Nhập đề
Tin mừng Máccô ít được chú giải cho tới thế kỷ thứ XIX. Nhiều tác giả thấy cuốn tin mừng Máccô ngắn nhất, và thiếu nhiều đoạn văn như trong hai tin mừng Mátthêu và Luca. Ngoài ra trong đó không nói đến những diễn từ của Đức Giêsu, không có trình thuật thời thơ ấu Đức Giêsu. Thời bấy giờ, các nhà chuyên môn cũng coi tin mừng Mátthêu cựu trào nhất. Đến thế kỷ thứ XVII, người đầu tiên đặt lại vấn đề là tu sĩ dòng Nguyện đường ông Richard Simon (1638-1712), nhưng phải chờ đến khoảng giữa thế kỷ thứ XIX với các nhà nghiên cứu thuộc Giáo hội Tin lành người Đức mới chấm dứt cho tin mừng Mátthêu cổ nhất. Tác giả Karl Lachmann (1793-1851) vào năm 1835 đã đưa ra một loạt luận chứng cho tin mừng Máccô cổ nhất. Ông dựa vào những bằng chứng ngữ văn học và văn chương cho thấy tu từ học và cú pháp Máccô quá bình thường. Làm sao có thể giải thích nếu như Máccô dựa vào Mátthêu, tác giả lại bỏ đi những chương đầu nói về thời thơ ấu Đức Giêsu cũng như chương cuối 28 Mátthêu với những trình thuật hiện ra. Và trong phần giữa, Máccô lại còn bỏ luôn kinh Lạy Cha, một kinh nguyện được chấp nhận do chính Đức Giêsu truyền đạt lại. Ngoài ra khi Mátthêu và Luca có khác biệt khi họ không dựa theo văn bản Máccô. Tiếp theo công trình Lachmann, các nhà nghiên cứu nhìn nhận Mátthêu và Luca được viết sau Máccô. Từ đó, các nhà chuyên môn mới cho tin mừng Máccô tầm quan trọng. Người ta nghĩ rằng tin mừng Máccô gần với lịch sử hơn và mạc khải một Đức Giêsu rất con người. Ngày nay, có tác giả thấy tin mừng mang tính cách « hiện đại », vì Máccô mạc khải qua từng chương như một người kể chuyện có tài. Ngài biết diễn tả với nghệ thuật, đặt vào trong đó một cuộc sống và ý nhị khá ngạc nhiên trong các trình thuật.
- Hình ảnh Đức Giêsu rất con người.
Tác giả tin mừng thứ hai không ký tác phẩm, không dùng từ « tôi » như tác giả Luca trong lời phi lộ. Chỉ đến thế kỷ thứ II, người ta mới gán cho Máccô làm tác giả cuốn tin mừng thứ hai. Tác phẩm được biên soạn cho một cộng đoàn đang trong thời kỳ bị bách hại, và cộng đoàn cũng thao thức với nhiều câu hỏi nêu lên : làm sao có thể tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Mêsia khi Người bị hành quyết một cách ô nhục như việc đóng đinh trên thập tự giá. Có thể nào gọi Người là Con Thiên Chúa khi những người ngày nay theo Người lại bị bách hại và Người lại không ra tay giải thoát ? Qua những câu hỏi nêu trên, tác giả Máccô muốn tìm một cách trả lời qua cuốn tin mừng.
Tác giả Máccô mang văn phong trực tiếp và đơn giản, nhưng những trình thuật phong phú trên phương diện kể chuyện. Thế nhưng cái giản dị của Máccô chứa đựng một thần học thâm sâu. Vì thế, trong đó tác giả không cho chi tiết nào về dạng thái hình thể Giêsu, hay xác nhận trên phương diện tâm lý về con người Đức Giêsu. Nhưng Đức Giêsu hoàn thành lời hứa. Cuộc đời, Thương khó, cái chết và Sống lại của Đức Giêsu tương ứng hoàn thành Tin mừng và tái lập Nước Trời.
Thật vậy, tác giả Máccô làm lộ rõ một Đức Giêsu rất con người trước Phục sinh. Tác giả còn cho thấy Đức Giêsu động lòng thương xót khi nhìn thấy người phong cùi, chữa lành và nghiêm giọng đuổi ra anh ra ngoài (1,43) ; Đức Giêsu giận và buồn trước những con tim chai đá (3,5) ; Người sửng sốt trước dân làng Nazareth cứng lòng tin (6,6) ; Người đặt câu hỏi với các môn đệ (9,16.33) và nổi giận chống lại họ (10,14) ; Người thở dài và run rẩy (7,34 ; 8,1) ; Đức Giêsu ôm trẻ nhỏ vào trong vòng tay (9,36 ; 10,16) ; Người thương người thanh niên giàu có cho dù anh ta không đáp trả lại lời Người mời gọi (10,21). Tất cả những nét vừa nêu chỉ một mình tác giả Máccô nói đến.
