Lộ Ðức, nơi ai cũng muốn trở lại
Mỗi người đều có một nơi chốn muốn đến khi đi du lịch, nhưng ít người nào muốn trở lại nơi chốn mà mình đã có dịp đặt chân qua, ngoại trừ nơi chốn đó vẫn còn in đậm những háo hức hay những tình cảm êm đềm trong tâm trí của mình.
Hang động Massabielle thu nhỏ tại Lộ Ðức. (Hình: ATNT Tours)
Tôi đã đến Lourdes (Lộ Ðức) tất cả sáu lần và bây giờ vẫn còn mang một tâm trạng muốn trở lại thành phố nhỏ nhắn và bình an này bất cứ lúc nào mỗi khi có dịp.
Gave de Pau là tên một con sông nhỏ nằm về miền Tây Nam nước Pháp, sát với biên giới Tây Ban Nha, khởi nguồn từ thành phố Gavarnie chảy xuyên qua các làng phố Lourdes, Pau, Orthez. Còn Lourdes là một ngôi làng nhỏ nằm cạnh thành phố Pyrenean, chỉ có hơn 4,000 dân sống bằng nghề đục đẽo xay mài đá vào cuối thế kỷ 19.
Ðường vào Lộ Ðức. (Hình: ATNT Tours)
Nhưng con sông Pau và làng nhỏ Lourdes được tất cả thế giới biết đến kể từ khi cô bé chăn cừu Bernadette có cơ duyên gặp Ðức Mẹ hiện ra bên hang động Massabielle của Lourdes. Ngày nay, Lourdes không còn là một ngôi làng nhỏ xơ xác nữa, giờ đây thành phố lúc nào nhộn nhịp với khách chiêm bái lẫn khách hành hương. Những quán hàng café và các tiệm bán hàng mở cửa từ sáng sớm đến tận khuya phục vụ khách. Gần 300 khách sạn được xây lên chung quanh thành phố 15,000 dân cũng đủ nói lên được nét sầm uất của Lourdes.
Câu chuyện kể ngày 11-02-1858 là (lần) ngày đầu tiên cô bé Bernadette nhìn thấy Ðức Mẹ hiện ra với cô. Và kể từ sau ngày đó, Bernadette còn gặp thêm Ðức Mẹ 17 lần, trước khi cô vào tu hẳn trong tu viện Dòng Bác Ái tại Nevers.
Thánh đường Lộ Ðức. (Hình: ATNT Tours)
Giáo hội Công Giáo cũng hết sức thận trọng trước khi quyết định công bố về sự hiển linh của Ðức Mẹ cũng như khi cho phép xây các ngôi giáo đường, nhà nguyện tại Lourdes. Có tất cả ba ngôi nhà thờ được xây dựng tại đây. Nhà thờ Crypt đầu tiên được xây vào Tháng Năm, 1866, bên trên hang động Massabielle, nơi mà Ðức Mẹ đã hiện ra chuyện trò với Bernadette. Một phần thánh thể của Thánh Bernadette được thờ bên trong nhà thờ Crypt này.
Năm 1871, giáo hội hoàn tất nhà thờ Ðức Mẹ Vô Nhiễm được xây ngay bên trên nhà thờ Crypt. Sau cùng, ngôi nhà thờ Ðức Mẹ Mân Côi (The Rosary Church) bên dưới ngôi nhà thờ Crypt cũng được hoàn tất năm 1889. Sự hợp nhất của ba ngôi nhà thờ đã tạo cho thánh đường Lourdes một kích thước to lớn và trang nghiêm bên dòng sông Pau thơ mộng.
Tuy nhiên, kích thước độ lớn của Thánh Ðịa Lourdes không ngừng ở đó. Năm 1958, Basilica of Saint Pius X được xây thêm. Ðây là ngôi thánh đường với một kiến trúc hoàn toàn mới lạ dưới lòng đất. Một ý tưởng kiến trúc táo bạo khi cung thánh được thiết kế ngay chính giữa thánh đường với mục đích là đưa Chúa đến gần gũi hơn với tất cả mọi người bốn phương. Basilica of Saint Pius X xem chừng như lớn nhất thế giới vì có thể chứa đến 20,000 người.
