Thứ Tư, 07 Tháng Mười, 2020

Linh mục Moses Otii: “Ở Trung Phi, Chúa Giêsu đã đỡ đòn cho chúng tôi”

lavie.fr/spiritualite, Laurence Desjoyaux, 2020-07-10

Linh mục Moses Otii: “Ở Trung Phi, Chúa Giêsu đã đỡ đòn cho chúng tôi” - 1Linh mục Moses Otii

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột tàn phá nước Cộng hòa Trung Phi năm 2013, đã có hàng chục giáo dân và hai linh mục chết trong giáo xứ Đức Mẹ Fatima của cha của cha Moses Otii. Trong chuỗi ngày u tối này, linh mục truyền giáo Otii cố gắng phân định để thấy ánh sáng của Chúa.

Ngày 5 tháng 12 năm 2013, thế giới của chúng tôi sụp đổ. Sau thánh lễ buổi tối, tôi nghe tiếng súng nổ, rồi các vụ nổ tiếp theo. Vài giờ sau, hàng ngàn người đổ xô vào khu vực của phái bộ truyền giáo công giáo. Chẳng mấy chốc, khoảng 5.000 người, tín hữu kitô và hồi giáo chạy trốn vào giáo xứ chúng tôi trong điều kiện thật khốc liệt. Họ sống ở đây nhiều năm. Cướp bóc và giết chóc tiếp tục chung quanh giáo xứ trong suốt tháng mười hai. Chúng tôi giống như chiếc thuyền mong manh cố gắng để không bị chìm trên vùng biển dậy sóng. Tìm thức ăn và nước uống cho tất cả số người di tản này là cả một thách thức hàng ngày. Vào lễ Giáng Sinh, chúng tôi đã tổ chức các sinh hoạt cho trẻ em, nhưng rồi chúng tôi không thể hoàn thành. Đạn đi lạc rít lên rất gần. Cái chết rình rập khắp nơi.

Chúng tôi nghèo, nhưng chúng tôi chia sẻ rất nhiều. Cuộc xung đột năm 2013 đã thay đổi tất cả.

Trước khi có các sự kiện này, giáo xứ Đức Mẹ Fatima bừng bừng sức sống. Là nhà truyền giáo Comboni trẻ, tôi đến đây năm 2012, các tín hữu kitô giáo và hồi giáo sống chung với nhau ở khu phố quận 3 này của thủ đô Bangui, Cộng hòa Trung Phi. Trẻ em chen chúc nhau trên cùng băng ghế ở ngôi trường bên cạnh. Chúng tôi chiếu phim, tổ chức các trận bóng đá, người hồi giáo mừng lễ Giáng Sinh với chúng tôi. Chúng tôi nghèo, nhưng chúng tôi chia sẻ cho nhau rất nhiều. Cuộc khủng hoảng năm 2013 đã thay đổi tất cả.

Vào ngày chúa nhật Lễ Lá, liên minh Séléka vào Bangui và lật đổ Tổng thống François Bozizé. Những gì mới đầu được xem như cuộc đấu tranh quyền lực dần dần bước qua lãnh vực đấu tranh tôn giáo.

Các thành viên của liên minh chắp vá này chủ yếu là người hồi giáo đã gieo kinh hoàng cho thành phố. Tháng 12 năm 2013, khi các dân quân chống nhóm tự vệ balaka tấn công thủ đô, các vụ thanh toán tiếp diễn. Lần này, chủ yếu họ nhắm vào cộng đồng hồi giáo của thành phố, cộng đồng bị cáo buộc đã hợp tác với chính quyền. Chu kỳ tử chiến bắt đầu. Thủ đô Bangui bị biệt lập. Người hồi giáo lánh nạn ở khu vực PK5, bây giờ là khu vực được dân quân Séléka bảo vệ. Các kitô hữu tập trung ở các khu phố khác của thành phố.

Giáo xứ chúng tôi vô tình ở giữa đường ranh của khu vực PK5 và phần còn lại của thành phố, nên là trung tâm của hỗn loạn. Ngày 27 tháng 3 năm 2014, chúng tôi bị tấn công trực tiếp. Dân quân từ khu vực PK5 đã ném lựu đạn ngay bên ngoài giáo xứ. Một cuộc tàn sát đẫm máu: 25 người chết, hàng chục người bị thương. Vài ngày sau, những người lính trẻ chống balaka khua trống ở cửa giáo xứ. Họ muốn cắt đầu một cô gái trẻ mà họ cáo buộc đã tiếp xúc với người hồi giáo. Tôi cố gắng trấn tĩnh họ, nhưng trong lúc hỗn loạn, một trong những người trẻ này lấy dao rạch chân tôi. Tin đồn vang trong giáo xứ: “Họ làm linh mục bị thương!” Các người trẻ hoảng sợ và bỏ trốn. Cô gái được cứu. Tình hình tiếp tục xấu hơn.

