Thứ Ba, 12 Tháng Sáu, 2012

Hà Như Chi Nemours

Vừa bước chân vào trường, tôi đã phải để ý ngay đến khung cảnh náo nhiệt khác hơn mọi ngày. Nào là những nụ cười tươi, những cánh bướm khoe màu bay phất phới trông thật là vui mắt. Vừa đi tôi vừa nghĩ à thì ra hôm nay là 23 Tết rồi thảo nào bầu khí trong sân trường chẳng rộn rịp hơn. Đàng xa, Liêm, Thảo và Bích đi lại phía tôi và Liên lên tiếng hỏi: 
    -  Ê, Hằng (tên tôi) năm nay mày đã sắm gì để mặc tết chưa? Không kịp để tôi trả lời, Liên tiếp: 
    - Tao đã đi may một áo dài mới để đem giao thừa đi lễ mặc. 
    - Tao thì chưa may gì cả vì ba Mẹ tao chưa bàn gì đến tết hết! Tôi trả lời Liên. Bích tiếp theo: 
    - Tao đã mua một đôi guốc mới rồi 
    -  Và Thảo cũng nói: Tao cũng như con Hằng chưa mua gì cả. 
        Câu chuyện giữa chúng tôi không có gì đặc biệt ngoài những việc lặt vặt như: sắm quần áo mới, mừng giao thừa… Đang nói chuyện chúng tôi bị cắt đứt bằng một hồi chuông reo, thế là mạnh đứa nào đứa ấy chạy xếp hàng vào lớp. 
        Những ngày kế tiếp, mang tiếng là đi học nhưng chúng tôi đến trường cũng chỉ bàn tấn về tết thôi. 
Tính đến hôm nay đã 26 tết rồi mà Ba mẹ tôi vẫn chưa bàn tán gì cả. Gia đình tôi gồm Ba Mẹ, anh Phú, Hằng (tên tôi), và bốn nhỏ: Thu, Vân, Tuyết và Thủy. Tuy mấy em tôi, chúng có hỏi thì Ba Mẹ lại gạt sang một bên và cho rằng đang còn sớm. Anh Phú thì hình như không màng gì đến Tết cả, còn tôi dù nóng lòng cũng không dám lên hỏi vì sợ bị la. 
        Mãi cho đến sáng thứ bẩy nghỉ học, vào ngày 28 Tết. Mới 7 giờ Mẹ tôi đã kêu chúng tôi dậy. Đánh răng, rửa mặt xong xuôi đâu vào đấy thì Ba tôi kêu tất cả lại và nói: 
    -  Năm nay Ba không muốn ăn Tết nhưng thấy bà con hàng xóm đều mừng cả, chẳng lẽ mình làm lơ cũng kỳ, vậy bây giờ ba tính con Hằng thì giúp Mẹ mày làm mức và gói bánh, còn thằng Phú thì giúp tao sửa sang lại nhà. Các con thấy vậy có được không? 
        Khi ba tôi vừa dứt lời, chúng tôi đều hô lớn: 
    -   Hoan hô ba! Hoan hô ba! 
        Đợi chúng tôi im hết ba tôi lại nói: 
    -  Con Hằng sửa soạn đi chợ với Mẹ mày còn thằng Phú không được đi chơi hôm nay! Ở nhà giúp tao! 
        Lại một lần nữa các em tôi hét lên làm ba tôi cũng vui lây với tuổi trẻ hồn nhiên của chúng. Tuổi trẻ chẳng cần biết gì ngoài năm mới thì được tiền lì xì mặc những sự lo âu của người lớn. Riêng tôi, vui thì cũng vui thật, nhưng khi nghĩ đến gói bánh chưng thì tôi lại ngán vì mỗi lần như vậy tôi rất sợ bị rửa lá (nhà không có ai lớn chỉ riêng anh Phú tôi lại con trai nên chỉ chỉ có tôi là gái lớn nhất nên đành phải chịu vậy). Dù nhà ít người, Ba tôi vẫn thích gói lấy lý do cũng vì: cách đây 3 năm, Mẹ tôi có đi đặt họ gói dùm, đến khi lấy về bóc ra ăn thử thì ôi thôi đâu hãy còn sống mà bánh thì lại quá nhạt. Từ năm đó trở đi, Ba tôi đều bắt Mẹ tôi gói vì ông cho rằng mình làm lấy vừa rẻ vừa ngon. Vì vậy, cho nên tai họa mới đổ vào tôi, mỗi lần gói là phải rửa một đống lá, vẹo cả sương sống, đau muốn chết (cũng may mỗi năm chỉ gói một lần chứ nếu mười lần thì chắc tôi đầu hàng mất). 
        Thế là vào trưa hôm đó nhà tôi đã đầy đủ các thứ: gạo, đậu, lá, bí, dưa, cà chua… trong bữa cơm trưa Mẹ tôi đã dặn: 
    -    Con Hằng ăn cơm xong phải lo rửa lá nghe! 
        Cả trưa hôm ấy tôi loay hoay mãi với đống lá mãi tới chiều mới xong. Mẹ tôi cũng đã gói xong và đang sắp sửa xếp bánh vào thùng. Thế là thoát nợ! 
        Qua đến ngày 30 mươi, nhà tôi đã đầy đủ các món. Chỉ còn lo đem bánh đi biếu bà con hàng xóm. Nhưng vào khoảng 10 giờ đêm, khi mọi người đang yên giấc, thì bị đánh thức bằng những tiếng hô chát chúa vanh trên nền trời. Các em tôi, đứa thì khóc vì bị phá giấc ngủ, đứa còn đang mơ màng, riêng tôi vẫn chưa tỉnh hẳn, nghe lảng vảng tiếng ba tôi nói với Mẹ tôi: 
