Thứ Tư, 01 Tháng Tám, 2012

Nice, biển xanh nước Pháp

Nice, biển xanh nước Pháp

Bãi biển Nice nhìn từ đồi Chateau

 

Masséna, công trường chính của Nice

Chợ hoa ở Cours Saleya trong khu phố cổ

Khách sạn Negresco trên đường bờ biển

 Nice (đọc [nis] chứ không phải [nais] như trong tiếng Anh có nghĩa là xinh đẹp) là thành phố nghỉ mát nằm ở cực Ðông Nam nước Pháp trong vùng bờ biển French Riviera (tiếng Pháp gọi là Côte d'Azur). Thời Trung Cổ Nice là một quốc gia có ngôn ngữ riêng, sau đó có lúc thuộc Ý, có lúc thuộc Pháp và ngày nay là trung tâm du lịch nổi tiếng Âu Châu.

Chúng tôi đến Nice vào một buổi chiều Xuân nắng vàng, gió mơn man làn tóc... hói. Sau khi dùng bữa tối ở nhà hàng Le Gustave 5 nằm sát bờ biển, chúng tôi được đưa về khách sạn Ellington ở số 25 đại lộ Dubouchage 06000 Nice. Khách sạn 119 phòng quảng cáo là 4 sao nhưng có vẻ cũ kỹ, bên trong phòng, sàn nhà kêu cọt kẹt mỗi lần bước chân, nệm rất cứng và vòi nước nóng trong phòng tắm kiểu cũ xưa không biết làm sao mở nước, phải kêu nhân viên khách sạn lên mở thử một lần mới biết cách mở. Nói chung phòng cũng khá sạch sẽ và tôi có cảm giác như ngủ trong một biệt thự nào đó ở Ðà Lạt những ngày xưa đong đầy kỷ niệm. Bên ngoài khách sạn tường sơn màu cam, kiến trúc hoa văn đầy vẻ Pháp nhất là các cửa sổ, những ban công ra ngắm xuống đường. Tôi thích nhất là con đường trước khách sạn hai bên có hai con đường riêng cho xe đạp và bộ hành với những hàng cây cổ thụ tán lá xanh rợp bóng ban ngày và thơ mộng ban đêm. Cảnh ở khu này có vẻ êm đềm, xưa cũ lối kiến trúc Pháp giống ở Việt Nam, gợi nhớ lại những con đường Huyện Thanh Quan, Tú Xương ngày nào.

Sáng hôm sau là ngày Thứ Hai 12 Tháng Năm 2008, hôm nay là ngày lễ Pentecôte, đạo Thiên Chúa gọi là Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, 50 ngày sau Lễ Phục Sinh. Ðối với nước Pháp đây là ngày lễ quốc gia, công tư chức, học sinh toàn quốc đều được nghỉ nên đường sá khá thưa vắng. Chúng tôi có một bữa điểm tâm vừa miệng ở khách sạn nhất là bánh croissant (sừng trâu) và cà phê rất ngon đúng theo “gu” của Pháp (bên Mỹ bánh croissant lớn hơn nhưng bơ không thơm bằng bơ Pháp). Hôm nay đoàn du lịch Trafalgar có một tua nhiệm ý trả thêm tiền (optional tour) tên là “The best of French Reviera” đi thăm Saint Paul de Vence là một làng ở trên núi, nơi đây có viện bảo tàng nghệ thuật Fondation Maeght, viếng xưởng nước hoa và ăn trưa với giá là 74 Euro (111 USD) mỗi người. Chúng tôi không đi, nên có một ngày tự do thăm thú ngao du ở Nice.

Ðại cương về Nice

Thành phố Nice nằm trong vùng Provence-Alpes-Côte d'Azur có dân số 1,197,751 người (2007) là thành phố lớn thứ 5 nước Pháp sau Paris, Marseilles, Lyon và Toulouse. Mặt Nam của thành phố giáp biển Ðịa Trung Hải, ba hướng Tây, Bắc và Ðông bị dãy núi Alps bao bọc. Có con sông nhỏ Paillon chảy qua và đổ ra biển theo hướng Bắc Nam, ngày nay ở trung tâm thành phố con sông đã được lấp để trở thành một đường cống ngầm lớn thông ra biển. Phía bên trên người ta xây dựng đường sá, công viên, nhà bảo tàng và đường xe điện. Phía Ðông con sông là khu phố cổ với chợ nhóm ngoài trời và nhiều nhà thờ cổ. Phía Tây là khu phố mới, đường sá thẳng tắp với những hàng cây cọ, nhiều biệt thự sang trọng. Vùng Tây Nam sát bờ biển có ngọn đồi nhỏ bên trên còn nhiều di tích, lâu đài thời Trung Cổ nên được gọi là đồi Chateau (lâu đài). Bên cạnh ngọn đồi ở hướng Tây là đầm nước sâu là hải cảng của thành phố Nice với nhiều du thuyền neo đậu trong đó.

