Thứ Sáu, 24 Tháng Tám, 2012

Trà Vinh có bún nước lèo

Trà Vinh có bún nước lèo

Có chùa Ông Mẹt ao đào Bà Om

Có đền thờ vía Quan Công

Có đình Long Đức thờ Trần Trung Tiên

Bún Nước Lèo thì đương nhiên rồi vì là món ăn truyền thống của người Việt gốc Miên trãi qua nhiều thế kỷ từ thời Nam Tiến của Chúa Nguyễn. Nhưng người Hoa hiện diện cũng khá đông và họ thường mở tiệm ăn mì, hủ tiếu ăn rất ngon  đặc biệt là Mì Vịt tiềm cọng lớn. Chùa Miên thì rất nhiều và các ông lụt thường đi chân không, nhưng không phải ai cũng tu thật lòng. Nghe ông bà tôi kể lại là thời VNCH, nhiều anh vì muốn trốn lính nên vào chùa tu  Rốt cuộc, đất nước bị rơi vào tay CS  Thật ra tu hú cũng khổ lắm bạn à vì ăn chay rất cực, vì đạo Phật không cho sát sanh nên tối tối họ thường chạy vô TX Trà Vinh để làm một tô mì cho đã thèm  Là người Trà Vinh, thú thật tôi chưa biết Chùa Ông Mẹt ở đâu, Ao Bà Om gì đó, tôi từng gọi là Ao Vuông trước 1975. Vào những trưa hè oi ả, còn gì thú bằng vào Ao Vuông nhảy lên lưng bò ngủ trưa  Vùng đất rộng thênh thang với nhiều ao hồ. Ace nào có kỷ niệm Trà Vinh xin vui lòng kể qua cho ông đi qua, bà đi lại hoài niệm dĩ vãng nha! Thân Ái.

1. Giới thiệu sơ về Trà Vinh (Vĩnh Bình)

Sông Cửu Long nổi tiếng thế giới. Châu thổ sông Cửu Long ai cũng biết, nhưng thường được nhìn qua nét ngoài của Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sa đéc, Cần Thơ. Trong số 9 tỉnh đơm quanh con sông 9 cửa này, chỉ có tỉnh TV là ít ai lưu tâm muốn biết. Lý do chính có lẻ là do trẹo đường, nằm trong ngõ cụt. Thứ hai là người TV ít nói. Và nhiều lý do khác nữa. Nhưng thực ra TV có nhiều đặc điểm gần như tương phản lại những gì nhìn thấy dọc quốc lộ 4 (nay đổi tên là Quốc Lộ 1A). Dù là hòn đảo lớn nhứt nằm giáp biển và được bao bọc bởi 2 nhánh lớn nhứt, Tiền và Hậu, của sông Cửu, nhưng TV không phải là xứ vườn như Vĩnh Long, Sa đéc. Trà Vinh nổi tiếng về ruộng lúa. Vườn cây trái ở đây chỉ trải dài theo 2 sông Cổ Chiên và Bassac hay những nhánh sông lớn. Vạt đất hình cánh cung giềng theo bờ biển Ba Động rừng là nước mặn, chen lẩn những cồn cát nho nhỏ không được phì nhiêu lắm. Hai thế đất nói trên chỉ chiếm phần nhỏ diện tích toàn tỉnh. Còn lại khối lớn nhứt ở giữa như cái nhưn thì toàn là ruộng và giồng. Đây mới chính là nét đặc thù của địa lý TV. Ruộng lúa thì mênh mông, lúa gạo thơm ngon, xứng đáng là 1 trong những bầu sữa của cả nước. Về điểm này TV có nét tương đồng vớiï vùng đất Sóc Trăng hơn. Giồng là hậu thân của cồn cát duyên hải, là vùng đất cao, ít rạch ngòi, ít rừng, nếu có rừng thì toàn là cây cao bóng mát, rậm ri. Du khách khi tới ngưởng cửa tỉnh lỵ sẽ thấy ngay nét rừng dầu sao TV, không ngờ rằng ở vùng đồng ruộng mà lại có rừng như vậy. Vì đất đã thuần và vững chắc từ lâu lắm. Do đó có thể nói TV là vùng đất ổn định, với nếp sống bình lặng nhứt từ ngàn năm về phương diện địa chất, nhân văn và chánh trị. Không có cảnh bể dâu của Oùc Eo, Đồng Tháp Mười, hay đất Mũi, không có cuộc di dân khai hoang ồ ạt từ Đàng Ngoài, vì đã có người định cư từ trước cuộc Nam tiến. Không có chuyện chiến tranh tàn khốc gần diệt chũng như ở Qui Nhơn Nha Trang xưa hay việc tàn sát ở Đồng Nai Đê Ngạn gần hơn trong sử. TV vững như bàn thạch, thoát khỏi hầu hết những thiên tai lẩn nhân tai. Bởi thế, nó không có nét 'Văn minh miệt vườn' như ông Sơn Nam mô tả đâu đó, nhưng có thể mượn chữ mà kêu đây là vùng "Văn minh miệt giồng".

