Thứ Ba, 31 Tháng Bảy, 2012

Ðồi Montmartre ở Paris

Ðồi Montmartre ở Paris

Họa sĩ người Việt đang vẽ cho du khách

Ra khỏi nhà ga Lyon lúc hơn 5 giờ chiều, Mùa Xuân vùng Bắc Bán Cầu mặt trời còn rất cao, chúng tôi đợi xe Coach đưa về khách sạn. Ðây là chiếc xe khác chứ xe chở đoàn chúng tôi vẫn còn trên đường tới Paris, chỉ có tài xế và đống hành lý còn chúng tôi đi xe điện tốc hành TGV nên tới trước chừng 2 tiếng đồng hồ. Trong lúc chờ xe đến chúng tôi chụp hình kỷ niệm với tiền diện “nhà ga Lyon đèn vàng” to lớn, cổ xưa có tháp đồng hồ kiểu Big Ben phía cuối nhà ga.

Trên đường về khách sạn Concorde Saint Lazare mặc dù cùng ở phía Bắc sông Seine với ga Lyon nhưng tài xế cũng qua cầu chạy sang phía Nam sông Seine cho chúng tôi ngắm cảnh Paris thanh lịch trong buổi chiều Xuân nhàn tản. Xe chầm chậm men theo bờ Nam sông Seine nhìn thấy nhà thờ Ðức Bà (Notre Dame de Paris) trên đảo Ile de la Cité, khu phố Latin có trường đại học Sorbonne, khu St. Germain Des Pres sinh động với những quán cà phê vỉa hè. Nơi đây ngồi trên xe có thể chụp được hình tháp Eiffel vươn lên từ xa. Xe trở qua bờ Bắc ngang công trường Concorde, bên phải là công viên Tuileries rộng lớn dẫn tới điện Louvre nay là nhà bảo tàng nghệ thuật. Tất cả những địa danh trên từng nghe nói hay xem qua phim ảnh nay thực sự mới tận mắt diện kiến cảnh thật nhưng chưa đặt chân xuống&vì còn ngồi trên xe. Xe tiếp tục lên hướng Bắc để đến khách sạn Concorde St. Lazare nằm ở phía trước nhà ga St. Lazare là một trong 6 nhà ga lớn của thành phố Paris.

Khách sạn Concorde St. Lazare

Trong cuộc trình diễn pháo bông, những trái pháo rực rỡ nhất bao giờ cũng được bắn lên sau cùng. Tua du lịch Trafalgar này cũng vậy, khách sạn đẹp nhất, sang trọng nhất dành cho 2 ngày cuối ở Paris trước khi kết thúc chuyến đi lên máy bay trở về bổn quốc. Khách sạn Concorde St. Lazare là một tòa nhà cổ kính có 4 tầng lầu gồm 266 phòng, xây để đón khách trong dịp hội chợ Paris năm 1889 và mới được tân trang vào năm 1989. Phòng tiếp khách của khách sạn thật lớn như bên trong của một cung điện, những dàn đèn lộng lẫy trên trần, bàn ghế vẹt ni bóng loáng và nhân viên áo vét cà vạt lịch sự. Trong lúc chờ đợi ông Luigi Saba lấy thẻ chìa khóa phòng, tôi tới quày chỉ dẫn xin bản đồ đường phố Paris đâu biết là sau đó trong bao thư khách sạn trao cho mình, bên ngoài đề tên khách hàng, bên trong 2 thẻ chìa khóa, lá thư chào mừng và tấm bản đồ Paris. Khi mở cửa vào phòng, bật truyền hình lên là dòng chữ chào mừng với tên 3 người trên màn ảnh và “Menu” giới thiệu các dịch vụ của khách sạn! Phòng có 2 gian, phía ngoài như phòng khách, gian trong là phòng ngủ, trang bị giường tủ rất lịch sự nhiều tiện nghi nhất trong các khách sạn đã qua trong chuyến đi này. Paris giá phòng rất đắt, vào Website của khách sạn không có phòng nào dưới 200 USD, hãng Trafalgar là khách hàng thường xuyên chắc được giá rẻ hơn.

