Vượt qua được gần như tất cả các “bộ lọc” của hệ hô hấp để đi vào cơ thể người, chui sâu vào trong từng ngóc ngách, ngăn chặn sự trao đổi oxy của phổi, gây ung thư, tổn thương hoạt động DNA và thậm chí là giảm tuổi thọ,… tất cả những điều đáng sợ này chỉ mới chỉ là một phần tác động nguy hại của bụi nano PM10. Đây là loại bụi kích thước cực nhỏ trong không khí bị ô nhiễm và cho tới hiện tại, gần như cách loại bỏ nó là điều không thể. Nó xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới và đáng sợ hơn (đáng sợ hơn cả AI làm phản hay Trái Đất nóng lên), loại bụi này đã được phát hiện tại Việt Nam sau đợt quan trắc chất lượng không khí tiến hành mới đây.
Bụi nano là cái gì?
Người ta dùng thuật ngữ tiếng Anh Atmospheric particulate matter hay particulate matter (PM) để chỉ những chất rắn hoặc lỏng lẫn trong khí quyển Trái Đất. Nói theo kiểu bình dân xíu thì chúng là những hạt bụi và do có kích thước quá nhỏ nên gọi là bụi nano. Tùy theo kích thước của nó mà người ta chia ra thành các loại PM khác nhau, dao động từ PM 10 (các hạt có kích thước từ 2.5 tới 10 micro mét), các hạt PM 2.5 (kích thước dưới 2.5 micro mét), các hạt bụi mịn cực nhỏ nhỏ PM 1.0 (kích thước nhỏ hơn 1 micro mét) và muội nhỏ hơn nữa với PM 0.1. Và càng nhỏ thì tác động tới sức khỏe của người của bụi càng nguy hại.
Con người có đủ mọi cách để tạo ra bụi nano trong không khí
Các hạt bụi kích thước siêu nhỏ này có thể được sinh ra từ tự nhiên lẫn hoạt động của con người. Trong tự nhiên, bụi trong không khí có thể gây ra do các đợt hoạt động của núi lửa, các cơn bão bụi, lốc xoáy, những trận cháy rừng, thải ra từ một số loại sinh vật sống (thí dụ như các loại thực vật phát tán hạt, bào tử,… ra không khí),… Đó là tự nhiên, còn con người dường như cũng có nhiều cách hơn để tạo ra bụi trong khí quyển. Theo đó, dạng bụi này sinh ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, đốt than, các công trình xây dựng, đánh sập các tòa nhà, bụi đường, thải ra từ các hoạt động công nghiệp, nhà máy, do phá rừng và thậm chí hút thuốc cũng góp phần đưa bụi nano vào không khí.
Bụi nano chui sâu vào cơ thể người, xâm nhập vào tế bào, gây bệnh hô hấp, tim mạch, máu và thậm chí là phá hủy DNA
So sánh kích thước tương đối giữa các loại bụi nano
Cả PM 10 và PM 2.5 đều có thể được hít vào cơ thể con người. Cả tổ chức Y tế thế giới WHO và cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế IARC đều xếp các hạt trong không khí vào nhóm Nhóm 1 những nhân tố sinh ung thư. Các loại bụi này là nhân tố nguy hiểm nhất trong không khí bị ô nhiễm bởi chúng có thể xâm nhập sâu vào phổi và máu mà không bị chặn lại bởi các cơ chế phòng vệ tự nhiên của cơ thể người. Khi chui vào cơ thể người, chúng có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh về phổi, tim mạch, biến đổi DNA và chết sớm. Riêng đối với PM1.0, do kích thước nhỏ nên nó càng đi sâu vào cơ thể người, đi qua màng tế bào và gây ra những ảnh hưởng sâu rộng hơn nữa.
Một nghiên cứu tiến hành hồi năm 2013 dựa trên gần 320 ngàn người tại các quốc gia ở Châu Âu đã phát hiện rằng không hề có một mức an toàn nào đối với việc tiếp xúc với bụi nano và cứ nồng độ PM10 trong không khí tăng lên 10 micro gram/ m3 thì tỷ lệ ung thư tăng 22%. Và MP2.5 càng chết người hơn nữa khi nó làm tăng 36% nguy cơ ung thư phổi cho mỗi mức tăng 10 micro gram/m3 không khí.
