Chứng từ của một nữ bác sĩ
Một nữ bác sĩ làm chứng: “Lời cầu nguyện của tôi là làm sao cho các bệnh nhân của coronavirus có thể suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời của họ”
Bác sĩ nội trú Solène năm thứ sáu y khoa, trong đức tin chuẩn bị cho mình bước vào tuyến đầu của nạn dịch và đối diện với các tình huống cực kỳ khó khăn.
Cô đã ở tuyến đầu của nạn dịch chưa?
Tôi chưa ở tuyến đầu của Covid-19… tôi ở khoa chăm sóc giai đoạn cuối của khoa ung thư. Nhưng tôi chờ chuyển qua khoa chăm sóc dịch coronavirus bất cứ lúc nào.
Về mặt thiêng liêng, cô đã sẵn sàng để đối diện với nạn dịch chưa?
Tối hôm qua tôi có dịp dự giờ chầu Chúa. Tôi đã suy gẫm nhiều về đoạn Chúa Giêsu hấp hối trong vườn Giếtsêmani. Có một câu trong Tin Mừng Thánh Gioan (Ga 17) đã đánh động tôi: “Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm.” Tôi buồn về chuyện tôi có thể không tham dự – giống như hầu hết các người Công giáo – các nghi thức phụng vụ của Tuần Thánh. Nhưng tôi có cảm giác tôi đã làm những gì tôi có thể. Bây giờ tôi phải hoàn tất nhiệm vụ của tôi.
Đâu là mệnh lệnh tối thượng của nhân viên y tế bây giờ?
Chúng ta không thể ngăn chặn nạn dịch. Nhưng việc cách ly có thể làm chậm và giảm bớt cao điểm nạn dịch. Làm chậm lây nhiễm giúp cho dịch vụ y tế đáp ứng tốt hơn các nhu cầu. Sẽ dễ dàng để chăm sóc mười bệnh nhân mỗi ngày, hơn là chăm sóc cả trăm người một lần!
Mục đích tối thượng của chúng tôi là giữ nhiều chỗ trống trong khu hồi sức. Đó là lý do vì sao khu hồi sức sau phẫu thuật được dùng cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Thật không may, quyết định này không phải lúc nào cũng đáp ứng đủ. Ở vùng phía Đông, dịch vụ hồi sức đã đầy… Về lâu về dài, chắc chắn chúng tôi sẽ gặp cùng khó khăn như nước Ý đã gặp. Chúng tôi có thể thiếu máy trợ thở nhân tạo.
Như thế phải “lọc” các bệnh nhân trong tình trạng đe dọa đến tính mạng?
Có thể… Đó là điều rất khó để quyết định, nhưng đôi khi vì tình trạng khẩn cấp buộc lòng phải làm. Có những trường hợp cực kỳ quá độ nên không có một chọn lựa nào khác. Chúng tôi đã được huấn luyện để đối phó với vấn đề đáng sợ này trong trường hợp có tấn công khủng bố… Chúng tôi buộc phải cân nhắc, một người 30 tuổi sẽ có nhiều may mắn sống sót hơn một người 90 tuổi… Về phần tôi, tôi an tâm vì biết mình sẽ dựa trên quyết định đạo lý của người trưởng khoa phục vụ. Tôi sẽ không một mình khi đứng trước các quyết định này. Việc hồi sức đòi hỏi sự chăm sóc rất nặng nhọc và nó có nhiều nguy cơ để lại di chứng sau đó. Không phải lúc nào cũng bỏ công để chăm sóc các bệnh nhân mà họ không còn một hy vọng để sống sót. Đó là trường hợp khó khăn của một người không còn tỉnh, với các ống chằng chịt khắp nơi…
Về mặt thiêng liêng, cô cảm thấy gì khi đối diện với cái chết?
Tôi thật tình mong thảm kịch này làm chúng ta suy nghĩ sâu sắc trong lòng. Đâu là ý nghĩa đích thực cho cuộc đời chúng ta? Có một điều làm tôi buồn là tôi có cảm tưởng hầu hết bệnh nhân của tôi đi bên cạnh chiều kích thiêng liêng này… Người ta thường nói, mình sống như thế nào chết như thế đó… Tôi thấy điều này trong công việc hàng ngày của tôi. Khi người bệnh kiệt sức, họ thật sự không còn suy nghĩ được gì. Chỉ những người đã có thói quen đặt các câu hỏi về hiện sinh mới có thể sống những giây phút cuối cùng với một cường độ mạnh mẽ.
Pacôme Hồng Phước dịch
famillechretienne.fr, Samuel Pruvot, 2020-03-16
By phanxicovn - 17/03/2020