Lên đồi Montmartre

Buổi chiều và tối nay coi như được tự do khám phá về Paris nên để tận dụng “thời giờ là vàng bạc”, chúng tôi tức tốc ra khỏi khách sạn đi bộ lên hướng Bắc dự định lên đồi Montmartre để đến nhà thờ Thánh Tâm (Sacré-Coeur) cách khách sạn 1.6 km (1 mile). Mang theo bản đồ và địa bàn, đầu tiên đi trên đường Amsterdam là phố buôn bán nhộn nhịp vì gần xa xe lửa, con đường nhỏ lát đá lên dốc và nếu nhớ không lầm là đường một chiều, xe hơi, xe gắn máy và cả xe đạp tấp nập đổ dốc rất nhanh. Chúng tôi phải cẩn thận đi trên lề cho người bộ hành, hai bên là phố buôn bán đủ thứ món hàng với những căn tiệm nho nhỏ như ở Sài Gòn. Ði khoảng 500 thước đến công trường Place de Clichy nơi đây có nhà ga xe điện ngầm (Métro) nên hành khách rất đông. Vì chưa biết mua vé thế nào nên chưa dám sử dụng Métro, lại nữa muốn đi bộ để lần đầu nhìn ngắm phố phường Paris cho thỏa mong ước bấy lâu nay. Từ công trường theo bản đồ chúng tôi rẽ phải vào đường Caulaincourt đi ngang qua nghĩa địa Montmartre. Con đường ở trên cầu cao còn nghĩa trang nằm phía dưới, nhìn xuống thấy nghĩa địa mà mồ mả xây rất đẹp, chen chúc nhau, bia mộ đủ kiểu cao thấp khác nhau và dường như mộ nào cũng có cây thánh giá hoặc hình tượng các thiên thần. Tìm hiểu để viết bài mới biết trong nghĩa trang này chôn cất rất nhiều văn nhân, nghệ sĩ nổi tiếng cả những nàng vũ công tài sắc của khu vực Pigalle này là khu giải trí ăn chơi về đêm của Paris. Dự định lần sau trở lại Paris đi tự túc và duy nhất chỉ viếng Paris như vậy mới có thời giờ để thăm thú khám phá mọi nơi trong đó chắc sẽ trở lại nghĩa trang Montmartre này. Biết đâu sẽ gặp mộ cô đầm Ðạm Tiên hồng nhan đa truân, má hồng phận bạc?

Qua khỏi nghĩa trang con đường Caulaincourt càng lên dốc, hai bên phố xá lầu cao và cây cối trồng trên lề đường to lớn xanh tươi, nhìn sang phía tay phải để tìm nóc nhà thờ Thánh Tâm biết rằng rất cao (cao thứ nhì ở Paris sau tháp Eiffel) nhưng không thấy đâu? Ði hơn một trăm thước nữa cũng toàn phố xá người đi mà cũng chưa thấy dấu hiệu nhà thờ. Thôi thì phải hỏi đường vậy! Gặp một ông già râu ria (gọi là “ông già” nhưng dám là trẻ hơn tôi lắm?) phốp pháp, nét mặt hồng hào tươi vui đi từ hướng nhà thờ đổ dốc xuống. Tôi chận lại hỏi bằng tiếng Anh. Ông già cặp mắt sáng lên, rất tử tế trả lời bằng tiếng Pháp với giọng lè nhè chắc là đi nhậu mới về. Với vốn liếng tiếng Pháp đã trả lại cho De Gaulle nhưng nhờ ông già chỉ tay, tôi cũng hiểu rằng phải lên dốc về hướng tay phải sẽ thấy nhà thờ. Con đường nhỏ hẹp quanh co lên dốc, hai bên là hàng quán, tiệm tranh, nhà cửa nho nhỏ xinh xinh với những chậu hoa tươi thắm và khách bộ hành thơ thẩn rảo bước từng đôi.

