Một vòng thắng cảnh Paris
Công trường Concorde với ngọn tháp Obelisk 3,300 năm do Ai Cập tặng.
Ðại lộ Champs Élysées rộng lớn là khu thương mại sang trọng ở Paris.
Cửa hàng ví bóp Louis Vuitton trên đại lộ Champs Élysées.
Khải Hoàn Môn từng chứng kiến những biến cố lịch sử của nước Pháp.
Ngôi mộ Hoàng Ðế Napoléon trong điện Les Invalides.
Sau bữa điểm tâm ở khách sạn Concorde Saint Lazare, 8 giờ sáng ngày Thứ Tư 14 Tháng Năm 2008 cả đoàn du lịch hãng Trafalgar chúng tôi lên xe Coach để đi ngoạn cảnh một vòng tổng quát thành phố Paris gọi là City Tour. Thường City Tour có tính cách cỡi ngựa xem hoa: du khách ngồi trên xe thủ sẵn máy chụp hình, xe ngang qua các điểm du lịch như các kỳ quan về kiến trúc, di tích lịch sử, người hướng dẫn viên du lịch như cái máy phát băng, thao thao bài thuyết minh đã thuộc nằm lòng. Họ canh giờ rất vừa vặn, vừa dứt lời thì xe đã tới nơi khác và bài thuyết minh mới lại bắt đầu. Nếu giữa hai địa điểm hơi xa thì du khách đặt câu hỏi để câu giờ hay hướng dẫn viên lấp khoảng trống bằng những câu chuyện vui liên quan đến những thắng tích. Những địa điểm quan trọng hoặc dễ đậu xe họ cho du khách xuống vài mươi phút thăm thú ngắm cảnh và chụp hình. City Tour tuy “cỡi ngựa xem hoa” hời hợt bên ngoài nhưng có cái tiện là tốn ít thời giờ lại đến được nhiều nơi nhất, xem những cảnh đáng xem, đến những chỗ đáng đến. Nếu muốn đi tự túc phải tìm hiểu, nghiên cứu trước và phải rành phương hướng địa đồ nếu không thì như người mù xem voi, xem những tiểu tiết mà không biết đâu là cảnh chính cần xem. Thấy một thanh gươm cũ kỹ mà không biết lịch sử nó ra sao, cũng mất đi nhiều thú vị. Hướng dẫn viên tại Paris hôm nay của đoàn chúng tôi là một phụ nữ mảnh mai trong tuổi 50 tên là Joséphine, bà nói tiếng Anh trôi chảy nhưng âm điệu của người Pháp, người Mỹ chưa nghe quen giọng nói nhiều khi hơi bối rối khó hiểu.
Công trường Concorde
Xe rời khách sạn xuống hướng Nam để tới công trường Concorde (Place de la Concorde). Công trường rộng lớn hình chữ nhật, giữa có ngọn tháp đá của Ai Cập gọi là tháp Obelisk và hai phông ten phun nước nằm bên cạnh. Xe cộ lưu thông vòng quanh khu đất lát đá rộng lớn đặt 3 vật thể này. Buổi sáng công trường còn vắng xe cộ nhưng cũng có vài chiếc xe buýt chở du khách đã có mặt tại đây. Phía Nam công trường là dòng sông Seine với một cây cầu rộng bắc ngang, phía Ðông là vườn hoa Tuileries với rừng cây Mùa Xuân đang trổ lộc xanh tươi thấp thoáng nhiều tượng đá cổ. Phía Tây công trường bắt đầu đại lộ Champs Élysées hoành tráng và rộng lớn nhất Paris dẫn đến cổng đài kỷ niệm Khải Hoàn Môn. Phía Bắc công trường là 2 tòa nhà xưa bằng đá như một kiến trúc song đôi, tòa nhà bên trái là khách sạn Crillon và tòa đại sứ Hoa Kỳ nằm phía sau đó. Tòa nhà đá bên trái là Bộ Hải Quân Pháp.