Theo ký ức sót lại từ tuổi học trò, thì ai cũng biết TV là một phần của nhượng địa Tầm-phong-long, cũng như đất Tầm Bôn xưa, do vua chúa Khmer nhường lại. Xin mở ngoặc, Tầm bôn tiếng Khmer có nghỉa là Phương Nam. Tầm phong long, phát âm trại đi của tiếng "Kompong Lươn". Kompong là bải, bến, cảng. Lươn (hay Lượng nói theo Khmer Krộm) thì có nghỉa là thuộc về vua chúa. Quả thật nhánh Tiền giang có lắm bến cảng xứng đáng. Tại Miền Nam, có hàng chục tỉnh còn mang tên Khmer, như Mỹ Tho, Sa đéc, Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau, Châu Đốc chẳng hạn, trong đó có Trà Vinh. Cái tên này đã có trên 6 thế kỷ rồi, gắn liền với huyền thoại về việc xây dựng ngôi chùa xưa mà nay vẫn còn, ngay tỉnh lỵ. Khi đào ao lấy đất làm nền chùa thì bổng thấy tượng Phật trồi lên, thỉnh vô chùa thờ. Phật, tiếng Khmer là Prăh. Cái hồ, cái ao thì kêu là Trapăng. Vùng đất linh thiêng được đặt tên là Prăh-Trapăng. Tức là Ao Phật! Thời Chúa Nguyễn và Gia Long kêu trại ra là Trà-Vang, chỉ lấy tiếng Trapăng, bỏ tiếng Prăh. Tây vô viết phiên âm thành Travinh. Quốc ngữ viết lại thành TràVinh.

Qua bao thăng trầm của lịch sử, tên TV vẫn giữ y (ngoại trừ thời TT N.Đ. Diệm đổi thành Vĩnh Bình). Về hành chánh thì xưa có 9 quận, tới thời quân trị thì vì nhu cầu lập tỉnh mới là Sa Đéc, cắt một phần từ Vĩnh Long ra, rồi cắt một phần Vĩnh Bình bù lại cho VL, nên TV bị mất đi 2 quận trù phú nhất, đó là Trà Ôn và Vũng Liêm. Hiện nay có 7 quận, kể từ Bắc xuống Nam là Cầu Kè, Càng Long, Tiểu Cần, Châu Thành, Cầu Ngang, Trà Cú và Long Toàn (nay gọi Duyên Hải). Lúc trước 75 dân số toàn tỉnh trên 650.000, thuộc tỉnh loại A theo tiêu chuẩn thời đó. Ngày nay, với diện tích 2.368Km2, dân số theo thống kê của chánh quyền đương thời là 1 triệu.

Trước năm 75, ông Huỳnh Minh, cần cù cỡi chiếc xe Mobylette, về các tỉnh thực hiện nhiều cuộc sưu khảo một số tỉnh dù có tính cách cá nhân nhưng đã để lại nhiều cuốn sách thật giá trị. Riêng Tỉnh Vĩnh-Bình thời ấy thì được nhóm chuyên viên biên soạn thành sách tài liệu gọi là Địa phương Chí Tỉnh Vĩnh Bình, mà sau 75 vài vị quan chức CM tỉnh phải công nhận là công phu và giá trị vì nó ghi lại đúng tới 95%. Lâu nay, tập địa phương chí đó chỉ được Cơ quan an ninh giữ riêng, không phổ biến, không hiểu có ẩn ý gì.

