Dòng Chúa Giêsu Hài Đồng
Mang trong mình linh đạo “Sống tinh thần Nhập Thể”, hơn 40 năm qua kể từ khi hiện diện trên đất Việt, các nữ tu Dòng Chúa Giêsu Hài Ðồng đã lặng lẽ hòa vào dòng đời để tận hiến. Mặc cho nhịp sống ngày một quay cuồng, các chị vẫn bình dị, trung trinh với niềm mến Chúa, yêu người…
Khoác trên mình chiếc áo dòng, người tu sĩ buông đi danh vọng. Tất cả đối với họ là một cuộc đời phục vụ vì lợi ích tha nhân mở ra phía trước. Trong câu chuyện với các sơ lớn tuổi của hội dòng, chúng tôi nghe được biết bao tâm tình thao thức. Các chị nói về sứ mạng, về nỗi nguy khó của những con người bé mọn đang chật vật mưu sinh từng ngày ở các vùng miền đặt chân đến. Các chị khen tín hữu chỗ nọ mộ đạo, kể chuyện người bạn trẻ lúc trước gỡ rối cho hôn nhân nay đã nhà cửa ấm êm... Nhiều lắm! “Chúng tôi muốn giúp nhiều hơn nữa, giúp hết mình…”, chợt, một chị hạ giọng. Bầu khí lắng dần xuống. Sơ khác tiếp lời: “Đặc sủng của nhà dòng là khơi dậy và đào sâu đức tin trong anh chị em, nên cứ hễ các cộng đoàn được thiết lập ở đâu thì các sơ hội nhập vào với giáo đoàn địa phương, cộng tác, phục vụ tất cả nhu cầu theo hết khả năng của hội dòng”. Căn phòng khách nhỏ lặng im đôi phút. Lời trần thuật của các chị như đưa chúng tôi về một thế giới cổ tích. Ở đó, người nghèo khát khao đổi đời và có những bà tiên âm thầm nâng đỡ bằng cách này cách khác. Lần dò lại các mối quan hệ, trong những con người cùng khổ ấy, có cả những anh bạn mà chúng tôi quen biết. Và cũng có nhiều gương mặt trẻ nay vừa thành đạt, vừa rất nhiệt thành sinh hoạt nhà thờ, nhà xứ…
Sau hơn chục năm đi dạy Ngữ văn ở một trường cấp hai trong thành phố, sơ Têrêsa Phạm Thị Kim Loan ngừng việc để quay về các mục vụ khác trong nhà dòng, dù rằng lúc đó sơ đảm nhiệm vai trò tổ trưởng chuyên môn. Nhiều năm rồi không đứng lớp mà trò cũ vẫn hay tìm sơ thăm hỏi. Sơ bảo mỗi khi học trò tới làm nhà dòng rôm rả hẳn lên. “Tuy không còn đồng hành cùng các em nhưng tình cảm của tụi nhỏ làm mình cảm động lắm. Là một nữ tu, đi vào xã hội dấn thân với nghề dạy trẻ, tôi muốn truyền cho các em bài học về cách sống, làm sao cho tốt, trở thành một người có ích. Học văn là học làm người mà. Để được như thế, tôi phải làm gương cho các em trong từng chuyện nhỏ. Ngày trước, lúc đi dạy tôi luôn tranh thủ các cơ hội gần gũi, để chia sẻ và lắng nghe chúng, nếu phát hiện có gì sai thì uốn nắn…”, người nữ tu tóc đã nhuốm bạc chậm rãi kể. Bởi thế, việc các học trò đáp lại sự yêu thương của cô giáo này cũng là chuyện tất nhiên.
