Dạo chợ Bình Tây
Chợ Bình Tây có tháp vuông, 4 mặt gắn 4 đồng hồ lớn, trên mái tháp có gắn hình tượng lưỡng long chầu châu.
Chợ Bình Tây hiện diện ở Sài Gòn – Chợ Lớn từ những năm 20 của thế kỷ trước. Trước 30-4-1975, Chợ Bình Tây còn được gọi là Chợ Lớn Mới, phân biệt với Chợ Cũ, có trước chợ Bình Tây, ở khu vực Bưu Điện Chợ Lớn.
Chợ Lớn Mới cũng là tên gọi cho trung tâm sinh hoạt buôn bán của người Hoa. Khu vực này bao gồm quận 5, quận 6, một phần quận 10 và quận 11.
Chợ Bình Tây do ông Quách Đàm, một thương gia người Triều Châu, Trung Hoa bỏ tiền xây dựng, dân cư ở khu vực này từng gọi Chợ Bình Tây là Chợ Quách Đàm. Chợ được xây dựng theo kỹ thuật hiện đại phương Tây lúc đương thời, nhưng mang đậm phong cách kiến trúc Á Đông.
Ông Quách Đàm còn góp tiền và vận động người Hoa xây dựng khu phố nhà lầu dành cho thương mại, vận động các quan chức thời Pháp thuộc để đặt trung tâm Chợ Lớn tại khu vực Chợ Bình Tây.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngày nay, nếu đi từ hướng Bình Chánh vào Sài Gòn thẳng tới đường Tháp Mười, từ xa đã nhìn thấy tháp của Chợ Bình Tây vươn cao.
Tới sát gần, Chợ Bình Tây với phần phía bên phải tòa nhà chính hiện ra trước mắt: các góc mái của tòa nhà uốn lượn kiểu cách đình chùa phương Đông, mái lợp ngói âm dương vừa cổ kính, vừa có khoảng chồng lớp để thông thoáng. Liền sát phía này là dãy nhà chợ được xây dựng mới từ hơn một năm nay, gắn tên dãy nhà là Lê Tấn Kế, tên con đường chạy dọc Chợ Bình Tây phía bên phải.
Chợ Bình Tây rộng khoảng 2.5 hécta, và có một tầng lầu, là ngôi chợ đặc biệt của Sài Gòn, nhất là có sân trời rộng rãi trồng cây xanh ở chính giữa lòng chợ.
Phía sau lưng Chợ Bình Tây, dãy nhà buôn bán của cư dân khu vực kéo dài, chỉ để trống lối vào ngôi chợ chính, ở vị trí chính giữa tòa nhà Chợ Bình Tây.
Phía bên trái tòa nhà chính của Chợ Bình Tây là dãy nhà chợ cùng kiểu cách với phía bên phải, gắn tên Trần Bình, tên con đường chạy dọc phía bên trái của ngôi chợ. Nhìn từ đường Tháp Mười, mặt tiền Chợ Bình Tây rất cân xứng, cổ điển phương Đông.
Chợ Bình Tây hoạt động rộn rã từ 2 giờ sáng tới 9 giờ tối mỗi ngày, được xem như chợ đầu mối nhiều mặt hàng nhu yếu của đời sống cư dân thành phố và nhiều nơi khác.