Lời tựa
Qua tác phẩm « Gióp, câu chuyện người vô tội đau khổ », nhà minh giải Kinh Thánh Lê Phú Hải giới thiệu một cuốn sách rất thời thượng. Tuy rất thời thượng, nhưng sách không nhằm thu hút những ai chỉ tìm đọc những chuyện vui lạ hời hợt bên ngoài. Ngược lại, nhằm giúp người đọc đi sâu vào nội dung Sách Gióp, tác giả đã truy cập những nghiên cứu thấu đáo về lịch sử văn chương khôn ngoan hay còn gọi là minh triết, và áp dụng lối phân tích nghiêm túc bản văn tiếng do thái mà Truyền Thống đã lưu lại cho chúng ta.
Các sử gia thường cho rằng Sách Gióp được sáng tác vào khoảng từ thế kỷ thứ bảy đến thế kỷ thứ tư trước công nguyên. Việc ngần ngại không xác định niên kỷ như thế cho thấy đây không phải là một tác phẩm bất chừng nào đó. Tác giả Lê Phú Hải sẽ giúp người đọc hiểu được rằng tác phẩm đã bắt nguồn từ những truyền thống văn hóa xa xưa hơn nữa. Từ lối trình bày bản văn cũng như qua nội dung câu truyện, tác phẩm gắn liền với vùng Trung Đông thời cổ : trong nhiều thiên niên trước đây, vùng nầy nằm ở giữa Ai Cập và Lưỡng Hà, đã từng là cái nôi khởi phát nhiều nền văn minh quan trọng hiện vẫn còn linh hoạt ngay trong đệ tam thiên kỷ của chúng ta.
Cuốn sách có nguồn gốc xa xưa như thế, vậy có giá trị thời thượng ở chổ nào ? Sách rất thời thượng bởi lẽ vượt ra ngoài khung cảnh lịch sử và tôn giáo từ đó được hình thành ; nó còn vượt lên trên lối sử dụng có tính cách biện giáo mà truyền thống khôn ngoan do thái giáo cũng như truyền thống phụng vụ kitô giáo đã thiết định ý nghĩa, đánh giá bản văn cũng như lời minh giải. Thật thế, Sách Gióp đi xa hơn những nhận định giản lược mà bất cứ sinh viên thần học hoặc các khoa học tôn giáo nào phải ghi nhớ. Nó đi vào ngay thâm tâm của hiện sinh con người, vượt lên trên bất cứ lối xếp loại nào, bất cứ lối minh giải và biện giáo nào. Nó tiếp cận những thắc mắc mà thế hệ tự cho là hậu tôn giáo của chúng ta ngày nay đang nêu lên một cách vừa mới mẽ vừa khẩn thiết. Nó dấy lên những khắc khoải hiện sinh về bước đi của thế giới và nhân loại - thắc mắc nhức nhối của những con người không còn muốn sinh con, không còn muốn đưa con mình vào thế giới, một thế giới hiện tại bất trắc và tương lai bất định. Số phận khốn khổ của Gióp trên đống phân cũng như những lời bạn bè lên án hẳn gợi lại số phận thế giới ngày nay đang phơi trần ra dưới ánh sáng vô tâm của khoa học.
Tác giả Lê Phú Hải nói với chúng ta rằng : « Lối nhìn tân thời của con người ngày nay xem bạn bè như hình ảnh những người bị ngược đãi cách bất công ». Nhưng, xét về mức độ kinh hoàng, những ngược đãi ngày nay không vượt xa tất cả những đốn mạt, những bại hoại mà nhân lại đã biết đến trong các thế kỷ qua hay sao ? Nói rộng hơn, Gióp không phải hình ảnh một thế giới không ngày mai hay sao ? Sau hai thế kỷ, trong đó người cao ngạo cho rằng tự mình nhân loại có thể tái tạo thế giới, hoạch định nó, vận dụng kỹ thuật để dẫn đưa nó tiến đến một chân trời hạnh phúc hoàn mãn hơn, ngày nay, trước thực tế thất bại, hẳn thế giới cũng đang trải qua những phũ phàng không kém tình trạng thảm hại của Gióp trong Kinh Thánh : con người ấy đã từng có tất cả mọi sự để hưởng hạnh phúc, nhưng rồi cũng đã mất tất cả để chỉ còn lại một mình với những thắc mắc của mình… như tất cả chúng ta ngày hôm nay.
Trong một thời đại nhân loại đang tự hủy diệt, chúng ta nghe được một lời oán hận phản kháng một Thiên Chúa chỉ biết làm thinh, một Thiên Chúa được cảm nhận như thù ghét con người, xuyên qua lời Gióp nói. Nhưng chính ở điểm nầy tác giả Lê Phú Hải giúp chúng ta thấu hiểu sứ điệp sách Gióp. Tác giả cũng như các tác giả khác minh giải bản văn trên đã không lưu chép những bản mẫu nơi vùng đất Trung Đông. Nhưng họ đã chuyển đạt một sứ điệp đức tin và hy vọng. Sứ điệp đó nói với tất cả các thế hệ đang bị khủng hoảng vì thiếu niềm tin, vì nghi hoặc và ngay cả vì vô vọng, cũng như thời buổi mà thế giới toàn cầu hóa của chúng ta đang trải qua lúc nầy. Sứ điệp ấy chứa đựng trong hai bản văn sấm ký làm thành tác phẩm nầy : các bản văn trình bày như lời Thiên Chúa đối chất nói với Gióp : mầu nhiệm tạo dựng (38,1-40,5) và ý nghĩa sự chết (40,6 - 42,6). Tác giả Lê Phú Hải sẽ cho người đọc các đoạn kết luận các bản văn thấy được một ánh sáng dịu hiền. « Không những Thiên Chúa không phải là kẻ thù của Gióp, nhưng Ngài biểu lộ lòng tốt lành đối với mọi người. » Đó là sự mâu thuẩn của sách Gióp, một mâu thuẩn qua đó kitô hữu thấy được việc loan báo công trình tạo dựng mới, hay sự tái tạo trong Đức Giêsu-Kitô, sự cứu độ sau sa ngã. Những Bêhêmoth và những Lêviathan chúng ta gặp hôm nay không làm chúng ta run sợ. Nhưng con người cần thinh lặng và khiêm tốn đón nhận ý muốn đến từ Đấng Tối Cao siêu việt - chứ không phải bị động trước một định mệnh mù quáng -. Chúng tôi hoan nghênh sự can đảm của tác giả Lê Phú Hải khi dám viết ra tập sách nầy. Đọc nó không dễ, nhưng vượt thắng được lối phân tích có vẽ khô khan, người đọc sẽ thấy cuốn sách rất hữu ích và mang lại nhiều hy vọng.
Roland Jacques, o.m. i, ngày 1 tháng 8 năm 2020
Người dịch : Nguyễn Đăng Trúc