Thứ Tư, 13 Tháng Sáu, 2012

Trường sơ cấp Vĩnh Hòa

Ngôi trường bé nhỏ mang tên Trường Sơ Cấp Vĩnh Hòa nằm cạnh Nhà Vuông hay Nhà Việc, nơi nhóm họp của ban Hội Tề, (nay gọi Hội Đồng Xã), ngó mặt ra đường đi Bến Vựa. Phía sau trường cách một hang rào me keo và mấy giồng khoai lang trồng trên đất làng là ngôi Đình Thần cổ kính.
Trường nhỏ một gian, tường gạch mái ngói âm dương, mà hai lớp học: Lớp Năm và lớp Tư, nhưng chỉ có một thầy.
        Thầy giáo Lê Văn Định, người làng quen gọi “thầy giáo Định”, đã có vợ con nhưng còn trẻ. So với các thầy giáo khác cùng thời thì ông thuộc loại “thầy hiền” vì ít đánh học trò và không dùng hình phạt khắc khe để trừng trị những đứa phạm lỗi hay lười biếng. Thầy chỉ có một tật “đáng yêu” là lúc gặp các cô gái đẹp thì nhoẻn miệng cười duyên để lộ chiếc răng vàng lắp lánh cẩn trái tim màu hồng ngọc.
Vì kiêm hai lớp nên sau một lúc giảng bài cho lớp Tư được ít câu thì bước sang lớp Năm nói lai rai vài tiếng. Học trò không đông, mỗi lớp chỉ có bốn bàn dài, mỗi băng ngồi bốn đứa, tổng công không tới bốn mươi. Con gái chiếm hàng đầu, con trai ngồi phía sau, trò nào to con lớn tuổi thì ngồi sau chót. 
        Trên mặt bàn trước mặt mỗi trò có khoét một lỗ nhỏ vừa để cái hủ trắng bằng sành đựng mực, thầy gọi cái “gaudet”. Mực tím do trường cung cấp, hết châm thêm, phấn viết bảng cũng vậy, trò nào phí phạm sẽ bị đòn. Bàn kê gần nhau lại không có vách ngăn nên học trò hai lớp có thể nghịch ngầm thụi nhau hay nói chuyện thì thào. Thầy thấy được là bắt quì gối.
        Sân trường khá rộng, trồng mười cây sao cao ngất lấy bóng mát cho học sinh chơi. Gần Tết, gió trở mạnh, trái sao rụng đầy quay tít trên không trông đẹp mắt. Mùa hè tiếng ve sầu kêu sa sả, buồn ơi là buồn. 
        Trái sao giống trái dầu nhưng nhỏ hơn, có hai cánh xòe ra như cánh chuồn chuồn, trẻ con nhặt ném lên không làm chong chóng vui đáo để. 
Sân chơi cũng chia hai, từ trường nhìn ra lộ, bên phải là sân con gái, bên trái là sân con trai. Cuối sân con gái là một hàng rào xương rồng cao ngang ngực làm ranh giới nhà trường và đường mòn đi ra ruộng, có cái giếng hộc sâu thăm thẳm, gọi là giếng làng cung cấp nước ngọt quanh năm cho cả xóm. Trưa nào các cô gái cũng ra xách nước, xăn quần cao đùi trắng nõn, đứng trong lớp nhìn ra thầy cười thấy răng vàng.
        Thỉnh thoảng có vài con rắn đi đêm rơi xuống giếng, dịp tốt cho chú Sáu Hộ nhà xéo bên kia đường được món nhậu ngon.
        Phía sân con gái có dựng vài phương tiện thô sơ cho học trò chơi thể dục như leo dây, xích đu, đi cầu khỉ v.v. nhưng chỉ có con trai chơi còn con gái thì nhảy dây, đánh đũa, nhảy nhà. 
        Mỗi sáng trước khi vào lớp, học trò có 20 phút hoặc nửa giờ tập thể thao, làm những động tác dễ dàng như khòm lưng, vặn mình, đánh đưa tay lên xuống, chạy vòng sân v.v.. Ngoài ra còn một cuộc chơi mà trò nào cũng thích là “chim bay, cò bay”.
        Học trò sắp thành vòng tròn, thầy giáo chỉ định một đứa đứng giữa làm nhưn, vừa nhảy dựng hai tay quạt hư cánh chim, vừa hô to: 
-Chim bay.
Tất cả hô lớn và làm theo:
- Chim bay.