Bên trong Basilica of Saint Pius X, thánh đường có sức chứa 20,000 người. (Hình: ATNT Tours)
Trước cổng chính quảng trường, từ xa người ta đã nhìn thấy tháp chuông giáo đường cao vút và hai vòng cung thánh đường chạy dài xuống như ôm lấy quảng trường. Chính giữa quảng trường là tượng Ðức Mẹ đội vương miện, mặc áo trắng dây lưng xanh da trời nhạt chắp tay nhìn về phía giáo đường. Cũng tại ngay quảng trường này, mỗi ngày vào lúc 5 chiều, một thánh lễ cầu nguyện được cử hành, và lúc 9 tối, có thêm buổi lễ rước kiệu Ðức Mẹ.
Ngày nào cũng thế, gần vào các giờ cử hành lễ, đoàn người từ khắp mọi ngõ ngách thành phố đổ dồn về quảng trường. Từng đoàn người, già có, trẻ có, khỏe mạnh có, đau yếu có. Những người đau yếu ngồi trên xe lăn do thân nhân (hay người tình nguyện) đẩy vào, sắp hàng dài trên quảng trường chờ tham dự lễ. Khuôn mặt họ rõ ràng hiện ra niềm vui nào đó mà người khác có thể cảm nhận được.
Con đường Thánh Giá tại Lộ Ðức. (Hình: ATNT Tours)
Riêng lễ rước kiệu Ðức Mẹ mỗi tối các đoàn hành hương từ khắp mọi nơi trên thế giới đến tham dự dài có đến cả một hoặc hai cây số. Khách hành hương rước nến và khách thập phương đến xem đứng chật cứng cả quảng trường. Chưa bao giờ đến Lộ Ðức mà tôi thấy buổi lễ rước kiệu Ðức Mẹ nào vắng cả (kể cả những ngày mưa gió).
Riêng tại hang động Massabielle, nơi dấu tích ngọn suối tuôn trào mà ngày nay vẫn còn hiện hữu, tượng Ðức Mẹ được xếp đúng vị trí trong hốc đá nơi cô bé chăn cừu Bernadette nhìn thấy ngày nào.
Ðường vào Lộ Ðức. (Hình: ATNT Tours)
Trước tượng là một hàng nến bảy tầng lúc nào cũng cháy sáng, vì bất kể ngày đêm, lúc nào ở đây cũng có người ngồi cầu nguyện. Gần đó là nơi “thắp nến cầu nguyện,” từ những cây nến thật to đến những cây nến nhỏ đốt cháy sáng trong các khung sắt đựng nến. Thắp sáng nến cầu nguyện cũng là một trong những thông điệp mà Ðức Mẹ đã nhắn gửi qua cô bé Bernadette vào lần thứ 17. Chuyện kể rằng trong lúc nói chuyện với Ðức Mẹ, ngọn nến đã cháy đến tay của Bernadette, nhưng cô bé hoàn toàn không biết.
Nhà Thánh Bernadette. (Hình: ATNT Tours)
Vào lần gặp thứ chín, Ðức Mẹ chỉ dẫn cho Bernadette dùng tay bới vũng bùn để tìm suối nước, vì thế “nước suối” ở Lộ Ðức được xem như là dòng nước thiêng riêng biệt ở đây. Người ta có thể lấy nước suối uống và tắm suối mà không phải trả tiền. “Tắm suối” là một điều đặc biệt ở Lộ Ðức, mọi người đều có thể đến đây tắm nhưng phải xếp hàng từ lúc trưa cho đến lúc 2 chiều thì phòng tắm suối mới mở cửa. Mặc dù dòng suối rất lạnh, nhưng trong niềm tin, ai cũng cho rằng “tắm suối” Lộ Ðức sẽ đem lại cho niềm vui tâm hồn và khỏe mạnh thân thể của mình. Khu vực hang động Grotto này dù có đông người như thế nào, người ta vẫn cảm thấy sự trang nghiêm bao trùm lên không gian của hang động Massabielle.
