Thứ Hai, 30 Tháng Bảy, 2012

Hương vị Cần thơ, có gì ngon?

Hương vị Cần thơ, có gì ngon?

“ Cần Thơ gạo trắng nước trong,

Ai đi đến đó lòng không muốn về…”

Câu hát mộc mạc của người Cần Thơ đã để lại trong lòng du khách nỗi vấn vương khi đã một lần ghé thăm. Ngoài những khu thắng cảnh di tích du lịch đặc sắc, khách còn được thưởng thức những món ăn rất Nam Bộ như : Bánh Tầm, bánh Mặn, bánh Xèo… Những bữa cơm đạm bạc quê mùa nhưng độc đáo ở miệt Tân Quới, Tân Lược, hay Ô Môn, Phụng Hiệp, khách vẫn không sao quên được hương vị đậm đà của một món ăn truyền thống cho dù mỗi vùng, mỗi nơi có cách chế biến khác nhau. Tôi muốn nói đến món ăn Nam bộ: “Canh chua, và Cá Lóc kho tiêu”.

Ôi ! Cho dù đi đâu, khi trở về nhà, bữa cơm đầu tiên, ở đây Má của chúng ta thường nấu những món ăn nầy để chiêu đãi cả nha;, hoặc hôm nào có khách đến thăm, bữa trưa cũng lại là: “ Canh chua, cá kho tộ”. Tuy chỉ cần diễn tả bằng mấy từ ngữ, nhưng thật ra chẳng đơn giản tí nào, bởi vì nếu nói đến cái chua của món canh, khi chế biến ta cũng có thể dùng Chanh, Giấm ,Me, trái Bần, trái Hạnh… rồi nấu cùng Cá Lóc, cá Rô, Thát Lát hay Lươn, để nó được mang tên là Canh chua Lươn, Canh chua Cá,… Thế mà mỗi món canh đều có riêng một cách chế biến, phối hợp cho hợp lý với những phụ liệu tuỳ theo tiết tấu của nó.

Chẳng hạn:

Canh chua Lươn phải có bắp Chuối xắt sợi, sả ớt và chút xíu tương hột bằm nhuyễn. Canh chua Cá Lóc truyền thống thì có Cà chua ( nôm na gọi là Cà-tô-mát) , Giá, Bạc hà, Đậu bắp. Đặc biệt là Canh chua cá phải đi đôi với cá kho tiêu thật cay, lúc nấu canh chua với loại cá nào thì lúc kho cũng là loại cá đó. Còn món canh chua Lươn đi đôi với Lươn xào sả ớt vừa mặn mà, vừa xít xoa cay cay và thơm lựng mùi sả.

Má tôi là một người phụ nữ rất Nam bộ, luôn chăm chút cho gia đình từng bữa ăn. Cho nên ngay từ nhỏ, tôi đã rất quen thuộc về món Canh chua, Cá kho tộ… Cá Lóc phải là loại cá đồng no tròn, làm thật sạch; đầu và đuôi cá nấu canh; còn thân cá thì xắt khoanh ướp với nước mắm, nước màu, đường, tiêu, tỏi, bột ngọt ( không ướp muối); nếu kho với nồi đất thì tuyệt cú mèo, nhất là khi cá đã thành phẩm ( nghĩa là thấm nước màu vào rồi) , tắt lửa rồi mà nó vẫn còn sôi “ sì sụp”,… “rưới” thêm một muỗng tỏi phi mỡ. Cái mùi thơm thơm của các gia vị được tổng hợp lại không sao tả được, nhìn vào cái ơ cá kho có màu vàng sóng sánh, những khúc cá bóng lưỡng vì nước mắm đã được sánh lại, trông thật hấp dẫn làm sao, “rắc” lên một chút tiêu để không còn cách nào nhận ra mùi tanh của Cá nữa!

