Thứ Bảy, 16 Tháng Sáu, 2012

Bùi Ngọc Tấn và rượu Black and White

Chuyện cũ nhắc lại

30/04/1975. Cuộc xâm chiếm miền Nam kể như hoàn tất. Buồn đau thật. Nhưng thôi thì cũng một lần cho xong. Ít lâu sau. Gia đình chúng tôi vốn gốc gác miền Bắc nên có bà con ngoài đó vào thăm. Người đầu tiên đến thăm là một người anh họ thuộc đội truyền hình hay điện ảnh gì đó. Anh đến thăm rất sớm, chỉ chừng hai tuần lễ sau ngày 30 tháng tư.

Cho đến bây giờ, tôi cũng không nhớ bằng cách nào, anh có được địa chỉ và tìm đến đúng nhà. Phải nhìn nhận là vui mừng và cảm thấy an ủi. Bao nhiêu ân cần, bao nhiêu thăm hỏi tin tức, bà con dòng họ, ai còn ai mất. Có vui mừng, có nước mắt. Nhất là đối với các cụ già.

Anh ăn nói hoạt bát, nói huyên thuyên, đôi chút huyênh hoang quá lố tỏ ra ít thông tin và bị tuyên truyền. Nhưng cũng không sao. Chuyện nhỏ. Cái chính là gặp nhau sau bao nhiêu năm xa cách, tưởng như không bao giờ gặp. Khi ra về, anh nhận đầy đủ thư từ, hình ảnh, quà cáp cho từng người từ các cụ đến các chú, các bác, anh em họ, các cháu chít. Ai có phần nấy. Đầy đủ cả. Chỉ có điều anh không đưa cho một ai cả. Anh giữ lấy một mình.

Sau này những anh em khác vào cho biết, anh giữ tất và không một ai nhận được quà cáp, thư từ gì cả. Cũng thông cảm được vì ngoài đó bao nhiêu năm sống túng bấn. Khổ quá mà. Mọi người trong nhà chỉ cười và không quan tâm gì chuyện nhỏ đó.

Ít lâu sau, có anh chị khác vào. Anh chị này có người con gái là nữ ca sĩ thuộc loại “siêu sao”, như một thứ Thái Thanh trong Nam. Mở đài truyền hình là nghe tiếng cháu hát. Tiếng hát điêu luyện, chuyên nghiệp, giọng rất cao đến the thé. Các bài hát hình như bắt chước điệu nhạc của Trung Quốc. Công nhận là cháu hát hay, nhà nghề nhưng tôi nghe vẫn chói tai, nghe không lọt. Phần anh, hình như anh cũng có chức vụ gì đó nhưng không tiện nói ra. Chỉ cần biết gốc gác trước 1954 của anh cũng là dân tiểu tư sản, con nhà khá giả, gia đình buôn bán, có nhà cửa, có tiền bạc, không đi bộ đội, không biết anh có làm việc cho chính quyền Quốc Gia hay Pháp không? Anh ở lại có thể chỉ vì tham tiếc mấy căn nhà. Các em anh khác thì đều di cư vào Nam.

Tôi rất quý anh chị vì phong thái chừng mực, điềm đạm đến dè dặt, không “ba tuếch ba toác” như ông trước. Tôi còn chai rượu Mỹ cuối cùng mang ra đãi anh: Chai Black and White. Mở để ăn mừng buổi hàn huyên, gặp gỡ họ hàng. Nhưng chuyện quá bất ngờ, uống mới đến ly thứ hai, tôi nhớ hình như vậy, anh đã say túy lúy, nói năng huyên thuyên không còn e dè như lúc ban đầu. Anh bắt đầu chửi bậy. Nhất là anh cứ mang cụ Hồ ra chửi. “Địt mẹ nó, địt bố nó làm ông ra nông nỗi này.”

