Chủ Nhật, 05 Tháng Tám, 2012

Cần Thơ, quê hương tôi

Cần Thơ, quê hương tôi

Việt Nam: một thời để nhớ, đến với độc giả hằng tuần, ghi lại tất cả những cái hay, cái đẹp của đất nước và con người Việt Nam trước đây, mà tiêu biểu là thời gian trước khi chế độ tự do, dân chủ tại miền Nam Việt Nam sụp đổ hồi Tháng Tư năm 1975. Không phải đất nước và con người Việt Nam ngày nay dưới chế độ Cộng Sản hoàn toàn không có gì là hay, là đẹp, nhưng nếu dân tộc Việt Nam và các dân tộc khác trên thế giới hiểu biết được tường tận chủ nghĩa Cộng Sản - như những gì họ hiểu ra khi Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Sô Viết, cha đẻ của các chế độ độc tài, đảng trị Cộng Sản thế giới, cùng các nước chư hầu ở Ðông Âu tan rã hồi năm 1991 - thì những người Cộng Sản Việt Nam đã không thể nào đánh chiếm được miền Nam tự do cách nay hơn ba thập niên, để rồi đưa đẩy đất nước đến chỗ đầy những hỗn loạn xã hội và ô nhiễm môi trường trong khi con người Việt Nam thì ngày càng thêm phân hóa trước cái hố cách biệt quá sâu giữa người giàu và người nghèo, bởi vì quyền lực và tiền bạc chỉ tập trung vào tay giới đảng viên và cán bộ Cộng Sản thống trị đất nước.

Trên trang báo này là các nhận định, hoài niệm hoặc tâm tình về những gì thể hiện nét đẹp và cái hay của “một thời vàng son xưa cũ” (the good old days) hoặc của “những ngày xưa thân ái” (như ý nhạc Phạm Thế Mỹ),” tỉ như một “Hà Nội ba mươi sáu phố phường,” một “Huế đẹp, Huế thơ” và một “Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Ðông” hoặc, ấn tượng hơn, là cái hương vị đậm đà của một tô phở Bắc, cái nét e ấp trong tà áo dài tha thướt của một nữ sinh Ðồng Khánh và mấy câu vọng cổ ngọt đến lịm người trên sông nước Tiền Giang. Gần đây nhất và mang tính thời sự hơn, Việt Nam: một thời để nhớ có thể chỉ là lời tâm sự về một Sài Gòn cũ với “nắng còn in trên đại lộ” nơi có dáng dấp của một “dáng huyền còn đứng nghiêng nghiêng” như từng được thể hiện qua lời nhạc của Nam Lộc, người “nhạc sĩ của Tháng Tư”...

Các bài viết đăng tải trên trang Việt Nam: một thời để nhớ không nhất thiết phản ảnh quan điểm của Nhật Báo Người Việt, mà chỉ là quan điểm riêng của từng tác giả. Muốn đóng góp bài vở cho trang Việt Nam: một thời để nhớ, xin quý vị email về địa chỉ: vannphan@yahoo.com.

Nguyễn Bá Cẩn

Lời Tòa Soạn: Ông Nguyễn Bá Cẩn, nguyên chủ tịch Hạ Viện và nguyên thủ tướng chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trước 1975, đã qua đời ngày 20 Tháng Năm, 2009. Chúng tôi đăng bài viết sau đây của ông để chúng ta biết sơ qua về bối cảnh xã hội nói chung ở miền Nam Việt Nam cách nay trên 60 năm. Trân trọng.

