Thứ Hai, 12 Tháng Tư, 2021

Tin mừng Ngụy thư Giuđa

Tin mừng Ngụy thư Giuđa.

Tờ Nguyệt san « Science et Avenir » số tháng 1/2006, có bài báo với tựa đề khá giật gân: « Khám phá một thủ bản gây phiền nhiễu: Tin mừng Giuđa[1] ». Theo bài báo, cuốn tin mừng xuất hiện năm 1983, biến mất và được khôi phục bên Thụy Sĩ. Tập tài liệu đưa ra một cách giải thích mới về Giuđa phản bội Đức Giêsu. Thật thế, ông Giuđa chỉ tuân theo lệnh Thiên Chúa để phản bội Đức Giêsu, cho nên Giuđa không mang hình ảnh kẻ phản bội nhưng một anh hùng. Từ bài báo tin mừng Giuđa lại gây xôn xao trên các phương tiện truyền thông, báo chí và dư luận.

1. Những nổi trôi của thủ bản tin mừng Giuđa.

Vào thập niên 1970, bản thảo tin mừng Giuđa được một số nông dân tìm thấy tại một vị trí khảo cổ nơi miền Trung xứ Ai cập ở Muhâzafat Al Minya, trong một hang động ở Djébel Qarara, cách thành Caire khoảng 180km. Hang động được dùng làm nơi chôn cất, nên chứa đựng hai cái hòm. Một trong hai rương hòm có chứa hai bình bằng thủy tinh và một hộp bằng đá trắng. Trong đó chứa đựng những « cuốn sách », đúng hơn những chỉ thảo (papyrus) được gom lại thành tập lục (codex). Sau này, người ta khám phá ra những chỉ thảo chứa đựng bốn cuốn sách khác nhau. Và một trong bốn cuốn sách là tin mừng Giuđa. Những người khám phá đã chia nhau những mảnh thủ bản rời rạc và đem đi bán.

Trước hết, họ bán tập lục cho một trong những nhà kinh doanh chuyên môn về đồ cổ ở thành phố Caire. Ông Hanna đã mua với giá 8000 đồng Ai cập (tương đương với 2000€). Một ít lâu sau, cửa hàng ông Hanna bị đánh cắp nên bộ tập lục cũng bị mất theo luôn. Ông cố gắng tìm tòi và đã mua lại được trong giới thu bán đồ cổ và Hanna quyết định gửi bộ tập lục bên Thụy Sĩ.

Đến năm 1983, thủ bản tái xuất hiện bên Thụy Sĩ, và Hanna muốn bán thủ bản cho các đại học bên Mỹ với giá rất đắt. Một học giả về những thủ bản Ai cập tên Ludwig Koenen được Hanna liên lạc. Và nhóm nghiên cứu do Koenen cầm đầu thấy được giá trị thủ bản và cho bộ tập lục bằng chỉ thảo này đến từ thế kỷ thứ IV từ trường phái Ngộ Đạo. Nhờ thế nên giới khoa học trên thế giới mới biết đến tin mừng Giuđa.

Vào năm 1984, tập lục được thấy xuất hiện bên Hoa kỳ, vì Hanna hy vọng có thể bán thủ bản cho giới nghiên cứu bên đó. Ông cũng đã hạ giá thủ bản xuống nhưng cũng không bán được. Giới đại học và thư viện ở Mỹ cho văn bản được đưa vào xứ một cách bất hợp pháp nên họ không dám mua, vì thời bấy giờ mới ra những đạo luật để chống lại những mua bán không chính thức những công trình nghệ thuật và những đồ cổ. Và bộ Tập lục được gửi tại một ngân hàng bên Mỹ trong vòng khoảng 16 năm.

Tất cả những việc làm trên không để ý đến tình trạng hư hại bản thảo. Vì thế, khi gom lại tập lục (codex) đã bị rách nát hai phần ba ở phần trên 62 tờ còn lại. Điều đưa đến tình trạng không đọc được những gì ghi ở phía trên từ 1 đến 5cm. Một số tờ sách (folio) được ghép lại với phần dưới trang nhưng không hoàn toàn đúng với phần trên. Cuối cùng nhà bán đồ cổ người Thụy Sĩ tên Frieda Nussberger-Tchacos đã mua thủ bản tin mừng Giuđa vào năm 2000 với giá khoảng chừng 300.000$. Từ đó người ta đặt tên cho bộ thủ bản tập lục Tchacos.

Tchacos hy vọng sẽ bán lại được, nhưng thấy văn bản ngày càng hư hại, nên năm 2001 ông trao lại cho tổ chức Thụy sĩ Maecenas bản thảo với mục đích cho phát hành và sau đó trả lại cho Bảo tàng viện Copte ở thủ đô Caire (Ai cập). Một mặt, tổ chức Maecenas liên lạc với ông Rodolphe Kasser, và cho nhóm ông trùng tu tức khắc bộ văn bản có tin mừng Giuđa, và đặt thủ bản dưới những tấm kính trước khi nghiên cứu và dịch ra ngôn ngữ ngày hôm nay. Mặt khác, tổ chức Maecenas công ký với nhóm National Geographic Society mang mục đích khai thác thương mại tập lục Tchacos. Dường như National Geographic Society đã phải trả cho tổ chức Maecenas khoảng 1 triệu đôla. Chính trong bối cảnh này, mới có cuộc công bố chính thức về tin mừng Giuđa tại hội nghị quốc tế lần thứ VII học hỏi về văn hóa Copte ngày 1 tháng 7 năm 2004. Cũng trong năm đó, ông Mario Roberty loan báo sẽ trả lại tin mừng Giuđa cho Ai cập, nhưng việc chỉ được thực hành vào năm 2009 sau khi tin mừng Giuđa được khai thác về mặt thương mại. Từ năm 2006, tờ National Geographic cũng đã nhiều lần đăng nhiều bài viết liên quan đến tin mừng Giuđa trên mặt báo cũng như trên trang Web.

2. Tập Lục Tchacos gồm có những gì?

Từ tập Lục (codex) chỉ một thủ bản được viết trên chỉ thảo hay trên da cừu, gồm những trang giấy hình chữ nhật hay hình vuông và được gắn liền vào với nhau. Tập lục được coi như nguồn gốc đầu tiên những cuốn sách bằng giấy. Tập lục được xuất hiện bắt đầu từ thế kỷ thứ I tại miền ven biển Địa Trung Hải, và được coi như một cuộc cách mạng đối với những thủ bản được cuộn lại. Vì với tập lục sẽ dễ dàng muốn đọc trang nào mình muốn chứ không cần phải mở cuộn thủ bản ra hết. Ngoài ra, với tập lục người ta có thể viết trên hai mặt tờ giấy, vì thế không cần nhiều giấy như cuộn thủ bản.

