Chủ Nhật, 03 Tháng Ba, 2019

Hiện tượng núi lửa phun trào

Hiện tượng núi lửa phun trào

 Núi lửa đang phun lửa ở Philippines. (Hình: npr.org)

Núi lửa phát sinh ra từ hơi nóng và sức ép từ trong lòng trái đất. Từ trung tâm ra tới ngoài trái đất bao gồm nhiều tầng lớp: lớp lõi ở sâu trong cùng rồi tới lớp manti (mantle) và phần ngoài cùng là lớp vỏ cứng (crust).

Tại sao có núi lửa

Lớp lõi lại được chia làm hai. Lớp lõi trong (inner core) ở thể rắn và rất nóng khoảng 7,000 độ C. Tuy rất nóng nhưng vẫn ở thể rắn vì lớp này chịu sức ép ghê gớm của các tầng lớp ở trên. Lớp lõi ngoài (outer core) nóng khoảng 5,000 độ C và ở thể lỏng.

Lớp manti dày khoảng 3,000 km, phần lớn là đá silicat (silicate). Tuy là đá nhưng không hoàn toàn ở thể rắn, vì nhiệt độ rất cao nên có chỗ đá ở một trạng thái nhão và được gọi là macma (magma). Macma là nguyên nhân gây ra núi lửa.

Lớp vỏ cứng là lớp đất đá mà mọi loài vật sinh sống trên đó. Lớp này dày khoảng từ 30 tới 50 km trên đất liền và khoảng từ 5 tới 10 km ở dưới lòng đại dương.

Macma là đá ở thể nhão trong lớp manti. Macma nhẹ hơn đá nên từ từ nổi lên gần mặt đất. Trong khi nổi lên thì những khí có trong macma xuất hiện như là những bong bóng. Macma có thể phun trào qua những kẽ hở của vỏ trái đất. Nếu macma quá dày đặc những bong bóng khó thoát lên được nên sinh ra một áp xuất rất mạnh và đẩy bắn macma ra ngoài không khí. Trường hợp đó là sự bùng nổ của núi lửa

 Dung nham tràn ra đường trong trận núi lửa phun ở Hawaii. (Hình: usgs.gov)

Macma khi phun ra ngoài thì được gọi là dung nham (lava). Lava nóng khoảng từ 750 độ C tới 1,259 độ. Dung nham có thể chảy như một chất lỏng hay có thể rất đặc và không thể di chuyển nhiều. Sau khi nguội lại thì dung nham là một loại đá.

Phân loại núi lửa

Có nhiều cách phân loại các núi lửa, phân loại theo sự hoạt động, theo hình thể hay theo sự phun trào. Chiếu theo sự hoạt động của núi lửa các nhà khoa học xếp các núi lửa thành ba loại: loại đang hoạt động, loại nằm im (dormant) và loại đã tắt (extinct).

Nếu núi lửa đang phun trào thì dĩ nhiên là được sắp vào loại đang hoạt động. Nhưng nếu núi lửa có khả năng sẽ phun trào trong tương lai gần thì cũng được sắp vào loại đang hoạt động. Theo Cơ Quan Khảo Sát Địa Chất (U.S. Geological Survey) của Hoa Kỳ thì trên thế giới hiện tại có khoảng 1,500 núi lửa có khả năng hoạt động. Hawaii là vùng có nhiều núi lửa đang hoạt động.

Núi lửa được sắp vào loại nằm im nếu không đang phun trào và được tiên đoán là sẽ không phun trào trong tương lai gần, nhưng đã phun trào trong quá khứ và có thể sẽ phun trào trong tương lai xa. Núi Phú Sĩ của Nhật Bản có lẽ là núi lửa nằm im nổi tiếng nhất thế giới. Lần phun trào cuối cùng là hơn 300 năm trước. Tuy nhiên vì những hoạt động địa chấn đo được chung quanh núi nhiều nhà nghiên cứu núi lửa coi núi Phú Sĩ là loại đang hoạt động.

Núi lửa loại đã tắt là núi lửa đã phun trào trong quá khứ nhưng được tiên đoán là sẽ không phun trào trong tương lai.

Vành đai lửa

 Núi Phú Sĩ. (Hình: en.wikipedia.org)

Trên trái đất có một vùng như hình vòng cung gọi là Vành Đai Lửa (Ring of Fire). Ở vùng đó xảy ra rất nhiều trận động đất và núi lửa. Các nước Nhật Bản, Hoa Kỳ, Mexico, Chile, New Zealand, Indonesia và Philippines đều ở trên Vành Đai Lửa. Việt Nam may mắn là không ở trong vòng đai này.

Có tiên đoán được khi nào núi lửa bùng nổ không?