Chúng tôi chỉ buồn cười và pha nước chanh cho anh uống dã rượu, coi là chuyện chẳng quan trọng. Nhưng chị nhà tỏ ra quá lúng túng đến bối rối, xin lỗi đủ thứ. Nhà tôi ăn nói bậy quá. Chú bỏ qua cho. Anh em lâu ngày gặp nhau mà làm phiền cô chú quá. Cô chú đừng chấp lúc quá chén. Tội nghiệp chị, có gì phiền đâu. Sau đó chị vội vàng đưa anh đi nằm. Sáng hôm sau, bất ngờ chị lại xin lỗi, lần này bắt cả anh xin lỗi nữa. Anh tỏ vẻ hối hận đã lỡ lời mong cô chú bỏ qua. Và xin đi ngay. Gớm cái rượu Mỹ tai hại thật. Nói dối nó là không được. Nó bắt khai ra hết. Tôi bật cười nghĩ, tại sao người ta không tra tấn bằng rượu Black and White. Từ đó, anh chị tránh mặt, không bao giờ liên lạc lại nữa. Chế độ đã uốn nắn anh sợ hãi ngay cả những người không đáng sợ hãi: Bà con họ hàng.

Trong chuyện nhỏ trên, có hai lần tội nghiệp. Tội nghiệp anh, nhờ có rượu Black and White, rượu trắng và đen, anh lần đầu tiên nói rõ trắng đen tâm sự u uẩn của anh dấu kín trong suốt 21 năm trời.

Có thể cũng có nhiều người như anh. Có thể cũng nhiều người cần uống thứ rượu Black and White để có thể nói lên những điều rất tầm thường và đơn giản: cái này là trắng, cái kia là đen. Cái tội nghiệp thứ hai là anh nghi ngờ gia đình trong Nam biết được cớ sự, tâm tư của anh. Anh sợ. Thật ra, anh có chửi nữa đối với chúng tôi cũng là chuyện bình thường. Không ngờ chai Black and White của Mỹ lúc 75 lại là biểu tượng cho một điều gì mà tôi sắp nói sau đây.

Truyện nay nhớ đến

Hai tuần qua, California được dịp đón tiếp một nhà văn trong nước rất nổi tiếng với truyện: Chuyện kể năm 2000, nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Truyện của nhà văn được in nhiều lần, nhiều nơi ở hải ngoại. Theo nhà văn Bùi Ngọc Tấn, Thời Mới ở Toronto in 3 lần liên tiếp. Tác giả cũng đã trông thấy 5 bản in khác nhau của 5 nhà xuất bản ở Mỹ. Đó là những nhà xuất bản nào? Tác giả không tiện nói ra. Nhưng nhiều người đã biết. Tại Đức có hai bản khác nhau. Và nhiều báo chợ đã lấy in dưới hình thức feuilleton. Đã có ai trong số những người làm văn hóa thương mại kia nghĩ tới nhà văn Bùi Ngọc Tấn sống bệnh hoạn, túng thiếu, nghèo đói ở Việt Nam không?

Tác giả vốn hiền lành viết ra như thế chứng tỏ những nhà xuất bản, báo chợ đã không xin phép và dĩ nhiên cũng đã không trả tiền. Đấy là cách làm ăn của một số báo chợ và nhà xuất bản. Đấy là điều cũng khá nhục cho người Việt Hải ngoại. Ăn chặn của nhau đã đành. Ăn chặn ngay từ lúc sách báo bắt đầu in ấn ở hải ngoại vào những năm sau 1975, in ấn tràn lan các tác phẩm của bất cứ nhà văn nào còn kẹt lại trong nước.