Tập lục Tchacos là một cuốn sách thuộc thể loại tập văn bao gồm 4 văn bản khác nhau được viết trên chỉ thảo và liên kết vào nhau thành một cuốn sách. Bốn văn bản được viết bằng kiểu chữ « sahidique » thổ ngữ người Copte. Bị hư hại khá nhiều nên có các văn bản có nhiều lỗ khuyết. Bốn văn bản có tất cả 66 trang:

1. Thư ông Phêrô gửi ông Philípphê (9 trang). Thư đã được biết đến trong tập lục VIII trong bộ thủ bản Nag Hammadi. Một trình thuật với câu chuyện xảy ra ở Vườn Cây Dầu. Các môn đệ cầu nguyện và nhận lãnh mặc khải thiêng liêng về hoàn cảnh suy biến thế giới hiện tại và về sứ mệnh Đức Kitô.

2. Khải Huyền thứ nhất của ông Giacôbê (20 trang). Văn bản lấy lại Khải huyền thứ nhất Thánh Giacôbê ở tài liệu Nag Hammadi. Trong một đối thoại mặc khải, Đức Giêsu sống lại nói chuyện với ông Giacôbê về thái độ người Ngộ Đạo trước sự đau khổ người bị tử đạo.

3. Tin mừng Giuđa (27 trang).

4. Sách Allogène (8 trang). Văn bản không được biết tới ở những tài liệu nào khác và bị nhiều lỗ khuyết. Tựa đề lấy lại tên trong nền văn chương Ngộ Đạo dành cho ông Seth. Một mặc khải cho các môn đệ tụ họp ở núi Tabor. Ông Allogène được coi như người chống lại Satan.

Cả bốn văn bản nói trên thuộc nền văn chương Ngộ Đạo. Các môn đệ được mặc khải cho biết những bí mật mà không thấy Tân ước nói đến. Có nhiều yếu tố cũng được vay mượn từ những văn bản Kitô giáo thuộc quy điển. Cả bốn văn bản có nhiều điểm giống nhau, với những từ ngữ chung và cùng chung tư tưởng làm cho tập lục Tchacos mang tính cách thống nhất. Bốn văn bản cùng đưa ra suy tư về cái xấu, đau khổ và khai tâm vào ơn cứu độ bằng hiểu biết sứ vụ Đức Kitô. Tập lục giải thích cái chết Đức Giêsu và Đức Giêsu đối thoại với các tông đồ một cách trực tiếp hay qua những thị kiến.

Tin mừng Giuđa thuộc tập lục Tchacos được viết trên những chỉ thảo theo đúng kĩ thuật thời các vua Pharaô Ai cập. Chỉ thảo được cắt từ thân cây, được ngâm trong nước và sau đó được kết lại từng miếng theo chiều dọc và chiều ngang, được đem đi phơi cho khô để trở thành chỉ thảo.

Bìa thủ bản tin mừng Giuđa được làm bằng da và ở trên đó có dán những chỉ thảo đã được dùng tới, tức là những thủ bản cũ, ghi những văn bản hành chánh, kế toán, tờ nháp… Khi xét nghiệm với Carbone 14, trang bìa và những trang trong có khác nhau và có thể nói đi từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ IV. Các nhà chuyên môn cho tin mừng Giuđa được viết vào khoảng năm 280 đến năm 320.

3. Tin mừng Giuđa thuộc loại Ngụy thư.

Nhiều người không biết nên cho tin mừng Giuđa có thể gây nhiều phiền nhiễu cho đức tin Kitô giáo. Trong lịch sử Giáo hội, các giáo phụ và những người xưa đã để lại cho hậu thế nhiều văn bản khác nhau. Một số văn bản trong đó được lựa chọn vì đúng quy tắc đức tin nên được gọi thuộc « quy điển hay thư quy », tức là những cuốn sách được nhận vào Kinh thánh. Và còn rất nhiều sách khác không được lựa chọn vào thư quy với nhiều lý do khác nhau. Số sách được gọi chung Ngụy thư theo Cựu ước hoặc Ngụy thư theo Tân ước; vì thế mới có những cuốn khác được gọi cùng tựa « Tin mừng », « Cuộc đời các Tông đồ hay Đức Maria », « Khải huyền », « Chuyện tử đạo của một vị tông đồ »… Những cuốn sách không gây nguy hại gì cho ai, đôi lúc lại kể những mẩu chuyện vui, hoang đường và có dụng ý. Các cộng đoàn đức tin đọc những chuyện đó không thấy giúp được gì thêm cho đức tin của họ. Ví dụ như câu chuyện trong cuốn « Tiền Tin mừng Thánh Giacôbê »[2] có nói về con lừa và con bò trong hang đá ngày Đức Giêsu giáng sinh nơi máng cỏ; hoặc Đức Giêsu lúc còn bé nặn con chim đến từ đất sét. Những điều dụng ý nói về quyền hành thiêng liêng Đức Giêsu. Ngụy thư còn nhiều câu chuyện tương tự như thế. Kitô giáo cũng như mọi giáo thuyết khác làm khai sinh ra nhiều luồng tư tưởng và những giải thích khác nhau. Trong đó có những điều được nhìn nhận như chân thật, thì cũng có những điều bị loại bỏ.

Tin mừng Giuđa thuộc thể loại văn chương đó và được liệt kê vào Ngụy thư theo Tân ước, chứ tin mừng Giuđa không do ông Giuđa viết, nhưng do một tác giả ẩn danh nào đó biên soạn và lấy tên tông đồ Giuđa. Cách làm cũng thường thấy xuất hiện trong thời Cổ đại. Các tác giả lấy tên một người nào đó mang khuôn mặt nổi bật cho dù hình ảnh đó tích cực hay tiêu cực. Vì thế cũng đã có xuất hiện những văn bản mang tên những nhân vật huyền thoại trong Cựu ước như các ông Ađam, Seth và Hênốc, và những nhân vật được biết đến xung quanh Đức Giêsu.

Ngụy thư dịch từ nguyên ngữ Hy lạp « apocryphos » có nghĩa « ẩn giấu, bí mật » Từ được các nhóm Ngộ Đạo dùng để nói lên điều họ cho đúng theo cái nhìn của họ, và những văn bản ẩn giấu chỉ dành cho những ai được khai tâm thôi. Với ý nghĩa này, những từ đầu cuốn tin mừng Tôma[3] (một cuốn sách giống như tin mừng Giuđa đến từ nhóm Ngộ Đạo) được nhập đề như sau: « Đây là những lời bí mật mà Đức Giêsu Hằng Sống đã nói và ông Giuđê Thomas, người sinh đôi viết lại ». Vào đầu thế kỷ thứ ba ông Origène lấy từ « apocryphos » để nói đến thể loại văn chương bí mật, ẩn giấu này của nhóm Ngộ Đạo đối chọi lại với những huấn dụ chân thật Đức Kitô trao ban.