2. Đồng Bào Khmer Tại Trà Vinh.

Có nhà báo nào đó hồ đồ bảo rằng TV có người Việt đông nhứt rồi tới ngườ Hoa và sau cùng là người Khmer chiếm thiểu số nhỏ nhứt. Điều này chỉ đúng với riêng tỉnh lỵ (nay gọi là Thị Xã). Đi xuống quân lỵ thì đã thấy khác. Nhìn tổng thể thì tỷ lệ đó hoàn toàn trái ngược lại. Thời Pháp có thống kê nói họ có khoảng 600.000 người. Tôi đã đọc quyển Địa Phương Chí VB, còn nhớ rỏ trong đó ghi người Khmer chiếm hơn 65% dân số toàn tỉnh. Kế đó là người Việt. Còn người Hoa thường thấy nhan nhản ở các cửa tiệm giữa phố chợ, coi xôm tụ vây mà chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Ai chịu bỏ công chạy xe gắn máy về làng thăm dân thì tới đâu cũng sẽ thấy ngay tỷ lệ thật của dân số Khmer, một điều mà khách sẽ hết sức ngạc nhiên khi đi thăm TV lần đầu. Vấn đề khó khăn là lấy những tiêu chuẩn thế nào để làm cuộc thống kê. Cái Họ chánh của người Khmer thường là Kim, Kiên, Thạch, Sơn, Danh, rồi tới vài họ nghe quen quen như lai, đó là Lý, Nhan, Châu, Phương, v.v. (Đặc biệt ở Tây Ninh có người Campuchia thuộc Khmer lơh mang họ Cao, thật đông; lý do là họ chạy qua theo đạo Cao Đài nên Đức Hộ Pháp cho họ mang họ Cao). Thật khó chính xác nếu dùng cái họ để phân chia chũng tộc vì TV có nhiều người lai. Tàu lai Khmer gọi là "đầu gà đít vịt". Còn Việt lai Tàu, Khmer lai Việt nữa. Tỷ số người lai có thể trên 10% lại thường dễ bị phất phơ theo chiều gió. Ví dụ như bị áp lực lý lịch để thăng tiến, cho sở làm hay nhiều lý do khác, nhiều người Khmer phải phải bấm gan khai mình là dân tộc Việt. Do đó con số về đồng bào Khmer cứ giảm dần. Chính vì cái biên giới mơ hồ đó mà ngày nay tỷ lệ đồng bào Khmer thay đổi tùy theo nguồn tin, có tài liệu cho rằng gần 50%, tài liệu khác ghi chỉ có 28 (!?). Đó là vấn đề khách quan cần làm sáng tỏ hơn. Ngoài ra, người ta vẫn còn nuôi nhiều định kiến gây nhiều phân hóa hơn là đoàn kết như thường hô hào. Đã sinh ra và sống trong sóc Khmer và từng lội nhiều trong tỉnh, tôi có vài nhận xét trái với những thành kiến tai hại đó.

a. Trước hết, đồng bào Khmer không hung dữ. Trái lại họ rất hiền hòa, thật thà chân chất, khoan dung và hay làm phước. Họ hiền gấp mấy lần dân quê người Việt. Mở miệng ra là họ niệm Phật.Vì lý do tuyên truyền mà người ta đã từng nói họ hung dữ, có hành động "Cáp Duồnn" rồi thêu dệt ra đủ thứ với ẩn ý chánh trị. "Cáp" là chặt, chém. "Duồnn" là người Việt. Vác dao hay phản rượt chém, chứ không có nghỉa suông là chặt đầu. Giống như mình vác dao phản tầm vong vạc nhọn rượt Tây vậy thôi. Xin đừng nhắc lại vàthổi phồng việc đó để gây thêm mặc cảm cho cả 2 bên. Thật sự đó là phản ứng tự nhiên và cũng vừa phải của thành phần mang mặc cảm truyền kiếp, tổ tiên bị hiếp đáp quá mức bởi quan "Vương", vua chúa Việt Nam, nhứt là từ thời Thiệu Trị, Tự Đức.

