Thứ Bảy, 16 Tháng Sáu, 2012

Bạch Cúc

Tôi sẽ đấm gãy răng hắn, tôi sẽ đánh cho chiếc ví đã sờn và bị mọt ăn rơi ra khỏi bàn tay thô lỗ và đầy lông lá của hắn; tôi sẽ ép cho con mắt hắn rớt ra khỏi tròng hay làm vọt hơi ra khỏi mắt, mí mắt bắt đầu co rúm lại, sau đó nước mắt chảy ràn rụa rồi đổi sang màu xanh, con ngươi sẽ sưng vù lên và hắn sẽ không còn khép mắt được nữa, hai con mắt sẽ biến thành chất lỏng và tan biến? biến mất dưới hai mi mắt? Tôi sẽ giết hắn với hai bàn tay nàỷ Tôi sẽ xé xác hắn ra, tôi sẽ vui thú nhìn những mảnh thịt đỏ của hắn? Nếu hắn muốn tôi làm nhanh thì tôi đã về tới nhà rồi bởi vì vào lúc này tôi không phải đi tới các tiệm khác, việc buôn bán mệt mỏi biết chừng nào.

Tôi có thể đọc xong cuốn sách, tôi có thể đến hồ bơi hay tới nhà Adya, bạn gái của tôi.

Tôi đã mười sáu tuổi. Hai bên thái dương phật phồng, mạch máu chảy nhanh hơn, tim đập mạnh hơn. Nhưng khi nghĩ tới việc trả thù, nếu hắn bị mù hay bị giết có nghĩa là mức thu nhập của gia đình tôi sẽ bị giảm hẳn xuống. Vào lúc này cha làm việc quá cực nhọc vì có nhiều cạnh tranh.

Tôi nhìn hắn với sự ngưỡng mộ giả tạo. Tôi biết là nước mắt đang ứa ra.

- Ông kiếm được nhiều tiền quá, ông Van Manan ạ. Tại đây ông kiếm được nhiều tiền, đó là điều lạ lùng trong cộng đồng nghèo khổ này. Ông biết cách cư xử với khách hàng, ông đã ngồi trên đầu họ. Không ai có thể làm thương mại như ông được.

Giọng nói một đứa trẻ như tôi mang tội lỗi gì ngoài sự thành thật. Tôi muốn buồn nôn. Trước kia tôi thường sợ hãi những tương phản giữa cách cư xử bên ngoài với ý nghĩ thực trong đầu. Giờ đây tôi đã làm được như vậy vì chỉ lý do buôn bán. Tôi vui mừng vì có thể ca ngợi một người mà hôm trước đã không tiếc lời sỉ vả hắn với đám bạn bè.

- Hố, hố. Mày thử đoán trong chiếc ví này có bao nhiêu tiền?

Hắn nhìn thẳng vào đôi mắt hau háu của tôi rồi đập đập chiếc ví da trước mặt tôi. Hắn lập lại với giọng nói hung dữ bất thường:

- Mày có đoán được không? Cha mày không biết cách làm tiền, ông ta không biết đến những điều căn bản về việc kiếm tiền.

Hắn mở chiếc ví ra. Chúng tôi đang đứng trên chiếc gác xép, lưng hắn dựa vào chiếc tường phủ đầy rêu xanh. Dưới ánh sáng vàng yếu ớt của một ngọn đèn dầu đặt trên bàn, tôi nhìn thấy một bó tiền bẩn thỉu. Hắn cười toe toét, gương mặt đầy góc cạnh với chiếc hàm dưới rộng, hai gò thái dương gồ lên. Chắc là các thầy tướng số phải đoán hắn là con người đầy dục vọng. Còn đôi mắt tham lam nhìn như thôi miên người khác dưới hàng lông mi dầy không đều. Hắn rút ra một tờ giấy bạc cầm bằng hai ngón tay rồi rung lên, tiếng sột soạt giống như cành dương liễu đập vào nhau trong đêm gió bão. Lúc này, một tay hắn tì trên bàn đầy hoa. Hắn trạc ngoài bốn mươi tuổi, thân hình to lớn kềnh càng, có một bà vợ gầy gò xanh xao. Bà ta thường đứng ngay cửa ra vào với nụ cười uể oải mệt nhọc. Họ không có con cái gì cả.