Bình thường có tất cả ba thể loại Ngụy thư Tân ước:

* Những Tin mừng gần-Nhất lãm từng mảnh hay đã bị mất: những đoạn đầu hay cuối những lời Đức Giêsu, hay những trình thuật mang nội dung Kitô giáo theo hoàn toàn nguồn gốc Do thái.

* Những Tin mừng bổ sung thường những trình thuật huyền diệu thuộc loại tiểu thuyết với những biến cố phong phú. Các tác giả muốn khách quan hóa cuộc đời Đức Giêsu.

* Những Tin mừng Ngộ Đạo: Những biến cố không quan trọng bằng ý nghĩa. Người ta áp dụng lời Đức Giêsu sao cho hợp với ý nghĩa gắn liền vào một hệ thống lý thuyết có trước như kiểu bí truyền. Tin mừng Giuđa thuộc thể loại Ngụy thư Ngộ Đạo. Trong thể loại còn được biết có: « Tin mừng Tôma » (thế kỷ thứ IV); « Tin mừng sự thật » (thế kỷ thứ II); « Ngụy thư Gioan (thế kỷ thứ II); « Tin mừng Philípphê » (thế kỷ thứ III).

4. Tin mừng Giuđa thuộc thể loại Ngụy thư Ngộ Đạo.

Nhờ vào tin mừng Giuđa nên các nhà nghiên cứu biết thêm về những nguồn gốc Kitô giáo và thế giới phong trào Ngộ Đạo. Từ « Ngộ Đạo » dịch từ Hy lạp « Gnôsis » có nghĩa « hiểu biết » mà những tín đồ Ngộ Đạo có được. Hôm nay có nhiều tài liệu mới được khám phá nên biết rõ hơn về nhóm Ngộ Đạo.

* Những nguồn tài liệu gián tiếp. Trong nhiều thế kỷ, các nhà nghiên cứu dựa vào những phê bình chỉ trích các giáo phụ để biết về phong trào Ngộ Đạo. Lời văn các giáo phụ thuộc thể loại tranh luận. Qua đó, các giáo phụ cũng trích dẫn những văn bản Ngộ Đạo và tóm tắt lại nhiều khía cạnh giáo thuyết Ngộ Đạo. Một trong những giáo phụ chống Ngộ Đạo mạnh mẽ là giáo phụ Irénée thành Lyon qua văn bản « Dénonciation et réfutation de la gnose au nom menteur » được viết vào năm 180-185. Giáo phụ Iréné lên án và cho biết có một « Tin mừng Giuđa » đang lưu hành trong một nhóm Ngộ Đạo mang tên « Caïnite » (những người rất kính nể ông Caïn) (Adversus Heraesis, 1,31,1). Sau Irénée có tác giả Ngụy danh-Hippolyte thành Rôma với văn bản « Réfutation de toutes les hérésies », được viết vào đầu thế kỷ thứ III; ông Epiphane thành Salamine với văn bản « Panarion » tiếng Hy lạp có nghĩa « hộp phương thuốc » được viết vào cuối thế kỷ thứ IV. Ngoài ra còn có nhiều người khác chống đối lại phong trào Ngộ Đạo như: Tertullien thành Carthage (160-220), Clêmentê thành Alexandria (khoảng năm 150-220), Origène (185-253). Các nhân vật ngoại đạo cũng chống nhóm Ngộ Đạo như triết gia Plotin (205-270), người học trò ông Plotin là Porphyre thành Tyr (233-305). Các giáo phụ đã chống lại thần học, vũ trụ học và nhân chủng học nhóm Ngộ Đạo, coi giáo thuyết Ngộ Đạo lạc giáo và gây nhiều ảnh hưởng xấu trong các cộng đoàn Kitô hữu.

* Những nguồn tài liệu trực tiếp. Từ thế kỷ thứ XVII, đã khám phá ra những văn bản chính nhóm Ngộ Đạo, được viết bằng ngôn ngữ Copte. Ngôn ngữ được dùng bên Ai cập thời bấy giờ. Một tập lục bằng da cừu với 354 trang đến từ Ai cập được ông A.Askew mua lại vào năm 1750. Một tập tài liệu đến từ thế kỷ thứ IV, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng viện British Museum mang tên « Askewianus ». Vào năm 1773, ông J.Bruce mua gần thành Thèbes (Thượng Ai cập) một tập lục gồm 156 trang với hai tài liệu Ngộ Đạo. Thủ bản Oxford hay còn được gọi tập lục Bruce được viết vào thế kỷ thứ IV. Vào đầu thế kỷ thứ XIX khám phá ra tập lục Berlin « Berolinensis 8502 » đến từ Ai cập và được biên soạn ở thế kỷ thứ IV hoặc thứ V, chứa đựng bốn văn bản của nhóm Ngộ Đạo. Đến năm 1945 tại miền Thượng Ai cập ở Nag Hammadi lại khám phá ra được toàn bộ thư viện nhóm Ngộ Đạo bao gồm: 13 bộ văn bản bằng giấy cói với 53 chuyên luận Ngộ Đạo. Tất cả các bộ tài liệu được chôn trong một cái bình và được tìm thấy trong một hang động gần sông Nil. Cuộc khám phá đã đưa việc nghiên cứu hiểu biết thêm nhiều hơn về nhóm Ngộ Đạo. Những bộ văn bản Nag Hammadi được viết vào khoảng thế kỷ thứ IV thuộc một cộng đoàn Ngộ Đạo sống bên bờ sông Nil. Những văn bản được dịch ra ngôn ngữ Copte đến từ nguyên bản bằng tiếng Hy lạp ở thế kỷ thứ II hoặc thứ III. Những văn bản gốc đã bị mất, và thời điểm thế kỷ thứ II và thứ III là một thời điểm có những cuộc tranh luận lớn trong Giáo hội chống lại nhóm Ngộ Đạo.