Khu họa sĩ đường phố

Khi thấy những ngọn tháp tròn màu trắng của nhà thờ Thánh Tâm cũng là lúc chúng tôi đi vào một khoảng sân rộng hàng quán đông vui đầy khách khứa. Ðây là khu các họa sĩ đường phố vẽ chân dung cho du khách, nơi này có hàng chục họa sĩ ngồi trước những giá vẽ, có người đang miệt mài vẽ cho khách, có người không có khách ngồi chơi ngắm người qua lại hay đọc báo, nghe nhạc. Ða số họa sĩ là người Á Châu trong đó đồng hương Việt Nam chúng ta cũng gần chục người. Quan sát một họa sĩ đang vẽ, thấy họ vẽ rất khéo và rất giống khách ngồi làm mẫu. Hỏi một họa sĩ người Việt mà ông không chịu cho biết tên, ông ta nói giá một bức tranh khổ chừng 1.5 x 2 feet là từ 70 đến 100 Euro tùy theo vẽ kỹ hay vẽ nhanh. Nếu vẽ kỹ mất một tiếng đồng hồ còn vẽ nhanh khoảng nửa giờ là đẹp rồi. Tôi hỏi một ngày vẽ được chừng bao nhiêu bức? Ông ta cho biết trung bình là 3, 4 bức vì họa sĩ ở đây rất đông mà khách hàng cũng giới hạn, Mùa Hè có khi vẽ một ngày đến 10 bức tranh. Tôi hỏi giờ giấc như thế nào? Ông nói chiều chiều, trời lạnh hết khách là về, về lúc nào cũng được không cần giờ giấc cố định (nghệ sĩ mà). Bên cạnh những giá vẽ của các họa sĩ là những quán ăn che mái bằng vật liệu nhẹ rất đông thực khách. Mỗi quán ăn đều có bảng Menu với giá tiền thật lớn và nhân viên phục vụ áo trắng quần đen thắt nơ lịch sự. Thấy giá mỗi món ăn trung bình 15 Euro, tôi muốn vào ăn nhưng bà xã và con gái nói không đói nên không lẽ vào mà chỉ có một người ăn mặc dù mùi bơ thơm, mùi hành chiên ngào ngạt bay trong hương khói!

Ðược biết khu hội hội họa, ăn uống đông vui này có tên là công trường Place du Tertre, 'Tertre' có nghĩa là đồi cao vì đây là địa điểm cao nhất ở Paris, 130 mét (430 ft) trên mực biển. Cạnh đó là ngôi nhà thờ cổ St. Pierre de Montmartre được xây vào năm 1133 bởi vua Louis VI và vợ ông là hoàng hậu Adelaide được chôn tại đây. Montmartre có nghĩa là 'đồi tử đạo' (mount of martyrs), khoảng năm 250 AD thánh Denis và bổn đạo của ông đã bị hành hình tử đạo trên đồi này. Ngày xưa Montmartre là khu ngoại ô của dân nghèo lao động thành phố Paris, khoảng 200 năm trước vào đầu thế kỷ 19 nhiều văn nhân, họa sĩ về cư ngụ tại đây, họ bắt đầu vẽ tranh và bày bán những tác phẩm của mình. Ngày nay chung quanh công trường Place du Tertre là khu phố cổ có từ thời xưa với những con đường hẹp quanh co, hai bên là những tiệm tranh, dưới ánh đèn chiếu những tấm tranh vẽ phong cảnh Paris trở nên rực rỡ màu sắc. Trong đó có cửa hàng 'Le Chat Noir' (Mèo Ðen) với nhiều tranh đẹp, trưng bày bắt mắt nên thu hút sự chú ý của đông du khách ngang qua đây.

Nhà thờ Thánh Tâm (Sacré Coeur Basilica)

Kiến trúc to lớn nổi bật nhất trên đồi Montmartre là nhà thờ Thánh Tâm (Sacred Heart) được bắt đầu khởi công từ năm 1875 và hoàn thành 1914 do kiến trúc sư Paul Abadie vẽ họa đồ mô phỏng theo kiểu Romano-Byzantine của nhà thờ St. Front ở Périgueux và công trình do Giám Mục Guibert của giáo phận Paris chủ quản. Kinh phí xây cất do hai thương gia Alexandre Legentil và Hubert Rohault de Fleury tài trợ nhằm tạ ơn Thánh Tâm Chúa Jesus Christ đã phù hộ cho nước Pháp tồn tại trong cuộc chiến tranh xâm lăng của nước Prussia (Ðức) vào năm 1870. Vào năm đó Paris bị phong tỏa, dân chúng phải ăn thịt cả những thú nhà như chó mèo.

