Thứ Ba, 31 Tháng Bảy, 2012

Tháp Eiffel Paris

Tháp Eiffel Paris

Tháp Eiffel là ngọn tháp làm bằng sắt được xây dựng ở công viên Champ de Mars bên bờ Nam sông Seine thành phố Paris thủ đô Pháp để chào mừng Hội Chợ Thế Giới năm 1889. Ngọn tháp đã trở thành biểu trưng của nước Pháp và là một trong những kiến trúc đẹp và đồ sộ của thế giới.

Trong buổi du ngoạn qua những thắng cảnh của thành phố Paris vào sáng ngày 14-5-2008 lúc 10 giờ chúng tôi rời Khải Hoàn Môn đi theo đại lộ Avenue Kleber về hướng Nam và vượt qua sông Seine bằng cầu Bir-Hakeim để tới công viên Champ de Mars. Trước đây qua sách báo, phim ảnh tôi cứ tưởng tháp Eiffel nằm giữa khu thương mại sầm uất của Paris, chứ không biết rằng tháp tọa lạc trên một công viên rộng lớn có những bãi cỏ xanh, hồ nước với nhiều đàn vịt và rợp bóng cây cổ thụ bên cạnh những kiến trúc cổ êm đềm tĩnh mịch. Bên kia sông Seine ở bờ Bắc là hai lâu đài của Palais de Chaillot nay là những nhà bảo tàng như nhân văn, hàng hải và điện ảnh. Cuối công viên Champ de Mars ở hướng Nam là Học Viện Quân Sự (École Militaire).

Xe đậu trong bãi của công viên dưới chân tháp với nhiều xe buýt lớn của những hãng du lịch khác và chúng tôi được bà hướng dẫn viên Joséphine đưa đến nơi du khách đang sắp hàng để chờ thang máy lên xem tháp. Ðến gần mới thấy tháp Eiffel là một khối cấu trúc quá lớn chằng chịt những thanh sắt to lớn khổng lồ cùng một màu đen xám. Mới 10 giờ sáng mà du khách mua vé đã sắp một hàng dài gần 100 mét, chúng tôi đã có vé mua trước nên vào hàng chờ thang máy lên tầng thứ hai của tháp. Trong lúc chờ nghe bà Joséphine thuyết trình về ngọn tháp Eiffel.

Tháp lấy tên của người thiết kế và xây dựng nó là Gustave Eiffel (1832-1923) một kỹ sư người Pháp chuyên môn trong ngành cấu trúc bằng kim loại (metallic structures), ông có xây dựng nhiều công trình như cấu trúc bên trong tượng Nữ Thần Tự Do ở New York, kinh đào Panama và nhiều cây cầu trên thế giới. Ðặc biệt ở Việt Nam hai cây cầu danh tiếng đều do ông xây là cầu Long Biên (1903) ở Hà Nội và cầu Tràng Tiền ở Huế. Tháp Eiffel cao 300 m, nếu tính luôn cây antenna (24 m) cao tổng cộng là 324 m (1,063 ft) là kiến trúc cao nhất thế giới vào thời ấy. Ðến năm 1930 tòa nhà Chrysler ở New York hoàn thành với chiều cao 319 m, tháp Eiffel mới mất đi danh hiệu cao nhất thế giới. Hiện tháp Eiffel là kiến trúc cao nhất ở Paris, bằng chiều cao của một tòa nhà 81 tầng. Tính đến 2006 có hơn 200 triệu người đã lên viếng nó, nội trong năm 2006 có 6,719,200 du khách, là một thắng cảnh phải trả tiền được nhiều người xem nhất trên thế giới.

Tháp Eiffel được xây dựng từ năm 1887 đến 1889 hoàn thành, là cửa chính để vào khu Hội Chợ Thế Giới tổ chức tại công viên Champ de Mars năm 1889 để chào mừng 100 năm Cách Mạng Pháp. Khởi thủy tháp Eiffel định xây tại Barcelone là thành phố lớn thứ nhì ở Tây Ban Nha (Spain) bên bờ Ðịa Trung Hải cho Hội Chợ Thế Giới 1888 nhưng thành phố này không đủ chỗ và đủ tiền cho một công trình đồ sộ như vậy nên ông Eiffel dùng đồ án này dự tranh thiết kế cho Hội Chợ Thế Giới Paris 1889 và đã trúng giải. Tháp được khánh thành ngày 31-3-1889 và mở cửa ngày 6-5 cùng năm. Có 300 nhân công từ kỹ sư cho đến lao động đã tham gia xây dựng cùng nhau lấp ráp 18,038 thanh sắt bằng 2.5 triệu con đinh tán (rivets, đinh tán thì đóng chết khi ghép 2 thanh sắt trong khi đinh ốc xiết dính bằng răng), cấu trúc tháp được tính toán thiết kế bởi Maurice Koechlin. Tháp hoàn thành trong điều kiện an toàn thật hoàn hảo, với dụng cụ thô sơ thời ấy chỉ có một nhân công thiệt mạng mà thôi. Tổng cộng các khối sắt của tháp nặng 7,300 tấn, nếu tính luôn toàn thể vật liệu không phải bằng sắt tháp nặng 10,000 tấn.

