Nhà Thờ Ðức Bà Paris
Nhà thờ Ðức Bà Paris (Notre Dame de Paris) là kiến trúc cổ uy nghi xây theo kiểu Gothic nằm trên đảo Ile de la Cité của sông Seine thuộc Quận Tư thành phố Paris. Ðược xây từ năm 1163 trải qua 9 thế kỷ với nhiều biến cố chính trị thăng trầm, có lúc trở thành nhà kho, có thời hư hại xuống cấp dự định sẽ bị phá hủy đi. Năm 1845 nhà thờ được đại trùng tu và công việc kéo dài đến 25 năm. Ngày nay nhà thờ Ðức Bà là một trong những danh thắng của kinh đô ánh sáng, là nhà thờ chính tòa của giáo phận Paris, hàng ngày thu hút rất đông du khách và tín đồ hành hương mỗi khi viếng thăm Paris.
Rời khu phố Việt ở Quận 13 đã 4 giờ chiều, chúng tôi trở lại ga Métro Olympiades lấy đường xe số 14 trở về nhà ga chính Châtelet và đổi sang đường số 4 ra ở ga kế là ga Cité để viếng nhà thờ Ðức Bà Paris. Ga Cité là ga duy nhất nằm trên đảo Ile de la Cité một đảo nằm giữa sông Seine ở trung tâm thành phố Paris. Ðảo Cité là một trong hai đảo thiên tạo có vị trí chiến lược an ninh nên ngày xưa từ thế kỷ 1 cho đến thế kỷ 5 người La Mã chọn làm nơi định cư trong khi bộ lạc Parisii thì ở dọc hai bên bờ sông. Thời kỳ này Paris được gọi là Lutetia. Tuy đảo không lớn nhưng lên khỏi nhà ga vì những dinh thự cổ vây quanh khá cao nên không thấy hai ngọn tháp nhà thờ ở đâu? Chận một người hỏi thăm thì ông ta nói rẽ trái là thấy ngay. Quả thật vậy, qua khỏi tòa dinh thự là một quảng trường lớn ở phía trái và ngôi nhà thờ màu vàng sậm với hai tháp chuông vuông hoành tráng hiện ra trước mặt. Ðó là Vương Cung Thánh Ðường Ðức Bà Paris mà người Pháp gọi là Notre Dame de Paris, mấy mươi năm thấy qua hình ảnh, nay mới có dịp tới tận nơi nhìn tận mắt. Công viên phía trước nhà thờ hôm nay có dựng lên một nhà lều lớn với tấm băng rôn dòng chữ “La fête du pain” (Lễ hội bánh mì) vẽ đủ loại bánh mì nhiều màu sắc. Chúng tôi đi xuyên qua nhà lều thấy bên trong mấy ông già đang biểu diễn nướng bánh mì trong những lò điện. Có lẽ buổi chiều Thứ Tư ngày thường mọi người bận đi làm và bánh mì không có gì hấp dẫn nên không thấy ai xem! Trên công trường trước nhà thờ có một địa điểm khảo cổ “Crypte Archéologique” đi sâu xuống lòng đất cho thấy một phần của nền móng, chân tường của ngôi nhà thờ cũ cũng như hệ thống sưởi ấm của dân Parisii thuộc bộ lạc Celtic định cư 2,000 năm trước.