Nhà thờ bằng đá trắng có những ngọn tháp tròn mà ngọn tháp chính lớn là điểm cao thứ nhì ở Paris sau tháp Eiffel. Nhà thờ nằm trên đồi Montmartre ở về phía Bắc Paris và cửa chính nhà thờ nhìn xuống phía Nam tức trung tâm thành phố. Ðứng ở sân trước nhà thờ nhìn xuống thành phố là một bức tranh vô cùng ngoạn mục nhất là những buổi hoàng hôn khi ánh nắng chiều dần tắt và thành phố bắt đầu lên đèn. Do đó khi chúng tôi đến là trước sân nhà thờ người ta tập trung thật đông, họ nói cười inh ỏi, thanh niên đàn ca, hát xướng và có nhóm da đen Ma-rốc hay An-gê-ri còn nhảy múa vỗ trống bập bùng. Trước nhà thờ là những bậc thang rộng lớn đi xuống khoảng sân thấp hơn, người ta ngồi đen nghẹt trên những bậc thang này nói chuyện, ăn uống và có người uống bia rất là thoải mái. Tôi thấy có những đứa trẻ bán bia lon với giá 2 Euro (vì có uống nên biết giá, lon bia ở đây nhỏ hơn bên Mỹ). Dưới nữa là bãi cỏ, vườn hoa, quá dốc nên không có bậc thang đi xuống. Nếu muốn xuống phía dưới thành phố người ta phải đi bộ bằng những bậc thang ở cánh phải (phía Tây nhà thờ) hay bằng thang máy bên cạnh với giá 1 Euro.

Ngày 25-6-1922 học giả Phạm Quỳnh cũng đã viếng thăm nhà thờ Thánh Tâm và ghi lại trong “Pháp Du Hành Trình Nhật Ký” như sau: “Xóm Mông Mạc không phải chỉ là một xóm thợ thuyền nữa. Trừ mấy phố lớn toàn những hàng ăn, hàng rượu, rạp múa, rạp hát, còn thì những đường dốc quanh co, nhà ở cũ kỹ, vì đây chính như một nơi cao nguyên ở giữa thành Paris, cho nên lên chơi đây gọi là “lên dốc” hay “lên đống” (montervers la Butte). Ở chỗ cao nhất có dựng một tòa nhà thờ tên là Basilique du Sacré-Coeur (nhà thờ Quả Tim Thánh), kiểu Romano-Byzantine trông rất vĩ đại, xây ngoài bằng cương thạch, trong bằng cẩm thạch, lại lồng những kính vẽ rất lộng lẫy, dài 100 thước, rộng 50 thước, trên có cái mái tròn cao 60 thước và cái gác chuông cao hơn 90 thước. Nhà thờ này làm bắt đầu từ năm 1875 bằng tiền của thập phương cúng, mãi đến năm 1921 mới xong. Trèo lên trên gác chuông thời gồm được toàn cảnh thành Paris, trông vùng ra bốn bề được tới 50 cây-lô-mét. Quả chuông đây có tiếng là to nhất nhì trong thế giới, đúc năm 1895, nặng tới 1 vạn 7 nghìn 7 trăm 35 kí-lô. Trước mình vẫn tưởng rằng các nhà thờ lớn là lối kiến trúc đời xưa, nhất là đời Trung cổ, thiên hạ có lòng sùng đạo hơn bây giờ, không ngờ ngày nay lối ấy cũng còn thịnh hành mà giữa thế kỷ 19 người Tây Phương còn có đủ lòng tín ngưỡng mà dùng tới năm mươi năm trời, mấy trăm triệu bạc để dựng nên một nơi giáo đường vĩ đại như thế này. Hôm nay là ngày chủ nhật, thập phương đến lễ đông lắm; bước chân vào trong nhà thờ thấy người đứng chật ních cả, phần nhiều là những hạng bình dân, người lao động, tiếng đọc kinh, tiếng cầu nguyện, tiếng chuông đánh, om om như trong một cái đổng lớn, mà ở giữa bàn thờ hàng nghìn cây bạch lạp lấp lánh trong xa xa. Coi cũng có cái vẻ nguy nghiêm thật...”