Về lịch sử, Nice có thể được thành lập bởi người Hy Lạp sống ở Massilia (Marseille ngày nay) vào khoảng 350 BC và được đặt tên là “Nikaia” (Nike là tên nữ thần chiến thắng Hy Lạp) để ăn mừng chiến thắng với nước láng giềng Ligurians. Thành phố trở thành hải cảng giao thương bận rộn nhất trong vùng biển Ligurian. Vào thế kỷ thứ 7 Nice hợp tác với dân Genoese (thành phố Genova của Ý ngày nay) để tạo thành một liên minh vùng Liguria. Thời Trung Cổ Nice theo Ý Ðại Lợi tham dự nhiều cuộc chiến, thế kỷ 13 và 14 nằm dưới sự đô hộ của dân tộc Savoy nói tiếng Ý. Năm 1792 Nice bị thôn tính bởi nước Cộng Hòa Pháp và quận Nice trở thành một phần lãnh thổ Pháp cho đến năm 1814 Pháp giao Nice cho vương quốc Sardinia-Piedmont. Hiệp ước 1860 ký giữa vua Sardinia và Napoléon III, Nice được trao trả lại cho Pháp đến ngày nay. Trong Ðệ Nhị Thế Chiến khoảng từ 1942-43 Nice từng bị quân Ý chiếm đóng và cai trị. Sau đó liên quân Trục Ý Ðức Nhật bại trận và Pháp chiếm lại thành phố Nice.

Về kinh tế nguồn lợi tức của Nice nhờ du lịch, ngoài biển xanh với bờ đá trắng, Nice có khí hậu ấm áp quanh năm, Mùa Ðông không có tuyết. Thành phố có nhiều nhà bảo tàng, nhà hàng với những món hải sản nấu theo kiểu Ý dùng nhiều dầu Olive rất được du khách ưa chuộng. Món đặc sản của Nice là cá Anchovy nấu với hành có tên là món “Pissaladière”. Nice có phi trường lớn thứ 3 của nước Pháp đứng sau 2 phi trường Charles De Gaulle và Orly đều ở Paris. Nice có truyền thống văn hóa và lịch sử riêng, có ngôn ngữ địa phương là tiếng Nissard mà nhiều học giả Ý cho là tiếng của dân Ligurian. Ngày nay ngôn ngữ Nissard còn được dạy trong đại học và một số người lớn tuổi (khoảng 500 ngàn) còn biết nói tiếng này.

Lên đường khám phá Nice

Khách sạn Ellington ở ngay trung tâm thành phố, cầm bản đồ chúng tôi dự định xuống bờ biển vì đây là nơi đẹp nhất của thành phố. Theo con đường rợp bóng cây trước khách sạn đi về hướng Tây gặp con đường lớn hai bên phố xá lầu là Avenue Jean Médecin rẽ trái đi về hướng Nam. Ðường này phố xá hao hao giống đường Tự Do hay Nguyễn Huệ Sài Gòn cũng có tiệm giày bata. Không mấy chốc chúng tôi đến một công trường rộng lớn hình tròn, không lát đá tảng mà lát gạch xám, chính giữa là bồn phun nước và xung quanh là những dãy nhà lầu tường đỏ theo kiểu Ý. Ðó là công trường Masséna lớn nhất của thành phố Nice.

Công trường Masséna

Công trường mang tên ông André Masséna cư dân ở Nice sống vào đầu thế kỷ 20. Ngày xưa khi con sông Paillon chưa bị lấp, công trường Masséna bị con sông chia làm hai phần: Bắc và Nam. Nối liền hai phần này là cây cầu Pont-Neuf. Cây cầu cũng là nơi thông thương giữa hai khu phố cổ phía Ðông và phố mới phía Tây. Năm 1979 sòng bạc Masséna Casino được phá bỏ khiến công trường càng thêm rộng lớn. Ngày nay trên công trường có đường xe điện móc dây trên cao chạy ngang, mang khách bộ hành tới lui tấp nập. Trên công trường người ta trồng những hàng cây cọ và sơn tùng (stone pines) thẳng tắp. Từ khi được tân trang và nới rộng, công trường Masséna là nơi diễn ra nhiều hội hè long trọng của thành phố: những buổi hòa nhạc, ca hát trong những tháng Hè, diễn binh trong ngày Quốc Khánh Phá Ngục Bastille 14 Tháng Bảy và rực rỡ hơn hết là Hội diễn hành xe hoa hàng năm vào Tháng Hai.