Bụi nano có thể xâm nhập sâu vào cơ thể thai phụ, đi sang bào thai đang phát triển tại bất cứ thời điểm nào của thai kỳ và gây nên những tác động xấu trong quá trình phát triển. Khi vào hệ mạch máu người, bụi nano sẽ hình thành nên những mảng bám tích tụ trong thành mạch, gây nên viêm mạch máu. Đồng thời, nó sẽ làm giảm tính đàn hồi của mạch máu, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và cuối cùng là hình thành nên các căn bệnh tim mahcj chết người.
Nghiêm trọng hơn, một nghiên cứu tiến hành bởi các nhà khoa học Đài Loan hồi năm 2012 đã chỉ ra rằng bụi nano còn có thể xâm nhập sâu và tác động tới hoạt động của DNA, từ đó tăng nguy cơ gây ra những biến đổi hay đột biến gen. Tương tự, một nghiên cứu công bố hồi năm 2006 cũng chỉ ra bụi nano có thể gây tổn hại DNA của con người và từ đó, gây ra những tác động hết sức tiêu cực đến sức khỏe lẫn bộ máy di truyền.
Tại một số nơi, thành phần của bụi nano còn có các chất phóng xạ, không loại trừ có cả urani và thorium, từ đó tăng nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ qua đường hít lẫn qua đường miệng nếu chúng bám vào các sản phẩm nông nghiệp. Thống kê cho thấy hàng năm, ô nhiễm không khí do riêng ngành công nghiệp than đã gây ra cái chết trong 1 triệu người. Trên phạm vi toàn cầu, 5 triệu người chết mỗi năm được cho là do những hạt bụi nano trong không khí.
Bụi nano đã xuất hiện tại Việt Nam
Do kích thước nhỏ, trọng lượng nhẹ và gần như vô hình, bụi nano có thể lan ra trên một phạm vi cực rộng qua các khu vực địa lý khác nhau, để lại nhiều hậu quả mà con người không thể “nhãn tiền”. Tuy nhiên, tùy theo đặc điểm từng quốc gia mà các khu vực tập trung ô nhiễm bụi nano cũng có sự phân bố khác nhau, tương ứng với các nồng độ đo được tại các vùng này cũng khác nhau.
Thí dụ như tại Úc, lượng bụi PM 10 trung bình hàng ngày là 50 micro gram/m3 không khí và PM2.5 là 25 micro gram/m3. Tại châu Âu, nồng độ PM10 trung bình hàng ngày là 50 micro gram/m3 còn ở Mỹ cao hơn với 150 micro gram/m3. Đối với Trung Quốc, con số này lần lượt là 150 và 75 micro gram/m3 không khí còn tại Hong Kong là 100 và 75 micro gram/m3. Đối với Nhật là 100 và 35 micro gram/m3.
Trong khi đó, theo hướng dẫn của WHO về chất lượng không khí thì ngưỡng tiếp xúc với PM2.5 trung bình hàng năm chỉ là 10 micro gram/m3, trung bình trong 24 tiếng là 25 micro gram/m3. Còn đối với PM 10 thì lần lượt 2 chỉ số này là 20 và 50 micro gram/m3.
Và cho anh em nào nghĩ rằng đó chỉ là chuyện của mấy nước khác, còn Việt Nam thì không có bụi nano đâu. Xin thưa là theo kết qua quan trắc tiến hành bởi Trung tâm quan trắc môi trường Việt Nam thì trong năm 2016, các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đều có 20% số ngày trong năm là có lượng PM10, PM2.5 vượt ngưỡng cho phép. Cho tới 3 tháng đầu 2017, Hà Nội có 37 ngày có nồng độ PM2.5 trung bình trong 24 giờ vượt quá ngưỡng 50 micro gram/m3 theo tiêu chuẩn Việt Nam và 78 ngày vượt quá tiêu chuẩn 25 micro gram/m3 của WHO.
Có thông tin cho biết trong không khí nước ta không chỉ có bụi PM10, PM2.5 mà từ vài năm trở lại đây đã có thấy sự xuất hiện của PM1.0. Đáng chú ý hơn, trong quá trình thu thập mẫu bụi trong không khí để cân bằng hệ thống cân có giới hạn phát hiện 1 micro gram, các nhà khoa học Việt Nam chỉ cần có 1 ngày để thu thập đủ số lượng cần thiết, trong khi đó họ cho biết ở Nhật thì phải mất tới 3-7 ngày để làm được điều tương tự. Điều đó cho thấy tình hình ô nhiễm môi trường đã đạt tới mức đáng báo động.