Ngồi giữa đám đông trước sân nhà thờ Thánh Tâm trên đồi Montmartre lúc hoàng hôn dần tàn, mặt trời đỏ rực ở Phương Tây chiếu ánh sáng vàng ối lên kinh thành Paris, lâu đài nhà cửa đón nhận ánh nắng vàng trở nên rực rỡ lạ thường. Nắng tắt dần cả thành phố từ vàng chuyển sang tím thẫm là lúc thành phố bắt đầu lên đèn. Hàng triệu ánh đèn lung linh, huyền ảo, lấp lánh như sao xa chạy dài ngút ngàn tận cuối chân trời. Tiếng trống bập bùng hòa trong tiếng đàn Tây Ban Cầm, dư vị hơi men của những lon bia khiến tâm hồn lâng lâng, lãng đãng, không biết đây là đâu, thiên đàng hay hạ giới?

Khu đèn đỏ Pigalle của Paris

Mười giờ đêm ngày 13-5-2008 từ nhà thờ Thánh Tâm (Sacré Coeur) trên đồi Montmartre chúng tôi theo những con đường dốc trở xuống thành phố Paris. Nhiều người dùng thang máy phải sắp hàng mua vé nhưng chúng tôi thì không đi thang máy mà đi bộ xuống. Khi lên đồi mới mệt chứ xuống đi thang máy làm chi cho tốn 1 Euro, tản bộ ngắm cảnh Montmartre về đêm thích thú hơn. Trên đường xuống phố này du khách tấp nập, hai bên là nhà hàng, quán rượu, hiệu hoa và quà lưu niệm, bày biện bắt mắt. Trời đã tối khu phố hẹp quanh co này càng thêm lung linh, huyền ảo nhất là các quán rượu, hộp đêm, ánh sáng những ngọn đèn mờ tỏ giăng mắc khắp nơi vừa đủ sáng để thấy lối đi. Từng cặp sánh bước bên nhau trên con hẻm lát đá như thời Trung cổ rất tình tứ, lãng mạn.

Khu phố Pigalle

Ðể trở về khách sạn cạnh ga Saint Lazare, xuống hết con dốc chúng tôi rẽ phải vào đại lộ Boulevard de Rochechouart. Con đường rất lớn đông đúc xe cộ và phố xá toàn là nhà hàng, hộp đêm, quán rượu thỉnh thoảng có những cửa hàng tối âm u chỉ có bảng hiệu đèn đỏ chớp tắt, bày những món hàng cổ quái lạ lùng như dùng để hóa trang trong ngày ma quỷ Haloween? Hóa ra vô tình đã lạc bước vào khu phố đèn đỏ của thành phố Paris. Ðây là Quatier Pigalle, khu ăn chơi về đêm nằm giữa ranh giới quận 9 và quận 18. Tên gọi là khu Pigalle vì gần công trường Pigalle là tên của điêu khắc gia Jean-Baptiste Pigale (1714-1785) người có công thiết kế và xây dựng nhiều công trình trong thành phố Paris. Pigalle xưa nay nổi tiếng là khu du lịch đèn đỏ với nhiều quán rượu, hộp đêm quy tụ các ca nhi, vũ nữ và trên những vỉa hè, hẻm hóc các cô gái làng chơi dùng làm nơi chào mời, bắt khách. Thời Ðệ Nhị Thế Chiến lính Ðồng Minh gọi khu này là “Pig Alley” có nghĩa là “hẻm con heo”, không phải đây là khu chăn nuôi hay có lò mổ thịt như lò heo Chánh Hưng xứ ta mà là nơi đêm đêm những anh lính “xa quê hương nhớ vợ hiền” thường “trăn trở bức xúc” có dịp thả lợn lòng. Tóm lại khu Pigalle là nơi đàn ông xa nhà giải trí về đêm, hai hộp đêm Cabaret Divan du Monde và Moulin Rouge đều nằm trong khu này. Phía Nam trên con đường Douai là khu bán dụng cụ âm nhạc với những tiệm bán đàn Tây Ban Cầm (guitar), trống, kèn và các trang thiết bị về âm thanh như ampli, loa. Phòng thu âm của Henri Toulouse-Lautrec cũng nằm ở đây và các họa sĩ nổi tiếng như Pablo Picasso, Vincent van Gogh cũng chọn nơi này làm nơi cư trú. Ngày nay Pigalle là “điểm nóng” nổi tiếng cho những khách du muốn biết “Paris By Night” như thế nào?

