Thứ Ba, 31 Tháng Bảy, 2012

Phong cách ẩm thực Paris

Phong cách ẩm thực Paris

Chiều ngày 14-5-2008 sau khi viếng nhà thờ Ðức Bà (Notre Dame de Paris) chúng tôi trở về khách sạn Concorde St. Lazare lúc 5 giờ 40, tắm rửa thay y phục sạch sẽ để chuẩn bị đi dự bữa ăn tối chung cả đoàn mà hãng Trafalgar gọi là “Farewell Dinner” tức “Tiệc Chia Tay”. Sáu giờ 40 cả đoàn 30 người tề tựu đông đủ ở đại sảnh tiếp tân của khách sạn. Bằng xe Coach thường lệ trưởng đoàn ông Luigi Saba và tài xế đưa chúng tôi đi về hướng Ðông qua những khu phố tấp nập xe cộ, người đi.

Nhà hàng chúng tôi vào có tên là “Chez Jenny” rất đông thực khách ngồi lan ra cả trên vỉa hè ở gần công trường Cộng Hòa (Place de la Republique) thuộc Quận 10. Thường bữa ăn tối có 3 món (three courses): đầu tiên là món khai vị (Pháp gọi là “entrée” hay “hors d'oeuvre”) thường là súp, đến món chánh thường là cá, gà vịt hay heo, bò, dê trừu, thỏ và sau cùng là món phó mát hay bánh ngọt tráng miệng. Ðể cho tiện đặt thức ăn, món chính của chúng tôi chỉ giới hạn trong 3 thứ là cá, gà và bò. Tôi chọn món bò tức Beefsteak hương vị cũng như Beefsteak các nhà hàng bên Mỹ nhưng miếng thịt mỏng khiêm tốn hơn. Trái lại bánh mì Pháp khá ngon, ăn với dĩa nhỏ phó mát mà nhà hàng gọi là “Cheese Course” lại cho thêm món bánh ngọt. Thức uống mỗi người có rượu vang đỏ hay trắng kèm với cà phê hay trà.

Nhân đi ăn trong nhà hàng ở Paris, tôi xin kể về cách ẩm thực của người Pháp hơi cầu kỳ, nhàn nhã so với người Mỹ thường chọn thức ăn nhanh, đơn giản như sandwich, hamburger hay hot-dog. Trong bữa ăn tối Pháp phải đủ bộ “tam xên” có 3 món như vừa kể trên và trên bàn ăn bày biện nhiều muỗng nĩa. Ðầu tiên là món khai vị (Entrée) thường có những món sau đây:

- Soup à l'oignon (Súp củ hành): súp nấu từ xương bò với củ hành, hơi cay và mặn, có những mẫu vuông bánh mì phó mát (croutons) nổi ở trên mặt.

- Salade au chèvre chaud: rau xanh trộn nhiều thứ và để bên trên phó mát làm từ sữa dê và những mẫu vụn bánh mì.

- Salade Nicoise (Xà lách vùng Nice): rau xanh trộn nhiều thứ với dầu Olive, giấm chua, để bên trên đậu que, khoai tây luộc, cà chua, cá con Anchovies, cá Tuna, trứng gà luộc.

- Escargots: ốc hấp với bơ tỏi, ngò Parsley, ăn với bánh mì chấm với nước bơ trong món này. Mỗi dĩa chừng 6 con ốc nhỏ.

- Foie gras: pa tê gan ngỗng (được nuôi vỗ béo) trét lên bánh mì.

Món chính bữa ăn tối thường là:

- Coq au vin (Gà nấu rượu): món ăn vùng Burgundy, gà nấu với rượu vang đỏ cho thật mềm.

- Boeuf bourguinone: cũng món vùng Burgundy, bò hầm với ruợu vang đỏ ăn với củ hành, khoai tây và nấm.

- Steak: miếng thịt bò mỏng hơn Beefsteak Mỹ luôn chế nước xốt phó mát lên trên.

- Gigot d'agneau: đùi trừu quay ăn nhiều cách khác nhau nhưng thường ăn với đậu trắng. Trừu thịt ngon nhất được nuôi ở vùng đầm lầy ngập mặn như vùng Mont St. Michel.

