Viện Bảo Tàng Louvre Paris
Viện bảo tàng Louvre tọa lạc bên bờ Bắc sông Seine, quận Nhất thành phố Paris, nguyên trước là hoàng cung rồi sau trở thành bảo tàng hoàng gia và hiện là Viện Bảo Tàng Quốc Gia Pháp. Viện bảo tàng Louvre là một trong những nhà bảo tàng lớn nhất Âu Châu, hiện tàng trữ và trưng bày gần 35 ngàn cổ vật có niên đại từ 6,000 năm trước Thiên Chúa cho đến thế kỷ 19 chiếm một diện tích lên đến 60,600 mét vuông (652,300 square feet).
Sau khi viếng và lên tầng thứ nhì tháp Eiffel, chúng tôi được hãng du lịch Trafalgar đưa về công trường Concorde cho những ai không tham dự tua nhiệm ý đi viện bảo tàng Louvre và điện Versailles với giá 97 Euro mỗi người. Louvre thì ngay bên cạnh công trường Concorde, còn điện Versailles cách Paris 25 km rất rộng lớn đi cả 2 ngày còn chưa giáp, vài tiếng đồng hồ trong buổi chiều nay thì thấm tháp gì. Nên chúng tôi tách đoàn đi viếng Louvre tự túc. Bây giờ mới hơn 11 giờ sáng, dự định vào xem Louvre vài tiếng đồng hồ rồi sẽ lấy vé xe điện ngầm đi xuống Phố Tàu Quận 13 xem khu chợ Việt Nam và vài nơi khác nữa. Ðến 6 giờ 40 cả đoàn tập trung ở khách sạn Concorde Saint Lazare để cùng đi ăn tối trong tiệc chia tay có rượu vang ở một nhà hàng tiêu biểu của Pháp.
Còn những ai muốn về khách sạn nghỉ ngơi, xe Coach sẽ đưa về sau khi ngừng ở công trường Concorde cho chúng tôi xuống. Chỉ có hai ông bà người Sri Lanka chủ đồn điền trà lớn tuổi đã viếng Paris nhiều lần và một bà người Úc độc thân mập mạp bị bịnh tiểu đường là theo xe Coach có tài xế đưa về khách sạn. Gia đình chúng tôi 3 người và hai bà người Mỹ đi chơi tự túc, số người còn lại là tham dự tua nhiệm ý do ông Luigi hướng dẫn. Tua nhiệm ý cũng đi viếng bảo tàng Louvre nên chúng tôi cùng đi với họ băng qua công viên Tuileries đi về hướng Ðông để đến Louvre. Trong công viên có vườn cây, bãi cỏ, luống hoa và lối đi trải sỏi đá trắng, có nhà vệ sinh công cộng với người thu tiền ra biên lai lệ phí 75 xu Euro.
Qua khỏi khải hoàn môn Carrousel được xây vào đầu thế kỷ 19 là chúng tôi đã đi vào sân của khu bảo tàng Louvre. Khu bảo tàng là một quần thể dinh thự cùng một kiểu kiến trúc có một tầng trệt và 2 tầng lầu, phía dưới còn có tầng hầm. Dãy dinh thự xây tiếp nối theo hình chữ nhật bao xung quanh một khoảng sân rất rộng nhưng phía Tây được để trống là lối vào khu dinh thự.
Chính giữa sân là một kim tự tháp sườn sắt lợp bằng thủy tinh trong suốt được xây vào năm 1988 do kiến trúc sư người Mỹ gốc Hoa tên là Ieoh Ming Pei thiết kế trong chương trình chỉnh trang toàn bộ cung điện Louvre theo kế hoạch của Tổng Thống Francois Mitterand. Kiến trúc kim tự tháp có tên là Napoléon Hall dùng làm cửa chính để vào viện bảo tàng, phía dưới là một khoảng không gian rộng lớn để đón du khách vào mua vé cũng như hẹn hò, ăn uống, mua quà kỷ niệm v.v... khỏi phải đứng trên sân ngoài trời giá lạnh. Lúc đầu cũng có dư luận chống đối cho rằng kiến trúc kim tự tháp bằng kính, kiểu tân thời không phù hợp với khu Louvre cổ kính. Nhưng lâu dần quen mắt và cũng vì lợi ích của nó chứa hàng ngàn du khách chờ mua vé ở dưới tầng hầm nên nay sự chống đối không còn. Kim tự tháp là giải pháp hay nhất để giữ cung điện Louvre còn khoảng sân ở giữa như trước kia.