Khu Chợ Hoa

Ở công trường thấy nhiều bảng hướng dẫn đến Chợ Hoa, chúng tôi theo bảng này đi về hướng Ðông Nam trên con đường hẹp Alex Mari hai bên là dãy phố êm đềm cũ kỹ. Chợ Hoa tên chính thức là “Cours Saleya Marché aux fleurs” nhóm hàng ngày nhưng hôm nay là ngày Thứ Hai dành riêng cho chợ đồ cổ. Qua các gian hàng bày bán các món sành sứ, đồ dùng trong nhà không cổ lắm và có những món mới nhưng công nhận là hàng hóa lạ mắt và đẹp hơn các chợ đồ cổ ở Cali. Có cây thánh giá bằng kim loại khá đẹp, nhỏ cỡ gang tay đề giá 50, vợ tôi nghĩ là 50 cents tức 50 xu Euro. Tới chừng hỏi bà bán hàng mới biết là 50 Euro (75 USD). Bà nói nếu mua bà giảm giá cho còn 40 Euro thôi! Chung quanh chợ trời là những quán ăn, quán cà phê khách ngồi nhâm nhi tán gẫu rất nhàn tản. Khu chợ hoa nằm trong khu phố cổ ở Cours Saleya, ngày xưa các thế kỷ trước là công trường chính của thành phố.

Promenade Des Anglais

Chợ Hoa nằm cạnh bờ biển, mục đích của chúng tôi sáng hôm nay là ra ngắm bờ biển vì đẹp nhất của Nice là con đường dọc theo bờ biển có tên là Promenade Des Anglais. Ngày xưa khi Nice còn là một làng quê chài lưới chưa bị đô thị hóa, bờ biển Nice còn lởm chởm đá tảng do sa mạc từ đất liền chạy dài ra tận biển và thôn xóm nhà cửa rất xa bờ biển vì phải ở nơi có giếng nước ngọt. Cuối thế kỷ 18 nhiều người Anh giàu có hay đến Nice để nghỉ ngơi những tháng Mùa Ðông vì khí hậu nơi đây ấm áp và thưởng thức phong cảnh vùng biển Ðịa Trung Hải. Ðể đóng góp cho vùng này, nhiều người Anh xây một công trình hữu ích là con đường đi bộ dọc theo bờ biển Nice. Con đường đó ban đầu được người Nicois gọi theo tiếng địa phương Nissart là “Camin dei Anglès” có nghĩa là “Con Ðường người Anh”. Năm 1860 sau khi Nice sáp nhập vào lãnh thổ nước Pháp con đường được đổi tên thành La Promenade des Anglais.

Chúng tôi đi bộ trên con đường dọc theo bờ biển này rất giống đường Duy Tân dọc theo bờ biển Nha Trang. Ra đến ngọn đồi Chateau nằm cạnh biển thấy có một đường bậc thang dẫn lên ngọn đồi cây cối xanh tươi rất đẹp nhưng không biết trên đồi có gì nên không lên mà ra bờ biển đứng nhìn nước thật xanh như ngọc thạch. Rồi theo những bậc thang để xuống bờ biển sỏi trắng, nơi này những tháng Hè thời tiết Nice nóng trên 100 độ F người ta ra đây tắm biển, phơi nắng rất đông và nghe nói nhiều phụ nữ để ngực trần cho thoải mái mát mẻ. Tiếc là hôm nay giữa Tháng Năm chưa phải Mùa Hè nên bãi biển không đông người vui chơi. Biển Nice xem hiền lành như vậy nhưng vào ngày 16 Tháng 10 1979 một trận sóng thần (tsunami) đánh lên bờ khiến 23 người chết!