Tôi nghĩ mình có thể chết bất cứ lúc nào.

Ngày 28 tháng 5 năm 2014, một ngày trước ngày lễ Thăng thiên, chân tôi vẫn còn bất động vì bị thương, chúng tôi nghe tiếng súng gần hơn. Tôi nói đùa để trấn an linh mục trẻ người Êtiôpia đang tập sự ở giáo xứ: “Hôm nay là trận chung kết”. Dân quân Séléka vào nhà thờ. Từ 1 giờ chiều đến 4 giờ chiều, họ nổ súng, ném lựu đạn, đốt xe máy. Tôi nghĩ mình có thể chết bất cứ lúc nào. Khi vụ nổ súng dừng lại, tôi đi ra và thấy năm thanh niên thiệt mạng, và một nữ học sinh mặc đồng phục bị chết. Cha Émile Paul Nzalé đến thăm gia đình di tản của cha, cha chết trước khi đến bệnh viện. Trong bóng tối này, một ánh sáng lóe lên: chỉ có một viên đạn xuyên qua cửa phòng thánh nơi có 200 người đang ẩn náu. Viên đạn xuyên qua chén thánh. Một người sống sót thều thào nói với tôi: “Chúa Giêsu đã đỡ đòn cho chúng ta”.

Linh mục Moses Otii: “Ở Trung Phi, Chúa Giêsu đã đỡ đòn cho chúng tôi” - 2Viên đạn xuyên qua chén thánh (Jean-Matthieu Gautier, hình của Hans Lucas)

Tôi quá hãi sợ khi các sự kiện năm 2013 bắt đầu. Đạn dược, chết chóc… Tôi chỉ là một linh mục! Để vượt lên nỗi sợ, tôi đã đi giúp đỡ người khác.

Một nhóm sinh viên y khoa đã biến văn phòng của tôi thành trạm y tế. Cùng với họ, tôi học cách đỡ đẻ, chữa các trường hợp bệnh sốt rét, v.v. Một đêm nọ, một bé gái 8 tuổi lên cơn sốt và chết trong vòng tay tôi. Tôi phải mất một thời gian để vượt lên nỗi đau buồn này. Các đau khổ này làm cho tôi gần gũi với người tị nạn, đau khổ được chia sẻ làm cho chúng tôi thành một gia đình.

Các đau khổ này làm cho tôi gần gũi với người tị nạn

Gia đình tôi ở Uganda xin tôi về nhà, nhưng bây giờ ‘người nhà của tôi’ ở đây. Nếu tôi bỏ họ, họ phải một mình chiến đấu cho sự sống còn của họ, tôi sẽ không đủ can đảm để là một linh mục. Từ năm 2014, một nhóm thanh niên từ giáo xứ đã chiến đấu để thoát khỏi bạo lực. Các thanh niên tạo một nơi lắng nghe để các người tị nạn cùng tuổi với họ có nơi nói lên sự giận dữ chất chứa lâu nay. Sau đó họ quyết định làm một bộ phim kể lại mối quan hệ của Tony và Ahmed, một tín hữu kitô giáo và một tín hữu hồi giáo, những người bạn trước đây bây giờ thù nhau vì cuộc xung đột. Việc quay phim huy động nhiều thanh niên. Thực tế và giả tưởng chòng chéo lên nhau. Đôi khi có các vụ bắn khi quay phim. Ngay cả sau cuộc tấn công ngày 28 tháng 5, chúng tôi vẫn tiếp tục làm cuốn phim có tên Bồ câu này. Tôi ngạc nhiên trước sức sống của các bạn trẻ muốn bảo vệ hòa bình, trong khi giải pháp dễ dàng nhất của họ là cầm vũ khí.

Trong nhiều tháng, chúng tôi chìm vào trong man rợ và lãng quên. Ai còn quan tâm đến những người đau khổ ở giáo xứ Đức Mẹ Fatima? Nhưng Đức Phanxicô đã đến để kéo chúng tôi ra ánh sáng khi ngài loan báo sẽ đến thăm Cộng hòa Trung Phi vào tháng 11 năm 2015. Cho đến giờ chót, chuyến đi của ngài xem như không thể được. Ngày 29 tháng 10, khu phố xung quanh giáo xứ chúng tôi bị thiêu rụi để trả thù cho cái chết của một dân quân của trại đối lập. Chúng tôi ở trong tình trạng bị bao vây, và Đức Phanxicô không bỏ chúng tôi, từ ban-công ở Rôma, ngài tuyên bố: “Tôi gần gũi về mặt tâm linh với các linh mục Comboni của giáo xứ Đức Mẹ Fatima ở Bangui, nơi đón tiếp nhiều người tị nạn”.

Đức Phanxicô đã đến khu vực PK5 mà không gặp sự cố và ngài đến nhà thờ trung tâm Hồi giáo. Đó là cả một sự giải phóng.

