“Thành tâm” trong đời tận hiến
Ở tuổi gần 80, chặng đường phục vụ của linh mục nhạc sĩ Phêrô Nguyễn Thành Tâm (dòng Chúa Cứu Thế) đã đi dần vào những tháng ngày hưu dưỡng. Thế nhưng nói về cha, nhiều tín hữu vẫn còn ấn tượng với dòng nhạc Vào Ðời, sự sôi nổi của ban nhạc Alleluia hay nhiệt huyết của vị mục tử trong hơn 40 năm gắn bó với Thiếu nhi Thánh Thể.
“Bố Tâm” của Thiếu nhi Thánh Thể
Cha Thành Tâm sinh ra và lớn lên trên đất Campuchia. Khi vào trung học, ngài là học trò trường Miche của dòng Lasan ở Phnom Penh. Những năm tháng này, có lẽ hình ảnh tận tuỵ của các tu sĩ đã bắt đầu âm thầm nhen lên cho cậu bé Tâm một mối cảm mến với cuộc đời tận hiến. Cậu rất thường tới lui sinh hoạt và giúp lễ tại nhà thờ Chánh tòa Phnom Penh. Một dịp nọ, giáo xứ đón các cha dòng Chúa Cứu Thế tới hướng dẫn tĩnh tâm. Nghe các cha giảng, cậu bé mê lắm. Lòng muốn giống như các cha, thích sống đời phục vụ như thế. Vậy là ít lâu sau đó, cậu ngỏ lời xin gia đình để thử tìm hiểu ơn gọi. Khi mới nghe con muốn đi tu, người cha không bằng lòng. Nhưng một thời gian sau ông đổi ý và đích thân lo vé máy bay để con trai được về Việt Nam nhập dòng. Thời điểm đó là năm 1955, cậu Tâm được 14 tuổi và bắt đầu bước chân vào đệ tử viện của dòng Chúa Cứu Thế.
Năm 1970, cha Tâm lãnh tác vụ linh mục. Sau một năm về Vĩnh Long giúp Tiểu Chủng viện với vai trò phó giám đốc, ngài đã được bề trên trao cho nhiệm vụ mới là về làm phó, phụ trách đoàn Thiếu nhi Thánh Thể của giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Sài Gòn. Từ đây, dấu ấn đời phục vụ của vị mục tử bắt đầu đậm nét.
Để phát triển đoàn thiếu nhi nơi giáo xứ, cha Tâm gầy dựng từ những điều cơ bản nhất. Bởi cha luôn mong muốn phong trào này giống như một ngôi nhà chung, mà nếu nền móng chắc chắn thì những sinh hoạt, chương trình mới sôi nổi và vững bền theo thời gian. Vì thế, điều cha luôn ưu tư là làm sao khơi gợi được tinh thần kết đoàn, không chỉ giữa các thành viên trong xứ mà còn với đoàn thiếu nhi ở nơi xứ bạn. Khi mới về, ngài xin bề trên nhập các nhóm lễ sinh lại với nhau. Cha tiếp tục lập ban hát trẻ, phục vụ thánh lễ các sáng Chúa nhật cũng như trong giờ chầu Thánh Thể sau buổi sinh hoạt ban chiều. Dưới sự coi sóc của vị linh mục nhiệt thành, những buổi sinh hoạt sinh động liên tiếp diễn ra nơi xứ đạo. Không chỉ cho lũ trẻ vui chơi, học hỏi với nhau gói gọn trong phạm vi xứ, cha Thành Tâm còn tổ chức giao lưu với các xứ đoàn lân cận. Trong nhiều năm gắn bó với Thiếu nhi Thánh Thể, cha luôn đồng hành cùng đàn chiên nhỏ của mình. Ngài thao thức cho những kế hoạch mới, sẵn sàng lăn xả, xắn tay áo vào làm với các em. Cha con cũng hay rủ nhau đi ăn, uống nước và trò chuyện rôm rả.
Vị mục tử có hơn 40 năm gắn bó với phong trào TNTT
Những thế hệ thiếu nhi, huynh trưởng đầu tiên do cha Thành Tâm dìu dắt nay đều đã 50, 60 tuổi. Lớp trẻ sau này giờ cũng trưởng thành. Dù nhiều năm trôi qua nhưng trong ký ức của họ vẫn còn vẹn nguyên hình ảnh vị linh mục tận tuỵ, sát cánh với xứ đoàn trong từng chuyện lớn, nhỏ. Họ vẫn quen gọi cha bằng cách gọi thân thương “bố Tâm” như ngày trước và giữ mãi những kỷ niệm một thời hoạt động sôi nổi ở giáo xứ.
