Reng ! Reng ! Chuông điện thoại reo vang trong đêm tối. Tôi bật dậy, vớ lấy điện thoại và lắng nghe. "A-lô ! Soeur H phải không ?" - "Vâng H đây". - "Con là NL, nhân viên của Hội Bảo Vệ Trẻ Em Đường Phố Tân Bình. Hiện nay con có một em gái 12 tuổi, đi lạc, xin Soeur cho em ấy được tá túc tại Mái Ấm Thanh Tâm ít ngày để tìm ra quê quán của em và giúp em trở về với gia đình" . - "Vậy bao giờ cô đưa em tới ?" - "Con đưa em tới ngay bây giờ".
Tôi nhìn đồng hồ, đã 3g45 sáng. Tôi đứng dậy chuẩn bị đón cô bé. Ít phút sau, nghe tiếng xe máy đậu trước nhà, tôi nhìn qua khe cửa, đúng là cô NL và một em bé. Trông em gầy ốm, xanh xao, đôi mắt em đẫm lệ và vương màu sợ hãi. Em co ro trong bộ quần áo nhàu nát tả tơi. Một tay sách đôi dép nhựa đã cũ mòn và bạc màu, tay kia cầm một bịch xốp đựng một hộp cơm ăn dở, một chai nước nhỏ và vài cái kẹo, do cô NL mua cho em ăn đỡ đói. Tôi mở cừa cho khách. "Chào cô NL, chào em bé. Mời hai cô cháu vào đây". NL dắt bé gái bước vào, thẫn thờ mệt nhọc vì mất ngủ. Rồi như sực tỉnh NL bảo: "X. chào Ma Soeur đi ! Đây là Soeur H. X sẽ ở đây với Soeur ít ngày để cô dò tìm tin tức ông mù, rồi cô sẽ trở lại đón con và đưa con về với má con nhé !"
Tôi cầm tay em bé và trấn an em. An ủi vỗ về một lúc, tôi dắt em vào trong phòng nhờ mấy chị lớn kiếm quần áo cho em thay. Qua trao đổi với cô NL, tôi được biết X đã ở Phòng Cảnh Sát suốt hai ngày nay, nhưng không ai tìm ra tông tích của em. Phòng Cảnh Sát gọi cho cô NL và xin cô giúp đỡ. Nhưng cô không có nơi nào nên đến nhờ Mái Ấm Thanh Tâm.
Sáng hôm sau, em gái ngủ dậy rất trễ, ăn sáng và tắm rửa, gội đầu, bắt chí. Tôi tìm vải vụn nối lại may cho em bộ đồ. Sau đó tôi lân la hỏi chuyện. Em vừa khóc vừa cho tôi biết: "Con tên PTX, con có một chị và một em. Má con đi làm ở bến tàu. Chị con đi mổ cá phơi thuê cho chủ. Con ở nhà coi em và phụ má đội cá ra chợ cho người ta. Má con đau mắt phải đi mổ mà má không có tiền, nên má bán con cho ông mù, lấy mỗi năm hai triệu rưỡi. Ông mù mới đưa cho má 400 trăm ngàn, rồi dắt con vào đây."
"Thế con quê ở đâu ?"- "Con không biết !" - "Vậy con đi bằng xe gì bao lâu thì tới đây ?"- "Con đi xe 15 chỗ từ 6g sáng tới chiều là tới" - "Ông mù đưa con đi đâu và dặn con điều gì ?"- "Ông bảo con phải gọi ông bằng ngoại và phải dắt ông đi xin ăn tại thành phố này. Ông đưa con về nhà ông thuê. Con thấy có một người đàn bà và chạy ra gọi ông bằng anh và hai đứa nhỏ gọi ông bằng ba. Thế là ông có hai vợ, ở quê ông có tới bảy người con..." - "Sao ông không nhờ các con đi xin ăn ?" - "Không đâu, các con ông đi học hết. Ông thuê con dắt đi thôi". - "Vậy con có nhớ quê con ở đâu, gần cái gì không ?" - "Quê con gần biển, có bãi cát, có chợ..."