Hắn nói như quát với tôi:

- Ðếm đi.

Mùi ẩm thấp của căn gác xép xông lên mũi, chung quanh chúng tôi là những thùng đựng những hoa, nào là thược dược, lay ơn, cẩm chướng, hồng, huệ. Tất cả như có màu tái. Phía sau lưng tôi là chiếc thang bước xuống cửa tiệm phía dưới, nhưng chiếc cửa đã đóng. Mỗi lần chúng tôi lên lầu, hắn thường đóng cửa lại. Tôi cầm bó bạc trong tay.

Hắn nhìn tôi như soi mói:

- Ðếm, đếm đi, đồ khỉ.

Tôi không phản kháng mà chỉ muốn đếm cho xong mớ bạc rồi đi về, phải đếm cho xong. Tiếng động ngoài phố vang vọng bên tai, mặt trời ngoài kia có lẽ mọc cao rồi và trời chắc nóng lắm. Các bạn tôi giờ đây chắc đang ở hồ bơi hay đang uống bia tại tiệm Riche National hay Velper Square. Tôi đếm? đếm? nhưng đếm nhầm. Tôi liên miên nghĩ đến nhiều chuyện quá, rồi Adya, có lẽ đang đợi tôi dưới hầm nhà vì bố nàng cấm tôi gặp nàng. Những chuyện nọ quyện vào chuyện kia trong trí làm tôi không thể nào tập trung tư tưởng được nữa. Ý của hắn là ý trời. Hắn tưởng là tôi phục hắn lắm, nhưng hắn phải thông minh một chút để biết là tôi ghê tởm hắn chừng nàỏ Ðằng sau tôi là chiếc cầu thang sẽ đưa tôi ra khỏi đây, ra khỏi chiếc gác xép tối tăm ma quỷ này, thoát khỏi đôi mắt hung dữ lúc nào cũng nhìn chằm chập vào tôi.

Giọng nói ồ ồ, một giọng nói ồm ồm quái đản đặc biệt mà chưa bao giờ tôi nghe thấy:

- Tiếp tục đếm đi.

Cuối cùng tôi đưa bó bạc cho hắn:

- Ông giàu quá. Bốn mươi cả thảy, bốn mươi bó một trăm guilder. Tôi chẳng bao giờ có món tiền này cả. Tôi không hiểu sao ông kiếm được nhiều tiền đến thế. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy món tiền lớn như thế này, cả cha tôi cũng vậy.

Ðây là những lời hắn mong tôi nói, mỗi lần nói tôi thường thay đổi đi chút ít, nhưng đại khái đều tương tự như nhau.

- Ông là một nghệ sĩ cắm hoa tài ba nữa. Tôi chưa từng thấy người nào làm một vòng hoa phúng điếu đẹp và nhanh như ông.

Hắn bỏ tiền vào ví rồi đút vào túi chiếc áo dài bẩn thỉu rồi ra lệnh cho tôi:

- Tới đây, đứng ngay đây.

Tôi đứng lại gần chiếc bàn. Hắn với tay lấy chiếc khuôn treo trên tường:

- Tao sẽ cho mày thấy một chuyên viên làm vòng hoa phúng điếu như thế nào. Không cần dao kéo gì cả, chỉ hai bàn tay không mà thôi.

Hắn thọc tay vào những chiếc xô, cầm hết nhánh hoa này rồi tới nhánh hoa kia, ném tất cả lên bàn.

- Nhìn xem tao làm như thế nào.

Hắn nắm hai cành hoa một lúc, bẻ bớt cọng rồi uốn vào chiếc khuôn. Nào là hoa huệ, lay ơn, thược dược? hắn làm với tốc độ thần tốc, miệng gầm gừ như con chó đói, nước dãi chảy ra ở khóe miệng. Cuối cùng hắn ném cho tôi cái nhìn chiến thắng và mỉm cười nửa miệng. Tôi hiểu là hắn đang đợi lời ca tụng của tôi. Ðối với tôi, những vòng hoa tang kia chẳng khác nào những lời nguyền rủa, kích động và dơ bẩn mà hắn muốn gởi cho người chết. Ví dụ như có lần hắn nói với tôi:

- Mày có biết cô ta bao nhiêu tuổi không? Chưa đầy ba mươi đó. Cô ta có thể ngủ với bất cứ người đàn ông nào, cô ta lại luôn luôn làm theo ý mình vì vậy bị mọi người xa lánh. Mà chẳng hiểu vì sao mà chết nữa.

