Các học giả Israel đã kiên trì giải mã thành công một trong hai bản thảo bí ẩn nhất còn sót lại thuộc nhóm tài liệu “Các cuộn giấy Biển Chết”, sau hơn nửa thế kỷ kể từ khi chúng được khám phá.
Các cuộn giấy Biển Chết là những bản viết tay cổ nổi tiếng của Kinh Thánh, được phát hiện lần lượt cách đây khoảng từ 50-70 năm, trong tình trạng bị chôn vùi bên trong các hang động ở Bờ Tây. Hai chuyên gia Eshbal Ratson và Jonathan Ben-Dov thuộc Khoa Nghiên cứu Thánh Kinh của Đại học Haifa đã mất hơn 1 năm để ghép lại hơn 60 mảnh giấy cực nhỏ, với một số mẩu chưa đầy 1cm², viết bằng một dạng mật mã cổ. Sau thời gian mày mò, họ cuối cùng đã khám phá được nội dung của chúng. Số mảnh vụn này chứa những ký tự bằng ngôn ngữ Do Thái cổ, và trước đây được cho là thuộc về nhiều cuộn giấy khác nhau. Tuy nhiên, kết quả nằm ngoài sự tưởng tượng của mọi người. Các nhà nghiên cứu vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện những mảnh vụn này có thể ghép lại thành một cuộn giấy có nội dung đồng nhất và xuyên suốt.
Nhiều người có thể đặt câu hỏi: Thật ra Các cuộn giấy Biển Chết viết về cái gì? Theo khám phá của nhiều học giả khác nhau, những cuộn giấy chất chứa nhiều nội dung quan trọng liên quan đến Kitô giáo, và lâu nay được xem là bản sao chép cổ nhất về Thánh Kinh từng được tìm thấy trong lịch sử. Tựu trung, chúng có thể chia làm hai dạng. Thứ nhất là bản chép tay về Kinh Thánh, có nội dung tương đồng với Cựu Ước được lưu truyền đến ngày nay. Phần còn lại là những bài viết về tôn giáo từ thời của kỷ nguyên Đền thờ Thứ hai (530 trước CN đến năm 70), cũng liên quan đến nội dung trong Cựu Ước. Tổng cộng đã có hơn 900 cuộn giấy Biển Chết được khai quật trong nhiều thập niên, từ 1940 - 1950, tại 11 cái hang thuộc về một nơi được biết đến với cái tên Wadi Qumran gần Biển Chết (Bờ Tây).
Bằng việc giải mã một trong hai tài liệu cuối cùng thuộc nhóm Các cuộn giấy Biển Chết, tiến sĩ Ratson và giáo sư Ben-Dov đã hé lộ thông tin về những dịp lễ hội đặc biệt được nhóm Qumran (tác giả của các bản thảo nổi tiếng) ăn mừng, cũng như bộ lịch độc nhất vô nhị chỉ gồm 364 ngày trong năm. Theo hai nhà nghiên cứu, bộ lịch này có liên quan đến một trong những vụ tranh cãi nảy lửa nhất giữa các nhóm người khác nhau trong giai đoạn vào cuối Đền thờ Thứ hai. Họ nhận xét rằng lịch theo chu kỳ mặt trăng, được những người theo Do Thái giáo tuân thủ đến ngày nay, dựa trên rất nhiều quyết định và kết luận rút ra qua quá trình theo dõi chuyển động của tinh tú và mặt trăng. Và phải cần đến ý kiến vô cùng có trọng lượng của một nhân vật thời đó để đưa ra chu kỳ xác định năm nhuần.
Tương phản với bộ lịch này, lịch 364 ngày được cho là hoàn hảo hơn, vì đây là con số có thể chia được cho 4 và 7, có nghĩa là những dịp quan trọng luôn rơi vào cùng một ngày trong năm. Dựa trên văn bản mới được giải mã, có những ngày hội chưa từng được phản ảnh trong Thánh Kinh, bao gồm: lễ “Rượu Mới” và “Dầu Mới”. Theo đó, lễ “Rượu Mới” diễn ra cách lễ Shavout của người Do Thái 50 ngày, và thêm 50 ngày nữa đến dịp lễ “Dầu Mới”. Lễ Shavuot (Lễ tuần) bắt đầu vào ngày thứ sáu của tháng Sivan theo lịch Do Thái. Shavuot kỷ niệm ngày Chúa đã ban Mười Điều Răn cho ông Môsê và người dân Israel tại núi Sinai. Shavuot là một trong ba lễ trọng đại (cùng với Sukkot và Lễ Vượt Qua). Bên cạnh đó, giới học giả thời nay cũng phát hiện thêm một điều mới từ cuộn giấy, đó là từ Tekufah, chỉ thời gian quá độ giữa các mùa trong năm, bổ sung một ngày đặc biệt cho mỗi đợt chuyển mùa.
Như vậy, hiện chỉ còn một cuộn giấy vẫn chưa được giải mã thành công, và nhóm chuyên gia của Đại học Haifa đã bắt tay vào dự án mới. Hồi năm ngoái, Đại học Hebrew (Israel) cũng công bố tìm được hang động thứ 12 trong địa phận sa mạc Judea. Dù các cuộn giấy tại đây đã biến mất, điều này cũng không phủ nhận tầm quan trọng của phát hiện mới. Nhà khảo cổ học Oren Gutfeld của Đại học Hebrew và tiến sĩ Randall Price của Đại học Liberty ở bang Virginia đang đứng đầu đội ngũ nghiên cứu khai quật hang động mới được tìm thấy vào tháng 2.2017. Họ cho rằng sẽ sớm tìm được manh mối cho phép hiểu rõ hơn về những gì xảy ra cách đây hơn 2.000 năm ở khu vực này, theo Live Science.
LING LANG