Trò đứng giữa lại hô:
-Cò bay!
Lại hô đồng loạt:
-Cò bay!
Bất ngờ trò “nhưn” đổi chiến thuật hô “trật chìa”:
-Ngựa bay.
        Trò nào không đề ý sẽ hô theo “ngựa bay” tức thì bị bắt chạy hai vòng sân rồi thay vô làm nhưn. Cả lớp được trận cười ngặt nghẽo.
        Đám chăn trâu, vốn không ưa học trò, nên mỗi lần cỡi trâu qua thấy học trò tập thể thao bèn hát chế giễu:
Tập thể tháo
Quần xăn cho gọn
Bới tóc cho cao
Đá mẹ vợ té xuống ao
Cho biết tài chàng rể 
Học trò cười rúc rích, mặt thầy giáo hầm hầm.
        Trước cổng trường có một tấm bảng gỗ hình chữ nhựt bắt bù lon trên hai trụ xi măng. Bảng khá to sơn trắng có hàng chữ Pháp màu xanh “École Primaire Complémentaire de Vĩnh Hòa”. Chữ nầy do đích thân thầy giáo Định vẽ vì sợ giao thợ vườn lở viết sai sẽ bị “ông Đốc” khiến trách mất uy tín với làng xã.
Giữa sân trường có một cột cờ. Mỗi sáng trước khi vào lớp, học trò phải sắp hàng chào cờ tam tài, thầy giáo dạy hát ọ ẹ vài câu quốc ca Pháp nhưng chẳng trò nào thuộc, xong tất cả chìa tay cho thầy khám vệ sinh.
        Ông giáo cầm lăm lăm cây thước kẻ, cô cậu nào ở bẩn sẽ bị quất vào tay, mếu máo. Sáng nào khám vệ sinh cũng có đứa bị đòn. Trẻ con nhà quê, ngoài giờ học còn phải phụ giúp cha mẹ công việc đồng áng. Chiều về tắm sông tám ruộng, làm gì có nước ngọt nước trong. Thế mà thầy giáo vẫn không thông cảm, cứ đập.
        Đôi lúc có ông đánh trẻ con cho hả giận hoặc bõ ghét. Hôm nào ở nhà bị bà giáo lèng èng là bửa đó bỏ đời mấy đứa nhỏ. Nếu thầy có tư thù với bố mẹ học sinh thì vô lớp lôi cổ thằng con ra đập. Chỉ tội thằng bé bị đòn đau mà không biết bị lỗi gì.
Xưa kia, thầy giáo được quyền “hành hạ” học sinh nên lắm ông sáng chế nhiều hình phạt rất độc đáo.
Như bắt học trò chụm năm ngón tay lại rồi đập xuống đầu ngón, đau vãi đái ra quần. Ngoài ra còn quì xơ mít, đánh ống quyển, xách tai, véo mũi... Cha mẹ có xót cũng không dám hé môi vì sợ con bị đuổi học.
        Lắm thầy còn dùng ba loại roi làm tiêu chuẩn trừng trị học trò: Roi cá đuối, roi mây và thước dẹp. Tội nặng quất bằng roi cá đuối. Loại roi nầy ác hại nhứt, vì đuôi cá đuối có gai, đánh bật máu. Cậu nào lì lợm mấy cũng phải ngán.Tội vừa vừa quất roi mây, xong trận đòn đít nổi lằn như con đỉa. Tội nhẹ thì đánh bằng thước dẹp, tê buốt đỏ da không tì vết.
        Lớp Tư có thằng Đậu nhà ở Bến Vựa, ngày nào cũng bị đòn vì lười biếng không thuộc bài. Biết thân nên nó lén mặc một lúc ba cái quần tiều vải bố dầy cộm cho đỡ đau. Ông giáo khám phá được bèn bắt trật quần nằm sấp xuống đất, quất tám roi mây quắn đít. Thằng bé khóc bò lê bò càng vừa đau vừa xấu hổ với con gái.
        Giáo làng còn chưa độc đáo bằng ông đốc Trinh. Ông nầy dạy hay nhưng nổi tiếng đánh học trò. Đặc biệt là bịt tai trái tát tai phải, khiến “tội nhân” quay mòng mòng, long óc ù tai, mắt tóe đom đóm mấy ngày chưa tỉnh.
        Có trò sợ đòn quá phải trốn học. Thầy giáo cho mấy học sinh lớn vóc đi tìm bắt, trói lại bỏ lên võng khiêng về trường trị tội. 