b. Thứ hai là xin đừng nghỉ là họ nghèo, bần cùng cơ cực. Điều này được thổi phồng theo cái gọi là "Sàigòn phồn vinh giã tạo" với dụng ý gì đó. Sự thật, họ là điền chủ cha truyền con nối. Nhà cửa cao ráo khang trang chớ không lụp sụp như nhiều người tưởng. Không bao giờ có cảnh điền chủ tá điền trong kịch tuồng hay tiểu thuyết tuyên truyền nghe đến nhàm tai, mà họ sống rất hài hòa trong tình tương thân tương trợ cao nhất nước Việt Nam. Tôi sẽ nói rỏ hơn ở phần sau. Chỉ sau này, vì việc tái phân phối rồi tới tập thể hóa đất ruộng, họ bị mất đất, thì một số người mới lâm cảnh lầm than. Tuy nhiên, họ vẫn không đói, cơm vun chén ngày hai bữa như tự ngàn xưa. Nói họ nghèo thì chẳng khác nào bảo Sàigòn thiếu chén ăn cơm. Nghèo thì có tiền đâu cất và tu bổ cho mấy trăm ngôi chùa đẹp nhứt nước như vậy?

c. Thứ ba là đừng cho là họ kém thông minh, dốt nát ít học, coi họ như dân tộc ít người giống như một số nhóm khác vùng núi. Kêu họ là dân tộc ít người là đào thêm mặc cảm đã chôn sâu trong ký ức. Tôi thấy mình nên kêu là Đồng bào Khmer, hoặc Người Việt gốc Khmer, vì "Dân Tộc" Việt Nam nói chung có rất nhiều "sắc dân", như Mường, Thái, Bahnar, Rhadê, Eâđe, Sêđang, Chàm, Hoa và Khmer. Tất cả các sắc dân đó gộp lại là đồng bào, là Dân Tộc Việt. Còn tiếng "Dân tộc Kinh" là gì? Chắc phải cần nghiên cứu lại cho tường tận hơn vấn đề phức tạp này. Về đồng bào Khmer, dầu gì thì cái gene của con cháu những vị lập nên Angkor Wott cũng còn ít nhiều trong dòng máu họ, cho nên sự thông minh của họ cũng cần đánh cho khoa học và khách quan hơn. Trong thực tế, đã từng thấy thời Quốc Vương Sihanouk, nhiều vị từ Trà Vinh đã qua Nam Vang làm việc ở cấp Trung Ương, làm tới Thủ Tướng, Bộ Trưởng. Những tên tuổi như Sơn Ngọc Thành, Sơn Sann, Sơn ngọc Minh, Iêng Srêy, v.v… đã vượt biên giới. Còn những vị khác cũng danh vang một thời tronh tỉnh như Thạch lang Sa, Châu tử Liên, Kiên Chăng, Kim Mouny, Phương văn Nhơn vân vân, từng là dân biểu, sỹ quan cấp tá làm đầu tỉnh, đầu quận và nghị viên thời trước.

d. Thứ tư là đừng tưởng tượng "sóc" đồng dạng với buôn trên cao nguyên. Sóc do tiếng Sróc mà ra. Có nhiều nghỉa lắm, là lảnh thổ, là xứ, là xóm.v.v.tùy theo chỗ trong câu nói, sróc Khmer là xứ Khmer, Sróc Chênh là xứ Tàu, Sróc Duộnn là xứ Việt, Sróc Khlăng là xứ dữ dằn, v.v.. Ở trong Sróc tức là ở vùng quê. Nhưng "Sóc Khmer" hay sóc Miên dùng ở đây lại có nghỉa khác hơn như vừa nói, nó có nghỉa vùng quê, xóm quê, làng quê mà trong đó có nhiều người Khmer sinh sống. Chưa chắc làng quê Việt đẹp hơn sóc Khmer. Cho nên xin gạt bỏ thành kiến mà đi vô sóc chơi coi ra sao. Tôi từng dẫn một bạn người Quảng Nam về sóc tôi chơi. Ông bạn bật ngữa. Đây là những con giồng dài thăm thẳm với hàng tre thẳng tắp, với con đường cát thênh thang nằm gọn giữa những cánh đồng ruộng lúa mênh mông. Nhà ở khang trang, cách khoảng xa nhau, và ngăn chia bằng những dãy tre xanh mát rượi làm hàng rào, ranh giới giữa vuông này và vuông khác, ngăn nắp qui củ như có tự ngàn năm. Cái lũy tre làng ngoài kia có vẻ gò bó, chật hẹp, nhốt đông gia đình trong đó. Sóc Khmer, cởi mở, thênh thang, không có lủy tre chung và cỗng làng nhốt kín, ai muốn vô ra tùy thích. Ngoài con đường cái xe hơi chạy được, dọc bên trong có nhiều đường mòn ăn thông qua các vuông đất với nhau, ít khi rào lại ban đêm, dành cho xe đạp và xe gắn máy, dân quê tôi gọi là đường trong. Lại còn thêm nhà ở cheo leo giữa đồng, nhà nằm bờ sông, hoặc rải rác đó đây phân tán không vô khuôn như làng cỗ ngoài kia mà sóc vẫn an ninh, thoải mái vô cùng. Miệt vườn cũng có xóm ấp kiểu vậy.