Trong khi nghe những mâu thuẫn khó hiểu đó, tôi thường chỉ giả bộ chăm chú nghe, đôi khi hắn nói:

- Ðừng nhìn tao như vậy.

Tôi chẳng biết làm gì hơn, hắn cắm chiếc hoa cuối cùng vào cái khuôn, dưới mắt tôi đó là một vòng hoa quái đản, nhưng khi đem tới nghĩa địa lại được bao nhiêu người ca tụng. Hắn cầm chiếc bình nước vẩy vào vòng hoa. Căn gác xép trở nên nóng, không một luồng gió nào lọt vào, chiếc cửa ngăn cách hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Tôi nhìn chiếc bóng của hắn trên tường, những cử động đầy nhiệt tình và ma quái.

Thình lình, một tay hắn nắm xiết lấy tay tôi, tôi thấy đau buốt tới xương, tay kia nắm gáy tôi rồi dí mặt tôi xuống vòng hoa mới làm, mặt tôi ngụp lặn trong nhựa hoa, mồm tôi đầy những cánh hoa. Tôi sặc sụa, dẫy dụa.

Vợ hắn dưới nhà nói vọng lên:

- Có khách, có điếc không vậy, đồ khốn nạn.

Hắn buông tôi ra và mở cửa đi xuống. Tôi lấy chiếc khăn lau mặt. Tay tôi cũng đầy nhựa tím. Tôi đứng im lặng, lòng tràn niềm uất hận, rồi cũng theo hắn đi xuống nhà dưới như con chó chạy theo chủ vậy. Vợ hắn đứng gần cầu thang, người ốm teo như cây sậy.

Mỗi lúc khách khứa tới càng nhiều. Hắn nghênh ngang đi đi lại lại, tung hứng những bó hoa, miệng cười cười nói nói và chửa thề hung dữ. Trong cơn kích thích, hắn tặng một bà khách một cành hoa hải đường. Khi khách đã đi hết, hắn hỏi tôi số tiền mà tôi đã giao hoa bữa nay. Hắn nói:

- Ngày mai mang tới hai mươi lăm bó dương xỉ nữa nhé.

Khi bước ra khỏi cửa tiệm, nhìn mặt trời tôi có thể đoán là đã gần trưa. Hắn giữ tôi gần hai tiếng đồng hồ. Nghĩ tới đây tôi bật khóc.

Trong những tuần sau đó, cha tôi đi giao hàng thay cho tôi.

Cha tôi có một vườn ươm cây nhỏ trong làng rất gần thị trấn. Chung quanh vườn là hàng cây trăn to sừng sững với những bụi cây gai mọc ở giữa. Một bên vườn là nghĩa địa Công Giáo, một bức tượng chúa Giê Su to lớn được dựng bên một cây phong. Tôi thường nghe ông lẩm bẩm trong khi săn sóc luống hoa: ?Ngươi đừng làm ra những hình ảnh cho chính người hay giống như bất cứ vật gì trên trời kia hay dưới mặt đất kia hay dưới mặt biển kia. Ngươi cũng sẽ không cúi đầu trước những hình ảnh đó hay thờ phụng chúng?.

Làm việc trong vườn hoa là một lạc thú của cha. Mục tiêu chính của vườn là trồng cây dương xỉ. Ông làm việc với tất cả tấm lòng, săn sóc cẩn thận từ cái mầm nhỏ tí tới cây đã trưởng thành. Tôi vẫn còn nhớ tên La-tinh các giống như: adianthum fragans, tremula wimsetti, pellea rondiflorả