Thật sự tôi không biết khu đèn đỏ hắc ám này nằm gần khu Montmartre có nhà thờ Sacré Ceour là nơi linh thiêng thánh thiện, đứng trên đó có thể thấy hết thành phố Paris huy hoàng, tráng lệ ngay dưới chân mình. Nay vô tư lạc bước vào chốn này thì cũng đành... “nhắm mắt đưa chân, thử xem con tạo xoay dần đến đâu?” Trên vỉa hè nhiều anh chàng phát giấy quảng cáo, mời gọi bằng tiếng Tây, nếu du khách không hiểu anh chàng sẽ bật sang tiếng Anh. Ði cạnh tôi một du khách đàn ông cũng trả lời bằng tiếng Anh nhưng anh chàng quảng cáo biết ngay không phải là người Anh nên hỏi ông này từ đâu đến và ông ta trả lời là người Nga. Trước những hộp đêm hay quán rượu đèn mờ ảo là những phụ nữ trẻ tụ tập từng nhóm năm ba người tụm nhau nói chuyện. Ðêm Xuân đất Pháp trời hãy còn lạnh nhưng các cô nàng vận váy mỏng manh, ngắn ngủn lấp lánh kim tuyến để lộ chân cao lại thêm giầy cao gót nên càng cao hơn nữa, trên mặt điểm trang đậm màu cực kỳ diễm lệ. Thấy tôi gần đất xa trời lại lếch thếch với thê nhi, không phải là đối tượng có nhu cầu nên chẳng thèm mời gọi, hỏi han gì!

Hí viện Moulin Rouge

Ðại lộ Rochechouart khi đến công trường Pigalle có ga xe điện ngầm đổi hướng thành đại lộ Clichy, đường phố cũng sầm uất những hộp đêm và những sinh hoạt của khu đèn đỏ. Ðang đi về hướng Tây bỗng gặp hình ảnh cái quạt gió của nhà máy xay bột mì của xứ Hòa Lan bằng đèn néon và bên dưới là hàng chữ Moulin Rouge (tiếng Pháp của Red Windmill). Hóa ra đây là rạp hát Moulin Rouge hộp đêm nổi tiếng với những màn vũ đá chân lên cao của hàng chục cô đầm tóc vàng sợi nhỏ. Nghe tiếng rạp Moulin Rouge tôi tưởng rằng nó to lớn hoành tráng ít ra cũng như những casino ở Las Vegas chứ đâu dè chỉ chiếm vài ba căn phố (mặc dù bên trên có nhiều tầng lầu) và phía trước rạp không có vườn hoa, sân rộng hay là bãi đậu xe gì ráo. Trước rạp là lối đi cho bộ hành như những dãy phố khác, bên ngoài đường là một hàng xe gắn máy mô tô đậu, còn xe hơi không biết để ở đâu?

Moulin Rouge là hộp đêm hoạt động từ năm 1889 do Joseph Oller làm chủ, ông này trước đó cũng là chủ nhân của hí viện âm nhạc Paris Olympia. Moulin Rouge được xem là đất khai sinh ra điệu vũ đá chân cao (can can dance) khởi thủy được biểu diễn bởi một hoặc vài nữ vũ công là những cô điếm hạng sang, các cô tốc váy lên nhằm hấp dẫn, phô trương cho khán giả đàn ông thấy cặp chân đẹp, đôi mông tròn và cả mảnh “tam giác vàng” che đậy động đào nguyên. Vũ điệu rất đơn giản chỉ tốc váy, đá chân và lắc qua lắc lại, động tác rất bình dân vì thời xưa khán giả vùng ngoại ô này là giới lao động thợ thuyền sinh sống ở vùng nghèo Montmartre. Dần dà vũ điệu trở nên ăn khách, lôi cuốn cả giới thượng lưu trí thức từ Paris lên, vừa ăn uống no say vừa giải trí không cần làm dáng cầu kỳ. Ðể thêm phần vui mắt, vũ điệu được tăng thêm nhiều vũ công thành một nhóm đông đứng thành hàng cả vài chục cô hoặc quây quần thành vòng tròn, đôi khi đứng lên nhau như màn xiệc và y phục cũng phải lộng lẫy màu mè, dắt thêm lông công, lông ngỗng v.v... Từ đó vũ điệu đá chân được thịnh hành lan sang các nước khác nhất là những hộp đêm, quán rượu, sòng bài như Las Vegas, Atlantic City, Macau v.v... Khởi thủy ban đầu Moulin Rouge chỉ là nhà chứa gái hạng sang nhưng dần đà trở nên một rạp hát nổi tiếng, một điểm du lịch về đêm của Paris rất thu hút du khách khắp các nước trên thế giới mỗi khi ghé đến kinh thành ánh sáng.