Gặp cũng không trả. Đòi cũng không trả. Có nhà văn, người viết nào đã cầm đến cây bút mà không bị ăn chặn không? Rất nhiều người trong số ấy làm văn hóa mà vô văn hóa. Họ bóc lột trắng trợn những người cầm bút cả trong nước và ngoài nước. Và tôi cũng được biết rõ một trong những cơ sở được tiếng nhất là làm văn hóa ở đây cũng đã không trả tác quyền, nhưng may đã kịp thời chấn chính lại. Nhưng điều đó vẫn không chứng tỏ họ là những người tử tế. Hoàn cảnh đã ép buộc họ phải trả để tránh mang tiếng và nếu nhà văn Bùi Ngọc Tấn không có mặt ở đây thì liệu ông có nhận được xu nào không? Những chủ báo, những nhà xuất bản nào đọc những dòng này có còn biết ngượng không? Và cái nguồn thu nhập duy nhất của nhà văn Bùi Ngọc Tấn là ông đã nhận được còn lại chỉ là những lời khen, nhiều trân trọng hơn bất cứ nhà văn nào.

Tôi nhìn nhà văn Bùi Ngọc Tấn ngồi trước mặt tôi xem ra ông chấp nhận và bằng lòng với những gì ông nhận được mà không bày tỏ một chút bực tức nào.

Tôi đọc truyện của nhà văn Bùi Ngọc Tấn cũng phải nhìn nhận ông viết với một tấm lòng nói lên số phận cay nghiệt của kiếp con người bị đầy đọa trong nhà tù cộng sản. Nhưng tôi vẫn không nhìn thấy ở ông một phong cách nhà văn phản kháng phán (dissident writer). Ông là thứ nhà văn biết chịu đựng, biết nhẫn nhục, biết sợ ngay cả bây giờ có những cái không đáng sợ nữa.

Tôi gọi ông là nhà văn viết với tình con người, không oán hận. Một nhà văn nhân bản. Trong truỵện có nhiều cảnh đến thương tâm như cảnh người tù khi được thả ra mà vẫn sợ, vẫn nơm nớp tưởng mình ở trong tù, vẫn ngồi thu lại, vẫn gãi tai ngay cả khi nói với con. Ông viết: “điều khủng khiếp nhất đã đến với hắn suốt một thời gian dài sau đó. Gặp ai, ở đâu hắn cũng tưởng như gặp lại bạn bè cũ. Nhìn những người trên đường, hắn giật mình: “Quái nhỉ, ở trại nào nhỉ. Quen quá, không biết đã gặp ở đâu rồi. Được về bao giờ nhỉ”.

Đó là một cảm giác kỳ lạ. Hắn luôn gặp những khuôn mặt tù quen quen. Những khuôn mặt tù ngò ngợ. Không biết ở trại nào. Hẳn họ cũng như hắn. Mới được ra trại. Thoạt đầu hắn cho là hắn mắc bệnh quên. Trí nhớ hắn suy giảm, nên hắn không nhớ được những người bạn tù ấy. Nhưng rồi hắn giật mình: “Chẳng lẽ nhiều người đi tù về đến thế? Đất nước lắm người đi tù đến thế?”. Và hắn hoảng lên: “Mình hỏng mất rồi! Đầu óc mình hỏng mất rồi!”.

Có lẽ không mấy nhà văn có thể viết lên được cái độc ác, cái khốn cùng của nhà tù cộng sản như nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Nó làm cho người tù mất tính người. Họ không còn là con người nữa khi ra khỏi nhà tù cộng sản: Mình hỏng mất rồi. Phải chăng cái hỏng đó còn kéo dài đến chính ông cũng không biết? Hay ông lại phải nhắm mắt dại khờ viết như vậy?

Tôi có thể hơi thất vọng khi ông ngồi với những người bạn văn bên này cả hai tiếng đồng hồ, trong suốt bữa ăn, ông hầu như không dám nói một điều gì. Dù chỉ là chuyện đời sống, chuyện bên lề, chuyện chẳng ăn nhập gì, chuyện chẳng làm sao nói ra cũng không chết ai. Ông chỉ cười lắc đầu, từ chối rất nhẹ nhàng. Đếm ra ông nói được đúng một hai câu. Dù là một câu xã giao cũng không có. Phải chăng nhà văn Bùi Ngọc Tấn vẫn còn tưởng ngồi trong tù và chúng tôi là những bạn tù của ông? Đúng là ông đã hỏng rồi.