        Chế độ giáo dục thời Pháp thuộc tồi tệ như vậy trách sao chẳng đẻ ra lắm quái thai và đào tạo những kẻ nửa người nửa ngợm, sâu dân mọt nước làm hại xã hội.
        Bàn viết, ông giáo gọi là bureau đặt trên bục gỗ, kêu estrade, nhìn xuống hai dãy bàn học trò. Hai tấm bảng đen có trục quay dựng hai bên. Trên tường sau lưng thầy treo bức ảnh bán thân Thống Chế Pétain đội mũ hoa lá cành trông uy nghi lẫm liệt. Dưới chân dung là hàng chữ Pháp: “Travail, Famille, Patrie” Ông giáo cẩn thận dịch ra tiếng Việt, treo bên cạnh “Cần lao, Gia đình, Tổ quốc”!
        Bên phải là câu nhựt tụng cũng bằng tiếng Pháp mà học sinh nào cũng phải thuộc lòng: “Soyons digne de nous mênes, de la France et du Maréchal Pétain” kèm theo bản dịch: “Chúng ta phải làm sao cho xứng đáng đối với chúng ta, đối với nước Pháp và đối với quan Thống Chế Pétain” !
        Bên tay trái là hình chợ Saigon thật lớn người xe nhộn nhịp. Có loại xe thổ mộ lạ lùng do ngựa kéo giống cái mã vôi. Ai không biết thì thầy sẽ giảng ra điều thông thạo:
-Chỗ nầy gọi là bùng binh, kế chợ Saigon. Các đường chánh đều đổ về đây, xe hơi chạy ào ào trông chóng mặt. 
        Ngoài hành lang có treo chiếc trống chầu khá lớn, sơn đỏ chói dùng đánh báo giờ. Còn mười lăm phút tới giờ vô lớp thì đánh một gồi ba dùi, gọi là “trống tựu”. Mục đích cho các học sinh còn lang thang mê chơi đâu đó, nghe tiếng trống phải vội vã “tựu” về trường. Đúng giờ học, đánh một hồi dài gọi là “trống vô”. Sau hồi trống nầy trò nào đến trễ, không cần biết lý do, phải chìa tay lãnh 3 thước kẻ. Tới giờ chơi đánh 3 tiếng ngắn gọi là “trống chơi”. Tan học, đánh một hồi dài rất ư thoải mái gọi là “trống về”.
        Trường dạy một ngày hai buổi. Sáng từ 7 giờ rưỡi đến 10 giờ rưỡi. Trưa về nhà nghỉ. Chiều từ 2 giờ rưỡi đến 4 giờ rưỡi.Dân quê không có đồng hồ, nhờ nghe tiếng trống trường để biết thời khắc. Nếu có ai hỏi:
-Mấy giờ rồi chị?
-Mới nghe “trống chơi” hồi nãy.
Nếu buổi sáng thì đoán độ chín giờ. Là buổi chiều thì ba giờ rưỡi. 
Hoặc:
-”Trồng về” rồi, đâu còn sớm nữa.
Nếu buỗi sáng thì độ 11 giờ, buổi chiều thì quảng 5 giờ.
        Thầy giáo Lê Văn Định ở xóm trên xéo nhà ông Cai Tổng Huỳnh Ngọc Đệ gần ngã Ba lộ tẻ đi Giồng Bông, Xã Diệu tiệm Tôm, có chiếc xe đạp hiệu Alcyon màu đen, ông cưng lắm nên chăm sóc rất chu đáo. Sáng chiều hai buổi đi dạy học đạp xe qua xóm, mặc bộ đồ “lụa ta” dệt bằng tơ sống trông mướt mượt, khiến nhiều cô thôn nữ phải ngẩn ngơ.
        Hôm nào mưa gió, đường lầy lội xe bị bẩn, vừa đến trường đã có vài trò tình nguyện lau khô đánh bóng. Học trò rất thích công tác nầy, nhứt là giờ toán, học cửu chương hoặc trả bài thuộc lòng vì chẳng những khỏi bị đòn mà còn được cảm tình riêng, ít bị phạt.
Giáo làng rất có uy với trẻ con. Ngoài giờ học, bất kỳ gặp thầy ở đâu, học trò cũng phải khép nép chấp tay kính cẩn cúi đầu.
-Dạ thưa thầy!
        Lơ mơ thầy sẽ “bộp tai” tại chỗ. “Tiên học lễ hậu học văn” mà!
