Thứ Tư, 01 Tháng Tám, 2012

Trên đường từ Nice tới Lyon

Trên đường từ Nice tới Lyon

Sông Rhône và thành phố Lyon nước Pháp

 

Ðường phố Lyon êm đềm và cổ kính

Hàng quán hoa quả trên hè phố Lyon

 

Tiền diện nhà ga Lyon Perrache

 

Tàu hỏa tốc TGV đi Paris đậu trong nhà ga Lyon Perrache

Nice nằm ở góc Ðông Nam cuối nước Pháp trong khi Paris ở gần cực Bắc, từ Nice lên Paris đường dài khoảng 860 km, nếu đi xe hơi trên xa lộ A8 mất khoảng 9 tiếng đồng hồ. Lộ trình này đoàn du lịch chúng tôi chia làm 2 chặn: từ Nice lên Lyon đường dài khoảng 430 km chúng tôi ngồi trên xe Coach thường lệ của hãng Trafalgar. Từ Lyon đi Paris bằng xe điện TGV (Train Grand Vitesse), đường dài cũng 430 km chỉ mất 2 tiếng đồng hồ.

Từ khách sạn Ellington ở trung tâm thành phố Nice chúng tôi khởi hành lúc 7 giờ 20, xe chạy trên xa lộ A8 xây trên cao và cách bờ biển chừng một vài cây số. Xe ngang qua phi trường Nice được xây dựng bằng cách lấn biển, ngồi trên xe thấy các phi cơ đậu trong phi trường. Rồi ngang qua Cannes cách Nice chừng 20 km. Cannes cũng như Nice nằm sát bờ biển, theo thống kê 2007 thành phố có 70,400 dân. Cannes nổi tiếng với đại hội điện ảnh (Cannes Film Festival) được tổ chức hàng năm. Thành phố có nhiều biệt thự sang trọng nằm trong những khu kín cổng cao tường, đồng thời thành phố có những khách sạn thanh lịch, những hiệu buôn cho giới thượng lưu và các nhà hàng đắt tiền. Từ trên xa lộ cao chỉ ngắm nhìn Cannes qua những đường phố, bến tàu chứ không đặt chân xuống vì sợ... phỏng tay, cháy túi thì chỉ có nước “ngày về Cali, suốt đời làm... cu ly”! Cũng như Nice, đường phố Cannes trồng nhiều cây cọ (một loại palm) nên đại hội điện ảnh ở đây có giải thưởng “cành cọ vàng” khác với giải “tượng người vàng” của Oscar ở Holywood.

Avignon, cung điện các giáo hoàng

Từ Cannes bắt đầu xa dần bờ biển đi sâu vào đất liền để tới thành phố Avignon. Avignon được biết tiếng là nơi từng có nhiều vị giáo hoàng di chuyển từ Roma về cư ngụ tại đây từ đầu thế kỷ 14 đến đầu thế kỷ 15. Nguyên nhân là có sự bất đồng trong giáo hội nên năm 1309 Giáo Hoàng Clement V đã chọn Avignon làm nơi cư trú thay vì Roma. Avignon trực thuộc các vị giáo hoàng cho đến năm 1791 do sự thay đổi bản đồ từ Cách Mạng Pháp 1789, thành phố mới được trả về cho nước Pháp. Avignon hiện có 89,300 dân nằm bên tả ngạn (phía Ðông) của sông Rhône là đường thủy huyết mạch từ Bắc xuống Nam của nước Pháp. Sông Rhône nối vào các sông khác để tàu thuyền lên tới Paris và đi khắp mọi miền trong nước Pháp. Nước Pháp từ cổ xưa đã có lịch sử huy hoàng cũng nhờ có hệ thống sông ngòi chằng chịt như mạng nhện này. Trong thành phố hiện còn nhiều nhà thờ và các dinh thự cổ xưa nổi tiếng là tòa dinh thự của các giáo hoàng. Ðặc biệt vùng này rất nhiều gió nên người ta phải trồng cây thật cao, khít với nhau để làm hàng rào cản gió. Ðược biết một điều khá thú vị liên hệ tới Việt Nam là người sáng chế ra chữ Việt, linh mục truyền giáo Alexandre de Rhodes (1591-1660) thuộc dòng Jesuit là người sinh trưởng tại Avignon. Nơi đây cũng sản xuất nước suối rất nổi tiếng của Pháp là nước suối Perrier được bán sang tận Hoa Kỳ.

