Thứ Năm, 02 Tháng Tám, 2012

Tháp Nghiêng Pisa, Ý Ðại Lợi

Tháp Nghiêng Pisa, Ý Ðại Lợi

Tháp nghiêng Pisa đã hơn 800 năm nhưng vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.

Vương Cung Thánh Ðường và tháp chuông Pisa.

 

Thành phố Pisa êm đềm từ tháp nghiêng nhìn xuống.

 Sáng ngày 11 Tháng Năm 2008 sau khi điểm tâm ở khách sạn Holiday Inn, 7 giờ 45 chúng tôi rời thành phố Florence để đi Pisa nơi có tòa tháp nghiêng nổi tiếng, tuy nghiêng 800 năm rồi nhưng vẫn chưa sập. Rồi sẽ tiếp tục men theo bờ biển lởm chởm núi cao, vượt qua hơn một trăm đường hầm xuyên qua núi để vào đất Pháp, ghé thăm tiểu quốc Monaco và đêm nay chúng tôi sẽ dừng chân tại Nice thành phố nghỉ mát bên bờ Ðịa Trung Hải nước xanh cát trắng ấm áp tình nồng.

Từ Florence đi Pisa đường dài chỉ có 60 km, chạy thư thả mất 45 phút. Rời Florence theo xa lộ 74 đi về hướng Ðông, xe ngang qua thành phố Prato dân số 180,000, có đông người từ Trung Quốc di dân sang từ đầu 1990 đến nay, họ lao động trong các nhà máy hay vườn nho. Sau đó xe qua thành phố Lucca cũng còn nằm trong vùng Tuscany, cây cối xanh tươi, đất đai mầu mỡ. Lucca chỉ có 83,000 dân, thành phố còn lưu lại nhiều di tích cổ như bức tường thành thời Phục Hưng và những bức tường phía trên là mương nước dẫn nước từ trên núi xuống. Từ Lucca xe đổi sang hướng Nam để tới Pisa nơi có di tích tháp nghiêng nổi tiếng của Ý Ðại Lợi.

Chúng tôi tới Pisa bằng con đường từ phía Bắc xuống, trong khi sông Arno nằm về phía Nam của tháp Pisa nên không có dịp ra ngắm con sông này. Pisa có 87,500 dân (2007) nằm cạnh con sông Arno từ Florence chảy ra để đổ vào biển Ligurian là một vịnh của Ðịa Trung Hải và Pisa chỉ cách biển vài cây số. Pisa được thành lập từ xa xưa trước cả đế quốc La Mã. Năm 180 BC trở thành thuộc địa của La Mã và hoàng đế Augustus mở mang thành phố thành hải cảng quan trọng cũng như đổi tên thành phố thành Pisa. Tên Pisa đương nhiên trong thành phố phải có bán... pizza vì đây là đất Ý cũng như ở hải ngoại nơi nào có người Việt sinh sống đều có “Pho Com” tức phở và cơm. Thời đế quốc La Mã suy tàn, Pisa vẫn không bị ảnh hưởng, vẫn giàu có, phồn thịnh nhờ vào hải cảng giao thương với các nước khác như Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và nhờ hệ thống sông ngòi chuyển hàng hóa từ biển vào nội địa. Gọi là hải cảng nhưng thật ra là một giang cảng (bến sông) nhưng rất gần biển và nhờ sông Arno sâu nên có thể tiếp nhận được các thuyền đi biển thời xưa.

