Biểu tượng thánh giá đỏ ngay giữa ngực áo chính là dấu hiệu để nhận ra những tu sĩ thuộc dòng Camillô (dòng Tá viên mục vụ bệnh nhân). Với lựa chọn đem niềm vui, sự an ủi và nâng đỡ người đau bệnh, hoạt động phục vụ tha nhân của các linh mục, tu sĩ trong dòng chủ yếu liên quan đến y tế.
TẤM LÒNG VỚI BỆNH NHÂN
Nhắc đến các tu sĩ dòng Camillô, nhiều người vẫn vui tính gọi đây là “dòng bệnh viện”. 25 năm hiện diện của dòng tại Việt Nam là một quá trình gắn bó với những cảnh đời đau ốm, cần sự giúp đỡ. Hiện nay, dòng có gần 80 thành viên, phần lớn đã và đang tham gia giúp đỡ người nghèo và người bệnh ở các trung tâm từ thiện, phòng khám, bệnh viện. Chính vì vậy, khi gia nhập dòng, các tu sinh được khuyến khích theo học các lĩnh vực có liên quan đến chăm sóc sức khỏe để có thể đồng hành và giúp đỡ bệnh nhân một cách hiệu quả nhất. Con đường đến trường y, nghề y với những tu sĩ Camillô như một ơn gọi đặc biệt. Các mái ấm, phòng khám từ thiện của dòng được mở ra không chỉ là nơi thực hành nghề nghiệp mà còn là chốn thực hành yêu thương của các tu sĩ.
Chúng tôi tìm đến nhà chính của dòng Camillô trong một con hẻm nhỏ trên đường Tam Châu, Thủ Đức, trong một buổi chiều muộn cũng vừa ngay lúc nhà tất bật nhất bởi những chuyến xe đón bệnh nhi ung thư từ Bệnh viện Ung bướu và bệnh nhi suy thận từ Bệnh viện Nhi đồng trở về. Cơ sở của nhà dòng không quá bề thế nhưng nơi đây vừa là chỗ ăn ở, học tập, sinh hoạt của các cha, các tu sĩ; vừa là mái ấm mang tên Gary dành cho nhiều bệnh nhi cùng phụ huynh của các em. Cha bề trên Giuse Trần Văn Phát chia sẻ, ngoài nhà chính kiêm mái ấm, dòng còn có một số cơ sở khác cũng đang gánh cả hai chức năng: “Đơn giản bởi chọn lựa phục vụ cho bệnh nhân nên mọi xây dựng cơ sở của dòng cũng chỉ hướng làm sao tiện lợi cho những đối tượng cần tương trợ. Mọi ưu tiên đều dành cho người đau yếu”.
Các tu sĩ Camillô phục vụ bệnh nhân tại phòng khám Nhân đạo Kinh 7 |
CHỐN YÊU THƯƠNG
Nói về các cơ sở bác ái của dòng cũng như những “địa chỉ vàng” về bác ái mà dòng cộng tác, cha Phát nhớ lại cả một chặng đường dài với những cơ duyên và chọn lựa “theo ý Chúa”. Trong đó, Mai Tâm (Thủ Đức) là cơ sở đầu tiên dòng tham gia vào công tác bác ái xã hội, bắt đầu hoạt động vào năm 2005. Địa chỉ này ra đời nhằm giúp đỡ, cưu mang và chăm sóc các trẻ em bị nhiễm, ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Sau nhiều năm hoạt động, mái ấm trở thành gia đình của gần 100 em có hoàn cảnh đặc biệt, từ sơ sinh cho đến 22 tuổi. Ở đây, các em được chăm lo về dinh dưỡng, sức khỏe, có điều kiện học hành. Mẹ của các bệnh nhi cũng được các cha, thầy, bác sĩ tư vấn và cung cấp những kiến thức giúp ngăn ngừa lây truyền HIV, được hỗ trợ học nghề (may, thủ công mỹ nghệ…) để tự nuôi sống bản thân. Những vết thương tâm hồn của bệnh nhân trước những kỳ thị, hờn tủi do HIV phần nào được xoa dịu, niềm tin vào cuộc sống được phục hồi nhờ những cánh tay luôn rộng mở của các tu sĩ Camillô. Cơ sở bảo trợ xã hội Mai Tâm dù nhỏ bé, khiêm tốn nằm ở một con hẻm nhỏ nhưng đã trở thành nơi nương tựa của biết bao mảnh đời.
Ngay sau mái ấm Mai Tâm, dòng mở thêm mái ấm đặt tên là Naza vào năm 2006. Đây là nơi nuôi dưỡng, chữa bệnh và nâng đỡ đời sống tâm linh cho bệnh nhân nhiễm HIV/ AIDS ở giai đoạn cuối. Công việc của người phục vụ ở Naza dù lắm vất vả song suốt nhiều năm, mái ấm này không hề khép cửa, khép lòng trước những cảnh đời đau khổ. Có những con người đã ra đi mãi mãi sau một thời gian dài được chăm sóc, nhưng họ đã được nâng đỡ tận tình cả phần thể xác lẫn tâm hồn đến những giây phút cuối đời.