Ðoàn học sinh, tuổi trung bình từ 12 đến 18, đang diễn hành đều bước trên Lộ Mới là một trong những con đường nhộn nhịp nhất chạy từ trung tâm thành phố Cần Thơ đến sông Cái Khế. Con đường này, nay được gọi là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Cách đây 60 năm, người Pháp cai trị Ðông Dương nên đã có thời kỳ con Lộ Mới này được đổi tên là Capitaine d'Hers, sau nữa đổi thành Phan Thanh Giản cho đến năm 1975. Nó chạy xuyên ngang một khu đông đúc gồm có trại gia binh và trường trung học Phan Thanh Giản ở phía Nam và khu gia cư ở phía Bắc lên đến tận sông Cái Khế. Cứ mỗi buổi chiều, đến giờ thể dục thì học sinh trung học tập đi diễn hành ngoài đường và ca ngợi nước Pháp với hai câu hát được chính Phủ Pháp tung ra, “Maréchal! Nous voilà! Devant toi le sauveur de la France” (Thưa Thống Chế, vị cứu tinh của nước Pháp! Chúng tôi đang trình diện trước mặt Ngài!), để vinh danh Thống Chế Pétain, vị anh hùng của trận Verdun hồi Thế Chiến Thứ I.

Năm 1941, khi Phát Xít Ðức xâm chiếm các nước Âu Châu, trong đó có Pháp, chánh phủ Cộng Hòa Pháp kể cả Quốc Hội tự động giải tán. Quốc gia Pháp được thành lập tại miền Nam nước Pháp dưới quyền lãnh đạo của Thống Chế Pétain, chủ trương hợp tác với Phát Xít Ðức để cứu vãn nước Pháp, ít lắm là theo lời tuyên bố của ông ta, trong lúc đại đa số người dân Pháp hướng về Thiếu Tướng De Gaulle, đang kêu gọi toàn quốc kháng chiến, từ Luân Ðôn (Anh Quốc) là nơi ông đã thành lập chính phủ Pháp Tự Do và lãnh đạo cuộc chiến đánh đuổi Ðức Quốc Xã để giải phóng nước Pháp.

Nhà tôi nghèo. Quê tôi là làng Phú Hữu, ở tận cực Nam của tỉnh Cần Thơ, cách tỉnh lỵ độ 18 cây số. Bên nội tôi sống bằng nghề nông. Trước năm 1945, xã Phú Hữu cũng như tất cả các xã khác, trừ xã tại quận lỵ, chỉ vỏn vẹn có một lớp đồng ấu để dạy trẻ con biết đọc và viết mà thôi. Với hoài bão cho các con ăn học để tương lai được sáng sủa hơn là cứ miệt mài với ruộng vườn quanh năm suốt tháng mà không thoát cảnh nghèo nàn, ba mẹ tôi dời lên ở tỉnh lỵ Cần Thơ, cất nhà sát bên cạnh trường trung học Lộ Mới, tiện cho việc học hành của các con sau này.

Quê tôi nghèo. Bên nội tôi gồm khoảng 50 gia đình thuộc ba bốn thế hệ chia nhau chiếm trọn con Kinh Nhỏ là nơi phát nguồn của Rạch Mái Dầm giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng. Toàn dân trong xã làm ruộng, hết mùa lúa ở quê nhà thì rủ nhau bơi xuồng xuống Ba Xuyên gặt lúa để kiếm thêm chút đỉnh, hoặc bằng tiền hoặc bằng hiện vật là lúa để tăng cường lợi tức thấp kém của mình. Lúc bấy giờ trong nước chỉ làm ruộng một mùa. Người nào siêng năng cần cù thì trồng thêm vài luống khoai hoặc bắp, kiếm thêm thức ăn độn cho gia đình. Nông thôn ta lúc bất giờ chưa biết làm lúa hai mùa hoặc trồng rẫy qui mô để sinh lợi. Sau khi gặt hái, còn lại nửa năm không biết làm gì nên dân làng thường tổ chức cờ bạc và đá gà.