Máccô cũng không ngần ngại giữ những văn bản có thể gây khó khăn như đoạn gia đình Đức Giêsu đi tìm bắt Người về. Họ cho rằng Người bị « điên » (3,21). Tại quê hương làng Nazareth lại không làm được phép lạ nào, có chăng chỉ chữa được vài bệnh tật (6,5). Đôi khi tác giả viết một cách thiếu tế nhị, như việc biên soạn trình thuật ông Gioan Tẩy Giả bị giết (12 câu, trong khi đó Mátthêu chỉ có 9 câu và Luca chỉ có vỏn vẹn 2 câu). Binh lính khạc nhổ lên Đức Giêsu (14,65) ; bị đánh đòn và đội mũ gai cũng diễn tả dài hơn. Trên thập giá Đức Giêsu nhận những lời sỉ vả. Đức Giêsu lên Giêrusalem với nỗi lo sợ (10,32). Vì thế Đức Giêsu được trình bày đúng như một con người chứ không phải một anh hùng siêu việt. Các môn đệ cũng bị trách cứ. Nơi Máccô 4,3, Đức Giêsu trách họ không hiểu gì về dụ ngôn người gieo giống. Các môn đệ hỏi Người thế nào là « sống lại từ cõi chết » (9,10). Đức Giêsu dường như nhấn mạnh đến việc họ thất bại trong việc xua đuổi ma quỷ (9,28-29). Họ tranh dành nhau xem ai là người lớn nhất trong Nước sẽ đến (10,35-40).
Nói tóm, tác giả Máccô không ngần ngại trình bày một Đức Giêsu mang tính rất con người, cũng bị chạm vào tính nhạy cảm (1,43) hay có một cảm xúc mạnh. Các thánh sử khác không bao giờ cho Đức Giêsu nổi giận hay mang vẻ bị đánh bại.
Với những nhận xét sơ khởi vừa nêu cho biết tại sao tin mừng Máccô không được biết đến nhiều từ trước cho tới thế kỷ thứ XIX. Những nhà chuyên môn không chủ tâm lắm để tìm hiểu một tác giả cho như không có văn phong hay không có những từ ngữ tinh xảo và hay thường mang nhiều từ ngữ được lập đi lập lại. Các nhà thần học lại nhìn thấy trong đó một Đức Giêsu quá con người. Tác giả nhìn nhận thiên tính của Đức Giêsu nhưng làm nổi bật lên những nét con người nơi Đức Giêsu. Máccô không mang chủ đích biên soạn một cuộc đời Đức Giêsu, nhưng mời gọi thính giả khám phá ra con người của Người. Đức Giêsu không phải một tôn sư, một rabbi lấy lại Lề Luật như trong tin mừng Mátthêu đã làm rất hay. Tác giả Máccô dường như muốn trình bày Đức Giêsu qua các công trình hơn qua các lời nói.
Truyền thống nói gì về Máccô ?
- Tông đồ rao giảng tin mừng tại thành Alexandrie.
Theo truyền thống, Máccô được thánh Phêrô gửi qua Aquilée. Ngài ở đó hai năm rưỡi và thành lập một giáo đoàn. Theo lịch sử, vào năm 49 công nguyên, hoàng đế Claude trục xuất người Do thái ra khỏi thành Rôma, và thánh Phêrô cũng như thánh Máccô phải di tản khỏi nơi đó. Thanh Phêrô liền gửi Máccô đi truyền giáo bên Ai cập. Ngài xuống bến tại Cyrène miền Pentalope và đã rao giảng đưa một số người theo Kitô giáo. Từ đó ngài đi tới thành Alexandrie và đưa ông Anien trở thành Kitô hữu, rồi lên làm giám mục tiên khởi thành Alexandrie. Số người Kitô hữu ngày thêm đông, mang cuộc sống hoàn hão, và được ông Philon viết về cuộc sống những Kitô hữu tiên khởi này dưới tên những người « Thérapeutes ». Trong tác phẩm « De la Vie contemplative », Philon coi họ như những nhà ẩn tu khác sống bên Ai cập, phía đông-nam thành Alexandrie, gần hồ Moréotis (ngày nay Mariout) sát với biển. Philon là tác giả duy nhất nói đến nhóm « thérapeutes » và cho biết có đến đó để tĩnh tâm xa lánh sự ồn ào của thế gian. Philon gọi họ « thérapeutes » và « suppliant » : từ Hy lạp « thérapeutes » mang nghĩa « phục vụ » và « chăm sóc ». Philon cho ý nghĩa « những người lo chăm sóc », đưa lên hình ảnh một rabbi đạo đức và học thức, say mê chú giải Kinh thánh theo cách ám dụ và mang triết lý Platon. Nhóm tự định nghĩa như những tư tế và những người tôn sùng Thiên Chúa duy nhất, và như những triết gia đạo đức chữa lành thân xác và linh hồn. Từ thứ hai « suppliant = Hy lạp hiketès » mang ý nghĩa tiếng kêu lên Thiên Chúa, ẩn trú nơi Thiên Chúa hay phục vụ Thiên Chúa gần giống sát hình ảnh người Lêvi trong Kinh thánh.