Tầng thứ nhất và thứ hai (cao 115 m) của tháp rộng lớn có các cửa hàng bán buôn trên đó và có thể lên bằng thang bộ hay thang máy. Tầng cao nhất (276 m) phải lên bằng thang máy từ tầng thứ hai. Tháp mở cửa cho du khách lên xem mỗi ngày từ 9 giờ 30 sáng đến 11 giờ 45 khuya, Mùa Hè từ 9 giờ sáng đến 0 giờ 45 khuya. Giá vé hiện nay (2009) cho người lớn là 4.80 Euro (tầng 1), 7.80 Euro (tầng 2) và 12 Euro (tầng 3) đi bằng thang máy. Trẻ con (3 đến 11 tuổi) là 2.50, 4.30 và 6.70 Euro, dưới 3 tuổi miễn phí. Nếu đi từng nhóm trên 20 người mua vé trước là 4.00, 6.70 và 10.50 Euro. Ði bằng thang bộ lên tầng 1 và tầng 2 trên 25 tuổi là 4.00 Euro, dưới 25 tuổi là 3.10 Euro.

Tháp Eiffel là tài sản của thành phố Paris, hiện bảo trì và điều hành do công ty SETE (Société d'Eploitation de la Tour Eiffel) từ năm 2005 theo hợp đồng thời hạn 10 năm. Thành phố Paris có 59.9% cổ phần trong công ty này. Tổng số nhân viên điều hành tháp hiện nay là 500 người, trong đó phân nửa là nhân viên công ty SETE, số còn lại là nhân viên các cửa hàng dịch vụ (bán quà kỷ niệm, nhà hàng ăn uống, cho thuê viễn kính, máy rút tiền ATM) và công chức như cảnh sát, cứu hỏa, bưu điện, khí tượng... Ðể chống rỉ sét và khói ô nhiễm, tháp phải được bảo trì liên tục và các thanh sắt 7 năm sơn lại một lần tốn 50 đến 60 tấn sơn. Ðể nhìn cho đẹp mắt từ phía dưới, có 3 màu sơn được dùng cho 3 phần của tháp, đậm nhất từ phía dưới và nhạt dần phía trên. Màu sơn tháp là màu xám nâu (brownish-grey). Tháng 3-2009 sẽ tiến hành việc sơn tháp lần thứ 19 và công việc sẽ kéo dài 18 tháng.

Tháp Eiffel là một kỳ quan thế giới tiêu biểu cho một công trình hoành tráng vững chắc vừa mang nét đẹp hài hòa. Nhưng thế nhân cũng có người yêu kẻ ghét, khi tháp Eiffel vừa xây xong gặp sự chống đối của một số quần chúng, người ta cho rằng trong thành phố Paris thanh lịch bị một khối sắt đen đúa như một con quái vật ngự trị, thật là xốn xang ngứa mắt. Nhiều tờ báo hàng ngày đăng tải những lá thư nổi giận từ giới văn nghệ sĩ Paris và cả những nhà kiến trúc, thiết kế các công trình công cộng (công chánh) như trong tờ Công Báo năm 1892 nhận định về Hội Chợ Thế Giới Paris 1889 đã phê bình chỉ trích về tháp Eiffel như sau: “Và suốt 20 năm chúng ta sẽ phải chứng kiến một khối đen dơ dáy với hình dáng kinh tởm của những trụ đà xây bằng những tấm sắt đinh tán, bóng của nó trải rộng khắp thành phố”. Bức thư được ký bởi những nhân vật nổi tiếng như Messonier, Gounod, Garnier, Gerome, Bougeureau và Dumas. Tiểu thuyết gia Guy de Maupassant, người tỏ thái độ rất ghét ngọn tháp, nói rằng nên đến ăn nhà hàng trên tháp Eiffel mỗi ngày. Người ta hỏi tại sao, ông cho biết “Ở Paris chỉ có nơi đó người ta không nhìn thấy được cái kiến trúc đó!”

