Thứ Năm, 11 Tháng Ba, 2021

Manh mối về cổ thành Armageddon trong Kinh Thánh

Manh mối về cổ thành Armageddon trong Kinh Thánh

Công trình nghiên cứu về hầm mộ 3.600 năm tuổi hứa hẹn sẽ cung cấp những phát hiện mới về đô thị cổ của người Canaan, dân tộc tồn tại cách đây hàng ngàn năm ở Trung Đông và thường xuyên được nhắc trong Kinh Thánh.

Nằm cách Haifa khoảng 30 km về hướng nam, tại nơi hiện nay là miền bắc Israel, thành cổ Megiddo của người Canaan không ít lần xuất hiện trong Cựu Ước, cụ thể là Sách Khải Huyền. Megiddo có vị trí vô cùng chiến lược, là tuyến đường huyết mạch cho mọi hoạt động quân sự lẫn thương mại suốt gần 5 thiên niên kỷ, từ năm 3000 trước Công nguyên đến năm 1918. Ở vị trí nhìn xuống thung lũng Jezreel nổi tiếng trong Kinh Thánh, thành cổ này chứng kiến vô số các trận đánh quyết định đóng vai trò thay đổi các luồng chảy của lịch sử. Vì thế nó còn được mệnh danh là Armageddon (bắt nguồn từ cụm từ Har-Megiddo, hoặc “Đồi của Megiddo”), lần đầu tiên xuất hiện trong Sách Khải Huyền, mà theo Kinh Thánh là nơi diễn ra trận chiến cuối cùng giữa thiện và ác để chấm dứt mọi thứ.

Trong trận chiến lâu đời nhất từng được ghi nhận trong lịch sử vùng Cổ Cận Đông (nơi sản sinh những nền văn minh đầu tiên của Trung Đông), tại Megiddo, các đội quân của pharaon Ai Cập Thutmose III đã bao vây thành phố được phòng thủ kiên cố vào nửa đầu thế kỷ 15 trước Công nguyên. Sau 7 tháng trời ròng rã bị vây hãm, cuối cùng thành phố đã đầu hàng trước pharaon, và bị sáp nhập vào đế chế của người trị vì Ai Cập.

Phát hiện bất ngờ

Megiddo (hiện nay là Tell el-Mutesellim) là địa điểm liên tục diễn ra công trình nghiên cứu khoa học trong suốt 115 năm, và dự án quốc tế gần đây nhất được triển khai tại đây từ năm 1994, dưới quyền điều khiển của các chuyên gia Israel Finkelstein và Mario Martin của Đại học Tel Aviv (Israel) và Matthew Adams thuộc Viện Khảo cổ W.F. Albright tại Jerusalem. Trong một mùa khai quật, nhóm chuyên gia tìm thấy một số lượng chưa từng có các đền đài, bao gồm cung điện, đền thờ và tường thành từ thời đồ đồng và đồ sắt (3300-586 trước Công nguyên) tại khu vực được xếp loại Di sản thế giới. Tuy nhiên, điều gây bất ngờ nhất chính là việc tìm thấy một mộ phần chưa từng lộ diện trước đây, có từ giai đoạn sau của thời đại đồ đồng giữa, vào khoảng 1700-1600 trước Công nguyên, khi mà người Canaan ở thành Megiddo đạt được thực lực mạnh nhất và trước khi triều đại cầm quyền sụp đổ dưới sức mạnh của quân đội pharaon Thutmose III.

Có thể nói, những người tham gia dự án khai quật tại đây không hề được chuẩn bị trước về phát hiện quá sức choáng ngợp này. Mọi việc bắt đầu từ một bí ẩn, khi các nhà khảo cổ học lưu ý thấy những vết nứt trên bề mặt tại một khu vực đang đào bới, sát bên các cung điện thời đồ đồng được khai quật vào thập niên 1930. Đất đá dường như rơi xuống một số hốc rỗng hoặc cấu trúc chưa từng thấy trước đó, chuyên gia Adams nhớ lại. Kế đến, vào năm 2016, bằng cách nào đó họ tìm được nguyên nhân đằng sau tình trạng trên: đất đá chảy xuống một hành lang ngầm dẫn đến hầm mộ chôn cất. Tại đây, họ phát hiện được hài cốt của 3 cá nhân chưa từng có dấu hiệu bị chạm đến: một đứa trẻ tuổi từ 8-10; một phụ nữ khoảng giữa 30 tuổi, và một người đàn ông từ 40-60 tuổi. Họ được chôn cất cùng với trang sức vàng bạc, gồm nhẫn, trâm cài, vòng tay và cài áo. Hài cốt người đàn ông còn đeo vòng vàng, đầu đội vương miện cũng bằng vàng. Toàn bộ đồ cổ được tìm thấy bên trong hầm mộ đều cho thấy trình độ chế tác và mỹ thuật cao.

Bên cạnh các dấu hiệu biểu lộ sự giàu sang, các nhà khoa học còn ấn tượng trước vị trí của hầm mộ, nằm sát cung điện hoàng gia của Megiddo. “Chúng ta đang đề cập đến hầm mộ mai táng của những thành viên thuộc giai cấp tinh hoa thời đó”, nhà nghiên cứu Finkelstein kết luận, và nhiều khả năng những người trong mộ có dòng máu hoàng tộc.

Kho tàng gien hiếm gặp

Hiện một cuộc nghiên cứu về gien di truyền được triển khai đối với các hài cốt tìm thấy ở Megiddo, từ nhóm trong ngôi mộ “hoàng gia” cũng như ở những mộ phần bình thường. Nếu thành công, các chuyên gia hy vọng có thể lần đầu tiên xác định được liệu “dân thường” ở thành phố Canaan có cùng nguồn gốc như tầng lớp thượng lưu hay không. Đội ngũ các nhà nghiên cứu đặc biệt tò mò về cội nguồn của tầng lớp cầm quyền Megiddo kể từ khi phát hiện được thư tín ngoại giao giữa họ và Ai Cập vào thế kỷ 14 trước Công nguyên, theo sau cuộc chinh phục của pharaon Thutmosis III. Nội dung công hàm tiết lộ, vào thời đó quốc vương trị vì Megiddo không có tên truyền thống như các bậc vua chúa Canaan khác, mà tên Birydia, theo người Hurri.

Giới học giả từ lâu tin rằng người Hurri, là dân tộc sinh sống theo kiểu du mục trên vùng núi non phía bắc vùng Lưỡng Hà, lộ diện từ thiên niên kỷ thứ tư hoặc thứ ba trước khi bắt đầu định cư. Tuy nhiên, các cuộc khai quật mới tại những thành phố Hurri cho thấy một nền văn hóa phát triển với ngôn ngữ đặc trưng và theo đuổi hệ thống tín ngưỡng có thể đóng vai trò then chốt trong việc hình thành các đô thị và vương quốc đầu tiên của vùng Cận Đông. Kết quả kiểm tra ADN sắp tới ở Megiddo có thể lần đầu tiên tiết lộ vai trò của người Hurri tại các thành thị Canaan.

LING LANG

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art