Nguồn gốc Ngộ Đạo đến từ đâu? Nhờ những nguồn tài liệu trên nên biết được phong trào Ngộ Đạo phát triển giữa thế kỷ thứ II và thế kỷ thứ IV trong đế quốc La mã. Thời điểm tư duy sống động, đặt lại vấn đề về con người, thế giới và Thiên Chúa. Lúc bấy giờ có ba tôn giáo lớn là Do thái giáo, Kitô giáo và Ngoại giáo nhưng cũng có nhiều phong trào đạo giáo khác nổi dậy. Các nhóm tìm qua phụng tự bí mật những giải pháp triết học, con đường huyền bí để có một tiếp xúc trực tiếp và cá nhân với Thiên Chúa. Trong một bối cảnh hòa đồng hổ lốn với những tranh luận, trao đổi làm nảy sinh ra tư tưởng Ngộ Đạo. Thế nhưng cũng khó biết được nguồn gốc Ngộ Đạo, và ngày nay các nhà nghiên cứu đưa ra một số giả thuyết:

- Các Giáo phụ chống lại nhóm Ngộ Đạo đều nghĩ Ngộ Đạo là một lạc giáo Kitô giáo. Hôm nay, giả thuyết không còn được các học giả chấp nhận.

- Một số học giả thấy giáo thuyết Ngộ Đạo vay mượn về viễn kiến nhị nguyên trong thế giới tôn giáo Ba tư. Ngộ Đạo muốn đưa thuyết nhị nguyên Ba tư vào hệ thống tôn giáo Kinh thánh và tôn giáo thờ độc thần.

- Triết thuyết Platon cũng được thấy qua hình ảnh nhị nguyên chia thế giới ra làm hai: một thế giới tốt và một thế giới xấu. Thế giới chân thật là thế giới tư tưởng, thế giới vật chất phản ánh bị bóp méo.

- Phụng tự bí mật dường như đến từ những phụng tự bí truyền mang nguồn gốc Ai cập rất thịnh hành trong hai thế kỷ đầu công nguyên.

- Và cuối cùng có một số học giả cho Ngộ Đạo hoa quả một Do thái giáo suy lý thất vọng với những hy vọng thiên sai làm lại một thế giới mới. Họ muốn tách rời thế giới và lịch sử. Vì thế nguồn gốc Ngộ Đạo đến từ môi trường những trí thức Do thái sống bên Ai cập làm phát lên bởi chủ nghĩa bài Do thái sau khi đền thờ bị tàn phá năm 70. Bội giáo một số người trên làm khai sinh ra phong trào Ngộ Đạo. Thật vậy, Ngộ Đạo khai sinh trong bối cảnh Do thái - Ai cập sau cuộc nổi dậy chấm dứt cuộc chinh phục của người Ba tư bởi hoàng đế Trajan (115-117 sau công nguyên).

Ngộ Đạo nhắm vào sự tìm kiếm và hoàn thành một hiểu biết là soi sáng trực tiếp trong con người và từ đó họ tìm thấy ơn cứu độ. Sự hiểu biết không dành cho mọi người, nhưng chỉ có những người nào tìm được nơi họ tia ánh sáng nguyên thủy, gia tài vương quốc trên trời mới có thể thoát khỏi thế giới và được thấm nhuần hiểu biết. Đối với người Ngộ Đạo, vũ trụ là một nhà tù được Thiên Chúa Đấng Sáng tạo (Démiurge) và những thiên thần xấu (archontes) xây dựng nên để giữ loài người làm nô lệ. Thân xác, tính dục, sinh sản, vật chất và dốt nát đã ngăn cản con người lấy lại ý thức về nguồn gốc thần thánh của mình. Trong hệ thống tư tưởng Ngộ Đạo, Thiên Chúa sáng tạo được đồng hoá với Thiên Chúa Kinh thánh. Chính Người là cai tù giữ con người vào những liên hệ sáng tạo để họ quên Thiên Chúa siêu việt mà họ xuất thân. Một người Ngộ Đạo tên Théodote[4] ở thế kỷ thứ II đã đặt ra câu hỏi hiện sinh: chúng ta là ai? Chúng ta đã trở nên gì? Chúng ta được ném về đâu? Chúng ta đi về đâu?. Người Ngộ Đạo coi mình như những người xa lạ với thế giới, những kẻ lưu vong trên trái đất và không ngừng đi tìm quê hương trên trời bằng cách cắt đứt những ràng buộc lịch sử và thời gian.

5. Hình ảnh Giuđa trong Tân ước Thư quy.

Trong 12 môn đệ Đức Giêsu, có hai người mang tên Giuđa (tiếng Hy lạp Ioudas) (Luca 6,16). Người thứ nhất được gọi Giuđa và hai Thánh sử Mátthêu và Máccô còn gọi Thaddée. Người thứ hai tên Giuđa được trình bày dưới nhiều hình thức: « con ông Simon Iscariote », hoặc « iscariote » (12 lần), « một trong nhóm 12 », « một trong những môn đệ », « một người trong các con » (12 lần), và « người trao nộp Đức Giêsu » (16 lần). Tên ông cũng được giải thích nhiều nghĩa như « người làng Qeriyyot », một làng ở phía nam Hébron; hoặc « Shiqra (tiếng Aram) = người nói dối »; hoặc « Sicarios » tiếng Hy lạp = dao găm, kẻ giết người, tức là một người thuộc nhóm Xêlôtê có giấu dao trong người.

Trong tin mừng, Giuđa xuất hiện trong nhóm Mười Hai. Tên ông đứng cuối sổ. Trong trình thuật Thương Khó, Giuđa xuất hiện trong bốn đoạn:

1. Khi ông âm mưu với giới chính quyền Do thái trước lễ Vượt Qua.

2. Vào bữa ăn cuối cùng, Đức Giêsu loan báo sẽ « bị trao nộp bởi một người trong anh em ». Thánh sử Gioan khai triển đoạn văn và chỉ định Giuđa như người đi trao nộp (12,21-30).

3. Khi Đức Giêsu bị bắt (Giuđa đến hôn lên má Đức Giêsu).

4. Sau khi Đức Giêsu bị kết án, Giuđa nhìn lỗi lầm và chạy đi đưa lại số tiền cho giới chính quyền Do thái và đi tự tử. Đoạn này và câu chuyện mua thửa ruộng các Thượng tế chỉ được Thánh sử Mátthêu nói tới (27,3-10).

Trong tin mừng Gioan, việc loan báo Đức Giêsu bị trao nộp cũng đã được nói đến trong lời ông Phêrô tuyên xưng đức tin. Giuđa bị kêu « một ma quỷ ». Trong đoạn xức dầu ở làng Bêtania, Gioan lên án lòng Giuđa tham tiền. Và ngay trong đoạn đầu trình thuật bữa tiệc ly, Gioan nhấn mạnh Satan đã đặt vào lòng Giuđa tư tưởng trao nộp Đức Giêsu.

Trong sách Công vụ Tông đồ, khi tìm người thay thế vào chỗ Giuđa, tác giả nhắc lại cái chết Giuđa: « y đã ngã lộn đầu xuống, vỡ bụng, lòi cả ruột gan ra » (1,16-25). Ở đây không có việc tự tử, treo cổ, nhưng truyền thống có biết đến « ruộng máu » (Hadeldama) mà Giuđa đã mua với tiền ông giữ (Công vụ 1,19).