Lịch sử cung điện Louvre
Tên “Louvre” bắt nguồn từ tiếng của dân tộc Frankish “Leower” có nghĩa là đồn lũy vì nguyên thủy vị trí nhà bảo tàng Louvre xưa kia là một pháo đài được xây dựng vào thế kỷ 12 dưới đời vua Philip II. Pháo đài xây cạnh bờ sông Seine để trấn giữ và ngăn chận giặc cướp biển Viking thường vào đánh phá thành Paris bằng con đường sông này. Thành phố Paris lúc ấy có tường thành bao bọc nhưng ở về phía Bắc của sông Seine, còn phía Nam giáp con sông để trống nên cướp biển Vikings thường xâm nhập bằng lối này. Ngày nay một phần di tích pháo đài vẫn còn nhìn thấy. Ðến thế kỷ 14 Paris phát triển sang phía Nam sông Seine và người ta xây thành lũy bằng đất bao bọc thành phố ở hướng Nam nên pháo đài của vua Philip II không còn hữu hiệu nữa. Pháo đài được sửa sang, nới rộng vào năm 1358 dưới thời vua Charles V biến thành hoàng cung xa hoa lộng lẫy nhưng sau đó công trình bị thiêu rụi trong cuộc chiến 100 năm. Sau khi vua Charles VI qua đời cung điện bị bỏ quên trong một thế kỷ.
Ðến năm 1546 vua Francois I trở về Paris từ chiến trường bình định Tây Ban Nha, nhà vua thu dụng kiến trúc sư Pierre Lescot và điêu khắc gia Jean Goujon phá bỏ kiến trúc cũ đã hư hại và xây dựng hoàng cung mới theo kiểu Phục Hưng. Theo đồ án mới bao gồm một sân giữa hình chữ nhật rộng lớn như một quảng trường bao quanh là những dinh thự kiến trúc cầu kỳ với những cửa sổ chạm khắc hoa văn, bên trong đại sảnh hai bên là những cầu thang xoáy trôn ốc nối các tầng lầu, trên tường trang trí bằng những tác phẩm nghệ thuật trong đó có cả bức tranh Mona Lisa của Leonardo da Vinci mà ông đã mua trước đây. Cái chết của vua Francois I vào năm 1547 khiến công trình bị ngưng trệ.
Vua Francois I qua đời, người con thứ hai lên nối ngôi là vua Henry II và ông này cũng chết vào năm 1559. Hoàng hậu Catherine de Medici là vợ vua Henry II đưa con mình lên ngôi lúc 15 tuổi là vua Francois II. Năm sau ông này cũng qua đời, hoàng hậu đưa người con kế là vua Charles IX lên ngôi lúc 10 tuổi nên quyền bính đều ở trong tay bà. Trung Hoa có Từ Hy Thái Hậu chuyên quyền còn Pháp có mẫu thượng hoàng Catherine de Medici, bà không nhan sắc lại tàn ác nhúng tay vào vụ thảm sát năm 1572. Năm 1564 Catherine de Medici không thích ở trong điện Louvre nên ra lệnh xây cung điện Tuleries có vườn hoa bao quanh bên cạnh phía Tây đối diện với điện Louvre. Người con thứ hai cũng lại chết sớm, bà đưa con thứ 3 lên ngôi là vua Henry III nhưng không như hai người anh, ông này cương nghị bà nắm quyền không được. Bà chết năm 1589 thọ được 69 tuổi. Tám tháng sau vua Henry III bị đâm chết chấm dứt 3 thế kỷ dòng họ Valois. Con rể bà lên ngôi mở đầu cho triều đại Bourbon một dòng họ vua chúa đang cai trị nhiều nước Âu Châu. Triều đại Bourbon cai trị nước Pháp cho tới năm 1792 là vua Louis XVI bị lật đổ bởi cuộc Cách Mạng Pháp.