    -    Bà lo kêu các con xuống “đăng xê” đi, tôi nghĩ chắc là có chuyện đụng độ gì đây? Tiếp theo đó lại những tiếng nổ át đi nên tôi chẳng nghe gì nữa. Một lúc sau Mẹ tôi vào và nói: 
    -    Hằng lo đánh thức mấy em xuống “đăng xê”! 
        Khi kéo được hết chúng xuống “đăng xê” tôi cũng mệt vì có đứa không chịu đi vì còn buồn ngủ, tôi phải bế. Xuống đến nơi, chúng lại lăn ra ngủ tiếp làm như không có chuyện gì cả. Tôi chạy lên nhà! Nhìn ra đường tôi thấy có chuyện có vài bòng người bồng con ra đi. Khi tôi vừa bước lại cửa sổ, có tiếng người gõ cửa. ba tôi ra mở thì là thím Ba (ở cạnh nhà tôi) lên tiếng:
    -   Sao chú Sáu, chú có tính đi hay không? Bà con họ ra đi hết rồi, tôi sợ không yên đâu! (Họ gọi ba tôi là chú Sáu vì ba tôi có 6 đứa con) 
        Ba tôi nói: 
    -   Để coi đã thím, nếu không có gì nguy đi làm gì? 
    -   Vậy khi nào đi chú kêu tôi nghe! Chắc cũng chẳng có gì lắm đâu. 
        Ba tôi có vẻ lo lắm, đứng ngồi không yên. Tôi đứng nơi cửa sổ nhìn hỏa châu rơi và người qua lại. Bầu trời lúc này thật là đẹp với những trái châu đủ mầu sắc. Đang nghĩ tôi giật mình vì tiếng la của ba tôi: 
    -   Con Hằng không xuống phụ Mẹ mày còn đứng đó làm gì? Tôi đành trở xuống hầm. 
        Được một lúc, ba tôi trở xuống hầm, Mẹ tôi liền hỏi: 
    -   Sao ông tính có đi không? Tôi liệu không im quá. 
    -  Bà đừng lo, để xem sao đã, nếu không có gì mình bỏ nhà bỏ cửa mà đi như vậy à? Chúng tôi đều im lặng. Càng khuya, những tiếng súng càng vang rền thêm. Trận đánh có vẻ càng lúc càng sôi nổi. ba tôi cũng nhận xét như vậy nên ông bảo Mẹ tôi sửa soạn để ra đi. Mẹ tôi lo cho các em, phần tôi gói vài cái bánh chưng mang đi sợ giữa đường các em tôi đói, tôi cũng không quên mang đi theo một gói mứt dừa (món ruột của tôi). Khi đâu đã vào đấy, chúng tôi vừa ra đến cửa gặp thím Ba và thím nói: 
    -  Mình đi thôi chú thím ạ, bà con họ đi hết rồi. 
        Quả thật vậy, khi chúng tôi ra đến đường, dù trời tờ mờ sáng, vào khoảng 4 giờ mà người đông như đi hội, nhà nhà đều đóng kín cửa. Thỉnh thoảng lại nghe người này hỏi người kia: “chuyện gì vậy?” Nhưng rốt cuộc, không ai hiểu gì cả chỉ biết chạy cho thoát thân. Khi gia đình tôi cũng thím Bara tới đầu xóm, chúng tôi được tập họp lại tại sân nhà ông “Hội Trưởng” và ông cho biết. 
    -  “Bà con đừng lo, không có gì đâu, tôi được tin báo cho biết rằng vì sợ vùng này có C.S. nên bên ta lại đễ xem xét và có nên mới đụng độ thế này, nếu có gì sẽ có xe lại đón bà con. Tôi tin chắc cũng sắp xong rồi, chẳng có gì đáng lo đâu. 
        Đúng như lời ông nói, vào khoảng 5, 6 giờ thì tất cả đều im hết. đâu lại vào đấy. trả lại cho bầu trời tươi mát để đón một mùa xuân sắp đi qua. 
        Mọi người ai về nhà nấy và họ lại tiếp tục sửa soạn để đón mừng xuân. 
        Và mùa xuân năm ấy lại êm đềm trôi qua để lại trong lòng mỗi người bao nhiêu là luyến tiếc, đầy kỷ niệm mà tôi tin chắc rằng cái kỷ niệm khó quên nhất là đêm “chạy giặc hụt” trong đêm 30 Tết này. 
        Các anh chị thân mến! 
        Năm cũ sắp sửa trôi qua và một năm mới nữa sẽ đến và đến trong tâm hồn mọi người, mang lại niềm vui nỗi buồn ở lứa tuổi chúng ta! Hà thành thật chúc các anh cùng các chị được nhiều điều ước muốn trên bước đường đầu tiên ở xứ lạ quê người này! Và nhất là Hà mong rằng các anh cùng các chị đời màu hồng mãi mãi nghe. 
        Các anh các chị nhớ lì xì cho Hà nghe! 

Hà Như Chi
Nemours

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art