Một câu hỏi quan trọng vẫn chưa có giải đáp thỏa đáng: tại sao Giuđa trao nộp Đức Giêsu? Và có tất cả bốn giả thuyết như sau:

- Vì ham tiền như Mátthêu và Gioan đã nói, nhưng số tiền 30 đồng không đáng kể.

- Về chính trị: Giuđa theo nhóm Xêlôtê như ông Simon. Họ muốn Đức Giêsu phải tự công bố như Đấng Mêsia và thúc giục dân chúng nổi dậy để chống người La mã. Giuđa muốn Đức Giêsu chống chọi lại giới chính quyền Do thái. Giả thuyết tương đối có lý, nhưng không có văn bản nào ghi lại rõ ràng hơn.

- Hoàn thành lời Kinh thánh. Có rất nhiều văn bản Cựu ước quy chiếu về Giuđa: Thánh vịnh 41,10 trong Gioan 13,18; Dacaria 11,12-13 trong Mátthêu 26,15 và 27,9-10; Thánh vịnh 69,26 và 109,8 trong Công vụ 1,20. Khi nói về Giuđa, Đức Giêsu công bố: « Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho người nào nộp Con Người » (Mátthêu 26,24.54). Giuđa có phải người giúp cho Lời Kinh thánh được hoàn thành? Ông mang khuôn mặt tử đạo trong chương trình thánh để cứu độ? Giả thuyết được giải thích rõ ràng hơn trong tin mừng Giuđa. Nhìn về phương diện thần học giả thuyết không thể chấp nhận, vì trong Tân ước thánh ý Thiên Chúa không loại bỏ tự do con người (thư Giacôbê 1,13). Ông Giuđa không được sinh ra để nộp Đức Giêsu. Ông có sự tự do như ông Phêrô có tự do để chối Đức Giêsu và sau đó ăn năn sám hối.

- Hành động Satan tức là bí nhiệm sự dữ trong mỗi người cũng như trong các môn đệ được Đức Giêsu tuyển chọn và thương mến như lời Đức Giêsu nói: « Một người trong anh em sẽ nộp Thầy. Họ buồn và nói với Đức Giêsu: Có phải là con không? » (Máccô 14,19).

6. Hình ảnh Giuđa trong tin mừng Giuđa. Những bí mật nào được thổ lộ cho người môn đệ?

Tin mừng Giuđa là một tập sách nhỏ với 27 trang. Chủ đích cho biết « mặc khải bí mật » Đức Giêsu cho người môn đệ tên Giuđa, nhưng không biết cuốn sách viết cho ai. Khi đọc văn bản có thể thấy cuốn sách được dành cho những người khai tâm. Họ nhìn thấy qua điều bí mật mặc khải cho Giuđa con đường khởi đầu họ cũng sẽ đi qua. Ngoài ra cũng không biết ai là tác giả tin mừng Giuđa được viết bằng tiếng Hy lạp vào cuối thế kỷ thứ II, và tin mừng Giuđa trong tập lục Tchacos chỉ là một bản dịch ra bằng ngôn ngữ Copte vào đầu thế kỷ thứ IV.

* Lời mở đầu.

Tựa cuốn sách thường được gọi « Tin mừng » mang ý nghĩa một tin vui mừng như thấy trong tin mừng của quy thư, nhưng ở đây từ đầu tiên cuốn sách là một « diễn từ ẩn giấu » (apocryphe) để nói lên thể loại văn chương bản văn. Diễn từ ẩn giấu được Đức Giêsu mặc khải khi đối thoại với Giuđa Ítcariot. Cuộc đối thoại xảy ra « ba ngày trước khi Đức Giêsu cử hành lễ Vượt Qua ». Xác định rất quan trọng vì liên quan đến ý nghĩa cho lễ Vượt qua của Đức Giêsu, và qua đó đưa đến một mặc khải.

* Những điều Đức Giêsu giảng dạy cho các môn đệ.

Sau lời mở đầu (33,1-6) trên, một bản tóm lược hoạt động Đức Giêsu với sứ vụ ở trần thế (33,6-20). Đức Giêsu được trình bày như người làm phép lạ để cứu độ nhân loại, nhưng không kể một phép lạ đặc biệt nào Người đã làm. Tác giả chỉ viết hành động Đức Giêsu nhắm vào những cuộc đối thoại với các môn đệ về « những bí mật về thế giới và những gì xảy ra vào thời sau hết » (33,16-18): những bí mật tức là những thực tại thiêng liêng, trước khi sáng tạo thế giới, và những điều cho ngày sau hết mang chủ đề thời cánh chung. Sứ vụ Đức Giêsu là phải dạy thực tại thiêng liêng chân thật khác với thực tại hiện hữu, và Người loan báo thời cánh chung. Người Ngộ Đạo qua đoạn này cho thấy họ nhìn thế giới hiện tại chống chọi lại với Thiên Chúa, vì thế phải loại bỏ thế giới đó hầu có thể khám phá ra Thiên Chúa. Quan niệm hoàn toàn khác với lòng tin theo Kinh thánh coi Thiên Chúa Đấng sáng tạo thế giới và qua đó có thể thấy được những dấu vết Người.

Tiếp theo thấy Đức Giêsu cười[5]. Đức Giêsu hiện ra trong bối cảnh các môn đệ đang dâng lễ Tạ ơn. Nụ cười của Đức Giêsu như chế giễu các các môn đệ cầu nguyện, và mặc khải hố ngăn cách giữa những lời Đức Giêsu giảng dạy và những gì các môn đệ hiểu được. Bởi vậy, khi tạ ơn Thiên Chúa như thế các ông nói lên mình không biết rõ căn tính thâm sâu Đức Giêsu: « không có thế hệ nào giữa các anh sẽ hiểu Ta ». Lời Đức Giêsu làm các ông phẫn nộ. Đoạn văn dụng ý muốn thoát khỏi truyền thống Do thái và Kitô giáo bằng cách chế giễu phụng tự tạ ơn, hy tế hằng ngày được cử hành như một hành động tạ ơn. Tại sao phải tạ ơn Thiên Chúa nếu như thế giới này xấu xa.

* Lời tuyên xưng của Giuđa.