Ðất nước tôi nghèo, nghèo lắm. Hơn 90 phần trăm nhân dân sống lam lũ ở nông thôn. Ngoại trừ một thiểu số làm công chức và nghề tiểu công nghệ hoặc tiểu thương, đa số quần chúng sống trong cảnh nghèo đói theo định nghĩa “nghèo đói” của Liên Hiệp Quốc ngày nay. Nước nghèo lại gặp cảnh thế chiến. Gạo thừa thãi chút đỉnh nhưng xuất cảng không được. Ngoài ra, Pháp và Nhật tung đòn đánh phá nhau về kinh tế gây nạn đói ở Bắc Việt chết hàng triệu người. Có đủ gạo thì ăn cơm, thiếu gạo thì phải độn khoai cho đỡ đói, và đừng mong mua được đồ biến chế ngoại quốc vì các phe lâm chiến phong tỏa khắp các mặt biển và hải trình.

Trong trọn tỉnh lỵ Cần Thơ, tôi chỉ thấy một chiếc xe hơi của chánh tham biện tức tỉnh trưởng người Pháp. Lúc bấy giờ, thế giới chưa có máy lạnh (air conditioner), và máy truyền hình. Tôi cũng chỉ thấy có một tủ lạnh (refrigerator) nơi tư thất của một trong 10 gia đình giàu nhất ở chợ Cần Thơ. Ngoài ra, từ trường trung học cho đến sông Cái Khế, trọn một khu gia cư dọc theo đại lộ Phan Thanh Giản gồm có cả trăm gia đình mà chỉ có nhà ông giáo Chưởng, thầy dạy tôi lớp vỡ lòng tại trường tiểu học tỉnh lỵ, là có một cái máy phát thanh duy nhất. Chiều chủ nhật nào, Lộ Mới cũng đông nghẹt nơi đây vì lối xóm ngồi chiếm nửa mặt lộ trước nhà ông giáo này để nghe Huyền Vũ tường thuật các trận túc cầu quốc tế ở Sài Gòn.

Anh cả của tôi dạy học, lương khoảng 100 đồng bạc Ðông Dương. Một người anh khác làm thợ máy cho Công Chánh, lương khoảng 70 đồng. Từng ấy lợi tức giúp má tôi nuôi một gia đình gồm má tôi và 8 anh em. Cho đến khi học năm thứ ba trung học, tôi vẫn còn mặc bà ba và mang guốc cây để đi học như 90 phần trăm bạn bè cùng trường. Một vài học sinh giàu mới mua sắm được “sơ mi” và quần tây ngắn. Ngay cả giáo sư trung học và các công chức cũng đều mặc quần ngắn, lý do là vì hằng 4, 5 năm kể từ ngày thế chiến bùng nổ, không có nhập cảng hàng vải được nữa. Công tư chức mới mua được một chiếc xe đạp để đi làm và dùng cho mọi cuộc di chuyển khác sau giờ làm việc hoặc cuối tuần. Trong lớp học của tôi chỉ có một học sinh duy nhất là anh Lê Ðình Thêm, em vợ kỹ sư Phan Khắc Sửu (sau cuộc Cách Mạng 1963 và Chỉnh Lý 1964, cụ Sửu đảm nhận vai trò quốc trưởng Việt Nam), mới có xe đạp. Toàn dân mang guốc cuốc bộ. Cho đến đường cát, sữa đặc và diêm quẹt cũng phải đến quận Châu Thành hoặc tòa hành chánh tỉnh xin phiếu mua dùng. Nêu lên một vài cảnh sinh hoạt kinh tế tại tỉnh lỵ mỹ miều Cần Thơ để biết mức độ nghèo khổ của quê hương yêu dấu trước 1945.