        Nhà cha mẹ học sinh có giỗ chạp đều mời thầy. Đám cưới đám hỏi cũng có thầy. Hỷ sự cũng không thiếu. Thế nên tháng nào ít ra cũng một lần ăn cổ.
        Giáo làng cũng tư vị như ai. Con nhà giàu có quyền thế chẳng những không bị đòn mà còn được cưng chiều. Chỉ có con cùng đinh là bốn mùa lãnh đủ.
Thằng Bưởi, con năm Tỉnh thợ gặt, thằng Măng, con sáu Tre thợ mộc, thằng Cửng cháu ngoại bà Hai Thỏ dệt vải mướn, ăn chay trường là gần như ngày nào cũng bị đòn. Thằng Bưởi ngoài giờ học còn phải ra đồng chăn trâu, lội bùn, chiều về tắm nước ruộng nước sông, bèo bám đầy mình, đỉa cắn thành ghẻ. Da nó bị nắng ăn đen thui khét nghẹt, gãi một cái là có lằn mốc thích, vì không có giờ học bài nên dốt nhứt lớp, tháng nào cũng “đội sổ”.
        Nó bị đòn lằn ngang lằn dọc. Lúc đầu còn khóc về sau tỉnh bơ. Bạn bè hỏi thì nó thản nhiên đáp:
-Bị đòn quen chai đít hết đau! 
Trong lớp có “cậu Năm” con Hội Đồng giàu sang tai mắt, lại thêm có chị đẹp nên thầy chiều cậu em là chuyện dĩ nhiên.
Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn yêu cô chị phải chiều cậu em.
        Mỗi lần có ông đốc tỉnh Ca Văn Thỉnh từ Bến Tre xuống thanh tra thì thầy ra lệnh học trò phải ăn mặc sạch sẽ để chào đón. Thằng Bưởi học lớp Tư nhưng quá dốt, thầy phải tráo cho ngồi chung với lớp Năm để “tị nạn”. 
Hăm bảy Tết!
        Sáng nay học trò rủ nhau đến trường sớm hơn thường lệ. Cô cậu nào cũng quần áo chỉnh tề, sạch sẽ, tươm tất hơn mọi khi. Mặt mũi hân hoan, tươi rói, nói cười vui vẻ, không lo lắng đăm chiêu, vì chẳng phải bận bịu với cữu chương, lo âu vì vần ngược hay hãi hùng run sợ chiếc roi mây. Đặc biệt trò nào cũng được thầy cho phép đến tay không, cặp vở bỏ lại nhà. 
        Trò Ty, lớn tuổi nhứt lớp được thầy cưng vì ngoan và học giỏi, lăng xăng chỉ bảo đàn em quét lớp, lượm rác, lau bàn ra điều quan trọng lắm.
        Tiếng cười nói ồn ào, tiếng cãi nhau chí chóe. Hôm nay không có trống tựu, không có trống vô. Đã gần 8 giờ sáng mà sân trường vẫn còn nhộp nhịp. Học trò chia năm chia bảy chơi với từng toán với nhau. Toán nầy đánh đáo, nhóm kia u bắt mọi. Con gái thì đánh đũa, nhảy dây. Vài đứa con trai nghịch ngợm núp gần mấy cô gái chơi đánh đũa, chờ trái ổi nhỏ các cô vừa tung lên là nhào tới chụp bắt rồi chạy mất. Đám con gái la bài hải, bầy con trai cười lăn lộn. Nếu ngày thường đã mét thầy đánh đòn, nhưng hôm nay gần Tết nên các cô tha cho.
Mãi gần 9 giờ, thầy giáo mới đủng đỉnh đạp chiếc xe Alcyon tới. Nhác thấy từ xa, học trò đã nhao nhao:
-Thầy tới, thầy tới!
        Hôm nay thầy giáo rất vui, vừa nhảy xuống xe đạp đã cười toe toét, không nghiêm nghị như mọi ngày, giọng nói cũng dịu dàng hơn:
-Chào các em. Quét dọn xong chưa?
Học trò đồng loạt đáp:
-Dạ thưa thầy rồi!