- Confit de canard: món vịt hầm nhiều mỡ với khoai tây.

Bữa ăn tối ngoài rượu vang thường có bánh ngọt tráng miệng nướng với nhiều bơ bên trong, món này uống với cà phê sữa hoặc trà, những hương vị thơm, béo, ngọt, đắng, chát hòa quyện với nhau rất thỏa mãn vị giác của thực khách. Phong cách của người Pháp là như vậy, thụ hưởng tới nơi và xem nhẹ những lo toan đời thường. Nhiều người đặt câu hỏi người Pháp ăn nhiều mỡ dầu béo bở trong những bữa ăn Menu “three courses” nhưng sao không to béo, nhất là phụ nữ thân hình vẫn nhẹ nhàng, cân đối, hấp dẫn, số người mập phì của họ chỉ có 7% so với 24% của người Mỹ? Nhiều nhà chuyên môn về dinh dưỡng trả lời rằng: Phụ nữ Pháp họ không bỏ bữa ăn sáng để thay vào đó là những món ăn vặt “Snack” hoặc uống Soda nước ngọt suốt ngày như người Mỹ. Các món ăn của họ tuy là nhiều dĩa nhưng số lượng thức ăn rất ít, dĩa lớn nhưng mỗi món đều bé tí teo. Quan trọng hơn hết là người Pháp họ vận động nhiều, đi bộ đến nhà ga xe điện, xe buýt chứ không lái xe, ngồi một chỗ như phụ nữ Hoa Kỳ.

Về bữa ăn sáng người Pháp gọi là “Le petit déjeuner” thường có bánh mì ăn với bơ và mứt trái cây, bánh sừng trâu “croissant”, thức uống có cà phê sữa hoặc trà. Du khách có thể ăn sáng trong khách sạn hay các quán cà phê vỉa hè. Bữa ăn trưa gọi là “Le déjeuner” thường các nhà hàng bán ăn trưa từ 12 đến 2 giờ 30, sau đó đóng cửa đến 5, 6 giờ mới mở cửa lại. Ăn trưa có nhiều món trong bảng thực đơn gọi là “À la carte”. Du khách nếu chọn món Sandwich hay bánh mì thịt nguội có thể ăn trưa trong quán cà phê, tiệm bánh hay trong các siêu thị. Các nơi này bán thức ăn suốt ngày chứ không đóng cửa nghỉ trưa như những nhà hàng, Ở tỉnh nhỏ thường công tư chức hay về nhà để ăn trưa. Nhà hàng ở Pháp cũng chia ra làm nhiều loại, lớn nhất gọi là “Restaurant” ở Paris có khoảng 5,000 Restaurants. Loại nhà hàng nhỏ tên là “Bistro” ta có thể gọi là quán ăn, phục vụ món ăn địa phương, thường bảng giá tiền trước nhà hàng viết bằng phấn vì có thể thay đổi món ăn hàng ngày. Có quán đề “Bistrot à Vin” ở đây nhậu nhiều hơn ăn, rượu không đắt còn thức ăn đơn giản phần nhiều là thịt nguội và phó mát. Một loại quán rượu khác có tên là “Brasserie” của miền Alsace-Lorraine, bán bia và những loại rượu vang vùng Alsace gần nước Ðức. Quán cà phê vỉa hè thường gặp mọi nơi đề bảng là “Café”, bán cà phê, bánh ngọt và bánh mì thịt nguội, nhiều nơi bán xà lách, tùy theo mùa có lúc bán món sò chem chép (mussels) và khoai tây chiên.

Du khách khi tới Paris hay những nơi trên đất Pháp cứ lựa những nhà hàng mà dân địa phương đến ăn đông, tránh các nhà hàng đề bảng bằng đèn néon “We Speak English” hay không có đề bảng giá trước cửa vì đó là những nơi đã phục sẵn những... máy chém. Về tiền típ, thường nhà hàng đã tính luôn tiền típ 15% trong hóa đơn gọi là “Service compris” hay “Prix net” nhưng nếu là dân thanh lịch, có thể cho thêm người hầu bàn 5% nữa và có thể nói với anh hoặc cô ta “C'est bon” có nghĩa là “It's good”.