Dọc theo con đường bờ biển là nhà hàng, quán rượu, khách sạn, chúng tôi đi ngang qua khách sạn nổi tiếng là Hotel Negresco xây vào đầu thế kỷ trước. Ðêm qua chúng tôi ăn tối tại nhà hàng Le Gustave 5 trên đường này, con gái tôi lại bỏ quên cặp kính mát không đắt tiền. Nhân tiện đi ngang qua đây chúng tôi ghé vào hỏi xem, ông bồi bàn ốm cao vui tánh nói là có cất giữ bên trong và lấy đưa cho con gái tôi. Khi đi ngang qua con sông Paillon đã bị lấp, méo mó nghề nghiệp Công Chánh, tôi tò mò theo bậc thang xuống phía dưới bờ biển nhìn xem con sông đổ ra biển bằng cửa cống như thế nào? Cống đôi hình chữ nhật rộng khoảng 20 mét và dòng nước đang chảy ra biển trong và sạch, trôi một cách lặng lờ.

Gặp gỡ đồng hương

Theo đường bờ biển chúng tôi đi về hướng Tây đến một ngôi nhà to lớn đẹp đẽ có đề bảng là “Musée Masséna” nhưng hôm nay là ngày lễ nên đóng cửa. Ðọc tấm bảng được biết đây là biệt thự của ông André Masséna được xây trong khoảng năm 1898 đến năm 1901, ông hiến cho thành phố Nice năm 1917 và thành phố biến thành nhà bảo tàng năm 1921. Xung quanh ngôi nhà bảo tàng là vườn theo kiểu Anh khá xanh tươi trồng nhiều hoa hồng đang khoe sắc dưới nắng Xuân tươi mát. Trong vườn gần băng đá bổng thấy hai phụ nữ một khoảng tuổi 35, một khoảng 50 đang trông chừng một bé trai độ 3 tuổi đang chạy chơi. Nghe loáng thoáng hai người nói chuyện nhau bằng tiếng Việt giọng miền Bắc. Hóa ra gặp đồng hương trên đất khách. Chúng tôi tới tự giới thiệu và làm quen. Cô trẻ cho biết tên là Thân Trọng Nhung và người bạn đồng hương là chị Phạm Thị Phương, cả hai có chồng người Pháp, buổi sáng các ông chồng đang bận đi làm nên hai chị rảnh rỗi đưa cháu bé (con của chị Nhung) dạo chơi. Hai chị cho biết các ông chồng Pháp này sang Việt Nam du lịch gặp hai chị nên xin cưới và đem về Pháp. Buổi chiều hai chị chỉ lo nấu ăn rồi chờ chồng về nên tương đối cuộc sống cũng rất thoải mái mặc dù ở đây buồn vì ít người Việt nhưng vài năm các chị về thăm nhà một lần nên cũng đỡ nhớ gia đình. Tôi hỏi ở Nice này có nhà hàng Việt Nam không? Hai chị cho biết có một nhà hàng Hoa Việt gần đây và đưa chúng tôi đi đến đó. Chỉ cách một khu phố và vùng này có tên là La Buffa là khu thương mại có tiệm buôn, tiệm thực phẩm bán trái cây, rau cải v.v... Nhà hàng nhỏ chỉ một căn phố bên trên có lầu để ở đề bảng hiệu là “Le Dragon Volant” có nghĩa là “Thăng Long” cũng là một ý tưởng “Ði mang theo quê hương” như nhà văn Ngô Mạnh Thu ở Cali đã từng nói. Chưa tới giờ mở cửa vì nhà hàng chỉ bán vài giờ buổi trưa và buổi tối. Tôi nói để tối trở lại nhưng chị Nhung nhấn chuông nói là để tôi gặp mặt cô chủ nhà hàng. Cô chủ đang chuẩn bị thức ăn phía sau bếp, gặp chúng tôi cũng vui mừng niềm nở. Cô đòi pha trà hoặc cà phê chiêu đãi nhưng chúng tôi xin kiếu vì còn đi thăm thú nhiều nơi, hẹn chiều sẽ trở lại ăn tối.

Hơn tuần nay toàn là đồ Tây nên rất thèm cơm trắng, canh rau và nước mắm. Cho dù cao lương mỹ vị, món Tàu hay đồ Tây ăn vài ngày là ngán, vẫn thèm cơm nhà. Rất may hôm nay không hẹn trước mà gặp hai chị đồng hương người Việt, hai chị là người miền Bắc, còn tôi là dân Nam kỳ giá sống nhưng Bắc hay Nam đều là đồng hương một nước, đồng cảnh ngộ, vì vận nước không may phải bôn ba xứ lạ quê người, tình cờ gặp nhau quả là một duyên hạnh ngộ.