Tôi có hỏi người bạn cùng một nghề đi tù mà thâm niên hơn ông ít lắm là 4, 5 lần. Người bạn đó cùng đi với ông lên San José, cùng đi với ông đi Las Vegas để xem người ta đánh bài. Anh nói, ông Tấn mệt lắm rồi, sức khỏe yếu lắm nên mệt không nói được. Các anh thông cảm.

Tôi đành chịu và thông cảm. Nó có vẻ lẫn lộn Black and White. Phải chăng nhà văn Bùi Ngọc Tấn chưa hề bao giờ được nếm thử thứ rượu ấy? Uống nó vào bắt buộc l nói trắng ra trắng, đen ra đen. Vì thế mới có tên gọi là rượu Black and White. Rượu của sự thật.

Nhưng riêng bài phát biểu của nhà văn Bùi Ngọc Tấn tại Trung Tâm William Joiner Center thì xin thú thực là tôi hoàn toàn không thể đồng ý với ông được vì thiếu vị rượu Black and White.

‒ Thứ nhất, nhà văn như muốn đồng hóa 4 cuộc chiến tranh thành một: chiến tranh chống Pháp, chiến tranh Nam Bắc và chống Mỹ, chiến tranh chống Pol Pôt ở biên giới Tây Nam và chiến tranh chống Trung Quốc ở biên giới phía Bắc đều có chính nghĩa là bảo vệ bờ cõi và giải phóng đất nước? Phải chăng nhà văn Bùi Ngọc Tấn thật sự nghĩ như thế?

‒ Có thể nhà văn còn bị nhiễm một thứ tuyên truyền quá khứ sai lệch từ nửa thế kỷ nay. Cho rằng việc bộ đội cộng sản với 650.000 người vào miền Nam “giành chiến thắng bằng bất cứ giá nào, dốc toàn bộ nhân lực, vật lực hy sinh tất cả cho cuộc chiến” là để giải phóng miền Nam để dành được độc lập, để thống nhất lãnh thổ khỏi sự cai trị của đế quốc Mỹ ‒ chủ nghĩa thực dân kiểu mới ‒ với hơn nửa triệu quân Mỹ ở miền Nam. Vì thế nhà văn đã không tiếc lời nói tới: “Và vì thế ở Việt Nam, biết bao đơn vị anh hùng, cá nhân anh hùng đã được tuyên dương.” Đọc những dòng trên của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, tôi chợt nghĩ đến những ngưới lính Đức Quốc Xã mê muội theo lãnh tụ và tôi ghi vội những câu hò hét của quân lính Đức Quốc Xã, xếp hàng, dậm chân mạnh mẽ, hùng dũng vừa đi vừa hét những luận điệu nhồi sọ như sau: “I swear by God this sacred oath: That I shall render unconditional obedience to Adolf Hitler Fuhrer of the German Reich and people. Supreme commander of the armed force. That I shall at all times be ready as a brave soldier. That I shall give my life for this oath”. Thật là buồn thay, ở đâu thời nào cũng có những kẻ mông muội và bị lợi dụng.

‒ Sau đó, một cách khờ khạo đến ngây ngô, đến ngớ ngẩn, đến không hiểu biết gì, đến rất là Bùi Ngọc Tấn cho rằng cần phải đòi hỏi nhà cầm quyền cộng sản bây giờ phải nghĩ tới “công lao” của những người đi tù dưới chế độ cộng sản Hà Nội “trước 1975.” Ông gọi đó là “những người tham gia chiến tranh bằng việc đi tù. Những người đóng góp vào cuộc chiến không phải bằng sinh mạng mà bằng tự do của mình”. Ôi có cái thứ công lao đi tù! Nay đòi góp phần vào cuộc chiến thắng miền Nam!