Các tiệm bán hoa thường dùng vào việc làm các vòng hoa phúng điếu. Những cây hoa này thường không cao quá năm mươi centimét, nhưng có khi cao tới trên ba mét. Mặc dù cha tôi thấy việc quản lý có gì sai, nhưng ông không muốn thay đổi. Ông cũng không hạ thấp mình đi bỏ mẫu tại các tiệm, ?Nếu họ muốn mà không gọi hàng thì đó là một điều đáng buồn?. Ông là một người sùng đạo và không mong mỏi điều gì ở người khác cả. Ông thường hát những bài thánh kinh trong phòng khách vào khoảng tám giờ sáng ngày chủ nhật trong khi tôi vẫn còn nằm trên giường suy nghĩ về buổi party vào tối hôm trước. Cũng có những lần, thường thì vào mùa hè, khi những chiếc khay đầy những hoa phong lữ đẹp như gấm, cây giọt băng đầy màu sắc, lúc đó việc buôn bán rất khá. Nhiều lúc mẹ tôi và tôi thay ông gọi điện thoại cho các tiệm hoa để hỏi xem họ có cần loại nào không. Có khi hàng ngàn cây huyền sâm nở rộ một lúc. Cắt bỏ thì chẳng khó gì, nhưng gọi mời các tiệm mua thì ít khi có kết quả. Khi gọi đến cho họ, ông nói thật nhỏ nhẹ như sợ làm phiền người mua. Khi đặt ống nghe xuống và không bán được một cây nào, ông thường nói:

- Ðấy nhé, bố đã cố gắng rồi, chúng ta chỉ làm được như vậy thôi, thành công hay không là tùy vào thượng đế.

Mỗi khi nghĩ đến công việc trồng trọt cực khổ của cha, tôi không thể nào an tâm được. Tôi đang theo học lớp sư phạm trên tỉnh. Ngồi trong lớp không lúc nào là tôi không nghĩ tới ông. Khi có thời giờ tôi thường giúp ông, sau giờ học tôi đạp xe về nhà phụ ông, sau đó mới đạp xe trở lại tỉnh, đằng sau chiếc xe là chiếc thùng gỗ vuông cột chặt đựng các mẫu, tôi thay cha gọi đến các tiệm hoa trong tỉnh và tôi thường thành công với những mối hàng nhỏ. Tôi lại trở về nhà chọn lựa hoa với ông, đựng vào trong những chiếc hộp rồi lại trèo lên chiếc xe ba bánh đạp về tỉnh.

Tôi làm việc không mệt mỏi. Tôi phải đạp thật nhanh vì các cửa tiệm thường đóng cửa lúc sáu giờ chiều và lại còn nằm rải rác khắp nơi. Ðối với tôi, một buổi chiều đạp sáu mươi tới bảy mươi cây số là chuyện thường.

Một buổi chiều, chúng tôi đứng bên cạnh bồn nước trước nhà. Những con chuồn chuồn bay lơ lửng hay bất động trong không khí. Chúng tôi nhìn vào vườn ươm bất chợt nhận thấy một tai họa: rễ cây phong nhú ra khỏi chỗ rạn của chiếc tường nhà ươm. Lúc này cha tôi đau nhiều nên không chú ý thấy. Những cơn đau nơi cổ và tay làm ông thường mệt luôn. Ông nói với tôi:

- Con là đứa con ngoan.

Tôi thấy ông chảy nước mắt. Ðây là lần thứ nhì tôi thấy ông khóc.

Van Manan là một trong những chủ tiệm mà cha tôi cung cấp hoa đều đặn. Ðã bao lần tôi ao ước có đôi tay to lớn với những ngón tay to và rắn chắc, thân hình cao lớn lực lưỡng như vậy. Ðã bao nhiêu lần tôi tưởng tượng hắn ta đang thở hổn hển, năn nỉ tôi trong khi bàn tay run rẩy làm chiếc ví đầy nhóc tiền rơi xuống đất? Nhưng hắn ta mua rất nhiều hoa và nghề trồng hoa của cha tôi không thể tiếp tục được nếu không có hắn.