"Thế tại sao con lạc mất ông mù ?" - "Chiều hôm đó con nhớ má và em gái, con khóc, nhìn vào nhà thấy tối tăm và buồn thảm quá con lại càng khóc, ông mù bảo con: "Mày có nín không ? Mai mày phải dặt tao đi ăn xin, phải gọi tao bằng ông ngoại. Mày mà không nín tao trói vào chân giường đánh cho kiết xác ra bây giờ". Vừa nói ông vừa dơ cây gậy tìm con. Con sợ quá ù té chạy ra đường hẻm, băng qua mấy dãy nhà đang xây cất dở dang. Con vừa khóc vừa chạy. Lúc đầu con còn nghe tiếng đuổi theo, sau đó không thấy nữa. Con đứng lại muốn quay về với ông, nhưng lại sợ ông trói vào chân giường nên con đi luôn".
"Trời mỗi lúc tối dần, ánh đèn đường bật sáng. Con cứ đi, đi mãi, sau đó con sợ quá vì đường đã vắng người đi lại. Con ngồi xuống vệ đường và tiếp tục khóc. Bỗng có một anh thanh niên đi làm hồ về, anh nồng nặc mùi rượu, áo khoác trên vai, quần ống thấp ống cao, anh đến bên con hỏi: "Sao bé khóc ?" - "Em đi lạc đường, anh đưa em về với ông mù đi." - "Nhà ông ta ở đâu ?" - "Ở gần mấy dãy nhà mới đập phá ra xây lại." - "Thành phố thì có biết bao nơi đang xây, khuya quá rồi, anh không dẫn em đi được đâu. Nếu em muốn, anh đưa em về chỗ nhà trọ của anh ngủ đỡ rồi mai đi tìm..."
"Thế là con theo anh về nhà anh thuê, chỉ trải đủ một chiếc chiếu cho con và anh ngủ chung. Thế là anh cứ rờ mó tùm lum, con sợ quá. Anh bảo mày mà khóc tao bóp cổ mày, con càng sợ. Con nằm úp mặt xuống đất và khóc. Sau thấy con khóc nhiều và to, chắc anh sợ người ta biết, nên mở cửa đuổi con ra ngoài. Con chạy vội ra đường, ngoài đường vắng hoe không một bóng người. Con ngồi thu mình vào một gốc cây gần quán cà-phê đã đóng cửa, rồi ngủ thiếp đi.."
Đến lúc quán cà-phê mở của bán cho các chú công nhân đi làm, con nghe tiếng xe và tếng cười nói ồn ào từ một xí nghiệp vọng ra. Con sợ quá chạy lại trước cửa quán và khóc nức nở. Một ông già đi tới và hỏi: "Sao con lại khóc, nhà con ở đâu ?" - "Con không biết, con nhớ má và em con lắm, ông đưa con về với má của con đi !" - "Nhà con ở đâu ?" - "Con không biết !"- "Tên chỗ con ở là gì ?" - "Con không biết ! Con chỉ biết ở gần biển, có chợ và có bến xe." - "Con có biết chữ không ?" - "Con không biết." - "Con có đi học không ?" - "Không..."
Thế là người đàn ông này mua cho em khúc bánh mì kẹp thịt và dắt em đến Trạm Dân Phòng, trao cho anh công an tại đó. Hai ngày ở với công an, nhưng không ai tìm được cách gì để hiểu về nguồn gốc của em. Họ trao cho Hội Bảo Vệ Trẻ Em Đường Phố và hội này trao lại cho tôi.
Thì ra là thế X đã 12 tuổi, nhưng trông em như mới 8 tuổi. Không được đi học. Bố bỏ mẹ em đi lấy người vợ trẻ khác từ 6 năm nay. Mẹ em phải vất vả làm lụng cực nhọc để nuôi 3 đứa con gái. Đến nay bà bị đau mắt nặng mà không có tiền điều trị, nên đã đành lòng cho ông mù thuê em, để dắt ông ta đi ăn xin...
Cầu nguyện và suy nghĩ, tôi chợt nhớ đến báo Phụ Nữ, gọi cho phóng viên của toà soạn. Họ đến ngay, phỏng vấn em bé, đăng hình và tin cần tìm người thân. Một tuần sau, có 2 nữ sinh viên đến toà soạn để nhận diện em bé. Họ đã nhận ra em là cô bé nghèo khổ, luôn đi phụ mẹ đội cá ở bến tàu để lấy chút tiền. Quê em PTX ở xã Mỹ Hải, Phan Rang, Ninh Thuận. Các em sinh viên đã đón em X đưa về quê ngày 10.7.2002...
Trích Ephata 99