Công trường Concorde được thiết kế bởi Ange-Jacques Gabriel và được xây dựng năm 1755 trên nơi ngày xưa là một hồ nước hình bát giác. Công trường khởi đầu có tên là Place Louis XV nhằm vinh danh nhà vua đang cai trị. Trong Cách Mạng Pháp 1789 tượng nhà vua bị giật xuống và công trường được đổi tên thành công trường Cách Mạng (Place de la Révolution) và trở thành pháp trường chém đầu rất nhiều người quyền thế thời ấy. Máy chém được đặt giữa công trường và nhân vật cao nhất bị tử hình là Vua Louis XVI vào ngày 21 Tháng Giêng1793 trước sự chứng kiến reo hò của dân chúng. Kế đến chịu xử trảm là Hoàng Hậu Marie Antoinette và nhiều nhân vật khác nữa, trong vòng một tháng vào Mùa Hè 1794 đã có tới 1,300 người bị chém đầu tại công trường này. Một năm sau khí thế cách mạng tan dần, máy chém được mang ra khỏi công trường. Ðể hòa giải dân tộc công trường được đổi tên thành công trường Concorde vào năm 1795. Trong thế kỷ 19 công trường đã đổi tên nhiều lần nhưng cuối cùng vẫn giữ tên Concorde.
Ngọn tháp Obelisk bằng đá hoa cương đỏ cao 23 mét (75 ft) ở giữa công trường có niên đại 3,300 năm được phó vương Ai Cập tên Mehemet Ali tặng cho nước Pháp năm 1831. Ngọn tháp nguyên thủy được đặt trước cổng vào đền Luxor ở Ai Cập được dùng như đồng hồ do bóng cây tháp in xuống mặt đất khi mặt trời di chuyển. Phó vương Ai Cập tặng Pháp 2 cây tháp nhưng vì quá nặng nên chỉ chở về Pháp được một, đến Paris vào cuối năm 1833, 3 năm sau Vua Louis Philippe cho đặt giữa công trường Concorde ngay nơi thời cách mạng đặt cỗ máy chém và người ta xây thêm 2 bồn phun nước ở hướng Bắc và Nam cạnh cây tháp đá. Tháp còn lại ở Ai Cập vào thập niên 1990 Tổng Thống Francois Mitterand tặng trở lại cho nước Ai Cập. Năm 1998 Pháp cho gắn một cái nón hình kim tự tháp bằng vàng lá trên chóp ngọn tháp vì phần chóp này bị mất đâu vào thế kỷ thứ 6 trước Thiên Chúa. Rạng sáng ngày 1 Tháng Mười Hai 1993 tổ chức chống bịnh Aids đã thực hiện một hành động bất ngờ là bao ngọn tháp bằng một bao cao su ngừa bịnh (condom) màu hồng to lớn. Năm 2000 tay leo núi biệt danh 'người nhện' Alain 'Spiderman' Robert chỉ mang giày leo núi với tay không, không cột dây an toàn đã leo lên đến đỉnh ngọn tháp trước sự chứng kiến của dân chúng.
Ðại lộ Champs Elysées
Công trường Concorde là đầu phía Ðông của đại lộ Champs Élysées (Avenue des Champs-Élysées) nên rời công trường là xe chúng tôi đi vào đại lộ Champs Élysées. Dọc theo đại lộ Champs Élysées là khu thương mại giải trí sang trọng và danh tiếng nhất Paris với những rạp chiếu bóng, quán cà phê, những cửa hàng thời trang nổi tiếng cũng là nơi mà giá bất động sản rất đắt có thể giá thuê lên đến 1.5 triệu USD một năm cho một cửa hàng rộng 1,000 feet vuông (92.9 mét vuông). Ðại lộ nằm theo hướng Tây Bắc-Ðông Nam dài 2 km (1.25 mile) nằm trong địa phận quận 8, đầu phía Ðông như chúng ta đã biết là Công trường Concorde và đầu phía Tây là Công trường Charles de Gaulle (trước kia là Place de l'Étoile) có Khải Hoàn Môn là một kiến trúc to lớn đồ sộ.