Ðoàn người xếp hàng vào Lộ Ðức. (Hình: ATNT Tours)
Nhưng đến Lộ Ðức, ngoài các ngôi thánh đường và hang động Massabielle, thật là thiếu sót nếu không đi qua “Con đường thánh giá”. Ðây là con đường được xây trên ngọn đồi ngay bên cạnh thánh đường. Ðường đi lên núi dài khoảng hơn 1 cây số và đường xuống núi khoảng 1.5 cây số, được xây vào năm 1912. Con đường diễn tả lại cảnh mười bốn chặng đường thánh giá mà Chúa Jesu đã đi qua. Từ chặng đường đầu tiên Chúa Jesus bị xử án đến chặng cuối cùng Chúa bị đóng đinh và chết trên vòng tay Ðức Mẹ. Mười bốn chặng đường hy sinh của Chúa Jesus, người đón chịu những cực hình để cứu rỗi cho con người. Một công trình rất đáng xem và cảm động.
Rước kiệu Ðức Mẹ. (Hình: ATNT Tours)
Sự hiển linh của Ðức Mẹ tại Lourdes đã được loan truyền đi rộng rãi khắp mọi nơi trên thế giới. Ngày nay mỗi năm có khoảng 5-6 triệu người đến viếng thăm Lộ Ðức, phần lớn là tín đồ Catholic về đây cầu xin được sự ban phước lành và sức khỏe. Chúng ta đang cư ngụ trên các đất nước được xem là giàu có nhất nhì thế giới về các điều kiện đầy đủ của đời sống, nhưng đổi lại chính chúng ta cũng lại là những người mang tâm lý “lo sợ tất cả mọi chuyện” về đời sống nhiều nhất. Người ta vừa ăn uống vừa lo sợ cholesterol, chất đường, chất mỡ tạo ra biết bao nhiêu nguyên nhân bệnh hoạn. Ra khỏi nhà thì lo sợ mọi sự nguy hiểm vây quanh như tai nạn xe, đi máy bay thì sợ máy bay rơi. Ði du lịch thì thay vì chú tâm du ngoạn những cảnh đẹp thiên nhiên hay tìm hiểu về các điều hay dở ở những nơi thăm viếng thì lại lo âu và sợ hãi biết bao nhiêu chuyện ngoài tầm tay của mình. Con người ngày nay mang biết bao nhiêu lo âu sợ hãi không cần thiết trong đời sống của họ. Người ta quên đi và không sống trong hiện tại, người ta chỉ nghĩ về quá khứ và sống lo sợ về tương lai.
Con đường thánh giá tại Lộ Ðức. (Hình: ATNT Tours)
Khi có người hỏi Ðức Ðạt Lai Ðạt Ma 14: “Ðiều gì làm Ngài ngạc nhiên nhất ở nhân loại?” Ngài trả lời: “Con người! Bởi vì con người phung phí sức khỏe để tích tụ tiền của tài sản, rồi lại bỏ tiền của tài sản ra để tìm mua lại sức khỏe.
Và vì quá lo nghĩ cho tương lai, con người quên mất hiện tại, đến nỗi không sống với hiện tại lẫn tương lai! Con người sống như thể sẽ không bao giờ chết ! Nhưng con người quên rằng họ sẽ chết như chưa từng sống bao giờ!”
Khu mua sắm tại Lộ Ðức. (Hình: ATNT Tours)
Nơi nào tạo cho con người có một đức tin mạnh mẽ vào một đấng tối cao, nơi nào mà tình người được thể hiện bằng tấm lòng chân thật bao dung thì ở nơi đó con người sẽ quên bớt đi được những lo sợ không đâu của đời sống. Lộ Ðức là một trong những nơi chốn bình an như thế của tâm hồn con người.
Trần Nguyên Thắng (ATNT Tours)