Từ Avignon trở đi con đường theo hướng Bắc song song với sông Rhône, chúng tôi đi vào vùng Rhône-Alpes, phía Ðông chập chùng dãy núi cao Alpes nằm giữa biên giới 3 nước: Pháp, Thụy Sĩ và Ý Ðại Lợi. Rặng núi Alpes cao nhất Âu Châu trong đó có ngọn Mont Blanc cao 4,807m (1,577 ft.) quanh năm phủ tuyết trắng là địa điểm nghỉ mát và chơi tuyết của dân chúng khắp Âu Châu.

Chúng tôi ăn trưa trong quán ăn cạnh trạm xăng và tiệm tạp hóa. Tôi đi lòng vòng trong tiệm tạp hóa xem hàng hóa của Pháp bán như thế nào? Ðiều làm tôi ngạc nhiên hơn hết là nhớt máy xe hơi bán sao quá đắt, 1 lít nhớt hiệu Castrol thấy đề giá đến 20 Euro tức 30 đô la cho... 1 lít nhớt! Bên Mỹ nơi tôi ở chỉ có hơn 2 đồng “boạc”! Tôi có chụp tấm hình mấy hộp nhớt trên kệ hàng để làm tài liệu, có dịp hỏi bà con bên Pháp có phải giá đắt như vậy hay không? Hay ở ở trạm xăng giữa đường họ tính mắc? Ăn trưa xong chúng tôi đi vào thành phố Lyon.

Lyon, thành phố lớn thứ ba của Pháp

Dân số vùng Lyon theo thống kê năm 2007 có gần 1.8 triệu chiếm hơn phân nửa dân số vùng Rhône-Alpes là 3 triệu người, là thành phố đông dân đứng thứ ba của Pháp sau Paris và Marseille. Lyon ở giữa nước Pháp, nằm trên ngã ba hai con sông Rhône dẫn nước từ hồ Genève (Thụy Sĩ) ở phía Ðông qua và sông Saône từ phía Bắc xuống. Tới Lyon sông Saône chấm dứt sau khi đổ nước vào sông Rhône, ở miền Bắc con sông Saône này nối với những con sông khác để nhập vào sông Seine chảy ngang Paris. Nói cách khác là từ Lyon người ta có thể đi thuyền trên sông Saône lên Paris để ra biển Ðại Tây Dương hay theo sông Rhône đi về phía Nam ra biển Ðịa Trung Hải hay ngắn gọn hơn là Lyon nằm trên đường thủy nối liền Ðại Tây Dương và Ðịa Trung Hải mà không cần phải đi vòng qua eo biển Gibralta giữa Tây Ban Nha và Ma Rốc. Lyon cũng là thành phố lớn gần nhất để đi vào vùng núi Mont Blanc cao nhất Âu Châu. Về kinh tế Lyon có kỹ nghệ về hóa học, dược phẩm, sản phẩm tin học chuyên về nhu liệu cho những Video games. Thời xưa Lyon nổi tiếng về tơ lụa rất đẹp và được gọi là kinh đô tơ lụa của thế giới nhưng không biết có hai nàng Tây Thi và Trịnh Ðán giặt lụa trên sông như ở Tô Châu không?

Lyon là thành phố cổ có lịch sử hơn hai ngàn năm, còn lưu lại những di tích thời đế quốc La Mã cai trị khắp Âu Châu là những rạp hát lộ thiên có những hàng ghế đá xây theo những đường tròn như di tích Colosseum ở Rome. Những thắng cảnh và công trình kiến trúc ở Lyon thu hút du khách là: Place Bellecour, Vương Cung Thánh Ðường Saint Jean, nhà thờ chánh tòa Basilica of Notre Dame de Fourvière, phế tích rạp hát thời La Mã trên ngọn đồi gần Fourvière Basilica và các viện bảo tàng nổi tiếng.

Từ hướng Nam vào thành phố xa lộ cập theo dòng sông Rhône nước thật đầy, tàu thuyền xuôi ngược tấp nập, phía trái là thành phố êm đềm có vẻ thư thái nhàn tản, có thể thấy những cụ già đi bộ trên hè phố và những quán cà phê vỉa hè đấy ấp khách địa phương. Chúng tôi đến nhà ga xe lửa (ngày nay chạy bằng điện) Lyon để đáp tàu điện hỏa tốc TGV khởi hành lúc 2 giờ 46 PM để đi Paris. Lyon có hai nhà ga xe điện: nhà ga cũ có tên là Lyon Perrache và nhà ga mới Lyon Part Dieu dành riêng cho xe điện hỏa tốc TGV và còn nhiều nhà ga nhỏ khác cho xe điện địa phương.