Tháp Nghiêng Pisa

Tháp Pisa là ngọn tháp chuông (tiếng Ý gọi là “Campanile” bởi chữ “Campana” có nghĩa là chuông) của Vương Cung Thánh Ðường Pisa nằm về phía Bắc của sông Arno và bên trong cạnh bức tường thành thời xưa. Xe Coach của đoàn du lịch chúng tôi đậu tại bãi đậu xe khá lớn nằm ở hướng Tây Bắc Vương Cung Thánh Ðường rồi chúng tôi đi bộ vào. Con đường vào tháp nghiêng khoảng vài trăm thước đông đảo du khách đủ mọi quốc tịch. Hai bên là những gian hàng bán đồ kỷ niệm (Gift Shops), áo thun, nón dù, giải khát, thức ăn. Có rất nhiều đồ gỗ thủ công nghệ như tượng hình, các con thú của Phi Châu và do những người da đen đứng bán. Các phụ nữ Trung Quốc bán những khăn quàng, áo thêu cũng có mặt ở đây rất đông, mắt cũng dáo dác, thấp thỏm coi chừng cảnh sát. Cô Phương, người Việt trong đoàn mua một khăn quàng đội đầu bằng lụa với giá tính ra 7 USD mặc dù trước đó cô Trung Quốc nói đến 20 đô.

Du khách phải qua cánh cổng bức tường thành để vào khu đất nơi nhà thờ tọa lạc, tên chính thức là Quảng Trường Vương Cung Thánh Ðường (Piazza Del Duomo tức Cathedral Square). Bên trong phía trái là bãi cỏ xanh rộng lớn có 3 kiến trúc cổ là Nhà Rửa Tội (Baptistry), ngôi nhà thờ và phía sau là tháp chuông tức tháp nghiêng, tất cả 3 kiến trúc đều bằng đá cẩm thạch trắng. Theo lối kiến trúc La Mã tháp chuông của nhà thờ không xây trên chóp nhà thờ (như kiến trúc Gothic) mà xây riêng ra phía sau hoặc bên cạnh như các nhà thờ Ý Ðại Lợi mà chúng tôi đã viếng qua. Người La Mã cũng rất thích xây các tháp chuông, như ở Công Trường St Mark thành phố Venice cũng có tháp chuông màu đỏ rất nổi tiếng. Tôi quên không nhớ vào khu Vương Cung Thánh Ðường Pisa có phải mua vé hay không nhưng lên tháp nghiêng thì phải mua vé.

Tháp nghiêng Pisa cao 55.86 mét (183.27 ft) tính từ mặt đất lên đến nóc bên nghiêng của tháp, còn bên cao hơn là 56.70 mét (186.02 ft). Tường tháp bằng đá rất dầy, bề dầy tường phía dưới là 4.09 mét trong khi tường của chóp tháp là 2.48 mét. Tháp bằng đá hình trụ tròn có 7 tầng kể cả tầng trệt phía dưới là chân tháp cộng thêm tháp chuông là tầng cao nhất nhỏ hơn các tầng kia là nơi chứa 7 quả chuông đồng kêu những âm thanh khác nhau. Không biết tất cả đều con số 7 có phải là vì Thiên Chúa tạo ra vũ trụ trong vòng 7 ngày hay chăng? Tháp nghiêng một góc 3.97 độ, khoảng cách xê dịch là 3.9 mét (12.83 ft) tính từ tường ở chân tháp đến điểm nghiêng trên chóp tháp chiếu thẳng xuống mặt đất. Nghiêng gần 4 mét cũng là nghiêng khá nhiều, đứng gần nhìn sợ sập!

Công trình xây tháp kéo dài 177 năm, được khởi công xây tầng thứ nhất bằng đá cẩm thạch trắng từ ngày 9 Tháng Tám 1173 sau khi hoàn thành Vương Cung Thánh Ðường bên cạnh. Năm 1178 khi xây đến tầng thứ ba thì tháp bắt đầu nghiêng vì phần đá nền móng dầy 3 mét bị lún do đất phía dưới không đủ cứng, chịu không được sức nặng của tháp. Công việc xây bị đình hoãn mất gần một thế kỷ vì lúc ấy xảy ra chiến tranh giữa Pisa và các thành lân bang như Lucca và Genova. Năm 1272 công trình xây dựng được tiếp tục do kiến trúc sư Giovanni Di Simone đảm trách. Nhằm đem tháp lại chiều thẳng đứng, ông này cho xây các tầng kế tiếp với một bên cao bên thấp, khiến tháp nghiêng qua hướng khác và tháp có dạng cong khúc khuỷu! Tầng thứ bảy xây xong vào năm 1319 và tháp chuông mãi vào năm 1372 mới hoàn tất do ông Tommaso Di Andrea Pisano đảm trách. Tháp có 7 quả chuông ngày xưa kéo lên rất vất vả và chuông lớn nhất được đem lên vào năm 1655.