Dòng họ Bourbon tiếp tục xây dựng cung điện Louvre và nối Louvre với cung điện Tuleries. Năm 1678 dưới triều Louis XIV, hoàng gia chuyển về sinh sống ở cung điện Verseille, cung Louvre trở thành nhà bảo tàng và trưng bày nghệ thuật, những món mà hoàng gia sưu tầm hay chiếm giữ được. Thời kỳ Cách Mạng Pháp cung điện Louvre là viện bảo tàng quốc gia tàng trữ những bảo vật và chính thức mở cửa cho công chúng vào ngày 10-8-1793 với các phòng trưng bày 537 bức tranh đa số là tài sản của giáo hội và hoàng gia. Vì tình trạng hư hỏng của cung điện nên viện Bảo Tàng Quốc Gia phải đóng cửa từ năm 1796 cho đến 1801. Số lượng tác phẩm được gia tăng dưới thời Napoléon vì khi cầm quân chinh phục khắp Âu Châu, ông đã mang về cho nước Pháp rất nhiều cổ vật giá trị và viện bảo tàng được đổi tên thành Viện Bảo Tàng Napoléon. Sau khi bại trận ở Waterloo nhiều cổ vật phải trả lại cho các nước nguyên quán nhưng sau đó dưới thời vua Louis XVIII và Charles X bộ sưu tầm được gia tăng trở lại đáng kể và dưới thời Ðệ Nhị Cộng Hòa Pháp viện bảo tàng đã thủ đắc hơn 20,000 món. Số lượng bộ sưu tập lại tăng hơn nữa trong thời Ðệ Tam Cộng Hòa nhờ vào các nước trao tặng. Trong Thế Chiến Thứ Hai bộ sưu tầm của bảo tàng Louvre phải đem đi sơ tán bí mật khắp các địa phương bằng cách đựng trong những bao cát nhưng quân Ðức khi chiếm đóng Paris cũng cho mở cửa lại viện bảo tàng Louvre. Sau khi Paris được giải phóng bởi lực lượng Ðồng Minh và quân của Tướng De Gaulle, các tác phẩm nghệ thuật đem giấu đã được lần lượt đưa trở về. Ngày nay viện bảo tàng Louvre có hơn 35,000 tác phẩm là nhà bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật quý giá và quy mô nhất thế giới.
Các khu triển lãm
Chúng tôi đi vào kim tự tháp và dùng thang bộ để xuống tầng hầm mua vé vào nhà bảo tàng. Có hàng chục người bán vé nên cũng không chờ lâu, giá vé 9 Euro và có thể đi xem cả ngày. Có cả những máy bán vé tự động nhận Visa Card. Khi mua vé được kèm bản đồ chỉ dẫn các khu vực trưng bày chia theo nền văn minh cổ của từng nước. Trong bản đồ cũng chỉ dẫn giờ mở cửa bảo tàng: mỗi ngày ngoại trừ các ngày Thứ Ba và ngày lễ, giờ mở cửa từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều (Thứ Tư và Thứ Sáu đến 10 giờ đêm). Không được hút thuốc, ăn uống, sử dụng điện thoại trong các phòng trưng bày. Ðược chụp hình, quay phim nhưng không được dùng đèn.
Các khu vực triển lãm được chia ra như sau:
- Tầng dưới hầm: nghệ thuật Hồi giáo, tượng điêu khắc, đồ cổ các nước Ai Cập, Hy Lạp, La Mã và Etruscan, lịch sử cung điện Louvre và các phòng trưng bày ngắn hạn (Temporary exhibition hall).
- Tầng trệt: tượng điêu khắc, đồ cổ các nước Ðông phương, Ai Cập, Hy Lạp, La Mã và Etruscan, nghệ thuật Phi châu, Á châu, Thái Bình Dương và Mỹ châu. Tượng thần Vệ nữ “Vénus de Milo” được trưng bày ở tầng này.
- Tầng lầu 1: đồ vật nghệ thuật, đồ cổ Ai Cập, Hy Lạp, La Mã và Etruscan, tranh vẽ, ấn phẩm, bản đồ. Bức tranh Mona Lisa trưng bày ở tầng này.
- Tầng lầu 2: tranh của Pháp, ấn bản và bản vẽ của Pháp, tranh của các nước Ðức, Hòa Lan, Bỉ, Nga, Thụy Sĩ, Bắc Âu.