Buổi sáng đi dạo trên đường Promenade des Anglais, con đường dọc theo bờ biển đẹp nhất của thành phố Nice, bỗng gặp hai chị người Hà Nội có chồng Pháp đang dẫn con dạo chơi. Thật là một hạnh ngộ bất ngờ, sau khi trao đổi hỏi thăm hai chị đưa chúng tôi đến một nhà hàng cũng của người Việt gần đó. Nhà hàng có tên là “Le Dragon Volant” có nghĩa là “Thăng Long”. Vì mới điểm tâm ở khách sạn cũng như chưa tới giờ mở cửa, tôi nói để tối trở lại nhưng một chị nhấn chuông khiến cô chủ nhà hàng đang chuẩn bị thức ăn phía sau bếp ra gặp chúng tôi. Cô niềm nở đòi pha trà hoặc cà phê chiêu đãi nhưng chúng tôi xin kiếu, lý do còn đi tìm thăm bà con cũng ở Nice này, hẹn chiều sẽ trở lại ăn tối.

Không phải nại cớ để từ chối khéo mà thật tình tôi cũng có bà con ở thành phố Nice này. Nguyên tôi có một người chú ruột thứ tư (em kế của ba tôi) cư ngụ tại Nice nhưng chú tôi đã mất vào năm 1996 chỉ còn lại người vợ ông là thím tôi năm nay cũng đã trên 80 tuổi, không biết bây giờ thím có còn ở thành phố này không? Chú tư tôi là Trịnh Ngọc Sanh (tên Pháp là Marcel Trinh) tốt nghiệp kỹ sư Công Chánh từ École Centrale ở Paris, về nước khoảng 1949 ông làm ở Bộ Công Chánh leo dần lên chức Giám Ðốc Nha Thủy Vận, rồi Tổng Thư Ký Bộ và cuối cùng ông sang Bangkok làm cho Ủy Ban Sông Mékong của Liên Hiệp Quốc và về hưu trí ở Nice mà ông cho là không khí nơi đây trong lành. Ông có người con trai nhiều người biết là phi hành gia Eugene Trinh tức Trịnh Hữu Châu sinh tại Sài Gòn năm 1950, làm cho cơ quan không gian Hoa Kỳ NASA và lên không gian bằng phi thuyền Columbia năm 1992 (http://en.wikipedia.org/wiki/Eugene_Trinh). Ở Paris chú tôi còn người con trai lớn năm nay cũng khoảng 66 tuổi là anh của Eugene. Mẹ của Eugene đã qua đời và ông đã cưới người thím của tôi bây giờ khoảng năm 1959, bà là Giám Thị trường Marie Curie ở Sài Gòn và sinh được một người con gái tên Monique Trịnh Ngọc Diệp.

Giáng Sinh năm 1978 gia đình chúng tôi vượt biên tới được Songkhla Thái Lan và Eugene Trịnh cùng người chị tên Trịnh Kim Chi (cô này đã mất vì ung thư) bảo lãnh chúng tôi định cư ở thành phố New Haven thuộc tiểu bang Connecticut, lúc đó Eugene làm giáo sư tại đại học Yale. Chú cũng xin cho tôi một chân lao động trong hãng cà rem Knudsen. Thời tiết trên đó rất lạnh, làm trong hãng kem lại còn lạnh hơn nữa và không quen với ai để chỉ dẫn trở lại nghề Công Chánh nên tôi khăn gói ra đi về miền Nam Cali nắng ấm. Từ đó tôi xin được việc làm trở lại với nghề cũ ở chính quyền thành phố Ontario cho tới năm 2006 về hưu bắt đầu những chuỗi ngày thang thang đây đó khắp nơi.