Trong những năm sau này tháp ngày càng nghiêng thêm và có chiều sụp đổ. Chánh quyền Ý đã mở hội nghị lấy ý kiến của chuyên gia nhiều nước tại đảo Azores trong đó có phương án chêm vào phía dưới móng phần lún 800 tấn chì nhằm ổn định thế đất phía yếu đó. Năm 1987 cả ba kiến trúc thuộc khu (quần thể) Vương Cung Thánh Ðường được Liên Hiệp Quốc công nhận là Di Sản Văn Hóa Thế Giới để từ đó nhận được kinh phí trùng tu từ Liên Hiệp Quốc. Vào đầu năm 1990 tháp bắt đầu đóng cửa không tiếp nhận du khách để khởi công tu sửa. Các quả chuông được đem xuống để tháp được nhẹ bớt, dây cáp được niền vào tầng thứ ba và đóng xuống đất cách đó vài trăm mét để giữ tháp không đổ xuống, các chung cư lân cận phải sơ tán dân chúng. Giải pháp sau cùng lựa chọn là vẫn giữ tháp ở vị trí nghiêng nhưng không cho sụp đổ bằng cách đào lấy bớt đất phía cao, kéo tháp lại được 18 inches (45 cm) trở về vị trí cũ vào năm 1838. Tháp được mở cửa lại vào ngày 15 tháng 12, 2001 và được tuyên bố có thể đứng vững được thêm 300 năm nữa. Tháng Năm 2008 khi chúng tôi đến thăm người ta vẫn còn tiếp tục làm và lấy thêm 70 tấn đất nữa để đem tháp trở về nguyên trạng nghiêng đầu tiên.

Người ta mua vé để lên tháp cũng rất đông mặc dù phải trèo lên 7 tầng với 296 bậc thang để tới lầu chuông. Từ trên đỉnh tháp quan sát một vòng thành phố Pisa và vùng phụ cận rất đẹp với dòng sông Arno từ phía Ðông lặng lờ xuôi ra biển. Bến sông Pisa ngày xưa là hải cảng quốc tế nhộn nhịp ghe tàu, nay chỉ là bến du thuyền vì phương tiện chuyển vận ngày nay là những tàu hàng khổng lồ, con sông hẹp không tiếp nhận được. Người ta kể rằng trên lầu chuông này vào thế kỷ 17, nhà thiên văn học đồng thời cũng là nhà vật lý học Galileo Galilei lợi dụng độ nghiêng đã lên đây để làm một thí nghiệm về sự rơi tự do. Ông thả xuống hai trái đạn súng thần công cùng một chất liệu kim loại nhưng thể tích lớn nhỏ khác nhau và ông thấy rằng tốc độ rơi tùy thuộc vào trọng lượng chứ không vào chất liệu (vật càng nặng rơi càng nhanh). Ông Galilei người Florence được cha mẹ gởi đi học y khoa ở đại học Pisa nhưng ông thành danh nổi tiếng lại là nhà thiên văn và vật lý học. Câu chuyện Galilei thả hai trái cà nông không biết có thật hay không vì nó xuất phát từ người thư ký của ông chứ không thấy ghi lại trong các nghiên cứu của ông. Một chuyện khác nữa là trong Thế Chiến Thứ Hai, quân Ðức quốc xã chiếm tháp Pisa dùng làm lầu quan sát, một trung sĩ Hoa Kỳ biết mà không báo cáo vì sợ xạ kích làm hư hại tháp cổ có một không hai này.