Le Moulin Rouge ở số 82 Bolevard de Clichy, hiện nay mỗi đêm trình diễn 2 xuất: xuất 9 PM giá vé 102 Euro và xuất 11 PM giá vé 92 Euro, nếu chọn có ăn tối giá bắt đầu là 145 Euro. Rạp hiện đang trình diễn chương trình ca vũ tên là “Féerie” gồm có 100 diễn viên trong đó có 60 nữ vũ công được tuyển chọn từ khắp các nước trên thế giới với hàng trăm bộ y trang lộng lẫy là công trình sáng tạo của các nhà thiết kế y phục Âu châu. Chương trình kéo dài 1 tiếng rưỡi đồng hồ với những màn vũ các nước Âu châu quy tụ hàng chục các cô y phục rất đẹp nhưng hở ngực, xen kẽ những màn xiếc trổ tài khéo léo và những anh hề chọc cười khán giả. Giữa chương trình là các vũ công bơi lặn trong bồn nước thật lớn trên sân khấu và vũ với những con trăn lớn. Cuối chương trình là vũ điệu đá chân cao “French Cancan” truyền thống đặc biệt của Moulin Rouge có từ xưa. Về ẩm thực với những món ăn Pháp do đầu bếp Laurent Tarridec tuyển chọn với nhiều thực đơn giá cả khác nhau. Thí dụ như thực đơn căn bản nhất (145 Euro) tên là “Menu French Cancan” gồm có những món sau đây: Ốc nhồi hương liệu “Aniseed Butter” hay Súp Rau Cải hoặc Pa tê Gan Ngỗng (món khai vị), cá Trout với sốt khoai tây hay thịt Trừu (món chính), “Bourbon” Mille-Feuille hay Kem Vanilla với Chantilly Cream (món ngọt tráng miệng).

Những người từng xem chương trình của Moulin Rouge cho biết ý kiến phê bình như sau: “Chúng tôi gọi giữ chỗ trước mấy ngày khi vừa tới Paris nhưng cô bán vé cho biết đã hết chỗ và kêu tôi thử gọi lại buổi sáng trong các ngày sau đó vì hy vọng có người bỏ chỗ. Tôi lấy làm ngạc nhiên vì đây là tháng 12 không phải cao điểm của Mùa Hè du lịch, sao mà đắt khách đến hết chỗ? Sáng ngày Thứ Sáu tôi gọi lại, người tiếp điện thoại cũng là một phụ nữ giọng êm ái thân mật báo tin mừng là sẽ giữ cho chúng tôi 2 chỗ vào xuất 11 giờ đêm nay. Như lời dặn của cô, chúng tôi đến rạp Moulin Rouge trước hơn nửa tiếng đồng hồ và nối đuôi sắp một hàng dài trên vỉa hè giữa trời giá buốt. Nửa giờ sau chúng tôi cũng vào được trong rạp, ai có áo choàng phải gởi cho rạp cất giữ với lệ phí 3 Euro, máy ảnh, máy quay phim cũng phải gởi lại chứ không được mang vào! Chúng tôi ngồi chung một bàn với một cặp khác và 4 người chia nhau 2 chai Champagne. Chúng tôi mua vé không có ăn tối. Chương trình vũ cũng tạm được nhưng động tác nhiều lúc không ăn khớp nhịp nhàng, các nữ vũ công cười gượng gạo, còn y trang thì màu mè hoa lá như vùng Bohemia thời Trung cổ... Những người ăn tối còn trả hơn 50 Euro nữa nhưng chắc là không no vì thức ăn dọn ra rất ít!”