Trước khi đi Tây Âu chuyến này trong chương trình đoàn du lịch chỉ ở Nice 2 đêm và trọn ngày hôm nay, tôi nghĩ rằng sẽ phải theo tour thăm viếng đó đây như Monaco, Monte Carlo v.v... không có thì giờ để tìm thăm người thím mà từ năm 1965 đến nay là 43 năm không gặp. Lần cuối tôi liên lạc điện thoại với thím là năm 1996 khi chú tôi mất. Ngày qua tháng lại công việc bận rộn không có dịp liên lạc với thím nên không biết bà còn ở đây không hay là về Paris sống với con gái là Monique? Tôi chỉ có số điện thoại thím từ 1996, không có số của Monique ở Paris, muốn có phải gọi qua em gái tôi ở Ðức. Tôi chỉ nhớ địa chỉ căn apartment của chú tôi là số 22 Avenue des Orangers, Nice mà thôi vì mấy mươi năm trước khi ba tôi còn sống ở Việt Nam, để đỡ tiền tem, mỗi lần viết thư là gởi qua Mỹ cho tôi xem trước để biết tin tức gia đình. Tôi xem xong chuyển qua Nice cho chú tôi nên tôi còn nhớ địa chỉ. Ðêm qua lấy bản đồ ở khách sạn tôi đã thấy con đường Orangers nằm song song với bờ biển và cách bờ biển 3 blocks đường về phía Tây của thành phố. Tôi xuống quày lễ tân khách sạn nhờ cô đầm trẻ làm ở đây tìm giùm xem có tên chú thím tôi còn ở địa chỉ đó không. Cô gái rất tử tế vào Internet tìm giùm và cho biết địa chỉ đó không có ai họ Trịnh. Tôi nhờ cô gọi điện thoại cho một người trong chung cư đó xem có biết chú tôi không? Cô ta nhắc tôi giờ này đã 10 giờ đêm rồi!

Sáng nay dạo chơi ở Nice tôi có ý định tìm tới căn chung cư đó xem như thế nào? Rời nhà hàng “Le Dragon Volant” chúng tôi trở xuống bờ biển, đi bộ dần về con đường Orangers, tôi tìm đến căn chung cư số 22 thì ngạc nhiên và mừng rỡ vô cùng vì nơi hộp thơ vẫn còn tấm lắc mang dòng chữ họ TRINH. Tôi nhấn chuông gọi lên căn chung cư, sau một lúc có tiếng người đàn bà trả lời bằng tiếng Pháp. Tiếng Tây tôi “ba trật, ba nháng” nên phải dùng tiếng Mỹ, xưng danh tánh của mình và hỏi bà là ai? Hóa ra người đàn bà trẻ đó là Monique, em chú bác của tôi! Cô ta xuống lầu, đây là lần đầu gặp lại vì lần cuối gặp cô ta ở Sài Gòn lúc đó Monique mới... 5 tuổi! Chúng tôi cùng lên lầu, gặp lại người thím nay đã lụm cụm nhưng cũng không thay đổi gì nhiều. Thím nhìn tôi không ra và nói ngày xưa tôi ốm lắm (mặc dù bây giờ cũng không mập gì vì chỉ cơm rau đấp đổi qua ngày).

Chúng tôi ngồi ôn lại chuyện xưa, thím tôi nói rằng trước khi chú tôi mất có căn dặn thím là nên ở Nice đừng về Paris vì trên đó thành phố đông đúc, ô nhiễm, mất vệ sinh “về đó sẽ chết sớm”! Nên thím tôi ở lại căn nhà này một mình mặc dù đã 83 tuổi. Ban ngày sở xã hội Pháp cho một bà người Maroc đến săn sóc nấu ăn. Bà này rất thân tình, làm lâu năm nên như người nhà. Monique giới thiệu ông chồng người Pháp làm kỹ sư vi tính ở một hãng gì đó mà tôi quên mất tên, còn cô thì làm kế toán ở công ty xăng dầu Total. Monique cho biết một năm cô chỉ xuống thăm mẹ 3 lần. Lần này nhân lễ ăn mừng chiến thắng Ðệ Nhị Thế Chiến (Victory Day) hôm thứ Năm rồi, hôm nay thứ Hai 12-5-08 lễ Pentecôte nên xin nghỉ một lèo 10 ngày hai vợ chồng đi đảo Corse nghỉ mát và trên đường về lại Paris ghé đây thăm mẹ đến thứ Sáu về lại Paris. Thật là duyên hạnh ngộ xui khiến chúng tôi lại gặp nhau mặc dù không định trước cuộc thăm viếng này. Hay là vong linh ba tôi và chú tôi ở bên kia thế giới đã sắp đặt trước để anh em bà con gặp nhau? Ba tôi lúc ở Việt Nam đầu tháng 4/1975 đi hành hương Lourdres có ghé Nice thăm chú tôi nơi căn nhà này và ở lại đây mấy ngày. Những ngày đó chiến trường Việt Nam sôi động, chú tôi khuyên ba tôi ở lại Pháp nhưng ba tôi nói dù gì cũng phải về lại quê nhà vì nơi đó còn mồ mả tổ tiên ông bà.