Lyon năm 1922 dưới mắt một người Việt

Ngày xưa gần trăm năm trước khi chưa có đường hàng không, từ Việt Nam sang Pháp người ta phải đi bằng tàu thủy cập bến Marseille. Lyon nằm trên đường từ Marseille đi Paris nên hành khách Việt Nam sang Pháp lên Paris bằng xe lửa đều phải ghé qua Lyon. Là kẻ hậu sanh (khả ố) không dám so sánh mình với học giả Phạm Quỳnh nhưng khi lục tìm tài liệu trong sách xưa, tình cờ tôi mới phát giác ra mình và ông Phạm Quỳnh đến Lyon cùng một ngày! Hôm nay là ngày Thứ Ba 13-5-2008 đúng 86 năm về trước vào ngày Thứ Bảy 13-5-1922 học giả Phạm Quỳnh (1892-1945) cũng đã từ Marseille đáp xe lửa lên Lyon nhân chuyến đi Pháp của ông tham dự hội chợ đấu xảo Marseille 1922. Ta hãy nghe ông Phạm Quỳnh tả về thành phố Lyon vào thời ấy trong “Pháp Du Hành Trình Nhật Ký” (ngày xưa đăng trên Nam Phong Tạp Chí nay đã được in thành sách) như sau:

“Ðến Lyon vừa đúng 2 giờ rưỡi chiều. Ngay cạnh nhà ga ‘Lyon-Perrache’ có một cái khách sạn lớn gọi là hôtel Terminus của công ty xe lửa P-L-M đặt cho hành khách trọ. Mấy anh em đều xuống nghỉ cả đấy. Nhà khách sạn này lịch sự lắm và chỉ nhận khách đi xe lửa mà thôi.

Nghỉ ngơi một lát, chừng 4 giờ đi chơi phố. Mới ở Marseille lên, thấy cảnh tượng phố phường ở đây lạ hẳn. Lyon là thành phố thứ ba của nước Pháp, dưới Paris và Marseille, thế mà không có cái vẻ sầm uất như ở Marseille. Không phải là thành phố không to lớn, buôn bán không thịnh vượng, đây chính là nơi tổ nghề tơ lụa ở nước Pháp, bao nhiêu những đồ tơ lụa có tiếng của nước Pháp đem bán ở các nước là chế tạo tự đây, xuất cảng tự đây cả, không phải là dân số ít vì dân ở đây cũng hơn 50 vạn người chẳng kém gì Marseille, thế mà đến đây có cái vẻ bình tĩnh nghiêm trang, không có phiền náo rộn rịp như ở Marseille. Là bởi cái cảnh tượng bề ngoài với cái tư cách người ta, ở Nam phương với ở đây cách xa nhau lắm. Lyon tuy chưa hẳn là Bắc phương, nhưng đã có cái khí vị Bắc phương rồi. Người Marseille hay nói hay cười, hay ba hoa bả lả, hay ngao du ngoài phường phố, hay tụ tập chỗ đông người, lại hay đùa nhau, bỡn nhau, chửi nhau, đánh nhau, nên trong thành phố lúc nào cũng ồn ào những tiếng người, rộn rịp những xe chạy. Lại thêm trời thường sáng sủa, nắng ráo, ấm áp, bảnh bao, cho nên đầy trong không khí như có cái vẻ vui vẻ tươi cười. Ở Lyon thời thật là khác: người đây trầm tĩnh, điềm đạm, ít nói, ít cười; coi bộ những người đi ngoài phố như ai cũng có việc gì mới đi,chứ ít người đi chơi phiếm. Còn cảnh sắc thời thường u ám, hay có sương mù ở sườn núi mặt sông. Cảnh ấy người ấy làm cho thành phố Lyon có một cái khí vị nghiêm và buồn.

Ðịa thế thành Lyon đẹp lắm; ở giữa nơi hợp lưu hai con sông Rhône và Saône, chung quanh những núi non xanh rì, nhà lầu chồng chất, trông thật là kỳ tú. Không cảnh gì đẹp bằng đứng trên bờ sông mà ngắm dải trường giang xanh ngắt, trên có hơn chục cái cầu bắc song song. Một bên sông Rhône, một bên sông Saône, bao bọc thành phố như hai con trường xà; những phố phường ở giữa hai sông là nơi đông đúc, đẹp đẽ nhất.”

