ "kỳ cựu" của Miền Nam, chắc chưa có Quận nào, nay bị cắt, thảy qua Tỉnh nầy, mai bị xén để nhập vào Tỉnh khác cho bằng Trà Ôn! 
        Trước và trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Trà Ôn thuộc Tỉnh Cần Thơ, một trong những Quận trù phú về kinh tế, đông đảo dân cư, và cũng là một vị trí xung yếu về mặt quân sự của Nam Phần. Có lẽ vì vậy mà một chuyên viên nào đó về cải cách, phân chia lãnh thổ, dưới thời ông Diệm, đã có sáng kiến độc đáo: cắt Trà Ôn và một vài quận lân cận, để thành lập một tỉnh mới lấy tên là Tỉnh Tam Cần, lấy Trà Ôn làm tỉnh lỵ! Công tác chuẩn bị hình như đã xong thì bất ngờ dự án bị dẹp! Trà Ôn sau đó, bị tách ra khỏi Cần Thơ để trở thành một quận của tỉnh Vỉnh Long!
        Sau tháng 4/75, chính quyền CS muốn chứng minh mình là loại "đỉnh cao trí tuệ" nên xóa hết những gì của bọn "đỉnh thấp" còn tồn tại, kể cả mấy cái tên tỉnh mang hơi hướm "ngụy", hơi hướm "phong" (kiến), họ lại còn dè bĩu: tỉnh gì mà nhỏ xíu, ít xịt dân, không đủ thực lực, làm sao "tiến lên xã hội chủ nghĩa (!)"; chúng bèn cho nhập hai, ba tỉnh thành một: Cần Thơ + Sóc trăng thành Hậu Giang, Vĩnh Long + Trà Vinh thành Cửu Long.... Trà Ôn trở thành quận cho cái tỉnh đỉnh cao Cửu Long nầy! Nhưng, những cuộc "lương duyên" bức hợp, thiếu khảo sát và mang tính tùy hứng, dốt nát nầy không tồn tại được lâu: năm 1989, tỉnh cũ và tên cũ lại được trả về như thời cũ của... "ngụy"! 
Trà Ôn ngày nay lại về với Vĩnh Long! Cốt khỉ vẫn hoàn cốt... vượn người!

        Địa danh và những kỷ niệm:

        Niên khóa 1952-1953, tôi được Ba Má cho qua nhà Ngoại học lớp Ba để chuẩn bị lên lớp nhì (Cái Côn không có tới lớp nầy). Trường tôi học gần Đình làng Thiện Mỹ. Đây là ngôi trường duy nhất của quận. Trường lớn và khang trang nằm bên bờ sông Cái. Thầy dạy lớp Ba của tôi là thầy Ph., một ông thầy mà học trò xem như là hung thần của trường vì ông "cho roi cho giọt" rất dữ: quì gối, "thục dầu", chúm đầu ngón tay chịu khẻ đều là chuyện... nhỏ. Ông có lối bạt tay "cầu âu" rất độc đáo. Đó là bắt đứng gần bảng đen rồi bất ngờ bạt tay thật mạnh! Cái đầu vừa bị tay tát bên nầy, còn bị bảng đen bạt lại bên kia khiến nên lỗ tai kêu lùng bùng, con mắt đổ hào quang! (Nhắc lại chuyện nầy tôi bỗng nhớ đến Thầy, dù Thầy đã ra người thiên cổ từ lâu! Thầy thật khó, nhưng thương học trò và dạy dỗ rất tận tâm! Trong 2 lớp Ba của trường, lớp của thầy thường vượt trội!) 
        Nhà Ngoại tôi, phía trong chợ. Trà Ôn khoảng hơn cây số. Từ nhà đến trường khá xa và hằng ngày tôi đi bộ nên phải thức rất sớm, học xong, còn ngao du sơn thủy, có khi xế chiều mới về đến nhà! 
Ngoại tôi không có con trai, chỉ có 3 người con gái. Má tôi là chị cả. Người em kế Má tôi, Dì Tư, là một hoa khôi trong vùng. Dì lập gia đình rất sớm. Bên chồng dì là một thế gia trong quận, ông Phủ Y... Nhưng, hồng nhan bạc mệnh, sau khi có được hai con, dì không chịu nổi cảnh ông dượng tôi có bà bé nên chia tay. Sau đó, dì đi thêm bước nữa.... Dì bị bạo bệnh qua đời ở tuổi chưa đầy 40! Dì Út tôi, năm tôi ở học, thì chưa lập gia đình, tuy nhiều nơi ngấp nghé nhưng có lẽ không thể xa Ngoại nên dì chưa chọn chỗ nào! Dù gia cảnh có suy sụp nhiều, kể từ ngày ông Ngoại tôi quy tiên, nhưng vì ít con, ít cháu nên lũ chúng tôi rất được cưng chiều. Ngày nào đi học, trong túi tôi cũng rủng rỉnh mấy... đồng, thế nên tan học, trở về nhà, với quảng đường hơn cây số, có khi tôi đi đến... chiều! Ngoại không rầy, dì Út cũng chẳng bao giờ la, nên..."ta" cứ thế làm tới! Có một lần suýt... chết cũng do cái tật ham... vui nầy! 
        Số là, sau Hiệp Định Genève 1954, trong khi chờ tập kết ra Bắc, Cộng Sản rất lộng hành... và trong một biến cố sau Tết, (đầu năm 1955): lính ở đồn Vĩnh Xuân, cách Trà Ôn khoảng 7 km, bắn chết một cán bô. CS, chúng bèn tập họp và xúi giục dân đem xác tên nầy để ở đồn, biểu tình yêu sách đòi thường... mạng! Thế nhưng mọi đề nghị bồi thường gì từ phía Quận đưa ra, đám cán bô. CS chủ mưu, đứng đằng sau, đều không chấp thuận. Sự việc kéo dài đến ngày thứ 3 với cái... thây ma sình thối, thu hút dân hiếu kỳ càng lúc càng đông, chính quyền đã không còn chịu đựng nổi nữa và cũng để vãng hồi trật tự, Đại Úy Tạ Văn K., Quận Trưởng đã cho giải tán bằng... súng! Kế quả: hơn 20 người chết! Dĩ nhiên, Cộng Sản thì bao giờ cũng chạy trước, chỉ có dân bị xúi giục là lãnh... đạn! Đám đông đi... coi, được một phen chạy thừa sống, thiếu chết. Trong số chạy nhanh chân nầy có... tôi! Chạy rồi không dám về nhà, báo hại Ngoại và dì Út vừa tìm, vừa khóc, sáng đêm! (Đại Úy Tạ Văn K., sau nầy thăng cấp Đại Tá, giải ngủ và đã trải qua hơn 10 năm tù tại Miền Bắc. Cũng may, theo lời cựu Đại Tá Phạm Bá Hoa, Cộng Sản đã không khám phá ra ông Quận Trưởng Trà Ôn "ác ôn" nầy, bằng không, có lẽ chúng đã lóc thịt, lột da ông trong tù!).
        Trà Ôn có những điều độc đáo nổi bật: Trước hết là địa danh, một vài địa danh đọc lên nghe mang âm hưởng người Miên, rất khó quên như: Sóc So, Ô Trư, Ba Phố, La Ghì, Bang Chang.... Mỗi lần nói lên mấy tiếng trên, nhất là mấy tiếng "Ô Trư", "La Ghì" là tôi nhớ đến Dì Tư tôi, do cách phát âm rất đặc biệt của Dì! 
        Trà Ôn cũng có một loại cá mà khi nói tên, một số đồng hương Trà Ôn, trên 50, sẽ thấy... thèm. Đó là cá... Cháy!
        Vào khoảng tháng Hai ta, những lúc bầu trời đầy mù sương là cá Cháy xuất hiện! Cá chỉ xuất hiện tới vùng chơ. Trà Ôn là ranh giới cuối cùng. Chúng không bao giờ lên cao hơn tới Thuộc Nhàn hay Cần Thợ Cái độc đáo là chỗ đó. Cá tuy nhiều xương, xương ngạnh, 3 nhánh nhưng không to cứng, thịt lại rất ngọt, đặc biệt, cặp trứng cá thì... khỏi chê: vừa to, vừa vàng, rất béo, rất bùi; một món ăn mà mỗi khi đến mùa cá Cháy xuất hiện, thực khách từ nhiều nơi đổ dồn về Trà Ôn để đón, mua giựt, mua giành! Loại cá nầy, vào đầu thập niên '60 đã không còn xuất hiện nữa! Tuyệt chủng hay là đã thiên cư đi nơi nào khác?
        
        Một con người xứng đáng là Công Dân Danh Dự của Trà Ôn...