Tiền diện nhà thờ Ðức Bà uy nghi và cân đối gồm 3 cửa hình vòm cung, thời Trung Cổ để tránh đơn điệu người ta xây 3 cửa kích thước khác nhau, không cái nào giống cái nào. Bên trên là hai lầu chuông tương tự như nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn nhưng nhà thờ Sài Gòn trên hai lầu chuông được xây thêm hai tháp nhọn rất cao còn nhà thờ Paris không có hai tháp nhọn này. Trên 3 cửa vào là những phù điêu đắp nổi diễn tả về Ðức Bà Maria, Ngày Phán Xét Cuối Cùng và thánh nữ Anne (mẹ của Ðức Bà Maria). Bên trên một hàng tượng người chiếm nguyên bề ngang tiền diện là tượng của 28 vua Juda của Do Thái được nhắc đến trong Thánh Kinh. Cao hơn nơi khung cửa sổ hình hoa hồng (Rose window) tâm tiền diện nhà thờ là tượng Ðức Bà Maria là thánh bổn mạng nhà thờ bồng Chúa Jesus và tượng hai thiên thần chầu hai bên. Du khách có thể lên nóc hai tháp chuông nhà thờ để ngắm cảnh Paris phía dưới. Lối lên ở bên hông phía Bắc gần cửa chính vào nhà thờ với cầu thang trôn ốc hơn 400 bậc thang.
Trước nhà thờ du khách rất đông đủ mọi quốc tịch nhưng thấy người da trắng nhiều hơn hết với nhiều xe buýt lớn đậu trước sân nhà thờ. Ba người chúng tôi sau khi chụp vội một số hình kỷ niệm, bước vào bên trong nhà thờ. Nội cung có kiến trúc hình chữ thập, giữa nơi 2 thanh chữ thập giao nhau là một bàn thánh và phía cuối nhà thờ là một cung thánh khác dùng để cử hành thánh lễ mỗi ngày. Chỉ nửa nhà thờ phía cuối là có bàn quỳ và ghế ngồi, còn xung quanh để trống với 2 hàng cột mỗi bên. Nội cung nhà thờ rộng lớn trông giống nhà thờ Sài Gòn và có thể chứa đến 7 ngàn tín đồ trong những dịp lễ lớn. Mặc dù bao la rộng lớn nhưng ngày xưa người ta thiết kế sao cho âm thanh của linh mục trên tòa giảng có thể vang lớn nghe được hết trong nhà thờ. Khi mới bước vào, mắt chưa điều tiết nên hơi tối vì không thắp đèn sáng mà chỉ lung linh những ngọn nến và tín đồ khá đông mặc dù không có thánh lễ. Họ quỳ hay ngồi trên những băng ghế dài đọc kinh, cầu nguyện hay đơn giản chỉ là nghỉ chân ngắm cảnh. Mặc dù là kiến trúc có niên đại gần cả ngàn năm, với nhiều tượng cổ, các ảnh kính màu nghệ thuật, các ngôi mộ, thánh tích như một viện bảo tàng nhưng nhà thờ bao giờ cũng rộng mở không bán vé thu tiền, mọi người không phân biệt tín ngưỡng đều có thể vào chiêm ngưỡng hay ngoạn cảnh. Chúng tôi đi một vòng bên trong nhà thờ, lối đi dẫn đến cả phía sau bàn thánh với nhiều bàn thờ, tưởng niệm nhiều nhân vật trong lịch sử Paris vốn vô số những biến chuyển thăng trầm.
Lịch sử nhà thờ Notre Dame De Paris
Năm 1160 giám mục Paris là Maurice de Sully sau khi phá bỏ nhà thờ chính tòa St. Stephen vì quá cũ kỹ (xây từ thế kỷ 4), ông muốn xây lại một nhà thờ mới to lớn tráng lệ hơn ngay trên phần đất nhà thờ cũ. Công việc xây cất bắt đầu vào năm 1163 dưới triều vua Louis VII với sự chủ tọa của giáo hoàng Alexander III trong lễ đặt viên đá đầu tiên. Giám mục Maurice de Sully đã bỏ gần suốt cuộc đời mình cho việc quyên tiền và xây cất. Công việc kéo dài ròng rã hơn 30 năm, năm 1196 nhà thờ hoàn thành nhưng chưa có tháp chuông thì giám mục qua đời. Năm 1225 phần tiền diện phía Tây xây xong nhưng phải đợi đến 25 năm sau mới xong hai tháp chuông như ngày nay. Từ 1260 trang trí bên ngoài nhà thờ chuyển sang kiểu Gothic do kiến trúc sư Jean de Chelles sau đó là Peter of Montereau đảm trách. Năm 1345 những phần còn lại được xây dựng xong và nhà thờ hoàn thành như kiểu ngày nay nhìn thấy. Ðây là lần đầu tiên nhà thờ áp dụng phương pháp xây cất “Flying Buttress” có những cột chống đỡ hình cung ở phía bên ngoài kiến trúc (rất nhiều ở phía sau nhà thờ) vì thời đó người ta chưa biết dùng bê tông cốt sắt. Kiến trúc nhà thờ hoành tráng, cầu kỳ với nhiều chi tiết hoa văn phức tạp rườm rà nhưng nhờ vậy mà nhà thờ trở nên một kỳ quan nghệ thuật, một kiệt tác kiến trúc mà ngày nay rất tốn kém, không chắc gì xây được như vậy.