e. Còn nói về hình dạng, dáng vóc con người, thì họ không có bàn chân giao ngón, không đi hai hàng chèng bẹt chữ bát, mặt hơi vun chớ không trẹt, mắt đen to, mi dài mày rậm, gần giống mắt người Aân, chớ không ti hí mắt lươn hay xếch ngược lên trời. Nước da họ thì nâu nâu mà trắng cũng rất nhiều, đẹp sắc xão hơn dân mình. Trước đây nhiều vị ở nơi khác đến Vĩnh Bình làm việc đã mọc rể luôn cũng vì gái Khmer hay gái lai của TV.

Từ cái nhìn nói trên, thấy sóc Khmer thường ở giồng và làm ruộng, còn người Việt ở sông. Đó là nét đặc biệt khác mà có thể giải thích như sau. Vùng đất giồng cao ráo, sạch sẽ, dễ khai thác, dành cho người tới trước. Vùøng đất đó chạy dài từ quận Càng Long, Tiểu Cần, Châu Thành, Cầu Ngang tới Trà Cú. Tóm lại cái khối nhưn ở giữa có nhiều sóc Khmer nhứt. Ngược lại người Việt ở đơm theo sông ngòi và bờ biển. Lý do là mình đến sau, chèo ghe từ xứ Huế xứ Quảng vô, tấp vào bờ biển, bờ sông hoang vắng, rồi ra công khai quang lập ấp, sau đó theo chân quan quân thẩm thấu vô đất liền thành lập phố chợ vây quanh cơ sở hành chánh. Có thể họ gồm có dân tứ chiếng, tướng quân của phe bại trân, nạn nhân của kỳ thị tôn giáo.v.v cho nên những xóm Việt này nhìn kỹ, sẽ thấy có nhiều nét khác nhau về tôn giáo, nghề nghiệp và cả tiếng nói nữa. Dân miệt Cồn nhiều người có giọng nói lai Quảng Nam không biết bao nhiêu đời. Đó là điều lý thú. Vùng sát sông Láng Thé, vùng Câu Quan thì có nhiều người theo Công Giáo. Vùng Mỹ Long chuyên sống nghề đánh cá. Nói tóm, miệt Cồn Ngao, Bến Đáy, Bãi Vàng, Láng Thé, cù lao Long Hòa (cặp sát Cổ Chiên), và miệt Cá lóc, Long Vĩnh, Cầu Quan, Trà ôn (Nằm ven Hậu Giang) là nơi có tỷ lệ người Việt thuần rất cao. Còn cặp ven biển, vùng Long Toàn, là nơi có người Việt thuần túy đông nhất. Thay vì thiên về đồng ruộng như người Khmer, người Việt ở các vùng vừa kể làm nhiều nghề hơn, như làm vườn, đánh cá, làm cũi, làm muối, v.v. Họ phấn đấu và bon chen mạnh hơn, chịu đi học để làm quan làm thầy nhiều hơn, nhân tài phần lớn xuất thân từ vùng đó. Người TV đã từng làm việc cấp trưởng trong Hành Pháp, bộ Trưởng Chánh phủ, cấp trưởng Thượng Viện, Dân biểu Hạ Viện, sỹ quan cấp tướng, chuyên viên, phi hành gia, nghệ sỹ lừng danh, và đặt biệt là nhà Bác Học Nguyễn Đạt Xường tầm vóc hơn gs Bữu Hội mà gia đình ông ở TV vẫn nín khe. (Xin mạn phép kể tên một số người TV: L/S Nguyễn Văn Huyền, L/S N.P.Đại, Tướng Trần thanh Phong, B/S Nguyễn Lưu Viên, Tướng Nguyễn Khánh, D/B Ngô công Đức, Cụ Huỳnh văn Lang, Phi hành gia Trinh, v.v.).Và gần đây, vị cựu Thủ Tướng và Bộ Trưởng Giáo dục & Đào tạo đương thời của Chánh quyền hiện tại cũng là người TV.