Đức Giêsu kêu mời Giuđa mặc khải Thiên tính Người. Giuđa nói với Đức Giêsu: « con biết Thầy là ai, và Thầy đến từ đâu. Thầy đến từ Vương quốc bất tử Barbèlo » (số 35). Barbèlo thuộc thần thoại Ngộ Đạo và thấy được nói tới nhiều lần trong các thủ bản Hag Hammadi. Barbèlo là tên giống cái Thiên Chúa, bà mẹ thiêng liêng trong các văn bản Ngộ Đạo. Và theo Giuđa, Đức Giêsu đến từ Vương quốc đó. Ở phần trên, thấy các môn đệ sai trái khi dâng lễ Tạ ơn, ngược lại ở đây Giuđa giữ vai trò tối thượng tuyên xưng Đức Giêsu và vì thế Giuđa được nhận lãnh mặc khải bí mật. Đức Giêsu kêu Giuđa tách rời khỏi các môn đệ để lãnh nhận mặc khải Vương quốc, và sau đó Người để ông ta một mình với sự tự do và lo lắng.

* Đối lập giữa « thế hệ thánh thiện » bất tử với những thế hệ của loài người.

Trong đoạn (36,11-44,14) Đức Giêsu hiện ra hai lần với các môn đệ. Trong cuộc hiện ra lần đầu có cuộc trao đổi giữa Đức Giêsu và các môn đệ. Các ông tò mò muốn biết Đức Giêsu làm gì chiều hôm trước sau khi rời bỏ các ông. Đức Giêsu cho họ biết Người đi « thăm một thế hệ khác lớn và thánh thiện ». Đức Giêsu lại mỉm cười trước khi mặc khải căn tính khác biệt giữa « thế hệ thánh thiện » không thể nhầm lẫn với thế hệ loài người dưới trần thế. Lời Đức Giêsu mặc khải đã gây bối rối cho các môn đệ.

Trong lần xuất hiện thứ hai vào ngày hôm sau, Đức Giêsu được nghe các môn đệ kể lại thị kiến họ nhận được: trong đền thờ Giêrusalem với 12 tư tế đang hối hả với công việc dâng hy lễ, nhưng hy tế đang xảy ra chỉ là tội lỗi với những hành động bất hợp pháp. Đức Giêsu giải thích cho các ông thị kiến nói lên cái sai lầm về lòng tin và phụng tự của họ: « những con vật anh em thấy người ta mang đến dâng hiến, là tất cả những sai lầm anh em đặt trên bàn thờ ». Và 12 tư tế là hình ảnh 12 môn đệ. Lời giải thích là một sự chỉ trích chống lại Giáo hội, và các môn đệ đã bị những thiên thần xấu, những vì sao lèo lái. Thời gian đã điểm và các ông phải sám hối: « khi đến ngày cuối cùng, họ sẽ bị bao trùm sự xấu hổ ».

 Sau hết, Giuđa đặt câu hỏi với Đức Giêsu về hoa quả thế hệ bất tử. Đức Giêsu cho biết sự thối nát xác thịt loài người và cuộc sống cho những linh hồn thành công đi về Vương quốc trên cao. Giuđa nói cho Đức Giêsu thị kiến ông nhìn thấy: trong đó ông bị nhóm 12 môn đệ ném đá và ông không thể theo Đức Giêsu vào trong Vương quốc. Đức Giêsu cảnh báo Giuđa: Giuđa đã bị lừa bởi vì sao của ông tức là bởi thiên thần xấu. Đức Giêsu mặc khải cho Giuđa bí mật Vương quốc: « không một ai sinh ra bởi loài bất tử xứng đáng vào ngôi nhà này mà ngươi đã thấy. Đây là nơi dành cho các vị thánh ». Giuđa xin Đức Giêsu nói rõ ràng hơn, và Người tuyên bố: « Ngươi là môn đệ thứ 13. Ngươi sẽ bị nguyền rủa bởi những thế hệ khác ». Các nhà chú giải còn đang tranh luận về lời này: có thể một lời khuyến khích cho Giuđa để ông chấp nhận bị người đời nguyền rủa. Qua đó Giuđa đi vào thông hiệp với Đức Giêsu cũng bị người Do thái ruồng bỏ; ngoài ra lời Đức Giêsu nói với Giuđa có thể một bác bỏ ông Giuđa với sự hy sinh. Giá trị hy tế như phương tiện cứu độ đã bị Đức Giêsu lên án. Phái Ngộ Đạo chống lại quan niệm hy tế Do thái giáo và Kitô giáo. Đối với Kitô giáo, hy tế kết thành loài người trả lời cho ơn cứu rỗi trao ban của Thiên Chúa qua cái chết hy sinh của Đức Giêsu trên thập giá. Đối với người Ngộ Đạo, hy tế là một công trình hão huyền, vì trong thế giới xấu xa không có gì có thể làm được sự cứu rỗi. Sự cứu độ duy nhất đến từ sự hiểu biết. Vì thế, cần đi vào khai tâm về sự thật Vương quốc.

* Lời giảng dạy bí mật cho Giuđa.

Cảnh cuối cùng cũng là đoạn văn dài nhất và rất quan trọng. Nơi đây mang lời giảng dạy bí mật của Đức Giêsu dành cho ông Giuđa về những thực tại cao cả. Mặc khải Vương quốc « lớn và không giới hạn » qua sự biểu lộ thiêng liêng, một thần hiện chứ không phải một giảng dạy bình thường: từ nơi đám mây ló ra kẻ « tự sinh ra », tên mang màu sắc Ngộ Đạo chỉ định người đầu tiên sinh ra bởi Thiên Chúa; sau đó đến các thiên thần, và các « thần ánh sáng ». Sau những vật thần thánh, xuất hiện những con người mẫu gốc: Ađam[6], Seth (con ông Ađam). Tầng đầu sự sáng tạo.

Kế tiếp đến trình thuật về vũ trụ với một thế giới hỗn độn, lộn xộn: « Và đây, từ đám mây xuất hiện một thiên thần mà khuôn mặt tóe lửa và đưa vào trạng thái dính đầy máu ». Đó là Nebrô[7], khuôn mặt phản kháng. Thế giới hiện tại là công trình của nó, trong đó kết hiệp thiên thần Saklas[8], tên có nghĩa « điên rồ ». Tin mừng Giuđa đưa ra một danh sách tên: Seth[9] (gọi là Kitô), Harmathôth[10], Galila (thiên thân xấu), Iôbel[11], Adonaios[12]… những tên này thường xuất hiện trong các trình thuật sáng tạo thuộc tài liệu Nag Hammadi của Ngộ Đạo. Những nhân vật đã từng thấy trong truyền thống Do thái giáo, các tôn giáo Đông phương, những bí mật Ai cập …

Ngoài ra tin mừng Giuđa cũng lấy lại những từ ngữ sách Sáng Thế trong Cựu ước để nói đến ông Ađam và bà Eva được sáng tạo bởi thần Saklas: « hãy tạo dựng con người giống hình ảnh ». Điều có nghĩa Đấng sáng tạo mà các môn đệ tạ ơn mang hình ảnh giống loài người. Văn bản còn khẳng định con người chỉ có thể được cứu độ qua sự « hiểu biết », nhưng « Thiên Chúa làm cho sự hiểu biết đó cho ông Ađam và những người với ông, hầu để các vua của sự hỗn mang và của thế giới quỷ quái không thể thống trị được ». Đức Giêsu loan báo thời cuối cùng được đánh dấu bởi những người dưới ảnh hưởng các thiên thần xấu. Một lần nữa Đức Giêsu lại cười chế nhạo sự lầm lạc các vì sao. Qua nụ cười Đức Giêsu báo trước những cuộc tấn công từ sự dữ vô ích.