Bấy giờ cái nồi nước bếp bên kia đã bắt đầu sôi, nêm me, muối, đường để cho có được vị chua ngọt mà mình chấp nhận được (nhớ là không dùng bột ngọt) rồi cho đầu và đuôi của cá vào, kế đến bạc hà, cà, giá, cho thêm chút xíu nước mắm rồi tắt lửa, cho canh ra tô, thêm ngò gai, ngò om, vài khoanh ớt và nửa muỗng tỏi phi mỡ. Cơm trắng phau, Cá lóc kho tiêu, tô canh nóng hổi, với dĩa nước mắm nguyên chất được dọn ra; tất cả cho ta bữa cơm ngon, đầy ắp hương vị quê nhà.

Còn những ngày trong năm, vào ngày rằm âm lịch, ở chợ thường bày bán những món bánh rất đơn giản mà Cần Thơ quê tôi đã có từ lâu, vừa ngon, vừa rẻ, mà cũng dễ làm nữa: “ bánh Cúng” là một loại bánh chế biến từ bột gạo có pha nước cốt dừa và một ít muối. Về thao tác thực hiện thì mấy Dì ở miệt vườn làm nhanh lắm: Cuộn lá Chuối thành ống, rồi đổ bột vào, cột hai đầu lại, cho vào nồi gọi là luộc bánh, khoảng 15 phút là bánh chín. Để nguội, mở lá chuối ra, nó sẽ có màu trắng ngà, bên ngoài có màu rêu ẩn lên, thoảng thơm mùi lá, mùi nước cốt dừa… Hấp dẫn lắm !

Còn Bánh Ít, Bánh Tét, thật ra quá quen thuộc, cách chế biến cũng khác nhau cho mỗi loại bánh và thêm bớt gia vị tuỳ theo kinh nghiệm của mỗi người.

Tôi cũng xin giới thiệu về món bánh rất bình dân, ngon miệng, mà khi đã biết thực hiện rồi, các bạn sẽ cảm thấy thích thú, vì chiêu đãi bạn bè thân thuộc bằng đôi tay vàng của mình. Đấy là món Bánh Ít trần: Nó không bao bọc bằng lá chuối phía ngoài, mà chỉ hấp hay luộc tuỳ theo điều kiện của mỗi người. Bột bánh là loại bột nếp được xay mịn, nhồi với nước dảo dừa cho vừa tay nắn; còn nhân thì sẽ là đậu xanh nấu chín, có tôm thịt, hoặc nhân dừa xào với đường, được vo tròn rồi bọc bột bên ngoài, luộc hoặc hấp chín. Khi chín, bột bánh trong vắt, dẻo, vớt ra, rồi thoa lên một lớp mỡ hành, ăn với nước mắm ớt chua ngọt, dưa chua, một ít rau giá, cho thêm nước cốt dừa… Ôi ! Cái dẻo của bột bánh, vị cay của nước mắm, thơm thơm mùi rau giá…Tôi còn nhớ mãi, cái gánh hàng rong của Cô Ba đầu xóm, với nụ cười thân thiện, lúc nào cũng đông khách !

Còn món “ Bánh bò nước cốt dừa” được bày bán chung với Bánh Chuối. Cả hai được làm từ bột gạo, nhưng Bánh bò thì nhồi bột với nước cơm rượu, nước đường phải âm ấm, ủ và đợi bột dậy lên, có nghĩa là bột có những cái bong bóng nhỏ nổi lên trên mặt, mới cho vào khuôn hấp chín. Riêng về Bánh Chuối, sẽ là Chuối xiêm thật chín mùi, xắt khoanh, trộn với bột gạo, nêm muối đường, lót lá Chuối lên cái Xửng, cho bột Bánh vào, hấp khoảng 15 phút. Cả hai loại bánh nầy đều ăn với nước cốt dừa, “rắc” thêm chút mè rang vàng để khi thưởng thức, sẽ có vị đậm đà, thơm ngon.

Món ăn ở quê tôi rất phong phú, bình dân, giản dị…, cũng như chính con người sông nước Cửu Long, luôn sâu nặng nghĩa tình…

Hãy ghé lại Cần Thơ quê tôi ! Tin chắc các bạn sẽ không nỡ rời chân…

Hãy ghé lại cần Thơ quê tôi ! … Chúng tôi xin mời Bạn !...

* NGÔ CẨM HỒNG , Camhongcantho@yahoo.com.

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art