Bữa ăn chung của các bệnh nhi cùng các thầy ở mái ấm Gary |
NHỮNG CHUYẾN XE TÌNH THƯƠNG
Khi mở rộng thêm hoạt động, mái ấm Gary trở thành nhà chính của dòng, là nơi hỗ trợ chỗ ăn ở miễn phí cho trẻ em nghèo mang bệnh ung thư hoặc những bệnh hiểm nghèo khác, cùng với thân nhân đang gặp khó khăn về nơi ăn chốn ở trong thời gian điều trị. Ngoài ra, dòng cũng tổ chức những chuyến xe tình thương đưa đón từ mái ấm vào bệnh viện và ngược lại. Mỗi ngày, các thầy theo xe đưa bệnh nhân đến viện từ sớm và đến chiều thì đứng chờ sẵn ở viện để thu xếp giúp các trường hợp sẽ ở lại viện hoặc về mái ấm. Chuyến xe bữa đầy bữa vơi vì các bé có thể phải nằm lại để vô hóa chất, phẫu thuật... Nhưng đều đặn mỗi ngày, chiếc xe quen thuộc cùng các tu sĩ vẫn đúng giờ đứng đợi. Đây là một dự án từ thiện xã hội của dòng với sự cộng tác của các bạn bè thân hữu.
Theo cha Giuse Vũ Anh Hoàng, phụ trách tại nhà Gary:“Mục đích của mái ấm là tạo nên môi trường thân thương của gia đình để khơi dậy lại trong tim trẻ đang mang bệnh hiểm nghèo niềm tin và hy vọng vào cuộc sống”. Những căn phòng luôn sạch sẽ, thoáng mát, tiện lợi cho bệnh nhi và những bữa cơm nóng sốt dành cho trẻ sau khi xạ trị và hóa trị cần chế độ dinh dưỡng đặc biệt luôn được chăm chút. Song song đó, nhu cầu cơ bản của trẻ như vui chơi, giáo dục và các hoạt động tinh thần khác cũng được chú trọng. Do bệnh nặng và phải điều trị dài ngày, các em phải nghỉ học, thiếu bạn, nên mái ấm có các anh chị em tình nguyện viên tổ chức những hoạt động cho trẻ như đọc, viết, vẽ, hát… Chị Chung Kim Tiên, 42 tuổi, quê tận Cà Mau, có con phải chạy thận chia sẻ: “Tôi ở nhà của dòng tính ra 2 năm rồi. Ăn ở, đi lại đều được giúp dù gia đình tôi không theo đạo Chúa. Suốt 2 năm con chạy thận nằm viện nhiều hơn ở nhà, nếu không có sự tương trợ này không biết mẹ con tôi phải xoay sở như thế nào nữa...”.
Những căn phòng sạch sẽ thoáng mát các tu sĩ Camillô dành cho bệnh nhân cần lưu trú |
Nhà dòng còn điều hành hai phòng khám từ thiện, nhân đạo tại Sài Gòn. Phòng khám Camillô được thành lập vào năm 2006 tại đường Lê Văn Sỹ - Q3, là nơi khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Sau đó, cơ sở dời về nhà thờ Đồng Tiến (Q10) và đổi tên thành phòng khám từ thiện Mai Khôi - Đồng Tiến. Mở cửa từ 16-19g các ngày trong tuần, mỗi ngày phục vụ khoảng 50- 60 bệnh nhân. Đang chờ đến lượt khám, bà Nguyễn Thị Mai (40t), một người gốc miền Trung cho biết: “Phòng khám này rất tốt, các cha, thầy và bác sĩ đều rất nhiệt tình. Dù đã cuối ngày, nhiều mệt mỏi song họ vẫn nhẹ nhàng, lắng nghe bệnh nhân”. Phòng khám từ thiện Mai Khôi (đường Hai Bà Trưng, Q3.) cũng là địa chỉ lâu năm giúp tư vấn, khám bệnh, chuyển gởi bệnh nhân tới các cơ sở, và phát thuốc đặc trị miễn phí cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Xa xôi tận Kiên Giang, người tu sĩ Camillô cũng đã phục vụ từ nhiều năm nay tại phòng khám đa khoa Nhân đạo Kinh 7. Phòng khám này phục vụ bệnh nhân nghèo trong khu vực với số lượng bệnh nhân mỗi ngày hiện nay khoảng từ 200 đến 250 người...
Cứ thế, ở giữa những nhộn nhịp của chốn phố thị, người tu sĩ mang thánh giá đỏ vẫn kiên trì sống theo linh đạo, ra sức phục vụ trong tinh thần nhân ái, hy sinh.
Dòng Camillô được thánh Camillô de Lellis (người Ý) sáng lập năm 1582 nhằm phục vụ những người nghèo khổ đau yếu. Linh đạo của dòng là : “Chăm sóc người bệnh với tình yêu của người mẹ chăm sóc đứa con duy nhất của mình khi bị đau yếu”. Qua các cơ sở y tế xã hội, người tu sĩ Camillô luôn hết mình trong việc quan tâm đến sức khỏe, chữa trị, nâng đỡ và phục vụ người bệnh, người bị bỏ rơi trong xã hội. Năm 1591, Tòa Thánh chính thức công nhận vai trò của dòng. Tại Việt Nam, dòng bắt đầu hiện diện vào năm 1993. |
Minh Hải