* Giuđa vâng lời Đức Giêsu và trao nộp Người.

Văn bản kết thúc với một đoạn nói về vai trò ưu tiên mà ông Giuđa được kêu gọi giữa tất cả những ai đã nhận lãnh phép rửa nhân danh Đức Giêsu (55,21-58,9) « ngôi sao đứng đầu trong đoàn các vị thánh là ngôi sao của ngươi ». Tiếp đến văn bản nói đến Giuđa phản bội (58,10-26). Cuộc đối thoại giữa Giuđa và Đức Giêsu chấm dứt. Trình thuật ghi Giuđa đi gặp các tư tế: « Giuđa lấy tiền và nộp người cho họ ». Khi trao Đức Giêsu cho kẻ thù, Giuđa đã làm theo những gì Đức Giêsu đòi hỏi. Đó là bí nhiệm của bội phản., và theo cái nhìn Ngộ Đạo Giuđa biểu lộ một môn đệ tốt của khuôn mặt Đức Giêsu.

Kết luận.

Đối với các nhà sử học ngày nay những điều khám phá ra từ văn bản tin mừng Giuđa không mang lại điều gì mới lạ về Đức Giêsu cũng như môi trường Người giảng dạy và hành động. Vì thế vai trò Giuđa cũng không có gì khác hay phải được phục hồi. Khuôn mặt nhân vật Giuđa vẫn còn điều ám ảnh cho muôn thế hệ và được giải thích qua nhiều cách khác nhau. Tác giả tin mừng Giuđa đưa ra quan niệm Ngộ Đạo về sự tìm kiếm Thần Khí. Vì thân xác vật chất cản trở Thần Khí trở lại trong Vương quốc trên trời, cho nên Giuđa giúp Đức Giêsu thoát khỏi điều đó để trở nên người môn đệ được thương yêu nhất. Trong đoạn cuối cuốn sách, có câu văn quan trọng đưa trọn ý nghĩa văn bản, Đức Giêsu nói với Giuđa: « Nhưng ngươi vượt trên tất cả ! Vì người sẽ hy sinh con người cho ta dùng bao bọc xác thịt ». Khi giúp Đức Giêsu thoát khỏi vật chất, Giuđa giữ vị thế thứ nhất trong đoàn các vì sao mà Đức Giêsu đã cho ông thấy được. Vì thế Đức Giêsu khuyến khích Giuđa trao nộp Người cho cái chết.

Trong tin mừng Giuđa, tác giả cho việc Giuđa phản bội cần thiết cho cái chết của Đức Giêsu tức là đưa Người thoát khỏi xác thịt. Hai thầy trò đều đồng quan điểm và giúp Giuđa gột rửa mọi nguyền rủa và hận thù. Đó là những gì mà nhóm Ngộ Đạo « Caïnite » và « Séthien » (đến từ ông Seth, người con thứ ba của ông Ađam và bà Eva) tin.

Quan điểm Ngộ Đạo đã rất thành công lúc ban đầu với một số nhân vật nổi tiếng như ông Valentin, và cũng có một số giáo phụ Kitô giáo như Clêmentê thành Alexandria (150-215) và ông Origène (185-254) muốn xây dựng một hệ thống Ngộ Đạo Kitô giáo gần với những tín điều Kitô giáo đang được hình thành. Nhưng hệ thống Ngộ Đạo đã bị các giáo phụ lên án mạnh mẽ vào cuối thế kỷ thứ II, và tư tưởng phong trào Ngộ Đạo chỉ thực sự bị biến dần vào thế kỷ thứ IV. Thời điểm các tín điều Kitô giáo đã thực sự hoàn thành, và ngược lại công thức bí hiểm tư tưởng Ngộ Đạo trở nên khó hiểu cho đám dân chúng tín hữu bình dân.

Cuộc khám phá tập lục Tchacos và thư viện tiếng Copte ở Nag Hammadi là những biến cố quan trọng, vì từ đây giới nghiên cứu đã thực sự có những tài liệu chính tưởng chừng như đã bị đánh mất.

Lê Phú Hải omi.

[1] Văn bản tin mừng Giuđa được ba học giả nổi tiếng thế giới gồm Rodolphe Kasser, Marvin Meyer và Gregor Wurst cho phát hành: The Gospel of Judas, National Geographic, Washington D.C., 2006. Trong cuốn sách tác giả Bart Ehrman có một bài giải thích; ngoài ra cuốn sách trình bày thủ bản và lịch sử gây tranh luận về văn bản. Một chương nhập đề đặt thủ bản vào trong bối cảnh kitô giáo bên Ai cập, nhất là trong phong trào Ngộ Đạo.

[2] Một trong những tin mừng thời thơ ấu của Đức Giêsu xưa cổ nhất được biên soạn vào khoảng thế kỷ thứ II là cuốn « Tiền Tin mừng Thánh Giacôbê ». Cuốn sách được biết có khoảng 150 thủ bản bằng tiếng Hy lạp từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ XVI. Cuốn sách được tất cả Giáo hội Đông phương sử dụng trong Phụng vụ hay trong những buổi cử hành phụng vụ về Đức Maria và mẹ ngài là bà Anna. Nhiều tác giả sau này đã dựa vào cuốn sách trên để viết lại, họa lại, tôn kính trong phụng vụ cũng như trong các giáo điều về cuộc đời Đức Mẹ cho đến khi người được an nghỉ. Cuốn sách được biên soạn trong khung cảnh tranh luận về Kitô học nên được hướng về việc thụ thai và sinh ra của Đức Giêsu, cũng như những nơi Thánh tại thành Giêrusalem.

Cuốn sách bị loại bỏ bên Tây phương qua Sắc lệnh Gélase ở thế kỷ thứ VI coi như đến từ môi trường lạc giáo. Người ta dựa vào đó đưa ra một văn bản được sửa đổi và cho là được thánh Mátthêu dịch ra từ một cuốn tin mừng bằng tiếng Hípri. Cuốn sách lấy danh nghĩa thánh Giêrônimô để mang đến cho tâp tài liệu tính cách xác thực.