        Anh không là anh hùng, theo cái nghĩa đã hi sinh xương máu cho địa phương, cũng không phải là vị quan phụ mẫu mang cơm no, áo ấm lại cho dân nghèo và, quan trọng hơn, không phải là người cách mạng "giải phóng" Trà Ôn, rồi tự tôn xưng mình, hay bắt người khác vinh danh mình, theo cái nghĩa một chiều, "cả vú lắp miệng em". Nhưng chính anh, và nhờ anh, mà cả nước biết đến hai tiếng Trà Ôn. Anh chinh phục từ đứa trẻ thơ cho đến cụ già, từ anh thanh niên cho đến cô thiếu nữ, từ Nam ra Bắc, từ thành thị đến thôn quê, bao trái tim thổn thức vì lời ca, tiếng hát ngọt ngào của anh qua sáu câu Vọng Cổ Hoài Lang của miền Nam Kỳ Lục Tỉnh... Tôi muốn nói đến Nam Danh Ca Út Trà Ôn! 
        Nói đến Trà Ôn mà không nhắc đến tên anh là một thiếu sót! Anh đã dùng địa danh khai sinh để đặt cho tên mình. Cuộc đời anh gắn liền với tên gọi của quê hương! Rất may, anh đã không những không làm nhục cho nơi chôn nhau cắt rốn mà còn làm cho quê cha, đất mẹ nở mặt nở mày! Anh là một trong những nghệ sĩ hàng đầu đã duy trì và phát huy nền cổ nhạc Nam phần đến thời cực thịnh, trước tháng 4/1975. Anh sống và gắn bó cả đời cho nghệ thuật và vì nghệ thuật cải lương! Chỉ riêng một điểm nầy đã đủ cho quê hương Trà Ôn hãnh diện vì anh, đã đủ cho cả nước không quên anh! Anh mặc nhiên được toàn quốc chọn là Đệ Nhất Danh Ca Cổ Nhạc Việt Nam. 
        Tại miền Nam, trước năm 75, không mấy người biết được Lê "Duẩn" là tên ai cả! (Cái tên vừa khó đọc, vừa không mang một ý nghĩa gì, trong tiếng Việt, trong chữ Nôm, cũng như trong từ Hán-Việt, ở hai địa hạt: văn chương bình dân và văn chương triết học!). Nhưng nếu nói tới Út Trà Ôn thì... Việt Cộng trong rừng cũng rành... sáu câu! 
        Nay anh trên 70, đang sống những ngày hoàng hôn của cuộc đời với tuổi già và bệnh tật mà nợ tơ, tằm chưa kéo trọn! Anh đang sống trong một xã hội, xã hội "ưu việt" Cộng Sản! Cái xã hội luôn luôn "phong chức, phong tước" cho con người, "chức" Giáo Sư, "tước", học vi. Tiến Sĩ, "Danh" Anh Hùng Lao Động, Nghệ Sĩ Nhân Dân... một thứ bánh vẽ, ăn không được, nuốt không trôi! 
        Chính quyền Trà Ôn và Cộng Sản cả nước đã làm được gì, để giúp đỡ cho một người như anh, một người xứng đáng được quốc gia đãi ngộ, gấp trăm, gấp vạn lần những tên hại dân hại nước ngu muội, tham quyền cố vị, đang ngồi lì trong Bắc Bộ Phủ, chưa? 

        Trà Ôn, quê Ngoại ngậm ngùi! 
        Tôi quả có nhiều ngậm ngùi với mảnh đất quê Ngoại nầy! Trước hết là hình ảnh bà Ngoại già nua, ít con, hiếm cháu, hằng ngày thui thủi vào ra, hết trông đứa nầy, lại chờ đứa nọ. Má tôi là hình ảnh "sao, chụp" trung thực của Ngoại: hiền lành, tận tụy vì con, quên mất bản thân mình...! Dì Tư, một đời hồng nhan phận bạc, dù con đông, cũng chăm sóc tôi như một đứa con ruột; dì Út, người dì trẻ trung, có nhan sắc, đã cột chặt đời mình bên bà mẹ già, với căn nhà mênh mông, trong mảnh vườn thâm u cô tịch! 
(Nổi ngậm ngùi nầy không phải dể nhìn, dễ thấy. Phải sau khi lập gia đình, tôi mới thấy được một phần, rồi khi con cái lớn lên, thấy tiếp thêm một phần nữa!) 
        Ngày bước xuống ghe theo Má về lại quê Nội, tôi mới thật thấm thía, mới thấy thương Ngoại, thương Dì Út: Ngoại, Dì Út ngồi dưới bến sông, trông theo chiếc ghe lặng lờ rời bến. Ngoại không khóc, nhưng mắt Ngoại thật buồn! Trong giờ phút nầy tôi mới hồi tưởng lại, trong mấy năm qua, tại sao mình có thể ham chơi mà quên mất bà Ngoại? Hằng ngày, ngoài những chuyện thường nhật: sáng mở, chiều đóng cửa, còn thì chỉ lo nhảy cóc, nhảy nhái ngoài vườn. Chủ Nhật thì sang cù lao Mây xem xổ "Đề 36" và hát Bội, hát Cải Lương tới tối mịt mới về bắt Ngoại chờ, Ngoại trông! Ước gì còn được ở lại, thì từ nay mình sẽ giúp ngoại chăm sóc cây trái, sửa sang vườn tược (!?)... Mình tuy chưa "làm" vườn nổi, nhưng "làm" cỏ thì dư sức chứ?