Về lịch sử Champs Élysées có nghĩa là “cánh đồng ruộng Élysan” một địa danh trong truyền thuyết Hy Lạp, sở dĩ có tên đó vùng đại lộ này cho tới Khải Hoàn Môn thời xưa kia là những ruộng rẫy trồng hoa mầu và những chợ rau cải ngoại ô thành phố. Năm 1616 Hoàng Hậu Marie de Medici (công chúa nước Florence) vợ thứ hai của Vua Pháp Henry IV cho xây đại lộ hai bên trồng cây nối từ điện Tuileries đi về hướng Tây là phần đầu của đại lộ Champs Élysées sau này. Ðiện Tuileries xưa kia nằm trên vườn Tuileries hiện nay, bị phá hủy năm 1871 trong phong trào Paris Commune nổi dậy sau chiến tranh với Prussian (Ðức). Năm 1724 người ta nối dài đại lộ tới công trường Place de l'Étoile và xây vườn hoa Tuileries trên nền cũ của điện Tuileries. Cuối những năm 1700 Champs Élysées trở thành con đường buôn bán quần áo thời trang, những tòa nhà đồ sộ bên trong là những thương xá sang trọng dành cho giới thượng lưu trong đó lộng lẫy nhất là cửa hàng Élysées Palace. Ngày nay khi chúng tôi ngang qua đây đại lộ rộng lớn có 10 làn xe với hai hàng cây cao bên trong là lối đi cho bộ hành rộng không thua con đường lớn bên ngoài. Cuối đại lộ là Khải Hoàn Môn vươn cao một cách lẫm liệt uy nghi. Ðại lộ thênh thang hoành tráng nên những cuộc diễn hành trong ngày Quốc Khánh Pháp (14 Tháng Bảy) hàng năm diễn ra trên con đường này. Ðại lộ từng chứng kiến những biến cố lịch sử đen tối cũng như vinh quang của nước Pháp như cuộc diễn binh của quân Phát Xít Ðức khi kéo vào chiếm đóng Paris ngày 14 Tháng Sáu 1940 và cuộc diễn hành của Tướng Charles dẫn đầu đoàn quân Ðồng Minh giải phóng Paris ngày 25 Tháng Tám 1944.
Khải Hoàn Môn
Cuối đại lộ Champs Élysées ở hướng Tây sừng sững một kiến trúc to lớn uy nghiêm, đó là Khải Hoàn Môn (Arc de Triomphe) do Hoàng Ðế Napoléon cho xây dựng vào năm 1806 sau khi chiến thắng trận Austerlitz với nước Anh và liên minh do Anh thành lập. Giai đoạn này uy thế của Napoléon rạng ngời sau những chiến thắng lừng lẫy với Áo ở Ý Ðại Lợi (trận Marengo 1800), 1806 thừa thắng xông lên ông chiếm luôn kinh đô Vienna của đế chế Áo Hung rất hùng mạnh thời bấy giờ, khiến Áo phải gả công chúa Marie Louise cho Napoléon để cầu hòa. Nước Pháp thời bấy giờ làm bá chủ một vùng Tây Âu rộng lớn, cô lập phong tỏa nhiều đường hàng hải khiến các nước Anh, Áo, Ðức, Nga nuốt hận chờ cơ hội phục thù.
Khải Hoàn Môn là đài kỷ niệm nổi tiếng nhất Paris được làm bằng đá hoa cương trắng trên một trục đại lộ rộng lớn hoành tráng nhất ở Paris. Nó nằm ở tâm điểm của công trường Charles De Gaulle nơi hội tụ 12 đại lộ tỏa ra mọi phương hướng như vầng thái dương trên cờ Nhật Bản trước Ðệ Nhị Thế Chiến. Khải Hoàn Môn là đài ăn mừng chiến thắng nhằm vinh danh những chiến sĩ chiến đấu cho nước Pháp, đặc biệt là những cuộc chiến dưới thời Napoléon. Khải Hoàn Môn được lấy theo kiểu Ðài Titus của La Mã do ông Jean Chalgrin thiết kế và phụ trách xây dựng. Công tác xây dựng tiến hành rất chậm chạp ngay trên vị trí trước đây đã có một đài kỷ niệm hình con voi lớn. Nội việc đúc nền móng mất đến 2 năm, năm 1810 khi Napoléon kéo quân về Paris từ chiến trường phía Tây với công chúa Áo Marie Louise bên cạnh duyệt qua Khải Hoàn Môn lúc ấy vẫn chưa xong, chằng chịt những giàn giá bằng gỗ. Năm 1811 kiến trúc sư Jean Chalgrin lại qua đời giao công trình dang dở cho Jean Nicolas Huyot. Công tác lại đình hoãn sau khi Napoléon thất trận Waterloo vào Tháng Sáu năm 1815 trước liên quân Anh, Ðức, Hòa Lan và bị đày ra đảo St. Helena. Tại đây ông đã sống những chuỗi ngày còn lại cho đến ngày 5 Tháng Năm 1921 vị hoàng đế từng đưa nước Pháp lên tột đỉnh vinh quang qua đời. Năm 1840 thi hài ông được vua nước Pháp Louis Philippe cho đem về Paris và duyệt qua Khải Hoàn Môn do ông ra lịnh xây dựng ngày trước. Lúc ấy Khải Hoàn Môn đã hoàn thành đứng giữa trời Paris sừng sững uy nghi hoành tráng, có lẽ nằm trong quan tài ông đã ngậm cười nơi chín suối. Rồi thi hài ông được đem về đền liệt sĩ Les Invalides để an nghỉ nghìn thu bên cạnh những chiến hữu của ông và những vị tướng anh hùng dân tộc cũng như một số người trong gia tộc như người anh là Joseph Bonaparte, em là Jérôme Bonaparte và con ông là Napoléon II.
