Thứ Hai, 10 Tháng Năm, 2021

Hướng Dẫn Đọc Kinh Thánh Theo Phương Pháp Phê Bình Lịch Sử

LỜI GIỚI THIỆU

Thánh Kinh có bản tính kép: “Lời Chúa trong ngôn ngữ con người”. Một đằng, Lời Chúa mang tính thần thiêng, vượt lên trên giới hạn của thời gian và không gian để với con người của mọi thời và mọi nơi. Đằng khác, Thiên Chúa sử dụng lời con người để nói với những con người lịch sử. Nói đến “lời con người” trong bản văn Thánh Kinh là nói đến trước hết những yếu tố ngôn ngữ, địa lý, lịch sử, văn hoá, tôn giáo, lối tư duy… của các tác giả và độc giả gốc. Mỗi bản văn hay mỗi cuốn sách trong bộ Thánh Kinh, đều được Thánh Thần linh hứng và cũng được do con người viết, có một đặc tính lịch sử của riêng mình. Như thế, để khám phá sứ điệp của Lời Chúa trong Thánh Kinh, chúng ta phải đi qua việc học hỏi những gì được cho là nằm ở “thế giới đằng sau bản văn”, nghĩa là thế giới của tác giả và độc giả gốc mà qua họ, Thiên Chúa ngỏ lời với toàn thể nhân loại.

Muốn đạt đến thành quả tốt cho công việc, cần có phương pháp. Công việc càng nghiêm túc càng đòi hỏi phương pháp tốt. Đó là trải nghiệm của bất cứ ai thực hiện một công việc nghiêm túc. Đối với tín hữu Công Giáo, việc “đọc Sách Thánh”, tương tự như việc “thờ lạy Thánh Thể”, đáng ra phải là một công việc nghiêm túc hàng đầu (cf. Verbum Domini 86), vì nhờ việc đọc Sách Thánh, người Kitô hữu nhận ra tiếng của Thiên Chúa đang nói với họ. Nhưng rất đáng buồn, nhiều Kitô hữu không đọc Sách Thánh! Dĩ nhiên, có một số đông tín hữu đọc Sách Thánh; nhưng cũng đáng tiếc, họ không hiểu gì cả hoặc chẳng hiểu bao nhiêu vì thiếu sự hướng dẫn cần thiết như trường hợp của viên thái giám người Êthiôpia (cf. Cv 8,30-31).

Phương Pháp Phê Bình Lịch Sử, sau hơn 200 năm được nhiều nhà chuyên môn Thánh Kinh nghiên cứu và sử dụng để khám phá “thế giới đằng sau bản văn” của Sách Thánh, đã được chứng minh như một hướng dẫn có hiệu quả rất lớn. Tương tự như bất cứ phương pháp nào được sử dụng để đọc Thánh Kinh, Phương Pháp Phê Bình Lịch Sử cũng có những hạn chế của nó. Dầu vậy, Uỷ Ban Thánh Kinh Giáo Hoàng, trong tài liệu “Việc Giải Thích Thánh Kinh trong Giáo Hội” (1993) của mình, đã không ngần ngại nhận định rằng: “Phương Pháp Phê Bình Lịch Sử là phương pháp không thể thiếu nếu muốn nghiên cứu một cách khoa học ý nghĩa của các bản văn cổ. Vì Thánh Kinh, xét như là ‘Lời Chúa trong ngôn ngữ con người’, đã được các tác giả con người soạn ra trong mọi phần và mọi nguồn đứng đằng sau chúng. Do đó, sự hiểu biết đúng đắn Thánh Kinh, không những phải chấp nhận sự sử dụng của phương pháp này, mà còn đòi buộc phải sử dụng nó nữa”.

Đối với độc giả Thánh Kinh tại Âu Mỹ, nhất là những sinh viên học môn Thánh Kinh hay Thần Học, Phương Pháp Phê Bình Lịch Sử không có vẻ gì xa lạ. Tuy nhiên, đối với độc giả tiếng Việt, ngay cả đối với các sinh viên Thần Học và Thánh Kinh, việc đề cập hay sử dụng phương pháp này một cách có hệ thống xem ra vẫn còn lạ lẫm, nếu không nói là hiếm hoi. Việc trình bày, quảng bá cách hệ thống phương pháp “không thể thiếu” này, trở nên một công việc cần thiết cho việc học thuật cũng như việc đào sâu kiến thức về Lời Chúa trong Thánh Kinh.

Cha Vincent Lê Phú Hải, OMI., không xa lạ gì với độc giả tiếng Việt qua những tác phẩm của ngài liên quan đến nhiều chủ đề khác nhau như: Đức Giêsu Nazareth (2011), Lịch sử và linh đạo đời sống tu trì (2013), Đức Maria, tôn sùng và cầu nguyện (2014), Nguồn gốc Kitô giáo (2019), Gióp – chuyện người vô tội đau khổ (2020)… Lần này, ngài đến với độc giả tiếng Việt qua một công việc cần thiết khác; đó là giới thiệu Phương Pháp Phê Bình Lịch Sử để đọc Thánh Kinh. Trong tác phẩm này, cha Hải trình bày cho độc giả thấy những điểm trọng yếu của phương pháp này, bao gồm khía cạnh lịch sử và việc khai triển từng giai đoạn của phương pháp. Độc giả sẽ tìm thấy ở đây nhiều ví dụ cụ thể và những chi tiết quan trọng giúp hiểu rõ phương pháp. Phần footnote và thuật ngữ chuyên môn rất hữu ích cho việc nghiên cứu và chú giải bản văn Thánh Kinh.

Tôi hân hạnh giới thiệu tác phẩm “Hướng Dẫn Đọc Kinh Thánh Theo Phương Pháp Phê Bình Lịch Sử” của cha Vincent Lê Phú Hải với độc giả tiếng Việt. Cuốn sách có thể là một thách đố lớn cho các độc giả bình thường; nhưng đối với những độcgiả nào muốn đào sâu sự hiểu biết về Sách Thánh cách khoa học, nhất là đối với những sinh viên học môn Thánh Kinh và Thần Học, nó chắc chắn sẽ là một hướng dẫn hữu ích cho việc hiểu biết và thực hành một trong những phương pháp cần thiết để chú giải Thánh Kinh, “linh hồn của Thần Học” (DV 24).

Lễ Hiển Linh 2021

Lm Bernard Phạm Hữu Quang, PSS.

 

Sách khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art