Ga Lyon Perrache

Tám mươi sáu năm trước học giả Phạm Quỳnh tới Lyon bằng nhà ga Perrache, hôm nay chúng tôi sẽ rời Lyon cũng bằng nhà ga này để đi Paris. Xe đưa chúng tôi tới nhà ga Central Perrache là nhà ga cũ ở ngay trung tâm thành phố. Hai con sông hợp lại thành chữ Y như cái ly uống champagne, vị trí nhà ga này nằm trong cái ly đó. Ðại lộ thẳng lên hướng Bắc để đi vào cửa chính nhà ga là con đường rất đẹp, hai bên nhà hàng, phố xá, hai hàng cây xanh tươi bóng ngả bên đường. Tài xế thả chúng tôi xuống với túi hành lý xách tay, anh ta sẽ lái xe không vượt 430 cây số ngàn, lên Paris một mình, còn chúng tôi ngồi xe điện tốc hành chỉ mất hơn 2 tiếng đồng hồ. Anh ta lái xe Coach mất 4 tiếng, kết qủa là chúng tôi tới khách sạn ở Paris sẽ chưa có hành lý! Hãng du lịch Trafalgar muốn chúng tôi đi cho biết xe điện tốc hành Train Grand Vitesse chạy như thế nào? Hầu hết những tuyến TGV đều ở nhà ga mới Lyon Part Dieu, nhà ga Perrache này là trạm cuối chỉ tuyến đường TGV Ðông Nam từ Paris xuống.

Tiền diện nhà ga khá tân tiến có thang cuốn lên lầu nhưng kiến trúc phía sau vẫn còn giữ nguyên nhà ga cũ xây năm 1855 bởi Alexis Cendrier với đường nét cổ nhiều hoa văn, đường viền kiểu rất Pháp như kiểu Tòa Ðô Chánh hay Bưu Ðiện Sài Gòn. Chúng tôi lên lầu nhìn xuống sân ga có vài đoàn tàu TGV đang nằm chờ chuyến, bụi bậm, bùn đất vì mưa gió bám đầy chứ không sạch bóng như tàu Shikensen bên Nhật. Phóng cách của người Pháp là vậy, bản tính nghệ sĩ, cái gì cũng nhàn nhã từ từ. Mái nhà ga bằng kính trong màu xanh nhạt rất rộng che hết các sân ga và các đoàn tàu đậu trong đó. Bây giờ mới 1 giờ 45 còn một giờ nữa tàu đi Paris mới khởi hành. Chúng tôi lang thang trong nhà ga xem các quán cà phê, quầy bán vật dụng linh tinh, quà kỷ niệm, tem thư, máy bán bánh kẹo, thuốc lá. Ðất Phú Lang Sa mà cái gì cũng khác và lạ mắt hơn bên Mỹ. Nhân viên an ninh nhà ga chắc là sinh viên làm ngoài giờ hay sao mà rất trẻ, họ xem Passport, kiểm người bằng quang tuyến và cho biết vào trong phòng chờ chuyến đi là không ra ngoài được (xem như phòng cách ly ở phi trường). Một lát sau họ đi ăn uống đâu mất nên nhiều hành khách vào mà không ai xét hỏi, nhiều người ra ngoài mua cà phê, nước ngọt thong thả. Phong thái người Pháp bao giờ cũng uyển chuyển chuyển tà tà không kỷ luật cứng ngắc như người Ðức và Mỹ. Một điều cũng cần nói thêm là “Ga Lyon đèn vàng, cầm tay em muốn... khóc” của nhà thơ Cung Trầm Tưởng (hiện sống ở Minnesota) là ga Lyon ở Paris, tàu điện từ Lyon đến sẽ đậu tại đó. Ngày xưa về Việt Nam bằng tàu thủy từ bến Marseille, nên từ Paris muốn trở về xứ Việt là phải ra ga Lyon để đi Marseille nên ga Lyon trở thành biểu tượng của sự chia ly:

“Tiễn em về xứ Mẹ

Anh nói bằng tiếng hôn

Không còn gì lâu hơn

Một trăm ngày xa cách

Tuyết rơi mỏng manh buồn

Ga Lyon đèn vàng

Cầm tay em muốn khóc

Nói chi cũng muộn màng...”

(“Tiễn Em” - Cung Trầm Tưởng)

Trịnh Hảo Tâm

Bài viết khác