Người ta thường cho rằng: “Người Pháp lạnh lùng, thiếu lịch sự và không chịu nói tiếng Anh.” Nhận xét này có thể đúng từ thời Charles de Gaulle nay đã lỗi thời. Người Paris cũng rất thân thiện, tử tế như nhiều sắc dân khác và họ nói tiếng Anh nhiều hơn người Mỹ nói tiếng Pháp. Du khách Mỹ có một lỗi lầm là khi du lịch qua Pháp cố đi thật nhiều nơi với một thời gian hạn hẹp. Thái độ lúc nào cũng vội vã, thiếu kiên nhẫn khiến du khách Mỹ không thể nào tìm thấy cái thú của người Paris ngồi quán cà phê vỉa hè nhìn ngắm dòng người qua lại. Mỗi năm người Mỹ với 5 tuần lễ được ăn lương để đi Vacation, tại sao lại phải hối hả, vội vàng mà không lắng động tâm hồn, để thời giờ tìm hiểu nếp sống, văn hóa của người Pháp. Âu đó cũng là học hỏi những kinh nghiệm bổ ích để áp dụng vào cuộc đời mình.

Trở về với đoàn du lịch Tây Âu của chúng tôi, trong bữa ăn chia tay hôm nay chúng tôi trao những phong bì tiền típ chuyến du lịch đến ông Luigi Saba kèm theo phong bì nhờ ông trao lại cho anh tài xế. Gia đình chúng tôi 3 người gởi ông 150 USD và anh tài xế 80 USD. Tôi kể chuyện tiền Típ vì có nhiều độc giả hỏi tôi rằng các Tour du lịch của hãng Mỹ có cần phải cho tiền Típ hay không? Trong tập brochure hãng Trafalgar gợi ý tiền Tip là 5 USD mỗi ngày cho mỗi du khách và tài xế là 2.5 USD. Ông Luigi hướng dẫn chúng tôi 10 ngày đêm nên tặng như vậy là đúng “tà ríp” hãng đề nghị. Có vài bà người Mỹ nói riêng với chúng tôi là bà không cho, vì ông Luigi chỉ lo bán tua nhiệm ý để ăn hoa hồng chứ không tận tâm với du khách trong đoàn. Ông Luigi sau khi nhận xấp bao thư, cảm động, đứng lên cám ơn mọi người đã giúp ông chu toàn nhiệm vụ cho chuyến đi, khen mọi người hòa nhã, biết tôn trọng giờ giấc khiến cuộc du ngoạn rất vui tươi, thích thú. Tôi nhận xét thấy trong đoàn nhóm người từ Úc tới mua sắm và xài tiền nhiều hơn hết cũng như tham dự tất cả những tua nhiệm ý phải trả tiền thêm, tính ra tổng cộng mỗi người phải trả thêm 600 Euros (900 USD) nữa. Có lẽ người Úc thấy vật giá ở Âu Châu không đắt lắm trong khi du khách Mỹ chi tiêu thận trọng vì mọi thứ đắt hơn bên Mỹ. Còn tôi thì chiếm giải hạng nhất “Trùm Sò” vì không chi đồng nào cho những tua nhiệm ý.

Tan tiệc chia tay, lên xe tài xế đưa chúng tôi đi một vòng xem Paris By Night thật sự chứ không phải Paris By Night ở rạp hát Long Beach Cali. Trở về khách sạn lúc 9 giờ 30, chúng tôi dự định ra ga xe điện ngầm để đi thăm thú Paris về đêm như khu La Tinh với những quán cà phê vỉa hè, khu Sorbone của giới sinh viên. Ít ra cũng thăm thú được hơn 2 tiếng đồng hồ nửa trước khi xe điện ngừng chạy lúc gần 12 giờ khuya. Lên phòng lấy dù và áo ấm nhưng khi rời khách sạn bước ra đường thì mưa to nặng hạt rơi rào rào trên mái dù nên đành phải bỏ cuộc, luyến tiếc trở về khách sạn lên phòng xem truyền hình và nhìn đường phố Paris mưa đêm qua khung cửa kính. Ðêm cuối cùng ở Paris kinh đô ánh sáng trời lại đổ mưa cũng buồn thật!

