Thứ Hai, 25 Tháng Sáu, 2012

Tiếng Việt

Tiếng Việt

DCVOnline - Xin giới thiệu đến bạn đọc trang blog “tiếng Việt” của blogger “dtk”. Đây là một trang blog tương đối mới; tuy thế, blogger là một người hoạt động và quan tâm đến tiếng nước nhà từ lâu. Trong bài “vì sao có blog này?” tác giả đưa ra hai động lực chính. Một là kết quả lớn của của bộ “Từ điển nguồn gốc tiếng Việt” [Nguyễn Hy Vọng]: đánh đổ thành kiến cũ, coi tiếng Việt đa số có gốc Hán, và phá bỏ quan điểm tiếng Việt là tiếng của người Tàu; hai là “những xáo trộn lớn trong tiếng Việt sau biến cố lịch sử 1975”.

Tác giả còn là soạn giả giữ bản quyền của “Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn”.

Xin mời độc giả đọc “vì sao có blog này?”, “cú shock”, và “ấn tượng” của dtk.

vì sao có blog này?

dtk

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi. Mẹ hiền ru những câu xa vời. À à ơi! Tiếng ru muôn đời. Khi lập ra trang blog này, người viết có ý muốn theo dõi tìm hiểu chiều hướng biến hóa của tiếng Việt ngày nay.

Có hai động lực chính thúc đẩy công việc viết blog này.

Động lực thứ nhất: Công trình nghiên cứu của tác giả bộ “Từ điển nguồn gốc tiếng Việt” cho thấy tiếng Việt là một thứ tiếng nói lâu đời, bắt nguồn cùng với nhiều thứ tiếng láng giềng Lào, Cam Bốt, Thái, Chàm, Mnong, Tây Tạng, và nhiều tiếng nói khác nữa. Dĩ nhiên, không thể phủ nhận ảnh hưởng sâu đậm của tiếng Hán, suốt một nghìn năm Bắc thuộc, sau đó, và cho tới bây giờ chưa hết.

Thành quả lớn của bộ từ điển này là:

1) Đánh đổ thành kiến cũ, coi tiếng Việt có tới 50% hay 70% gốc Hán.

2) Phá bỏ quan điểm, trước đây không lâu, của một số những nhà trí thức, học giả, chuyên gia ngôn ngữ... dám quả quyết tiếng Việt là tiếng của người Tàu. Chỉ xin nhắc lại một thí dụ: trường hợp Giáo sư Lê Ngọc Trụ, người đã bỏ công “sưu tầm, biên khảo, (...), vì tiền đồ văn hóa nước nhà” viết ra tập sách “Tầm-Nguyên Tự-Điển Việt-Nam” (1974), trong đó, bao nhiêu tiếng Việt đã bị gán vào gốc chữ Hán một cách gượng ép.

Động lực thứ hai: Những xáo trộn lớn trong tiếng Việt sau biến cố lịch sử 1975, khi cả đất nước Việt rơi vào tay chế độ chính trị độc tài độc đảng, gọi là Xã Hội Chủ Nghĩa. Mà ai cũng rõ, sự biến hóa của tiếng nói người dân luôn luôn gắn liền với biến chuyển lịch sử, văn hóa, xã hội... của đất nước biết chừng nào!

Tạm thời, xin nêu ra 3 đặc điểm trong đà biến chuyển của tiếng Việt ngày nay:

Đặc điểm thứ nhất: Cùng lượt với sự thay đổi chế độ chính trị, hàng loạt những từ ngữ khuôn sáo vay mượn của người Trung Quốc đã xâm nhập vào trong tiếng nói người Việt. Đây là vài thí dụ trong những “từ mới vay mượn” này: xử lý 處理, nhất trí 一致, hộ khẩu 戶口, xử trí 處置, chất lượng 質量, bức xúc 逼蹙, tập đoàn 集團, đăng ký 登記. Những từ này, trước 1975, người dân miền Nam “cũ” thường không biết tới, hay ít ra không hề dùng đến một cách máy móc tràn lan như bây giờ. Sự biến đổi này đâu phải tình cờ. Nó là hậu quả của một chính sách rập khuôn theo Trung Quốc ngày nay: a) chính trị độc đảng xã hội chủ nghĩa, b) kinh tế thị trường trong vòng kiểm soát của nhà nước.

Đặc điểm thứ hai: Sự xuất hiện những “từ mới” theo sát ngữ pháp Hán văn. Thí dụ: ca từ 歌詞, X-quang X-光, Việt dịch 越譯. Hiện tượng thích nói theo kiểu “dòng thanh thủy” (thay vì nói “dòng nước trong”) đã gần như biến mất trước đây, bỗng tràn ngập trên báo chí, sách vở và trong các câu nói hằng ngày.

Đặc điểm thứ ba: Nhà nước Việt Nam, cũng muốn theo dòng tiến hóa thế giới, cố gắng tạo ra một số từ mới hay tìm cách phiên dịch những danh từ khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển. Nhưng hiện nay, vẫn còn gặp nhiều lôi thôi. Hơn nữa, trong tình cảnh văn hóa suy đồi, mang tinh thần vọng ngoại, người dân nói năng, báo chí viết lách ngày càng thêm tối tăm bừa bãi.

cú shock

- Đã vượt qua cú shock tình cảm.

- Cẩm Nang Du Học Úc – Những cú shock văn hóa đầu tiên.

- Hành động gây sốc như nhảy chồm chồm trên sofa trong chương trình truyền hình.

- Ông Kofi Annan sốc vì vụ thảm sát Houla (Syria).

- Túi chống sốc giúp bảo vệ chiếc laptop khỏi những cú va chạm và vết trầy xước.