Dù gì nhóm người Khmer vẫn ở trên đất của họ từ ngàn xưa mà nay thuộc về lảnh thổ Việt Nam, họ vẫn sống hòa đồng và chịu ảnh hưởng qua lại Việt-Khmer, biến TV có nét đa văn hóa ôn hòa hiếm hoi trên dãy đất hình chữ S. Họ như là bị kẹt lại, bị tách rời với đất mẹ, sống như là người Việt thuần thành rất dễ thương dễ mến. Sự thành lập đất TV và Sóc Trăng xưa có thể là do những vị tiểu vương, bất hòa với triều đình, rồi phân quyền chia đất, là anh hùng tứ chiếng, ra đi với tinh thần phấn đấu và tự lập giống con cháu Chúa Nguyễn. Tuy nhiên họ vẫn giữ cái cốt cách dân tộc Khmer với nét đặc biệt là sùng Đạo Phật. Cứ đến sống với họ, sẽ nghe họ kể, rất nhiều, đặc biệt là về dân tộc Stiêng, Phnộm.v.v thuộc sắc dân thiểu số của Campuchia. Dân Phnộm có phải bị ông Tàu kêu là Phù-Nam, một thời oanh liệt như Champ, nay đã thành thiểu số quá nhỏ đến nỗi nhiều người không biết người Phù Nam ở đâu? Văn hóa xưa của họ đã để lại chuyện Tấm Cám, Thạch Sanh Lý Thông. Quí vị sẽ nghe họ nói tiếng Môn-Khmer, (gốc Mã-lai) mà có học giả cho là có tới 30% tương tự tiếng Việt mình. Họ gọi cái tay là đay, cái chân là chợn, cái nhà là tjạ, cái áo là ạo, cái quần là khô, tóc là xok, nước là tứk, chờ-ni là chỗ này chỗ ni, chờ-nơh là chỗ kia chỗ nớ, v.v. Quí vị sẽ nghe họ gọi tên nhiều địa danh miền Nam mà mình còn giữ. Họ gọi TV là Prăh Trapặng, kêu Châu đốc là Mott Chơrục, hay Chơruộc. Chơ-Rụôc # Châu Đốc. Vùng U minh được họ gọi là Tưk-Khơmau. Tưk là nước, Khơmau hay Khmau là đen. Khơ-Mau # Cà-Mau. Sroc Khlăng # Sóc Trăng. Mệ Sô thành Mỹ Tho. Psa Đec thành Sa Đéc, vân vân. Riêng trong tỉnh TV có hàng trăm thôn xóm có tên Khmer mà người Việt tại đây vẫn trân quý giữ và phát âm trại đi. Đó là tiếng Việt gốc Khmer rất đặc biệt, chỉ TV mới có.

Xin ghi lại sau đây một số địa danh, và thay vì viết chữ hoa, ghi chữ thường cho dễ:

Trà Vinh, trà cú, trà kha,

Trà cuôn, trà sất, trà tro, mặc dồn.

Chầm ca, chăng mật, tầm rôn,

Sâm bua, sóc thác, ô đùng, tầm phương,

Ô trao, ô chít, qui nong,

Ô răng, ô chát, cà tum, lò ngò,

Chong văn, chong bát, chong so,

Phiêu, trà kháo, bắc-sa-ma, nô rè,

Bà dam, trà trót, tha la,

Dàm ray, cà tóc, kỳ la, thị ròn,

Thăm đua, ba tục, cà hom,

La bang, ba sát, xà dần, sóc len.

Hàm giang, ba cụm, nô men...

Người đi, bỏ lại "mình ên" em chờ.

Bài viết khác