Khi số người Kitô tăng trưởng thêm nhiều, một số dân ngoại nổi lên chống lại thánh Máccô vì đã đến lật đổ các thần của họ. Thánh nhân liền rời thành Alexandrie về lại Cyrène và ở lại hai năm. Sau đó ngài có trở lại thăm Alexandrie vui mừng thấy cộng đoàn phát triển. Theo sử Biên niên Alexandrie, Máccô đi đến thành Rôma khi hai thánh Phêrô và Phaolô chịu tử đạo vào khoảng năm 66. Tiếp theo Máccô về lại thành Alexandrie, người ngoại giáo căm tức vì những phép lạ do ngài làm, và người Kitô hữu lại coi ngài như thần tượng, cho nên người ngoại giáo mới tìm cách giết ngài. Ngài lẫn trốn được một thời gian, nhưng rồi họ tìm bắt được và giết dâng ngài làm của lễ thánh. Đó là ngày 24/4/68. Họ đặt một sợi dây nơi cổ và kéo lê ngài suốt ngày đi đến một nơi gần biển đầy mõm đá và vực sâu. Tối đến thánh Máccô được hai thị kiến trong tù : một thiên thần bảo đảm tên thánh nhân được ghi vào sổ cuộc sống ; và thị kiến thứ hai cho thấy Thiên Chúa ban bình an cho ngài. Sáng hôm sau, họ tiếp tục lê kéo ngài qua khắp nẻo đường và ngài trút hơi thở ngày 25/4/68. Nhiều chứng từ cho biết ngài bị hỏa thiêu, nhưng có thể người ta đã thiêu đốt thân xác sau khi ngài qua đời.
- Tin mừng Máccô trong nghệ thuật.
Tin mừng Máccô không có chỗ đứng quan trọng trong nghệ thuật như các cuốn Tin mừng khác. Đặc biệt, tại thành Venise (Ý) có vương cung thánh đường nổi tiếng kính dâng thánh Máccô. Tại Viện bảo tàng thánh Máccô thành Florence (Ý) có bức tranh tam bản về thánh Máccô do họa danh Fra Angelico vẽ, nhưng cũng ít được biết đến. Về chạm trổ nơi các cửa thánh đường Gô tích, thánh Máccô thường chỉ được trình bày trong nhóm các thánh sử khác, và dưới hình con sư tử. Về nhạc, ông Jean Sébastien Bach Bach (1731) có viết bản « Thương Khó theo thánh Máccô » nhưng cũng ít được biết tới.
- Thánh Máccô và hình con sư tử.
Tranh ảnh truyền thống thường cho bốn thánh sử những hình ảnh biểu tượng như con người, con sư tử, con bò đực hay con đại bàng. Việc phân chia được gợi hứng đến từ một thị kiến ngôn sứ Êdêkien, được sách Khải huyền (4,6-7) lấy lại với cảnh Thiên Chúa được bao quanh với bốn con Vật nhiều mặt : « Trước ngai có cái gì như biển trong vắt tựa pha lê. Ở giữa ngai và chung quanh ngai có bốn Con Vật, đằng trước và đằng sau đầy những mắt.7 Con Vật thứ nhất giống như sư tử, Con Vật thứ hai giống như bò tơ, Con Vật thứ ba có mặt như mặt người, Con Vật thứ bốn giống như đại bàng đang bay » (xem Êdêkien 1,5-12). Thánh Giêrônimô vào đầu thế kỷ thứ V, đã cho mỗi hình ảnh vào với một thánh sử với những lý do văn chương và thần học. Khi cho Mátthêu mang hình con người, thánh nhân ghi tiếp : « hình ảnh thứ hai chỉ định Máccô, trong đó người ta nghe tiếng con sư tử gầm trong sa mạc : tiếng của người kêu sa mạc : dọn đường cho Chúa, sửa lối thẳng Người đi ».
Lê Phú Hải omi