Ngày nay hộp đêm Moulin Rouge có kẻ khen người chê nhưng đầu thế kỷ trước hộp đêm nổi tiếng này sinh hoạt ra sao? Ta hãy nghe học giả Phạm Quỳnh kể lại trong “Pháp Du Hành Trình Nhật Ký” về chuyến “khảo sát” Moulin Rouge vào đêm Thứ Sáu 2-6-1922 của ông như sau:

“Lâu nay vẫn nghe tiếng xóm Bình Khang ở đây có lắm thú lạ lùng, nhà nho định đi “khảo sát” một hôm xem thế nào. Không lẽ sang đến Ba Lê mà không biết cái phong vị ấy. Cơm tối rồi anh em bèn rủ nhau đi Mông Mạc. Ði xe điện ngầm métro đến Place Pigalle, đây chính là giữa xóm ăn chơi đây. Mông Mạc là gồm cả cái khu ở trong khoảng mấy đường Pigalle, Blanche, Clichy, Rochechouart, Clignancourt, san sát những tửu lâu trà quán, đèn điện sáng choang, thật là một nơi “bất dạ thành” (thành phố không có đêm); tuy không nghe thấy những tiếng “cắc! tòm! tòm! cắc!” như ở Hàng Giấy hay Tân Ấp Hà Nội ta, nhưng trong không khí văng vẳng những tiếng đàn tiếng hát, đủ biết là chỗ ăn chơi. Trong bấy nhiêu nhà, chửa biết vào nhà nào. Khách tỉnh xa mới về Hà Nội muốn đi hát một chầu đến Hàng Giấy hay Tân Ấp chắc cũng bỡ ngỡ như thế. Chợt trông thấy hình cái cối xay đỏ sáng lòe ở đàng xa, mới nhớ ra quán “Cối xay đỏ” là nơi có tiếng ở xóm này, có tiếng là chỗ chơi bời phóng túng mà lại có phong vị hào hoa, những tao nhân mặc khách cũng không nề đến đây ngâm thơ uống rượu. Nhưng nghe đâu quán này bị cháy từ năm 1916, có lẽ mới dựng lại. Anh em định vào đây. Ðến nơi thấy những kẻ ra người vào tấp nập. vào cửa phải mất tiền. Trong rộng như cái chợ, đèn thắp rực rỡ, bàn ghế la liệt, dưới sàn toàn rải thảm đỏ cả, mà trong không khí thời như đầy những sương mù, tức là thuốc lá vậy. Chỗ này uống rượu, chỗ kia đàn ca; thôi, thiếu gì là những “ả mày ngài” cùng với khách làng chơi. Nghe đâu các “tiên” ở đây nhũng lắm, nên anh em đã dặn nhau vào đến nơi cứ làm mặt “mán xá”, nói toàn tiếng An Nam, ấm ê như không biết câu tiếng Tây nào, họ muốn cho mình là Ngô Lào gì mặc ý. Vừa kéo ghế ngồi, bảo hầu sáng dọn các thứ rượu ngọt như nước ngọt và nước đá, thời “tiên” ở đâu kéo đến từng lũ, thoáng mắt một cái bác nào bác ấy có đôi cả. Chào mời đón hỏi tươi cười, lũ “mán xá” cứ ngây ngô nhìn nhau, họ cũng tức cười. Họ tưởng mình là người Tàu hay người Nhật, họ nói tiếng Anh, mình lại càng ngẩn nữa! Bấy giờ một người mới bập bẹ làm thông ngôn, nói nhiều câu chuyện tầm phơ cũng lý thú. Rượu chuyện đã vãn, đêm cũng đã khuya, bác nào cao hứng thời theo “tiên”... lên mây; còn (lại) rủ nhau ra về cả, tính ra ngồi nói chuyện “chay” như thế mà mỗi người cũng mất năm sáu chục quan về tiền nước chanh, nước cam, nước đá, ấy là không ai nghiện “sâm banh” cả, chứ lại đụng cốc chúc thọ nữa thì chửa biết đến mấy trăm quan? Thôi thế cũng là đủ, gọi là trải qua xem dạng cho biết cái mùi phồn hoa chốn danh đô một chút”.

Trịnh Hảo Tâm

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art