        Thầy giáo dựng xe vào tường, sửa lại áo “bành tô”, nắn nắn chiếc “cà ra oách” (cà vạt). Có lẽ chiếc măng tô may từ thời mới cưới vợ và được cất kỹ từ lâu trong rương nên rút ngắn không còn vừa ni tất. Thêm vào nhiều nếp nhăn và mùi long não thoang thoảng. Chiếc cà vạt sọc đỏ và nâu đã ngả màu, đeo lủng lẳng trên cổ như con khô mực. Đôi giày da vừa được đánh bóng cũng tăng phần trang trọng bước chân đi.
Thầy giáo vỗ tay bôm bốp gợi chú ý, rồi nói lớn:
-Các em vô lớp.
Trò Ty tiếp lời thầy:
-Mấy trò, vô chúc Tết thầy.
Học trò kéo nhau chạy ùa vào lớp, náo nhiệt ồn ào chứ không sắp hàng nghiêm chỉnh như mọi hôm. Thầy giáo đứng trên bục tay chấp sau lưng, nhìn xuống đám học trò nhỏ ngô nghê, nhếch mép cười thông cảm. 
Do thầy giáo dặn trước nên bà Ba Kỉnh kĩu kịt quảy gánh bánh cam bánh còng tới trước cửa lớp và hỏi:
-Tui để bánh trong gánh hay sắp ra sề, thầy?
Thầy giáo đáp:
-Bà làm ơn sắp hết lên bàn “bu rô” tui.
Học trò nhướng mắt nhao nhao:
-Thầy mua bánh cam đãi tụi mình.
        Nhìn những cái bánh chiên nhúng mật mía vàng lườm bóng loáng chất cao nghệu trong sề lót lá chuối trên bàn thầy, nhiều đứa thèm nuốt nước miếng. Trẻ con nhà quê mấy khi được ăn bánh. Nhà nghèo, sáng trước khi đi học chỉ được phát cho củ khoai lang hay nắm xôi muối mè. Có đứa còn phải ăn cơm nguội dằn bụng. Quà bánh là xa xí phẩm cha mẹ không kham nổi.
        Ông giáo móc ví trả tiền. Bà ba Kỉnh rối rít cám ơn hân hoan nhẹ gánh ra về vì không phải ngồi chợ trưa mà bán hết.
        Trò Ty đại diện hai lớp khép nép khoanh tay đứng trước mặt thầy ấp úng nói vài lời chúc Tết. Học trò yên lặng lắng nghe, mặc dù không biết nói những gì vì giọng nói vừa quê vừa ngọng nhưng thầy giáo cũng gật gù thích thú.
        Khi dứt lời thầy giáo cám ơn và chúc lại năm điều bảy chuyện.
        Sau cùng, đến phần quan trọng nhứt mà trò nào cũng mong chờ là ăn bánh. Mỗi trò được hai cái, một cái bánh cam một cái bánh còng. Cô cậu nào cũng nhai ngấu nghiến, mật mía dính tùm lum trên mép, trên tay. Lắm đứa tinh nghịch bôi vào áo nhau, đấm đá chí chóe.
Thầy giáo hôm nay hiền quá. Học trò ngồi cả lên bàn thầy cũng không rầy.
Chợt có tiếng người nói oang oang ngoài cửa lớp:
-Thầy giáo làm ơn cho phép thằng Rẫy dìa trước đi mót lúa.
        Cả lớp nhìn ra thấy chú năm Ruộng vác liềm đứng ngoài sân. Thầy giáo đồng ý ngay nghưng thằng Rẫy không muốn bỏ cuộc vui nên chui trốn dưới gầm bàn. Bạn bè nắm tay lôi ra, nó nhứt định ghì lại. Sau cùng thầy giáo phải can thiệp nó mới chịu mếu máo khoanh tay chào thầy ra về.
Thằng Ngời phá nhứt lớp, nhìn theo la to:
-Lêu lêu thằng Rẫy mít ướt.
Cả lớp cười ồ, thằng Rẫy cúi đầu lầm lũi theo cha.
Lớp học hôm nay tan sớm. Thầy giáo đứng trên bục cao, học trò lần lượt đi ngang cúi đầu chào. Thầy tươi cười nói:
-Các em về ăn Tết vui vẻ.
        Học trò tản mát, ai về nhà nấy. Thoáng cái sân trường đã vắng tanh. Thầy giáo khóa cửa lớp thót lên xe Alcyon kẽo kẹt đạp về nhà. Trường học im lìm dưới rặng sao già rợp bóng.
        Nắng lên cao, ve sầu sa sả hát. Cơn gió thoáng qua, lá khô xào xạc, trái sao rụng đầy trời quay tít trên cao...

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art