Tại tỉnh lỵ thì còn thấy người dân ăn no mặc ấm. Nhưng khi đi sâu vào nông thôn như tôi năm nào cũng sống hai tháng Hè tại quê nội, là nơi mà 90 phần trăm dân ta sinh sống, thì cảnh nghèo khó biến thành bần cùng. Ða số nhân dân ăn mặc rách rưới. Vì không có vải nhập cảng nên đã bắt đầu thấy “vải ta” xuất hiện, mình vải hết sức thô vì được dệt bằng bông vải nội địa và dệt bằng tay theo lối tiểu công nghệ. Nhiều gia đình nghèo không mua nổi vải, phải may quần áo bằng bố tời (loại bao bố chỉ gai màu xám lợt để làm bao đựng lúa hoặc đựng gạo). Chính mắt tôi chứng kiến nhiều gia đình nghèo đến nỗi chỉ mua sắm được có một bộ quần áo, dù là bằng bố tời. Khi có việc phải ra khỏi nhà thì vợ hoặc chồng mới dùng đến bộ quần áo duy nhất đó. Ở thôn quê chí rận nhiều, vì vừa nghèo vừa thiếu điều kiện vệ sinh. Cho nên trước khi mặc quần áo bằng bố thì phải trải trên mặt phản và lấy ve chai loại 1 lít, đè thật mạnh và lăn qua lăn lại để giết chí rận, đè nát lên bọn chúng, tiếng nghe “răng rắc”.Ðó là thực tế đời sống ở miền Nam trước khi thế chiến II chấm dứt. Những mỹ từ thường được dùng như “Hòn Ngọc Viễn Ðông” để ám chỉ Sài Gòn, bao lơn Thái Bình Dương khi nói đến Việt Nam, và “Tây Ðô bên bờ sông Hậu” cũng chỉ nhằm an ủi niềm đau khổ thấp hèn của người dân thuộc địa mà thôi. Có lẽ độc giả thắc mắc tại sao ai cũng nói miền Nam Việt Nam, nhất là miền Tây là một vùng giàu có nhất trong nước, thế mà tại sao tôi lại mô tả đen tối đến thế.

Miền Tây Việt Nam còn được gọi là Hậu Giang chỉ có lúa ruộng. Phần lớn đất đai do người Pháp khai khẩn, như tại Cần Thơ có một số đồn điền người Pháp canh tác ruộng lúa tại những vùng Thới Lai, Cờ Ðỏ và miệt kinh xáng như Kinh Bảy Ngàn. Nếu không ở trong tay của Pháp thì cũng ở trong tay của Hoa Kiều vốn dĩ có nhiều vốn liếng lại còn được hưởng đặc quyền đặc lợi thụ đắc qua các hiệp ước ký kết với triều Thanh trong tinh thần Pháp Hoa lưỡng lợi, chia sẻ miếng mồi thuộc địa. Có một số chủ điền Việt Nam có từ năm, mười cho đến vài trăm mẫu ruộng do hai ba đời cần cù làm lụng tiết kiệm để tậu mãi. Còn lại đa số là tiểu điền chủ có từ một vài sào cho đến một hai mẫu ruộng là cùng. Gặt hái xong được vài chục hoặc vài trăm giạ lúa, một số để dành làm giống cho mùa sau, còn lại để ăn trong năm, thiếu trước hụt sau. Ðại đa số người dân trong xã không có ruộng phải xin thuê ruộng để canh tác, được gọi là tá điền, lại còn nghèo hơn tiểu điền chủ hai ba bậc. Trong đại đa số này có một số khá đông không thuê được ruộng thì đi làm công cho chủ điền, từ công việc cày bừa, gieo cấy cho đến khi gặt hái, được trả “lương chết đói” bằng hiện vật là lúa.

Ðừng đánh giá Hậu Giang giàu sang khi nhìn thấy một số đại điền chủ người Việt hoặc Minh Hương (Việt lai Tàu) sinh sống thảnh thơi hoặc khi đọc truyện các công tử Bạc Liêu phung phí tài sản trong đó có cậu Ba Qui con của một đại điền chủ giàu khét tiếng miền Tây, mỗi cuối tuần tự lái máy bay riêng lên Sài Gòn khiêu vũ trác táng với gái “hạng sang” tột bực, đến chiều Thứ Hai mới lái về nhà. Do đó, mỗi chiều Thứ Hai, trẻ con chúng tôi ở Lộ Mới thường tụ tập để đón xem máy bay của “Cậu Ba” bay ngang tỉnh lỵ, trên đường về Bạc Liêu.