Hôm nay dừng bước đến đây, đứng trước ngọn lửa thiêng bùng cháy nơi mộ của chiến sĩ vô danh trong trận Ðệ Nhất Thế Chiến lúc nào cũng có những lẵng hoa tươi bên cạnh. Dù không cùng giống nòi tôi thành kính khâm phục con người của Napoléon đã tận hiến cuộc đời cho đất nước, một tướng quân anh hùng trên chiến trường cũng như hào hoa trên tình trường. Mộ chiến sĩ vô danh này nằm ở giữa trong Khải Hoàn Môn là thi hài của một người lính vô danh định đem về chôn cất trong đền chiến sĩ Panthéon nhưng dư luận qua nhiều lá thư muốn chôn ông ta dưới Khải Hoàn Môn và cuối cùng ngày 28 Tháng Giêng 1921 ông được chôn tại đây. Trên mộ là hàng chữ : “ICI Repose Un Soldat Francais Mort Pour La Patrie 1914-1918” (Nơi đây an nghỉ một người lính Pháp đã chết cho đất nước 1914-1918). Muốn vào Khải Hoàn Môn chúng tôi phải đi dưới đường hầm băng qua công trường dầy đặc xe cộ lưu thông vòng tròn quanh Khải Hoàn Môn. Muốn lên trên nóc kiến trúc này có thang máy hay đi thang bộ phải leo 284 bậc lên đến tầng vọng cảnh. Nơi đây sẽ thấy 12 đại lộ đồng tâm tụ họp dưới chân đài và kinh thành Paris tráng lệ chạy xa tít tận chân trời. Khải Hoàn Môn cao 49.5 mét (162 ft), ngang 45 mét (150 ft) và rộng 22 mét (72 ft). Bốn chân trụ bên ngoài là những tác phẩm điêu khắc hình nhiều người của các điêu khắc gia Jean Pierre Cortot (tác phẩm The Triumph of 1810), Antoine Étex (hai tác phẩm Resistance và Peace) và Francois Rude (La Marseillaise).
Khải Hoàn Môn đã từng chứng kiến những biến cố lịch sử nước Pháp vinh quang cũng như đau buồn trong đó có quân Ðức năm 1871 (rút khỏi Paris sau cuộc chiến Prussian), quân Pháp thắng trận Ðệ Nhất Thế Chiến năm 1918, quân Ðức vào chiếm Paris năm 1940 và quân Pháp cùng Ðồng Minh giải phóng Paris năm 1944. Charles De Gaulle đã từng thoát chết trong cuộc ám sát tại đây trong một cuộc duyệt binh.
Khải Hoàn Môn ngày nay là một trong những hình ảnh quen thuộc tượng trưng cho Paris, ngày đêm tấp nập du khách, trong những dịp lễ lớn đều tổ chức hoặc diễn hành ngang qua đây như ngày Quốc Khánh hàng năm. Ban đêm suốt đại lộ Champs Élysées giăng đèn rực rỡ và Khải Hoàn Môn được chiếu sáng rất đẹp. Tuy xây dựng bằng đá trắng không cần sơn phết nhưng vì ô nhiễm do xe cộ, Khải Hoàn Môn lâu ngày ám khói trở thành đen đúa nên được tẩy trắng vào năm 1965-66 và lần tới vào năm 2010.
Trịnh Hảo Tâm