Khu phố cổ Nice (Vieux Nice)

Hai giờ chiều vợ chồng Monique đưa chúng tôi đi thăm phố cổ Nice ở phía Tây con sông đã bị lấp bằng xe điện Tram. Khu phố xưa với những đường phố hẹp đấy bóng mát, những quảng trường nhỏ bé, các khu chợ đầy màu sắc và những giáo đường nhỏ kiểu baroque. Khu phố này được xây cách nay hai thế kỷ toàn là những ngôi nhà mái ngói đỏ nay là những quán ăn, cà phê, tiệm bánh và những hộp đêm ban đêm vang lên những điệu nhạc pop, disco tân thời. Chúng tôi ghé tiệm bánh Lou Canice, cô em chú bác Monique giới thiệu cho tôi một loại bánh ngọt đặc sản của Nice giống như bánh men ở miền Nam đất Việt nhưng vị béo không bằng nước cốt dừa mà là bơ Pháp. Chúng tôi ghé lại một quán cà phê kê những chiếc bàn ngoài trời ở khu Chợ Hoa gọi cà phê để nhâm nhi thưởng thức loại bánh đặc sản này. Nó giòn, béo và rất ngọt cũng như bánh men của ta vậy. Ðây là bánh cổ truyền ngày nay chắc cũng ít ai ăn ngoại trừ người Nicois (dân Nice) lớn tuổi muốn tìm lại hương vị ngày xưa.

Khu chợ Hoa này chúng tôi đã thăm sáng nay nằm trên quảng trường Cours Saleya, ngày xưa là trái tim của thành phố, hội hè đình đám, mua bán hàng ngày đều diễn ra tại đây. Bây giờ buổi sáng là chợ trời bán hoa, rau cải, trái cây chỉ trừ thứ hai như hôm nay là bán đồ cổ. Buổi chiều khi chợ tan, các gian hàng dọn dẹp là các quán cà phê, quán ăn bày bàn ghế ra lấn đất giành dân, từ các nơi người ta hội tụ về ngồi uống cà phê trò chuyện rất vui, đúng là phong cách của người dân Pháp. Ở các quán này du khách nào độc thân sẽ bắt gặp vài phụ nữ rất xinh, ánh mắt tình tứ lãng mạn, ngồi hàng giờ hờ hững bên tách cà phê đã nguội. Những ngày tới khi lên đến Paris, hình ảnh này thường gặp ở nhiều nơi, khiến du khách đàn ông chừng như bỏ quên con tim ở lại. Phố cổ Nice là nơi sinh hoạt về đêm với những quán rượu, hộp đêm lấp lánh ánh đèn màu ấm cúng và tiếng nhạc dìu dặt. Trong khu phố cổ Nice này có nhiều nhà thờ rất cổ xưa như nhà thờ Saint Jacques mà dân ở đây quen gọi là nhà thờ Jésu được xây năm 1612 bởi dòng tu Jesuits. Bên trong nhà thờ, cung thánh chạm trổ công phu bằng gỗ từ đời vua Louis XIII khoảng 1850. Monique cho biết nhà thờ luôn luôn đóng cửa, cô ta ở Nice từ nhỏ nhưng chưa bao giờ được vào bên trong nhưng hôm nay có lẽ lễ Pentecôte nên mở cửa cho du khách vào xem.

Ðồi Lâu Ðài (Chateau De Nice)