‒ Và từ đó ông đòi hỏi được chia phần bánh chiến thắng như những người trực tiếp chiến đấu: “Tổng kết về cuộc chiến tranh không được quên những người đó. Họ đã góp phần vào chiến thắng bằng cuộc đời mình, bằng sự đóng góp phần cao quý nhất của mình: Tự Do. Họ có quyền được chia sẻ niềm tự hào, dù là sự tự hào nhục nhã. Dù họ chỉ là những người cam chịu lịch sử”.

Và một cách chắc nịch, ông xác tín lên tiếng. Can đảm lắm ‒ Cái can đảm với tư cách một người con trong gia đình đòi cha mẹ chia phần hồi môn ‒ tin tưởng lắm chẳng có gì để sợ hãi khi nói với tư cách con cái trong nhà: Lịch sử phải viết về họ. Văn học phải viết về họ. Thật là ngây thơ... vô số tội. Black and White đâu? Hãy mang ra đây cho ta giải lý. Hay ít ra là gãi ngứa.

‒ Về vấn đề thứ nhất. Mỗi cuộc chiến là nhằm một mục tiêu chiến lược khác, kẻ thù khác, mục đích khác. Chiến tranh với Pháp không cùng bản chất với chiến tranh với Mỹ. Càng không có chút tương đồng nào về mục tiêu, về chiến lược trong việc mang quân chiếm đánh Kam Pu Chia cũng như chống quân xâm lược phía Bắc.

Không thể đánh đồng tất cả cuộc chiến vào một. Như thế là đơn giản là đánh hỏa mù, nếu không nói là lừa bịp dân chúng. Không có cuộc chiến nào không đi đôi với tuyên truyền. Nhưng tuyên truyền lừa đảo lại là chuyện khác.

 



Tác giả Chuyện kể năm 2000
Nguồn: guihuongchogio.vnweblogs.com


 

Mong là nhà văn Bùi Ngọc Tấn suy nghĩ lại về điểm này.

‒ Vấn đề thứ hai là cuộc xâm chiếm miền Nam là một cuộc giải phóng? Giả dụ không có Mỹ thì bộ đội cộng sản có mang quân giải phóng vào miền Nam không? Nhưng thực tế lịch sử cho thấy, ngay từ sau 1954, Hồ Chí Minh và cộng sản miền Bắc đã có chủ trương xâm chiếm miền Nam rồi bằng cách cài người lại miền Nam. Bằng chính sách hai mặt: Xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa Miền Bắc và tiến hành chiến tranh giải phóng miền Nam. Trong cuộc phỏng vấn ông Bùi Tín , lúc bấy giờ còn là người của đảng, vào tháng giêng, 1981, tại khách sạn Thống Nhất ở Hà Nội, Ông Bùi Tín đã tiết lộ cho StanLey Karnow như sau: “A short, sinewy soldier, he spoke in fluent French as we nursed beers in the squalid bar of the Thong Nhat Hotel in Ha Noi, disclosing to me that preparations to send North Vietnamese troops south had begun long before Lyndon Johnson seriously considered the introduction of American battalions in to Viet Nam. And the North Vietnamese were engaged in battle against Saigon government detachments months before the U.S Marines splashed ashore at Danang in March 1965. Bui Tin, according to his own account, played an important part in the plans to escalade the conflict.” (Trích Viet Nam, A History. The Fisrt Complete acount of Viet Nam at War, Stanley Karnow, trang 331). Cho nên cần nói rõ tên cuộc chiến tranh này: Đó là một thứ chiến tranh xâm lược không hơn không kém. Miền Nam không cần thứ chiến tranh giải phóng đó, không cần thứ độc lập đó. Điều mà bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, một cựu đảng viên cộng sản đã phải thốt ra như sau: “Many southerners viewed them as rigid, doctrinaire, alien, and even corrupt carpetbaggers, and Dr. Hoa made no secret of her loathing for them. ‘They behave as if they had conquered us’.” She told me. (Trích như trên, trang 534).