Thánh ca Vào Ðời
Nhắc đến cha Thành Tâm, không thể bỏ qua niềm say mê cũng như sự đóng góp của ngài trong lĩnh vực thánh nhạc. Cha kể, bà cố xưa kia là một cô giáo dạy đàn violin, nên từ rất bé, âm nhạc đã gõ cửa lòng cha. Một ngày, cậu Tâm xin mẹ dạy cho mình học đàn. Ban đầu bà từ chối vì sợ con mê đàn hát mà sao nhãng việc học, nhưng thấy cậu bé thích quá nên sau đó bà cũng dạy vài nốt nhạc cơ bản. Khi vào dòng, cha tiếp tục mày mò tự học chơi mandolin, sau đó chuyển sang guitar. Lúc ở nhà tập, ngài còn dành thời gian đọc thêm sách nhạc để nâng cao “tay nghề”. Thời gian này, cha bắt đầu viết những ca khúc đầu tiên với nội dung đầy ngẫu hứng.
Nhiều bài hát của cha đã trở nên quen thuộc với các tín hữu và người ngoài Công giáo
Năm 1967, trong làn gió mới sau Công đồng Vatican II, cha Thành Tâm đã kết nối với một số anh em ở học viện lập ra một ban nhạc (hoạt động được khoảng hai năm) lấy tên là Alleluia. Buổi biểu diễn ra mắt đầu tiên của ban nhạc là ở sân khấu Domaine de Marie ở Đà Lạt, với hai bài hát Vào Đời và Người gieo giống. Vào Đời cũng là bài hát đạo đầu tiên mà cha sáng tác nhạc, với phần lời được viết bởi linh mục Giuse Trần Sỹ Tín, một thành viên ban nhạc. Khi nghe đến ban nhạc Alleluia, người ta nhớ ngay về dòng nhạc Vào Đời. Đó là những bài thánh ca do cha Thành Tâm viết và ban nhạc cũng đã đem đi biểu diễn ở các nơi. Gọi Vào Đời là bởi các sáng tác đều dùng những cung điệu, nhạc khí phổ thông, mang tính đời để diễn tả, đem lời Chúa đến gần các tín hữu. Cha đã viết gần 200 bài thánh ca và đa số được đưa vào phụng vụ. Ban đầu, dòng nhạc này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, bởi một số người nghe cho rằng tiết điệu trong bài hát hơi thiên về nhạc đời, không mang tính cung kính, thờ phụng. Về phần mình, cha chỉ giản dị rằng: “Tôi mong nhạc mình viết cũng góp một chút gì đó vào kho thánh nhạc. Và bản thân khi sáng tác cũng hết lòng ca ngợi, cầu nguyện cùng Chúa. Nên anh em có góp ý gì tôi đều đón nhận…”.
Tiếp xúc với cha Thành Tâm, người đối diện thường ấn tượng bởi nét vui tươi, phóng khoáng pha lẫn sự chân thành, gần gũi. Những nét tính cách này dường như đã âm thầm thấm nhập vào từng bài hát cha viết, để rồi mỗi sáng tác của cha, từ nhạc đến lời đều nghe như từ tâm mà vang lên. Ông Vũ Trung Kiên, Phó Chủ tịch HĐMV giáo xứ Sao Mai (hạt Chí Hòa) chia sẻ: “Hồi đó tôi có tham gia lớp giáo lý Bao Đồng do cha mở ở nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Nhớ mỗi giờ lên lớp, cha thường ôm theo cây đàn guitar, ngồi chơi cho chúng tôi nghe những bài hát của ngài rồi sau đó vào học. Có những bài mình nghe từ lúc còn nhỏ mà đến lớn vẫn in trong trí. Bởi nhạc của cha cũng như chính cái tên ngài, chân thành nên rất dễ đi vào lòng người”. Nhạc của cha Thành Tâm không chỉ được đón nhận bởi tín hữu Công giáo, mà ngay cả nhiều anh em bên lương cũng biết đến và yêu thích, đặc biệt là một số bài quen thuộc như Trên đường Emau, Xin Ngài thương con, Diễm tình ca… Không chỉ sáng tác, cha còn chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ. Cách đây 5 năm, sau cơn tai biến lần thứ 3 thì cha không còn viết cũng như sử dụng nhạc cụ được như trước. Thế nhưng, khi nhắc đến chủ đề âm nhạc, đôi mắt ngài rực sáng và vị mục tử như chìm trong niềm hạnh phúc bất tận.
Đã không còn trẻ khỏe để đồng hành với thiếu nhi hay cống hiến cho âm nhạc nhưng giờ đây, đường hướng phục vụ mà vị linh mục tài hoa này đã đi theo và để lại vẫn luôn là nguồn cảm hứng cho người tín hữu cũng như nhiều thế hệ linh mục tiếp nối.
THIÊN LÝ