Thứ Ba, 31 Tháng Bảy, 2012

Mảnh Giấy Màu Xanh

Mảnh Giấy Màu Xanh

Mỗi người có một môi trường sống. Có những người thích nhà bê-tông, vườn cảnh, hoặc những trung tâm thương mại ngầm dưới đất. Có những người thích những căn nhà biệt lập với thảm cỏ xén gọt cẩn thận cùng hàng rào và chó dữ. Có những người thích ở tầng thứ năm không có thang máy, có vị quản gia ở cầu thang. Và có gia đình Faruê.

Môi trường xung quanh nhà Faruê là yên tĩnh và cỏ xanh. Một cái vườn nhỏ với những luống tỏi trên các ô vuông khoai tây, một ít cây đậu, ba luống xà lách, đậu quả viền thìa là. Chuồng nuôi thỏ ở dưới bóng cây hạt dẻ, cánh đồng cỏ bao quanh con đường phía bắc đầy cỏ thơm; các dải đất hẹp quanh nhà trồng hoa hồng và hoa cẩm chướng ấn Độ, đó đây điểm những bông hoa cúc vàng to, cành trĩu cong bởi những chú tò vò. Có cả gian chứa cỏ thơm hương táo, tỏi treo lủng lẳng trong vựa thóc, hầm rượu hăng mùi mận và mùi rượu vang thùng. Bà Gian và ông Rôgiê Faruê còn có một con chó già giống không xác định, đôi gà mái lần lượt thay nhau đẻ trứng, và hàng xóm cách xa không dưới một cây số.

Ông đã làm đủ mọi việc: thợ máy trong làng, lái xe tang, thợ làm vườn hoa và nhiều việc nhỏ linh tinh khác tùy yêu cầu công việc. Bà làm mọi việc còn lại. Họ đếm từng xu, sáng tạo ra nhiều cách dự trữ các thức, gom góp những cái nhỏ nhặt hoặc tiết kiệm từng ly từng tí.

Rôgiê phát hoang, nhưng ông quên mất không xin trợ cấp. Gian trông trẻ, bà không biết đến tổ chức bảo hiểm xã hội. Gia đình Faruê như vậy đấy. Cùng một lúc, họ vừa là kiến, vừa là ve sầu, sống hạnh phúc suốt mùa hạ cũng như mùa đông, tỉ mỉ và vô tư, rất khéo léo và cũng rất mơ mộng. Thật hạnh phúc. Hôm ấy Rôgiê sang rừng bên nhặt hạt dẻ, và Gian ở nhà làm rượu mận. Đang độ thu về, trời đã về chiều, ngày trôi đi êm đềm. Qua cửa sổ bếp, Gian bỗng thấy xe người đưa thư. Họ không mấy khi đến đây và tiếng động cơ làm gà sợ kêu quang quác, chó sủa giận dữ. Sau khi đã lịch sự mời khách uống một cốc vang, Gian đứng ở ngưỡng cửa chào khách và lạ lùng ngắm nghía tấm phong bì người đưa thư vừa trao cho. Bà không muốn bóc phong bì trước mặt người đưa thư. Mọi người đều biết rằng những người đưa thư ở nông thôn thường tò mò. Bây giờ bà lật đi lật lại trên những ngón tay mảnh giấy màu xanh hình chữ nhật ấy, được điểm thêm một cái dấu khó đọc. Địa chỉ lại đánh máy gửi ông Faruê, nơi ở đề " Lê Anghe" quận x...

Có những người ngày nào cũng nhận được thư và một chiếc phong bì xanh lơ hay xanh lá cây chẳng gây cảm xúc gì. Những người có hộp thư, có một con dao rọc giấy, có thói quen ung dung xé giấy bọc ngoài dán tem. Còn bà, Gian Faruê đặt phong thư lên chiếc bàn kê trong bếp, ngồi trước nó và do dự.

Đây không phải thư của họ hàng, chẳng phải là một thiếp báo gì đó và chỉ gửi cho ông Faruê, một mình ông thôi. Thật lạ, đáng phải nghi ngại, và địa chỉ lại đánh máy, đó là điều không được lễ độ lắm. Gian không ưa thế, bình thường thì cái đó phải viết bằng tay. Bà không bóc thư. Để cho Rôgiê bóc, vì thư chỉ đề tên ông và điều đó Gian cũng thực lòng không ưa.

Họ đã lấy nhau trên bốn mươi năm nay, chưa từng có ai lại tách họ ra như vậy bằng thư từ. Kẻ nào làm như vậy chắc là không quen biết họ. Gian quay lại tiếp tục công việc trong mùi thơm của mận chín và chờ chồng về. Thỉnh thoảng bà lại nghi ngại liếc nhìn chiếc phong bì lạ lùng đó. Vừa về đến nhà, túi hạt dẻ còn trên vai, Rôgiê đã cảm thấy có vẻ gì " khang khác" . Gian lặng thinh chìa cho ông chiếc phong bì, ngồi xuống bên chờ đợi. Cả ông cũng vậy, xoay tấm giấy mọi phía, chùi sạch tay, cẩn thận mở ra. Trước tiên, ông đọc bằng mắt, cau đôi mày lại, rồi bắt đầu đọc to cho vợ nghe.