Cung cách, thái độ và hành xử của chính quyền cộng sản khi vào miền Nam là cung cách của kẻ chiến thắng, của kẻ đi xâm lược. Và nếu cho đó là một cuộc chiến dành độc lập, đánh đuổi đế quốc Mỹ, chúng ta sẽ phải trả lời ra sao như hiện nay nếu có chiến tranh giữa Nam Hàn và Bắc Hàn ‒ mà hoàn cảnh chính trị tương tự như miền Nam, miền Bắc chia đôi ‒ Và giả dụ nhờ sự giúp sức của Trung Cộng mà Bắc Hàn thắng được Nam Hàn. Liệu chính phủ cộng sản Bắc Hàn có dám rêu rao đây là một cuộc chiến tranh giải phóng Nam Hàn ra khỏi sự thống trị xâm lược của đế quốc Mỹ?

Cho nên, tên gọi cuộc chiến này có thể gọi là cuộc chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh không người thắng, người thua và cả hai đều là nạn nhân. Gọi thế nào cũng còn có thể tranh luận được. Nhưng nhất định không thể là một thứ chiến tranh giải phóng miền Nam, đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược như cộng sản truyên truyền.

Nay nhà văn Bùi Ngọc Tấn lại còn muốn chia phần bánh vẽ vinh quang chiến thắng với tư cách một người đi tù mà nhiều người nay đã muốn phủ nhận chính cái vinh quang tủi nhục ấy? Vì họ thấy rằng họ đã bị lừa, đã hơn 30 năm mà đất nước càng có nhiều dấu hiệu tụt hậu. Họ đau xót với chiến thắng ấy.

Việc kêu cứu đảng trả lại “công đạo chiến thắng cho người ở tù” của nhà văn Bùi Ngọc Tấn tôi nghĩ đó chỉ là một hiện trạng lão suy tư duy: Hiện tượng nghĩ quẩn. Bởi vì ngay những người kháng chiến có công từng ở tù dưới thời “mỹ Ngụy” như các ông Mười Hương mà còn chịu thua. Họ là những người tù chân chính,vậy mà đảng nghi ngờ, không dùng, loại bỏ sau chiến thắng.

Tôi xin trích đoạn để thưa rõ với nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Báo Sài Gòn Giải phóng số ngày 18/08/1992 đã đăng tít lớn như sau: “Một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn đảng”, trích bài nói của đồng chí Lê Phước Thọ, giới thiệu Nghị Quyết 3 về công tác xây đựng Đảng. Trong đó có bản dự thảo của ông Trần Quang Huy chấp bút: đánh giá tình hình chung của Đảng ta hiện nay: cấp lãnh đạo dám nói thẳng vào những sai lầm quan trọng của cấp bộ cao nhất với đảng viên thường ở chi bộ.”

Qua đánh giá đó một cán bộ tập kết đã phấn khởi sẽ: nói thẳng, nói thật, nói hết với đảng. Bởi vì tác phẩm là sinh mạng nhà văn. Tác phẩm không được trình làng coi như bị chôn sống. Ông cán bộ bỏ ra 600.000 đồng thuê đánh máy tác phẩm dự thảo, trên khổ giấy pơ-luya 21X33. Sao chụp photocopy 50 bản kịp chào mừng ngày Quốc Khánh 02/09/1992 được coi như tác phẩm chào đời trong nhóm bạn tù.

