Thứ Năm, 23 Tháng Giêng, 2020

Cà phê từ nguyên hạt đến những giọt đắng

Cà phê từ nguyên hạt đến những giọt đắng

Cafe từ lâu đã được xem là một trong những thức uống phổ biến của người dân nước ta. Từ những buổi gặp khách hàng cho đến lê la buôn chuyện cùng bạn bè, ai ai cũng chọn quán cafe là điểm hẹn như một thói quen.

Nhưng, nhận được một cốc cafe trên tay từ nhân viên quán, bạn có bao giờ tự hỏi nó được hình thành thế nào, quá trình trở thành thành phẩm ra sao không? Hãy để chúng tôi kể các bạn một câu chuyện về hành trình này, qua một góc nhìn siêu cận cảnh mà có lẽ trước đây ta chưa từng thấy qua dưới con mắt trần.

Một hạt cafe mà chúng ta thường thấy, sẽ có sắc đen sậm, nhưng thực chất đấy là đã trải qua quá trình rang. Còn một hạt cafe khi vừa mới được thu hoạch, chín mọng từ trên cành cũng phải qua nhiều công đoạn tách lọc khác nhau, chưa kể là còn qua phương pháp chế biến ướt hoặc khô tùy theo loại hạt.

Đây là hạt cafe sau khi đã được chế biến xong, chụp bằng camera macro của Samsung Galaxy A51 đem đến cho chúng ta cái nhìn khác lạ mà mắt thường khó có thể thấy được chi tiết như vậy.

Sau quá trình sàng lọc và xử lý, chế biến, những hạt cafe tốt nhất được đưa vào công đoạn rang. Vì sao phải rang? Hạt cafe xanh vẫn có các chất acid, protein, cafein nhưng lại thiếu đi hương vị. Chính vì thế quá trình rang (cung cấp nhiệt) sẽ giúp thúc đẩy các phản ứng hóa học trong cafe, tạo ra mùi hương, làm hạt cafe mất hơi nước, nở ra, thay đổi cả màu lẫn mùi.

Sắc nâu sẫm hiện lên sau khi hạt cafe đã qua quá trình rang.

Ở giai đoạn này, nhặt từng hạt cafe mới rang lên, ta có thể nhận thấy được mùi hương nức mũi, ngửi thấy là đã muốn... dùng ngay. Nhưng gượm đã, trước khi có thể dùng được, những hạt cafe rang này vẫn phải được xay.

Những hạt cafe sau khi được xay mịn trông như thế này.

Người dân Việt Nam từ lâu đã có truyền thống uống cafe pha phin. Hiện nay có rất nhiều kiểu pha cafe khác từ nước ngoài du nhập vào nhưng cách pha phin truyền thống vẫn còn được ưa chuộng, dù là ở quán cóc vỉa hè hay những quán cafe máy lạnh.

Một góc của chiếc phin pha cafe. Một số nhà sản xuất phin còn kỹ đến mức làm phần tay cầm với lớp bọc da để khi tay người pha chế tiếp xúc vào cũng không bị bỏng do nhiệt.

Và để thực hiện một ly cafe pha phin thơm ngon, ta cần một cái phin thật tốt, thể tích vừa phải để chứa đủ lượng cho 1 ly cafe. Có một mẹo là nên tráng phin qua nước sôi trước để khi pha để cafe nhận được lượng nhiệt đầy đủ hơn, từ đó giúp cafe đậm vị và thơm hơn.

Cafe xay được cho vào phin trước khi được ép và đổ nước sôi.

Cho cafe vào phin, rồi dùng gạt ép vừa phải, không quá chặt cũng không quá nhẹ. Bởi nếu quá chặt thì cafe khó chảy ra còn nhẹ quá thì cafe nhạt và bột cafe nổi phồng lên rất nhiều. Sau đó, chế nước sôi vào để ủ cafe.

Những giọt cafe đầu tiên rơi xuống, nhỏ từng chút một và đây cũng là lúc ta ngồi đọc báo sáng, hoặc buôn chuyện cùng bạn bè, chờ đến lúc thưởng thức một ly cafe thơm ngon.

Với thói quen uống của người Việt Nam, chúng ta thường thưởng thức cafe một cách chậm rãi, chứ không vội vàng như các kiểu cafe từ phương Tây. Nhiều người cho rằng cafe phương Tây hoặc cafe pha hòa tan thường khá nhạt và loãng, trong khi đó họ thích sự sánh đặc và đậm đà trong từng giọt cafe phin Việt Nam. Cũng vì lẽ đó, cafe phin của Việt Nam vẫn có một chỗ đứng rất lớn qua nhiều thế kỷ, văn hóa cafe ở mọi nơi, mỗi ngày vẫn còn đó và sẽ tiếp tục phát triển, trở thành một biểu tượng gắn kết với người Việt.

http://khoahoc.tv/

Bài viết khác