Khẩu trang y tế không thể ngăn chặn bụi nano chui vào cơ thể
Các nhà nghiên cứu khẳng định việc loại bỏ PM ra khỏi không khí ngoài trời gần như là điều không thể, đặc biệt là đối với những hạt PM kích thước càng nhỏ thì điều đó càng khó khăn hơn nữa. Riêng không khí trong nhà thì hiện một số hãng sản xuất đã cung cấp một số thiết bị lọc không khí, máy điều hòa,… với tuyên bố lọc được tới bụi PM10, PM2.5,… riêng bụi PM1.0 mình tìm thử vẫn thấy có thiết bị lọc được nhưng chưa thấy phổ biến tại Việt Nam.
Và có lẽ đọc cho tới đây cái anh em đặc câu hỏi nhiều nhất chính là đeo khẩu trang có lọc được các hạt bụi mịn PM hay không. Đầu tiên Tổ chức quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ FDA khẳng định rằng khẩu trang vải hoặc một số loại khẩu trang thoải mái, thời trang mà nhiều anh em lẫn chị em phụ nữ hay xài gần như không hề có tác dụng bảo vệ chúng ta khỏi bụi.
Đối với khẩu trang y tế, FDA nói rõ rằng nó được khuyên dùng khi đang phẫu thuật hoặc trong các tình huống thủ thuật y tế, có tác dụng ngăn chặn những hạt chất lỏng kích thước lớn, dịch, máu, nước bọt,… Tuy nhiên, khẩu trang y tế không được thiết kế để ngăn chặn các hạt bụi PM10, PM2.5 hoặc nhỏ hơn. Để làm được điều đó cần một loại khẩu trang với những lớp lọc chuyên dụng nhằm hạn chết các hạt bụi PM chui vào cơ thể con người.
Thông tin mình đọc được thì những loại khẩu trang nào có ghi rõ cụm từ NIOSH / EN / ISI và có rõ ràng sự cấp phép của các cơ quan y tế lớn thì mới có khả năng ngăn chặn được các hạt bụi nano. Các loại khẩu trang này đều có một chiếc chụp mũ khá cứng cáp, điều chỉnh được cho áp sát vào mặt người và có 2 sợi dây cố định qua đầu.
Mình tìm thử trên mạng thì thấy có một số nhãn hiệu mặt nạ như Cambridgemask, Totobobo và Respro là có tuyên bố lọc được bụi nano. Có nhãn hiệu còn tuyên bố là lọc được tận 80% PM2.5 và thậm chí lọc được cả PM0.3 với độ hiệu quả rất cao. Các mẫu mặt nạ sau khi được thử nghiệm, cấp phép lưu hành bởi Viện an toàn sức khỏe lao động Mỹ sẽ được đóng dấu N95 hoặc N99 được cho là sẽ lọc được phần lớn các loại bụi mịn. Các con số 95 hoặc 99 để chỉ khả năng lọc được các hạt PM0.3 với độ hiệu quả tương ứng 95 và 99%. Tuy nhiên phần lớn đều bán ở nước ngoài, giá khá mắc, đeo không thoải mái, khó dùng và mình cũng chưa tiếp cận được nguồn thông tin đáng tin cậy về tính hiệu quả thật sự của nó.
Và có lẽ, giải pháp an toàn, triệt để nhất để làm giảm lượng bụi mịn hay bụi nano trong không khí chính là giải quyết ngay từ nguồn phát thải ra chúng. Điển hình như áp dụng các chuẩn khí thải Euro, hạn chế các hoạt động chặt phá đốt rừng, hạn chế dùng nhiên liệu hóa thạch,…. Tất nhiên, trong khi chờ tới ngày vấn đề được giải quyết tới tận gốc rễ thì việc đầu tư một chiếc mặt nạ chống bụi có vẻ như là ý tưởng khả thi nhất. Bọn mình sẽ thử tìm mua về xem và nghiên cứu kỹ hơn vụ khẩu trang này, xong sau đó sẽ chia sẻ với anh em tiếp. Chúc vui.
ndminhduc