Việc hành hạ tôi trên gác xép hôm nào không nghĩa lý gì cả nếu so sánh với việc hắn đã sỉ nhục cha tôi. Ðó là một việc làm hung dữ, một tội ác, một sự xảo trá bội bạc mà tôi chỉ có thể ghi khắc lại trong tâm trí với dòng nước mắt mà thôi và mãi mãi chẳng bao giờ quên. Ðầu tiên tôi nghĩ là chỉ ghi lại trong lòng và tôi sẽ chôn chặt trong trái tim tôi. Những hình ảnh đó in sâu đậm trong trái tim tôi mãi mãi. Nhiều khi tôi muốn tự trừng phạt vì đã gợi nhớ những hình ảnh này, nhưng tôi lại cho đó là một điều cần thiết. Ý nghĩ trả thù là một chất độc dày vò tâm trí tôi, tôi không cần dấu diếm về hắn cũng như nơi cư ngụ của hắn.

Tiệm hoa Van Manen nằm ngay tại góc đường Rosendaal Road và Hof Avenue. Tiệm đó có hai cửa sổ trưng bày quay ra cả hai con đường. Một bên là khu nhà lao động màu xám thu mình như một con quái vật khổng lồ thu mình được xây từ thế kỷ mười chín, một bên là một tu viện có những bức tường ngoằn ngoèo bao quanh, phía trong là những cây anh đào và những đàn cây lê có những trái chín mọng đỏ. Cửa hiệu bán hoa Van Manen nằm ngay giữa thế giới giàu và nghèo này.

Vào tuần lễ cuối cùng tháng mười, ban đêm trời hơi lạnh. Ngòai vườn, những chùm hoa thược dược đã biến màu thành đen. Một làn sương mù mỏng đã che phủ các căn nhà, vườn ươm cây cùng những đống phân trộn.

Thứ Sáu, chỉ còn hai ngày nữa là tới ngày lễ các Thánh của đạo Công Giáo. Lúc đó là mười một giờ sáng. Hắn kêu lại cho cha tôi:

- Ðem cả vườn hoa lại đây. Tổ cha nó chứ, chúng nó hốt tất cả tiệm rồi.

Cha tôi hơi nhấc chiếc máy ra khỏi tai ông và khẽ nhíu mày. Ðôi mắt xanh của ông sáng hơn bình thường.

- Còn giá cả thì sao? Giọng nói của cha tôi nhẹ nhàng và như rụt rè. Rõ ràng là ông lo ngại giọng nói thô lỗ ở phía đầu dây bên kia.

- Giá cả, mẹ nó, hố, hố, giá cả. Không ai có thể than phiền tiệm hoa Van Manen này được cả. Van Manen luôn luôn trả hậu mà.

Tôi và mẹ đang đứng gần chậu nước mà cũng nghe giọng nói to và thô lỗ của hắn. Cha nói tiếng cám ơn rồi đặt ống nge xuống, có vẻ như còn giận vì lời nói bổ báng của hắn. Sau hết ông cũng gọi đến cho con người ghê tởm đó, nói là đó không phải là ý của ông mà do vợ và con bắt ông phải hỏi giá cả trước. Cha tôi khôn khéo giải quyết vấn đề cho đi qua. Mẹ nhìn ông phân trần:

- Thấy chưa, ngày nay ông phải gọi đến cho khách hàng. Họ không gọi cho ông nữa đâu. Ông phải cho họ biết là mình có hàng tốt, nếu không thì chỉ có cách là ném công lao của ông vào đống rác kia thôi.

- Ðúng vậy, đó là điều đáng buồn. Năm nay hoa nở đẹp quá, lá lại mọc nhiều nữa, nhưng điều quan trọng hơn hết là nở đúng thời hạn, không sớm quá mà cũng không muộn quá. Mình có thể bán vào tuần cuối của tháng mười được.

Tôi nói với cha:

- Con sẽ giúp cha đóng thùng. Cha phải đi giao hàng vì chiều nay con có lớp.

Tôi theo ông vào nhà kiếng. Trên những dãy bàn phía bên phải và trái là những hàng cây hoa bạch cúc. Thật trắng, sáng chói làm cho tôi phải nhắm mắt lại một vài giây. Từng cụm hoa nặng trĩu đong đưa trên thân cây mảnh khảnh. Năm nào cũng vậy cứ vào mùa này là có rất nhiều đòi hỏi hoa cúc. Người ta mua chúng để đặt trên mồ mả trong dịp lễ các Thánh. Cha thì bực mình vì ông nghĩ đến việc trồng hoa để phục vụ cho việc sùng bái ồn ào như vậy. Tuy vậy việc buôn bán lúc này cần thiết hơn vấn đề lương tâm.