Giã từ Paris

Sáng hôm sau Thứ Năm 15-5-2008, 6 giờ 30 thành phố Paris đã tạnh cơn mưa đầu Xuân nhưng trời vẫn âm u chưa có nắng và đường phố khu nhà ga Saint Lazare vẫn đông đảo những người đi làm sớm. Sau khi điểm tâm ở phòng ăn của khách sạn chúng tôi tập trung ở đại sảnh tiếp tân với những hành lý nhẹ mang theo còn va ly lớn nhân viên khách sạn và anh tài xế chuyển lên xe. Bảy giờ 30 chúng tôi lên đường ra phi trường Charles de Gaulle. Phi trường Charles de Gaulle cách trung tâm Paris 25 km về hướng Ðông Bắc thuộc tỉnh Roissy, phi trường có 2 nhà ga (terminal) chính là T1 và T2 và 2 nhà ga nhỏ hơn là T3 và T9. Ða số những hãng máy bay Mỹ đều đậu ở 2 ga T1 và T2. Chuyến bay chúng tôi về Mỹ hôm nay lại chia làm 2 chặng đường: chặng đầu từ Charles de Gaulle bay về phi trường Dulles ở thủ đô Washington D.C. sau khi lấy hành lý ra làm thủ tục nhập cảnh Hoa Kỳ lại đổi sang chuyến bay nội địa để về Los Angeles mất tất cả 14 tiếng đồng hồ cho 2 chuyến bay và 2 tiếng chuyển tiếp ở phi trường Washington D.C.

Ðoàn du lịch chúng tôi tuy cùng ra phi trường Charles de Gaulle nhưng chỉ có một số người về Mỹ là xuống phi trường. Số người còn lại sẽ ngồi trên xe trở qua London để tiếp tục cuộc hành trình khác như du lịch trong nước Anh, Tô Cách Lan, Ireland hay các nước Bắc Âu. Chuyến bay chúng tôi đi Washington D.C. cũng như chuyến đi là United Airlines cất cánh lúc 12 giờ 25 trưa. Rời Paris với nhiều kỷ niệm khó quên: tháp Eiffel cao vút, dòng sông Seine lặng lờ, nhà thờ Ðức Bà trầm tư cổ kính và quán cà phê có những thiếu nữ duyên dáng gợi cảm làm du khách tuy rời Paris nhưng con tim chừng như còn để lại.

Trịnh Hảo Tâm

Cùng ngòi bút du lịch Trịnh Hảo Tâm, đã phát hành quyển ký sự du lịch mới nhất “Tây Âu Cổ Kính” gồm 44 bài đã đăng suốt một năm qua trên Người Việt và Người Việt On Line, viễn du qua các quốc gia Anh, Bỉ, Ðức, Thụy Sĩ, Ý, Vatican, Monaco và Pháp. Sách dầy 336 trang, mô tả nhiều chi tiết lịch sử kèm hình ảnh minh họa, lời văn nhẹ nhàng dí dỏm. Ðộc giả từng thích thú theo dõi các chuyến du lịch của tác giả có thể tìm mua tại các nhà sách Việt Nam, vẫn đồng giá 15 USD như 4 quyển trước. Ở xa gởi ngân phiếu 15 USD về tác giả, sách có chữ ký sẽ được gởi đến tận nhà (bao cước phí):

Trịnh Hảo Tâm

3683 Hawks Drive

Brea CA 92823

Ðiện thoại 714-528-1413

Email: trinhhaotam@hotmail.com

Bài viết khác

Các từ viết tắt Kitô giáo

Các từ viết tắt Kitô giáo

23/11/2024

Trong nghệ thuật cũng như trong các văn bản Kitô giáo, thường xuyên xuất hiện những từ viết tắt bí ẩn. Việc biết ý nghĩa của chúng cho phép chúng ta đi sâu hơn vào sự phong phú của đức tin. Đây là một hướng dẫn ngắn để hiểu những từ viết tắt thường...

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art