Cạnh tháp mới xây nhà bán đồ kỷ niệm, quán giải khát khá hiện đại, nhà vệ sinh ở đây cũng mới và sạch sẽ có các bà bán vé (50 xu Euro). Tôi cũng như nhiều người đứng chờ vì các nhà vệ sinh đều bận có người, nhưng chờ lâu quá không thấy ai ra mà cửa thì đóng kín mít tới sàn nhà, đến gõ cửa hỏi bên trong vẫn im lìm, xô cánh cửa vào thì cứng như được gài. Thấy vậy bà bán vé lấy chìa khóa riêng đến mở, té ra bên trong nhiều phòng không có ai hết! Chắc đây là “sự cố” của nhà thiết kế cầu tiêu Ý? Phải chi cánh cửa làm hở phía dưới như bên Mỹ, “ta nghiêng vai soi lại cuộc đời” nhìn xuống sẽ thấy bên trong có... đôi giày hay không? Nhưng với những ai ngồi kiểu “triều cường”, “Hà Nội mùa này... lắm những cơn mưa” thì đành chịu phép!

Rời thành phố Pisa xe chúng tôi từ đây trở đi chạy men theo vùng biển phía Tây nước Ý để sang Pháp và tối nay chúng tôi có quyền dạo chơi trên bờ biển Nice, đường dài hơn 200 km và qua khoảng 120 đường hầm xuyên qua núi. Xe ngang qua thành phố nhỏ Carrara bên trong phía Ðông là dãy núi trên đỉnh còn phủ tuyết trắng. Hai bên đường toàn là những nhà máy khai thác đá cẩm thạch (marble), từng khối đá họ cắt ra thành những tấm lớn và chất thứ tự ngoài trời. Vùng này dãy núi tuyết trắng kia là mỏ đá cẩm thạch trắng và xám xanh rất nổi tiếng vì vân đá rất đẹp, từ thời còn ở Việt Nam đã nghe tiếng về đá cẩm thạch Italy mà những nhà giàu có thường hay xây mộ, hôm nay mới có dịp đi ngang qua vùng quặng đá này. Kế đến là thành phố lớn Genova (tiếng Ý là Genoa) nằm sát biển Liguria thuộc Ðịa Trung Hải nước xanh màu ngọc thạch, nhà cửa tường trắng mái ngói đỏ rất thơ mộng là quê hương của Christopher Columbus nhà hàng hải khám phá ra Mỹ Châu. Genova là thủ đô của tỉnh Genoa, miền Liguria, có dân số 610 ngàn nhưng tính luôn vùng ngoại ô khoảng 900 ngàn, là hải cảng quan trọng miền Bắc nước Ý.

Trên xe ông Luigi Saba người đảo Sardina (trên đảo nhiều cá mòi Sardine) của Ý, hướng dẫn đoàn du lịch, kể chuyện có bà kia từng là du khách trong Tour của ông muốn đi Geneva (Thụy Sĩ) nhưng bà nói sao đó hãng máy bay bán vé cho bà đi Genova (Ý Ðại Lợi). Xuống phi trường bà ngơ ngác vì thấy nhà ga lạ quá. Bà gọi cho ông Luigi: “Phi trường sao lạ quá và người ta không nói tiếng Pháp như xưa kia mà nói toàn tiếng gì mà bà không hiểu!” Hãng máy bay hiểu nhầm vì Geneva bà muốn đến tên gần giống với Genova thành phố hải cảng miền Bắc nước Ý này! Bà khiếu nại và hãng máy bay bán vé cho bà tiếp tục đi về Geneva trên vùng núi Alps.

Trịnh Hảo Tâm

Bài viết khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art