Ông Mười Hương tự ý viết tay giới thiệu và tác giả đích thân mang đến tận nhà trao tay anh Hai Tân (Trần Trọng Tân, Phó bí thư thành ủy, phụ trách Ban Tư Tưởng). Trần Trọng Tân im lặng. Lờ đi. Ông Mười Hương nay bị tai biến não, liệt bán thân, hai lần đi xe lăn đến nhà anh Hai Tân. Im lặng. Chẳng có tin tức gì. Tháng 10/1992, ông Mười Hương ra Hà Nội nhân dịp đó trao tận tay các Ủy viên bộ chính trị và Ban bí thư Trung Ương đảng. Im lặng. Một sự im lặng đáng sợ. Tác giả kinh sợ vì Tin tức Cục Tình báo tiết lộ ra lan truyền: Thằng Mạnh viết tài liệu chống đảng. Gặp người bạn tù khác dặn: “cậu không nên đi xe Honda, và càng hạn chế bước ra đường chừng nào hay chừng đó.” Một người bạn tù mật vụ gặp tôi chận xe ngang đường: “Giờ này, tao vẫn thấy mầy chạy xe Honda. Lạ hỉ?” Người bạn khác nói: Mỗi lần đi qua nhà anh, tôi nhìn lần thấy cửa lớn và cửa sổ đóng kín mít, lòng buồn rười rượi không biết điều gì xảy ra cho anh (tác giả) không? Tác giả nghĩ bụng người làm bậy thì không sợ địch lợi dụng và ai ngộ nhận, mà người nói ra người bậy, việc bậy thì sợ địch lợi dụng và ngộ nhận! (Trích tóm lược Bội phản hay chân chính, bản đánh máy chụp photocopie 223 trang, đề ngày 19/8 và 2/9/92 mang tên tác giả: Dư Văn Chất)

Hy vọng đọc những dòng này nhà văn Bùi Ngọc Tấn cảm thấy mình còn được may mắn hơn những người cán bộ cộng sản bị tù dưới thời mật vụ Ngô Đình Diệm. Họ là những “người tù chân chính” hơn cả nhà văn Bùi Ngọc Tấn mà vẫn bị đảng loại trừ. Họ lại là những người đã uống rượu Black and White, dám lên tiếng, dám đòi hỏi, dám đòi trắng đen. Nào họ có đòi chia phần bánh vẽ chiến thắng đâu? Xem thêm: Người chân chính, nhà xuất bản Hà Nội, 1993.

Nói thêm cho rõ là có hai thời kỳ viết văn nơi nhà văn Bùi Ngọc Tấn: Thời kỳ đầu , như lời thú nhận của nhà văn, 14 năm viết ca ngợi đảng cộng sản, ca ngợi những người làm ra lịch sử, một xã hội không có bi kịch như nhà thơ Tố Hữu đã khẳng định. Vậy thì 14 năm này là những năm gì? Tên nó là gì? Và thời kỳ sau là thời gian viết về những người cam chịu lịch sử. Của 5 năm tù. Giả dụ không có 5 năm này thì tác giả Bùi Ngọc Tấn sẽ nhìn đảng, nhìn cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng ở góc độ nào? Và ngay cả khi viết: Chuyện kể năm 2000, nhà văn Bùi Ngọc Tấn không có ý chống đảng, không có ý bôi nhọ những năm tháng tốt đẹp chống Pháp và chống Mỹ, ông vẫn tin là mình viết tốt, viết để “phục vụ”. Vì thế, ông đã ngây thơ gửi bản thảo cho nhà xuất bản Thanh Niên, cơ quan của Trung Ương đoàn Thanh Niên Cộng Sản Việt Nam. Giả dụ nó được in và không bị cấm đoán thì số phận cuốn sách hẳn là khác.

Tôi rất quý mến và trân trọng cuốn Chuyện kể năm 2000 cũng như con người nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Nhưng bài viết cho William Joiner Center có những điều chưa thấu đạt tình, đạt lý. Phải chăng, cho dù bị đầy đọa, cho dù biết rõ chế độ ấy như thế nào đi nữa, các nhà văn như Bảo Ninh, Dương Thu Hương và Bùi Ngọc Tấn vẫn chưa thoát ra khỏi cái Hội chứng cộng sản vốn làm nên thân phận cay nghiệt của họ và một mặt cũng nhờ đó làm họ nổi danh. Họ là những người không có cái may mắn, hoặc sợ không dám uống cho đủ một chai rượu Black and White.

Hiểu và chia sẻ và nay chúc nhà văn Bùi Ngọc Tấn về quê nhà an lành, đầy đủ sức khỏe sống những ngày còn lại. Và nhớ, Đừng Sợ.

Nguyễn Văn Lục

 © DCVOnline

Bài viết khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art