[3] Tin mừng Tôma đến từ Ai cập, viết bằng ngôn ngữ Copte vào thế kỷ thứ IV tìm thấy ở Nag Hammadi. Ngoài ra còn có 3 văn bản bằng giấy cói mang tên Oxyrhynque viết bằng tiếng Hy lạp vào năm 200. Một tập văn gồm 114 lời bí mật của Đức Giêsu nói với tông đồ Tôma. Khi tập văn được phát hành nhiều người cho đó chính thực những lời Đức Giêsu mặc khải. Thật ra, tin mừng Tôma cũng rất gần với những tin mừng quy điển. Các nhà sử học coi đây là tài liệu quý giá cho biết những lời được thu thập vào một thời đại xưa truyền thống tin mừng. Qua tin mừng Tôma cũng còn cho thấy cách các sách tin mừng được biên soạn được đánh dấu bằng những định hướng triết lý và thần học của môi trường mà cuốn sách được biên soạn và sử dụng. Tin mừng Tôma mang rõ ràng những quan niệm Ngộ Đạo cho dù có thể không phải là một văn bản Ngộ Đạo. Tin mừng Tôma thuộc thể văn khá đặc biệt, vì không phải một đối thoại mặc khải, nhưng một tổng hợp lời rời rạc của Đức Giêsu và được ngăn cách bởi câu nhập đề « Đức Giêsu nói » dường như đặt văn bản vào quá khứ hơn thời hiện tại. Trong đó cũng có vài hàng đối thoại sơ đẳng tương ứng với sứ vụ công khai của Đức Giêsu. Tin mừng Tôma không có bối cảnh kể chuyện, và được trình bày không có thứ tự. Vì thế những lời trên mang tính cách bí hiểm. Nhiều lời được coi như thuộc những lời khôn ngoan. Khi cuốn tin mừng được phát hành, nhiều học giả đã bỏ nhiều thời giờ nghiên cứu, vì văn bản có những lời rất gần gũi với tin mừng Nhất lãm. Khoảng hơn một nửa lời trong tin mừng Tôma đều có trong Nhất lãm. Một vài câu coi như hoàn toàn giống nhau. Các học giả cho tin mừng Tôma lấy từ nhiều nguồn văn: một cách gián tiếp hay trực tiếp tin mừng Nhất lãm, những yếu tố truyền thống truyền khẩu còn sống động vào thời bấy giờ, nhưng nguồn văn Ngộ Đạo, một dụ ngôn đến từ môi trường Rabbi.  

[4] Các giáo phụ cho biết phong trào Ngộ Đạo phát triển ra khỏi biên cương Ai cập, và họ đã mở những trường học tư tưởng ở Alexandria với các ông Valentin, Carpocrate, Isidore và Basilide. Bên xứ Syrie với các ông Satonile và Méandre; vùng Tiểu Á với ông Marc le Sage. Ông Valentin và các môn đệ Ptolémée và Héracléon gốc Ai cập mở trường ở thành Rôma. Nhờ thế, giáo thuyết Ngộ Đạo bắt đầu được lan tràn đến các miền khác trong đế quốc La mã.

[5] Trong tin mừng Giuđa Đức Giêsu cười tất cả 4 lần (số 34,36,44 và 55). Trong tin mừng quy thư không bao giờ nói Đức Giêsu cười hay mang một nụ cười châm biếm như trong tin mừng Giuđa, vì thế đây là một trong những nét riêng biệt những văn bản Ngộ Đạo. Nụ cười mang nhiều chức năng: dấu chỉ Đức Giêsu không bị đánh đổ trước sự dữ; đánh dấu khoảng cách giữa Đức Giêsu với những người chung quanh; nụ cười cũng có thể nói lên sự tha cảm như nụ cười người thầy trước cái sai học trò và khuyến khích để tiếp tục tiến lên. Trong tin mừng Giuđa, nụ cười Đức Giêsu là một nụ cười bạo động, để nói ưu thế « dòng giống bất tử » trên « dòng giống loài người ». Đức Giêsu nói với các môn đệ: « tôi không cười anh em, nhưng các vì sao vì sức mạnh của nó sẽ bị phá hủy ». « Những vì sao » có nghĩa giới tư tế của Giáo hội chính thống, vì thế nụ cười Đức Giêsu là một nụ cười tranh đấu nhằm triệt hạ kẻ khác.

[6] Nhân vật gốc mẫu của nhân loại, gần thần thánh hơn loài người.

[7] Có nghĩa « phản kháng ». Một thiên thần xấu chống lại nhân vật thiêng liêng cao trọng. Khuôn mặt đầy lửa, mang dạng thái đầy máu. Nhân vật gom lại tất cả những xấu xa và phát huy qua những thiên thần được lệnh sáng tạo thế giới.

[8] Một thiên thần xấu liên kết với Nebro. Saklas cho sáng tạo loài người bởi những thiên thần của ông và nhận hy lễ loài người nghĩ làm một phụng tự cho Thiên Chúa.

[9] Seth là con của Ađam và Eva. Nhóm Ngộ Đạo tôn kính Seth coi ông như biểu tượng của Ngộ Đạo. Ông được gọi là Đấng « Kitô » vì ông là Đấng cứu độ xa lánh các giông tố của thế giới. Thật vậy, Seth được coi như tổ tiên của Ngộ Đạo vì ông sống trong sa mạc, xa lánh tất cả mọi người. Nhiều truyền thống coi ông như một hiền nhân đã gom lại những lề luật về sự hiểu biết qua người cha là ông Ađam. Ông là người cha của một nhân loại được tuyển chọn. Dòng giống của ông được cắt chia ra với nhân loại. Từ đó ông nhận lãnh vai trò cứu độ, Đấng Kitô.

[10] Harmathôth hay Harmas trong thủ bản Nag Hammadi nằm trong danh sách các thiên thần lo vấn đề sáng tạo thế giới và con người.

[11] Thiên thần có bổn phận xếp đặt thế giới phía dưới trần thế.

[12] Tên Thiên Chúa bằng tiếng Hípri. Ở đây Thiên Chúa của người Do thái bị coi như thiên thần xấu cai quản thế giới dưới đất. Một biểu tượng của sự xấu.

 

Bài viết khác

Kiếng đeo mắt: Một ổ vi trùng!

Kiếng đeo mắt: Một ổ vi trùng!

14/10/2024

Những người phải mang kiếng, dù là kiếng đeo hay kiếng áp tròng đều cần phải cẩn thận hơn trong việc bảo vệ sức khỏe “cửa sổ tâm hồn” của mình.

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art