Trong thời gian thế chiến II, Toàn Quyền Pháp tại Ðông Dương không theo đường lối của nước Pháp Tự Do do De Gaulle lãnh đạo, mà lại nghiêng về chính Phủ Vichy, tức là chính phủ hợp tác với phe Trục (Ðức/Ý/Nhật) ngỡ mong được Nhật Bản để yên. Hy vọng này trở nên hão huyền vì ngày 9 Tháng Ba 1945, Nhật Bản đảo chính Ðông Dương để làm bàn đạp tiến chiếm Mã Lai và Singapore. Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời, rồi tiếp đến “Cách Mạng Mùa Thu”, Hoàng Ðế Bảo Ðại thoái vị để làm công dân một nước độc lập. Từ trước năm 1944, đảng Cộng Sản Ðông Dương, với một số cán bộ nòng cốt được huấn luyện tại Moscow về đấu tranh giai cấp và cách mạng lật đổ chính quyền, đã biết lợi dụng thời cơ tổ chức kháng chiến đánh phá Nhật Bản, mục đích là mua lòng Trung Hoa và Hoa Kỳ để được viện trợ vũ khí của hai nước này hầu phát triển lực lượng võ trang của họ. Cộng Sản đã lấn lướt các phe phái Quốc Gia trên bình diện chính trị và ngoại giao.

Về nội bộ thì Cộng Sản sẵn có cái vốn kỹ thuật sách động quần chúng đấu tranh nên đã chiếm ưu thế lãnh đạo trong các tổ chức cứu quốc như Ủy Ban Giải Phóng Dân Tộc và sau đó là Cộng Sản liên minh với Việt Nam Cách Mệnh Ðồng Minh Hội của Nguyễn Hải Thần, Quốc Dân Ðảng của Vũ Hồng Khanh và Ðại Việt Dân Chính của Nguyễn Tường Tam. Ðến khi Nhật Bản đầu hàng và chánh phủ Trần Trọng Kim từ chức, thì thời thế đã chín muồi cho Cộng Sản Hồ Chí Minh phát động quần chúng biểu tình áp lực Bảo Ðại và dư luận toàn quốc phải để cho Việt Minh thành lập chính phủ. Cộng Sản vừa có kế hoạch, vừa có cán bộ cuồng nhiệt và liều lĩnh để thực thi kế hoạch, nên ngày 17 Tháng Tám 1945, bọn chúng đã biến cuộc biểu tình tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, thay vì để ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim, thành ủng hộ Việt Minh và bất thần cho cán bộ đến chiếm Tòa Công Sứ một cách dễ dàng.

Tại Sài Gòn cũng vậy, trong lúc cán bộ Cộng Sản do Moscow đào tạo Trần Văn Giàu thuyết phục Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất gồm có Ðại Việt, Cao Ðài và Hòa Hảo gia nhập VNÐLÐMH để giải phóng đất nước thì được tin Bảo Ðại mời Việt Minh thành lập chính phủ. Do đó mà Mặt Trận tuyên bố giải tán để trở thành Ủy Ban Lâm Thời Nam Bộ do Trần Văn Giàu cầm đầu. Cứ như thế mà Cộng Sản nhờ núp dưới chiêu bài Việt Minh kháng chiến mà lần lượt tiếm thâu quyền hành từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn và các tỉnh trong toàn quốc. Tại Nam Kỳ, lúc bấy giờ Phật Giáo Hòa Hảo do Ðức Thầy Huỳnh Phú Sổ sáng lập thu hút hàng triệu tín đồ. PGHH chủ trương “hành Ðạo giúp Ðời” và đặt Ân Ðất Nước lên hàng đầu trong Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Do đó các tôn giáo khác, các chánh đảng và đoàn thể yêu nước qui tụ lại thành Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp do Ðức Thầy lãnh đạo với sứ mệnh đánh đuổi Pháp để tranh thủ độc lập cho nước nhà.

Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ của Việt Minh là đảng viên Cộng Sản Trần Văn Giàu lo ngại uy thế của Ðức Thầy và Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp. Sẵn dịp ngày 8 Tháng Chín năm 1945, lãnh tụ PGHH Năm Lửa ở miền Tây tổ chức biểu tình hàng ngàn người tại Cần Thơ để kêu gọi nhân dân ủng hộ chính phủ Việt Minh và yêu cầu võ trang quần chúng để chống xâm lăng, Trần Văn Giàu chụp mũ Hòa Hảo nổi loạn để đàn áp cuộc biểu tình và bắt giữ một số tín đồ PGHH, mặc dù cuộc biểu tình đã được thông báo trước cho nhà cầm quyền địa phương. Ngày hôm sau, tức ngày 9 Tháng Chín, Trần Văn Giàu cho Quốc Gia Tự Vệ Cuộc bao vây trụ sở PGHH tại Sài Gòn để lùng bắt Ðức Thầy nhưng Ðức Thầy thoát nạn.

Thế Chiến Thứ II vừa chấm dứt thì chính phủ Pháp do De Gaulle lãnh đạo mang quân qua tái chiếm thuộc địa cũ là Nam Kỳ. Tuy Việt Minh chưa ra lệnh “Tiêu thổ kháng chiến”, nhưng chỉ thị dân chúng thi hành chánh sách “Vườn không nhà trống”, bỏ trống thành thị tản cư về quê. Quân đội Pháp sau khi chiếm xong Sài Gòn, đang chuẩn bị tiến đánh các tỉnh. Trước khi chiến cuộc lan tràn đến tỉnh nhà, mẹ tôi hướng dẫn trọn gia đình di tản bằng đường thủy về quê ngoại tại quận lỵ Tam Bình thuộc tỉnh Vĩnh Long. Gia đình chúng tôi chỉ kịp mang theo quần áo và mùng mền, bỏ lại tất cả tài sản, khóa cửa nhà lại để xuống ghe từ chợ Cần Thơ theo sông Cửu Long xuôi miền Nam đến Trà Ôn rồi nương theo kinh đào đến quận Tam Bình. Ghe vừa đến ngang quận lỵ thì thấy dân chúng tập họp đông đảo khác thường tại cầu tàu. Ðến khi lại gần thì chứng kiến một cảnh tượng hãi hùng. Trên cầu tàu, một người tuổi độ tứ tuần bị lột áo để mình trần, đang bị cán bộ Cộng Sản hành quyết bằng cách mổ bụng vì tội đàn áp phong trào “Nam Kỳ Khởi Nghĩa” của Cộng Sản trước đó vài năm. Nạn nhân là một cựu chánh tổng trước kia có cộng tác với cơ quan an ninh của chính quyền Pháp ruồng bắt cán bộ Cộng Sản tổ chức khá đông tại Tam Bình. Một hai tuần sau đó, tôi có dịp chứng kiến một loạt hành quyết khác tại các xã xung quanh quận lỵ. Khác với lần đầu mổ bụng, các lần sau Cộng Sản chặt đầu các nạn nhơn bằng mã tấu. Thì ra, thay vì dùng súng, Cộng Sản cố tình dùng những phương pháp rùng rợn hơn như chặt đầu và mổ bụng moi gan để gây khiếp đảm và khủng bố tinh thần dân chúng.

Tạm trú tại Tam Bình độ một tháng thì được tin quân đội Pháp tiến đánh Vĩnh Long nên gia đình tôi lại phải xuống ghe đi qua xã Phú Hữu phía cực Nam của tỉnh Cần Thơ. Gia đình tôi tạm trú tại nhà bà nội tôi ở ấp Kinh Nhỏ. Bà ở một mình trong một căn nhà ba gian, khá lớn. Gian giữa có bàn thờ tổ tiên, cùng một bộ tràng kỷ gõ đen, cẩn ốc xa cừ để tiếp khách. Hai bộ phản bằng ván gõ dầy 1 tấc chiếm phía trước hai gian bìa, còn phía sau thì hai phòng ngủ có cửa gài khóa lại. Phía sau bề ngang rộng ba gian dùng làm kho, sát vách hè có 10 mái đầm (lu cỡ thật lớn ở miền Tây), 5 mái chứa nước mưa để uống quanh năm, 5 mái còn lại đựng lúa giống để gieo mạ mùa lúa tới.