Ở Paris thời ấy để giữ cảnh quan chỉ được xây những tòa nhà không quá 7 tầng cho nên tháp Eiffel chỉ được giấy phép cho tồn tại 20 năm. Có nghĩa là sau thời hạn đó tháp phải được tháo gỡ ra vào năm 1909, chủ nhân nó phải chuyển nó ra khỏi Paris, cho nên tháp đã được thiết kế tháo ra được dễ dàng. Nhưng qua thời gian 20 năm, thấy tháp hàng ngày người ta quen dần nên trở nên một hình ảnh thân thương, tháp chứng tỏ được giá trị của nó về nghệ thuật cũng như ích lợi vì quân đội dùng nó cho truyền tin cũng như theo dõi chiến trường trong trận chiến Marne trong Ðệ Nhất Thế Chiến (tháng 9, 1914) nên Pháp thắng trận vinh quang.

Chờ khoảng 20 phút chúng tôi vào thang máy khá rộng chứa trên mười mấy người, có một cô đầm điều khiển để lên thẳng tầng hai cách mặt đất 115 mét. Ở tầng này ngắm cảnh thành phố Paris buổi sáng Mùa Xuân trời quang mây tạnh thật là tuyệt vời! Hướng Bắc nhìn thấy Khải Hoàn Môn. Phía Tây Bắc bên kia sông Seine là hai tòa nhà bảo tàng Palais de Chaillot, phía sau là công trường Trocadero với bãi cỏ xanh, xa hơn nữa là khu rừng cây xanh của công viên Boulogne và phía sau là một nhóm nhà chọc trời khu La Defense. Nhìn về hướng Ðông Bắc nhà thờ Thánh Tâm trên đồi Montmartre vươn lên mờ ảo trong làn sương trắng. Phía Tây Nam trên dòng sông Seine là đảo cây xanh Allee des Cygnes hẹp và dài với 3 cây cầu bắc ngang, cuối đảo là tượng Nữ Thần Tự Do của New York kích thước nhỏ. Còn hướng Nam ngoài Trường Quân Sự (École Militaire) cổ kính toàn là nhà cửa, không có một danh thắng nào nổi bật. Chúng tôi ở tầng thứ hai ngắm cảnh, chụp hình, rảo bước một vòng xem các quày hàng kỷ niệm. Có nhà hàng rất sang trọng tên Le Jules Verne, Lunch Menu (thực đơn ăn trưa) giá là 85 Euro một người nhưng chỉ từ thứ Hai đến thứ Sáu mà thôi, cuối tuần giá còn cao hơn nữa! Ở trên tầng này còn có quán Cà Phê bán thức ăn nhẹ, 3 gian hàng quà kỷ niệm, máy Internet đứng không có ghế ngồi, một dãy hình ảnh đèn trưng bày quá trình xây dựng tháp Eiffel và một khoảng sàn trống lát kính trong nhìn xuống phía dưới mặt đất. Chúng tôi ở đây được nửa tiếng đồng hồ rồi theo đoàn xuống đất.

Nói thêm về nhà hàng ở tháp Eiffel, ở mặt đất cạnh chân tháp Bắc và Ðông có hai quán bán thức ăn đề bảng là “Buffet” nhưng không có nghĩa là nhà hàng ăn bao bụng như ở Mỹ mà là quán bán thức ăn nhẹ như Sandwich, Pizza và Hot Dog. Mỗi món vừa kể thêm ly nước ngọt Soda có giá là 7.50 Euro, giá kể cũng nhẹ nhàng cho những người đang đói bụng. Trên lầu một có nhà hàng “58 Tour Eiffel” thực đơn trưa cũng rất đắt tiền giá từ 45 cho đến 125 Euro cho mỗi người chưa tính rượu. Trên tầng cao chót hết (276 mét) không có nhà hàng mà có những căn phòng như bảo tàng trưng bày hình bằng sáp của kỹ sư Gustave Eiffel và những cộng sự viên đang làm việc trong phòng đồ án. Bên ngoài là những khung cửa sổ ngắm cảnh trên cao một vòng 360 độ rất nín thở, phía dưới có khung ảnh chiếu sáng bằng đèn chú thích những kiến trúc danh thắng nổi tiếng phía dưới của thành phố Paris.

Chúng tôi lên xe rời tháp nhưng anh tài xế không đi xa hẳn mà lái xe đi xuống hướng Nam công viên Champ de Mars cho chúng tôi chụp hình toàn cảnh từ chân lên đến đỉnh tháp. Ðối với người dân Paris tháp Eiffel là hình ảnh thân thương vì đi đâu cũng thấy tháp, nếu lạc đường tìm xem ngọn tháp ở đâu để định phương hướng tìm đường về. Ðối với du khách từ xa tới, tháp Eiffel là nơi phải đến xem trước tiên mỗi khi đến Paris.

Trịnh Hảo Tâm

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art