Tôi mang từng bó cúc ra phòng làm việc. Tôi phải ôm lấy nó để tránh các cuống hoa bị gãy. Chúng tôi cẩn thận rửa những chiếc chậu hoa, dùng bàn chải cứng tẩy hết mốc xanh đi. Khi làm công việc này, tôi giữ cây hoa còn cha thì chà chậu để tránh những xê dịch có thể làm cho gãy cành. Tôi nói với cha:

- Chưa bao giờ cúc đẹp như năm nay. Rất có giá trị.

Cả hai chúng tôi đều thích thú với công việc và không nói nhiều. Chúng tôi dùng giấy báo bao chúng lại.

- Con cho là nên bao hai lần giấy để những cánh hoa khỏi bị sương mù. Chúng mong manh quá và dễ biến ra màu nâu.

Chúng tôi dùng những chiếc ghim kẹp giấy báo ở đầu bó hoa lại rồi xếp vào thùng, chung quanh để thêm dăm bào và chèn thêm giấy. Cả thảy tám thùng, mỗi thùng một chục chậu hoa. Cha mặc đồ ấm: áo ấm, mũ có đồ che tai. Trước khi đi, ông hút một điếu xì gà, tôi thấy ông rất vui, nhìn tôi cười. Tôi thấy mẹ nhìn theo cho đến khi cha và chiếc xe ba bánh khuất hẳn sau những hàng cây.

Một giờ sau đó tôi trên đường từ trường trở về nhà. Tại tỉnh Ọ, tôi đang thực tập môn sinh vật với các học trò mười ba tuổi. Trời bắt đầu đổ mưa. Trên chiếc xe đạp, tôi cúi đầu thấp xuống tận chiếc ghi đông xe. Chiếc kính cận thị bị ướt và hơi nóng làm mờ đi. Tôi đang đạp qua Insula Dei - một chiếc nhà Thiên Chúa Giáo lập ra nuôi những người tàn tật, đau ốm và già nua. Tôi không còn nhìn thấy gì nữa nên phải ngừng xe để lau kính. Và tôi gặp cha đứng ở đây. Những mảnh giất tơi tả đang bay tung trong chiếc xe, vài tờ bị thấm nước vắt ngang qua thành xe. Những cành hoa cúc bị xếp đống vô trật tự trong xe và những cánh hoa mảnh dẻ trơ ra với mưa và gió. Tôi băng qua đường. Tôi thấy hầu hết thân hoa bị gãy, những cụm hoa gãy gục bẩn thỉu. Tôi nhìn cha, nước mắt cha chảy. Tôi không nói gì. Một lúc sau ông nói, trong khi trời bắt đầu mưa nặng hột với những luồng gió rét mạnh thổi qua:

- Cha mở các bó hoa ra. Lúc đó trong tiệm có rất nhiều khách hàng. Hắn rút một nhánh bạch cúc bằng cái cụm ở đầu làm cho nó bị gãy, cả chiếc chậu hoa rơi xuống đất. Hắn la lên: ?Ðồ gian lận, đồ gian manh mang rác rến lại tiệm tao. Ðem ngay đồ rác rưởi này ra khỏi tiệm ngay tức khắc. Tiệm này không phải là nơi đổ rác? Những người khách trong tiệm cười ồ lên, sau đó cha phải dọn tất cả ra xẻ.

- Còn người vợ đâu?

- Thì vẫn đứng bên cửa ngó vậy thôi.

- Bà ta không nói gì à?

- Không, bà ta không nói gì, cha nghĩ là bà ấy cười hùa theo nhưng không can thiệp vào.

Tôi hôn lên trán cha rồi đạp xe theo sau. Buổi chiều hôm đó, chúng tôi không nhắc nhở gì tới Van Manan cả. Cha ngồi đọc cuốn ?Noi gương Chúả của Thomas và Kempis. Tôi không thấy ông giở trang, nhìn qua vai ông, tôi thấy mắt ông nhìn vào đoạn cuối chương tám cuốn đầu: ?Chỉ muốn được biết đến Chúa và các Thánh Thần nhưng không muốn làm quen với loài ngườỉ.