- Ngọc Trinh lại phát ngôn sốc: “Xã hội đang tôn vinh em”.

Trên đây là một vài thí dụ, trong hàng ngàn thí dụ, đọc được trên mạng Internet.

Hiện tượng chêm tiếng Pháp, tiếng Anh trong câu nói tiếng Việt không có gì mới lạ.

Những “cú”, những “sốc” ... người ta vẫn gặp thấy từ lâu. Chẳng hạn: cú đấm, cú đờ phút (coup de foudre), cú xô-lây (coup de soleil), v.v.

Cái “mới lạ” bây giờ là cách đặt câu, dùng những danh từ (gốc tiếng Pháp, tiếng Anh...) như tính từ hay động từ: Ông Kofi Annan sốc vì vụ thảm sát Houla (Syria); Ngọc Trinh lại phát ngôn sốc: Xã hội đang tôn vinh em, v.v…

Người ta nhận thấy có những chữ Việt gốc nước ngoài (tiếng Anh, tiếng Pháp) đã hoàn toàn hòa nhập vào trong tiếng Việt, mà nay trong câu nói, ta không còn để ý hoặc không biết tới nguồn gốc của chúng nữa. Đó là trường hợp của những từ như: nhà ga, xà bông, xe buýt, cú điện thoại, v.v…

Ngược lại, có những từ hoặc thành ngữ gốc nước ngoài (tiếng Anh, tiếng Pháp) không còn được dùng nữa: ông cò (commissaire de police), cú đờ phút (coup de foudre), cú xô-lây (coup de soleil), v.v…

Tại sao như vậy?

Có thể nghĩ rằng những từ hoặc thành ngữ vay mượn này (trường hợp thứ hai) không thực sự cần thiết nữa, — vì trong tiếng Việt đã có cách nói thích hợp hơn. Thí dụ: thay vì nói “ông cò", ta nói “cảnh sát trưởng"; thay vì nói “ cú đờ phút”, ta nói “tiếng sét ái tình”.

Sau đây là một bài thơ châm biếm khá thú vị của Tú Xương (1870-1907), viết vào thời thực dân Pháp đang củng cố guồng máy thống trị của họ tại Việt Nam:

Ông cò

Hà Nam danh giá nhất ông cò

Trông thấy ai ai chẳng dám ho

Hai mái trống toang đành chịu dột

Tám giờ chuông đánh phải nằm co

Người quên mất thẻ âu trời cãi

Chó chạy ra đường có chủ lo

Ngớ ngẩn đi xia may vớ được

Chuyến này ắt hẳn kiếm ăn to

“Cò” hay “cẩm” là do tiếng Pháp “commissaire de police” (người cầm đầu một đơn vị cảnh sát).

“Xia” hay “sia” là do tiếng Pháp “chier” (đi ỉa).

Hy vọng rằng những cách viết không đúng ngữ pháp tiếng Việt như câu: “Ông Kofi Annan sốc vì vụ thảm sát Houla (Syria)”, sẽ bị đào thải trong tương lai. Xem thêm: “ấn tượng”.

ấn tượng

Ấn tượng, theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh: Cái hình tượng do ngũ quan cảm xúc mà còn in vào óc (impression).

Thí dụ: Bức tranh đã gây một ấn tượng sâu sắc.

 Trong những năm gần đây, người ta nhận thấy từ "ấn tượng" xuất hiện tràn ngập trong những câu nói hằng ngày, đầy dẫy trên báo chí.

Xin đưa ra vài thí dụ:

- Nước Mỹ nổi tiếng với những cảnh quan thiên nhiên rất đẹp và hùng vĩ. Dưới đây là mười công viên quốc gia lớn và ấn tượng nhất ở Mỹ.

- Giá vàng có tuần tăng ấn tượng nhất trong hai tháng.

- Phu nhân Tổng thống Singapore ấn tượng với gốm sứ Việt...

Tôi có cảm tưởng nghe hoặc đọc tiếng Pháp! Vấn đề là trong tiếng Pháp, có sự phân biệt rõ ràng giữa danh từ (impression), động từ (impressionner) và hình dung từ (impressionnant).

Thành thử, khi người Pháp nói: “C'est un résultat tout à fait impressionnant” thì tự nhiên người ta hiểu “impressionnant” theo nghĩa “grandiose, saisissant”. Trong khi nghe câu tiếng Việt: “Dưới đây là mười công viên quốc gia lớn và ấn tượngnhất ở Mỹ” thì hơi chối tai và có phần không đúng văn phạm tiếng Việt. Hơn nữa, hai chữ “ấn tượng” không diễn tả gì hơn “rất đẹp và hùng vĩ” đã nói trước đó.

Thay vì viết: “Giá vàng có tuần tăng ấn tượng nhất trong hai tháng”, sao không viết: “Giá vàng có tuần tăng cao vọ tnhất trong hai tháng” cho dễ hiểu hơn không.

Trong câu: “Phu nhân Tổng thống Singapore ấn tượng với gốm sứ Việt...” cũng vậy. Hai chữ “ấn tượng” ở đây là động từ dùng theo thể thụ động (verbe “impressionnée”, forme passive). Văn phạm Việt ngữ không quen như thế. Có lẽ viết như sau thì câu văn tiếng Việt tự nhiên và sáng sủa hơn: “Phu nhân Tổng thống Singapore rất lấy làm ngạc nhiên và thán phục đồ gốm sứ Việt Nam...”

Nguồn:

- http://tieng-viet-dtk.blogspot.fr/2012/06/vi-sao-co-blog-nay.html

- http://tieng-viet-dtk.blogspot.fr/2012/06/cu-shock.html

- http://tieng-viet-dtk.blogspot.fr/2012/04/tuong.html

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art