Thứ Tư, 02 Tháng Mười, 2019

Lịch sử & linh đạo đời tu

Trước khi đi vào cuốn sách, thiết tưởng được trình bày sơ qua việc cuốn sách thành hình. Đây là cuốn 1 trong chương trình môn học « Thần học đời Thánh hiến » bao gồm tất cả hai giáo trình :

Cuốn 1 : Lịch sử và Linh đạo đời tu trong Kitô giáo.

Cuốn 2 : Thần học đời thánh hiến.

Môn học được giảng dạy trong nhiều năm cho các lớp Tập sinh dòng Hiến sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm (OMI) tại Việt Nam, cũng như được chia sẻ cho một nhóm Nữ Tu Mến Thánh Giá Huế tại Strasbourg – Pháp. Vì thế cuốn sách biên soạn theo chiều hướng giảng dạy nên có những chi tiết giải thích khá cặn kẻ cho những anh chị em tu sĩ đi vào nhập môn « Thần Học đời Thánh hiến ». Với cùng một lý do trên, nên đôi lúc bạn đọc có cảm tưởng thấy một số điều được nói đi lập lại đôi lần.

Ngoài ra tác giả để nguyên những từ ngữ trích dẫn bằng nguyên ngữ La tinh, hoặc bằng tiếng Pháp, vì phần nhiều các cuốn sách tham khảo đều bằng Pháp ngữ. Một số từ ngữ quen thuộc với người Công giáo Việt Nam được giữ hoặc dịch theo Việt Ngữ như : Đức Maria, thánh Giuse, thánh Phêrô, thánh Phaolô, thánh Gioan, thánh Têrêxa… Chúng ta cũng chưa có Hàn Lâm Viện để quyết định bản dịch chính thức cho những từ ngữ Thiên Chúa giáo chuyên biệt, vì vậy chắc hẳn có bạn đọc sẽ không thấy hài lòng khi phải dịch ra tiếng Việt những từ như : anachorète (= ẩn sĩ, ẩn tu), ascèse (= khổ chế), béguines (= Bê ganh), chanoine (= kinh sĩ), cénobite (= đan sĩ cộng đoàn ẩn tu), congrégation (= dòng tu), ermite (= ẩn tu) … Cuốn sách cũng tạm thời dùng hai cụm từ « đời tu = vie religieuse » và « đời thánh hiến = vie consacrée » để nói về một thực tại, nhưng biết chắc rằng nếu cần vào chi tiết hai cụm từ trên đều mang ý riêng biệt. Điều này cũng đúng cho hai từ ngữ « tu sĩ = religieux » và « những người thánh hiến = consacrés ». Từ tiếng Pháp « consacrée » có thể dịch ra Việt ngữ = tận hiến hay thánh hiến. Tận hiến cho ý nghĩa về phía con người tận hiến cho Thiên Chúa ; Thánh hiến nói về hành động Thiên Chúa như chính Thiên Chúa thánh hiến cho con người. Cuốn sách giữ từ « thánh hiến » như được thấy trong một số lớn sách thần học, tu đức bằng Việt ngữ dùng đến lúc sau này.

Cuốn « Lịch sử và Linh đạo đời tu trong Kitô giáo » có thể coi như một cuốn lược sử, và không mang hoài bảo nói đến tất cả các dòng tu, tu hội hay các phong trào tu mới trong Giáo hội. Đời tu mang môi trường phong phú như tác giả Trần Văn Bằng O.Cist. ghi : « Mỗi dòng tu là một loại hoa ». Người ta cũng thường nói : « chỉ một mình Chúa Thánh Thần mới biết hết con số các dòng tu và tu hội » cho ý nghĩa con số đó quá đông khó biết được. Vì vậy việc nêu lên tất cả các dòng tu và tu hội là việc không thể nào thực hiện được. Ở đây cuốn sách chỉ nêu lên những mốc lớn làm khai sinh ra hình thức đời tu cho mỗi thời đại, và những linh đạo lớn của đời tu.

Bố cục cuốn sách thường bắt đầu mỗi thời kỳ trình bày sơ lược những điểm chính lịch sử thời đại bấy giờ, để muốn nói lên trong mỗi hoàn cảnh đặc biệt Chúa Thánh Thần thổi hơi làm khai sinh ra một hình thức đời tu thích nghi cho thời đó. Sau phần bối cảnh, đến phần trình bày các dòng tu với bảng tóm tắt cuộc đời Đấng sáng lập cho đến khi dòng được khai sinh. Từ đó rút ra những nét lớn linh đạo mỗi hội dòng. 

Phần thư mục nơi cuối cuốn sách chỉ đưa lên những cuốn sách bằng Pháp ngữ và Việt ngữ nói chung về đời tu. Trong mỗi phần, những qui chiếu về những tài liệu sử dụng được viết nơi phần dưới trang sách. Các tài liệu hầu hết đến từ những tác phẩm bằng tiếng Pháp. Ngoài ra, tác giả cũng có trích dẫn một số đoạn đến từ một số văn bản không thấy ghi tên tác giả, và năm xuất bản. Xin chân thành cáo lỗi cùng các tác giả văn bản trên.

Giáo trình « Lịch sử và Linh đạo đời tu trong Kitô giáo » chắc chắn sẽ còn nhiều sai sót. Tác giả mong được các bạn đọc cho ý kiến hầu đưa cuốn sách sửa sai được đúng hơn.

Lộ Trấn (Pháp) 2013

Sách khác