Thứ Ba, 31 Tháng Bảy, 2012

Vườn Luxembourg ở Paris

Vườn Luxembourg ở Paris

Không ít những người lưu học sinh tại Paris ngày trước đã có những cảm xúc bất chợt và họ đã để lại cho mọi người cùng thế hệ những nôn nao ao ước về một nơi chốn nào đó ở các thành phố Âu Châu. Cung Trầm Tưởng với “ga Lyon đèn vàng, cầm tay em muốn khóc...,” Nguyên Sa với “Paris có gì lạ không em?

 

Vườn và cung điện Luxembourg. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Mai anh về giữa bến sông Seine...,” Phạm Duy với “hay là chết bên bờ sông Danube...,” Phạm Trọng Cầu với “Ngày em đi. Nghe chơi vơi não nề. Qua vườn Luxembourg. Sương rơi che phố mờ. Buồn này có ai mua...” Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu này kể cũng thật lạ, ông rao bán cả nỗi buồn. Không rõ là “vườn Luxembourg của Phạm Trọng Cầu” ngày xưa có khác với Vườn Luxembourg bây giờ hay không? Thời gian đã đi qua, biết bao nhiêu thay đổi. Vườn Luxembourg vẫn còn đó, nhưng người đã đi xa.

Một góc vườn Luxembourg. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Người Việt Nam hay gọi tên Luxembourg bằng một tên Hán-Việt là Lục Xâm Bảo, nghe có vẻ thân thiện và thơ mộng. Nhưng khi nói đến tên này thì chúng ta cũng đừng nhầm lẫn Xứ Luxembourg và Vườn Luxembourg vì chúng khác nhau nhiều lắm. Vườn Luxembourg nằm ở quận 6, trong thủ đô Paris của nước Pháp. Tên tiếng Pháp là Jardin du Luxembourg và được xem như là một vườn lớn thứ hai ở Paris. Thông thường khi đi tour du lịch ít khi du khách được đưa đến thưởng ngoạn vườn Luxembourg ngoại trừ có sự yêu cầu để đến thưởng ngoạn nơi đây. Xem ra vườn Luxembourg cũng có nhiều cảnh đẹp thơ mộng để bạn có thể đưa người yêu hay người bạn đời của bạn đến đây để “ cho tôi đi lại từ đầu...” (Phạm Duy) mối tình của bạn.

 

La Fontain Medicis trong vườn Luxembourg. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Có mấy ai biết câu chuyện vọng cố hương của Hoàng Hậu Marie de Mecidis. Bà là người dòng dõi của gia đình vọng tộc Medici, gốc ở Florence (nước Ý bây giờ). Bà rời bỏ quê hương và nhận lời lấy Vua Pháp Henry IV. Sau khi nhà vua mất vào năm 1610, bà làm nhiếp chính cho người con của bà là Vua Louis XIII, nhưng bà không nguôi ngoai nỗi nhớ Florence, bà bỏ tiền ra mua lại dinh thự Hotel du Luxembourg của một người bạn là công tước xứ Luxembourg. Có lẽ vì thế mà vườn có tên là Vườn Luxembourg. Sau đó bà cho xây thành một cung điện Médicis nho nhỏ mang dáng dấp kiến trúc Palazzo Pitti (Pitti Palace) như ở Florence để vơi đi nỗi nhớ xa nhà. Tuy việc xây cất cung điện chưa hoàn tất, nhưng bà cũng đã về sống ở đây một thời gian.

 

Tượng Nữ Thần Tự Do mẫu nhỏ của Federic A. Bartholdi dựng trong vườn. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Trải qua bao nhiêu biến đổi lịch sử, từ một cung điện nhỏ bé biến thành một khu vực cung điện và vườn rộng lớn như ngày nay. Cung điện Luxembourg hiện giờ trở thành trụ sở của Thượng Nghị Viện Pháp. Tuy nhiên, vườn Luxembourg thì được mở ra cho công chúng có thể vào dạo chơi mà không phải trả tiền lệ phí. Từ ngày xưa vườn Luxembourg đã là nơi nghỉ chân và gặp gỡ của giới sinh viên sau những giờ học mệt mỏi, nơi hẹn hò của những cặp tình nhân và cũng là một nơi thưởng ngoạn của khách du lịch. Ðã có rất nhiều tao nhân nghệ sĩ văn gia nổi tiếng thế giới như Victor Hugo, Hemingway, Jean-Paul Sartre cũng đã từng đến đây dạo cảnh ngắm vườn, lấy cảm hứng cho những sáng tác của mình.

Mỗi lần đến Paris tôi thường có dịp thăm vườn vào những ngày đầu Hè, khu vực bên ngoài cổng vườn không có vẻ tấp nập nhưng bên trong vườn lúc nào cũng đông “khách,” nhất là vào mùa Hè. Có nhiều cổng vào vườn từ cả bốn phía, bên phía đường Rue Guynemer có 3 cổng vào, phía cung điện Luxembourg có 2 cổng vào và phía Rue De Medicis cũng có ít nhất 2 cổng vào. Tôi thì thường hay vào vườn Luxembourg từ cổng phía Nam, ngay bên con đường Rue Auguste. Một thảm cỏ xanh tươi nằm ở giữa các dãy hàng cây hai bên cao vút tạo cho người du ngoạn một cảm giác dễ chịu vì những dãy bóng mát của các hàng cây. Nhìn về phía xa là một không gian thảm vườn hoa đầy màu sắc, tiếp đến là một hồ phun nước hình bát giác khá lớn và sau cùng là cung điện Luxembourg.