Suốt mấy mươi năm hiện diện trên đất Việt, các sơ cứ âm thầm đỡ nâng người cùng khổ
Nhưng, nhà dòng không chỉ có mỗi sơ Loan đi dạy và hiểu được cảm giác hạnh phúc đó. Hầu hết các sơ trong đời tận hiến đều đồng hành với giáo dục. Có người dạy ngoại ngữ. Có người dạy mầm non hoặc mở các khóa tâm lý để hướng dẫn giới trẻ. Cũng có người tham gia vào các trường chuyên biệt chăm sóc trẻ khuyết tật. Nữ tu dòng Chúa Giêsu Hài Đồng còn được biết đến với vai trò là những người tiên khởi phục vụ thuở trường tư thục chuyên biệt Gia Định mới hình thành. Sơ Têrêsa Nguyễn Thị Định là một trong những người gắn bó với trường ngay từ lúc đầu, những năm của thập niên 90. Các sơ, ai không dạy học thì làm y tá, dược sĩ, đủ ngành nghề. Ngày Chúa Nhật chị em về với nhà thờ lo phụng vụ, dạy giáo lý. Trong tuần, họ sắp xếp viếng thăm người nghèo. Nếu học trò nào thiếu điều kiện đến lớp thì tìm cách hỗ trợ học phí, áo quần. Riêng khoản này, chương trình học bổng của dòng đã kéo dài suốt mấy chục năm qua. Linh mục Titô Nguyễn Minh Nhường, chánh xứ Mỹ Hảo, vùng cộng đoàn các sơ phục vụ, từng có lần ghi nhận về vai trò của các nữ tu với xóm nghèo nơi đây: “Sự hiện diện của các dì là cần thiết. Nhiều năm qua, các dì không chỉ giúp mục vụ sinh hoạt mà còn cộng tác với giáo xứ trong nhiều việc bác ái khác, âm thầm nâng đỡ ai gặp khó khăn. Ở xứ này người ta quý mến các dì cũng vì sự nhiệt thành đó”.
Những cô giáo của trẻ con quê nghèo
Mỹ Hảo là miền đất nghèo, còn nhiều khó khăn của giáo phận Phú Cường. Sơ Loan nhớ lại : “Hồi đó, lúc mới xuống phụ nhìn thấy đời sống bà con mình thiệt thương. Đủ thứ việc để lo, từ các việc đạo đức, kinh kệ đến học hành của trẻ nhỏ, làm ăn của thanh niên…”. Bây giờ, dù sơ không còn gắn bó thường xuyên với giáo dân Mỹ Hảo nhưng những mối dây liên hệ vẫn giữ khăng khít.
Dấn thân trên nhiều khía cạnh của cuộc đời, các sơ có lẽ cũng hiểu phần nào nỗi khó nhọc nặng gánh trên vai giáo hữu. Trong đào tạo ơn gọi của nhà dòng, các chị cũng muốn tìm những ứng viên thật sự biết yêu thương quảng đại, biết đau nỗi đau của người khác, như lời nhận định của nữ tu bề trên, Matta Nguyễn Thị Kiều Oanh : “Chúng tôi chú trọng đến chất hơn là lượng. Bởi nhà dòng, bằng đời sống phục vụ và hy sinh, muốn thăng tiến các chị em. Điều này đòi hỏi rất khó ở mỗi người, thao thức chung phải là cho đi và cho đi mãi mãi”.
Hiện nay, tại Việt Nam hội dòng có 17 nữ tu, sống và phục vụ ở hai giáo phận chủ yếu là Tổng Giáo phận TPHCM và Phú Cường. Trong dòng chảy thường nhật, nữ tu Chúa Giêsu Hài Đồng âm thầm dâng hiến, hòa niềm vui chung với mọi người…
NHÀ DÒNG BỊ CHÁY RỤI
Năm 1974, bốn nữ tu đầu tiên của dòng đến Việt Nam, gồm 2 sơ người Việt và 2 sơ người nước ngoài. Vâng theo sự xếp đặt của Ðức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, các sơ nhanh chóng trở thành cư dân của xóm lao động Cầu Sơn - Hàng Sanh. Các chị kết bạn với người nghèo, sống giữa lương dân thắm đượm nghĩa tình. Bỗng một ngày nọ, hỏa hoạn bất ngờ thiêu rụi toàn bộ xóm nhà lá. Người từ bốn phương lại tản mát tứ hướng. Mấy nữ tu cũng dọn đến một khu đất ở đường Nguyễn Huy Lượng, phía sau bệnh viện nhân dân Gia Ðịnh, quận Bình Thạnh. Căn nhà ấy nay trở thành trụ sở của hội dòng.
ANH NGUYÊN