* * *

        Cuối năm 1969, một buổi sáng, tiểu đoàn tôi vừa về dưỡng quân tại Bộ Chỉ Huy nhe. Trung Đoàn ở Cái Tắc thì tình cờ bà xã, và cô em gái út tôi đi xe đò ngang qua, gặp toàn lính quen, mới hay tôi vừa vềụ, dừng xe lại. Bà xả tôi cho biết: Ngoại vừa mới mất hồi hôm! Tôi sững sờ: sao lại có chuyện trùng hợp lạ lùng như vậy? Đơn vị tôi mới vừa về, Ngoại mất tối qua và Ngọc Sương cùng em tôi đang trên đường đi chịu tang thì gặp tôi? Tình cờ hay đây là sự hiển linh của Ngoại?
        Ông Tiểu Đoàn Trưởng "bậm gan" cho tôi đi "phép miệng" 3 ngày để về Trà Ôn chịu tang! (Cũng may, bấy giờ dù Trà Ôn thuộc tỉnh Vỉnh Long, nhưng do địa dư và kinh tế, Trà Ôn vẫn "gần gủi" với Cần Thơ như xưa. Do đó, giao thông rất tiện lợi: cứ mỗi 20 tới 30 phút là có một chuyến đò máy từ Cần Thơ đi Trà Ôn và ngược lại!). 

        Mười lăm năm, sau ngày từ giã Ngoại, con cũng còn may mắn được quì bên linh sàng Ngoại vào ngày Ngoại hồi qui, Ngoại trở về! Về trong nổi chờ mong tròn 30 năm của ông Ngoại! 

Houston, Mùa đông nhớ về Ngoại - nbt 

(*) Trước tháng 04/1975:

- Sinh ngày 27-11-1943 tại Xuân Hòa, Kế Sách, Sóc Trăng
- Nguyên quán: Kế Sách thuộc Cần Thơ (sau đổi thành Sóc Trăng)
- Học Tiểu Học tại Trà Ôn và Phụng Hiệp (Cần Thơ)
- Học Trung Học Phan Thanh Giản (Cần Thơ)
- Động viên cuối năm 1966, 
- Nhập học Khóa 25 Trừ Bị Thủ Đức
- Phục vụ: Tiểu Đoàn 2, Trung Đoàn 33, Sư Đoàn 21 BB (1968-1972)
- Cấp bậc cuối cùng: Đại Úy Bộ Binh, ngạch Trừ Bị 
- 2 lần được Tuyên Dương Công Trạng trước Quân Đội, ba lần trước Quân Đoàn, nhiều lần trước Sư Đoàn..., 
- 4 lần bị thương trận....
- Trước tháng 4/1975 chưa từng cầm bút, ngoại trừ viết thư.
Sau 30 - 04 - 1975:
- Tù "cải tạo" trở về, vượt biển đến Pulau Bidong 1988.
- Được bầu Trưởng Tại trại Tị Nạn Sungei Besi (Malaysia) 1988-1989
- Được bầu Tổng Hội Trưởng Tổng Hội Cựu SVSQ/TB/Thủ Đức Hải Ngoại 3 Nhiệm Kỳ (từ 2000-2006).
- Chủ Tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại- Trung Tâm Nam Hoa Kỳ
"Viết lách":
- Thành viên sáng lập "phong trào Cựu Học Sinh Phan Thanh Giản-Đoàn Thị Điểm" và "Giai Phẩm Phan Thanh Giản-Đoan Thị Điểm" tại Hải Ngoại. 

Nguyễn Bửu Thoại (*)
Nội, Ngoại hai bờ

Bài viết khác