 

Bức tượng L'acteur Grec của Arthur Bourgeois (1838-1886). (Hình: ATNT Tours & Travel)

Chung quanh vườn hoa có rất nhiều chiếc ghế đơn để khách nghỉ chân hay là nơi ngồi hẹn hò của các đôi tình nhân không còn trẻ nữa. Không gian của vườn Luxembourg là không gian của tình nhân, không gian của “tay trong tay.” Ðến đây mà mang nặng tinh thần “chồng trước vợ sau” hay “cãi nhau” thì thật là hỏng! Hãy tạm quên đi hai chữ vợ chồng mà “hãy cứ là tình nhân” cho không gian Luxembourg thêm đẹp. Ðây là một không gian thoáng rộng vì khu vườn Luxembourg rộng có đến hơn 22 hecta, một diện tích không phải là nhỏ trong thành phố Paris.

Vườn hoa và hồ phun nước nằm thũng xuống giữa hai bên phía Tây và Ðông như một lòng chảo. Một thiết kế rất đẹp và thoáng rộng cho tầm nhìn của người thưởng ngoạn. Hai bức tường cao được thiết kế theo cánh vòng cung, cố ý để ngăn chia vườn thành hai khu cao thấp khác nhau. Chính giữa vườn hoa là một cây obelisk (thạch trụ) nhỏ được dựng gần hồ phun nước. Nhiều hàng cây được trồng theo các con đường nhỏ hai bên phía Tây và phía Ðông để người thưởng ngoạn có thể lững thững dạo chơi dưới những bóng mát tàng cây. Ngoài ra còn có các sân tennis, có các khoảng trống để người dân Paris tụ họp, chơi thể thao hay đánh cờ.


Dân Paris nghỉ ngơi và tản bộ trong vườn. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Dù là vào cuối Xuân đầu Hè nhưng dưới các hàng cây vẫn có ít lá vàng rơi rụng, khiến tôi hình dung ra được hình ảnh mùa Thu lá vàng lá đỏ ở đây chắc hẳn là đẹp lắm. Không phải vô cớ mà biết bao nhiêu người từ thi sĩ văn nhân đến người bình thường đã bị mùa Thu Paris hớp hồn. Chỉ với không gian của ngôi vườn Luxembourg này thôi mà tôi cũng cảm nhận được cái đẹp xen lẫn cái buồn của những người lãng mạn thơ mộng khi đặt chân đến đây. Thảo nào tác giả “Mùa Thu không trở lại” thơ mộng đến nỗi đòi mua bán cả nỗi buồn!

Nhà văn Alexandre Dumas khi viết tác phẩm “Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ,” không biết ông ngồi viết ở đâu nhưng ông đã cho nhân vật D'Artagnan đã hẹn đấu kiếm với Athos, Porthos và Aramis tại Vườn Luxembourg. Thế là khu vườn Luxembourg này cũng lững thững đi vào văn học Pháp.

Ngoài ra, có rất nhiều các bức tượng điêu khắc được dựng nhằm trang trí cho khu vườn. Các bức tượng này miêu tả các vị thần Hy Lạp hay hình ảnh các thú vật. Ðặc biệt nhất phải kể đến bức tượng làm nhiều du khách chú ý là bức tượng Nữ Thần Tự Do với kích thước nho nhỏ của Frederic A. Bartholdi cũng được dựng ở đây từ năm 1906. Trước đó tượng được giữ gìn trong viện bảo tàng Luxembourg (ngay cạnh cung điện Luxembourg) từ năm 1900. Không biết đây có phải là một trong sáu bức tượng kiểu mẫu mà ông đã làm trước khi quyết định chọn ra để làm phiên bản lớn là bức tượng Nữ Thần Tự Do được dựng ở cửa sông Hudson New York ngày nay. Hiện nay bức tượng này đang ở trong giai đoạn trùng tu cho đến giữa Hè năm 2012 thì mới hoàn tất. Ngoài ra còn phải kể đến bức tượng L'acteur Grec của Arthur Bourgeois (1838-1886) sống động và rất đẹp. Tượng này được dựng gần De La Grotto du Jardin du Luxembourg mà ngày nay được gọi là La Fontaine Medicis, một nơi được xem như là biểu tượng cho vườn Luxembourg.

Tôi chưa có dịp vào thăm cung điện Luxembourg cũng như viện bảo tàng Luxembourg nên không biết bên trong có gì, nhưng có lẽ điều đó cũng không cần thiết với tôi vì cung điện thì không cung điện nào đẹp hơn Louvre hay Versailles nhưng vườn thì chưa chắc vườn nào ở Paris hơn được Vườn Luxembourg, chỉ vì vườn Luxembourg hình như có một chút gì xao xuyến trong tôi. “Qua Vườn Luxembourg. Sương rơi che phố mờ. Buồn này có ai mua...” Có ai mua nỗi buồn không? Có tôi muốn bán!

Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours & Travel

Bài viết khác