Năm người chúng tôi trở ra bờ biển để lên trên đồi, xưa kia có lâu đài và thành quách xây trên đó. Chúng tôi trèo lên những bậc thang xi măng được xây len lỏi trên sườn đồi, chung quanh có những ngôi biệt thự và cây cối rất đẹp. Từ trên đỉnh đồi đưa mắt nhìn xuống bờ biển Nice là một bức tranh ngoạn mục: ngoài kia biển xanh, bờ cát trắng, con đường dọc theo bờ biển với những hàng cây cọ, những dãy phố lầu cao và ngay dưới chân đồi là khu phố cổ mái ngói đỏ cái thấp cái cao, chi chít một vùng. Chúng tôi theo chân vợ chồng Monique vừa nhắc chuyện trong dòng họ ngày trước, có những chuyện tôi được nghe kể lần đầu rất vui, vừa ngắm cảnh cây cối hoa lá trên đồi. Chúng tôi đến khu di tích thành quách ngày xưa, bây giờ chỉ còn lại nền nhà và những chân cột bằng đá trắng. Cũng như các nước Âu Châu khác, ngày xưa thành quách thường được xây trên đỉnh đồi vì đó là ưu thế về chiến lược là nhìn thấy địch từ xa. Vị trí đồi sát bờ biển còn thấy rõ những chiến thuyền của đối phương và những thương thuyền từ các nước khác tới vì hải cảng Nice là một eo biển nước sâu nằm dưới chân đồi ở phía Ðông (phía Tây là thành phố Nice). Theo tấm bảng dựng ở đây bằng 3 thứ tiếng Pháp, tiếng cổ Nissard và tiếng Anh được biết lâu đài Nice có tường thành bao bọc được xây từ lâu có lẽ từ thời Trung Cổ và bị giặc tàn phá năm 1706. Có một bức ảnh chụp lại bức vẽ Chateau de Nice đề tháng Tư 1691. Sau đó cũng chính địa điểm này người ta xây lại một thành lính có tên là La Tour Bellanda vào năm 1826 (cũng có bức họa vẽ thành lính này). Ðến một nơi khác gần đó có một tấm bảng đề là “Nơi đây là khu dân cư của thành phố gồm nhà cửa, xưởng sản xuất, kho hàng được xây xung quanh một công trường nhỏ, phía bên trên là bể chứa nước. Tất cả bị phá hủy trong cuộc tấn công vào năm 1691.

Ngày nay trên đỉnh đồi không có một ngôi nhà tư nhân nào, đồi trở thành công viên di tích lịch sử và phía Bắc cũng trên đỉnh đồi là nghĩa địa của thành phố. Trời đã về chiều, mây đen kéo đến phủ kín bầu trời, từng hạt mưa nhỏ lất phất bay và những đợt gió lạnh thổi lất phất. Chúng tôi ra hướng Tây đỉnh đồi nhìn xuống eo biển hải cảng của Nice. Eo bên trong được đào thêm có hình chữ nhựt là bến đậu của những du thuyền nhỏ, phía eo bên ngoài cũng hình chữ nhựt xiên có 2 chiếc Cruise to lớn đang đậu. Kè đá ngăn sóng, chận cát bồi xây dài ra ngoài biển và điểm cuối của kè đá là ngọn hải đăng.

Chúng tôi trở xuống núi bằng con đường dốc cho xe hơi chạy và đi bộ xuyên qua phố cổ đến con sông bị lấp, nơi đây đón xe điện Tram để đi về hướng Tây đến nhà hàng Việt Nam “Le Dragon Volant” ở đường Buffa trong khi trời lất phất mưa bay. Chúng tôi dùng phở, mì tuy không so sánh được với các nhà hàng Bolsa nhưng vợ chồng Monique ăn có vẻ cũng hài lòng. Tôi thì có giá sống, có rau thơm và nước mắm cũng đỡ nhớ nhà. Giá tiền mỗi món khoảng 7 Euro là giá bình dân cho một món ăn ở xứ Pháp đắt đỏ này. Ăn xong chúng tôi chia tay từ giã vợ chồng cô em họ Monique, hai người sẽ ra trạm xe Tram về nhà còn chúng tôi thì đi bộ về khách sạn Ellington cách chừng 1 km về hướng Tây. Ði bộ ngắm cảnh phố phường Nice đồng thời cũng tìm quán Internet ghé vào đọc thư từ Email và tin tức Bolsa. Ði chỉ hai khu phố cũng trên đường Buffa là gặp quán Internet tên là Easynet Café ở số 26 Rue de la Buffa 06000 Nice. Anh chàng chủ quán là người xứ Trung Ðông nào đó rất vui tính, lấy nước lạnh và giá rất rẻ (có 2 Euro cho tôi và con gái). Chúng tôi rảo bước về tới khách sạn 8 giờ đêm trời cũng hãy còn sáng, muốn đi nữa nhưng thân xác đã rã rời vì đi bộ, leo núi suốt một ngày. Ðêm nay là đêm cuối cùng ở Nice, phố biển thơ mộng trên bờ Ðịa Trung Hải nước xanh cát trắng và tôi không ngờ trước ngày hôm nay gặp lại được gia đình thím tôi và cô em họ 43 năm xa cách.

Trịnh Hảo Tâm

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art