Thứ Hai, 30 Tháng Bảy, 2012

An Lăng

An Lăng: Một hình ảnh khác của lăng tẩm thời Nguyễn

Nói đến lăng tẩm của các vua triều Nguyễn, người ta thường nghĩ ngay đến những công trình kiến trúc độc đáo và đầy chất thơ: "Lăng Gia Long giữa một khu rừng thiên nhiên bao la gợi nên một ấn tượng hùng tráng và thanh thản; lăng Minh Mạng đầy vẻ trang nghiêm, và lăng Tự Ðức gợi cho khách du ngoạn hồn êm thơ mộng"(Amadou Mahtar M'Bow, nguyên Tổng giám đốc UNESCO).

Thế nhưng có một khu lăng tẩm mang dáng vẻ hoàn toàn khác, và thường tạo cho du khách một cảm giác rất lạ khi đến thăm. Ðó là lăng Dục Ðức, tên chữ là An Lăng. Ðây là di tích lăng mộ vua Dục Ðức(20/7/1883- 23/7/1883), vị vua thứ 5 của triều Nguyễn. Lăng tọa lạc tại thôn Tây Nhất, làng An Cựu, xưa thuộc huyện Hương Thủy, nay thuộc phường An Cựu, Thành phố Huế, cách trung tâm thành phố chưa đầy 2km.

Tổng thể lăng Dục Đức

Khái niệm khu lăng Dục Ðức thường dùng hiện nay là để chỉ toàn bộ quần thể kiến trúc nằm trong một khu vực rộng gần 6ha, bao gồm lăng vua Dục Ðức, Hoàng hậu và 42 tẩm mộ ông hoàng bà chúa cùng 121 ngôi mộ đất của những người thuộc Ðệ Tứ Chánh phái Nguyễn Phước tộc (hệ phái của vua Dục Ðức).

An Lăng nằm ở khu vực trung tâm, diện tích khoảng 1ha. Lăng gồm 2 khu vực: khu lăng mộ và khu tẩm thờ đặt song song với nhau. Cả hai khu đều có tường thành bao bọc. Lăng quay mặt về phía tây bắc, lấy đồi Phước Quả làm tiền án, núi Tam Thai sau lưng làm hậu chẩm và dòng khe chảy vòng qua trước mặt làm minh đường tụ thủy.

Khu lăng mộ có diện tích gần 3500m2, la thành chu vi 136m, cao 3,7m, dày 0,5m. Mặt trước la thành trổ 1 cửa vòm xây gạch, trên có 2 tầng mái giả ngói, (trước kia có 2 cửa hông nhưng đã bị xây bít). Sau cửa là sân Bái đình lát gạch. Hai bên sân không có tượng đá như ở lăng mộ các vua khác. Tiếp đến là 1 cửa tam quan đồ sộ 3 tầng, hình thức như cửa Trường An ở cung Trường Sanh trong Hoàng thành. Ðây là cửa chính của vòng tường thành thứ hai, chu vi 142m, cao 2m, dày 0,5m. Bên trong lại có vòng tường thứ ba, chu vi 106m, cao 1,5m, dày 0,4m bao bọc lấy mộ vua, mộ hoàng hậu và nhà Huỳnh ốc. Ở vị trí trung tâm trong vòng tường thứ 3 là nhà Huỳnh ốc làm theo lối phương đình, mái lợp ngói lưu li vàng, đặt trên 1 bệ hình vuông, mỗi cạnh dài 7m. Trong nhà có sập thờ, án thờ đều làm bằng đá dùng để trần thiết các đồ thờ cúng. Hai bên ngôi nhà này là hai ngôi mộ của vua Dục Ðức và Hoàng hậu Từ Minh nằm đối xứng với nhau. Mộ đều xây bằng đá Thanh, theo kiểu 5 hình khối chữ nhật chồng lên nhau, tổng chiều cao mộ là 0,85m. Trước 2 mộ đều có bình phong đắp nổi hình chữ Thọ, chữ Song Hỷ. Bên ngoài khu mộ, ở hai bên có 2 trụ biểu xây gạch, trên đắp hình hoa sen, xa hơn nữa có các trụ cấm để giới hạn khu vực lăng mộ.

