Về Đồng Tháp ghé thăm nhà “Người tình” (L’Amant)
Hơn 100 năm, ngôi nhà cổ vẫn còn đây như một chứng nhân cho sự thăng trầm của vùng đất Sa Đéc.
Nhà cổ "Người tình”.
Những chủ nhân của ngôi nhà lần lượt ra đi nhưng đây đó vẫn còn hình ảnh, dấu vết của những người đã sống vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 cùng câu chuyện tình nổi tiếng được miêu tả trong tiểu thuyết "Người tình” và bộ phim cùng tên…
Ngôi nhà này hiện tọa lạc tại phường 2, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Đây là một ngôi nhà cổ có kết cấu rất độc đáo, được phối hợp hài hoà giữa kiến trúc Đông và Tây. Nhà được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ 19 và trùng tu vào đầu thế kỷ 20. Mặc dầu ngôi nhà kiến trúc theo lối ba gian truyền thống của người Việt nhưng khi bước vào, khách tham quan dễ dàng cảm nhận một không khí trang nghiêm của một gia đình nề nếp người Hoa. Ảnh thờ Quan Công được đặt trang trọng giữa nhà theo tín ngưỡng truyền thống. Các cửa gỗ chạm khắc rất công phu, những đường nét trang trí hoa văn cầu kỳ. Bao lơn chính chạm đôi loan, phượng, các khung hai bên là chim muông, hoa lá, tất cả đều được sơn son, thếp vàng. Hơn 100 năm tồn tại, các vật dụng bằng gỗ quý trong nhà vẫn hầu như còn nguyên vẹn… Đó là ngôi nhà của gia đình ông Huỳnh Thuỷ Lê - một gia đình người Hoa ở Sa Đéc.
Nội thất ngôi nhà chạm khắc rất công phu, cầu kỳ.
Nhắc đến ông Huỳnh Thuỷ Lê, nhiều người sẽ nhớ đến câu chuyện tình trắc trở của ông với một nữ sinh, sau này là nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras. Từ câu chuyện tình yêu của mình, nữ văn sĩ đã chấp bút viết nên tiểu thuyết "L’Amant” – "Người tình” nổi tiếng, từng đoạt giải thưởng Goncourt của Pháp. Năm 1990, tiểu thuyết này được đạo diễn Jean-Jacques Annaud chuyển thể thành bộ phim cùng tên. Tái hiện lại một số hình ảnh tại Sa Đéc, Sài Gòn, Hà Tiên và các tỉnh miền Đông Nam Bộ vào những năm 1927, bộ phim mang đến cho khán giả ấn tượng về một vùng đất chứa đựng nhiều đặc trưng văn hóa truyền thống của Phương Đông cùng câu chuyện tình cuốn hút. Bởi thế, ngày nay ngôi nhà cổ của ông Huỳnh Thủy Lê còn được du khách truyền nhau một tên gọi thân thuộc: nhà cổ "Người tình”.
Chân dung của nữ văn sĩ Duras được treo tại nhà cổ "Người tình”.
Kể từ năm 2006, khi Công ty Cổ phẩn du lịch Đồng Tháp tiếp nhận quản lý thì nhà cổ "Người tình” đã trở thành điểm tham quan thu hút đông đảo du khách quốc tế, đặc biệt là du khách đến từ Pháp. Sức lan tỏa của tiểu thuyết "Người tình” và bộ phim cùng tên càng hấp dẫn du khách đến với nhà cổ này, nơi được nữ văn sĩ Duras miêu tả trong tác phẩm của mình, cũng như từng ghi dấu mối tình mặn nồng của chính tác giả và ông Huỳnh Thủy Lê. Ngày nay, nhà cổ "Người tình” đã được công nhận là di tích quốc gia. Công ty Cổ phẩn du lịch Đồng Tháp còn tổ chức tour tham quan "Theo dấu chân người tình”, đưa du khách về thăm nhà cổ, tìm hiểu vùng đất Sa Đéc và lắng mình lại với những kỷ niệm của câu chuyện tình trắc trở giữa cô gái Pháp xinh đẹp và chàng trai người Hoa giàu có.