Viện bảo tàng quá rộng lớn, phòng này nối với phòng kia và người ta đi đông như trong thương xá. Chúng tôi lướt nhanh qua nhiều khu vực nhưng chú ý nhất là phải xem cho được những tác phẩm nổi tiếng, nghe nói từ trước đến nay nhưng chưa một lần đến tận nơi, xem tận mắt. Ở tầng mặt đất trong khu cổ vật Hy Lạp có tượng thần Vệ Nữ (Vénus de Milo), tượng được khắc vào khoảng 100 năm trước công nguyên và người ta tìm thấy năm 1820 ở đảo Melos thuộc Hy Lạp (Greek). Tượng diễn tả một người đàn bà bán khỏa thân, tóc ngắn, thân hình cân đối nhưng có hơi nẩy nở, đứng trong tư thế theo hình chữ S một cách an nhiên tự tại. Dáng dấp thật toàn hảo cân đối, thăng bằng, phía dưới một tấm vải mềm che phủ. Tượng có thân hình tuyệt đẹp, nhất là nhìn phía sau nhưng rất tiếc là cả hai cánh tay đều gãy đâu mất! Không biết hai tay để ở vị trí ra sao? Từ trước tới giờ chưa thấy ai làm bản sao tượng thần Vệ Nữ này với hai cánh tay nguyên vẹn? Hay là thần Vệ Nữ thì phải cụt tay handicapped?
Về bức danh họa Mona Lisa tôi hơi thất vọng vì khổ tranh quá nhỏ (30 x 21 inches) treo trên tường trong gian phòng quá rộng lớn, người xem thì đông nên đến gần không được, muốn chụp hình lại không được dùng đèn trong khi ánh sáng trong phòng lại hơi tối nên khó chụp được một ảnh sáng đẹp và rõ. Người trong tranh là một cô gái chưa tới 18, nước da hơi đen, nét mặt và thân hình lại không đẹp nhưng không biết tại sao bức tranh lại nổi tiếng và quý giá nhất?
Bức tranh Mona Lisa tên chính thức là “Lisa del Giocondo” là chân dung của vợ một thương gia giàu có vùng Florence bên Ý. Người vẽ nó là Leonardo da Vinci thuộc trường phái Phục Hưng vẽ bức tranh vào năm 1503. Khi Leonardo được vua Francois I mời sang Pháp trang trí các cung điện, ông có đem theo vài bức tranh. Vua Francois I khi thấy bức tranh này thì thích ngay và ông mua nó với giá 4,000 écus (tiền Pháp lúc đó). Ông để nó trong bộ sưu tập Ý và treo trong lâu đài Fontainebleau. Ông gọi bức tranh là “La Gioconda” và có người gọi là Mona Lisa trong tiếng Ý có nghĩa là “My lady Lisa”. Ðến thời vua Louis XIV dời bức tranh về cung điện Versailles. Sau Cách Mạng Pháp được đem về Louvre và hoàng đế Napoléon cũng thích nó nên cho treo trong phòng ngủ của ông ở điện Tuileries. Thời chiến tranh với Prussian 1870 bức tranh phải đem giấu cất ở một nơi xa. Giữa thế kỷ 19 trường phái hội họa Symbolism (“tượng trưng”?) ra đời chống lại với hai phái trước là “tự nhiên” và “hiện thực”, bức tranh càng được tán dương ca tụng. Nhìn kỹ sẽ thấy nụ cười và ánh mắt Lisa thật sống động.
Chúng tôi đi xem được 3 tầng dưới còn tầng lầu 2 chưa lên tới thì đã quá rã rời, mỏi mệt nên đành khất lại kỳ tới nếu có dịp trở lại Paris. Mona Lisa không đẹp, Vénus thân hình hấp dẫn nhưng lại... gãy tay! Tôi thích nhất có lẽ là bức tranh “Tiệc cưới thành Cana” của Gerard David (1460-1523) diễn tả cảnh trong thánh kinh: đám cưới ở thành Cana đãi khách nửa chừng thì hết rượu khiến Chúa Jesus phải làm phép biến nước lạnh thành rượu. Bức tranh rất lớn chiếm nguyên một bức tường và cảnh tiệc tùng khách khứa rất sống động và tranh lại có rượu trong đó. Vợ tôi thích nhất là vương miện vua Louis XV với nhiều viên kim cương to lớn lấp lánh (cả hai cùng ở tầng lầu 1). Hy vọng xem các viên kim cương này rồi bả sẽ không còn thích những viên hột nhỏ xoàng xĩnh điếc câm ở các tiệm kim hoàn thì đỡ quá!
Trịnh Hảo Tâm