" Thưa ông,

Ông phải nộp số tiền là 3.062 quan, làm tròn lên đến hàng xu. Khoản nợ của ông phân tích ra như sau: thuế trong bốn năm gần đây tính trên cơ sở thu nhập tối thiểu của ông là 2884 quan (con số này có thể điều chỉnh) cộng thêm tiền phạt do chậm trễ là 10 phần trăm, vậy tổng cộng là 3062 quan. Số tiền trên phải nộp cho kế toán ở Ngân khố trước ngày 20 tháng chạp năm 1957. Trường hợp không trả đúng thời gian quy định sẽ bị truy tố trước pháp luật theo thường lệ" .

Chữ ký không rõ, thiếu lịch sự hay vì không đọc được

Thế là thế nào? Đây là chuyện tiền nong, điều này, vợ chồng Faruê biết lắm, họ cũng hiểu rằng theo tờ giấy này họ nợ khoản tiền ấy. Nhưng nợ ai? Tại sao? Họ không bao giờ vay mượn tiền bạc của ai cả. Chưa bao giờ có người đòi nợ họ bất cứ thứ gì!

Rôgiê đọc đi đọc lại. Gian xem kỹ mảnh giấy. Không ngờ vực gì nữa, đó là thuế. Thuế đối với họ? Nhưng thuế về cái gì? Rôgiê chưa bao giờ đóng thuế. ông chưa bao giờ kiếm khá tiền để đóng thuế. Ngay ngôi nhà đang ở thực ra cũng không hoàn toàn thuộc về ông. Rôgiê có ba anh em mà ông là người duy nhất sống trong đó, có chăng là khoản tiền thổ trạch liên quan tới hai người kia.

3062 quan! Tờ giấy này đòi 3062 quan một lúc. Một khoản tiền mà Gian và Rôgiê không bao giờ có đủ. Số tiền phải kiếm gần một năm mới có. " Được, Rôgiê nói, tôi sẽ đến trụ sở chính quyền, bà lấy cho tôi bộ quần áo, tôi sẽ đi xe ca" .

Ngọn gió tai họa thổi vào ngôi nhà xinh xinh của gia đình Faruê. Trong ví của gia đình còn 200 quan. Mùa đông này, Rôgiê sẽ làm một số công việc cho tòa thị chính của tỉnh, người ta đã trao cho ông công việc nhặt trẻ con đến trường học. Cứ coi như mọi việc tốt cả, từ nay đến Nô-en, họ có thể để ra 600 quan mỗi tháng, sau khi trả các khoản thực phẩm phụ, tiền điện, bánh mì và thuốc lá.

Rôgiê thắt ca-vát, đó là dấu hiệu xấu. Dấu hiệu chứng tỏ ông xúc động mạnh vì giận dữ cùng lúc. Nhưng ông không muốn Gian đi cùng, những chuyện tiền bạc này là chuyện của đàn ông.

Rôgiê đã mất một giờ đồng hồ để tìm nhận ra cái ông ngồi sau cửa thu tiền. Liệu có phải ông ta không?

Phải chăng đấy là một người hay một ô kéo két (1) có ria? Liệu ông ta có biết nói gì khác ngoài câu: " Ông phải trả tiền, tôi không thể làm gì khác được" .

Rôgiê muốn biết tại sao ông phải trả tiền và ông ô kéo két có ria mép không trả lời đúng câu hỏi đơn giản ấy. Ông ta bảo rằng Rôgiê đã không khai báo thu nhập nhiều năm, rằng Nhà nước đã phát hiện ra, và theo đúng luật pháp, người ta thu tiền thuế bốn năm cuối cùng giá trị tương ứng với số tiền thuế lẽ ra ông phải khai nộp.

Thế là thế nào?

Rôgiê yêu cầu ông ô kéo két có ria mép nhắc lại:

- Khai thu nhập? Nhưng tôi không có thu nhập!

- Ông đã kiếm ra tiền chứ?

- Thỉnh thoảng, có, nhưng ít lắm!

- Nào, nào, mọi người đều kiếm tiền! Dẫu sao chăng nữa cũng phải khai thu nhập...

Nhưng ông Rôgiê cho rằng kiếm được quá ít thì không phải nộp thuế.

- Đúng đấy, đúng đấy - ông ô kéo két có ria mép nói.

Vậy thì sao Rôgiê phải trả tiền? Vì ông đã không khai thu nhập. Và bởi không khai thu nhập nên ông phải nộp tiền.

Rôgiê đỏ bừng mặt, ông nắn lại ca-vát, nắm hai tay trong túi. Lý lẽ nông dân của ông thúc đẩy ông mạnh mẽ hơn nữa.