Khi tôi trưởng thành thì cha đã mất nhưng mẹ còn sống và ở với tôi. Thực là may mắn, tôi đi dạy học và có một số lương đủ sống, thỉnh thoảng tôi cũng làm thơ nhưng chẳng bao giờ quên được tên khốn nạn đã nhục mạ cha tôi. U sầu, phiền muộn và tâm trạng tôi lúc nào cũng không được yên. Tôi không còn nhớ đã biết bao nhiêu lần đậu xe, ngồi im lặng bên lề phố Hof Avenue, tay cầm một viên gạch. Tôi đợi, chờ đợi trong bóng tối sau hàng cây thủy lạp, lòng tràn đầy hận thù.

Tôi chăm chú theo dõi, tính toán rồi lại bỏ cuộc. Nhiều lần tôi bắt gặp hắn hay vợ hắn nhìn thoáng ra phía tôi. Một cái bóng, cái bóng mờ của một cái bóng mà thôi, rồi tim tôi đập mạnh. Tôi chỉ đứng im lặng, viên gạch nóng bỏng trong tay. Tôi là đồ gà chết, tôi đợi chờ một dịp tốt hơn hay để tự thời gian làm việc vậy.

Một ngày kia, tôi mặc một bộ đồ vét nhạt màu, chiếc áo sơ mi có sọc xanh và một chiếc kính có cái gọng to. Hắn sẽ không nhận ra khi tôi ăn mặc như vậy. Khi tới khung cửa trưng bày, tôi nhận thấy tên hiệu đã thay đổi. Một người đàn bà trẻ bước ra với một bó bạch cúc. Tôi hỏi thì bà ta cho biết là hắn đã chết cách đây vài tháng. Tôi hỏi thêm chi tiết.

- Một hôm hắn không ngồi dậy được, hai chân bị tê liệt. Tại bệnh viện hắn được khám và cho biết là bị xuất huyết não và bắp chân bị co giật. Phần dưới thân bị liệt và rất khó nói.

Bà ta kể tiếp:

- Nhưng dần dần tình trạng cũng khả quan. Hắn phải ngồi xe lăn và thỉnh thoảng cũng tới tiệm.

Tôi ngắt lời bà ta:

- Trước khi kể tiếp, bà cho biết người vợ hắn ra sao?

Bà ta nhún vai:

- Tôi không biết nhiều về bà ta. Tôi có nghe là hình như bà ấy biến mất không vết tích gì khoảng một tháng trước khi hắn bị bệnh, có người nói là bà ta chết sau một biến cố thật đau buồn, có người nói là bà ta về ở với người em ruột, có người cũng nói bà ta tự tử, chẳng ai hiểu rõ cả.

- Rồi cuối cùng ông ta ra sao?

- Một bữa kia, ông ta định tới nhà người anh sống ở dãy phố đằng kia.

Bà ta chỉ về phía sau lưng tôi.

- Có lẽ chiếc thắng của chiếc xe lăn hỏng hay sao mà đâm thẳng vào chiếc xe ủi đất. Ông ta chết ngay tại chỗ.

Tôi cố cầm lòng nhưng bụng tôi đang reo hò vui mừng. Tôi vào nhà thờ cất cao lời cầu nguyện. Tôi ôm lấy chiếc cột to lớn nhảy múa. Tối đó, tôi uống gần hết chai rượu.

Sáng hôm sau, tôi dậy sớm và thấy nhức đầu. Khi trời sáng rõ tôi ra nghĩa địa, đặt trên mộ hắn một bó hoa bạch cúc.

Nhưng tôi đã đập cho bó hoa tan nát trước khi đặt trên mộ phần của hắn.

 

Tác giả: Jan G. Siebelink sinh năm 1938, dạy Anh văn tại một trường đại học Hoà Lan và cộng tác với tờ De Haagse Post mục văn học Pháp. Nhiều truyện ngắn của ông đã được đăng trên các tạp chí văn học quốc tế.

Trần Hồng Văn phóng tác 

Bài viết khác