Nhà thờ có 5 quả chuông, chuông lớn nhất có tên Emmanuel nặng 13 tấn được đặt ở tháp chuông phía Nam ngân vang động mỗi tiếng đồng hồ trong ngày và khi có thánh lễ. Vì đúc bằng đồng do dân chúng đóng góp vào thế kỷ 17 có lẫn nhiều vàng bạc nữ trang nên âm thanh của chuông thanh thoát ngân nga trong vắt như tiếng nhạc. Bốn quả chuông khác nhỏ hơn đặt chung trên giàn ở tháp chuông phía Bắc được rung lên trong những dịp lễ đặc biệt. Ngày xưa rung chuông bằng sức người rất nặng nhọc, người đánh chuông (như thằng gù trong tiểu thuyết của Victor Hugo) phải trèo lên cây đà ngang, đong đưa cho đến khi có trớn, nhưng ngày nay bằng động cơ điện chỉ cần bấm nút. Giàn phong cầm qua thời gian cũng đã thay thế nhiều lần, đầu tiên được thiết trí khoảng 1700 bởi Francois Henri Clicquot mà hệ thống ống thanh âm vẫn còn được dùng đến ngày nay. Thế kỷ 19 hệ thống đàn phong cầm được tái thiết và nới rộng ra và được điện toán hóa hoàn tất vào tháng 12-1992.
Những biến cố thăng trầm
Năm 1548, phong trào bạo loạn Huguenots chủ trương chống lại việc thờ Chúa Trời mà thay thế bằng những thần linh tà giáo. Dưới triều đại vua Louis XIV và Louis XV phát động chương trình canh tân các nhà thờ khắp cả Âu Châu, nhà thờ Ðức Bà Paris cũng trải qua những thay đổi lớn: những ngôi mộ trong nhà thờ được dời đi và những tranh cửa sổ bằng kính màu bị đập bỏ, tuy nhiên những cửa sổ ở cánh Bắc và Nam được chừa và giữ lại.
Năm 1793 thời Cách Mạng Pháp, nhà thờ Ðức Bà được coi là tàng tích thuộc chế độ vua chúa bốc lột nên nhiều chén thánh vàng bạc, kim cương trong nhà thờ bị lấy đi, 28 tượng vua Juda ở tiền diện bị quân cách mạng xem là tượng các vua dòng họ Louis nên bị họ cắt đầu (cũng giống tượng Hai Bà Trưng ở bờ sông Sài Gòn trong chính biến 1963), tượng Ðức Mẹ trên nhiều bàn thờ được thay thế bằng tượng nữ thần Tự Do và nhà thờ trở thành kho lúa mì trong một thời gian dài mấy mươi năm. Nhà thờ trở nên hoang phế điêu tàn, xuống cấp trầm trọng khiến chính quyền định phá hủy toàn bộ vì nghĩ rằng không thể nào tái thiết lại được. Sau đó văn hào Victor Hugo vốn yêu nhà thờ cổ này nên viết quyển tiểu thuyết “Notre Dame de Paris” (nhiều người đổi tựa thành “Thằng Gù Nhà Thờ Ðức Bà”) như một phần thương cảm mối nguy cơ mất đi một kiến trúc cổ gắn liền với lịch sử thành phố. Tiểu thuyết hấp dẫn người đọc nên một phong trào quyên tiền gây quỹ tái thiết nhà thờ thành hình đưa đến chương trình tái thiết bắt đầu vào năm 1845 được giao cho hai kiến trúc sư Jean Baptiste Antoine Lassus và Eugène Viollet le Duc thực hiện. Công việc trùng tu kéo dài đến 25 năm mới hoàn tất trong đó có phần xây thêm tháp nhọn (flèche) như mũi tên ở giữa nóc nhà thờ và những lỗ thoát nước máng xối trên mái với hình đầu những quái thú (chimeras) rất kỳ hoặc.