Linh mục Moses Otii: “Ở Trung Phi, Chúa Giêsu đã đỡ đòn cho chúng tôi” - 3

Ngài đã đến. Ngày 29 tháng 11 khi ngài đến Bangui, có một người bị giết ở gần giáo xứ chúng tôi. Các chiếc xe bọc thép đến đưa các linh mục giáo xứ Fatima về nhà thờ chính tòa Bangui nơi Đức Phanxicô mở Cửa Thánh của Năm Lòng Thương Xót. Đó là lúc phép lạ đã diễn ra. Ngày hôm sau, Đức Phanxicô đã đến khu vực PK5 mà không gặp sự cố và ngài đến nhà thờ trung tâm Hồi giáo. Đó là cả một sự giải phóng. Đám đông người hồi giáo bị vây hãm trong khu vực này, họ là con tin của dân quân có nhiệm vụ bảo vệ họ, họ đã có thể đến tham dự thánh lễ do Đức Phanxicô cử hành ở sân vận động. Mọi người đều nói: “Hòa bình đã trở lại!” 

Linh mục Moses Otii: “Ở Trung Phi, Chúa Giêsu đã đỡ đòn cho chúng tôi” - 4

Giáo xứ Đức Mẹ Fatima (Jean-Matthieu Gautier, hình của Hans Lucas)

Thỏa thuận này đã giúp tổ chức các cuộc bầu cử và tình hình ở Bangui được cải thiện, đến nỗi năm 2017 những người bị di tản đã có thể rời khỏi giáo xứ để về nhà. Nhưng chúng tôi chưa hết khổ với các lực của bóng tối. Ngày 1 tháng 5 năm 2018, trong một buổi lễ có gần 3.000 giáo dân, chúng tôi nghe tiếng súng. Mọi người chạy lên bàn thờ. Tôi đi ra ngoài, còn mặc áo lễ. Một thanh niên chạy đi đóng cửa, nhờ thế có lẽ đã cứu được rất nhiều người. Nhưng dân quân đã bao vây giáo xứ và một quả lựu đạn ném từ bên ngoài rơi vào giữa giáo dân ngồi bên ngoài. Tôi thấy một phụ nữ té xuống cùng với con mình. Tôi chạy khắp nơi mà không lo đạn, giúp người bị thương, trấn an người khác. Tôi không còn một chút sợ nào trong lòng.

Tại sao? Trong giáo xứ tử đạo của chúng tôi, một vài tín hữu không chịu nỗi, họ hét lên nỗi đau đớn của mình nhưng họ đã tha thứ.

Tôi gặp lại cha Albert Baba, linh mục giáo xứ láng giềng đến đồng tế với tôi, cha kêu lên: “Sau cuộc tấn công, chúng ta sẽ kết thúc thánh lễ!”, lần này có bảy người chết, linh mục Baba bị bắn vào đầu. Một thanh niên, người đóng trong phim Bồ câu cũng chết. Tại sao? Trong giáo xứ tử đạo của chúng tôi, một vài tín hữu không chịu nỗi, họ hét lên nỗi đau đớn của mình nhưng họ đã tha thứ. Vào tháng 6, ngày chiến thắng của sự sống, 450 trẻ em được rước lễ lần đầu, 103 em được thêm sức. Một em trong số các em bị thương trong vụ tấn công, em đi nạng lên bàn thờ. Em khiêm tốn đại diện cho câu khẩu hiệu của giáo xứ chúng tôi: “Fatima, luôn luôn đứng vững”.

Bây giờ tôi sống từng ngày, tôi dâng đời sống hàng ngày của tôi cho Chúa Kitô. Tôi suy ngẫm nhiều về mầu nhiệm Thánh giá, sự khó hiểu của một Thiên Chúa chịu đóng đinh trên mảnh gỗ. Khi tôi trải qua nỗi đau thể xác, cảm giác bất lực và hãi sợ khi đối diện với cái chết, tôi cảm nhận mình càng ngày càng gần với Chúa Giêsu. Sự gần gũi này không cho phép tôi nghi ngờ sự hiện diện của Ngài, dù trong những lúc đen tối nhất.

Trong thế giới điên rồ này, xác tín duy nhất của tôi là Chúa ở cùng tôi và tôi đang ở trong tay Ngài.

Linh mục Moses Otii

1980 Sinh ra ở Uganda.

1995 Vào tiểu chủng viện địa phận.

2001 Vào Dòng các cha truyền giáo Comboni.

2013 Chịu chức ở Cộng hòa Trung Phi. Bắt đầu cuộc nội chiến Trung Phi.

Ngày 28 tháng 5 năm 2014 Giáo xứ Fatima bị tấn công.

29-30 tháng 11 – 2015: Đức Phanxicô đến thăm Bangui.

Ngày 1 tháng 5 năm 2018: Tấn công tại giáo xứ Đức Mẹ Fatima.

Marta An Nguyễn dịch

Bài viết khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art