Khu tẩm điện cách khu lăng mộ khoảng 50m, diện tích rộng 6.245m2, có vòng la thành chu vi 260m, cao 2,3m, dày 0,5m bao bọc. Ở cả 4 mặt la thành đều trổ 1 cửa, cửa sau thông với một vòng tường thành hình thang vuông giới hạn khu vực ăn ở của các cung phi và gia nhân.

Cổng chính phía trước làm theo lối tam quan, trên đắp 4 tầng mái ximăng giả ngói ống, thân cổng chia làm nhiều ô hộc để trang trí. Các cổng bên và cổng sau đều làm theo lối cửa vòm, trên có 2 tầng mái giả ngói.

Sau cổng chính là bình phong, rồi đến sân chầu lát gạch Bát tràng. Trung tâm của khu tẩm thờ là điện Long An, một tòa nhà kép trùng thiềm điệp ốc đặt trên một mặt nền kích thước 24,2m x 22,2m. Chính điện 3 gian 2 chái kép, tiền điện 5 gian 2 chái đơn mái lợp ngói lưu li vàng. Trong điện có 3 khám thờ: khám giữa thờ bài vị vua Dục Ðức và bà Từ Minh Huệ Hoàng hậu, khám bên trái thờ bài vị vua Thành Thái, khám bên phải thờ bài vị vua Duy Tân.

Hai bên điện Long An, phía trước có Tả, Hữu phối điện, sau có Tả, Hữu Tòng viện nối thông với nhà cầu qua điện chính. Ngoài vòng tường thành có nhà trực, điếm canh và nhà ở của quan quân hộ lăng.

Nhìn chung, cả về kiểu thức và qui mô xây dựng, An Lăng không thể so sánh với các lăng mộ tiêu biểu của các vị vua Nguyễn khác. Khu lăng mộ này không có vị trí thật đắc địa về địa lý, trong lăng cũng không có bia Thánh Ðức Thần Công để ca ngợi vị vua đã quá cố... Tất cả những đặc điểm này phần nào phản ánh tình cảnh bi đát của đất nước cũng như của chủ nhân ngôi lăng mộ này.

Vua Dục Ðức, con trai nuôi trưởng của vua Tự Ðức chỉ ở trên ngôi được đúng 3 ngày, thậm chí chưa kịp đặt niên hiệu thì đã bị phế truất, bị giam đói cho đến chết ở nhà ngục Thừa Thiên. Lúc đầu, thi hài của ông chỉ được chôn sơ sài cạnh chùa Tường Quang.

Năm 1889, sau khi lên ngôi, vua Thành Thái mới cho xây dựng lại lăng mộ của vua cha và đặt tên là An Lăng, tuy nhiên điện Long Ân và các công trình khác ở khu tẩm thờ thì đến tháng 8/1899 mới được xây dựng. Năm 1906, sau khi Hoàng Thái hậu Từ Minh tạ thế, thi hài của bà đã được đưa vào song táng cùng vua. Năm 1954, lăng mộ vua Thành Thái, con trai vua Dục Ðức được xây dựng ở phía đông khu tẩm thờ, quy mô khiêm tốn, tựa như mộ của một viên quan nhỏ thời Nguyễn. Năm 1987, hài cốt vua Duy Tân, cháu nội vua Dục Ðức lại được đưa về cải táng ở cạnh lăng Thành Thái, quy mô tương tự lăng cha. Như vậy cả 3 vị vua, đồng thời cũng là 3 thế hệ liền nhau của đệ tứ Chánh phái Nguyễn Phước tộc đều được an táng trong khuôn viên của An Lăng. Hình như đây là điều an ủi khả dĩ nhất đối với dòng họ này !

Lăng Dục Ðức thường tạo cho du khách cảm giác rất khó tả! Giữa khu dân cư đông đúc dưới chân núi Ngự Bình, quy mô khu lăng dường như thêm nhỏ bé và bị lấn át. Cái vẻ cũ kỹ, tàn tạ của khu lăng khiến người ta dễ liên tưởng đến thân phận bọt bèo của ông vua xấu số Dục Ðức, nhưng cũng dễ gây trong lòng mọi người sự luyến tiếc, bất bình cho thân phận của hai vị vua yêu nước Thành Thái và Duy Tân. Vậy nên, tuy không phải là nơi thu hút du khách, nhưng những ai đã từng đến đây thì khi ra về họ lại thường rất khó quên bởi những ấn tượng đặc biệt đã gieo vào lòng họ.

Huế, 5/2005

Phan Thanh Hải

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art