Lâu nay cứ nghe “lên A Lưới”, người ta nghĩ đây là vùng sâu vùng xa, hoang vu. Hai ngày nghỉ cuối tuần đầy thú vị ở vùng sơn cước ấy sẽ cho bạn nhiều bất ngờ thú vị.
Núi rừng và làng bản A Lưới - Ảnh: MINH TỰ
Nắng hè gay gắt, phố phường ngột ngạt mà được ngâm mình trong suối, ngủ giữa núi rừng thì còn chi bằng. Theo lời giới thiệu rất có lý của bạn bè, tôi quyết định chọn tour Khám phá Pa Kô cho gia đình vào ngày cuối tuần với cái giá rất "dễ thương": 830.000đ/người (hai ngày một đêm).
Từ thành phố Huế, xe đưa chúng tôi theo quốc lộ 49 đi về hướng tây, thấy trước mắt toàn màu xanh mát cả mắt. Chỉ hơn một giờ, chúng tôi đã tới ngôi làng A Nôr nằm giữa bốn bề rừng núi và suối thác (thuộc xã Hồng Kim, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế). Hơi nóng gay gắt của mùa hè giảm hẳn, bởi lúc này chúng tôi đã ở độ cao 700m so với mặt biển.
Chủ nhà niềm nở đón khách - Ảnh: MINH TỰ
Làng A Nôr thành điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng từ tháng 12-2019. Hội du lịch cộng đồng Việt Nam đến tập huấn cách làm du lịch nên dân làng đã biết cách làm homestay, nấu nướng khéo léo, trong khi sự mộc mạc, hồn nhiên của con người nơi núi rừng vẫn giữ nguyên. Đó là điều tạo bất ngờ và thích thú trong suốt hai ngày đêm ở nơi góc núi này.
Nhà ở của đồng bào Pa Kô được cải tạo thành nhà nghỉ để đón khách homestay - Ảnh: MINH TỰ
Chúng tôi nghỉ lại trong ngôi nhà sàn Nhuận Thoa, tên của vợ chồng chủ nhà. Trong nhà Thoa đã có khá đông các cô gái với mặc trang phục truyền thống của người Pa Kô. Khách tới nơi sau gần 70 cây số ngồi xe, được các cô mời đi tắm thác và gội đầu bằng thảo dược hái từ rừng.
Thác A Nôr như những dải lụa treo trên vách núi - Ảnh: MINH TỰ
Thác A Nôr với ba dòng nước trắng xóa như những dải lụa treo giữa vách núi, lọt giữa rừng xanh. Sau khi giới thiệu cho khách về cách người Pa Kô bắt cá suối, các cô gái mời khách cùng lội xuống dòng nước thực hành luôn. Tiếng cười đùa hồn nhiên của chủ và khách vang cả khu rừng. Hơi mát từ đám bụi nước phả ra cùng hồ nước trong vắt dưới chân thác mời mọc du khách. Chúng tôi phải nhảy ùm xuống dòng nước và cái mệt mỏi, nóng nảy đã tan biến trong làn nước mát lạnh.
Chủ nhà và khách cùng chuẩn bị bữa cơm tối - Ảnh: MINH TỰ
Bữa cơm tối dọn ra với những món ăn đặc sản của đồng bào Pa Kô. Thú vị nhất là các món ăn được chế biến từ cây sắn (khoai mì), thứ lương thực gắn bó với đời sống và văn hóa nương rẫy người Pa Kô.
Mâm cơm mộc mạc mà hấp dẫn của đồng bào Pa Kô - Ảnh tư liệu
Đặc sản bà con Pa Kô chiêu đãi khách có xôi nếp than màu tím trộn lẫn sắn, ăn vừa dẻo vừa bùi; món canh sắn, nấu bằng lá sắn non cắt mỏng như rau cải xanh, trộn lẫn bột sắn sền sệt, thêm thịt heo và vị ngọt của xương hầm.
Độc đáo nhất là lá sắn xào, món ăn ra đời từ nghèo đói, khi củ sắn không đủ thì phải ăn cả lá, dù lá sắn vốn rất khó ăn. Vị rau đắng nghét, ăn vào rất dễ say, có khi ngộ độc đến chết người. Vậy mà đồng bào Pa Kô đã sáng tạo công phu thành một món ăn khoái khẩu, ăn no vẫn không say.
Món lá sắn xào độc đáo của người Pa Kô - Ảnh: MINH TỰ
Bữa cơm tối đầm ấm giữa núi rừng sau cơn mưa se lạnh khiến chủ và khách trở nên thân tình với nhau hơn. Một bếp lửa cháy bùng lên giữa sân, và rất đông trai gái cùng người già trẻ con đã có mặt để chuẩn bị chương trình nghệ thuật đón khách đến chơi. Tiếng trống tiếng chiêng nổi lên. Già làng Hồ Duy vừa dứt lời chào mừng khách, đám con gái và có cả các mẹ, các bà đã bước ra bên bếp lửa với điệu múa Cô gái Pa Kô. Và cứ thế, các bài ca, điệu múa của người Pa Kô cứ nối tiếp nhau: điệu kâr lơi, điệu cha chấp, ba boih, xiềng...
Tiếng chim rừng véo von đánh thức chúng tôi dậy khi bản làng vẫn còn chìm trong giấc ngủ. Chúng tôi đạp xe theo con đường hôm qua mình đã đi vào thác. Nhưng lúc này mới thấy nó đẹp hơn cả chiều qua, bởi vẻ đẹp hoang sơ và có đôi chút chăm chút của bàn tay người khéo léo.
Những ngôi nhà sàn nằm giữa khu vườn xanh mướt, có cổng nẻo, hàng rào, cây mít, cây dâu trĩu trái, giống như nhà vườn Huế, chỉ khác là rất tự nhiên và mộc mạc, chân chất.
Du khách dạo chơi bằng xe đạp trong buổi sáng ở thôn A Nôr - Ảnh: MINH TỰ
Những khu vườn xanh mướt ở thôn A Nôr - Ảnh: MINH TỰ
Chúng tôi cứ trôi đi nhẹ nhàng như thế giữa bản làng sơn cước và cảm thấy quá hài lòng với hai ngày cuối tuần thảnh thơi với núi rừng A Lưới.
A Lưới là huyện miền núi vùng cao của tỉnh Thừa Thiên Huế, cách thành phố Huế 60km về phía tây, có 5 dân tộc anh em Tà Ôi, Pa Kô, Cơ Tu, Pa Hy và Kinh. A Lưới hấp dẫn du khách với những cánh rừng già, suối thác trong ngần, cùng văn hóa tộc người, ẩm thực và lịch sử...
Với độ cao trung bình từ 800-1000m, nhiệt độ trung bình từ 21- 22C, A Lưới thuộc kiểu khí hậu á nhiệt đới ẩm trên núi, có mùa hè mát, mùa đông hơi lạnh và hằng năm có trên 70 ngày sương mù. Vì vậy, A Lưới được ví như là "Đà Lạt của Huế".