Năm 1871 sau cuộc chiến tranh với người Ðức (Prussian) là phong trào Paris Commune đốt phá nhiều nơi trong thành phố Paris (có cung điện Tuleries bị thiêu rụi). Có tài liệu ghi người ta định đốt nhà thờ nhưng chỉ cháy một dãy ghế thì dừng lại. Thế Chiến Thứ Hai năm 1939, sợ máy bay Ðức sẽ oanh tạc ném bom nên người ta tháo gỡ các cửa sổ bằng tranh kính màu và gắn lại sau khi chiến tranh kết thúc. Năm 1991 một cuộc đại trùng tu kéo dài cho đến nay (2009) trong đó có việc phục hồi sửa chữa tất cả những điêu khắc cổ. Công việc trùng tu nhà thờ diễn ra trường kỳ và chắc sẽ không bao giờ chấm dứt. Vào năm 1905 đạo luật nhằm phân định những tài sản nào thuộc nhà nước và giáo hội vì ngày xưa chính quyền và giáo hội là một, nhà thờ Ðức Bà Paris được liệt vào tài sản của quốc gia.
Sân trước nhà thờ được chính quyền chọn làm “Ðiểm Số Không” tức “Cây Số Zéro” để rồi từ điểm này các xa lộ bắt đầu đi từ Paris các số trên trụ cây số sẽ tăng dần lên. Nhà thờ tọa lạc ở hướng Ðông cuối đảo Ile de la Cité, phía sau nhà thờ là vườn hoa trồng nhiều bông hồng, công viên này có tên là Công trường Gioan 23 nhằm tưởng niệm vị cố giáo hoàng canh tân giáo hội với Cộng Ðồng Vatican II. Phía sau công viên là dòng sông với cây cầu bắc ngang qua một đảo nhỏ khác nữa là đảo Saint Louis có 4 khách sạn và các nhà hàng, quán cà phê.
Chúng tôi rời nhà thờ để trở về ga Cité, cạnh cửa xuống ga nhìn thấy chợ trời bán bông hoa, cây kiểng để trồng (nursery). Vốn yêu thích hoa thơm cỏ lạ nên chúng tôi tạc vào khu chợ này để xem hoa kiểng Paris khác với Cali như thế nào? Có lẽ vì mưa nhiều nên cây kiểng xanh mướt và bông hoa cánh to màu sắc sặc sỡ hơn nhưng giá cả thì rất đắt gấp đôi. Trong khu chợ hoa kiểng này mỗi tuần ngày Chủ Nhật còn có bán chim chóc. Chợ hoa đã có từ lâu mang màu sắc và hương thơm quanh năm cho thành phố và cũng là chợ hoa kiểng duy nhất còn tồn tại ở trung tâm Paris. Cạnh chợ hoa, ngoài hàng rào có dựng một hàng xe đạp của nhà nước cho mướn và người mướn xe có thể trả xe ở địa điểm khác trong thành phố. Ðược biết nhằm bảo vệ môi sinh, nhà nước khuyến khích người dân dùng xe đạp và việc cho mướn xe bắt đầu từ tháng 7-2007 gồm 20 ngàn xe được đặt ở 1,400 địa điểm khác nhau. Ở những địa điểm này không có người trông coi, tất cả việc thuê mướn đều dùng máy.
Trịnh Hảo Tâm