Các nhà nghiên cứu núi lửa nghĩ rằng họ có thể tiên đoán được khi nào núi lửa sẽ bùng nổ. Nhưng tất cả còn tùy thuộc nhiều điều kiện. Tiên đoán ngắn hạn, thí dụ như núi lửa sẽ phun trào trong ngày hôm nay thì dễ và chính xác hơn là tiên đoán dài hạn, như là nói núi lửa này sẽ phun trào trong vòng một năm.

Các nhà nghiên cứu núi lửa dùng nhiều phương pháp để theo dõi núi lửa và tiên đoán chừng nào thì núi lửa sẽ phun trào. Nhiều dụng cụ giám sát như máy dò địa chấn (seismic detector) được cài đặt gần miệng núi lửa để theo những chuyển động của đất đá tại đó, cũng như là máy đo lượng khí thoát ra. Tùy theo sự thay đổi của các dữ kiện đó mà các nhà nghiên cứu núi lửa tiên đoán núi lửa sẽ phun trào hay không. Bây giờ các nhà khoa học còn dùng vệ tinh để theo dõi các núi lửa.

Người ta cũng đã nhận xét là nhiều thú vật có vẻ như cảm nhận được là núi lửa sắp sửa phun trào. Những thú vật lúc ấy rất là bồn chồn lo lắng.

Núi lửa có lợi ích gì không?

-Núi lửa thời mới có trái đất: Núi lửa tuy gây ra nhiều thiệt hại về nhân mạng cũng như tài sản, nhưng kể từ khi mới có trái đất thì núi lửa đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển đời sống trên trái đất. Ngay từ thời trái đất mới được tạo thành núi lửa đã giúp tạo nên nhiều đất đai. Có nhiều chứng cớ là núi lửa cũng góp phần tạo ra bầu khí quyển và đại dương.

-Núi lửa hiện tại: Núi lửa phun dung nham ra, khi nguội làm tăng thêm đất như ở Hawaii và cũng có thể tạo nên những hòn đảo mới. Tro bụi phun ra từ núi lửa phân hóa thành đất. Đất này có nhiều khoáng chất và có khả năng lưu trữ chất dinh dưỡng và nước cao nên rất màu mỡ. Đất từ núi lửa chiếm khoảng 1% đất đai trên trái đất.

 Vành Đai Lửa. (Hình: learner.org)

Núi lửa nằm im tuy không phun lửa nhưng vẫn tiếp tục làm nóng môi trường chung quanh, do đó sinh ra nhiều suối nước nóng thiên nhiên rất có lợi cho sức khỏe. Hơi nóng này có thể được khai thác để có nhiệt và năng lượng.

Phải làm gì khi ở gần núi lửa đang phun trào

Cơ Quan Khảo Sát Địa Chất có phát triển một hệ thống báo nguy cho dân chúng ở chung quanh vùng núi lửa. Nếu có báo động thì phải di tản ra khỏi vùng này ngay lập tức.

Bộ An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ (Department of Homeland Security) có thiết lập trang mạng bằng tiếng Việt: www.ready.gov/vi/volcanoes để cung cấp những thông tin về núi lửa và những điều cần làm khi núi lửa phun trào. Đây là những điều khuyên trên mạng đó:

-Tuân theo lệnh di tản của các cơ quan có thẩm quyền và di tản ngay lập tức khỏi khu vực núi lửa để tránh mảnh vụn bay, khí nóng, nổ bên và dòng dung nham.

-Nhận thức được các dòng bùn. Mối nguy hiểm từ dòng bùn tăng lên ở gần các kênh suối và cùng với các trận mưa to kéo dài. Dòng bùn có thể di chuyển nhanh hơn quý vị có thể đi hoặc chạy. Quan sát ngược dòng trước khi đi qua cầu và không được đi qua cầu nếu dòng bùn đang đến gần.

-Tránh thung lũng ven sông và khu vực thấp.

-Hãy nhớ giúp đỡ hàng xóm của quý vị, những người có thể cần sự trợ giúp đặc biệt – trẻ sơ sinh, người già và người có nhu cầu tiếp cận và chức năng.

Bộ An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ cũng cung cấp những thông tin tương tự bằng tiếng Việt cho mọi trường hợp khẩn cấp như cháy rừng, cuồng phong, các vụ nổ, mối đe dọa hóa học… Đây là một trang mạng rất cần thiết cho người Việt sinh sống ở Mỹ.

Thí dụ bạn muốn biết khi cháy rừng thì phải làm sao, bạn vào mạng www.ready.gov/vi, rồi nhấp chuột vào hàng chữ “Cập Nhật Thông Tin,” sau đó nhấp chuột vào chữ “Cháy Rừng” ở phía dưới và bên tay phải. Lúc đó bạn sẽ được đưa tới trang mạng www.ready.gov/vi/wildfires trong đó có đầy đủ thông tin về cháy rừng.

Hà Dương Cự/Người Việt

Nguồn tài liệu:

https://volcanoes.usgs.gov, www.ready.gov/vi, http://volcano.oregonstate.edu

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art