Sở dĩ nhà nội tôi có phần khá hơn bà con trong xóm vì khi sanh tiền, ông nội tôi bao tá được vài chục mẫu ruộng. Sau khi ông qua đời, bà tôi chỉ còn giữ lại ngôi nhà, còn lợi tức cũng chỉ đủ sống đấp đổi qua ngày như đa số bà con nghèo khác. Hai anh tôi mỗi người được Ủy Ban Kháng Hành Tỉnh (Kháng chiến Hành chánh) phát cho hai tháng lương. Mẹ tôi rất tiện tặn vì dự trù có thể tản cư cả năm thì phải lo kinh tế tự túc chớ đâu thể ỷ lại vào hai tháng lương này được. Lớn nhỏ đều đổ ra đồng làm rẫy, hàng ngang hàng dọc. Nào là dọc theo mương thì thả giàn trồng bầu, bí đao, mướp, dưa leo, khổ qua, v.v... Tận dụng các khoảng đất trống xung quanh nhà để trồng các loại đậu xanh, đỏ, đen, cùng bí rợ, và các loại cải trắng, cải xanh, cải rổ, v.v... Ngoài công việc trồng trọt, còn phải nghĩ đến thịt, cá để tăng cường dinh dưỡng. Tôi và người anh thứ tư của tôi tổ chức giăng câu, thả chà dưới sông, đặt lọp, lưới cá, mò tôm, v.v... Các em nhỏ tôi thì chăn nuôi, săn sóc các bầy gà vịt, lượm trứng, cho ấp nở các bầy khác, Gia đình chúng tôi ít được dùng gà vịt vì phải dành để đổi lấy gạo, đường, nước mắm, và các loại vật dụng khác mỗi khi có “ghe hàng” thổi “tù và” báo cho đồng bào trong xóm đến đổi chác cho nhanh vì ghe còn phải qua các làng khác.

Chỉ tại vùng đồng bằng Cửu Long ở miền Tây là câu tục ngữ “trời sinh voi sinh cỏ” có ý nghĩa nhất. Ðừng có lo. Ðến mùa mưa lúa lớn mạnh như thổi, cùng với tôm cá sinh sản tràn đồng. Kịp đến ruộng khô không còn tôm cá nữa thì đến mùa lúa chín, là mùa chim và chuột ăn lúa chín mập tròn. Còn rắn thì nhờ bắt được nhiều chuột hơn trước nên cũng to béo hẳn lên. Chim thì “rô-ti”, rắn thì nấu cháo đậu xanh. Thịt chim hay rắn đều có thể bầm nhỏ xào củ hành xúc bánh tráng, lớn nhỏ đều ưa thích. Chuột thì thui rồi lột da, vứt bỏ đồ lòng, giữ lại mỡ sa để thắng thành dầu thắp đèn ban đêm. Thân chuột banh ra mập trắng như heo sữa bày bán ở các sạp thịt nhà lồng chợ. Món anh em tôi thích nhất là chuột ướp sả ớt, kẹp nướng than hồng, ăn với cơm trắng và nước mắm tỏi ớt. Tuy nhiên, trong các tháng nước kém, cạn lòi lòng sông, cá tôm hoàn toàn biến mất. Chuột rắn cũng không còn. Nhiều hôm không tìm được gì thì lấy nước mắm kho sệt lại để ăn với rau luộc. Có sống ở nông thôn mới biết nước mình nghèo. Có chia sẻ cọng rau hột muối với nông dân mới thương dân mình nghèo, dân mình đói.

Nguyễn Bá Cẩn

Bài viết khác