Điều mà ông ô kéo két phải hiểu ra là Rôgiê không hề biết rằng phải khai báo cả cái điều mình không kiếm ra tiền. Vấn đề đó đã kéo dài bốn mươi năm nay.

- Vậy tại sao lại là bây giờ?

- Vì đó là luật pháp, và người ta đã tìm ra ông!

- Nhưng người ta là ai?

- Là Nhà nước, thưa ông.

- Ông là Nhà nước?

- Không, thưa ông, tôi ở đây không phải để đùa cợt với ông. Ông phải trả tiền, có thế thôi.

Rôgiê vẫn còn cố nén được cơn thịnh nộ đã dâng lên đến tận cổ. Bây giờ ông muốn biết và muốn rằng ông ô kéo két có ria mép giải thích cho ông tại sao lại là 3062 quan.

- Thì đấy, ghi trên giấy ấy - với vẻ cho qua chuyện, ông này mỉa mai - 2784 quan cộng với 10 phần trăm chậm trễ!

Nhưng sao lại 2784 quan? Và tại sao lại là chậm trễ? Vì ông không biết cơ mà!

Đến đấy, ông ô kéo két có ria mép khịt mũi mạnh, vẻ khinh khỉnh, bằng giọng kẻ cả, ông gằn tiếng:

- Ông kính mến ạ, tôi không phải là người giải thích cho ông cách tính biểu thu nhập như thế nào. Các nhà toán học giỏi giang đã tính một lần chung cho tất cả. Ngoài ra, số tiền ông phải nộp đã được tính thỏa đáng rồi!

Ai đã tính toán thỏa đáng? Rôgiê muốn hỏi cho ra, có lẽ ông muốn trao đổi với người đã tính toán đó, như vậy sẽ đơn giản hơn vì có lẽ ông ta đã nhầm lẫn trong cách tính thu nhập của ông. Nhưng Rôgiê không có đủ thì giờ, ông ô kéo két đã đứng dậy sau cửa thu tiền:

- Thưa ông, tôi không mất thì giờ vô ích. Nếu ông muốn khiếu nại, ông cứ việc làm. Luật pháp cho ông quyền ấy, nhưng trước hết ông phải trả tiền đã, điều ấy đã ghi bằng chữ nhỏ ở tờ giấy đấy, ông thấy không? Tất cả các vấn đề khiếu nại về thuế đã duyệt trên đây không loại trừ việc phải nộp khoản thuế ấy trong thời gian ấn định.

Một mình trong căn nhà yên lặng và cỏ dại bao quanh. Gian bóc hạt dẻ mà lòng lo lắng... Bà biết rõ Rôgiê của bà lắm, ông ít nói và không ưa người ta trả lời mình không đúng mức. Bà Gian lo ngại là có lý.

Rôgiê bỏ mũ cát két xuống, đặt cẩn thận trên quầy, nhằm vào cái cửa nhỏ sau quầy thu tiền xô vào dưới những con mắt kinh ngạc của ba người thư ký đánh máy, tóm lấy cổ áo ông ô kéo két như tóm một con thỏ, đánh đấm túi bụi, quật ông ta ngã ngửa ra và không cần biết đến những tiếng la hét của phụ nữ, phóng vút ra ngoài, tìm xem sẽ làm gì con mồi của mình.

Ông cần làm cái gì đó để răn dạy, cái gì đó để làm ông nguôi giận. Đầu trần, mặt đỏ bừng vì cơn giận chưa nguôi, ông đứng đó, trên bậc cửa cơ quan hành chính. Trước mặt ông, một chiếc bồn con với những chiếc vòi nước phun trong vắt. Ông ô kéo két bị quẳng phụp xuống tắm mát một cách lố bịch trước khoảng một chục kẻ vô công rồi nghề tò mò. Và như vậy thật dễ chịu. Dễ chịu nhưng phải trả giá đắt đấy: hành hung trên thân thể một viên chức đang thi hành nhiệm vụ...

Rôgiê bị giữ ở " bót" ngay hôm đó, và ông đã mất hai năm để trả giá cho tất cả, kể cả thuế. Khi ông trở về ngôi nhà nhỏ yên tĩnh có cỏ dại bao quanh của mình, bà Gian chỉ hỏi ông vẻ ngờ vực:

- Rôgiê, ông đã làm gì với cái mũ cát két (2) của ông rồi?

Bellemare, Pierre

 

(Rút trong tập " Tính mạng treo đầu sợi dây" NXB ĐH-CT - 1989)

(1) Nguyên văn: Un tiroir - caisse tức là ngăn kéo két đựng tiền của nhân viên thu ngân, mở ra là có chuông kêu.

(2) Tác giả chơi chữ casquette vừa có nghĩa là chiếc mũ ca-két vừa có nghĩa là món tiền phải trả.

Truyện khác